Blog Post

6 cách để tạo chiều sâu cho một bức ảnh

Dec 31, 2016

Một vấn đề mà tất cả những người chơi ảnh đều mong muốn là làm thế nào để bức ảnh của mình có chiều sâu hơn, ảnh có cái nhìn, có hiệu ứng 3D hơn và bớt phẳng (2D) đi. Nghe thì dễ nhưng thực hiện thì khá khó khăn, do máy ảnh chỉ có thể cho lại một sản phẩm 2D mà thôi. Tuy nhiên, có một vài cách bạn có thể thử để tăng thêm chiều sâu cho bức ảnh của mình. Bạn có thể làm cho bức ảnh của mình có cảm giác và hiệu ứng không gian rộng lớn hơn. Hãy thử nghiên cứu 6 cách sau đây:

ĐƯỜNG DẪN

Phương pháp đơn giản nhất để tạo chiều sâu cho bức ảnh là kết hợp chụp và sử dụng "các đường dẫn". Đây là một kỹ thuật rất thành công đặc biệt khi chụp ảnh phong cảnh. Kỹ thuật này có thể áp dụng với ảnh kiến trúc, ảnh phong cảnh thành phố, và cả ảnh đường phố nữa.

Khi nói đến "đường dẫn", rất nhiều người liên tưởng đến một đường thẳng, ví dụ như một hàng rào trong một ảnh phong cảnh, hoặc những đường dẫn hội tụ ví dụ như đường ray xe lửa. Những "đường dẫn" này hoàn toàn phù hợp để tăng chiều sâu cho một bức ảnh, tuy nhiên "đường dẫn" không cần phải là đường thẳng trong nhiếp ảnh.

Bạn hãy nhìn vào bức ảnh một con đường uốn lượn ở phía trên và lưu ý cái cách mà con mắt của bạn nhìn theo đường dẫn đó từ tiền cảnh ra hậu cảnh xuyên suốt toàn bức ảnh. Cũng cần phải lưu ý tất cả những cái cây cao, gầy gò trên con đường đó cũng giúp hình thành nên đường dẫn, tạo nên một hiệu ứng hình ảnh có tác động mạnh mẽ hơn. Kết quả là ở đây chúng ta có một sự kết nối rất mạnh giữa tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh, và bức hình có chiều sâu rất tốt.

Tại sao kỹ thuật này lại hiệu quả: Đường dẫn giúp tạo nên hiệu ứng chuyển động trong bức ảnh do các đường dẫn hướng con mắt của người xem từ khu vực này sang khu vực khác trong toàn bức ảnh. Hơn nữa, các đường dẫn cũng giúp tạo sự chú ý mạnh vào chủ thể bức ảnh. Dù bằng cách nào đi nữa, con mắt của người xem cũng dõi theo những đường dẫn này, và bức ảnh sẽ tạo ra hiệu ứng không gian rộng hơn, có nhiều chi tiết hơn nó có thể có ở cái nhìn đầu tiên.

ĐÓNG KHUNG

Đóng khung nghĩa là sử dụng một yếu tố nào đó ở tiền cảnh như thế nó đang bao quanh chủ thể trong bức ảnh của bạn. Kỹ thuật này có thể được sử dụng trong rất nhiều thể loại, từ chân dung đến ảnh phong cảnh, từ ảnh thiên nhiên hoang dã đến ảnh trừu tượng. Bất kể chủ thể của bạn là gì, khung hình góp phần tạo ra góc nhìn mới nhằm tăng cảm giác về chiều sâu của ảnh.

Nhìn vào bức ảnh động băng ở phía trên, bạn có thể nhìn thấy kỹ thuật đống khung giúp cho khung cảnh cải thiện chiều sâu về không gian của mình như thế nào. Kích cỡ của hang động và chủ thể ở phía cuối tạo nên cảm giác anh chàng trượt tuyết kia đang ở rất xa. Các chi tiết và bóng trên bức tường ở tiền cảnh cũng góp phần tạo nên chiều sâu này.

Tại sao kỹ thuật này lại hiệu quả: Sử dụng kỹ thuật khung trong khung, bạn đã thêm vào các yếu tố hướng con mắt người xem vào chủ thể của bức ảnh. Đặt khung ở tiền cảnh, bức ảnh có không gian và chiều sâu rất lớn vì khi so sánh, khung hình trong bức ảnh quá lớn còn chủ thể chính lại quá nhỏ. Sự khác biệt về kích cỡ này tạo nên hiệu ứng chiều sâu hình ảnh và khiến cho bức hình có cảm giác 3D hơn. Hơn nữa, đóng khung còn giúp người xem cảm thấy họ đang ở trong bức ảnh hơn là đang nhìn nó.

ĐIỂM QUAN SÁT

Điểm bạn chọn để bấm máy cũng ảnh hưởng đến chiều sâu của một bức ảnh. Ví dụ, nếu bạn đứng thẳng và chụp với tầm cao từ mắt mình, bức ảnh có thể sẽ rất "phẳng" do không có tiền cảnh để thu hút người xem. Tuy nhiên, nếu như bạn quỳ hay nằm xuống - đưa tiền cảnh vào nhiều hơn - bức ảnh có thể có chiều sâu hơn rất nhiều.

Trong bức hình phía trên, chụp tại góc thấp giúp cho người xem thấy cánh đồng bí ngô này xa đến đâu. Ở tiền cảnh, các quả bí ngô đứng rất xa nhau, nhưng nhìn ra phía xa, chúng lại rất gần nhau, tạo nên chiều sâu và không gian rộng lớn. Hơn nữa, mọi người đã quen thuộc với kích cỡ của những quả bí ngô, việc chụp tại góc thấp và biến đổi một chút về kích cỡ khiến chúng trở nên gần gũi hơn và bức ảnh độc đáo hơn.

Tại sao kỹ thuật này lại hiệu quả: Chụp tại góc thấp cũng giống như sử dụng đường dẫn hay đóng khung. Đưa thêm tiền cảnh vào trong bức ảnh của mình, bạn không chỉ mang đến cho người xem một góc nhìn độc và lạ hơn đối với những khung cảnh tưởng chừng như quen thuộc, bạn còn đưa vào những yếu tố và hiệu ứng hình ảnh giúp cho con mắt người xem dễ bị thu hút hơn.

KẾT NỐI TIỀN CẢNH, TRUNG CẢNH VÀ HẬU CẢNH

Trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt khi bạn chụp ảnh phong cảnh, bức hình của bạn sẽ có các yếu tố về tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Để tăng chiều sâu cho bức ảnh, việc kết nối những yếu tố này là rất quan trọng chứ không thể để rời rạc được.

Trong bức hình phía trên, hãy để ý cánh đồng và cây cối đang ở tiền cảnh, ngọn đồi và các ngôi nhà ở trung cảnh và ngọn núi ở hậu cảnh. Con đường dốc thoải dài từ tiền cảnh hướng bạn chú ý vào trung cảnh nơi có các ngôi nhà. Và từ đây, những con đường quanh co lại hướng mắt bạn đến ngọn núi ở phía xa hơn.

Tại sao kỹ thuật này lại hiệu quả: Bằng việc kết nối 3 "layer" trong một bức ảnh, bạn giúp cho con mắt người xem nhìn xuyên suốt được nội dung của toàn bức ảnh. Tiền cảnh giúp gây sự chú ý và thu hút con mắt người xem vào trung cảnh (thường chủ thể sẽ được đặt tại trung cảnh). Và trung cảnh luôn có cách kết nối nào đó với hậu cảnh, giúp cho người xem để ý được toàn bộ bức hình. Như vậy, sự kết nối này cũng giống với hiệu ứng sử dụng đường dẫn - tạo nên chiều sâu của bức ảnh bằng cách bắt con mắt người xem phải đi theo và chú ý đến toàn bộ bức hình.

BÓNG

Một trong những yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất, đối với bất kỳ bức ảnh nào, đó là "ánh sáng". Ánh sáng tốt có thể cho ra bức hình đẹp, ánh sáng tồi sẽ làm hỏng bức hình. Nhưng gía trị của những chiếc bóng tạo ra bởi ánh sáng thường không được quá coi trọng.

Khi nói đến việc tạo ra chiều sâu của bức ảnh, sử dụng những chiếc bóng không phải là việc đơn giản. Nhìn vào bức hình ở trên, mặc dù bức hình khá đơn giản, nhiều màu nhạt và không đặc sắc, nó vẫn có chiều sâu rất tốt nhờ có chi tiết vùng tối ở trên tiền cảnh và hậu cảnh làm nổi bật chủ thể. Ngoài ra, bóng của người đàn ông trong ảnh cũng là một yếu tố thu hút con mắt người xem và tạo nên hiệu ứng hình ảnh quan trọng trong trường hợp này.

Tại sao kỹ thuật này lại hiệu quả: Bất kể việc sử dụng bóng trong tiền cảnh, trung cảnh hay hậu cảnh, kỹ thuật này có thể làm cho một bức ảnh đang "phẳng" trở nên có hiệu ứng "3D" ngay lập tức. Sử dụng bóng có thể sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, bức ảnh sẽ trở nên thú vị và dễ thu hút người xem hơn.

ĐỘ SÂU TRƯỜNG ẢNH MỎNG

Việc tạo độ sâu trường ảnh mỏng (DOF) và làm mờ hậu cảnh có tác dụng tạo chiều sâu cho bức ảnh rất tốt. Kỹ thuật này giúp bạn tách hẳn chủ thể ra khỏi bức ảnh thông qua sự khác biệt giữa nét và "out nét" của các chi tiết trong bức ảnh.

Nhìn vào bức chân dung ở trên, mặc dù hậu cảnh đã bị mờ, nhưng chúng ta vẫn hiểu là có một khung cảnh khá lớn ở phía sau người phụ nữ này. Do người phụ nữ đạt độ nét hoàn hảo và được đặt ở tiền cảnh, cho chúng ta một cảm giác tách bạch và hiệu ứng 3D khá rõ so với phong cảnh ở phía sau.

Tại sao kỹ thuật này lại hiệu quả: Trong trường hợp này, chiều sâu của bức hình được thể hiện thông qua độ nét giữa chủ thể và hậu cảnh. Do chủ thể đạt độ nét tốt và chính xác, người xem sẽ có cảm giác chủ thể ở rất gần. Và do hậu cảnh đang bị mờ, người xem có thể hiểu là hậu cảnh đang ở rất xa, có thể là ngoài tầm nhìn của chính bản thân mình.

KẾT LUẬN

Tạo ra một bức ảnh thú vị phức tạp hơn rất nhiều với việc đưa camera lên mắt và bấm nút chụp. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải cân nhắc nhiều yếu tố, về bố cục, về chiều sâu, về câu chuyện và cả không gian của bức ảnh.

Trong lần chup kế tiếp, hãy thử áp dụng một trong những kỹ thuật trên xem sao. Thử nghiệm với bóng và ánh sáng, tìm ra cách để kết nối tiền cảnh với hậu cảnh hay thay đổi góc nhìn. Tập luyện với những kỹ thuật này sẽ giúp bạn tăng thêm chiều sâu cho sản phẩm của mình dễ dàng hơn, và việc có những bức ảnh để đời sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.


Bài viết gốc: photographytalk

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được biên tập bởi P.N.
Các bạn có thể liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: