Blog Post

Cẩm nang chuyển ngàm ống kính

Dec 31, 2016

Trong bài này mình sẽ giới thiệu đến các bạn các nguyên tắc cần biết khi thực hiện việc chuyển ngàm ống kính (lens adaptation), tức là khi bạn muốn sử dụng một ống kính không cùng hệ ngàm với máy ảnh bạn đang dùng.

Trước khi cân nhắc việc bạn có thể sử dụng một ống kính không thuộc hệ thống với máy ảnh bạn đang dùng, bạn cần biết được 4 yếu tố cơ bản sau:

1. Khoảng cách buồng tối (Flange focal distance) của ống kính bạn quan tâm và của máy ảnh bạn đang dùng.

2. Ống kính ban quan tâm có diện tích nhận sáng bao phủ được hết cảm biến máy ảnh của bạn đang dùng không.


3. Bạn có thể điều khiển vòng lấy nét hay khẩu độ của ống kính đó trên máy ảnh của bạn không.


4. Ngàm chuyển có trên thị trường không.


Dưới đây mình sẽ trình bày về yếu tố cơ bản nhất là Khoảng cách buồng tối , các yếu tố còn lại mình sẽ nhắc tới trong phần hướng dẫn.

KHOẢNG CÁCH BUỒNG TỐI (FLANGE FOCAL DISTANCE - FFD)

Khoảng cách buồng tối (FFD) khác nhau giữa máy DSLR và máy không gương lật (Wikipedia)

Khoảng cách buồng tối (FFD) là khoảng cách từ vị trí tiếp xúc của ống kính với thân máy ảnh tính đến mặt phẳng phim hoặc cảm biến.

FFD là giá trị cố định với mỗi máy ảnh và tất cả ống kính sử dụng cho hệ máy ảnh đó. Trên máy ảnh, FFD bằng giá trị khoảng cách từ ngàm trên thân máy cho tới bề mặt phim hoặc cảm biến. Cần lưu ý là FFD khác với khoảng cách từ thấu kính sau tới mặt phẳng cảm biến vì tùy loại ống kính mà thấu kính sau có thể thụt vào trong thân ống kính hoặc nhô ra phía sau ngàm.
Với hệ thống máy SLR/máy chụp phim ngày trước (trừ máy rangefinder), do cần không gian để bố trí gương lật và lăng kính cho ống ngắm quang học nên giá trị FFD thường lớn. Tuy nhiên, các máy ảnh không gương lật (mirrorless) hiện nay đã loại bỏ gương lật nên có thể giảm khoảng cách buồng tối xuống đáng kể. Với khoảng cách FFD ngắn này, lợi thế lớn của máy mirrorless là có thể sử dụng được gần như tất cả các ống kính cổ nếu có thể chế tạo ngàm chuyển để bù khoảng cách chênh lệch giữa hai giá trị FFD. Nếu FFD của ống kính ngắn hơn FFD của máy ảnh thì mặc dù bạn vẫn có thể lấy nét được, bạn chỉ có thể chụp gần mà không thể lấy nét vào điểm ở xa hoặc vô cực được. Chính vì thế, yếu tố quan trọng đầu tiên là bạn cần biết giá trị FFD của ống kính bạn muốn dùng là bao nhiêu và giá trị FFD của máy ảnh bạn đang dùng là bao nhiêu. Giá trị FFD hay Flange này các bạn có thể xem ở bảng tổng hợp bên dưới.

Trong bảng tổng hợp này, mình còn cung cấp giá trị diện tích cảm biến / phim (sensor) của hệ máy tương ứng với mỗi ống kính để các bạn biết ống kính đó có thể sử dụng được hết cảm biến máy ảnh của bạn không. Nói cách khác thì diện tích cảm biến mà một ống kính có thể bao phủ nhỏ hơn diện tích cảm biến máy ảnh của bạn thì ảnh chụp sẽ bị tối góc hoặc thậm chí ảnh sẽ chỉ hiện ở phần trung tâm, còn xung quanh là màu đen. Ngoài ra là số lượng ống kính sử dụng cùng ngàm để các bạn có thể tham khảo về tiềm năng sử dụng từng hệ thống ống kính. Có một số loại ống kính với hệ ngàm đã phát triển từ rất lâu và do nhiều công ty sản xuất hoặc lịch sử phát triển phức tạp nên chưa có con số thống kê chính xác ở đây.

Trong trường hợp thông tin bạn cần không có trong bảng này thì các bạn có thể tham khảo thêm 3 bảng thống kê ở các nguồn sau sẽ có đầy đủ hơn:

Các trường hợp đặc biệt như bạn cần xác định FFD của ống kính cho máy projector, enlarger hay ống kính mất nhãn mác, không rõ nhà sản xuất, bạn có thể xác định FFD bằng cách vặn vòng lấy nét về vô cực (nếu có), đưa ống kính lại gần máy ảnh và ngắm đến khi thấy ảnh nét thì đo khoảng cách từ điểm tận cùng trên thân ống kính tới mặt phẳng cảm biến là có thể xác định tương đối FFD, sau đó dựa vào các nguồn dữ liệu mình cung cấp để xác định ống kính đó cần ngàm chuyển nào.

Bảng thống kê các loại ngàm máy ảnh phổ biến

Tên ngàm Loại máy FFD Cảm biến / Cỡ Film Hệ số crop Số ống fix Số ống zoom
Nikon 1 Mirrorless 17 mm 13.2 x 8.8 mm 2.7x 3 8
C Cine/TV 17.5 mm 8 mm, 16 mm, 1/3", 1/2", 2/3", 1", 4/3" - - -
(Fujifilm) X Mirrorless 17.7 mm APS-C 1.5x 12 11
(Canon) EF-M Mirrorless 18 mm APS-C 1.5x 1 3
(Sony) E Mirrorless 18 mm APS-C 1.5x 6 11
(Sony) FE Mirrorless 18 mm Full frame
1x 6 9
(Sony) FZ Cine 19 mm Super 35 1.5x 0 2
(Leica) L (SL/T) Mirrorless 19 mm APS-C / Full frame 1.5x 3 (APS-C)
1 (FF) 3 (APS-C)
2 (FF)
Micro four third (MFT) Mirrorless 19.3 mm 4/3" 2x 22 17
(Samsung) NX Mirrorless 25.5 mm APS-C 1.5x 5 4
(Leica) M Rangefinder 27.8 mm Full frame 1x - -
LTM/L39 Rangefinder 28.8 mm Full frame 1x - -
(Contax) G Rangefinder 29 mm Full frame 1x 6 1
(Olympus) Pen F (FT) SLR 28.95 mm Half-frame
18 x 24 mm - 16 2
(Olympus) Four third SLR 38.67 mm 4/3" 2x 12 30
(Konica) AR SLR 40.5 mm Full frame 1x 36 16
(Canon) FL SLR 42 mm Full frame 1x
(Canon) FD SLR 42 mm Full frame 1x 107 34
(Canon) EF SLR/DSLR 44 mm Full frame 1x 47 64
(Canon) EF-S DSLR 44 mm APS-C 1.6x 2 9
(Praktica) B (PB) SLR 44 mm Full frame 1x - -
(Sigma) SA DSLR 44 mm APS-C / Full frame 1.5x / 1x - -
(Minolta/Konica Minolta/Sony) A DSLT 44.5 mm Full frame 1x 42+0+17 50+2+13
(Minolta/Konica Minolta/Sony) A DSLT 44.5 mm APS-C 1.5x 0+0+3 0+3+13
(Rollei/Voigtlander) QBM SLR 44.5 mm Full frame 1x - -
Exakta SLR 44.7 mm Full frame 1x - -
(Zenit) M39 SLR 45.2 mm Full frame 1x - -
M42 SLR 45.46 mm Full frame 1x - -
(Pentax) K / PK SLR 45.46 mm Full frame 1x 131 77
(Contax) C/Y SLR 45.5 mm Full frame 1x 24 5
(Olympus) OM SLR 46 mm Full frame 1x 38 14
(Nikon) F SLR/DSLR 46.5 mm APS-C / Full frame 1.5x / 1x - -
(Leica) R SLR 47 mm Full frame 1x - -
(Contax) N SLR 48 mm Full frame 1x 4 5
(Arriflex) B / PL Cine 52 mm - - - -
(Tamron) T SLR 55 mm Full frame 1x - -
(Sigma/Yashica...) YS SLR 55 mm Full frame 1x - -
(Contax) 645 SLR 64 mm Full frame 1x - -
(Pentax) 645 SLR 70.87 mm Medium format (60 x 45 mm) 0.79x - -
(Pentacon) Pentacon Six SLR 74.1 mm Medium format (60 x 60 mm) - - -

Sau khi đã nắm được nguyên tắc quan trọng nhất, mình sẽ hướng dẫn cách xử lý từng vấn đề cho tới khi bạn tìm được cách chuyển ngàm phù hợp.

Về cơ bản, máy ảnh của bạn có FFD ngắn hơn FFD của ống kính thì bạn có thể dùng ngàm chuyển để chuyển ngàm ống kính đó về ngàm dùng cho máy ảnh của bạn. Tuy nhiên không có nghĩa là tất cả ống kính có FFD dài hơn FFD máy ảnh của bạn là bạn chuyển ngàm được và có một số ống kính có FFD ngắn hơn FFD máy ảnh của bạn cũng có thể chuyển ngàm được.

Hiện nay ngàm chuyển có khoảng 10 loại như mình liệt kê ở dưới nhưng về cơ bản thì có 4 loại: ngàm chuyển vật lý thông thường (loại 1, 2, 3, 4), ngàm có mạch điện (loại 5, 6), ngàm phục vụ mục đích đặc biệt (loại 7, 8, 9, 10) và ngàm thay thế ngàm gốc (tạm thời hoặc vĩnh viễn, loại 11).

(1) Ngàm chuyển vật lý thông thường
(2) Ngàm chuyển có lỗ khẩu
(3) Ngàm chuyển lấy nét cận
(4) Ngàm chuyển có thấu kính để bù chênh lệch FFD
(5) Ngàm chuyển có mạch điện (ngàm điều khiển khẩu và AF)
(6) Ngàm chuyển có motor
(7) Ngàm chuyển giảm tiêu cự (focal reducer hay speed booster)
(8) Ngàm chuyển tilt
(9) Ngàm chuyển tilt-shift
(10) Ngàm chuyển có bộ lọc ND
(11) Ngàm chuyển thay thế ngàm gốc (để mod ống kính)

Trong phạm vi bài này mình khó có thể bao quát được hết tất cả các trường hợp nên mình sẽ trình bày theo loại ống kính và khả năng chuyển ngàm cho các hệ máy, còn các trường hợp đặc biệt các bạn có thể để lại lời nhắn ở dưới, mình sẽ cùng các bạn tìm cách giải quyết.

1. Ống kính medium format (Pentacon Six (P6), Pentax 645 (P645), Pentax 67 (P67)...)

Các loại ngàm chuyển cho ống Pentacon Six sang máy Canon DSLR với chức năng thông thường hoặc Shift hoặc Tilt-shift

Do đặc trưng được thiết kế cho hệ máy medium format, các ống kính này đều có kích thước, khối lượng lớn và thường khẩu độ không lớn bằng các ống kính dành cho hệ film/cảm biến nhỏ hơn. Lợi thế là giá trị FFD lớn nên khả năng chuyển sang ngàm các máy cảm biến cỡ nhỏ hơn khá dễ dàng và nếu bạn sở hữu chiếc máy ảnh full frame hay APS-C thì gần như chắc chắn bạn sẽ dùng được các ống kính này. Các loại ngàm chuyển cho các máy Nikon, Pentax, Canon... đều có độ dài khá lớn do chênh lệch FFD nhiều nên ngoài các loại ngàm chuyển thông thường như P6-EOS (từ Pentacon Six sang Canon EOS) bạn có thể lựa chọn cả ngàm tilt (để xoay ống kính theo các góc nghiêng so với mặt phẳng cảm biến) hoặc thậm chí tilt-shift (ngoài chức năng tilt bạn có thể dịch chuyển ống kính theo bề mặt ngang song song với cảm biến, có thể dùng để chỉnh sai lệch các đường chéo khi chụp kiến trúc hay chụp panorama). Do nhu cầu không cao nên 2 loại ngàm đặc biệt tilt và tilt-shift giá thường khá đắt so với ngàm chuyển thông thường. Nếu bạn đang dùng máy mirrorless mà không tìm ra ngàm chuyển trực tiếp, bạn có thể dùng 2 ngàm: medium format sang Canon EOS/Nikon F và Canon EOS/Nikon F sang ngàm máy của bạn.

Contax 645 (ống kính medium format có AF)

Ngàm chuyển ống Contax 645 sang Canon DSLR với chức năng AF của Kipon

Với máy Canon DSLR, hiện nay duy chỉ có Kipon sản xuất được ngàm chuyển có chức năng AF cho ống kính Contax 645 dùng trên máy Canon DSLR, tuy nhiên mức giá cũng rất cao ($ 560). Nếu bạn chỉ cần chỉnh khẩu và lấy nét bằng tay thì có các loại ngàm khác của Trung Quốc có giá rẻ chỉ bằng 1/10.

Với máy Sony E, Fringer có ngàm chuyển AF giúp bạn có thể dùng được chức năng AF của ống kính (cũng có giá rất cao), còn DAOFENG của Trung Quốc có ngàm chuyển giúp bạn chỉnh được khẩu ống kính và chụp ở chế độ ưu tiên khẩu (với giá thấp hơn khá nhiều).

2. Ống kính Contax N (ngàm CN)

Tránh nhầm lẫn với các ống kính Contax G hay Contax Yashica (C/Y), hệ ống kính Contax N được ra đời để dùng cho máy ảnh DSLR full frame đầu tiên trên thế giới do Contax chế tạo (tuy nhiên nó chỉ tồn tại được 1 năm cùng với 9 ống kính sau đó đều bị ngừng sản xuất). Ống kính Contax N có khả năng AF với protocol gần giống Canon DSLR nên mặc dù đã ngừng sản xuất từ lâu, những ống kính này vẫn được chuyển ngàm để dùng trên máy Canon và sau này là máy mirrorless của Sony, Fujifilm X.

Ống kính Contax N Planar T* 85mm f/1.4

Với máy Nikon DSLR, bạn có thể thay ngàm CN sang ngàm F với dịch vụ được cung cấp bởi công ty Leitax. Tuy nhiên phương pháp này chỉ giới hạn được đến chức năng auto metering và bạn không thể dùng AF được.

Với máy Canon DSLR, ống Contax N có thể được chuyển ngàm qua hình thức thay ngàm, được thực hiện bởi công ty Coronus, biến ngàm Contax N thành ngàm Canon EF với đầy đủ chức năng như ống kính Canon.

Với máy Sony ngàm E, giải pháp đơn giản nhất là dùng ngàm chuyển thông thường CN1-NEX có lỗ khẩu (iris) do Kipon cung cấp (không có AF). Lưu ý là ngàm CN và CN1 giống nhau dù nó thuộc hệ máy Contax N và Contax N1. Nếu bạn muốn có AF thì bạn có thể dùng ngàm chuyển AF do Fringer chế tạo.

Với máy Fujifilm X, ngàm AF cho ống kính Contax N đang được Fringer chế tạo và khả năng sẽ ra mắt vào năm 2017.

Với máy Micro Four Thirds (MFT), lựa chọn duy nhất là dùng ngàm vật lý thông thường với lỗ khẩu có thể tùy chỉnh (Kipon, Fotodiox).

Ngàm chuyển ống Contax N sang Sony E (MF) với vòng khẩu có sẵn

3. Ống kính Leica R (ngàm R hay L/R)

Ống kính Leica ngàm R được sử dụng trên các máy Leicaflex, Leicaflex SL và Leicaflex SL2. Các ống kính này đã ngừng sản xuất từ năm 2005 tuy nhiên vẫn còn khá phổ biến do FFD lớn, dễ sử dụng trên các hệ máy khác và chất lượng quang học tốt.

Ngàm chuyển ống Leica R sang Nikon F của KFConcept

Với máy Nikon DSLR (ngàm F): do có FFD chỉ kém Leica R đúng 0.5 mm nên vốn gần như không thể chế tạo được ngàm chuyển vật lý để đảm bảo cho ống Leica vẫn có thể lấy nét tới vô cực trên máy Nikon. Trước đây, loại ngàm duy nhất bạn có thể chọn là ngàm có thấu kính để giúp ống kính vẫn lấy nét được tại vô cực, tuy nhiên làm giảm chất lượng hình ảnh. Tuy nhiên gần đây công nghệ chế tạo đã cho phép một số nhà sản xuất Trung Quốc chế tạo ngàm chuyển với độ dày chính xác (như hình bên của K&FConcept). Bạn cũng có thể lựa chọn loại ngàm có thêm chân tiếp xúc để máy có thể xác nhận nét khi bạn lấy nét bằng tay (bằng chấm xanh hiện ở góc màn hình khi đạt đúng nét).
Với các hệ máy còn lại, các ngàm chuyển vật lý hiện nay đều có sẵn và cũng giống như máy Nikon, bạn có thể chọn loại có chip gắn vào đuôi ngàm để báo nét trên máy Canon DSLR hay Olympus Four third. Nếu bạn đang dùng ống kính tele to nặng thì tốt nhất nên mua loại ngàm có chân đế để gắn lên tripod.

4. Ống kính Nikon (ngàm F)

Ống kính Nikon có một đặc điểm đặc trưng là dù được phát triển qua một thòi gian rất dài, gần hết các hệ máy của Nikon đều dùng chung một loại ngàm là ngàm F, tuy nhiên đặc điểm các ống kính khác nhau như ống MF/AF, ống P/Ai/AiS, ống D/G, ống AF/AF-S nên bạn cần hiểu các đặc điểm này trước khi thực hiện chuyển ngàm.

Ngàm Nikon F của ống kính AF-S NIKKOR 50mm f/1.4 G

Các ống kính MF của Nikon bạn có thể nhận ra bằng việc kiểm tra xem ở chân ngàm có điểm tiếp xúc điện không vì nó chỉ dùng để phục vụ ống có AF. Các ống MF phổ biến của Nikon có ống Non-AI (NAI), AI, AI-S và các ống AF hiện nay của Nikon đều dựa trên thiết kế của ống Ai-S nên căn bản đều là một. Việc phân biệt các loại ống kính này chỉ có giá trị với người sử dụng máy Nikon phim hoặc DSLR do khả năng / cơ chế đo sáng của các ống này khác nhau, còn không khác biệt với người dùng máy các hãng khác ngoài chỉ thị cho thời gian sản xuất ống kính đó. Với các máy DSLR của Nikon đời D3XXX hay D5XXX thì NAI hay AI, AI-S đều không thể dùng đo sáng được dù vẫn có thể chụp được bình thường, còn từ đời D7XXX trở lên thì ống AI, AI-S có thể dùng được đo sáng ở chế độ A hoặc M.

Ống AFAF-S : ống AF sử dụng motor điều khiển AF trên thân máy thông qua một con vít nằm ở chân ngàm (hình bên) nên máy ảnh nào không có motor điều khiển ống kính thì không dùng được chức năng AF, còn ống AF-S (AF Silent wave motor) có motor điều khiển lấy nét ngay trong thân ống kính nên có thể sử dụng AF trên tất cả máy ảnh của Nikon hoặc có thể AF qua ngàm chuyển để dùng trên máy ảnh của hãng khác.

Ngàm Nikon AF với vít điều khiển

Ống AF-G (G được Ken Rockwell giải nghĩa là gelded, nghĩa là bị thiến) hay ống G của Nikon không có vòng chỉnh khẩu mà khẩu độ được chỉnh qua máy ảnh. Đây cũng là hạn chế nếu bạn muốn sử dụng ống G trên máy khác vì bạn sẽ không chỉnh được khẩu nếu không điều khiển ống kính bằng điện được. Ống kính G có thể nhận ra bằng ký hiệu G ở tên ống kính hoặc khi bạn không nhìn thấy vòng chỉnh khẩu vật lý trên thân ống kính.

Ống Nikon thiết kế cho cảm biến APS-C được ký hiệu là DX còn ống kính full frame là FX . Bạn có thể phân biệt được bằng việc có ký hiệu DX trên tên của ống kính hay không. Máy DX dùng được tất cả ống kính của Nikon nhưng máy FX chỉ dùng được ống FX hoặc nếu là ống DX thì phải ở crop mode để cắt phần tối quanh ảnh.

Ngàm chuyển ống Nikon G với lẫy chỉnh khẩu để dùng trên máy Canon EOS

Với máy Pentax, do khác biệt FFD quá nhỏ (dưới 1.04 mm) nên hiện nay chưa có ngàm chuyển nào có thể giúp người dùng Pentax lấy nét được tới vô cùng với ống Nikon mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng ảnh. Các ngàm vật lý hiện nay chỉ cho phép chụp macro hoặc sử dụng thấu kính chữa cận, nhưng làm giảm chất lượng ảnh.
Với máy Canon DSLR, các ngàm vật lý hiện nay rất sẵn nhưng bạn nên lưu ý dùng ngàm Ai(G) có thêm một cái lẫy để bạn chỉnh được khẩu ống kính. Mặc dù không chỉnh được khẩu ống kính Nikon G ngay trên máy, bạn hoàn toàn có thể chỉnh bằng tay. Các ngàm chỉ hỗ trợ ống có vòng khẩu thì thường rẻ hơn và không có phần lẫy này. Lưu ý là nếu bạn gặp ống Nikon AF-P thì không có cách nào bạn dùng trên máy Canon được vì ống kính này lấy nét bằng mạch điện (focus by wire), chỉ điều khiển được khi máy ảnh ở trạng thái thức. Ống Nikon DX (APS-C) chỉ phù hợp với máy Canon APS-C hoặc máy full frame có độ phân giải cao như 5DS.

Nguyên tắc trên được áp dụng với các hệ máy có FFD bằng hoặc nhỏ hơn Canon, nếu bạn dùng ống kính G thì cần để ý xem ngàm chuyển có lẫy hoặc vòng chỉnh khẩu không. Với các máy có khoảng cách FFD so với Nikon đủ lớn thì các bạn có thêm lựa chọn là ngàm có lỗ khẩu giúp bạn có thể chỉnh khẩu độ bên ngoài ống kính (tuy nhiên cách này dễ gây tối góc). Nhờ khoảng cách lớn này, bạn cũng có thể lựa chọn ngàm tilt / tilt-shift cho ống Nikon trên các máy mirrorless hiện nay (do Kipon sản xuất).

Ngàm chuyển AF ống Nikon sang Sony E của Commlite

Riêng đối với Sony E, Commlite, Vello và Fotodiox đã chế tạo được ngàm AF cho phép bạn dùng gần như toàn bộ chức năng các ống AF của Nikon trên máy Sony E ($ 335), tuy nhiên gần đây đã có báo cáo là ngàm Fotodiox có thể làm hỏng máy nên tạm thời bạn nên tránh dùng ngàm này.

5. Ống kính Olympus (ngàm OM, FT và 4/3)

Olympus là hãng đi tiên phong trong việc sản xuất những hệ máy ... lạ. Ngoài hệ máy DSLR như thông thường (OM), Olympus còn có hệ máy half-frame (Pen F, có cỡ film bằng nửa film 35 mm thông thường để chụp theo format chân dung) và máy cùng với Panasonic sản xuất hệ máy 4/3 (có cỡ film, cảm biến 4 x 3 inch hay 18 mm × 13.5 mm) và hiện nay là máy mirrorless micro four thirds (MFT) có cùng kích cỡ cảm biến với hệ máy 4/3. Vì thế nên khi nghĩ đến việc chuyển ngàm ống kính Olympus, bạn cần xác định ống kính đó thuộc hệ máy nào.

Vòng chuyển ống kính Olympus OM sang ngàm Nikon

Ống Olympus Zuiko OM có thể dùng trên các máy có FFD từ Nikon trở xuống (trừ Pentax). Trường hợp bạn đang dùng máy Nikon thì hiện nay đã có ngàm thay thế ngàm OM bạn có thể tự thay và chuyển ngàm OM sang ngàm F được (như hình bên trái). Với các máy khác như Canon DSLR hay các máy mirrorless thì ngàm chuyển vật lý thông thường hiện nay rất sẵn.

Ống Pen-F (thường được ký hiệu là PenF) được thiết kế cho các máy half frame của Olympus (bạn cần tránh nhầm lẫn với máy MFT Pen-F hiện đang sản xuất) là hệ máy duy nhất chỉ Olympus có. Mặc dù có thể bao phủ cảm biến có 1 cạnh 35mm giống như cảm biến full frame, cạnh còn lại của phim máy Pen-F, FT, FV chỉ bằng một nửa nên ống kính loại này không dùng được cho máy ảnh full frame mà chỉ phù hợp với máy có cảm biến từ APS-C trở xuống. Bạn có thể tìm ngàm chuyển dễ dàng bằng cách tìm từ khóa PenF-EOS, PenF-FX, PenF-m4/3, PenF-NEX...

Ngàm chuyển ống 4/3 sang m4/3 MMF3 của Olympus

Ống Four third hay 4/3 là các ống kính AF dùng cho máy DSLR với cảm biến 4/3 nên những ống này chỉ có thể dùng cho máy 4/3 hoặc m4/3 (MFT). Ngàm chuyển chính hãng từ 4/3 sang m4/3 đều là các ngàm chuyển AF, cho phép bạn lấy nét tự động được trên máy m4/3, tuy nhiên tốc độ AF còn tùy thuộc ống kính bạn dùng là gì. Hiện nay có 1 ngàm chuyển của Panasonic (DMW-MA1) và 3 ngàm chuyển của Olympus (MMF-1, MMF-2, MMF-3) trong đó ngàm DMW-MA1 tương đương MMF-1, ngàm MMF-2 có chất lượng tốt hơn MMF-1 một chút và MMF-3 là ngàm phát triển gần đây nhất với weather seal. Gần đây hãng Yongnuo của Trung Quốc đã phát triển bản copy của MMF-3 với giá rẻ hơn và ngoài ra là các ngàm chuyển vật lý đơn thuần (không có AF hay chỉnh khẩu) cũng được các nhà sản xuất Trung Quốc bán hàng loạt.

6. Ống kính Pentax (ngàm K hay PK)

Cũng giống như Nikon, Pentax sử dụng ngàm K hay còn gọi là PK cho tất cả các hệ máy của mình trừ medium format (Pentax 645D, 645Z), mặc dù có đôi chút thay đổi ở chi tiết ở các thế hệ máy về sau. Các máy ảnh có FFD từ Canon trở xuống đều có thể dùng ống ngàm K bình thường, tuy nhiên cần lưu ý một số điểm như sau:

Các ống MF (SMC Pentax, SMC Pentax-M, SMC Pentax-A) và các ống hiện đại AF có ký hiệu FA có thể dùng với máy full frame, còn các ống có ký hiệu DA là dùng cho máy APS-C. Nhiều ống kính AF mới của Pentax không có vòng chỉnh khẩu nên mặc dù bạn có thể lấy nét bằng tay trên các máy khác, bạn sẽ phải chụp ở khẩu lớn nhất.

Ngàm Pentax K với cần gạt nhô ra có thể chạm gương máy Canon DSLR

Với máy Canon DSLR dùng cảm biến APS-C, qua ngàm chuyển vật lý thông thường, các ống SLR của Pentax hoạt động tốt, nhưng với nhiều máy full frame, do kích thước kính lật lớn nên phần cần gạt và miếng chắn ở đuôi ống kính Pentax sẽ chạm vào kính khi chụp nên muốn dùng được bạn chỉ có cách cắt bỏ 2 phần nhô ra này (như trong hình bên phải). Mặc dù ống kính bị cắt bỏ 2 phần này vẫn có thể hoạt động trên máy Pentax nhưng giá trị sẽ bị giảm rất nhiều.

Ngàm K còn được nhiều hãng khác chế tạo để dùng cho máy Pentax, như Takumar, Sigma, Revuenon, Tamron ... nên số lượng ống kính dùng ngàm K rất nhiều. Nếu bạn dùng máy mirrorless thì ngàm chuyển vật lý hiện nay cũng rất sẵn, trừ trường hợp các ống DA, FA bạn phải chấp nhận không chỉnh được khẩu độ như ở trên mình đã nói.

7. Ống kính M42 và M39

Ngàm ren vặn M42 của ống kính Helios 44 58mm f/2

Hay còn gọi là ống ren xoay vặn. Đây là loại ngàm được thiết kế rất đơn giản ở dạng ren có thể xoay để tháo ra, lắp vào. M42 và M39 thực chất là chỉ đường kính của ngàm (42 mm và 39 mm). Có rất nhiều hãng đã từng chế tạo ống kính ngàm M42 nhưng ngàm M39 chủ yếu là các máy SLR cũ của Nga (thường là các ống màu bạc). Ngàm M39 này cần phân biệt với ngàm L39 hay LTM của Leica mà đôi khi vẫn bị ghi nhầm là M39 vì mặc dù phần đuôi ngàm rất giống nhau, ngàm LTM có FDD ngắn hơn M39 rất nhiều. Như trong minh họa ở hình dưới, ống Industar-50 ở trên là ngàm Leica LTM thì bạn chỉ cần 1 ngàm chuyển LTM-NEX là có thể dùng được trên máy Sony E. Ống kính Industar-50 màu đen ở dưới do Zenit (Nga) sản xuất thì là ngàm M39. Do nhu cầu không cao nên thường bạn sẽ không tìm ra ngàm chuyển thẳng từ M39 sang ngàm máy ảnh của bạn mà bạn phải mua một vòng ren (ring) để chuyển M39 sang M42, sau đó dùng ống kính trên ngàm chuyển từ M42 sang ngàm máy bạn đang dùng. Lưu ý là bạn nên mua vòng chuyển M39-M42 bằng kim loại vì nếu dùng loại plastic, có khả năng cao là vòng sẽ vỡ khi bạn vặn ra vặn vào hoặc làm kẹt ống kính. Để phân biệt thì ngàm LTM thì không dày như ngàm M39.

Phân biệt ngàm L39/M39/LTM của máy rangefinder (hình trên) với ngàm M39 của Nga (dưới)

Một số ống kính M39/M42 (như các ống Helios) khi dùng trên máy Canon DSLR full frame sẽ bị chạm phải gương khi bạn lấy nét ở vô cực, do phần thấu kính sau nhô ra về phía cảm biến. Ngoài ra, do cấu tạo ren xoay vặn nên các ngàm M42 thường có 2 loại là flange và no flange, tức là có hoặc không có phần giới hạn ren ở tận cùng của ngàm (như trong hình dưới). Mục đích của flange là để giới hạn chuyển động của ống kính (do cấu tạo ren nên nó có thể thụt sâu vào trong máy) và với ống kính có ngạnh kim loại (pin) nhô ra dùng cho việc điều khiển khẩu thì flange sẽ đẩy cái ngạnh này vào trong ống kính khiến nó có thể điều chỉnh được khẩu độ trên ống. Đây là các ống kính sử dụng chế độ A (trên ống có cần gạt A/M) để dùng cho các máy đo sáng và chỉnh khẩu tự động. Chỉ khi ngạnh kim loại bị nén xuống thì người dùng mới có thể dùng ở chế độ M, còn nếu không thì ống sẽ luôn mở. Nếu bạn dùng ngàm không có flange mà ống kính A/M thì tốt nhất là dùng keo 502 gá chặt cái ngạnh vào ống kính, không cho nó nhô ra. Một số ống kính phần ngạnh này có thể chạm vào gương máy DSLR nên bạn cần lưu ý.

Ngàm chuyển cho ống kính M42 sang Canon EOS có flange (trái) và phần ngạnh nhô ra ở một số ống kính M42

Với máy Nikon DSLR, không có cách nào để dùng ống M42/M39 có thể lấy nét tới vô cực ngoài cách thay (mod) ngàm sang Nikon F. Các ngàm có thấu kính để đạt nét tại vô cực thì không nên dùng vì chất lượng ảnh bị giảm đáng kể.

Với máy Pentax (FFD bằng M42), trên thị trường có vòng chuyển cho ống M42 có phần đáy rất mỏng, tuy nhiên ngàm này cần đặt thẳng vào ngàm trên máy ảnh và nhiều khi rất khó để gỡ ra.

Với các máy không gương lật, ngàm chuyển từ M42 rất sẵn, thậm chí cả các ngàm tilt/tilt-shift cũng có. Nhờ cấu tạo có thể xoay vặn nên có một mẹo nhỏ để lấy nét gần là bạn có thể xoay nhẹ ống kính lỏng ra cho nó tiến xa hơn khoảng cách tới cảm biến và bạn có thể chụp gần hơn một chút.

8. Ống kính ngàm A (Minolta, Konica Minolta, Sony)

Ống kính ngàm A được thiết kế bởi Minolta dành cho hệ máy có AF và không tương thích với các ống ngàm MD cũ của Minolta. Hệ ngàm này được duy trì khi Minolta sáp nhập với Konica và sau cùng được Sony mua lại và dùng để đặt tên cho dòng máy ảnh của hãng (Alpha). Để phân biệt với ngàm Minolta MF, người ta thường gọi là ngàm Minolta AF hay MAF.

Ngàm A của Minolta với vị trí vít điều khiển AF

Các ống kính ngàm A do Minolta chế tạo và những phiên bản sớm của Sony sau này chế tạo đều được điều khiển thông qua một con vít giống như máy Nikon hay Pentax cũ (screw drive), tức là ống kính không có motor trong. Chỉ khi Sony phát triển các ống kính có motor trong (SSM) thì AF mới không còn phụ thuộc vào máy ảnh. Vì thế nên nếu bạn chuyển ngàm mà không có motor đối với các ống ngàm A dùng screw drive thì bạn sẽ không lấy nét được tự động.

Hệ ống kính ngàm A cũng có loại dành cho cảm biến APS-C (khi bạn thấy ký hiệu DT) và loại dành cho cảm biến Full frame (khi không có ký hiệu DT).

Do FFD quá gần nhau nên bạn không dùng được ống kính ngàm A trên máy Canon (và tất nhiên là Pentax, Nikon DSLR). Nhu cầu sử dụng chủ yếu ống kính ngàm A là trên máy mirrorless ngàm E của Sony. Sony có 4 loại ngàm chuyển AF để chuyển từ ngàm A sang ngàm E, tên là LA-EA1, LA-EA2, LA-EA3 và LA-EA4. LA-EA3 không có motor trong, không có gương mờ và có thể dùng cho các ống có motor trong (SSM) trên máy Sony E, còn LA-EA4 có motor trong và gương mờ, có thể lấy nét tự động mà không phụ thuộc vào máy ảnh, dùng cho các ống có screw drive. Bạn có thể dùng ống screw drive bằng ngàm LA-EA3 nhưng sẽ không có AF. Bản LA-EA3 và LA-EA4 là dành cho ống full frame, còn ngàm LA-EA1 và LA-EA2 cũng tương tự nhưng là dùng cho ống APS-C. Nếu bang đang dùng các máy A7ii, A7Rii, A6300, A6500 thì ngàm LA-EA3 sẽ tận dụng được hệ thống lấy nét đa điểm rất nhanh của máy, còn LA-EA4 do không phụ thuộc máy ảnh nên độ nhanh và chính xác đều kém hơn.

Ngàm chuyển AF ống kính ngàm A sang ngàm E LA-EA4 (full frame) và LA-EA2 (crop)

Nếu bạn có nhu cầu sử dụng ống kính ngàm A trên các máy như Fujifilm X, m4/3 hoặc Sony E mà không cần AF thì bạn có thể tìm ngàm chuyển vật lý Minolta (AF)-FX hoặc -MFT hoặc -NEX(E). Những ngàm này có vòng điều khiển có thể chỉnh lẫy ở đuôi ống kính giúp bạn chỉnh khẩu. Các ống SSM bạn không thể chỉnh được khẩu vì không có lẫy lộ ra ngoài như ống screw drive.

9. Ống kính Canon FD/FL, EF/EF-S

Canon phát triển ngàm FD/FL (hai ngàm này có thể dùng chung máy) cho máy hệ máy film SLR 35mm và sau này là ngàm EF/EF-S cho hệ máy kỹ thuật số DSLR. Gần đây nhất Canon phát triển thêm hệ máy không gương lật EOS-M. 3 nhóm ngàm này không thể sử dụng trực tiếp lên các máy ngàm khác mà đều phải qua ngàm chuyển, trong đó ống FD có FFD ngắn hơn EF/EF-S nên không thể lấy nét tới vô cực trên máy Canon DSLR, trừ khi thay ngàm FD sang EF (mod). EF là ngàm của ống Canon AF full frame còn EF-S là ngàm của ống APS-C. Mặc dù ống kính AF-S có thể cắm lên máy full frame, bạn sẽ thấy tối góc rất nặng nên không sử dụng được.

Ngàm EF/EF-S của Canon

Để mod ngàm FD sang EF, hiện nay có bộ Kit của Ed Mika rất nổi tiếng, bạn có thể mua với giá $ 90 và tự thay lấy ngàm (hoàn toàn có thể thay lại được), tuy nhiên hơn 1 năm nay công ty của Ed Mika có lẽ không còn hoạt động nữa.

Với máy mirrorless EOS-M, bạn có thể dùng ống kính FD qua ngàm chuyển vật lý hoặc dùng ống kính EF với đầy đủ chức năng AF qua ngàm chuyển do hãng cung cấp (EF - EF-M adapter). Nếu bạn đang dùng máy EOS-M thì đây là lựa chọn tốt vì hệ thống EF-M đang có rất ít ống kính.

Ngàm chuyển AF ống kính Canon EF/EF-S sang máy Sony E của Metabones

Với máy Sony ngàm E, hiện nay có rất nhiều ngàm chuyển từ ngàm EF sang ngàm E. Các ngàm chuyển vật lý thông thường sẽ không điều chỉnh được khẩu độ do tất cả ống kính EF dùng thân máy để chỉnh khẩu độ. Ngoài ra, các ống STM và một số ống điều khiển bằng điện (focus by wire) bạn cũng không thể dùng được nếu chỉ dùng ngàm vật lý thông thường vì vòng lấy nét sẽ không hoạt động nếu không được nối điện với máy ảnh đang hoạt động. Nếu bạn đang dùng các máy trước A7ii như NEX, A6000, A7... thì mặc dù các ngàm AF có thể giúp bạn chỉnh khẩu, bạn cũng gần như không dùng được chức năng AF do tín hiệu phase detection từ máy ảnh không được truyền qua ngàm. Với các máy này, hiện nay chỉ có ngàm Sigma MC-11 là có khả năng điều khiển AF ống kính (tốc độ tùy thuộc ống). Nếu bạn đang dùng các máy từ A7ii trở đi thì các ngàm AF rẻ tiền như Commlite, Fotodiox cũng có thể giúp bạn lấy nét tự động ống EF (khá nhiều ống kính). Tuy nhiên, 2 lựa chọn tốt nhất hiện nay (cũng đắt tiền nhất) là Sigma MC-11 và Metabones, cũng là 2 ngàm cho phép bạn nâng cấp firmware qua Bluetooth.

Ống Canon FD, EF không dùng được trên máy Nikon hay Pentax hoặc Sony ngàm A.

Ngàm chuyển AF ống kính Canon EF sang máy Micro Four Thirds của Kipon

Với máy m4/3 (MFT), Kipon và Metabones đã phát triển ngàm AF cho ống EF, tuy nhiên còn nhiều giới hạn về tốc độ và loại máy ngàm có thể hỗ trợ. Lợi thế lớn nhất của các ngàm này là khả năng điều chỉnh khẩu ống EF, vì nếu không có thì cách duy nhất là bạn phải mang theo một máy Canon DSLR để chỉnh khẩu.

Với các hệ máy khác như Fujifilm X, nếu bạn muốn dùng ống EF thì hiện nay không có lựa chọn nào giúp bạn chỉnh được khẩu hay AF nên bạn phải dùng ngàm chuyển có lỗ khẩu ở ngay trên ngàm. Điểm yếu của loại ngàm này là bạn sẽ dễ bị tối góc.

Các máy không gương lật APS-C hay m4/3 cũng có thể sử dụng các ngàm chuyển có chức năng đặc biệt như Speed booster của Metabones, Rosxen, Yongnuo... để giảm tiêu cự và tăng khả năng nhận sáng cho khung hình gần với trên máy full frame, hoặc các ngàm tilt-shift hay ngàm có built-in ND filter để phục vụ quay phim hay phơi sáng.

10. Ống kính Contax G

Cũng giống như Contax N, hệ máy Contax G chỉ tồn tại một thời gian và đã dừng sản xuất (2005) với tổng cộng 7 ống kính. Đây là hệ thống rangefinder có sử dụng AF và các ống kính Contax G đều được đánh giá cao và sử dụng phổ biến ngày nay. Do thiết kế cho máy rangefinder nên ống kính Contax G rất nhỏ gọn. AF của ống kính được điều khiển theo cơ chế vít ở ngàm như nhiều máy ảnh khác cùng thời kỳ. Hiện nay ống Contax G được sử dụng phổ biến trên các máy Sony ngàm E với đầy đủ chức năng AF và hai hãng Metabones, Deo Tech được đánh giá cao nhất về độ ổn định và tốc độ lấy nét.

Vị trí vít để điều chỉnh AF trên ống kính (trái) và máy Contax G (phải)

Các máy ảnh mirrorless khác đều có thể dùng ống Contax G thông qua ngàm chuyển vật lý thông thường, tuy nhiên sẽ không dùng được chức năng AF.

11. Ống kính ngàm Leica LTM (L39/M39), M

Sử dụng ống kính Carl Zeiss LTM với ngàm close focus VM-E cho máy Sony E

Như đã nói ở trên, ngàm Leica L39 hay LTM rất dễ nhầm với ngàm M39 của các máy ảnh Nga cũ, bạn nên lưu ý độ dày của ngàm chuyển để phân biệt. Ngàm này được sử dụng rất phổ biến cho các máy rangefinder và do nhiều hãng cùng sản xuất như Canon, Minolta, Leica, Voigtlander... Ngàm LTM và ngàm M chỉ khác nhau 1 mm về độ dày nên nếu muốn chuyển từ ngàm LTM sang ngàm M, bạn cần có 1 vòng chuyển có thể tháo, lắp dễ dàng. Nếu bạn đang dùng máy ngàm M hoặc các ngàm chuyển cho ngàm M thì chỉ cần thêm vòng này cho các ống LTM bạn có. Do độ dày cần rất chính xác là 1mm nên bạn nên cẩn thận khi chọn vòng chuyển, vì chỉ cần dày hơn 1mm một chút là ống kính đã mất khả năng lấy nét ở vô cực.

Vòng chuyển ngàm LTM sang Leica M

Hai loại ngàm này đều có thể dùng trên các máy mirrorless và bạn còn có thể dùng ngàm close focus của Voigtlander để lấy nét cận. Loại ngàm này có thể đẩy ống kính lên khi cần và có tác dụng như một ống tube kéo dài giúp bạn chụp gần vật thể hơn trong khi bạn vẫn có thể lấy nét tới vô cực.

CÁC LƯU Ý KHÁC

Các ống kính mirrorless hiện nay không thể dùng thay cho nhau do FFD quá gần nhau và phần lớn ống kính đều chỉnh khẩu độ, AF qua thân máy.

Bạn luôn luôn có thể dùng nhiều hơn 1 ngàm (adapter stacking) để đạt được mục đích chuyển ngàm mong muốn. Với các ống kính tiêu cự dài, thông thường không có vấn đề gì, nhưng với các ống tiêu cự ngắn để chụp cảnh thì bạn nên cẩn thận và tốt nhất là nên chuyển ngàm trực tiếp (qua 1 ngàm chuyển) và chọn ngàm chế tạo tốt để có khoảng cách chính xác, đồng đều từ ống kính tới cảm biến. Chỉ cần độ dày ngàm không đều là bạn có thể mất focus ở một vùng hình hoặc nét không đều.

Hiện nay, Sony E là hệ máy mirrorless duy nhất có thiết bị có thể biến ống kính MF thành AF (ngàm chuyển Techart Pro). Bạn có thể đọc hướng dẫn ở bài viết của mình về ngàm này đ ây.

Khi chọn ngàm chuyển, bạn nên lưu ý các loại ngàm có khoảng cách không gian bên trong ngàm lớn thì phần không gian mở phải đủ lớn để tránh bị tối góc và tốt nhất là nên có mạ đen để tránh hiện tượng phản xạ bên trong ngàm.

Các loại ngàm AF không tên tuổi hoặc ghi thông số không rõ ràng của Trung Quốc bạn không nên dùng vì có thể hỏng nhanh hoặc ảnh hưởng tới máy.

Bài viết được tổng hợp từ rất nhiều nguồn và từ kinh nghiệm cá nhân của mình nên nếu trong bài viết có nội dung thiếu sót, các bạn có thể đóng góp trực tiếp ý kiến ở dưới bài.

Dr. Fox
Bài viết được biên tập bởi Dr. Fox
Nghiêm cấm sử dụng lại trên các trang web và ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: