Blog Post

So sánh những ống kính 85mm phổ biến nhất hệ Sony FE: Batis, Sony FE, Samyang (MF)

Mar 25, 2019

 Trong bài viết ngày hôm nay, Vsion sẽ chia sẻ những đánh giá về chất lượng tương quan giữa những ống kính tiêu cự 85mm phổ biến nhất trong hệ Sony mirrorless full frame (ngàm FE), bao gồm Sony FE 85mm f/1.8, Zeiss Batis 85mm f/1.8 Sonnar T*. Trong khi 2 ống kính Sony và Batis 85mm là các ống kính lấy nét tự động (AF), ống kính thứ ba - Samyang 85mm T1.5 cine (f/1.4) - là ống kính lấy nét tay (manual focus - MF) và khẩu lớn hơn nhưng cũng khá phổ biến do giá thành rẻ và chất lượng ở mức chấp nhận được. Đây đều là những ống kính đã có mặt trên thị trường từ khá lâu cho tới khoảng 2 năm trở về trước nên chắc hẳn người dùng Sony mirrorless cũng không lạ lẫm gì. Tuy vậy, việc cân nhắc sử dụng ống kính nào vẫn luôn gây ra tranh luận do thiếu đánh giá cụ thể để người dùng so sánh từng yếu tố. Chính vì vậy, trong bài viết này Vsion sẽ đánh giá kỹ các tiêu chí kỹ thuật để giúp các bạn có quyết định phù hợp với bản thân hơn.

Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Đầu tiên các bạn có thể xem thống kê so sánh các đặc điểm kỹ thuật của 3 ống kính sử dụng trong đánh giá ở bảng dưới đây.

Tên ống kính Zeiss Batis 85mm f/1.8 Sonnar T* Sony FE 85mm f/1.8 Samyang 85mm T1.5 cine
Hãng sản xuất Zeiss Sony Samyang
Năm sản xuất 2015 2017 2012
Hệ máy Full frame mirrorless Full frame mirrorless Full frame DSLR
Ngàm Sony FE (ngàm E full frame) Sony FE Canon EF
AF/MF AF MF
AF motor Motor AF tuyến tính Motor AF tuyến tính kép Không có
Cách lấy nét Internal focus (focus trong) Internal focus Internal focus
Khẩu độ max-min f/1.8 - f/22 f/1.8 - f/22 T1.5 - T22
Chống rung trên lens Không có Không có
Vòng lấy nét Điện tử (fly-by-wire) Điện tử (fly-by-wire) Cơ học, có bánh răng
Vòng khẩu độ Vòng cao su nhẵn Vòng plastic có vân song song Dạng bánh răng declick
Thiết kế thấu kính 11 thấu kính / 8 nhóm 9 thấu kính / 8 nhóm 9 thấu kính / 7 nhóm
Thấu kính đặc biệt 3 LD 1 ED 1 Hybrid Aspherical
Tráng phủ Zeiss T* Nano AR UMC (Samyang)
Số lá khẩu 9 lá khẩu (cong) 9 lá khẩu (cong) 8 lá khẩu thẳng
Lấy nét gần nhất 80 cm 80 cm 110 cm
Chiều dài 92 mm 82 mm 74,7 mm (không tính ngàm)
Cân nặng 452 g 371 g 580 g (không kể adapter)
Đường kính filter 67 mm 67 mm 72 mm
Nút focus hold Không có Không có
Nút chuyển AF/MF Không có Không có
Đèn OLED Không có Không có
Khả năng chống chịu Có chống chịu thời tiết Có chống chịu thời tiết Không có
Giá bán (2/2019) $1080 (24 triệu đồng) $570 (10,5 triệu đồng) $300 (7 triệu đồng)

Đầu tiên chúng ta hãy nói về 2 ống kính AF trong bài hôm nay: Sony FE và Zeiss Batis 85mm f/1.8. Mặc dù là ống kính Sony nhưng FE 85mm ra đời muộn hơn Batis. Ống kính Sony là ống kính thuộc dòng "bình dân" của hệ ngàm FE, với thiết kế rất đơn giản và giá thành khá dễ chịu. Đây cũng là một trong những tiêu cự cơ bản, đặc biệt là sử dụng cho chụp chân dung, nên sau khi ra đời vào năm 2017, ống kính này và Sony FE 28mm f/2 đã trở thành bộ ống kính rất căn bản cho tiêu cự tele ngắn và góc rộng. Trước đó 2 năm, Zeiss giới thiệu dòng ống kính AF đầu tiên do Zeiss chế tạo (mặc dù trước đó đã hợp tác với Sony để làm ống kính FE 55mm f/1.8 Sonnar T* và ống kính 85mm f/1.8 và 25mm f/2 là 2 lựa chọn đầu tiên mà Zeiss giới thiệu. Về căn bản, Batis 85mm f/1.8 có các yếu tố kỹ thuật rất giống với FE 85mm f/1.8, như khoảng cách lấy nét gần nhất, filter 67mm, vòng lấy nét điện tử, không có vòng khẩu.

Tuy nhiên, Batis 85mm cũng có những điểm nhấn khác biệt so với ống kính FE 85mm giá rẻ hơn ở thiết kế nhiều đường cong (gợi nhớ tới thiết kế của dòng ống kính Otus), màn hình OLED để hiển thị khoảng cách lấy nét, và nhất là có trang bị bộ chống rung hình ảnh ngay trong ống kính. Mặt khác, FE 85mm f/1.8 mặc dù thiếu những yếu tố trên nhưng cũng có những thiết kế khác biệt, bao gồm nút Hold focus ở bên trái thân lens có thể gắn một số chức năng (quan trọng nhất là Eye-AF) và nút chuyển chế độ lấy nét tự động - lấy nét tay ở ngay bên cạnh. FE 85mm cũng có vòng khẩu plastic có vân song song, phù hợp hơn với người dùng có nhu cầu sử dụng chức năng lấy nét tay, trong khi vòng cao su nhẵn của Batis không phải lựa chọn tốt cho việc này. Đây là đặc điểm có phần hơi hài hước, vì Zeiss là một hãng có truyền thống làm ống kính lấy nét tay trong khi Sony chủ yếu chỉ làm ống kính AF.

Cảm nhận khi cầm trong tay hai ống kính này là Batis có cảm giác được thiết kế ở mức độ cao hơn, đáng tin hơn, còn FE 85mm có cảm giác chất lượng không tốt bằng. Tuy vậy, do có chức năng chống rung trong thân lens nên bạn có thể cảm giác Batis luôn có một phần bên trong di chuyển không đồng thời với thân lens, còn FE 85mm luôn có cảm giác là một khối đồng nhất. Chính vì vậy, với mình thì không có ống kính nào trong 2 ống kính này thực sự nổi trội hơn từ thiết kế bên ngoài.

Nói tới ống kính thứ ba, ống kính lấy nét tay Samyang 85mm T1.5 thì đây là phiên bản cine của ống kính Samyang/Rokinon 85mm f/1.4 đã ra đời trước đó 3 năm và đã có 2 phiên bản khác nhau. Các bạn có thể đọc thêm về Samyang 85mm f/1.4 (bản thường) trong bài so sánh SLR Magic 75mm f/1.4 cine và Samyang 85mm f/1.4 mà Vsion đã thực hiện [link]. Phiên bản cine sử dụng trong bài viết này sử dụng khẩu T-stop thay vì F-stop, thêm nữa là hai vòng lấy nét và vòng chỉnh khẩu độ đã được thay bằng vòng bánh răng, dùng để tích hợp với các bộ thiết bị lấy nét tay trong quay phim. Về cơ bản, bản cine này sử dụng thiết kế quang học của ống kính thường, nhưng thay đổi thiết kế bên ngoài để phù hợp với việc quay phim và đồng thời tăng mức độ kiểm soát chất lượng đầu ra để đảm bảo độ chính xác và đồng đều về chất lượng quang học. Cũng vì vậy mà phiên bản cine này thường đắt hơn phiên bản thường một chút và thích hợp với người dùng có nhu cầu quay phim mà không đầu tư được nhiều tiền.

Khác với hai ống kính AF với ngàm FE có thể sử dụng trực tiếp trên máy ảnh Sony mirrorless, ống kính Samyang được sử dụng để so sánh là ống kính ngàm Canon DSLR và mình phải dùng ngàm chuyển Canon EF - Sony FE để sử dụng với máy ảnh A7III. Trong hình dưới các bạn có thể so sánh tương quan về mặt thiết kế bên ngoài của 3 ống kính này khi gắn trên máy. Sony FE là ống kính nhỏ và nhẹ nhất, trong khi Batis có kích thước và khối lượng nhỉnh hơn một chút và Samyang (sau khi gắn ngàm chuyển) là ống kính to, nặng nhất (một phần do khẩu độ lớn hơn).

Để so sánh chất lượng quang học của 3 ống kính này, mình sử dụng tripod chắc để gắn máy Sony A7III, chụp đối tượng từ vị trí cố định, sử dụng ảnh RAW xuất ra JPEG qua CameraRAW của Photoshop để đánh giá độ nét (mức sharpness 25) và không sử dụng filter, hood hay các chức năng can thiệp vào chất lượng ảnh như khử noise. Các ảnh đánh giá chất lượng JPEG từ máy sử dụng ảnh chụp đồng thời với ảnh RAW.

Có thể các bạn đã nghe được những nhận xét là Batis 85mm có màu ấm hơn FE 85mm, còn Samyang có màu ngả vàng. Trong thực tế, khi đánh giá màu ảnh lấy trực tiếp từ file jpeg trên máy A7III (chế độ cân bằng trắng tự động), mình không nhận thấy khác biệt rất đáng kể về màu sắc giữa 3 ống kính. Một điều cũng cần lưu ý với các bạn rằng việc ảnh chụp bằng một ống kính có thiên hướng màu khác với ảnh chụp bằng ống kính khác cũng phụ thuộc vào màu sắc của cảnh chụp, chứ không nhất thiết sai khác giữa hai ống kính sẽ luôn duy trì trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ như một ống kính chụp ra ảnh màu ấm hơn ống kính còn lại trong điều kiện này, nhưng lại lạnh hơn trong điều kiện khác. Nếu các bạn cân bằng trắng chuẩn trước khi chụp thì sẽ rất khó để nhận ra khác biệt về màu sắc giữa các ống kính.

Khi xét tới điều kiện chụp khá phổ biến là vào ngày nắng như trong 2 loạt ảnh so sánh bên dưới, khi chụp bằng chế độ cân bằng trắng tự động thì các bạn có thể thấy ảnh chụp bằng Batis có xu hướng hơi ấm hơn hai ống kính còn lại một chút, còn ảnh chụp bằng Samyang có phần hơi ... lạnh hơn (chứ không phải ấm hơn).

Trong 3 ống kính thì Samyang có khoảng cách chụp tối thiểu là xa nhất (1,1 m), trong khi 2 ống kính AF có khoảng cách lấy nét gần nhất ngắn hơn (0,8 m), dẫn tới việc tỷ lệ phóng đại của 2 ống kính AF tốt hơn khá nhiều. Vì thế nên nếu bạn muốn kết hợp chụp close-up thì 2 ống kính AF là lựa chọn tốt hơn.

Sử dụng ống nối dài (extension tube) để làm giảm khoảng cách lấy nét tối thiểu

Nếu muốn sử dụng các ống kính 85mm này (hay bất cứ ống kính nào khác) để chụp được gần hơn, các bạn có thể cân nhắc sử dụng các ống nối dài giúp đẩy ống kính đi ra xa cảm biến hơn, gần chủ thể hơn. Trong trường hợp này mình đã sử dụng 2 đoạn ống nối của Commlite AF (10mm và 16mm) để tăng độ phóng đại lên đáng kể. Với ống nối dài này bạn vẫn có thể lấy nét tự động và điều chỉnh khẩu độ với hai ống kính Batis, Sony. Ở hai loạt hình ở dưới, các bạn có thể hình dung mức độ thay đổi về khả năng phóng đại hình của 3 ống kính trước và sau khi sử dụng ống nối dài. Các bạn lưu ý là (1) khi sử dụng các ống nối dài này thì các bạn chỉ có thể lấy nét ở một khoảng gần trước ống kính mà không thể chụp xa hơn, (2) ống nối càng dài thì càng chụp được gần hơn và đạt độ phóng đại cao hơn, nhưng cũng (3) kéo theo ảnh tối hơn, dễ rung hơn và DOF sẽ cực kỳ mỏng, cùng với chức năng AF sẽ càng kém và thiếu ổn định hơn.

Ở khoảng cách lấy nét gần nhất, Batis và Sony FE đạt tỷ lệ phóng đại lớn nhất là 1:7,9, còn Samyang chỉ đạt tỷ lệ 1:9,5, nghĩa là kích thước ảnh trên cảm biến bằng xấp xỉ 1/8 và 1/10 kích thước vật thật.

Trong 3 hình bên dưới (có sử dụng tube 10mm và 16mm) các bạn có thể để ý thấy phần ảnh hai bên hình rất sáng, đó là kết quả của hiện tượng phản xạ ánh sáng bên trong ống nối dài. Hiện tượng này là do chất lượng ống nối dài được chế tạo không thật tốt đã không ngăn được phản xạ bên trong.

Do nhiều ống kính bị giảm khả năng phân giải (độ nét) rất rõ khi chụp gần nên mình có so sánh độ nét của 3 ống kính khi sử dụng tube ở f/1.8 và f/8. Như ở hình dưới các bạn có thể thấy là Samyang chụp ra ảnh có phần nhòe hơn 2 ống kính còn lại ở f/1.8, nhưng ở f/8 thì ba ống kính này rất giống nhau. Còn khi so giữa 2 ống kính AF thì dường như Sony FE nhỉnh hơn Batis một chút xíu về độ nét ở f/1.8.

Trong bài này mình chỉ so sánh độ nét của 3 ống kính khi chụp ở khoảng cách gần, cũng là khoảng cách phổ biến khi chụp chân dung. Để so sánh chất lượng thì máy ảnh cũng được cố định trên tripod, ống kính được lấy nét bằng tay để đảm bảo vị trí lấy nét chính xác. Nếu vị trí so sánh nằm ở đâu thì vị trí lấy nét sẽ được chọn ở đó để đảm bảo yếu tố độ cong trường nét không ảnh hưởng tới kết quả so sánh.

Ở vùng nét trung tâm, các bạn có thể thấy là Batis 85mm chụp ra ảnh có độ nét cao hơn Sony 85mm một chút xíu ở khẩu độ lớn nhất f/1.8, còn Samyang chụp ra ảnh có độ nét kém nhất (khẩu T1.5), mặc dù chất lượng được cải thiện khá nhanh khi hạ khẩu xuống một chút (T1.8). Lợi thế này của Batis được duy trì cho tới f/4, khi độ nét của 3 ống kính đạt mức rất gần nhau, và sau đó từ f/5.6 cho tới f/22, Sony FE luôn đạt độ nét nhỉnh hơn Batis. Đặc biệt ở khoảng f/8-f/11 các bạn có thể thấy micro contrast (vi tương phản) của các chi tiết nhỏ có thể phân biệt rõ hơn với ảnh chụp bằng Sony FE. Samyang vẫn luôn là ống kính kém nhất về khả năng phân giải trong 3 ống kính, mặc dù trong khoảng f/5.6 - f/11, độ nét của Samyang cũng không phải tệ. Đến f/22, cả 3 ống kính đều bị suy giảm chất lượng do hiện tượng nhiễu xạ và Samyang cũng là ống kính bị nhiễu xạ nặng nhất (ảnh nhòe nhất).

Tiếp theo, độ nét ở khi vực sát rìa hình được đánh giá bằng cách lấy nét trực tiếp vào vị trí cần so sánh.

Do hiện tượng cầu sai, các ống kính đều bị suy giảm khả năng phân giải theo chiều từ tâm hình ra phía rìa và góc hình. Các ống kính 85mm này cũng không phải là ngoại lệ, và chúng ta có thể thấy độ nét ở khu vực rìa hình của các ống kính này chỉ đạt mức cao nhất là 60 - 70% độ nét ở giữa hình. Đặc biệt, ở khu vực này thì chất lượng của ống kính Samyang thua kém rất rõ 2 ống kính AF trong khoảng khẩu độ T1.5 - T4. Tuy nhiên, từ f/5.6 (T5.6) tới f/22, gần như không có khác biệt đáng kể nào giữa ba ống kính. Tương tự như với độ nét ở tâm hình, f/22 là khẩu độ không nên dùng do chất lượng ảnh chụp bằng cả 3 ống kính đều bị giảm rõ rệt.

Thông thường các ống kính tiêu cự tele không có vấn đề lớn với méo hình. Tuy vậy khi khi so sánh giữa 3 ống kính này thì các bạn có thể thấy là Batis có hiện tượng méo lõm (pincushion distortion) đáng kể, còn Samyang có hiện tượng méo phình (barrel distortion) nhẹ, và Sony FE 85mm là ống kính có khả năng kiểm soát méo tốt nhất, gần như đạt mức méo hình 0%.

Với ống kính chụp chân dung thì hiện tượng méo này không có ảnh hưởng lớn tới chất lượng ảnh chụp, nhưng đôi khi sẽ làm mẫu có mức biến dạng nhỏ, có phần khác nhau khi sử dụng các ống kính khác nhau. Ví dụ như chụp bằng Batis 85mm thì mẫu sẽ có phần ... thon gầy hơn khi chụp bằng Sony 85mm.

Nếu bạn không muốn thấy méo hình như thế này thì chỉ cần lựa chọn chức năng chữa lỗi quang học (profile correction) ngay trong máy (với 2 ống kính AF), hoặc áp profile của đúng ống kính đó khi xử lý ảnh bằng Lightroom hoặc CameraRAW. Sau khi chỉnh méo tự động thì mức độ méo của 3 ống kính đều gần như bằng 0% như hình dưới.

Về mức độ tối góc thì 3 ống kính này đều có mức độ tối góc từ trung bình tới nhẹ ở khẩu độ lớn nhất, sau đó giảm dần khi hạ khẩu. Với Batis thì mức độ tối góc có phần tệ hơn 2 ống kính còn lại (chênh lệch khoảng 1.6 EV ánh sáng giữa vùng tối nhất ở góc hình và phần sáng nhất ở giữa hình). Mức độ tối góc của Sony FE và Samyang lần lượt là -1.1 EV và -1.3 EV. Samyang là ống kính được cải thiện tối góc nhanh nhất, gần như không còn hiện tượng này ở ngay T2.8, trong khi Batis phải tới f/5.6, còn Sony FE vẫn còn một ít tối góc ở f/5.6 (hình dưới).

Đôi khi một chút tối góc cũng tốt cho ảnh chụp chân dung, để mắt người xem tập trung hơn vào đối tượng chính của hình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn khử tối góc thì ngoài việc hạ khẩu độ, các bạn cũng có thể sử dụng profile như ở trên để sửa hiện tượng này. Sau khi áp profile thì mức tối góc của 2 ống kính AF đều gần bằng 0, nhưng với Samyang thì bạn sẽ vẫn nhận thấy còn một chút.

Trường nét của ống kính thường tạo ra một mặt phẳng cong chứ không phẳng hoàn toàn. Mức độ cong trường nét thay đổi tùy thuộc thiết kế của ống kính và nó ảnh hưởng rất nhiều tới sự đồng đều giữa độ nét ở các vùng của khung hình, nhất là giữa vùng tâm hình và góc / rìa hình. Để tái hiện hình ảnh của trường nét, phương pháp của mình là đặt máy ảnh sát với một mặt phẳng có nhiều chi tiết, sau đó cân bằng máy sao cho mặt dưới của máy gần như song song với mặt phẳng này, rồi lấy nét ở mức gần nhất có thể, mở khẩu lớn nhất. Với cách này thì vùng chuyển giữa điểm nét và điểm ngoài vùng nét có thể được quan sát. Bằng phương pháp xử lý tăng độ tương phản và chi tiết của hình, mình có thể nhận ra hình dáng của trường nét với từng ống kính.

Cả 3 ống kính này đều có độ cong trường nét nhỏ, nghĩa là DOF gần như tạo thành một mặt phẳng, chỉ bị cong nhẹ về hai phía. Ở sát rìa ảnh thì Batis có độ cong nhỉnh hơn 2 ống kính còn lại một chút. Kết quả này với Samyang 85mm bản cine tốt hơn trong kết quả lần trước mình đánh giá với phiên bản thường, có thể là do kiểm soát chất lượng với dòng ống kính cine tốt hơn. Với kết quả này, các bạn có thể an tâm là khi chụp một nhóm người đứng ngang nhau thì bạn vẫn có thể lấy nét tất cả mọi người chứ không phải người ở giữa nét mà người ở rìa thì không.

Đây là một yếu tố rất quan trọng khi so sánh 3 ống kính này, do thường xuyên được nhắc tới để cân nhắc lựa chọn. Trong bài đánh giá này mình sẽ so sánh kỹ 3 ống kính ở khả năng chống flare trong các điều kiện sáng khác nhau.

Đầu tiên, để nói tới flare, chúng ta cần phân biệt là có 2 loại, một là veiling flare (tạm dịch là lóa), và loại thứ hai là ghosting flare (tạm dịch là bóng ma, hay đơn giản là ghost). Veiling flare / lóa là hiện tượng lóa sáng ở gần nguồn sáng, làm các vùng ảnh lân cận bị giảm độ tương phản và chi tiết, đôi khi đi kèm các vân màu sắc hướng tới tâm của nguồn sáng. Ghosting flare / bóng ma là các mảng màu xuất hiện dọc theo đường đi của ánh sáng, có hình dạng giống với lỗ khẩu hoặc thấu kính do phản xạ giữa các lớp thấu kính.

Trong trường hợp thứ nhất: nguồn sáng khá mạnh và gần, ở khoảng giữa hình. Chúng ta có thể thấy là Batis và Sony 85mm có mức độ lóa rất giống nhau, nhưng ống kính Sony bị ghost nặng hơn rõ rệt với các vòng tròn màu xuất hiện ngay gần nguồn sáng. Samyang bị lóa nặng hơn (độ tương phản giảm nặng hơn ở gần nguồn sáng), thậm chí xuất hiện các vân dạng răm bao quanh nguồn sáng. Tuy vậy, Samyang 85mm lại gần như không bị ghost.

Ở góc chiếu sáng này, chúng ta có thể thấy là không có ống kính nào trong số 3 ống kính miễn nhiễm với ghost. Batis cũng thể hiện ghost khi góc của nguồn sáng đi tới ống kính lệch tâm, nhưng mức độ và kiểu ghost cũng khác hai ống kính còn lại (đốm xanh nhỏ). Samyang cũng thể hiện ghost ở góc chiếu sáng này, với ghost dạng hình tròn lớn, khó nhận thấy nhất. Sony FE là ống kính có ghost rõ nhất.

Khi thay đổi góc chiếu sáng, chúng ta có thể nhận thấy mức độ lóa cao hơn với các vân răm của Samyang thể hiện rất rõ.

Ở test thứ hai, mình chụp bằng 3 ống kính này ở ngoài trời và đồng thời so sánh mức độ flare ở khẩu độ khác nhau. Tương tự như ở test trước, chúng ta có thể thấy là Sony FE bị ghost rõ nhất với các đốm sáng màu cường độ cao ở gần nguồn sáng khi mở khẩu lớn nhất, Batis thể hiện ghost rõ hơn so với khi chụp gần nguồn sáng, Samyang cũng thể hiện các vân răm rất rõ. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người là khép khẩu độ có thể làm giảm mức độ flare hoặc không có ảnh hưởng thì thực tế mức độ flare của cả 3 ống này đều thay đổi khá rõ khi hạ khẩu độ xuống f/8. Thực tế thì khi dùng khẩu độ f/8, mối tương quan giữa Batis và Sony FE lại đảo ngược: Batis bị lóa nặng hơn và ghost nặng hơn, trong khi các hiện tượng này giảm rất nhiều với Sony FE. Hiện tượng vân răm với Samyang cũng biến mất ở khẩu độ này, nhưng ghost lại bị nặng hơn (đa giác màu tím gần tâm hình).

Trong test cuối cùng, ảnh được chụp với nguồn sáng lệch lên phía trên mép hình để ánh sáng tạo thành một góc khá nhỏ trên bề mặt lens so với các test trước. Với khẩu độ mở lớn nhất, lúc này các bạn có thể thấy lợi thế rất rõ ràng của lớp tráng phủ T* khi ảnh chụp bằng Batis giữ được độ tương phản, màu sắc của chi tiết gần nguồn sáng tốt hơn hẳn 2 ống kính còn lại. Samyang thể hiện là ống kính có lớp tráng phủ kém nhất, tuy nhiên hiệu ứng này nhiều khi lại được tìm kiếm để tạo chất riêng cho tấm ảnh hoặc thêm hiệu ứng film cho khung hình.

Sắc sai (hay còn hay được gọi chung là viền tím) là hiện tượng các bước sóng khác nhau không hội tụ trên cùng một mặt phẳng, tạo ra các chi tiết hay mảng màu khác với mắt thường nhìn thấy, trong đó màu tím là màu rất phổ biến nên nó gắn liền với hiện tượng này. Có hai loại sắc sai chính là sắc sai trục ngang (lateral chromatic aberration - LaCA) và sắc sai trục dọc (longitudinal chromatic aberration - LoCA), trong đó LaCA xuất hiện trong mặt phẳng nét và tạo các chi tiết màu "lạ" ở viền của chi tiết nét, còn LoCA xuất hiện thành mảng màu ở trước và sau mặt phẳng nét (với hai màu khác nhau). Cả hai ống kính này đều kiểm soát LaCA tốt nhưng LoCA thì các bạn vẫn có thể nhận ra ở phía trước và sau vị trí lấy nét, nhất là khi mở khẩu độ lớn.

SẮC SAI TRỤC NGANG LATERAL CHROMATIC ABERRATION

Việc kiểm soát sắc sai LaCA là một lợi thế khá rõ ràng của Batis 85mm. Ngay từ f/1.8 gần như bạn không thể phát hiện ra "viền tím" trong ảnh chụp bằng Batis, nhưng vẫn có thể thấy chi tiết ánh lên màu tím khá rõ với ảnh chụp bằng Sony FE 85mm, và nhất là với ảnh chụp bằng Samyang 85mm. Phải hạ khẩu độ thêm gần 3 stop thì mức độ sắc sai LaCA của Sony FE mới bằng Batis, còn Samyang thì kém hơn Batis gần 4 stop. Ở f/5.6 thì bạn sẽ không còn tìm thấy viền tím với ảnh chụp từ bất kỳ lens nào trong số 3 lens được so sánh.

SẮC SAI TRỤC DỌC LONGITUDINAL CHROMATIC ABERRATION

Một cách kiểm tra LoCA rất kinh điển là chụp chéo mặt một tờ giấy có nhiều chữ, do sai khác màu sắc phía trước và sau vùng nét có thể thấy rõ trên các chi tiết đen và nền trắng của tờ giấy.

Mức độ sắc sai LoCA của Samyang khá tệ so với 2 ống kính AF, còn Sony FE thì chỉ hơi kém hơn Batis 85mm ở tiêu chí này. Cả hai ống kính AF đều không còn LoCA ở f/4 và với Samyang là T5.6. Xét chung quy thì Batis 85mm là ống kính tốt nhất ở khả năng kiểm soát sắc sai / viền tím.

Khi xét tới đặc điểm của bokeh, có hai yếu tố chúng ta cần quan tâm là mức độ mịn của vùng ngoài nét (out of focus area) và dạng bóng bokeh. Hình dạng bóng bokeh là hệ quả của hiện tượng "mechanical vignetting" (tối góc cơ học), do góc của ánh sáng tới lỗ khẩu của ống kính khác nhau từ những vị trí khác nhau trên hình, làm một phần của bóng bokeh có thể mất ở những vị trí sát góc/rìa hình, tạo dạng bóng bokeh không hoàn toàn tròn.

Là một ống kính tương đương f/1.4, rõ ràng Samyang 85mm có lợi thế hơn 2 ống kính còn lại ở đặc điểm bokeh với bóng bokeh lớn hơn ở cùng một khoảng cách chụp và bokeh có hiệu ứng "xóa phông" nhỉnh hơn.

Tuy vậy, khi nhìn kỹ 3 hình trên, ngoài việc bóng bokeh lớn hơn thì chắc hẳn các bạn đều thấy là bóng bokeh của Samyang có viền rõ hơn và chịu ảnh hưởng của sắc sai (viền màu xanh), cộng với mức độ mịn của vùng hậu cảnh cũng chỉ nhỉnh hơn 2 ống kính còn lại. Khi so sánh Batis và Sony FE, chất lượng bokeh của hai ống này gần như giống hệt nhau.

Samyang 85mm cũng không phải ống kính có bokeh đẹp khi hạ khẩu, do thiết kế lá khẩu không thực sự tốt nên chỉ cần hạ khẩu xuống một chút các bạn có thể thấy ngay viền răng cưa do các lá khẩu không hoàn toàn khít cạnh với nhau.

Khi phân tích kỹ bóng bokeh, các bạn có thể nhìn rõ sự khác biệt về chất lượng viền bokeh của ba ống kính, trong đó Batis nhỉnh hơn 2 ống kính còn lại do viền bokeh mịn hơn và không bị sắc sai. Bóng bokeh của Samyang và Batis có dấu hiệu của "vân hành" nhưng rất ít, gần như không quan sát được trong điều kiện chụp thông thường. Như vậy, về chất lượng bokeh, Batis có phần tốt hơn 2 ống kính còn lại.

Để tìm hiểu về hiệu ứng tia của ống kính, mời các bạn đọc trong bài hướng dẫn của Vsion .

Trong hình dưới các bạn có thể thấy là 2 ống kính AF có hiệu ứng tia rất tệ so với Samyang. Mặc dù Samyang chỉ tạo tia 8 cánh, nhưng ngay từ T5.6 chúng ta đã quan sát thấy tia và các cánh tia rất đều, gọn. Hai ống kính AF phải tới f/16 mới nhận ra được các tia, nhưng cũng không đều nhau và có nhiều tia phụ. Đặc biệt là trong loạt hình này các bạn có thể nhận ra hiện tượng ghost được nhắc tới ở phần trên của đánh giá trở nên ngày càng rõ khi hạ khẩu ống kính. Ở các khẩu độ nhỏ, Batis thậm chí bị ghost còn khó chịu hơn Sony FE, còn Samyang gần như không bị ghost.

Đây là tiêu chí mà Samyang có lợi thế hoàn toàn do đây là một ống kính cine. Mặc dù không đạt đến độ chuẩn của các ống kính cine đắt tiền là không bị "thở" (breathing), nhưng Samyang cũng duy trì được 92% góc nhìn khi thay đổi điểm nét từ vô cực tới gần nhất, trong khi 2 ống kính AF chỉ giữ được 79 - 81%. Nếu bạn sử dụng Batis hoặc Sony AF để quay phim, nên hạn chế việc thường xuyên thay đổi vị trí lấy nét xa - gần.

Giữa hai ống kính AF là Batis và Sony FE, khả năng lấy nét trên A7III là rất giống nhau. Cả hai ống kính đều khóa nét nhanh và không gặp vấn đề lớn khi thay đổi khoảng cách lấy nét xa - gần. Tuy nhiên thi thoảng Batis bị chậm lại khi chuyển nét tới vị trí gần ống kính nhất, trong khi mình không gặp vấn đề gì với ống kính FE. Các bạn có thể xem minh họa cho khả năng lấy nét của hai ống kính này trong video dưới do mình thực hiện.

Video so sánh khả năng AF của Batis và Sony FE 85mm f/1.8 trên A7 mark III

Các bạn có thể click vào các link bên dưới để xem ảnh chất lượng cao trên Flickr. Ảnh trên Flickr có màu sắc gần với ảnh các bạn xem trên máy tính hơn và các bạn có thể kiểm tra thông số hình trực tiếp trong phần thông tin của ảnh. Các bạn có thể theo dõi album ảnh trên Flickr để tham khảo thêm nhiều ảnh chụp thực tế khác sẽ được upload lên.

Album ảnh chụp bằng Sony FE 85mm f/1.8: [link]

Album ảnh chụp bằng Batis 85mm f/1.8: [link]

Tổng hợp từ các kết quả so sánh ở trên chúng ta có thể thấy ưu nhược điểm của các ống kính như sau:

Batis 85mm f/1.8

Những ưu điểm chính về mặt quang học của Batis 85mm so với Sony FE 85mm là độ nét ở khẩu lớn nhất tốt hơn ở tâm hình, ít sắc sai hơn, chịu flare tốt hơn, bokeh mịn hơn. Tuy nhiên tất cả những lợi thế này phần lớn chỉ hơn ống kính Sony một chút mà trong nhiều trường hợp bạn khó có thể nhận ra. Có lẽ khác biệt lớn nhất là khả năng chịu flare khi nguồn sáng ở xa phía góc, rìa hình, do chất lượng lớp tráng phủ T* có lẽ đạt hiệu quả cao ở những góc xiên. Mặc dù vậy, khi khép khẩu thì một số lợi thế của ống kính này lại biến mất, ví dụ như độ nét có phần còn kém hơn ống kính Sony và ghost ngày càng nặng ở khẩu độ nhỏ. Mức giá chênh lệch lớn giữa Batis và Sony FE có thể hiểu là tổng hợp của những lợi thế trên, cùng thiết kế bên ngoài và chức năng đèn OLED (dù thực sự nó không phải là cần thiết lắm, thậm chí lâu lâu còn quên mất), đặc biệt là khả năng chống rung trên thân ống kính. Trong thời gian sử dụng, mình không thấy lợi thế của chống rung trên ống kính của Batis so với chống rung trên máy khi dùng các máy ảnh full frame có chống rung của Sony. Trừ khi bạn sử dụng máy ảnh crop mà không phải A6500, hoặc sử dụng A7 đời đầu thì đây cũng không phải yếu tố bạn cần phải quan tâm.

Sony FE 85mm f/1.8

So với Batis 85mm, ưu điểm chính của Sony FE là mức độ tối góc ít hơn, độ nét tâm hình nhỉnh hơn ở khẩu độ nhỏ, mức méo hình thấp hơn, gọn nhẹ hơn, có nút Focus hold và khả năng dễ dàng chuyển chế độ AF/MF qua nút trên thân lens. Đây cũng là ống kính thân thiện hơn với chức năng lấy nét tay khi bạn cần. Quan trọng nhất đó là giá tiền. Với mức giá chỉ khoảng bằng một nửa Batis, bạn có thể đạt chất lượng quang học tới 90%, thậm chí nhỉnh hơn ở một vài tiêu chí, và chuyện chống rung không quan trọng nếu máy của bạn đã có chống rung. Xét về hiệu năng so với giá thành, Sony FE 85mm thực sự là ống kính đáng giá và mình cũng không ngạc nhiên khi thấy nhiều người dùng quyết định chọn Sony FE 85mm hơn. Nếu bạn dư dả hơn về tài chính và cầu toàn hơn chút về chất lượng quang học thì bạn nên đầu tư cho Batis 85mm.

Samyang 85mm T1.5 cine

Là ống kính MF duy nhất trong đánh giá này, lại không có mấy lợi thế về mặt quang học (độ nét kém hơn, viền tím nặng hơn, yêu cầu kỹ năng lấy nét cao hơn...) nhưng Samyang 85mm T1.5 cine vẫn là một ống kính tốt trong nhóm phân khúc của nó: ống kính dùng để quay phim và chụp chân dung giá rẻ. Độ nét của Samyang 85mm mặc dù không thể so được với hai ống kính AF, nhưng độ nét này trong thực tế vẫn hoàn toàn có thể sử dụng trong chụp chân dung, và quan trọng hơn độ nét không phải là tất cả trong nhiếp ảnh. Những yếu điểm về mặt quang học của Samyang, đặc biệt là hiệu ứng flare có thể được sử dụng thông minh trong các khung hình tạo cảm xúc vốn được ưa chuộng trong quay phim. Đây cũng là ống kính có mức độ thở thấp nhất trong 3 ống kính, và với giá trên thị trường đồ cũ chỉ trong khoảng 4-5 triệu đồng, bạn hoàn toàn có thể có những shot hình "xóa phông" với DOF mỏng mà không phải đầu tư quá nhiều tiền.


Hy vọng sau bài viết này bạn có thể cân đong được chính xác từng ống kính theo nhu cầu của bản thân và có được lựa chọn tốt nhất cho mình. Xin cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết.

Rất cám ơn DOF.zone đã tài trợ thiết bị để Vsion thực hiện bài viết này.

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: