Blog Post

So sánh IRIX 15mm f/2.4 - Voigtlander 15mm f/4.5 (ngàm FE và LTM)

Oct 10, 2017

Lựa chọn một ống kính ultrawide luôn là một vấn đề đau đầu với người dùng máy ảnh vì thông thường tiêu cự trong khoảng 11-16mm phần lớn hoặc là dạng fisheye (khá phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp) hoặc là dạng rectilinear (không méo, đáp ứng được phần lớn nhu cầu chụp phong cảnh, street...) thì lại rất đắt đỏ. Ngoài ra, do đặc điểm góc nhìn rất rộng nên việc chế tạo một ống kính có ít lỗi quang học cũng không phải chuyện đơn giản. Trong bài viết lần này, Vsion muốn giới thiệu tới các bạn 3 ống kính tiêu cự 15mm có chất lượng tốt và có mức giá không quá cao hoặc khá "bình dân": IRIX 15mm f/2.4 và hai phiên bản của Voigtlander Super Wide-Heliar 15mm f/4.5 Aspherical (bản đầu tiên ngàm Leica LTM và bản thế hệ thử ba gần đây nhất với ngàm Sony E). Mình sẽ giới thiệu chi tiết và so sánh chất lượng quang học của 3 ống kính này cùng những trải nghiệm cá nhân sau một thời gian sử dụng để giúp các bạn có cái nhìn đầy đủ về những ống kính này.

Về lai lịch của ba ống kính này thì IRIX 15mm f/2.4 là ống kính ra đời gần đây nhất (2016), được thiết kế bởi một hãng sản xuất ống kính mới toanh trên thị trường tên là TH Swiss (Thụy Điển) và được sản xuất ở Hàn Quốc. Mặc dù có nhiều đồn đoán rằng Samyang là công ty chịu trách nhiệm sản xuất ống kính cho TH Swiss song không bên nào chính thức khẳng định thông tin này. IRIX 15mm f/2.4 cũng là sản phẩm đầu tiên trong series ống kính cùng tên nhắm tới người dùng DSLR với nhu cầu chụp cảnh (cùng với IRIX 11mm f/4). Hai ống kính còn lại là sản phẩm của Cosina Voigtlander (Nhật Bản), vốn đã là cái tên quen thuộc trên thị trường thiết bị nhiếp ảnh. Cosina bắt đầu sản xuất các máy ảnh rangefinder chất lượng cao vào năm 1999 và việc mua lại quyền sử dụng thương hiệu Voigtlander (từ Đức) là một mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của công ty. Ống kính 15mm f/4.5 được Cosina sản xuất từ trước khi sử dụng thương hiệu Voigtlander nên một số ống kính từ thời kỳ đầu sản xuất vẫn mang tên Cosina (như ống kính sử dụng trong bài đánh giá này), mặc dù được thiết kế giống hệt các ống kính Voigtlander về sau. Là ống kính đầu tiên mang cái tên Voigtlander song sự thành công trên thị trường của ống kính 15mm f/4.5 đã dẫn tới sự phát triển liên tục và thay đổi về công nghệ chế tạo, nên cho tới nay đã có 3 phiên bản của ống kính này. Do sự phát triển nhanh của hệ thống máy ảnh không gương lật, song song với sự ra đời của phiên bản III (2015), Cosina cũng đã giới thiệu phiên bản III ngàm E của Super Wide-Heliar 15mm f/4.5 được tối ưu cho máy ảnh Sony full frame mirrorless.

Do bài viết khá dài nên các bạn có thể click vào phần mình quan tâm để tới nội dung đó từ trong phần Mục lục bên dưới.


Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Tên ống kính IRIX 15mm f/2.4 Voigtlander Super Wide-Heliar 15mm f/4.5 Aspherical E III Cosina (Voigtlander) Super Wide-Heliar 15mm f/4.5 Aspherical LTM
Hãng sản xuất IRIX (Thụy Sỹ) Cosina Voigtlander (Nhật Bản)
Năm sản xuất 2016 2015 1999
Hệ máy Full frame
Ngàm Canon EF (hoặc Nikon F, Pentax K) Sony E (FE) LTM (hay ngàm Leica M39)
AF/MF MF
Khẩu độ max-min f/2.4-f/22 f/4.5-f/22
Vòng lấy nét Cơ học Cơ học (kết nối điện tử để hiển thị trên body) Cơ học
Vòng khẩu độ Không có (điều chỉnh qua body) Vòng cơ học (phía trước vòng lấy nét)
Thiết kế thấu kính 15 thấu kính / 11 nhóm 11 thấu kính / 9 nhóm 8 thấu kính / 6 nhóm
Thấu kính đặc biệt 3 HR, 2 ED, 2 Aspherical 1 Aspherical 1 Aspherical
Tráng phủ Neutrino coating Multi-coated
Số lá khẩu 9 lá khẩu thẳng 10 lá khẩu thẳng
Lấy nét gần nhất 28 cm 30 cm
Chiều dài 100 mm 62,3 mm 30,7 mm
Cân nặng 608 g 298 g 105 g
Đường kính filter 95mm 58mm 39mm
Khả năng dùng filter tròn Không dùng được
Khả năng dùng filter sau Không dùng được
Giá bán (10/2017) $400 (Firefly), $600 (Blackstone) $800 $250-400
Độ hiếm Phổ biến (đang sản xuất) Khá hiếm

Trước khi đề cập tới chất lượng quang học, mình sẽ giới thiệu lần lượt về thiết kế và các đặc điểm chính của ba ống kính này.

Là ống kính thiết kế cho các máy DSLR (Canon, Nikon, Pentax) và có khẩu độ tương đối lớn (f/2.4) so với các ống kính khác cùng dải tiêu cự, IRIX 15mm f/2.4 có kích thước khá lớn khi đặt cạnh 2 ống kính Voigtlander (được thiết kế cho máy ảnh rangefinder và máy ảnh không gương lật, có khẩu độ nhỏ). Trong bài viết này mình sẽ so sánh chất lượng cả 3 ống kính khi sử dụng máy ảnh Sony A7ii nên IRIX 15mm f/4.5 (ngàm Canon EF) cần có thêm ngàm chuyển (Viltrox EF - NEX II) nên khác biệt về kích thước càng rõ rệt so với 2 ống kính còn lại. Khi mua IRIX 15mm, các bạn sẽ nhận được một hộp đựng kim loại sơn trắng và một túi vải đi kèm để đựng ống kính. Hiện nay TH Swiss cung cấp 2 phiên bản của ống kính này: phiên bản giá rẻ Firefly (khoảng $400) và phiên bản cao cấp Blackstone (khoảng $600). Hai phiên bản này có cùng thiết kế quang học và chỉ khác nhau về chất liệu, trong đó phiên bản cao cấp sử dụng hợp kim Nhôm - Magiê và vòng lấy nét kim loại, còn phiên bản giá rẻ sử dụng nhựa và vòng lấy nét cao su. Trong bài đánh giá này, mình sử dụng bản Firefily.

Mặc dù là ống kính MF nhưng IRIX không có vòng chỉnh khẩu mà bạn sẽ phải chỉnh khẩu độ thông qua máy ảnh. Chính vì thế, nếu muốn sử dụng IRIX ngàm Canon trên các máy ảnh không gương lật thì bạn cần có ngàm chuyển AF để điều chỉnh khẩu độ (không cần ngàm lấy nét nhanh vì bạn chỉ cần chỉnh khẩu độ). Tuy nhiên trong trường hợp IRIX bản ngàm Nikon thì các bạn có thể chỉnh được khẩu độ bằng ngàm MF thông thường dành cho Nikon G với lẫy điều khiển khẩu độ mà không cần ngàm AF.

Cảm nhận đầu tiên về ống kính này (ngoài vấn đề kích thước) là thiết kế đẹp với nhiều chi tiết về thông số kỹ thuật được làm cẩn thận. Phần nắp ống kính có tên dòng ống kính được thiết kế tối giản và rất đồng bộ với thân ống kính. Phần nắp này không những đồng bộ về thiết kế mà còn khá chắc chắn, khó rơi khi thao tác. Ở phần thân ống kính sát ngàm có dòng chữ Swiss Design, Made in Korea thể hiện ống kính được thiết kế ở Thụy Sỹ và chế tạo ở Hàn Quốc.

Một đặc điểm khác biệt của ống kính này là khóa vòng lấy nét được đặt ở phía trên vòng cao su, dùng để cố định vị trí của vòng lấy nét, tránh xê dịch trong quá trình thao tác. Khi thay đổi giữa vị trí unlock (mở khóa) và lock (khóa), mức độ rít tay của vòng lấy nét cũng thay đổi nên bạn có thể tùy chỉnh cho phù hợp với lực tay của mình. Phần vòng lấy nét cao su cũng được thiết kế đặc biệt với phần mấu nhô ra để bạn có thể nhận ra vị trí lấy nét trong điều kiện ánh sáng yếu. Đặc điểm này không có ở phiên bản đắt tiền hơn. Lúc mới sử dụng có thể các bạn sẽ không quen tay, nhưng khi đã dùng một thời gian thì bản thân mình thấy thích thiết kế này, nhất là khi cần di chuyển vòng lấy nét những khoảng rất nhỏ để lấy nét chính xác. Để chuyển vị trí lấy nét từ gần nhất tới vô cực, bạn cần phải quay vòng lấy nét khoảng 145 độ (focus throw). Khoảng cách này không phải là lớn với ống kính MF để đạt độ chính xác cao nhưng với một ống 15mm chuyên chụp cảnh, street với khẩu độ nhỏ thì điểm này trở nên bớt quan trọng hơn khi chụp bằng hyperfocal distance.

IRIX 15mm f/4.5 còn có một đặc điểm rất hiếm thấy ở các ống kính "bình dân" là vị trí ốc vít cân vòng lấy nét (focus calibration), có thể dùng để điều chỉnh vòng lấy nét cho khớp với chỉ thị khoảng cách trên thân ống kính. Mặc dù chưa phải dùng tới nhưng chi tiết nhỏ này cho thấy nhà thiết kế đã trang bị rất kỹ lưỡng cho ống kính này để nó nổi bật hơn so với các ống kính khác cùng phân khúc. Phía trên vị trí cân vòng lấy nét có đánh dấu đường kính filter 95mm. Bạn hoàn toàn có thể dùng filter tròn 95mm cho ống kính này, tuy nhiên những filter chất lượng cao với kích thước này cũng có giá thành không phải là rẻ.

Là một ống kính lấy nét tay (MF), và đặc biệt là phục vụ cho nhu cầu chụp cảnh góc rộng, IRIX 15mm có mốc đánh dấu vị trí lấy nét hyperfocal tương ứng với khẩu độ f/8, f/11 và f/16. Vị trí hyperfocal là vị trí lấy nét mà 1/2 khoảng cách từ điểm đó tới ống kính và toàn bộ phía sau điểm lấy nét đều nằm trong trường nét DOF của ống kính. Thông số này rất quan trọng trong chụp cảnh và chụp street để có thể đạt trường nét tối ưu với độ dày bao phủ hết các chi tiết xa - gần mà không phải xác định điểm lấy nét chính xác. Để dùng các vị trí đánh dấu hyperfocal này, các bạn cần đặt thông số khẩu độ trên máy trước, sau đó xoay điểm lấy nét trùng với giá trị tương ứng của khẩu độ ở trên đường hyperfocal. Ví dụ như ở khẩu độ f/8, bạn cần xoay vòng lấy nét sao cho vạch chính giữa của thang DOF trùng với chấm dưới số 8 nằm trên vạch hyperfocal (khoảng 4 m). Tại điểm này, tất cả các chi tiết ở 1/2 khoảng cách tới ống kính (khoảng 2 m) cho tới vô cực đều nét. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng mình thấy vị trí hyperfocal này không trùng với giá trị mình tính bảng tính DOF (đã được kiểm nghiệm chính xác).

Thật khó để không thấy ấn tượng với những nỗ lực trong thiết kế ống kính của TH Swiss khi ống kính này có rất nhiều đặc điểm hỗ trợ người dùng. Ngoài các điểm kể trên, phần hood ống kính còn có một đặc điểm thú vị là phần cửa sổ nhỏ có thể nâng lên được, giúp người dùng tiếp cận với cạnh của filter và xoay khi cần thiết (như với filter CPL). Ngoài ra, hood rời này có thể làm giảm flare và ghost khá hữu hiệu và bạn nên mang theo thường xuyên.

Bên cạnh filter tròn dùng ở mặt trước ống kính như các ống kính truyền thống khác, IRIX 15mm còn có thiết kế rãnh ở mặt sau để cài filter gelatin vuông có độ dày 1 mm. Mình sẽ bổ sung phần sử dụng filter này sau khi nhận được filter.

Trong thời gian mình sử dụng IRIX 15mm f/2.4, việc mang theo ống kính bên người không phải vấn đề khó dù kích thước ống kính này không nhỏ gọn như Voigtlander. Túi vải đi kèm rất phù hợp để bảo vệ ống kính khỏi trầy xước, còn nếu cẩn thận hơn nữa, các bạn hoàn toàn có thể dùng hộp kim loại để bảo vệ ống kính ở mức độ cao nhất. Thiết kế chắc chắn và rất tỉ mỉ của TH Swiss thực sự mang lại vẻ bề ngoài nổi bật và dễ khiến người dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Để xem hướng dẫn sử dụng và giới thiệu kỹ các đặc tính của ống kính này, các bạn có thể download hướng dẫn của nhà sản xuất theo link sau.

Để phân biệt với phiên bản Voigtlander III, mình sẽ gọi ống kính này với tên nguyên bản Cosina.

Đã sử dụng ống kính này hơn 3 năm nay và có những lựa chọn tốt hơn về mặt quang học nhưng mình vẫn hay đem theo ống kính này do những điểm đặc trưng rất riêng và đặc biệt là kích thước siêu nhỏ gọn (có thể nắm trọn trong lòng bàn tay hoặc đút vừa túi quần). Được thiết kế cho máy ảnh rangefinder, Cosina 15mm f/4.5 phiên bản đầu tiên vẫn còn sử dụng dạng ngàm xoay vặn LTM hay M39 (có đường kính 39 mm, bằng với ngàm M39 của một số ống kính Nga cũ nhưng khác khoảng cách buồng tối - flange distance). Với kích thước rất nhỏ gọn và bằng kim loại hoàn toàn, Cosina 15mm được thiết kế tối giản nhưng vẫn có đầy đủ các chỉ dẫn cơ bản. Đặc trưng của các ống kính Voigtlander là phần hood kim loại liền dạng cánh hoa (hai cạnh lớn và hai cạnh nhỏ nằm đối diện nhau) có một dấu chấm đen để đánh dấu vị trí khẩu độ. Vòng khẩu độ được đặt ở phía trước vòng lấy nét và cả hai vòng kim loại này có độ dày gần tương đương nhau nên khi dùng đôi khi bạn cần phải nhìn kỹ xem mình đang chạm vào vòng nào. Vòng lấy nét chỉ cần xoay khoảng 90 độ để thay đổi vị trí lấy nét từ gần nhất tới vô cực (ngắn hơn IRIX 15mm khá nhiều) nên nếu cần lấy nét chính xác vào một vị trí nhất định thì bạn cần phải rất tập trung. Ngoài ra, mặc dù diện tích rất giới hạn nhưng thang DOF vẫn được thể hiện ở sát dưới ngàm (đây là một đặc điểm quan trọng của các ống kính MF, đặc biệt là cho máy rangefinder).

Mặc dù có thông số đường kính filter 39mm song bạn không thể dùng filter tròn với ống kính này do vướng phần hood liền. Ở mặt trước ống kính, bạn sẽ thấy ký hiệu L và dòng chữ ASPHERICAL đỏ, chỉ thị cho chất lượng cao của ống kính này và sự có mặt của thấu kính phi cầu (Aspherical). Vào thời điểm ống kính này ra đời, việc sử dụng thấu kính phi cầu đang là trào lưu mới nên việc ghi chú trên ống kính cũng rất cần thiết về mặt marketing. Chữ MC thể hiện ống kính có dùng lớp tráng phủ nhiều lớp (Multiple Coating).

Giống như một số ống kính góc rộng, các bạn có thể nhìn thấy 10 lá khẩu của ống kính xếp thành vòng tròn, mặc dù ở trạng thái khẩu độ mở hoàn toàn (khác với phần lớn các ống kính có lá khẩu ở khẩu độ lớn nhất được xếp sau vòng tròn giới hạn trong thân ống kính). Do đường kính nhỏ và các lá khẩu không tạo thành hình tròn hoàn hảo nên Cosina/Voigtlander 15mm có thể tạo hiệu ứng sao mà không cần khép khẩu sâu.

Cụm thấu kính sau nhô hẳn ra phía sau ngàm nên thực tế các thấu kính này nằm rất sát bề mặt film / cảm biến. Đặc điểm cấu tạo này cũng là một điểm giới hạn khả năng sử dụng các ống kính rangefinder góc rộng trên máy ảnh kỹ thuật số (sẽ nói tới trong phần sau). Khi dùng ống kính này với máy ảnh không gương lật, các bạn cần chú ý rằng ngàm LTM mặc dù có đường kính bằng ngàm M39 của Nga song độ dày ngàm ngắn hơn nhiều. Phiên bản mang tên Voigtlander ngàm M có cấu tạo y hệt ống kính Cosina này nhưng phần ngàm không còn là ngàm xoay vặn mà là ngàm Leica M. Để chuyển sang ngàm Leica M, các bạn cần một vòng adapter có độ mỏng chính xác 1 mm.

Ở hình dưới là phiên bản mang tên Voigtlander, được dùng với máy ảnh Leica M9. Thiết kế quang học của phiên bản này giống hệt phiên bản Cosina.

Việc phát triển nâng cấp thiết kế ống kính thường kéo theo việc tăng số lượng thấu kính chữa quang sai. Voigtlander 15mm f/4.5 cũng không phải ngoại lệ. Từ 1999 tới nay, Cosina đã nâng cấp ống kính này 2 lần và phiên bản mới nhất (III) đã có thiết kế khác với thiết kế ban đầu (11 thấu kính trong 9 nhóm thay vì 8 thấu kính trong 6 nhóm), kéo theo là kích thước đã lớn hơn gấp đôi bản nguyên thủy. Tuy nhiên, do đặc tính ống kính rangerfinder, khi sử dụng Voigtlander 15mm trên các máy ảnh không gương lật, hiện tượng tối góc và lệch màu góc (sẽ nói ở phần sau) trở nên rất rõ và điều này khiến Cosina quyết định làm ống kính tối ưu riêng cho máy ảnh không gương lật. Mặc dù thiết kế quang học của phiên bản III ngàm VM (ngàm M của Voigtlander) và ngàm E là giống nhau nhưng Cosina đã tận dụng được chức năng khử quang sai tự động trên máy ảnh để khắc phục các vấn đề của ống kính này với máy ảnh Sony. Phiên bản ngàm E có kết nối điện tử với máy ảnh nên các thông số của ống kính sẽ được lưu giữ trên máy ảnh hoặc hiển thị trực tiếp như thông số khẩu độ.

Thừa hưởng các đặc trưng thiết kế của phiên bản Voigtlander đời đầu, bản III này cũng được chế tạo bằng kim loại với hood 4 cạnh gắn liền với phần trước ống kính. Do kích thước đã lớn hơn ống kính nguyên bản nên việc bố trí các chỉ thị thông số cũng trở nên dễ dàng hơn. Vòng khẩu độ vẫn nằm phía trước nhưng với phiên bản này, khi bạn xoay vòng khẩu độ thì giá trị khẩu độ trên máy ảnh cũng thay đổi theo. Ngoài ra, vòng khẩu độ này không phát ra tiếng khi xoay (clickless) trong khi phiên bản LTM thì vẫn tạo ra tiếng.

Vòng lấy nét đã có độ dày lớn hơn hẳn vòng khẩu độ nên bạn sẽ không bị nhầm như khi dùng bản LTM. Khoảng hoạt động của vòng lấy nét vẫn giống như bản LTM (khoảng 90 độ). Do kết nối điện tử với body nên khi bạn xoay vòng lấy nét, máy ảnh sẽ tự động zoom vào vị trí bạn cần lấy nét giống như các ống AF của Sony. Đây là một điểm hỗ trợ rất tiện dụng để lấy nét chính xác, tuy nhiên các bạn cần làm quen với việc di chuyển khu vực lấy nét liên tục và xác định vị trí của chi tiết để vẫn có hình dung tốt về toàn bộ khung hình.

Mặt trước của ống kính này vẫn mang dáng dấp của phiên bản nguyên thủy với cùng màu lớp coat xanh tím đặc trưng. Tuy nhiên, phiên bản mới này đã khắc phục một điểm yếu của phiên bản đầu tiên là phần hood liền đã được thiết kế lùi ra ngoài để chừa chỗ lắp filter. Vì thế, với phiên bản này bạn hoàn toàn có thể dùng filter tròn 58mm.

Ở mặt sau ống kính, các bạn sẽ thấy dòng chữ COSINA CO., LTD thể hiện tên công ty sản xuất. Do ống kính này sử dụng trực tiếp trên máy ảnh Sony không qua ngàm nên các bạn sẽ không thấy phần thấu kính sau nhô ra như với phiên bản LTM.

Khi so với phiên bản LTM được lắp ngàm chuyển L/M39-Sony E thì khác biệt về kích thước giữa hai phiên bản này trở nên ít đáng chú ý hơn.

Để đánh giá chất lượng quang học của 3 ống kính, mình sử dụng Sony A7ii và ngàm chuyển với hai ống kính không phải ngàm Sony E (ngàm chuyển AF Viltrox II Canon EF - Sony E dùng cho IRIX và ngàm chuyển MF Leica L/M39 - Sony E dùng cho Cosina). Tất cả ảnh so sánh đều được chụp khi dùng tripod và được xuất từ ảnh chụp RAW với các tùy chỉnh ảnh hưởng tới chất lượng ảnh đều tắt. Trong quá trình chụp so sánh, chức năng chống rung trong máy ảnh được tắt và các loại filter đều không được sử dụng. Với ảnh so sánh độ nét, máy ảnh được cố định vị trí và các ống kính được thay lần lượt.

Ở chế độ cân bằng trắng tự động AWB, rất dễ nhận thấy là ảnh chụp bằng Cosina có màu hơi lạnh hơn và tối góc, ám tím nặng ở bốn góc. Do Cosina được thiết kế để hoạt động với máy ảnh film rangefinder, khoảng cách từ thấu kính sau tới bề mặt cảm biến rất gần nên hiện tượng tối góc này không thể tránh khỏi với phần lớn các máy ảnh không gương lật. Tuy nhiên tới phiên bản Voigtlander III được tối ưu cho máy ảnh không gương lật thì hiện tượng này gần như không còn (như ở hình dưới). Hiệu quả này đạt được do sự kết hợp của thiết kế quang học cùng xử lý tín hiệu tự động trong máy ảnh.

Hai ống kính Voigtlander III và IRIX có màu rất giống nhau và đều hơi ấm hơn Cosina. Trong thực tế sử dụng, mình không nhận thấy khác biệt đáng kể về màu sắc khi làm việc với hai ống kính này.

Có một lưu ý nhỏ là từ 3 hình so sánh ở trên, các bạn có thể thấy là góc nhìn của Cosina mở rộng hơn hai ống kính còn lại (tương đương khoảng 14mm).

Với khoảng cách lấy nét gần nhất xấp xỉ 30 cm (28 cm với IRIX) thì ba ống kính này đều có khoảng cách lấy nét ở mức trung bình so với các ống kính góc rộng khác. Tuy nhiên, do kích thước lớn hơn nhiều hai ống kính còn lại nên từ cùng khoảng cách lấy nét này, thấu kính trước của IRIX nằm xa bề mặt cảm biến hơn và hệ quả là tỷ lệ phóng đại tối đa cũng lớn hơn. Trong 3 hình dưới, mình dùng nắp sau ống kính Sony ngàm E để các bạn dễ hình dung kích thước. Trong khi hai ống kính Voigtlander đạt tỷ lệ phóng đại tối đa 1:12 và 1:13 thì IRIX có thể đạt mức 1:8.5. Tỷ lệ phóng đại này vẫn còn xa so với mức close up hay macro nhưng cũng là một lợi thế của IRIX so với 2 ống kính còn lại khi có thể tiếp cận gần hơn với chủ thể.

Độ nét của ba ống kính tại các khẩu độ khác nhau được đánh giá qua 4 vị trí trên ảnh (được đánh dấu như ở hình dưới):

  • Tâm hình (center - điểm C )
  • Vùng trung gian giữa tâm hình và góc (mid-frame - điểm M )
  • Góc xa bên trái (left corner - điểm L )
  • Góc xa bên phải (right corner - điểm R )

Để tiện theo dõi, mình đã làm biểu đồ đánh giá độ nét ở 4 vị trí theo thang điểm 0 - 100 để các bạn tiện theo dõi (ảnh chi tiết các bạn có thể xem ở các hình bên dưới). Một điểm dễ nhận thấy là cả 3 ống kính này đều rất nét, ít nhất là từ tâm hình cho tới khu vực trung gian khoảng 50% giữa ảnh.

  • IRIX có lợi thế về khẩu (hơn 1.8 stop) và trong khoảng f/2.4 tới f/4.5 độ nét ở tâm hình hoàn toàn ở mức chấp nhận được , tuy nhiên khu vực góc hình khá mờ nên khoảng khẩu độ này không phù hợp để lấy nét toàn cảnh mà chỉ có thể dùng để lấy nét chi tiết gần và độ tách biệt nhất định với hậu cảnh.
  • Bù lại khẩu độ nhỏ thì Cosina và Voigtlander đều đạt độ nét trung tâm tốt ngay từ f/4.5 , tương tự như IRIX khi độ nét đã được cải thiện khi hạ gần 2 stop. Điểm khác biệt ở khẩu độ này là IRIX đạt độ nét vùng mid-frame khá gần trung tâm trong khi hai ống kính còn lại có độ nét giảm dần từ tâm ra biên khá rõ . Chúng ta cũng có thể nhận thấy là chất lượng của Voigtlander có cải thiện ở khu vực ngoài so với phiên bản đầu tiên. Ở hai góc thì tại f/4.5 chi tiết ảnh chụp bằng cả 3 ống kính đều còn khá mờ và kém nhất là Cosina.
  • Trong khoảng f/5.6 tới f/8, cả ba ống kính đều đạt độ nét cao nhất ở tâm hình , còn ở f/8 thì khu vực mid-frame cũng đạt độ nét tương tự nên 50% diện tích giữa hình sẽ đạt độ nét cao nhất. Từ f/8 tới f/11 IRIX đã đạt độ nét cao nhất cho tới góc hình , gần bằng độ nét ở trung tâm, nhưng hai ống kính còn lại mặc dù đạt mức cao nhất về độ nét góc hình ở f/11 nhưng vẫn kém hơn IRIX. Có một điều đặc biệt là ở góc hình bên phải, Voigtlander có hiện tượng chi tiết bị nhòe như có chuyển động, mặc dù độ nét không kém hơn phiên bản Cosina. Vì điềm này nên xét về độ nét ở góc xa của hình thì Voigtlander là ống kính kém nhất trong cả ba, cho tới f/16 chi tiết ảnh ở khu vực này mới đạt mức xấp xỉ hai ống kính còn lại. Tuy vậy, từ f/11 (tâm hình) và f/16, các ống kính đều bắt đầu giảm độ nét do ảnh hưởng của hiện tượng nhiễu xạ khi đường kính lỗ khẩu quá nhỏ. Đặc biệt là khi giảm xuống f/22 thì độ nét từ tâm cho tới rìa và mép hình của cả ba ống kính đều kém hơn chất lượng khi mở khẩu lớn nhất nên trong quá trình sử dụng các bạn nên tránh dùng khẩu độ này.

Các bạn có thể xem so sánh ảnh thực tế ở các hình dưới đây. Trong hình so sánh này, mình đã điều chỉnh tăng sáng các khu vực góc hình bị tối góc để có đánh giá đúng nhất về độ nét, đặc biệt là với ống kính Cosina.

Như vậy, rõ ràng là thiết kế ống kính mới phức tạp hơn cũng dẫn tới chất lượng quang học tốt hơn. Nhìn chung về độ nét thì mặc dù khác biệt trong thực tế của ba ống kính này là không quá lớn nhưng IRIX vẫn là ống kính có chất lượng tốt nhất và đồng đều từ tâm cho tới góc hình. Voigtlander đã có cải thiện so với phiên bản đầu tiên, nhiều nhất là ở khu vực mid-frame, tuy nhiên ở góc xa của hình thì vẫn cần hạ khẩu sâu để đạt độ nét cao nhất. Cosina hoàn toàn có thể so sánh với phiên bản mới về độ nét, nhưng hiện tượng tối góc và lệch màu ở góc ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng ảnh gây bất lợi lớn cho ống kính này khi so sánh.

Trải nghiệm thực tế với cả ba ống kính của mình là sự tin tưởng cao ở độ nét, nhất là trong khoảng f/8-f/11 mà mình hay dùng để chụp cảnh, hoặc khoảng f/5.6-f/8 dùng để chụp street có yêu cầu độ sâu ảnh ít hơn. Với tiêu cự 15mm, DOF dày nên việc lấy nét chính xác vào chủ thể ở khẩu độ nhỏ này không phải vấn đề quan trọng và phần lớn ảnh chụp chỉ cần đảm bảo không rung hoặc chuyển động nhanh (người chụp hoặc vật chuyển động) là có độ nét trên toàn khung hình hoàn toàn đủ cho nhu cầu.

Ba ống kính này đều là ống kính rectilinear (không méo) nghĩa là trường ảnh phẳng, không những thế còn là nhóm ống kính có độ méo thấp đang có trên thị trường. Ở các hình bên dưới các bạn sẽ thấy là cả ba ống kính chỉ bị méo thùng (barrel distortion) rất nhẹ. Lưu ý là do góc chụp rất rộng nên bề mặt không phẳng tuyệt đối của bức tường dẫn tới hai cạnh cong hình cổ chai ở hai phía cạnh của hình chứ không phải do ống kính (mình sẽ chụp lại và bổ sung vào bài viết này khi có điều kiện). Mặc dù cần có kết quả đánh giá chuẩn hơn song các bạn có thể thấy là độ méo của IRIX cũng rất giống Voigtlander.

IRIX có mức tối góc trung bình ở khẩu lớn nhất và giảm xuống mức tối thiểu từ f/5.6 , còn ảnh chụp từ Voigtlander III có độ méo hình thấp nhất và độ tối góc cũng thấp nhất trong ba ống kính. Mặc dù vậy, kết quả này đối với Voigtlander llà tổng hợp chất lượng thấu kính và chức năng sửa quang sai trong máy ảnh. Khi chụp bằng máy ảnh Sony, ảnh chụp bằng Voigtlander sẽ mặc định là được áp dụng chế độ sửa lỗi mà khi chụp RAW các bạn sẽ thấy chế độ này được bật sẵn (Enable Profile Correction).

Nếu tắt chế độ này khi xuất ảnh RAW các bạn sẽ thấy ảnh chụp hoàn toàn từ khả năng quang học của ống kính: tối góc nặng hơn và độ méo cao hơn. So với mức độ tối góc và méo hình của phiên bản đầu tiên Cosina (hình dưới) thì các bạn sẽ vẫn thấy thiết kế mới đã khắc phục một phần các lỗi quang sai này.

Đối với ống kính Cosina, nếu trong quá trình xử lý ảnh RAW các bạn sử dụng profile của Voigtlander 15mm f/4.5 phiên bản 2 (chứ không phải phiên bản 3) thì sẽ gần như triệt tiêu hoàn toàn hiện tượng tối góc và có mức chống méo hình tương đương phiên bản mới. Duy chỉ có hiện tượng ám tím ở góc nếu chụp thiếu sáng thì sẽ khó để triệt tiêu hoàn toàn.

Một phần nguyên nhân của sự sai khác về khả năng phân giải của ống kính đối với chi tiết nằm ở trung tâm và ở góc hình là do độ cong trường nét (field curvature). Do có bề mặt cong nên mặt phẳng nét nếu không được chữa sẽ có dạng cong, cũng có nghĩa là hai điểm mặc dù trên cùng một mặt phẳng song song với mặt phẳng cảm biến vẫn không thể đạt độ nét tương đương mà chỉ khi trường ảnh đủ sâu thì sai khác này mới được bù trừ.

Để kiểm tra mức độ méo trường nét của ba ống kính này, mình mở khẩu lớn nhất và đặt máy ảnh sát mặt đất, lấy nét vào một đường kẻ ở gần, nằm song song với cạnh ngang của khung hình để khoảng nét có thể được phân biệt với các chi tiết xung quanh. Như kết quả kiểm tra, các bạn có thể dễ dàng nhận thấy hai ống kính Voigtlander có trường nét rất cong và về hai phía góc điểm nét nằm lùi xa hơn điểm nét chính giữa hình. Với IRIX, nhờ có nhiều thấu kính chữa lỗi nên trường nét lại khá phẳng, giúp vùng tâm và rìa hình đạt độ nét khá đồng đều.

Trong ba ống kính, Voigtlander III có nhỉnh hơn về khả năng chống flare và ghost nhưng trong các điều kiện chụp khó như ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào ống kính thì cả ba ống kính đều bị flare theo các cách hơi khác nhau. Khi nguồn sáng mạnh tạo góc lớn với ống kính thì IRIX chịu flare và ghost tốt nhất (hình thứ ba), còn Cosina bị flare khá nặng với dạng hào quang tròn gần nguồn sáng. Khác với Cosina, Voigtlander III có dạng ghost nằm gần nguồn sáng, trong khi Cosina tạo đốm màu xanh nằm về phía xa nguồn sáng. Như đã nói trong phần đầu, mặc dù ở khẩu độ lớn nhất nhưng hai ống kính Cosina và Voigtlander vẫn có khả năng tạo hiệu ứng tia, mặc dù ở mức độ yếu.

Lớp coat của IRIX có vẻ hoạt động hiệu quả để chống flare với các nguồn sáng có góc tới ống kính lớn. Nhìn vào khu vực chi tiết gần nguồn sáng các bạn cũng sẽ thấy là ít chi tiết bị giảm độ tương phản hơn trường hợp của Cosina và Voigtlander.

Có một đặc tính thú vị của ống kính IRIX là khi giảm khẩu độ thì hiện tượng flare và ghost cũng thay đổi cách biểu hiện (như ở 2 hình bên dưới). Ở khẩu độ nhỏ các đốm ghost nằm gần góc hình và có dạng kéo dài (khu vực ám đỏ ở góc bên phải hình). Hiện tượng này sẽ rất rõ nếu bạn không sử dụng hood. Trong các ảnh mẫu mình chụp ở Las Vegas bên dưới các bạn sẽ thấy hiện tượng này, đặc biệt là khi nguồn sáng mạnh có góc tiếp xúc nhỏ khi tới ống kính (nguồn sáng từ bên cạnh thay vì chiếu thẳng vào ống kính).

Khi không sử dụng hood, ống kính IRIX có thể rất nhạy cảm với các nguồn sáng từ phía ngoài khung hình (do thấu kính trước nhô lên) nên khi chụp ảnh trời nắng bạn sẽ cần phải gắn hood thường xuyên.

Do máy ảnh được sử dụng cho bài đánh giá này là Sony A7ii nên mình cần nhắc tới hiệu ứng phản xạ bề mặt cảm biến để các bạn có thể tách biệt hiệu ứng do máy ảnh và hiệu ứng do ống kính. Hiện tượng này rất phổ biến với phần lớn các máy ảnh không gương lật và bắt nguồn từ ánh sáng đi qua ống kính gặp bề mặt sensor bị phản xạ ngược lại thấu kính sau và quay trở lại sensor lần nữa. Các bạn có thể nhận ra hiện tượng này qua các đốm tròn nằm sát nguồn sáng và bố trí rất đều nhau. Khi có nguồn sáng mạnh nằm trong khung hình thì cả 3 ống kính trong bài test đều có hiện tượng phản xạ bề mặt cảm biến thể hiện trên hiệu ứng tia. Tuy nhiên, hiệu ứng này có mức độ và biểu hiện khác nhau tùy thuộc ống kính, khẩu độ, độ mạnh của nguồn sáng và cảm biến máy ảnh. Với Sony, các máy ảnh có filter AA đều bị hiện tượng này rõ, còn máy ảnh không dùng filter AA như A7R bị nhẹ hơn và nhẹ nhất là máy ảnh dùng cảm biến BSI như A7Rii.

Trong trường hợp này, tia của IRIX bị ảnh hưởng bởi sensor reflection yếu hơn hai ống kính Cosina và Voigtlander.

Đây cũng là một yếu tố quan trọng các bạn cân cân nhắc khi lựa chọn một trong hai ống kính Voigtlander hoặc máy ảnh A7ii / A7Rii. Với A7Rii, sai khác giữa hai thế hệ ống kính Voigtlander trở nên nhỏ hơn nhiều khi hiện tượng tối góc của Cosina đã được khắc phục rất nhiều (hình dưới) và hiện tượng phản xạ bề mặt cảm biến được hạn chế tới mức tối thiểu nên việc chụp các nguồn sáng mạnh đều rất dễ dàng mà không có hiệu ứng phụ. Trong khi đó, khi cả hai ống kính này được dùng với A7ii thì ống kính thế hệ III thể hiện ưu thế rõ ở mức độ tối góc rất thấp và khả năng chống flare tốt hơn. Nếu bạn đang sử dụng A7Rii thì bản Voigtlander nguyên thủy cũng không thua kém bản mới nhất là mấy, còn nếu bạn đang dùng A7 / A7ii hay A7S / A7Sii thì việc cân nhắc phiên bản III sẽ có ảnh hưởng nhiều tới chất lượng hình ảnh.

Khả năng kiểm soát sắc sai (viền tím) của Voigtlander là một trong những điểm mạnh khiến ống kính này rất được ưa chuộng, và trên phương diện này thì IRIX cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Trong các điều kiện chụp bình thường, gần như không bao giờ mình phát hiện ra quang sai trên hình, trừ khi chụp ngược sáng với nguồn sáng mạnh và tìm ở những chi tiết rất nhỏ nằm gần rìa hình. Dưới đây là những trường hợp bị sắc sai trục ngang (lateral chromatic aberration) rõ nhất mà mình tìm thấy được ở một số ảnh chụp, và lưu ý là độ dày của các chi tiết bị ám màu này chỉ bằng vài pixel. Nhìn chung các bạn sẽ không phải cân nhắc tới vấn đề sắc sai, viền tím của các ống này, đặc biệt là khi chụp với khẩu độ nhỏ.

Bokeh là yếu tố rất ít được quan tâm với các ống ultrawide như thế này. Mặc dù vậy khi chụp ở khoảng cách lấy nét gần nhất các bạn cũng sẽ vẫn quan sát được một chút bokeh tách biệt chủ thể và hậu cảnh. Đặc biệt là với ống kính IRIX có khả năng lấy nét gần và độ phóng đại tốt hơn, kết hợp với khẩu độ lớn hơn hai ống kính Cosina và Voigtlander nên đôi khi bạn vẫn có thể dùng ống kính này để chụp gần chi tiết để tạo hiệu ứng gần giống macro góc rộng. Bokeh của ống kính IRIX mặc dù không thể so với các ống kính tiêu cự dài hơn có khẩu lớn nhưng cũng không làm người xem mất tập trung.

Hiệu ứng tia hay hiệu ứng sao khi chụp nguồn sáng mạnh là một đặc điểm rất đặc trưng và được yêu thích của các ống kính Voigtlander. Với thiết kế 10 lá khẩu thẳng, hai ống kính Cosina và Voigtlander có thể tạo hiệu ứng sao 10 cánh dễ dàng và hiệu ứng ra rất đẹp với cánh nhọn, đều ngay từ f/5.6. Hai ống kính này có loại tia rất giống nhau nhưng do khả năng chống flare kém hơn nên tia của Cosina không tách biệt rõ ràng như tia của Voigtlander III. Từ f/5.6 tới f/16 tia của hai ống kính này không có thay đổi nhiều, nhưng nếu phải hạ khẩu xuống f/22 thì tia sẽ mất tập trung hơn và có thể xuất hiện tia phụ. Vì thế, với Cosina hay Voigtlander, để có tia đẹp, độ nét cao, trường nét sâu thì khoảng f/8-f/11 là phù hợp nhất, còn nếu bạn muốn ưu tiên cho tia mà không muốn hạ khẩu sâu thì f/5.6 cũng vẫn có thể ra tia đẹp.

Với IRIX thì 9 lá khẩu của ống kính này sẽ tạo tia 18 cánh. Số cánh này có thể hơi nhiều so với nhu cầu của nhiều người và độ dài các tia không thật đều nên về mặt này nhìn chung hai ống kính Cosina và Voigtlander có ưu thế hơn. Nếu bạn dùng ống kính IRIX thì bạn cần khép khẩu độ về ít nhất f/8 để bắt đầu thấy hiệu ứng tia và muốn hiệu ứng rõ nhất thì bạn có thể phải hạ xuống tận f/22.

Dưới đây là một số ảnh mình chụp với 3 ống kính, chủ yếu bằng máy A7ii. Ảnh được chụp trong khoảng thời gian dài, nhất là với ống Cosina do mình đã dùng ống kính này từ lâu. Các bạn có thể click vào từng hình để xem ảnh chất lượng cao trên Flickr. Phần lớn hình mình chụp đều để ở khẩu f/5.6-f/8, trừ hình phơi sáng thì dùng f/11-f/16. Ảnh đều được chụp RAW và đã được xử lý hậu kỳ bằng CameraRaw và Photoshop. Phần lớn ảnh chụp với Cosina đều đã được sửa lỗi tối góc và ám màu bằng Profile correction trong CameraRaw.

Trong ba ống kính này, khó có thể kết luận chính xác ống kính nào là ống kính tốt nhất vì thực tế không có ống kính nào có lợi thế ở tất cả mọi mặt: độ nét, màu sắc, khẩu độ, kiểm soát quang sai, kích thước và khối lượng, giá thành, mức độ tiện dụng. Chính vì thế mà có lẽ mỗi ống kính sẽ phù hợp với một nhóm người dùng khác nhau.

Cosina 15mm f/4.5 Aspherical

Có lợi thế về kích thước, trọng lượng rất nhỏ gọn và giá thành rẻ chỉ bằng 1/3 ống kính Voigtlander phiên bản III, Cosina/Voigtlander 15mm f/4.5 Aspherical sẽ là lựa chọn tốt nếu bạn không có đủ kinh phí để chi trả cho các ống kính đắt tiền khác trong khoảng tiêu cự hoặc bạn cần một ống kính siêu nhỏ gọn để chụp cảnh và có tia đẹp. Đối tượng cần tham khảo ống kính này là người dùng máy ảnh không gương lật như Sony, Fujifilm, Canon, hay người dùng máy rangefinder. Như đã phân tích ở trên, nếu bạn đang dùng Sony A7Rii thì đây là một lựa chọn không tồi khi các nhược điểm chính của ống kính này đã được khắc phục bởi máy ảnh. Nếu bạn đang dùng các máy ảnh rẻ tiền hơn thì hoặc là sử dụng máy APS-C sẽ loại bỏ hết phần tối góc và ám màu khó chịu ở góc hình, hoặc là bạn sẽ cần dành thêm thời gian để xử lý hậu kỳ để loại bỏ các yếu tố quang sai này. Với bản thân mình thì đây là ống kính rất phù hợp để chụp thành phố hoặc chụp cảnh đêm, hoặc khi nào cần lấy hiệu ứng tia như điểm nhấn chính của hình và nó quá nhỏ nhẹ để bỏ qua khi chuẩn bị cho mỗi chuyến đi. Nếu bạn ngại xử lý hậu kỳ thì bạn có thể lựa chọn chụp B&W và các vấn đề đau đầu sẽ được giải quyết rất dễ dàng. Nếu bạn là người chụp cảnh hoặc chụp street chuyên nghiệp thì bạn có thể bỏ qua ống kính này vì nó không hỗ trợ việc sử dụng filter.

Hiện nay số ống kính phiên bản này trên thị trường không còn nhiều nên có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi cần tìm ra một chiếc nhưng nếu có thể mua được thì bạn cứ an tâm mà dùng thử vì sẽ không phải lo mất nhiều tiền khi phải bán lại nó cho người khác.

Voigtlander 15mm f/4.5 III E Aspherical

Phiên bản III của Voigtlander mặc dù có tuổi đời chưa nhiều nhưng đã thành một cái tên rất hay được nhắc đến với nhiếp ảnh góc rộng trong cộng đồng người dùng máy ảnh không gương lật. Nếu bạn so Voigtlander 15mm f/4.5 với các ống kính "chính hãng" khác như các ống 16-35m hay 11-24mm thì bạn sẽ thấy là mức giá hơn 15 triệu cùng với kích thước rất nhỏ gọn của ống kính này vẫn còn rất khiêm tốn. Với nhu cầu chụp cảnh góc rộng thì các chức năng như lấy nét tự động hay khẩu độ lớn không phải yếu tố rất quan trọng và bạn có thể bỏ qua nếu nhu cầu và tình hình tài chính chưa đảm bảo. Giống như phiên bản Cosina, sự kết hợp của tiêu cự ngắn và khẩu độ nhỏ giúp bạn có thể chụp cảnh và đường phố rất nhanh với hyperfocal distance mà ít gây sự chú ý. Những cải tiến của phiên bản này so với phiên bản trước là rất đáng kể và đáng tiền đầu tư thêm (nhưng nếu bạn đang dùng máy ảnh như A7Rii thì khác biệt này không còn nhiều). Độ sắc nét cao, độ méo hình thấp và hiệu ứng tia đẹp là những đảm bảo cho shot hình ưng ý. Tuy vậy, bạn cần lưu ý vấn đề độ nét ờ sát góc hình, có thể trong bài đánh giá này mình gặp vấn đề với bản copy không tốt, nhưng cũng có thể đây là vấn đề chung của thiết kế. Phiên bản III của Voigtlander có hai ống kính ngàm Leica M và Sony E, trong đó phiên bản Leica M sẽ không có kết nối điện tử với máy ảnh Sony của bạn, cũng như không có các chỉnh sửa tự động nên hình ảnh sẽ tối góc hơn, méo hơn một chút. Nếu bạn đang dùng máy ảnh ngàm M thì Voigtlander ngàm M hoặc bản Cosina với ngàm chuyển LTM - M là hai lựa chọn bạn có thể cân nhắc.

Nếu bạn ngại khẩu độ nhỏ của Voigtlander thì một số ống kính zoom góc rộng khẩu độ lớn hơn sẽ là lựa chọn phù hợp hơn với bạn, nhưng cũng có khó có lựa chọn nào tốt trong mức giá của Voigtlander.

IRIX 15mm f/2.4

Là ống kính sinh sau đẻ muộn, IRIX có lẽ đã học hỏi được rất nhiều từ các nhả sản xuất khác. Cái giá phải trả cho khẩu độ lớn và tiêu cự ultrawide cũng không phải lớn lắm khi bạn được cầm thử ống kính này trong tay, mặc dù nó lớn hơn đáng kể các ống kính của Voigtlander. Sự cẩn thận và hài hòa trong thiết kế của IRIX là điểm mạnh nhất và bạn sẽ thực sự hài lòng ngay cả khi bạn là người dùng chuyên nghiệp, vì bên cạnh chất lượng quang học xuất sắc, IRIX 15mm f/2.4 còn có hỗ trợ rất nhiều khả năng sử dụng filter cũng như tự cân chỉnh ống kính. Đây là một trong số ít ống kính hiện nay mà bạn có tận 3 lựa chọn khác nhau cho filter: dùng filter tròn 95mm phía trước, dùng filter gelatin phía sau (giống Canon EF 17-40mm f/4L, EF 11-24mm f/4L và EF 8-15mm f/4L hoặc Nikon 14mm f/2.8) hoặc dùng filter holder. Nếu bạn đang dùng hệ filter vuông 100mm thì bạn có thể cân nhắc filter holder Zorro 100 do Việt Nam sản xuất ( Bombo ).

Xét về chất lượng quang học thì IRIX 15mm f/2.4 có ít lỗi quang sai nhất và đạt độ đồng đều cao từ tâm tới rìa hình. Khẩu độ lớn hơn còn cho phép IRIX được sử dụng linh hoạt hơn cho các mục đích khác như quay phim trong điều kiện thiếu sáng, chụp cận, chụp thiên văn, trong khi hai ống kính Voigtlander phần lớn chỉ dùng cho chụp cảnh, chụp kiến trúc và street. Mặc dù vậy, ống kính này có một nhược điểm là khả năng chống flare theo hướng xiên không tốt và nếu bạn không dùng hood thì khả năng bạn gặp flare dạng này khi chụp lúc trời nắng là rất cao. Đôi lúc hiệu ứng này có thể được dùng sáng tạo để làm tấm ảnh thêm đẹp nhưng nếu ảnh nào cũng có thì chắc hẳn bạn sẽ không thích. Ngoài ra, nếu bạn muốn ống kính dễ tạo tia và có tia đẹp thì Voigtlander sẽ là lựa chọn tốt hơn cho bạn.

Nếu bạn đang dùng máy ảnh DSLR thì IRIX là lựa chọn duy nhất bạn có thể cân nhắc trong bài viết này. Ngoài IRIX, trên thị trường chúng ta còn có Samyang 14mm f/2.8 cũng là một ống kính rất phổ biến và Vsion sẽ có bài đánh giá so sánh với IRIX sớm để các bạn có thể biết ống kính nào phù hợp hơn với mình.

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: