Blog Post

So sánh 3 lens zoom tiêu cự trung bình hệ ngàm Sony FE (Sony GM 24-70mm f/2.8 - Sigma Art FE 24-70mm f/2.8 - Tamron FE 28-75mm f/2.8)

Jan 15, 2020
Tamron 28-75mm vs Sigma 24-70mm vs Sony GM 24-70mm

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng so sánh trên nhiều phương diện 3 ống kính zoom tiêu cự trung bình (28-75mm và 24-70mm), khẩu lớn (f/2.8) dành cho hệ máy Sony mirrorless full frame. Các lens được sử dụng để đánh giá là Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sony GM 24-70mm f/2.8 và Sigma Art FE 24-70mm f/2.8.


Các bạn có thể click vào từng mục trong phần Mục lục dưới đây để đọc chi tiết mà không phải đọc hết toàn bộ bài viết.


Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Sony FE 24-70mm f/2.8 GM

Được giới thiệu vào tháng 3/2016, FE 24-70mm f/2.8 là ống kính full frame ngàm E/FE thứ 15 của Sony, nhưng là ống kính zoom thứ 8 và là ống zoom thứ ba ở khoảng tiêu cự trung bình (sau bản lens kit và bản 24-70mm f/4) nhưng là ống kính zoom cao cấp G Master đầu tiên của hệ lens. 


Các đặc điểm thiết kế chính của ống kính này bao gồm: 18 thấu kính trong 13 nhóm, 9 lá khẩu, filter 82mm, độ phóng đại cực đại 0,24x, kích thước 87.6 x 136 mm, nặng 886 g, lấy nét trong, motor Direct Drive Super Sonic wave AF, thiết kế chống ẩm, chống bụi ở nhiều vị trí.


Mức giá vào thời điểm công bố của lens này là khoảng $2.200.

Tamron FE 28-75mm f/2.8 Di III RXD

Ống kính được giới thiệu vào tháng 7/2018, khá muộn sau ống kính GM 24-70mm f/2.8, nhưng đây là ống kính phân khúc giá rẻ được thiết kế tối giản và khoảng tiêu cự dịch về đầu tele hơn (dài hơn 4 mm ở đầu góc rộng và dài hơn 5 mm ở đầu tele). Đây không phải ống kính mirrorless ngàm E đầu tiên mà Tamron làm, nhưng là ống kính full frame đầu tiên cho hệ ngàm này.


Các đặc điểm thiết kế chính của lens này bao gồm: 15 thấu kính trong 12 nhóm, 9 lá khẩu, filter 67mm, nặng 550 g, kích thước 73 x 117.8 mm, độ phóng đại cực đại 0,25x (ở đầu 75mm) - 0,35x (ở đầu 28mm), stepping motor RXD (Rapid eXtra-silent stepping Drive), full time manual focus override (khả năng can thiệp lấy nét tay trong khi lấy nét tự động), thiết kế chống ẩm ở ngàm.


Giá bán vào thời điểm công bố của lens này là $799, tức là chỉ khoảng 1/3 giá của ống kính GM.

Sigma Art FE 24-70mm DG DN

Đây là ống kính ra đời muộn nhất trong số 3 ống kính (11/2019), nhưng khác với các ống kính Art khác trước đó mà Sigma thiết kế cho ngàm Sony không gương lật và cũng khác với phiên bản ra đời trước đó cho máy DSLR, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8 được thiết kế lại riêng cho hệ máy không gương lật chứ không phải phiên bản DSLR có gắn thêm ngàm nối dài. Khác với Tamron, đây là ống kính cạnh tranh trực tiếp với GM 24-70mm f/2.8 do được thiết kế với các tiêu chuẩn tương đương phiên bản "chính hãng" của Sony.


Các đặc điểm kỹ thuật chính của ống kính này như sau: 19 thấu kính trong 15 nhóm (phức tạp nhất trong 3 ống kính), 11 lá khẩu, filter 82mm, kích thước 87.8 x 122.9 mm, nặng 835 g, độ phóng đại lớn nhất 0,34x (ở đầu 24mm), có các nút điều chỉnh AF/MF, AFL và khóa zoom tương tự ống kính GM, stepping AF motor, thiết kế chống bụi, chống ẩm ở nhiều điểm trên thân lens.


Mức giá vào thời điểm công bố của ống kính này là $1.100, tức là bằng 1/2 ống kính GM.

Trước khi đề cập tới chất lượng quang học, mình sẽ giới thiệu lần lượt về thiết kế và các đặc điểm chính của ba ống kính này.

Ở trạng thái rút gọn (đầu góc rộng), Tamron và Sigma có độ dài tương tự nhau và ngắn hơn Sony GM một chút. Tuy nhiên ở trạng thái kéo dài (đầu tele) thì Sigma Art có độ dài nằm ở giữa Tamron và Sony GM. Xét về trọng lượng thì Tamron nhẹ hơn đáng kể so với 2 lens còn lại (Sony GM nặng 887 g, Sigma Art nặng 835 g, Tamron nặng 550 g). Sự khác biệt về trọng lượng giữa Sigma và Sony GM mặc dù không lớn (52 g) nhưng cũng đủ nhận ra nếu bạn đã quen dùng lens GM. Cần lưu ý là ống kính Sigma Art này là phiên bản thiết kế riêng cho mirrorless chứ không phải phiên bản "nối dài” như các lens Art ngàm FE trước đó. Đây cũng là ví dụ cho lợi thế có khả năng thiết kế lens góc rộng nhỏ gọn hơn với máy ảnh mirrorless khi so sánh 2 phiên bản của ống kính Art này. Phiên bản DSLR của Sigma Art nặng 1025 g nên nếu sử dụng với Sony thông qua ngàm (ví dụ như MC-11) thì sẽ nặng 1047 g là hơn đáng kể so với phiên bản mirrorless. Mặc dù thiết kế riêng cho mirrorless (thay đổi cả thiết kế thấu kính) nhưng không hiểu sao Sigma vẫn làm phần đuôi lens sơn bóng, nổi bật lên so với toàn bộ thiết kế còn lại của thân lens. Về cảm giác khi sử dụng thì tất nhiên Tamron là ống kính gọn nhẹ nhất, ngay cả về đường kính thì Sony GM cũng "bầu bĩnh” hơn, và Sigma Art thì nằm ở giửa giữa của 2 lens này. Tuy vậy, Tamron được thiết kế theo tiêu chí tối giản để giảm giá thành nên bạn sẽ không có bất cứ nút điều chỉnh nào trên thân lens. Ngược lại, Sony GM và Sigma Art đều có nhiều nút tùy chỉnh trên thân lens, bao gồm nút chuyển AF/MF, nút focus hold/AF lock có thể tùy biến, và nút khóa tiêu cự. Cả 3 ống kính đều được thiết kế weather seal với khả năng chống ẩm, chống bụi, chống hắt nước (nhưng không chống được việc nhúng lens vào nước). Khi thay lens, bạn sẽ nhận ra là lens Tamron gắn vào ngàm rất chắc nên có phần khó hơn khi thay lens, mặc dù không thực sự tiện lợi nhưng nó đảm bảo an toàn hơn.

Về vòng lấy nét và vòng tiêu cự thì có điểm đặc biệt là Tamron thiết kế vòng lấy nét gần thân máy hơn vòng zoom (ngược với phần lớn lens trên thị trường), còn Sigma điều khiển vòng zoom ngược chiều với 2 lens còn lại. Các vòng này đều làm bằng cao su nhưng Sony và Sigma có vòng bám tay và dễ nhận biết hơn Tamron. Tamron được làm phần lớn bằng plastic để giảm trọng lượng, trong khi 2 lens còn lại đều sử dụng vật liệu nhựa tổng hợp riêng có khả năng chống chịu cao của 2 hãng. Vì thế nên nhìn chung, Tamron được lợi thế về sự gọn nhẹ và đơn giản, phù hợp với nhu cầu du lịch hoặc cần di chuyển nhiều mà không có yêu cầu cao về mức độ phức tạp của thao tác khi chụp, nhưng nếu bạn cần kiểm soát tốt hơn thiết bị và thường xuyên thay đổi các tùy chỉnh thì 2 ống kính Sony GM và Sigma Art vẫn có nhiều lợi thế hơn.
Phần ngàm của 2 lens Sony GM và Sigma Art rất giống nhau, và các bạn có thể thấy thấu kính sau của Sigma Art cũng nằm sát ngàm như Sony GM, chứng tỏ phiên bản này Sigma thiết kế riêng cho hệ máy mirrorless.
Khác với 2 ống kính còn lại, Sigma được thiết kế với 11 lá khẩu để bokeh ball vẫn ở dạng tròn ngay cả khi khép khẩu. Sigma Art cũng là ống kính có thiết kế phức tạp hơn với nhiều thấu kính nhất, đồng nghĩa với việc có nhiều mặt tiếp xúc không khí - bề mặt (air - surface) nên có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn do hiện tượng flare và ghost.
Cả 3 ống kính đều sử dụng vòng lấy nét điện tử và motor lấy nét dạng stepping. Vì thế nên vòng lấy nét sẽ không hoạt động được khi lens không được gắn lên thân máy. Tốc độ di chuyển vị trí lấy nét của bạn sẽ ảnh hưởng tới góc quay của vòng lấy nét để đạt tới vị trí mong muốn. Ví dụ như với Sigma Art, bạn cần xoay khoảng 230 độ để chuyển vị trí lấy nét từ gần nhất tới xa nhất nếu xoay vòng nét nhanh, hoặc phải xoay khoảng 330 độ nếu xoay chậm. Các bạn cần lưu ý là tất cả các lens này đều không có hard stop (điểm dừng cứng), tức là nếu bạn muốn lấy nét ở vô cực thì hoặc bạn dùng AF tới 1 điểm ở rất xa, hoặc bạn lấy nét ở chế độ MF mà vòng xoay không tiến tới mức vô cực hiển thị trên máy. Điểm vô cực của cả 3 ống kính này đều đạt được trước khi tới vô cực được hiển thị (khoảng hơn 10m). Trong số 3 ống kính thì Sigma Art là ống kính dễ thao tác và dễ lấy nét chính xác hơn cả, có góc xoay đủ lớn để lấy nét điểm nhỏ chính xác hơn nên nếu bạn quay phim thì đây là lựa chọn nhỉnh hơn 2 lựa chọn còn lại về vấn đề thao tác với lens.

Hai ống kính của Sony và Sigma rất giống nhau ở các nút tùy chỉnh trên thân ống kính. Trong đó có một nút được thiết kế hơi khác nhau là nút LOCK dành cho khóa zoom ở vị trí 24mm. Trong khi Sony thiết kế nút này ở ngay dưới vòng zoom thì Sigma đưa nó xuống vị trí giữa 2 vòng zoom và vòng lấy nét. Khi xoay về 24mm, bạn chỉ cần gạt nút này về vị trí LOCK là ống kính sẽ cố định tại 24mm (nếu không thì với Sony GM bạn có thể nhận thấy ống kính có di chuyển nhẹ vòng zoom trong khi thao tác, có thể sẽ làm sai lệch tiêu cự). Nút LOCK của Sony GM ở vị trí khó thao tác hơn và nút làm nhỏ, nông nên hơi khó dùng, còn nút của Sigma Art thì lớn và dễ điều chỉnh hơn.

Một điểm khác biệt nữa của ống kính Sigma Art là phần 2 nút tùy chỉnh AF/MF và AFL được thiết kế nhô lên khỏi thân lens (giống các ống kính Art sản xuất gần đây). Lúc chưa quen mình không đánh giá cao thiết kế này cho lắm, nhưng trong quá trình sử dụng thì nhận ra nó có 2 vai trò: (1) khi thao tác không cần nhìn vào lens để xác định vị trí nút, (2) khi thay lens thì đảm bảo lens không bị lăn khi đặt trên mặt phẳng. Nhìn chung, trừ nước sơn của Sigma Art có vẻ không ấn tượng bằng Sony GM, mình đánh giá thiết kế của Sigma Art có phần hơn so với Sony GM. Tamron mình đánh giá thấp nhất về thiết kế bên ngoài và độ thuận tiện khi thao tác, nhưng là ống kính tối giản nhất và có thể mang lại hiệu quả cao khi không cần tùy chỉnh nhiều.

Điểm cuối cùng mà các bạn có nhu cầu quay phim có thể quan tâm là đặc tính parfocal của ống kính. Đây là khả năng giữ điểm AF tại cùng 1 vị trí khi thay đổi tiêu cự zoom. Mặc dù mình không đủ thời gian kiểm tra kỹ đặc điểm này nhưng cả 3 ống kính đều có thể coi là parfocal hoặc gần parfocal. Theo tìm hiểu từ các đánh giá độc lập khác thì Sigma Art có đặc tính parfocal chính xác nhất, còn Sony GM và Tamron sau khi thay đổi tiêu cự vẫn cần điều chỉnh lại nét một chút.
Khả năng tái tạo màu của các ống kính phục thuộc rất nhiều vào lớp tráng phủ để chọn lọc các bước sóng đi tới cảm biến. Ngoài ra, màu sắc còn do sự tương hợp giữa ống kính và máy ảnh sử dụng. Trong trường hợp so sánh 3 lens này, mình dùng Sony A7 mark III để so sánh khả năng tái tạo màu. Ảnh chụp ở chế độ cân bằng trắng tự động và ảnh JPEG được so sánh với nhau để thể hiện trung thực màu sắc sau khi được tái tạo qua bộ xử lý hình ảnh của máy. Ảnh được chụp với đèn màu có khả năng đổi nhiệt độ màu để khảo sát khả năng tái tạo màu của lens với các màu sắc khác nhau.

Các bạn có thể thấy là trong tất cả các điều kiện màu sắc của vật thể, khác biệt về khả năng tái tạo màu của 3 lens cũng không có khác biệt nhiều. Nếu xét kỹ thì dường như Tamron có khả năng tái tạo màu xanh dương có độ bão hòa cao hơn 2 lens còn lại (hình 1 và 5) và tông màu của Tamron hơi ấm hơn một chút. Sony GM tái tạo màu hồng, tím có độ bão hòa hơn 2 lens còn lại một chút. Sigma Art có khả năng tái tạo màu ở mức độ đều hơn ở các tông màu khác nhau so với 2 lens còn lại.

Mặc dù có cùng tiêu cự nhưng không phải lúc nào 2 ống kính cũng có cùng góc nhìn (độ rộng của hình chụp được) và khoảng cách lấy nét gần nhất khác nhau cũng ảnh hưởng tới khả năng phóng đại của ống kính. Chúng ta sẽ xem xét các yếu tố này trong các test sau.
Ở khoảng cách chụp gần, góc nhìn ở 24mm của lens Sony GM hẹp hơn Sigma Art một chút. Ở góc rộng này Sigma Art có lợi hơn lens GM một chút. Khác biệt này tương đương với khoảng 1-2mm dài hơn về tiêu cự.
Hình trên thể hiện khác biệt về góc nhìn giữa tiêu cự 24mm của lens Sony GM và 28mm của Tamron (chụp từ cùng khoảng cách). Rõ ràng khoảng cách 4mm về tiêu cự khiến lens Tamron bị giới hạn hơn khác nhiều ở góc rộng này.
Với 2 lens Sigma Art và Tamron thì khả năng phóng đại lớn nhất lại đạt được ở khoảng cách chụp gần nhất sử dụng đầu góc rộng (Tamron chụp gần 19 cm tại 28mm, Sigma chụp gần 18 cm tại 24mm). Ở khoảng cách chụp này khả năng phóng đại của 2 lens tương đương nhau tốt hơn đáng kể so với Sony GM ở 70mm (chụp gần nhất ở cách vật thể 38 cm) và chụp ở khoảng cách gần nhất (hình dưới).
Không như 2 lens còn lại, Sony GM đạt tỷ lệ phóng đại lớn nhất ở 70mm chứ không phải ở 24mm (như hình so sánh bên trên). Nhìn chung khả năng phóng đại của Sony GM bị giới hạn hơn 2 lens Sigma và Tamron nên về điểm này 2 lens "hãng thứ ba” hơn điểm Sony GM về tính đa dụng.
Tương tự như với tiêu cự góc rộng, ở 70mm lens Sigma cũng có góc nhìn rộng hơn Sony GM một chút (hình dưới). Đây lại là lợi thế hơn một chút của Sony GM do khả năng tiếp cận gần hơn với chủ thể, sẽ có hiệu ứng tele tốt hơn khi chụp chân dung, chụp sản phẩm. Khác biệt này tương đương khoảng 5mm ống kính Sigma thiệt hơn Sony ở đầu tele (tương đương khoảng 65mm).
Tuy nhiên khi so với Tamron ở 75mm thì Sony GM ở 70mm không có lợi thế như với ống kính Sigma. Vì thế nên nếu bạn có thiên hướng chụp tele nhiều thì Tamron có lợi thế hơn 2 lens còn lại, dù không đáng kể cho lắm.
Khác biệt về góc nhìn ở khoảng cách chụp gần có thể do hiện tượng lens thở (breathing), nên để giúp các bạn hình dùng dễ dàng khác biệt giữa các góc nhìn thì mình có chụp cảnh ở điểm lấy nét xa vô cực. Ở hình dưới là so sánh góc nhìn ở tiêu cự rộng nhất của Sigma Art (24mm) và Tamron (28mm). Đây là khác biệt đủ lớn để các bạn cần cân nhắc nếu thiên về chụp cảnh nhiều (cảnh ở gần). Tuy nhiên nếu các bạn chụp cảnh ở xa thì Tamron lại có lợi thế hơn Sigma Art.
Mặc dù cùng tiêu cự, nhưng cả chụp gần và chụp xa, lens Sony GM vẫn luôn có góc nhìn hẹp hơn Sigma. Như ở hình dưới các bạn có thể thấy mức khác biệt của 2 lens khi chụp từ cùng khoảng cách, cùng tiêu cự.
Đây là khác biệt về góc nhìn ở tiêu cự tele giữa 3 lens khi chụp ở xa vô cùng. Nhìn chung, nếu các bạn cần chụp tele nhiều hơn (chụp cảnh xa, chụp sản phẩm, mẫu...) thì Tamron là lens đáng cân nhắc nhất, nhưng muốn góc nhìn rộng nhất thì Sigma Art là lựa chọn tốt nhất.
space

So sánh độ nét ở 28mm của Tamron và Sigma Art: các điểm so sánh được đánh dấu màu xanh ở hình dưới.

Ở 28mm, xét về độ nét ở tâm hình thì Tamron và Sigma đạt độ nét tốt và tương đương nhau ở f/2.8. Sigma đạt độ nét tốt nhất ở f/4 và tốt hơn Tamron ở khẩu tương tự. Tuy nhiên độ nét của Sigma có giảm một chút khi hạ khẩu nhỏ hơn f/4 (hơi khác thường so với các lens khác thường đạt peak về độ nét ở f/8-f/11) nên Tamron nét hơn một chút ở f/5.6, sau đó 2 lens tương đương nhau về độ nét tâm hình cho tới f/16. Tại f/22, Sigma bị ảnh hưởng bởi nhiễu xạ nặng hơn Tamron nên hình có soft hơn một chút.

Tuy nhiên, ở hai góc hình bên trái và bên phải thì Tamron không bao giờ đạt tới độ nét và độ tương phản như ảnh chụp bằng Sigma Art. Vì thế, đánh giá chung thì Sigma nhỉnh hơn Tamron ở tiêu cự này.

So sánh độ nét ở 24mm của Sony GM và Sigma Art: các điểm so sánh nét cũng ở các vị trí tương tự như khi so sánh tiêu cự 28mm ở trên.
Ở 24mm, hai lens Sony GM và Sigma Art cũng có độ nét rất gần nhau ở tâm hình. Hai lens tương đương nhau trong khoảng f/2.8 - f/4 và f/22, nhưng cũng như khi so với Tamron, Sigma có hiện tượng giảm độ nét từ f/5.6 nên trong khoảng f/5.6 - f/16, Sony GM có nhỉnh hơn Sigma Art một chút ở tâm hình. Mặt khác, ở rìa hình thì mức độ sắc nét và tương phản của chi tiết ảnh chụp bằng Sony GM lại kém hơn Sigma Art trên toàn bộ dải khẩu độ (lưu ý là hình ở góc phải không thể giống nhau hoàn toàn do góc nhìn của hai lens khác nhau). Nếu bạn cần độ nét tâm hình cao nhất có thể thì bạn có thể chọn Sony GM, nhưng để có độ nét đồng đều nhất trên toàn khung hình thì Sigma Art là lựa chọn tốt hơn. Cũng cần lưu ý là độ nét tâm hình là yếu tố có thể can thiệp được bằng hậu kỳ, nhưng độ nét rìa hình với chi tiết bị bệt / kéo giãn thì gần như không thể cứu vãn được.

So sánh độ nét ở 35mm: các vị trí so sánh được đánh dấu màu xanh ở hình dưới.
Ở 35mm, những đặc tính quan sát được ở 24-28mm của 3 lens được lặp lại: 3 lens có độ nét tâm hình rất giống nhau và đạt mức tốt trong khoảng f/2.8 - f/4, nhưng trong khoảng f/5.6 - f/8 thì Sigma Art bị soft hình nhẹ. Sigma có độ nét tương đương 2 lens còn lại từ f/11, còn Sony GM bị ảnh hưởng nhiễu xạ nặng nhất ở f/22, trong khi Tamron bị ảnh hưởng ít nhất. Đối với độ nét ở góc hình, cả góc trái và phải thì Sigma Art là lens tốt hơn, duy trì được độ nét và tương phản tốt trong toàn bộ dải khẩu độ, ngay cả ở f/22.

So sánh độ nét ở 70mm: các vị trí so sánh được đánh dấu màu xanh trên hình.
Ở tiêu cự dài nhất, các lens có độ sắc nét tương tự nhau ở tâm hình trong toàn bộ dải khẩu độ, nhưng về độ nét rìa hình thì Sigma Art vẫn nhỉnh hơn 2 lens còn lại.

Mình cũng có kiểm tra độ cong trường nét của 2 lens rộng nhất là Sony GM và Sigma Art để kiểm chứng xem sai lệch về độ nét giữa tâm hình và góc hình có phải do độ cong của trường nét hay không. Kết quả ở dưới cho thấy 2 lens đều có trường nét với độ cong khá nhỏ, có nghĩa là khác biệt giữa độ nét tâm và góc hình không có vai trò lớn của độ cong trường nét. Các lens cũng có mức độ nét phía trái và phải hình tương đương nhau nên không gặp vấn đề về thấu kính lệch tâm trong các test độ nét.
Do tiêu cự 70-75mm hay được dùng để chụp chân dung, chụp sản phẩm ở khoảng cách gần nên mình có so sánh thêm 3 lens về độ nét tâm hình ở khoảng cách chụp gần. Vị trí so sánh được đánh dấu bằng hình vuông màu xanh ở hình dưới.
Kết quả cho thấy cả 3 lens đều đạt độ nét cao ở tâm hình ngay từ f/2.8 và không có khác biệt đáng kể giữa 3 lens.
Do Sigma Art chưa được nâng cấp firmware để chữa méo hình và tối góc ngay trên máy ảnh nên trong 2 test dưới đây, mình chụp ở chế độ tắt lens correction để 2 lens còn lại cũng không được sửa tự động.
2.4.1. Mức độ méo hình
Mặc dù là 3 lens zoom nhưng cả 3 ống kính đều được chữa méo hình quang học rất tốt.

Ở tiêu cự ngắn nhất, cả 3 ống kính đều chỉ có dạng méo phình (barrel distortion) rất nhẹ, gần như không quan sát thấy trong các điều kiện chụp thông thường.
Mặc dù chưa được sửa trong body nhưng ở tất cả các tiêu cự thì mức độ méo hình của 3 lens đều rất thấp.
Ở tiêu chí này, mình đánh giá 3 lens tương đương nhau.
2.4.2. Mức độ tối góc
Ở tiêu cự ngắn nhất thì Sigma Art có mức độ tối góc nặng hơn 2 lens còn lại (-1,4 EV ở khẩu f/2.8) và Sony GM, Tamron có mức độ tối góc tương tự nhau (-1 EV ở f/2.8). Khi hạ khẩu xuống f/5.6 - f/8 hoặc thấp hơn thì cả 3 lens đều có mức độ tối góc nhẹ tương tự nhau.
Ở tiêu cự dài nhất thì Tamron lại có mức độ tối góc kém hơn 2 lens còn lại và Sony GM nhỉnh hơn Sigma Art một chút ở khẩu f/2.8. Tuy nhiên ở khẩu nhỏ, Sigma Art lại có mức độ tối góc nhẹ nhất.
Mặc dù có những khác biệt nhất định nhưng do được hỗ trợ firmware chỉnh sửa ngay trên máy ảnh nên khi có chức năng nay, 2 lens Sony GM và Tamron có mức độ tối góc hay méo hình là tương đương nhau. Đặc tính tương tự cũng sẽ đạt được với lens Sigma khi firmware mới được công ty tung ra trong thời gian tới.

Ở nội dung này, tạm thời mình đánh giá Sigma kém hơn về mức độ tối góc so với 2 lens còn lại, nhưng trong thực tế nó sẽ không phải yếu tố khác biệt khi có firmware mới cho lens
Khi chụp ngược sáng, chúng ta quan tâm tới khả năng duy trì độ tương phản và chi tiết phía trước nguồn sáng của các lens (chống flare) và mức độ xuất hiện các đốm sáng màu từ nguồn sáng về phía trước (ghost hay ghosting). Ở test này thì khả năng chống flare của 3 lens đều rất tốt, mặc dù Tamron có bị giảm tương phản một chút ở gần nguồn sáng mạnh (như trong hình thứ 4 bên dưới). Tuy nhiên, 3 ống kính này có mức độ ghost rất khác nhau.

Ở góc chụp hình dưới (vật thể ở gần giữa hình), dường như Sigma Art tạo ít ghost nhất, sau đó tới Sony GM và Tamron. Tamron có ghost viền rõ, ở gần nguồn sáng, nhưng không có màu nổi bật như của Sony GM.
Ở góc chụp thứ hai khi vật thể ở bên phải hình (nguồn sáng ở gần giữa hình), chúng ta có thể nhìn rõ hơn các dạng ghost xuất hiện ở khoảng cách xa. Sigma Art có xuất hiện ghost nhưng ở khoảng cách xa, và ghost tạo đốm màu khá phân tâm cho người xem, nhưng vẫn không rõ bằng Sony GM. Trong khi đó chúng ta có thể nhìn thấy một loạt ghost xếp thành hàng dọc trong ảnh chụp bằng Tamron.
Khi nguồn sáng đã đi ra khỏi khung hình nhưng vẫn chiếu về phía thấu kính trước thì 3 lens đều có biểu hiện flare ở mép hình khá giống nhau.

Khi test với nguồn sáng tự nhiên thì 3 lens có bộc lộ rõ hơn 2 đặc tính này. Tamron bị flare rõ hơn một chút và có dạng ghost thể hiện rất rõ, trong khi Sony và Sigma bị flare nhẹ hơn và ghost có vẻ dễ chịu hơn.

Flare và ghost không hoàn toàn là đặc tính xấu, do được ứng dụng đúng chỗ sẽ tạo hiệu ứng đẹp cho ảnh, nên trong test này không có ống kính nào chiến thắng tuyệt đối, còn nếu bạn muốn ít flare và ít ghost thì Sony GM và Sigma Art là hai lựa chọn tốt hơn.

Chúng ta sẽ có đề cập thêm về vấn đề này khi test khả năng tạo tia của 3 ống kính.
Một dạng quang sai nữa chúng ta quan tâm tới là sắc sai, hay còn được gọi là viền tím. Sắc sai được chia làm 2 loại chính là sắc sai trục ngang và sắc sai trục dọc.
2.6.1. Sắc sai trục ngang (Lateral chromatic aberration)
Để đánh giá mức độ sắc sai từ ảnh chụp của 3 ống kính, các ống kính được cố định tới vật thể có chi tiết nhiều kim loại và chụp ngược sáng. Vị trí lấy nét của 3 ống kính cũng giống hệt nhau. Ở hai hình dưới các bạn có thể so sánh ảnh chụp từ 3 ống kính, trước khi xem phân tích một số điểm chọn lọc có mức độ sắc sai đáng chú ý.
Tiếp theo, 3 vị trí ở tâm hình và 2 khoảng trung gian bên trái và bên phải hình được chọn để phân tích mức độ sắc sai. Mức sắc sai thể hiện qua các viền màu xanh và tím quanh các chi tiết có độ tương phản cao.

Đầu tiên, Sony GM có mức độ sắc sai khá rõ trong điều kiện này và chỉ giảm đáng kể từ f/5.6 và gần như biến mất từ f/8.
Sigma Art cũng có mức độ sắc sai tương tự Sony GM và chỉ gần như biến mất hoàn toàn từ f/8.
Có thể khác với dự đoán của nhiều người, Tamron lại có khả năng kiểm soát sắc sai tốt nhất trong 3 ống kính và mức độ sai khác là đáng kể khi rất khó nhận ra bất cứ viền màu nào trong ảnh chụp bằng Tamron, ngay từ khẩu f/2.8. Có một điểm các bạn có thể thấy lạ là dường như sắc sai ở f/4 cao hơn f/2.8, nhưng thực ra là do mức độ tương phản được cải thiện khi ống kính hạ khẩu nên viền màu dường như trở nên rõ nét hơn mà thôi.
2.6.2. Sắc sai trục dọc (longitudinal chromatic aberration)
Tiếp theo chúng ta xét tới sắc sai trục dọc. Hiện tượng này hay gặp khi các bạn chụp một bề mặt nghiêng, các chi tiết trước và sau khoảng nét sẽ bị "ám” hai màu ngược nhau, hoặc các bạn có thể quan sát qua viền màu trên bóng bokeh cũng là do hiện tượng này. Như khi phân tích về bóng bokeh chúng ta có thể dự đoán Tamron sẽ là ống kính kiểm soát sắc sai trục dọc tốt nhất.

Hình dưới là ảnh chụp để phân tích khả năng kiểm soát sắc sai trục dọc, với điểm phân tích được đánh dấu trong khung viền trắng.
Đúng như dự đoán, ảnh chụp bằng Tamron gần như không có khác biệt về mức độ ám màu ở trước và sau DOF. Trong test này thì Sony GM là lens kém nhất, mặc dù mức độ kiểm soát sắc sai trục dọc của lens này cũng là tốt so với nhiều ống kính khác. Các bạn có thể để ý thấy chi tiết ở vùng nét của Sony GM thể hiện sắc nét hơn 2 lens còn lại. Đây là nội dung bổ sung cho test về độ nét khi chụp gần mà mình mới thực hiện ở vùng trung tâm hình.

Như vậy, ở tiêu chí về khả năng kiểm soát sắc sai, Tamron chiến thắng tuyệt đối so với 2 lens còn lại. Sigma Art có một chút lợi thế so với Sony GM.
Khi đánh giá về bokeh của các ống kính, chúng ta cần quan tâm tới 2 yếu tố là độ mịn, mức độ chuyển từ nét sáng không nét (transition) của vùng không nét và đặc điểm của bóng bokeh (bokeh ball). Nếu nói về yếu tố thứ nhất thì Sony GM và Sigma Art có độ mịn và độ chuyển dễ chịu hơn Tamron một chút, nhưng Tamron lại có lợi thế về tiêu cự nên ở tiêu cự tele, ảnh chụp bằng Tamron có mức độ "xóa phông” nhỉnh hơn.

Nếu so sánh dạng bóng bokeh thì Tamron còn có một điểm mạnh nữa là bóng bokeh tròn nhất trong 3 ống kính, ngay cả các bóng bokeh ở sát rìa hình. Ngoài ra, bóng bokeh của Tamron cũng không có viền màu như hai ống kính còn lại (do sắc sai được kiểm soát tốt hơn).

Tuy nhiên, Tamron có khả năng xử lý dạng vân hành kém nhất trong cả 3 ống kính, sau đó là Sony GM và bóng bokeh của Sigma có phần "sạch” hơn 2 đối thủ. Tamron cũng tạo bóng bokeh có viền sáng rõ hơn một chút.
Hiện tượng "mắt mèo” là hiện tượng bóng bokeh biến dạng thành hình thoi đỉnh nhọn ở các vị trí sát rìa ảnh. Theo tiêu chí này thì Sigma Art tạo bokeh mắt mèo có phần rõ hơn Sony GM.
Trong 3 lens thì Sigma Art là lens duy nhất được thiết kế với 11 lá khẩu để đảm bảo bokeh tròn khi hạ khẩu, và có vẻ như thực tế đây là lợi thế (mặc dù không lớn) của Sigma. Tamron dù có cùng số lá khẩu như Sony GM (9 lá khẩu), nhưng ngay cả khi hạ khẩu, Tamron vẫn có dạng bóng bokeh tròn trịa hơn Sony GM một chút (có thể do lá khẩu của Tamron cong hơn).

Nhìn chung, không có lens nào thực sự "thắng” ở nội dung này, mỗi lens đều có ưu và nhược điểm riêng, cũng như chuyện bokeh đẹp hay xấu còn phụ thuộc người đánh giá nên các bạn có thể tự rút ra kết luận riêng cho mình.
Test tiếp theo thể hiện khả năng tạo tia của từng ống kính khi hạ khẩu.
Các bạn có thể thấy số cánh sao thể hiện bằng 2 lần số lá khẩu tương ứng của từng lens: Tamron (sao 18 cánh, 9 lá khẩu), Sigma Art (sao 22 cánh, 11 lá khẩu), Sony GM (sao 18 cánh, 9 lá khẩu). 

Nhìn chung về chất lượng tia thì cả 3 ống kính đều không phải các trường hợp xuất sắc về khả năng tạo tia: Tamron có đỉnh tia khá nhọn, tia khá đều nhau, nhưng chỉ đạt được ở f/22 (khi đã bị nhiễu xạ nặng bị giảm chất lượng hình) và có xuất hiện tia phụ; Sigma Art có tia đều nhau hơn, không xuất hiện tia phụ nhưng đỉnh tia không nhọn như Tamron, và chỉ đạt dạng đẹp nhất ở f/22, mức độ ghost cao hơn dễ làm xấu dạng sao khi chụp gần nguồn sáng; Sony GM cũng xuất hiện tia phụ dài hơn, dạng tia không thật gọn ngay cả ở f/22 và bị ảnh hưởng bởi mức độ ghost cao ngay sát nguồn sáng.

Các bạn lưu ý là phần đốm màu xếp thành hàng đều nhau ở sát nguồn sáng là hiện tượng phản xạ bề mặt cảm biến. Mặc dù hiện tượng này đã được giảm bớt rất nhiều ở A7 mark III so với 2 thế hệ trước nhưng do chụp gần nguồn sáng mạnh nên chúng ta vẫn quan sát được. Trong thực tế chụp với các nguồn sáng ở xa từ vài mét trở lên chúng ta sẽ không quan sát được hiện tượng này.

Khi so sánh ở vị trí chụp xa hơn, các bạn có thể thấy Tamron có thể tạo flare dạng tròn quanh tia khá thú vị nếu chụp gần nguồn sáng, và cũng là dạng sao nhìn dễ chịu nhất trong 3 trường hợp do ít bị ghost. Mặc dù trong test về flare và ghost, chúng ta còn nhớ là Tamron tạo nhiều ghost hơn 2 lens còn lại, nhưng vì các vị trí ghost đốm màu rõ nhất lại nằm xa nguồn sáng hơn Sony và Sigma nên trong test này nó không có ảnh hưởng tới tia. Vì thế nên theo tia chí tạo tia thì Tamron được đánh giá cao nhất, sau đó đến Sigma Art và kém nhất là Sony GM.

Khả năng kiểm soát coma được quan tâm với ứng dụng chụp thiên văn, chụp milkyway do coma làm biến dạng các điểm sáng ở rìa và góc hình. Mặc dù những lens trong bài đánh giá này không có độ rộng lý tưởng để chụp milkyway nhưng mình vẫn so sánh hai ống kính Sigma Art và Sony GM ở tiêu cự 24mm xem có khác biệt gì không. Hình đánh giá các bạn có thể xem ở dưới với vị trí so sánh được đánh dấu màu xanh.
Khả năng kiểm soát coma của Sony GM rất tốt, gần như các điểm sáng không có biến dạng mặc dù chụp ở khẩu lớn nhất và các điểm sáng ở sát rìa ảnh. Sigma Art ở 24mm có góc nhìn rộng hơn Sony GM nên các bạn sẽ thấy chi tiết có lệch so với ảnh chụp bằng Sony GM. Khả năng kiểm soát coma của Sigma Art cũng tốt, mặc dù kém hơn Sony GM một chút ở khẩu f/2.8 (lưu ý những điểm sáng phóng lớn ở góc 7 giờ bị biến dạng). Tuy nhiên ở f/4 và f/5.6, không có khác biệt đáng kể giữa khả năng kiểm soát coma của 2 lens. Nếu các bạn không cần góc siêu rộng để chụp sao thì đây là 2 ống kính tốt cho mục đích này
Do thời điểm thực hiện test không có lens Tamron và góc nhìn của lens Tamron cũng không phổ biến cho mục đích này nên mình không tiến hành đánh giá. Tamron có mức độ kiểm soát coma cũng khá tốt từ 28mm, các bạn có thể tham khảo ở đánh giá sau: https://www.the-digital-picture.com/Reviews/Tamron-28-75mm-f-2.8-Di-III-RXD-Lens.aspx
Mức độ lens thở (breathing) là một yếu tố quan trọng của lens cần được cân nhắc nếu các bạn muốn sử dụng lens để quay phim. Hiện tượng lens thở biểu hiện qua việc thay đổi góc nhìn của lens ở các vị trí lấy nét khác nhau, hay nói cách khác là tiêu cự của lens bị thay đổi khi thay đổi khoảng cách lấy nét. Mức độ thở thấp thể hiện qua % thay đổi góc nhìn thấp khi chuyển vị trí lấy nét từ gần nhất tới xa nhất hay ngược lại.

Ba lens được kiểm tra hiện tượng thở bằng cách giữ vị trí chụp ở gần lens và xoay vòng nét từ gần nhất tới xa nhất, sau đó so sánh mức độ giãn nở của khung hình.
Rất đáng ngạc nhiên là cả 3 lens đều có mức độ thở rất thấp khi so với mặt bằng chung các ống kính khác, nhất là các ống kính zoom. Mức độ thở làm góc nhìn thu hẹp từ vị trí lấy nét gần nhất tới xa nhất của 3 lens ước lượng bằng khoảng cách giữa hai chi tiết cố định ở hai vị trí lấy nét và được xác định như sau:
  • Tamron: 93%
  • Sigma: 97,6%
  • Sony: 97,9%
Như vậy Tamron có mức độ thở nặng hơn 2 lens còn lại một chút (rất nhỏ), còn Sigma và Sony có mức độ thở có thể coi là tương đương và rất khó nhận ra khi quay, trừ khi bạn thay đổi vị trí nét ở khoảng cách rất xa. Vì vậy,xét về tiêu chí breathing thì cả3 lens đều tốt cho mục đích quay phim
Để xem khả năng AF chi tiết của 3 lens trong các trường hợp khác nhau, các bạn xem ở video dưới đây do Vsion thực hiện. Các đoạn test khả năng AF được chia làm 2 nhóm chính: so sánh khả năng lấy nét ở chế độ chụp và ở chế độ quay phim. Tất cả các test này đều được thực hiện ở chế độ thiếu sáng nhẹ tới thiếu sáng nặng (các video quay phim được thực hiện trong điều kiện rất ít ánh sáng). Ở điều kiện ánh sáng bình thường, cả 3 lens này có khả năng AF đều rất nhanh và giống nhau nên không thể phân biệt được, cũng như một số tác giả khác đã thể hiện qua các video đánh giá các bạn có thể tìm trên Youtube. Với test khi chụp thì mình dùng A6300 để quay lại màn hình để thể hiện chính xác khả năng chụp (khác với quay phim lại quá trình lấy nét thực ra là khả năng lấy nét khi quay phim sẽ có những điểm khác).
Các kết luận mình rút ra là:
  • 3 lens có khả năng AF nhanh và chính xác trong điều kiện ánh sáng đầy đủ (lưu ý là mình chỉ test với firmware mới nhất).
  • Không có khác biệt đáng chú ý giữa 3 lens khi điều kiện ánh sáng đầy đủ.
  • Ở điều kiện thiếu sáng nhẹ (test 1): Sigma là lens có tốc độ AF nhanh và chính xác nhất, trong khi Sony GM có biểu hiện chập chờn nhẹ khi chuyển điểm nét từ gần ra xa (có thể do kích hoạt bổ sung lấy nét tương phản CDAF), còn Tamron có biểu hiện hunting khi thực hiện thao tác tương tự (cũng giống như Sony nhưng thời gian trễ trước khi cố định điểm nét lâu hơn một chút).
  • Ở điều kiện thiếu sáng nhẹ, AF-C và chế độ lấy nét wide focus (test 2): mặc dù tốc độ AF theo vật di chuyển của cả 3 lens đều nhanh, Sigma có vẻ nhỉnh hơn chút khi đỡ bắt sai chủ thể khi xuất hiện trở lại khung hình hơn (2 lens còn lại đều bắt nhầm vào bức tường trong khoảng 0,5 giây).
  • Khi quay phim trong điều kiện thiếu sáng (test 3): 3 lens đều có khả năng bắt nét theo chủ thể tiến về máy ảnh theo trục z (trục vuông góc với cảm biến) tốt, nhưng trong giai đoạn di chuyển có 2 thời điểm lens có thể gặp vấn đề nhẹ khi chưa khóa được nét là khoảng giữa quãng đường và trước khi kết thúc (lúc ở gần lens nhất). Sigma Art không gặp vấn đề ở cả 2 thời điểm này, Sony GM gặp khó khăn một chút khi bắt nét vật ở gần (có lẽ do giới hạn khả năng chụp gần của Sony GM kém hơn 2 lens còn lại), còn Tamron gặp vấn đề ở cả 2 thời điểm khiến chủ thể bị out nét sau đó mới lấy nét lại. Trong test này phần thắng cũng nghiêng về Sigma Art.
  • Khi quay phim trong điều kiện lấy nét điểm, f/5.6, thiếu sáng (test 4): 2 lens Sony GM và Sigma Art mất khoảng 1 giây để lấy lại điểm nét khi chủ thể liên tục rời khỏi khung hình và quay lại, tuy nhiên trong 5 lần lặp lại thì Tamron gặp khó khăn ở lần lấy nét gần đầu tiên (kéo dài tận 7 giây) và có tiến bộ trong các lần tiếp theo (2-4 giây). Trong test này Sony GM và Sigma Art có khả năng tốt nhất, còn Tamron thì khá thất vọng.
  • Cuối cùng, khi quay phim ở điều kiện lấy nét điểm, f/8, thiếu sáng (test 5): cả 3 lens đều không thể bắt nét trở lại điểm xa sau khi đạt được điểm nét ở gần. Trong lần AF đầu tiên, Sigma chỉ mất 2 giây để lấy nét được điểm ở gần, trong khi Sony GM mất 8 giây và Tamron mất 9 giây nên ở test này mặc dù cả 3 đều không đạt thì Sigma vẫn là lens nhanh hơn.
Kết luận về khả năng AF thì rất đáng kinh ngạc là Sigma lại nhỉnh hơn Sony GM một chút. Cũng cần phải nhắc tới là ống kính Sigma Art này chưa được nâng cấp firmware nên trong tương lai gần, khả năng lấy nét cả cho mục đích chụp ảnh và quay phim của ống kính này sẽ vẫn có thể còn được nâng cấp hơn nữa.

Ưu nhược điểm của các ống kính được tóm tắt trong các bảng bên dưới, các bạn click vào tên lens để xem chi tiết.

Sony FE 24-70mm f/2.8 GM

ƯU ĐIỂM

  • Ống kính native chính hãng với hỗ trợ tốt nhất từ hãng về firmware hay độ tương thích với máy ảnh.
  • Thiết kế chắc chắn, có khả năng tùy chỉnh phức tạp thông qua các nút tùy chỉnh trên thân lens.
  • Có khả năng chống chịu thời tiết tốt, phù hợp với việc chụp trong các điều kiện khó.
  • Độ sắc nét cao ở tâm hình trên toàn bộ dải tiêu cự.
  • Độ sắc nét ở rìa hình (khẩu lớn nhất) nhỉnh hơn 2 lens còn lại ở tiêu cự tele và chụp gần.
  • Là lens gần parfocal.
  • Mức độ méo hình quang học thấp.
  • Mức độ tối góc thấp.
  • Khả năng chống flare tốt.
  • Bokeh có độ chuyển mịn, bokeh ball không có viền rõ và bị mắt mèo nhẹ.
  • Khả năng kiểm soát coma rất tốt ngay từ f/2.8.
  • Mức độ breathing (lens thở) gần như bằng 0.
  • Khả năng AF nhanh và chính xác ngay cả trong điều kiện thiếu sáng.
  • Có khả năng giữ giá lâu hơn 2 đối thủ.

NHƯỢC ĐIỂM

  • Giá thành cao (gấp 3 lần Tamron và 2 lần Sigma Art).
  • Kích thước, trọng lượng lớn nhất trong 3 lens.
  • Nút LOCK khóa vòng zoom khó thao tác.
  • Độ nét ở rìa và góc hình, đặc biệt là ở tiêu cự ngắn không thực sự tốt (kém hơn Sigma Art).
  • Bị giảm chất lượng rõ ở f/22 do nhiễu xạ.
  • Bị hiện tượng ghost với đốm sáng màu rõ, có thể là hiệu ứng không mong muốn khi chụp.
  • Bokeh còn bị vân hành rõ.
  • Tia không gọn và dễ bị ảnh hưởng bởi ghost.
  • Ở điều kiện quay phim thiếu sáng và khẩu nhỏ thì tốc độ AF kém hơn Sigma Art một chút.
  • Có hiện tượng chuyển sang lấy nét tương phản trong điều kiện lấy nét khó.

Tamron FE 28-75mm f/2.8 Di III RXD

ƯU ĐIỂM

  • Giá thành thấp nhất trong 3 ống kính, phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người.
  • Thiết kế tối giản, gọn nhẹ, phù hợp cho các mục đích cần di chuyển nhiều, thao tác không phức tạp.
  • Lens gắn rất chắc chắn trên thân máy.
  • Vòng lấy nét có thể xoay góc rất lớn (4 vòng) nếu tốc độ lấy nét chậm, giúp lấy nét chính xác.
  • Lợi thế hơn ở đầu tele có thể chụp xa hơn một chút so với lens 24-70mm.
  • Có khả năng chụp rất gần với độ phóng đại cao hơn hẳn Sony GM.
  • Khả năng giữ vị trí nét gần parfocal.
  • Độ nét tâm hình không thua kém so với Sony GM hay Sigma Art.
  • Độ méo hình quang học thấp.
  • Độ tối góc thấp.
  • Khả năng chống flare tốt (mặc dù kém hơn Sony GM và Sigma Art một chút)
  • Bokeh có độ chuyển khá mịn.
  • Bóng bokeh khá tròn ở mọi khẩu.
  • Tia gọn, đẹp hơn và ít bị ảnh hưởng bởi ghost như Sony GM và Sigma Art.
  • Mức độ breathing rất thấp (nhưng vẫn kém hơn một chút so với Sony GM và Sigma Art).
  • Khả năng AF nhanh và chính xác trong điều kiện ánh sáng tốt và trung bình (firmware mới).

NHƯỢC ĐIỂM

  • Thiếu các tùy chỉnh trên lens dành cho các thao tác phức tạp.
  • Đầu góc rộng tiêu cự dài hơn các đối thủ 4 mm.
  • Chất liệu plastic có độ bền kém hơn các đối thủ.
  • Vòng lấy nét và zoom ở vị trí ngược so với thông thường.
  • Ảnh vùng rìa và góc ảnh kém hơn một chút về độ nét và độ tương phản so với Sigma Art và Sony GM.
  • Bị ghost rất rõ, nhưng ghost xa nguồn sáng hơn Sony GM và Sigma Art.
  • Bóng bokeh có viền sáng khá rõ, độ chuyển bokeh có phần gắt hơn Sony GM và Sigma Art.
  • Bóng bokeh còn hiện tượng vân hành.
  • Khả năng kiểm soát coma kém hơn Sony GM và Sigma Art một chút.
  • Khả năng AF khi ánh sáng yếu, khẩu nhỏ khi quay phim chậm hơn đáng kể so với Sony GM và Sigma Art.
  • Có khả năng mất giá nhanh hơn lens Sony và thậm chí cả Sigma Art.

Sigma Art FE 24-70mm DG DN

ƯU ĐIỂM


  • Giá chỉ bằng 1/2 Sony GM.
  • Thiết kế phức tạp hơn Tamron và đầy đủ các chức năng như Sony GM.
  • Có thiết kế weather seal nhiều vị trí.
  • Vòng lấy nét nhạy và có độ lỳ tốt, giúp thao tác lấy nét tay dễ dàng, cùng vòng lấy nét có thể xoay góc khá lớn (330 độ) hỗ trợ thao tác lấy nét tay tốt. 
  • Nút khóa zoom 24mm dễ điều khiển hơn Sony GM.
  • Là ống kính parfocal.
  • Đạt góc rộng 24mm, thậm chí rộng hơn so với Sony GM tương đương chênh lệch 1-2mm.
  • Có khả năng chụp gần với độ phóng đại cao tương đương Tamron và tốt hơn hẳn Sony GM.
  • Độ nét tâm hình ngang bằng hoặc thua không đáng kể so với Sony GM hay Tamron.
  • Độ nét rìa và góc hình tốt nhất trong 3 lens.
  • Độ méo hình quang học thấp.
  • Khả năng chống flare tốt 
  • Bokeh có độ chuyển khá mịn.
  • Bóng bokeh gần như không có viền, rất sạch, không có biểu hiện vân hành.
  • Tia gọn, đẹp hơn Sony GM (nhưng có thể bị ảnh hưởng của ghost nặng hơn Tamron).
  • Mức độ breathing rất thấp, tương đương Sony GM.
  • Khả năng AF nhanh và chính xác trong điều kiện ánh sáng tốt và trung bình.
  • Khả năng AF tốt hơn Sony GM và Tamron trong điều kiện ánh sáng yếu và khẩu nhỏ.

NHƯỢC ĐIỂM


  • Vòng zoom xoay ngược so với Sony GM và nhiều lens khác, có thể gây ra nhầm lẫn khi chưa quen lens.
  • Đuôi lens sơn bóng không hòa hợp với phần còn lại của thiết kế lens.
  • Góc nhìn tại 70mm rộng hơn Sony GM khoảng tương đương 5mm.
  • Độ nét tâm hình bị giảm nhẹ trong khoảng f/5.6-f/8.
  • Ảnh chụp gần kém sắc nét hơn Sony GM một chút.
  • Bị ghost khá rõ khi chụp ngược nguồn sáng mạnh (tương đương Sony GM).
  • Khả năng kiểm soát coma kém hơn Sony GM và một chút ở khẩu f/2.8 (24mm).
  • Có thể mất giá nhanh hơn ống kính Sony.

Nói một cách công bằng, Sony GM là lens phải chịu nhiều thiệt thòi nhất do là lens đi đầu của cả hệ lens ở tiêu cự này. Mặc dù Sony đã rất cố gắng tích hợp những công nghệ tốt nhất của hãng để làm ra ống kính zoom chất lượng cao này, việc xuất hiện đầu tiên sẽ đặt ra tiêu chuẩn và mốc so sánh cho các lens ra đời về sau. Ở thời điểm ra đời, đây là ống kính zoom 24-70mm chất lượng cao duy nhất của cả hệ máy, nên việc Sony định giá cao là không có gì lạ. Tuy nhiên sau 2-3 năm, hai đối thủ "hãng thứ ba" là Tamron và Sigma nhập cuộc, những gì được và không được của Sony GM đều đã được nghiên cứu kỹ. Tamron không xa lạ gì với ngàm Sony E, thậm chí tiến hành làm lens ngàm E từ rất sớm với ống kính 18-200mm, nhưng phải đợi khá lâu mới nhảy vào thị trường lens full frame ngàm FE. Mặc dù Tamron có lens rất tốt ở tiêu cự này là bản G2 của lens 24-70mm f/2.8, vốn được đánh giá còn nhỉnh hơn Sigma Art, nhưng Tamron lại chọn giải pháp an toàn hơn là thiết kế mới một lens giá rất thấp bằng cách tối giản các chức năng, nâng tiêu cự và dùng chất liệu rẻ để làm lens. Đây là một động thái khôn ngoan vì Tamron chắc chắn đã nhận ra xu hướng phát triển nhanh của hệ ngàm này, nên phát huy tối đa các thế mạnh của mình và lựa chọn một phân khúc phù hợp sẽ có giá trị hơn. Quả thực, ngay sau gần 1 năm, Sigma đã tiếp tục tung ra phiên bản mirrorless full frame của ống kính Art 24-70mm f/2.8 với thiết kế mới hoàn toàn. Ống kính này không những nhỏ gọn hơn mà chất lượng quang học còn nhỉnh hơn phiên bản DSLR. Không những thế, Sigma được hưởng lợi nhiều nhất từ việc quan sát hai ống kính ra đời trước đó và tiếp thu những điểm mạnh nhất để làm ra ống kính này. Mặc dù là ống kính giá rẻ hơn nhiều Sony GM nhưng Tamron 28-75mm có những điểm ưu việt hơn như khả năng chụp gần, chất lượng tia tốt hơn. Sigma đã học hỏi những điểm này và kết hợp những điểm cộng của lens Sony GM như việc bố trí nhiều nút tùy chỉnh trên thân lens, thậm chí còn dễ thao tác hơn. Ngoài ra, với xu thế sử dụng máy ảnh để quay phim ngày càng phổ biến, ống kính này được thiết kế quan tâm nhiều đến khả năng sử dụng cho quay phim (parfocal, vòng lấy nét tay rất chính xác, gần như không có breathing). Cùng với kinh nghiệm làm ống kính đã lâu năm, Sigma đặt sản phẩm mới của mình vào vị trí chính xác giữa 2 ống kính đã ra đời trước đó, nhưng lại tập hợp được gần như tất cả ưu điểm của cả hai.

Theo quan điểm của cá nhân tác giả, Sigma Art 24-70mm f/2.8 là chiếc lens thành công hơn 2 đối thủ (và cá nhân mình sẽ chọn ống kính này thay vì Sony GM hay Tamron) và đem lại hiệu quả sử dụng cao trên mức tiền đầu tư. Mặc dù lúc mới ra đời, nhiều người cho rằng Tamron là hãng phải lo lắng bị ảnh hưởng, nhưng thực sự Sony GM mới là ống kính bị cạnh tranh mạnh nhất. Tamron có mức giá rẻ hơn và mức độ phổ biến cao do sớm nhảy vào thị trường này nên luôn sẵn có với số lượng lớn trên thị trường (cả lens mới và cũ), hơn nữa chất lượng quang học của ống kính này cũng không kém cạnh nhiều Sony GM, lại có những ưu thế riêng mà ống kính cao cấp hơn của Sony không có được. Tamron 28-75mm cũng có hiệu suất sử dụng trên giá tiền đầu tư cao (mặc dù mình đánh giá về hiệu quả vẫn không cao bằng Sony GM), nhưng vì khôn ngoan đánh vào phân khúc tiện dụng nên ống kính này sẽ vẫn giữ được chỗ đứng của mình (có thể sẽ phải cân nhắc giảm giá một chút). Khoảng cách về giá giữa Sigma Art mới và Sony GM cũ không phải là quá lớn, nhưng có hai vấn đề đặt ra là Sigma Art không nên xem là ống kính thua kém Sony GM, thậm chí có những điểm hơn Sony GM, và thứ hai là lượng ống kính cũ của Sony GM trên thị trường vốn không nhiều do giá thành cao, kén người mua. Vì thế nên nếu bạn cân nhắc giữa chuyện mua Sigma mới hay GM cũ thì mình cũng sẽ vẫn nghiêng về Sigma mới hơn.

What's next? Sự tham gia của Sigma Art vào phân khúc lens zoom này có ảnh hưởng tích cực với người dùng do có lựa chọn tốt, giá thành phải chăng, nhưng cũng gây sức ép lớn với các nhà sản xuất. Khả năng cao Sony sẽ phải cân nhắc làm phiên bản thứ hai của ống kính GM 24-70mm f/2.8, còn Tamron có thể tiếp tục học được từ Sigma để cân nhắc sản xuất phiên bản mirrorless cho ống kính 24-70mm f/2.8 G2 vốn được đánh giá cao của mình. Nếu Tamron tiếp tục sản xuất ống kính này, chắc chắn chúng ta sẽ có một lens giá thành còn thấp hơn nhưng chưa chắc chất lượng quang học đã kém hơn Sigma Art.

Cuối cùng, với những bạn còn đang phải cân nhắc chọn ra 1 trong số 3 lens này, lời khuyên của mình là nên cân nhắc về giá thành, sự phù hợp với mục đích sử dụng của mình hơn là đi so sánh về độ nét và màu sắc, bokeh, vì thực tế qua các test của mình thì khoảng cách giữa 3 lens này (hay thậm chí giữa nhiều lens hiện đại của các hãng lớn hiện nay) là rất nhỏ, và gần như không có điểm nào thực sự đặc trưng cho một chiếc lens mà nhìn vào ảnh có thể nhận ra như trong thời kỳ trước.

Cám ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài viết.

Xin chân thành cám ơn Shriro Việt NamDOF.zone đã cung cấp lens cho bài đánh giá này.
Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
By Dr. Fox 21 Apr, 2019
Đánh giá chất lượng ống kính Laowa 10-18mm f/4.5-5.6 FE C-Dreamer của Venus Optics trên hệ máy Sony mirrorless full frame.
Share by: