Blog Post

Đánh giá Laowa 10-18mm f/4.5-5.6 FE C-Dreamer (Venus Optics)

Apr 21, 2019

Cuối năm 2018, hãng Venus Optics của Trung Quốc đã trình làng ống kính zoom góc siêu rộng 10-18mm f/4.5-5.6 dành cho hệ máy full frame mirrorless của Sony. Ống kính này cũng như các ống kính khác của hãng đều được biết đến dưới cái tên Laowa (hay Lão Oa, nghĩa là Con Ếch Già). Các ống kính Laowa đã sớm xây dựng được tên tuổi riêng do cách tiếp cận riêng về thiết kế các loại ống kính "lạ", như ống góc rộng không méo cho máy full frame 12mm f/2.8, 15mm f/2 zero D, ống macro relay 24mm f/14. Trong trường hợp của ống kính 10-18mm, đây cũng là ống kính zoom góc rộng nhất trên thị trường mà không phải là fisheye (ống kính zoom full frame gần nhất chỉ có Canon EF 11-24mm f4L, còn ống kính fix gần nhất là Voigtlander 10mm f/5.6 Aspherical). Theo Venus Optics thì trong thời gian tới hãng sẽ có phiên bản mirrorless ngàm Canon RF và Nikon Z của ống kính 10-18mm, nhưng hôm nay chúng ta hãy nói về chất lượng phiên bản ngàm Sony FE được đánh giá với máy ảnh Sony A7 mark III (A7m3).

Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Đầu tiên các bạn có thể xem thống kê so sánh các đặc điểm kỹ thuật của Laowa 10-18mm f/4.5-5.6 với IRIX 15mm f/2.4 mà Vsion đã có đánh giá trước đây.

Tên ống kính IRIX 15mm f/2.4 Laowa 10-18mm f/4.5-5.6 FE
Hãng sản xuất IRIX (Thụy Sỹ) Venus Optics (Trung Quốc)
Năm sản xuất 2016 2018
Hệ máy Full frame DSLR Full frame mirrorless
Ngàm Canon EF (hoặc Nikon F, Pentax K) Sony FE (trong tương lai là Canon RF và Nikon Z)
AF/MF MF
Khẩu độ max-min f/2.4-f/22 f/4.5-5.6 - f/22
Vòng lấy nét Cơ học Cơ học
Vòng khẩu độ Không có (điều chỉnh qua body) Vòng cơ học
Thiết kế thấu kính 15 thấu kính / 11 nhóm 14 thấu kính / 10 nhóm
Thấu kính đặc biệt 3 HR, 2 ED, 2 Aspherical 1 ED, 2 Aspherical
Tráng phủ Neutrino coating Frog Eye coating
Số lá khẩu 9 lá khẩu thẳng 5 lá khẩu thẳng
Lấy nét gần nhất 28 cm 15 cm
Chiều dài 100 mm (không tính ngàm chuyển) 90,9 mm
Cân nặng 608 g (không tính ngàm chuyển) 496 g
Đường kính filter 95mm -
Khả năng dùng filter holder Filter holder hệ 100mm
Khả năng dùng filter sau Filter gelatin vuông Filter tròn phía sau
Giá bán (4/2019) $400 (Firefly), $600 (Blackstone) $849

Laowa 10-18mm, cũng giống 2 ống kính Zeoro-D 12mm, 15mm của Laowa đều có thiết kế nhỏ gọn dành riêng cho máy ảnh mirrorless với cấu tạo chủ yếu là kim loại. Từ thân ống kính tới các vòng lấy nét, vòng zoom, vòng chỉnh khẩu đều sử dụng kim loại sơn màu đen bên ngoài. Ống kính có phần loa che liền (hood) không thể tháo ra và kính trước lồi (mặc dù không lồi nhiều như các ống siêu rộng cho DSLR). Sát mép trước ống kính chúng ta có thể thấy viền màu xanh da trời đặc trưng cho các lens của Laowa. Thân lens được thiết kế rất đơn giản với 3 vòng điều chỉnh hoàn toàn bằng kim loại với vân song song (vòng lấy nét, vòng chỉnh tiêu cự và vòng chỉnh khẩu). Cảm giác khi dùng ống kính này là sự chắc chắn do thiết kế kim loại, tuy nhiên các vân song song trên vòng điều chỉnh không thực sự ăn tay nên đôi lúc có cảm giác bị trượt, không đúng ý điều khiển.

Vòng lấy nét có vòng quay khoảng 55 độ, là khoảng vòng cần di chuyển để thay đổi điểm lấy nét từ gần nhất tới vô cực. Ống kính này có thiết kế dừng tại điểm vô cực (điểm cứng) nên khi bạn quay ống kính tới vô cực thì ảnh chụp cũng nét nhất ở xa vô cùng (tuy nhiên tùy điều kiện nhiệt độ và thời gian sử dụng, điểm này có thể không còn chuẩn như ban đầu). Giữa vòng chỉnh tiêu cự (vòng zoom) và vòng chỉnh khẩu độ, các bạn có thể thấy một cần gạt nhỏ màu bạc, với chữ CLICK ở bên phải và dấu - O ở bên trái. Đây là nút tùy chọn click, nếu bạn gạt nó sang trái thì khi chỉnh khẩu ống kính sẽ không tạo ra tiếng động "tích tích", nhưng nếu gạt sang phải thì các bạn sẽ nghe thấy. Đây là tùy chọn để phục vụ cho nhu cầu quay phim, các bạn tắt tiếng đi sẽ không gây ảnh hưởng cho đoạn phim đang quay nếu cần chỉnh khẩu độ trong quá trình quay. Ở vòng chỉnh khẩu độ dưới cùng, các bạn cũng có thể thấy chữ (5.6) màu đỏ ở cạnh số 4.5, có nghĩa là ở tiêu cự 18mm thì khẩu độ lớn nhất ống kính đạt được sẽ là f/5.6 chứ không như ở tiêu cự 10mm. Ở các tiêu cự trung gian, con số này sẽ nằm ở các giá trị trung gian giữa f/4.5 và f/5.6. Tương ứng, các khẩu độ còn lại được ghi trên ống kính cũng tương ứng với các giá trị khẩu độ thực sẽ thấp hơn khi tăng tiêu cự. Vì thế nên rất khó để nói chính xác được bạn đang dùng khẩu độ bao nhiêu. Trong bài viết này, mình cũng chỉ sử dụng con số ghi trên ống kính khi chụp để biểu thị khẩu độ chứ không dùng giá trị khẩu độ thực tế để tránh sự rắc rối.

Để hình dung về góc nhìn thay đổi giữa các tiêu cự của ống kính này, các bạn có thể xem ảnh động sau do Venus Optics cung cấp

Từ mặt trước ống kính, các bạn có thể nhìn thấy hình dạng lỗ khẩu. Ở tiêu cự 10-12mm, bạn có thể thấy hình dạng lỗ khẩu là ngũ giác tạo bởi 5 lá khẩu thẳng, ngay từ khẩu độ lớn nhất. Tuy nhiên khi tăng tiêu cự thì hình dạng lỗ khẩu sẽ tròn dần. Ống kính cũng đi kèm nắp trước bằng kim loại có thể ôm lấy toàn bộ phần loa, khá chắc chắn.

Ở mặt sau của ống kính, các bạn có thể nhận thấy một điểm đặc biệt là có gắn một kính lọc tròn 37mm. Đây là kính lọc UV nên không ảnh hưởng tới lượng ánh sáng truyền qua ống kính. Nếu tháo kính lọc này ra các bạn có thể thấy phần sau của hệ thấu kính nằm thụt lùi vào bên trong ống kính. Khi tháo lắp kính lọc này chúng ta cần cẩn thận để tránh cho bụi lọt nhiều vào bên trong ống kính. Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này ở phần nói tới việc sử dụng kính lọc.

Chúng ta hãy so sánh thiết kế bên ngoài của Laowa 10-18mm với một ống kính có tiêu cự tương ứng nhưng dành cho hệ máy cảm biến crop là Canon EF-S 10-18mm f/4.5-5.6 IS STM. Ống kính Laowa có chiều cao khá khiêm tốn khi so với ống kính EF-S đã có ngàm MC-11 để sử dụng trên máy Sony mirrorless. Đây là một bằng chứng rõ ràng cho khả năng thu nhỏ ống kính với máy ảnh mirrorless có khoảng cách buồng tối ngắn. Mặc dù ống kính Canon có cùng tiêu cự nhưng chỉ sử dụng được cho máy ảnh cảm biến crop, tức là nếu ống kính tương tự được thiết kế cho máy ảnh DSLR thì nó phải bằng ít nhất 2 lần về thể tích so với ống kính này.

Kế tới, chúng ta cùng so Laowa 10-18mm với IRIX 15mm f/2.4 (chúng ta sẽ tham khảo chất lượng của IRIX ở tiêu cự 15mm để so với tiêu cự 16mm của Laowa). Là một ống kính tiêu cự cố định (fix) và có khẩu độ lớn hơn Laowa khá nhiều (f/2.4 so với f/4.5-5.6), IRIX lại thiết kế cho máy DSLR nên kích thước ống kính này ngay cả khi chưa dùng ngàm MC-11 cũng đã lớn hơn khá nhiều Laowa 10-18mm. Một lợi thế rất lớn của Laowa 10-18mm là khả năng zoom ở khoảng khá rộng (xấp xỉ 2x), có thể đạt tới tiêu cự rất ngắn là 10mm, nhưng vẫn giữ được kích thước rất nhỏ gọn.

Còn đây là ảnh do chính Venus Optics cung cấp để so sánh Laowa 10-18mm với ống kính zoom mirrorless full frame có tiêu cự rất gần là Sony G FE 12-24mm f/4. Khác biệt về kích thước trong trường hợp này cũng rất đáng kể.

Để đánh giá chất lượng quang học của Laowa 10-18mm, mình sử dụng tripod chắc để gắn máy Sony A7III, chụp đối tượng từ vị trí cố định, sử dụng ảnh RAW xuất ra JPEG qua CameraRAW của Photoshop để đánh giá độ nét (mức sharpness 40) và không sử dụng filter, hood hay các chức năng can thiệp vào chất lượng ảnh như khử noise. Các ảnh đánh giá chất lượng JPEG từ máy sử dụng ảnh chụp đồng thời với ảnh RAW.

Ảnh chụp bằng ống kính Laowa 10-18mm từ Sony A7m3 trong điều kiện ánh sáng đủ thường có màu khá ấm so với các ống kính khác. Màu sắc và độ tương phản của ảnh đạt mức tốt, ngoại trừ hiện tượng tối góc rất dễ nhận thấy ở tiêu cự lớn 10-14mm. Dưới đây là một số ảnh tham khảo. Các ảnh chụp đều là ảnh JPEG chụp từ máy, không qua chỉnh sửa (không sử dụng Creative style hay chế độ màu đặc biệt).

Venus Optics từng là hãng tiên phong trong việc đưa khái niệm "macro góc rộng" tới người dùng thông qua ống kính 15mm f/4 Macro được giới thiệu vài năm trước đây. Với ống kính 10-18mm này, Venus Optics cũng chú ý tới khả năng chụp gần, với khoảng cách chụp gần nhất là 15 cm tính từ kính trước tới vật. Lưu ý là mặc dù trong thông số kỹ thuật, ống kính chụp gần 15 cm, nhưng thực tế khi tăng tiêu cự, các bạn có thể còn chụp gần hơn được một chút. Tại 18mm, với khả năng chụp gần các bạn có thể đạt mức độ phóng đại 1:4, nghĩa là đạt 1/4 kích thước vật thật trên cảm biến.

Giữa 16mm và 18mm không có khác biệt đáng kể về khả năng chụp gần hay mức độ phóng đại.

Sau đây mình sẽ đánh giá độ nét ở các khu vực ảnh khác nhau khi chụp cảnh ở từng tiêu cự. Ảnh chụp được lấy nét ở tâm hình. Các vị trí đánh giá được thể hiện bằng ô vuông màu xanh trên hình. Các vị trí này từ trái sang phải tương ứng với vị trí Left, Mid-left, Center, Mid-right, Right ở trong hình phóng đại ở dưới.

Độ nét ở tiêu cự 10mm

Các bạn có thể thấy là ở tâm hình (Center), độ nét đã gần đạt mức cao nhất ở khẩu độ lớn nhất (f/4.5). Độ nét cao nhất chỉ nhỉnh hơn một chút khi hạ khẩu độ xuống khoảng f/5.6-f/8 và giảm nhanh từ f/11 do hiện tượng nhiễu xạ. Hai khu vực trung gian trái và phải (Mid-left và Mid-right), độ nét cao nhất đạt khoảng 80% khu vực trung tâm khi khép khẩu xuống f/5.6-f/8 và cũng giảm nhanh ở các khẩu độ nhỏ hơn. Khi xét khu vực góc/rìa hình, độ nét kém và thể hiện sắc sai rất rõ ở các chi tiết có độ tương phản cao. Các bạn có thể nhìn thấy các chi tiết có viền màu xanh hoặc nâu đậm trong hình góc trái và góc phải. Độ nét ở góc/rìa được cải thiện ở f/11 nhưng vẫn còn khá thấp so với khu vực giữa hình và vùng trung gian. Hiện tượng sắc sai cũng không có dấu hiệu giảm khi hạ khẩu. Nhìn chung, độ nét của ống kính này ở 10mm chỉ ở mức khá, nhỉnh hơn so với ống kính Samyang 14mm f/2.8 trước đây mình vẫn dùng, và vùng sát rìa hình thì kém. Ngoài ra, vùng góc hình còn bị tối góc khá nặng và ám xanh nhẹ.

Độ nét ở tiêu cự 12mm

Ở tiêu cự 12mm, tình hình được cải thiện hơn một chút do phần rìa hơi kém của tiêu cự 10mm bị giới hạn lại bớt. Độ nét ở tâm hình ở tiêu cự này có vẻ nhỉnh hơn một chút so với tiêu cự 10mm và góc hình cũng đỡ tối hơn. Khoảng nét tối ưu ở tiêu cự này là f/8 để đạt độ nét cao nhất từ tâm hình tới 2 vùng trung gian. Hạ khẩu xuống f/11 sẽ làm vùng rìa hình nét hơn một ít, nhưng ở tâm hình đã bắt đầu giảm chất lượng. Cũng giống như ở tiêu cự 10mm, hiện tượng sắc sai với hai khu vực sát góc/rìa hình rất rõ và không có thay đổi từ khẩu lớn nhất tới khẩu nhỏ nhất. Ở f/22, chất lượng ảnh trên toàn hình kém nên đây là khẩu độ nên tránh sử dụng.

Độ nét ở tiêu cự 14mm

Tới tiêu cự 14mm thì chất lượng hình được cải thiện đáng kể hơn so với ở 10 và 12mm. Khoảng nét tối ưu được nới rộng thêm một chút tới f/8-f/11. Sự suy giảm chất lượng chỉ bắt đầu đáng kể từ f/16 và chất lượng ảnh ở góc/rìa đã ở mức chấp nhận được. Mặc dù không có so sánh trực tiếp với Samyang 14mm f/2.8 nhưng theo kinh nghiệm sử dụng của mình thì ở tiêu cự này Laowa nhỉnh hơn về độ nét từ tâm tới rìa hình. Hiện tượng sắc sai và tối góc ở góc/rìa hình vẫn còn nhưng đã đỡ hơn khá nhiều.

Độ nét ở tiêu cự 16mm

Riêng ở tiêu cự 16mm thì chất lượng ảnh của Laowa 10-18mm được so sánh với IRIX 15mm f/2.4. Mặc dù dự định ban đầu của mình là so IRIX với Laowa ở tiêu cự 15mm, nhưng thực tế thì tiêu cự 15mm của Laowa có góc nhìn rộng hơn IRIX một chút nên phải tăng tiêu cự lên 16mm để góc nhìn của 2 ống kính tương đương nhau.

Chúng ta có thể thấy là độ nét của ảnh chụp bằng IRIX 15mm khi dùng khẩu độ lớn nhất (f/2.4) có vùng trung tâm kém hơn Laowa 10-18mm khá rõ, nhưng lại có vùng trung gian và rìa hình nét hơn và ít sắc sai hơn, ít tối hơn. Ở cùng một khẩu độ thì IRIX là ống kính tốt hơn toàn diện, mặc dù chỉ nhỉnh hơn độ nét tâm hình một chút nhưng phần trung gian và rìa hình có chất lượng ảnh tốt hơn rõ. Trong khoảng f/8-f/11, chất lượng hình ảnh của hai ống kính đã rất gần nhau, mặc dù ở rìa hình lợi thế của IRIX vẫn rõ ràng. Do thiết kế thấu kính lớn hơn nên tốc độ bị ảnh hưởng của nhiễu xạ của IRIX vẫn chậm hơn Laowa, chỉ thể hiện rõ từ f/16-f/22.

Độ nét ở tiêu cự 18mm

Ở tiêu cự 18mm độ nét tâm hình cũng đạt mức tốt ngay từ khẩu độ lớn nhất (f/5.6, nhưng được thể hiện bằng f/4.5 trên hình so sánh). Nếu muốn đạt độ nét cao nhất của vùng trung gian và rìa hình, bạn cần hạ khẩu độ xuống f/11, nhưng ở khẩu độ này độ nét tâm hình sẽ bị giảm đi một chút. So với các tiêu cự ngắn hơn trong dải zoom thì ở tiêu cự này bạn sẽ gặp phải ít vấn đề về quang học nhất, như mức độ tối góc và sắc sai ở rìa hình đã giảm xuống mức thấp.

Mức độ méo hình

Khác với hai ống kính 12mm và 15mm ra đời trước, Laowa không gắn mác Zero-D cho ống kính 10-18mm này mà thay bằng cái tên C-Dreamer. Vì thế nên chúng ta cũng không có hy vọng mức độ kiểm soát méo hình của ống kính này tốt bằng 2 ống kính fix. Thực tế là ở 10mm ống kính bị méo phức hợp (lồi ở giữa và hơi lõm về góc, gần giống kiểu méo hình của Samyang 14mm f/2.8 MF), ở 12mm và 14mm bị méo phình (barrel distortion) nhẹ, còn khi tăng tiêu cự lên 16-18mm thì gần như không có hiện tượng méo hình đáng kể. Cũng cần lưu ý là trong hình đánh giá này bức tường được chụp khá gần ống kính (khoảng hơn 1m), nên trong thực tế nếu các bạn chụp cảnh ở xa thì mức độ méo hình này sẽ khó nhận ra hơn.

Các bạn cũng cần phải phân biệt hiện tượng méo hình quang học đang được đề cập tới với hiện tượng méo hình phối cảnh (perspective distortion) đặc trưng của từng tiêu cự. Một ống kính góc rộng có mức méo hình quang học bằng 0 thì vẫn tạo hiệu ứng kéo giãn hình ở góc và thu hình lại ở tâm, cũng như làm méo hình dạng vật, người khi ở vị trí gần góc/rìa hình.

Mức độ tối góc

Ở đầu góc rộng 10-14mm thì Laowa 10-18mm bị tối góc nặng, dù hạ khẩu độ nhưng mức độ tối góc không được cải thiện nhiều và không bao giờ hết hẳn.

Ở bảng dưới các bạn có thể thấy mức độ chênh lệch về độ sáng giữa tâm hình và góc hình ở các tiêu cự và khẩu độ tương ứng mình đã ước lượng qua ảnh chụp. Ở đầu 16mm và 18mm hiện tượng này nhẹ nhất, nhưng dù hạ khẩu xuống f/11 thì tối góc vẫn ở mức -1,37 EV.

10mm 12mm 14mm 16mm 18mm
f/4.5 -3,50 EV -2,30 EV -1,84 EV -1,50 EV -1,45 EV
f/5.6 -2,90 EV -2,10 EV -1,65 EV -1,43 EV -1,40 EV
f/8 -2,40 EV -1,85 EV -1,60 EV -1,40 EV -1,37 EV
f/11 -2,30 EV -1,85 EV -1,60 EV -1,40 EV -1,37 EV

Trường nét của ống kính thường tạo ra một mặt phẳng cong chứ không phẳng hoàn toàn. Mức độ cong trường nét thay đổi tùy thuộc thiết kế của ống kính và nó ảnh hưởng rất nhiều tới sự đồng đều giữa độ nét ở các vùng của khung hình, nhất là giữa vùng tâm hình và góc / rìa hình. Để tái hiện hình ảnh của trường nét, phương pháp của mình là đặt máy ảnh sát với một mặt phẳng có nhiều chi tiết, sau đó cân bằng máy sao cho mặt dưới của máy gần như song song với mặt phẳng này, rồi lấy nét ở mức gần nhất có thể, mở khẩu lớn nhất. Với cách này thì vùng chuyển giữa điểm nét và điểm ngoài vùng nét có thể được quan sát. Bằng phương pháp xử lý tăng độ tương phản và chi tiết của hình, mình có thể nhận ra hình dáng của trường nét với từng ống kính.

Rất dễ nhận thấy là ở tiêu cự ngắn hơn thì độ cong trường nét của Laowa 10-18mm rõ hơn, còn ở 16-18mm thì trường nét khá thẳng. Điều này giải thích cho mức độ chênh lệch về độ nét giữa các vùng ảnh là lớn hơn ở đầu wide, nhưng gần nhau hơn khi tiêu cự tăng. Với trường nét khá cong ở khoảng 10-14mm, các bạn cần lưu ý lựa chọn khẩu độ và điểm lấy nét phù hợp với các chi tiết xếp hàng ngang so với máy.

Mình có thử nghiệm khả năng chống lóa (flare) và bóng ma (ghost) của Laowa 10-18mm trong điều kiện chụp trong nhà và bên ngoài. Có một lưu ý là ống kính này đi kèm một kính lọc tròn 37mm ở sau nên mình sẽ so sánh khả năng chống flare và ghost khi không có filter và khi có filter để thấy ảnh hưởng của filter này tới chất lượng ảnh.

Ở ảnh trên các bạn có thể nhận thất là ống kính này chịu flare ở mức khá và khi nguồn sáng mạnh, ống kính sẽ tạo các vân sáng hướng tâm. Ngoài ra, filter sau có thể là tác nhân chính dẫn tới các đốm sáng ghost ở hình bên phải. Các đốm sáng này là ảnh phản chiếu ngược trở lại của ánh sáng mỗi lần đi qua một mặt tiếp xúc giữa thấu kính và không khí.

Ở hình trên, filter sau dường như làm một số tia sáng bị kéo dài ra giống như hiện ứng với filter tạo tia. Đây có thể là do chất lượng kính của filter sau không thực sự tốt.

Thi thoảng ảnh chụp bằng Laowa 10-18mm có hiện tượng giống như lọt sáng, khi có nguồn sáng biên đủ mạnh có thể tạo ra một vùng sáng như ở trên hình. Hiện tượng này giống như có một khe hở dọc thân lens hoặc ở vị trí ngàm, tuy nhiên mình vẫn chưa thể khẳng định được nguyên nhân và chỉ lặp lại được nó rất ít lần chứ không phổ biến trong thời gian chụp thử.

Đây là một hình ảnh rõ hơn để minh họa cho hiện tượng ghost với Laowa 10-18mm khi chụp trong điều kiện thực tế. So với các ống kính khác thì mức độ chịu flare và ghost của Laowa chỉ ở mức khá, chưa thể gọi là tốt.

Sắc sai (viền tím) vốn không phải vấn đề lớn với các ống kính góc rộng khẩu nhỏ như thế này. Tuy vậy, mình vẫn cần kiểm tra kỹ đặc tính của ống kính này trong một số trường hợp khó.

Sắc sai trục ngang - Lateral chromatic aberration (LaCA)

Sắc sai trục ngang thường được thể hiện ở các vùng có tương phản mạnh. Trong ảnh test mình dùng đèn chiếu vào bề mặt kim loại và thủy tinh để phát hiện ra các biểu hiện của sắc sai trục ngang (Lateral chromatic aberration hay LaCA). Các bạn có thể thấy là ở tâm hình (ảnh zoom bên phải), ngay cả trong điều kiện khó thế này cũng không có biểu hiện của viền tím ở các vùng chi tiết tương phản cao. Tuy vậy, khi dịch ra phía gần góc/rìa hình hơn thì vẫn có dấu hiệu rất ít của viền tím (hình zoom bên trái).

Mặc dù vùng tâm hình được chữa sắc sai tốt, vùng sát biên, góc/rìa hình lại không được tốt bằng do hệ quả của hiện tượng cầu sai. Ngay cả khi hạ khẩu hiện tượng này vẫn còn quan sát được, đặc biệt là với tiêu cự ngắn 10-14mm như trong phần phân tích về độ nét mình có đề cập tới. Tuy nhiên hiện tượng này có thể xử lý rất dễ với chức năng khử viền tím trong Camera Raw hoặc trong Camera Raw filter của Photoshop.

Sắc sai trục dọc - Longitudinal chromatic aberration (LoCA)

Một cách kiểm tra LoCA rất kinh điển là chụp chéo mặt một tờ giấy có nhiều chữ, do sai khác màu sắc phía trước và sau vùng nét có thể thấy rõ trên các chi tiết đen và nền trắng của tờ giấy. Với hình zoom ở bên phải chúng ta có thể thấy ống kính này kiểm soát LoCA tốt, chỉ có biểu hiện lệch màu rất ít.

Các ống kính với tiêu cự ngắn như thế này thường không được thiết kế để có bokeh chất lượng cao, nhưng với khả năng chụp gần của Laowa 10-18mm thì các bạn cũng có thể thấy là bokeh vẫn có thể quan sát được rõ khi chụp gần chi tiết. Chất lượng vùng ngoài nét cũng khá tốt với bóng bokeh không có viền sáng rõ.

Một điểm rất thú vị là trong khoảng tiêu cự 10-12mm, các bạn để ý kỹ sẽ thấy là chúng ta có hai dạng bóng bokeh: dạng tròn (giữa hình) và dạng ngũ giác (ở góc dưới bên trái hình). Điều này là do ở các tiêu cự này, lỗ khẩu vẫn có dạng ngũ giác ngay từ khẩu lớn nhất, và tùy thuộc vào đường đi của ánh sáng, nếu góc đi thẳng qua lỗ khẩu thì bokeh sẽ có dạng giống như lỗ khẩu, còn khi ánh sáng đi chéo thì nó vẫn tạo dạng bóng bokeh gần tròn.

Ở tiêu cự 16-18mm thì hiện tượng này không còn và bóng bokeh luôn ở dạng tròn hoặc bầu dục khi mở khẩu lớn nhất. Hình dưới là một ví dụ về chất lượng bokeh khi chụp gần vật thể ở 18mm (ảnh JPEG lấy từ máy).

Để tìm hiểu về hiệu ứng tia của ống kính, mời các bạn đọc trong bài hướng dẫn của Vsion .

Laowa 10-18mm là một trong số ít ống kính mà quá trình thiết kế lá khẩu được tiến hành bằng trao đổi qua lại giữa nhà sản xuất với người sử dụng. Thời gian công bố ống kính này đã được lùi lại khoảng nửa năm để nhà sản xuất thay đổi thiết kế lá khẩu để đạt hiệu ứng tia đúng ý người dùng. Thiết kế của Laowa 10-18mm bản chính thức rõ ràng là được truyền cảm hứng bởi dạng lỗ khẩu nổi tiếng của các ống kính Voigtlander, luôn luôn dễ dàng trong việc tạo tia 10 cánh rất nhọn và đều, ngay cả khi chỉ hạ khẩu độ xuống một chút.

Ở tiêu cự 10-12mm, do lỗ khẩu ngũ giác có thể nhìn thấy ngay từ khẩu lớn nhất nên các bạn rất dễ lấy hiệu ứng tia trong ảnh của mình mà không cần phải hạ khẩu độ. Khi tăng tiêu cự lên tới 18mm thì hình dáng lỗ khẩu ở dạng mở lớn nhất dần quay trở lại dạng hình tròn nên ở tiêu cự dài, bạn cần hạ khẩu xuống một chút để lấy được hiệu ứng tia. Ở hình dưới các bạn có thể thấy là chất lượng tia của Laowa 10-18mm rất tốt ngay khi tia mới hình thành, và việc hạ khẩu độ không cải thiện thêm chất lượng tia đáng kể nên các bạn không cần phải hạ khẩu sâu chỉ để đạt hiệu ứng tốt hơn.

Đây là một điều đáng ngạc nhiên mà trước khi làm review mình không nghĩ tới: Laowa 10-18mm có mức độ "thở" rất ít, gần như không thay đổi khung hình khi thay đổi vị trí lấy nét. Điều này có nghĩa là đi cùng với chức năng declick vòng khẩu, Laowa 10-18mm trở thành một lựa chọn rất tốt cho quay phim (trừ việc nó không phải ống kính parfocal - sẽ được nhắc tới trong phần sau).

Một ống kính parfocal là ống kính khi thay đổi tiêu cự (zoom) thì vị trí lấy nét không bị thay đổi. Điều này có nghĩa là với ống kính parfocal bạn có thể zoom ống kính ở đầu tele, lấy nét cho chuẩn, sau đó thu ngắn tiêu cự (hoặc làm ngược lại) lại mà không cần phải lấy nét lại thì ảnh chụp ra vẫn sắc nét. Các ống kính không có khả năng này thì gọi là varifocal, chúng ta phải lấy nét lại mỗi khi thay đổi tiêu cự ống kính.

Để xem Laowa 10-18mm có phải ống kính parfocal hay không thì mình thực hiện một test nhanh: lấy nét ở 10mm, thay đổi tiêu cự mà không lấy nét lại rồi chụp ảnh, sau đó so sánh độ nét ảnh với ảnh chụp có lấy nét lại ở từng tiêu cự.

Các bạn có thể lấy ngay là khi chuyển tiêu cự từ 10mm lên 14mm mà không lấy nét lại thì ảnh bị out net ngay lập tức. Điều tương tự xảy ra với tất cả các tiêu cự khác như ở các hình dưới.

Như vậy, mặc dù Laowa 10-18mm là một ống kính tốt cho quay phim, đây lại không phải là một ống kính parfocal nên không sử dụng được trong trường hợp bạn cần phối hợp hiệu ứng zoom và lấy nét trong cùng một phân cảnh.

Mặc dù Venus Optics không nói filter sau là một phần của hệ thấu kính (cả 14 thấu kính hãng nhắc tới đều xuất hiện trên bản thiết kế) nhưng đọc được thông tin này từ một số reviewer khác nên mình quyết định tìm hiểu kỹ vấn đề này.

Trong test này mình lấy nét đối tượng và chụp khi tháo filter sau, cố định máy và vị trí lấy nét, sau đó lắp filter sau và chụp lại khi chưa thay đổi vị trí lấy nét. Sau khi chụp tấm thứ hai (có filter), nhận thấy vị trí lấy nét đã thay đổi, mình lấy lại nét và chụp tấm thứ ba. Các ảnh so sánh zoom lớn hình được xếp theo thứ tự 1, 3, 2 như mô tả ở trên. So 2 hình đầu tiên các bạn có thể thấy là với filter sau thì ảnh sắc nét hơn một chút. Còn ở hình 3 thì ảnh mờ do out nét, mà cụ thể hơn là do khi lắp filter, vị trí nét bị đẩy đi xa hơn (bằng chứng là bình nước ở sau từ mờ thành nét khi lắp filter). Như vậy, mặc dù chỉ là một tấm kính phẳng nhưng filter sau của Laowa vẫn làm dịch mặt phẳng DOF lùi ra xa.

Chính vì quan sát này nên mình nghi ngờ là khi thiếu filter sau thì ống kính sẽ mất khả năng lấy nét ở vô cực. Quả thực, sau khi bỏ filter sau thì đúng là ảnh chụp tại vị trí vô cực trên vòng chỉnh nét vẫn chưa thể đạt tới vị trí vô cực thực sự và ảnh bị mờ. Sau khi lắp trở lại filter sau thì ống kính vẫn lấy nét được bình thường và ảnh nhìn chung có độ tương phản tốt hơn.

Có thể do độ dày và chiết xuất của filter nên các tia sáng đi qua ống kính hội tụ ở các điểm khác nhau phụ thuộc vào việc có filter hay không. Điều này có nghĩa là khi thay filter sau bằng các filter khác (không có nhiều lựa chọn vì phần lớn filter có vành dày hơn loại Laowa sử dụng) thì tính chất quang học này có thể thay đổi. Trong các điều kiện chụp thông thường, các bạn không nên tháo filter này ra.

Sử dụng filter holder 100mm

Mình không có điều kiện được sử dụng và đánh giá filter holder 100mm bán kèm Laowa 10-18mm. Tuy vậy, thông tin về loại filter holder có từ tính này các bạn có thể kiếm ra khá dễ. Ý tưởng của Laowa là giúp việc gắn filter được nhanh và thuận tiện, chỉ cần gắn 2 vành kim loại quanh filter vuông 100mm là bạn có thể gắn nhanh filter lên vành trước lens (có gắn phần vành của bộ holder) bằng lực hút từ tính.

Theo một số reviewer thì mặc dù ý tưởng filter holder từ tính có vẻ rất hấp dẫn, nhưng trong thực tế bộ kit này không được đánh giá cao do rất bất tiện khi phải đổi filter và giá thành khá đắt.

Chữa méo hình, tối góc và sắc sai bằng profile của Laowa 10-18mm

Mặc dù Laowa đã cung cấp profile chỉnh quang sai ảnh chụp bằng Laowa 10-18mm trên website của công ty, nhưng đây chỉ là profile cho tiêu cự 10mm và khi download về bản Camera Raw của mình không nhận ra nên mình đã thử nghiệm profile do nhóm của Phillip Reeve tự làm ra. Bản profile này có đầy đủ các tiêu cự, các bạn chỉ cần chọn từng tiêu cự tương ứng với ảnh chụp để điều chỉnh cho chuẩn. Tuy nhiên, khi sử dụng các profile này, mình thấy mức độ điều chỉnh méo hình và tối góc chưa thực sự chuẩn nên đã điều chỉnh lại theo ảnh mình chụp. Khác biệt này hoàn toàn có thể do các bản copy khác nhau của ống kính. Các bạn download bản profile đã điều chỉnh của Vsion về dùng thử, nếu thấy chưa chuẩn thì các bạn có thể liên hệ với Vsion để điều chỉnh lại.

Để sử dụng profile correction thì đầu tiên các bạn cần download file RAR theo link sau:

Sau đó các bạn download file RAR xuống và giải nén vào thư mục
C:\Users\(tên user)\AppData\Roaming\Adobe\CameraRaw\LensProfiles\1.0

Khi chụp ảnh RAW, các bạn mở ảnh bằng Lightroom hoặc Photoshop (Camera Raw), trong mục Lens Corrections cần chọn Make (nhà sản xuất) là Sony, sau đó các bạn có thể tìm thấy danh sách 5 tiêu cự của Laowa 10-18mm (10mm, 12mm, 14mm, 16mm, 18mm) và chọn 1 profile tương ứng. Mức độ áp dụng profile correction có thể được thay đổi bằng hai thanh điều chỉnh ở bên dưới, các bạn có thể kéo sang trái hoặc phải đến khi có kết quả ưng ý. Nếu bạn chụp ảnh JPEG thì trong các bản Photoshop mới đều có filter tên là Lens Correction..., các bạn có thể tiến hành chọn tương tự như khi xử lý file RAW. Tuy vậy, cần lưu ý là xử lý trên file JPEG thì chất lượng ảnh sau khi chỉnh sẽ kém hơn do thông tin bị mất nhiều.

Chữa ám màu xanh ở góc hình bằng Lightroom / Camera RAW

Còn một đặc tính quang học của Laowa 10-18mm không được chỉnh lại trong profile correction, đó là hiện tượng ám xanh ở góc. Để xử lý vấn đề này các bạn cần chụp ảnh RAW và làm như trong hình: (1) chọn chức năng Radiant Filter, (2) click chuột trái vào chính giữa hình và kéo ra ngoài để được hình elip như trong hình (có thể điều chỉnh vị trí sau khi chọn bằng cách kéo dấu chấm đỏ ở tâm hình elip, sao cho vùng giới hạn chồng lên các vùng bị ám màu, (3) Điều chỉnh cân bằng trắng (Temperature, Tint) và mức độ phơi sáng (Exposure) của khu vực chọn trong 3 thanh công cụ đầu tiên. Do góc hình bị ám xanh nên các bạn cần kéo 2 thanh Temperature và Tint sang bên phải sao cho màu của khu vực góc trở lại gần nhất với các vùng khác trên hình, sau đó điều chỉnh độ sáng sao cho các khu vực góc này không sáng hay tối quá. Sau khi điều chỉnh màu ưng ý thì các bạn chỉ cần chọn biểu tượng bàn tay để quay trở lại tùy chỉnh khác trên toàn hình ảnh.

Ví dụ minh họa

Trong hình này mình đã sử dụng profile correction sau khi tùy chỉnh để chỉnh méo và tối góc của ảnh chụp ở tiêu cự 10mm.

Dưới đây là một số ảnh mình chụp bằng A7m3. Ảnh đều đã qua xử lý màu trên Photoshop. Các bạn có thể tham khảo ảnh chưa qua chỉnh sửa ở phần trên (khả năng tái tạo màu). Click vào từng ảnh để xem ảnh chất lượng cao trên Flickr.

Laowa 10-18mm f/4.5-5.6 là một ống kính đặc biệt từ tiêu cự cho tới các đặc tính của ống kính, khiến nó không thực sự có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Đây không phải một ống kính hoàn hảo, không đạt tới khả năng quang học như các lens chất lượng cao như GM nhưng nó cũng có những ưu điểm mà các lens GM không có.

Ưu điểm của Laowa 10-18mm f/4.5-5.6 FE

  • Góc nhìn từ rộng tới siêu rộng: 10mm là tiêu cự nghe rất hấp dẫn vì bạn có góc nhìn lớn nhất trong số các lens không phải fisheye hiện nay. Tuy nhiên việc dùng tiêu cự này không hề đơn giản, nhất là khi bạn đi du lịch cần di chuyển nhiều, do có rất nhiều chi tiết nằm trong một khung hình (nhiều khi là các chi tiết không mong muốn). Chính vì vậy, khả năng có thể linh hoạt chuyển sang góc nhìn hẹp hơn sẽ rất có lợi để bạn tăng được số ảnh ưng ý trong mỗi chuyến đi.
  • Độ nét ở tâm hình cho tới vùng trung gian ở mức khá (nằm ở giữa mức của Samyang 14mm f/2.8 MF và IRIX 15mm f/2.4). Nếu bạn cần một ống kính với độ nét cao có thể đáp ứng các cảm biến như A7R3 thì sử dụng các ống G, GM sẽ phù hợp hơn. Cho các mục đích khác không yêu cầu quá cao hoặc để chụp du lịch thì Laowa 10-18mm sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của bạn.
  • Khả năng chụp gần của lens này là một điểm cộng quan trọng giúp lens thêm đa dụng. Bạn có thể kết hợp chụp cảnh và chụp gần chi tiết trong các chuyến đi mà không cần thay lens. Bokeh của ống kính khá mịn màng cho những tấm hình chụp cận.
  • Ở khoảng tiêu cự 15-18mm, Laowa 10-18mm gần như không bị méo (rất giống 2 lens Zero D). Với tiêu cự 10-14mm, hiện tượng méo của lens này có thể chữa được bằng profile Vsion cung cấp.
  • Đây là lens rất dễ tạo tia và chất lượng tia tốt, đặc biệt ở đầu tiêu cự ngắn có thể tạo tia khi chưa khép khẩu. Chất lượng tia của Laowa 10-18mm có thể so sánh với Voigtlander 10mm, 12mm, 15mm.
  • Có chức năng declick và mức độ thở gần như bằng zero. Đây là các đặc điểm tốt để làm lens quay phim.
  • Ở giữa hình bạn sẽ không phải lo về vấn đề sắc sai/viền tím.
  • Thiết kế rất nhỏ gọn và chắc chắn. Nếu bạn là fan của ống kính MF kim loại thì chắc bạn sẽ thích sử dụng ống kính này.
  • Mức giá hợp lý (khoảng 20 triệu đồng) cho một ống kính zoom có góc siêu rộng và nhỏ gọn như thế này

Nhược điểm của Laowa 10-18mm f/4.5-5.6 FE

  • Chất lượng ảnh ở rìa, góc xa của ảnh không được tốt, đặc biệt ở khoảng 10-14mm.
  • Mức độ tối góc cao, nhất là trong khoảng 10-14mm (hạ khẩu không cải thiện đáng kể). Nếu bạn cần loại bỏ hết tối góc thì bạn cần xử lý hậu kỳ bằng profile corection.
  • Sắc sai (viền tím) ở vùng rìa, góc ảnh có thể nhận thấy khi có nhiều chi tiết tương phản. Hiện tượng này có thể xử lý hậu kỳ dễ dàng.
  • Khả năng chống flare và ghost không cao. Đây có thể là nhược điểm hoặc ưu điểm tùy thuộc cách sử dụng lens của bạn.
  • Việc sử dụng filter tròn ở sau lens không có thông tin rõ ràng về ảnh hưởng tới chất lượng quang học. Mặc dù nó là giải pháp rẻ tiền khi bạn cần filter nhưng bạn cần lưu ý kiểm tra chất lượng hình ảnh, đặc biệt là khả năng lấy nét ở vô cực khi thay filter có sẵn bằng loại khác.
  • Filter holder hệ 100mm có từ tính được bán cùng lens, nhưng không phải lựa chọn tốt nếu bạn cần thay filter nhiều.
  • Laowa 10-18mm là ống kính varifocal.
  • Lưu ý khi sử dụng tránh va đập vì ống kính dễ có vết sứt trên lớp sơn, đặc biệt ở các cạnh và trên vòng lấy nét.

Rất cám ơn DOF.zone đã cung cấp thiết bị cho Vsion thực hiện bài đánh giá này.

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: