Blog Post

Vsion lens battle - Sony SEL 50mm f/1.8 vs FE 55mm f/1.8 vs Canon FD 50mm f/1.2 L

Dec 23, 2016

Việc lựa chọn một ống kính 50mm phù hợp với chiếc máy ảnh thường là vấn đề mà phần lớn người chụp máy ảnh đều phải đau đầu lựa chọn khi mới bắt đầu chụp, nhất là khi chúng ta đang có rất nhiều lựa chọn. Hôm nay Vsion sẽ tiến hành một bài so sánh 3 ống kính trong khoảng tiêu cự 50-55mm: Sony SEL 50mm f/1.8 OSS (SEL 50), Sony ZA FE 55mm f/1.8 T* (FE 55) và Canon FD 50mm f/1.2 L (FD 50L), trong đó có ống SEL 50 là ống duy nhất chỉ dùng được trên máy ảnh crop APS-C ngàm E của Sony như NEX, A6000, A5100... và FD 50L là ống kính lấy nét bằng tay (MF) duy nhất, vốn được dùng cho máy film 35mm của Canon, nay có thể dùng trên máy không gương lật qua ngàm chuyển.

Mặc dù SEL 50 dùng trên máy có cảm biến APS-C sẽ cho tiêu cự tương đương 75mm song khá nhiều người luôn đưa ra câu hỏi là nên mua SEL 50 hay FE 55 cho máy ảnh APS-C của mình và không biết hiệu năng sử dụng 2 ống kính này trên máy crop như thế nào. Chính vì thế, đây sẽ là 2 ống kính Vsion so sánh chính trên máy APS-C (A6300).

Bên cạnh đó, ống kính FE 55 vốn nổi tiếng với người dùng Sony do nó là sản phẩm hợp tác của Sony và Zeiss nên đạt chất lượng rất tốt. Trong bài so sánh này, Vsion sẽ so sánh chủ yếu ống kính này với Canon FD 50L trên máy ảnh full frame (A7ii) để thấy sự khác biệt giữa 2 ống kính được sản xuất cách nhau gần 35 năm như thế nào và ống kính cổ có còn khả năng dùng trên các máy kỹ thuật số mới hay không.

TỔNG QUAN THÔNG SỐ

Tên ống kính FD 50mm f/1.2 L FE Planar T* 50mm f/1.4 ZA
SEL 50mm f/1.8 OSS
Hãng sản xuất Canon Sony (ống Planar do hợp tác cùng Zeiss)
Năm sản xuất 1980 2014 2011
Hệ máy Full frame APS-C (crop 1.5x)
AF/MF MF AF
Chống rung Không có Có (2-3 stop)
Khẩu độ max-min f/1.2 - f/16 f/1.8 - f/22
Vòng lấy nét Cơ học Điều khiển điện tử (fly-by-wire)
Vòng khẩu độ Không có
Thiết kế thấu kính 8 thấu kính / 6 nhóm 7 thấu kính / 5 nhóm 9 thấu kính / 8 nhóm
Thấu kính đặc biệt 1 APSH, floating design 3 ASPH Không có
Tráng phủ Canon Super Spectra Coating (S.S.C.) Carl Zeiss T* Sony Nano coating
Số lá khẩu 8 lá khẩu 9 lá khẩu 7 lá khẩu
Lấy nét gần nhất 50mm 39mm
Chiều dài 50.5mm 70.5mm 62mm
Cân nặng 394g 281g 202g
Đường kính filter 52mm 49mm
Giá bán $500-700 $900 (mới) $298 (mới)
Độ hiếm Rất hiếm Phổ biến

Mặc dù là ống kính f/1.2, nghĩa là có khẩu lớn hơn 2 ống kính f/1.8 tận 1 stop nhưng FD 50L lại là ống kính có kích thước nhỏ nhất, ngoại trừ thấu kính trước lớn hơn (52mm so với 49mm) và khối lượng nặng hơn. Tuy nhiên, do là ống kính ngàm FD nên muốn dùng FD 50L trên máy Sony ngàm E thì chúng ta cần thêm một ngàm chuyển FD - E mount làm cả ống kính và ngàm có chiều dài lớn nhất trong cả 3 ống kính. Mặc dù vậy, so với chênh lệch thông thường 1 stop, FD 50L vẫn là một ống kính rất gọn nhẹ.

Trong khi FD 50L được thiết kế theo phong cách ống kính cơ học 100% để dùng cho máy phim với vòng khẩu, vòng lấy nét cơ học ngay trên thân ống kính thì 2 ống kính Sony là hai ống kính điện tử được điều khiển bằng tín hiệu điện, thậm chí ngay cả vòng lấy nét. Điều này có nghĩa là khi vặn vòng lấy nét ở chế độ MF, một số máy Sony ngàm E sẽ tự động zoom lên vùng lấy nét và có một độ trễ nhất định từ lúc xoay nét tới khi ống kính thực sự dịch chuyển. Khẩu độ trên 2 ống ngàm E này cũng được chỉnh trực tiếp trên máy ảnh.

Chúng ta hãy bắt đầu so sánh từ các yếu tố chất lượng ảnh quan trọng nhất.

1. ĐỘ NÉT TRUNG TÂM

SEL 50 vs FE 55 trên A6300

Hai hình so sánh ở dưới cùng được chụp trên máy A6300 ở cùng điều kiện khẩu độ (f/1.8), tốc độ, ISO và cân bằng trắng tự động. Phần trung tâm của ảnh được phóng to để chúng ta có thể đánh giá sự sai khác ở khẩu f/1.8. Các bạn có thể thấy ở phần trung tâm hình, sự khác biệt về độ nét là gần như không có, rất khó có thể phân biệt được ảnh nào chụp bằng ống kính nào. Tuy nhiên, nhìn cả hình lớn chúng ta có thể thấy màu của 2 ảnh khác nhau: FE 55 tạo tông màu ngả xanh lá cây còn SEL 50 cho ra tông màu nâu hồng với độ tương phản toàn ảnh thấp hơn một chút.

Độ nét thường được tăng lên bằng cách hạ khẩu độ nên mình so sánh khu vực trung tâm ảnh khi hạ khẩu độ từ f/1.8 xuống f/2 và f/2.8. Mình không hạ nữa vì tới f/2.8 là khẩu độ thường được sử dụng nhất.

Một ảnh so sánh nữa mình đã thực hiện vài tháng trước cho ra cùng một kết quả: độ nét của 2 ống kính này gần như là giống hệt nhau, tuy nhiên độ tương phản và độ sáng của ảnh chụp bằng FE 55 có phần tốt hơn.

FE 55 vs FD 50L trên A7ii

Hai hình so sánh ở dưới cùng được chụp trên máy A7ii ở cùng điều kiện khẩu độ (f/1.8), tốc độ, ISO và cân bằng trắng tự động. Các bạn có thể thấy ở khẩu độ này hai ống kính cũng có chất lượng ảnh ở trung tâm rất gần nhau. Nhìn vào ảnh lớn chúng ta có thể thấy FD 50L có tối góc rõ hơn nhiều FE 55 và bokeh ở dạng khép nhẹ nên bắt đầu xuất hiện hình lá khẩu chứ không tròn như bokeh của FE 55.

Còn đây là so sánh cả hai ống kính khi mở khẩu lớn nhất (tức là f/1.2 với ống FD L). Sự khác biệt về độ sắc nét ở trường hợp này rõ ràng hơn khi cả 2 ống chụp ở f/1.8 (có thể dự đoán được). Trong khi độ nét của FD 50L không bị giảm nhiều ở f/1.2, hiện tượng viền sáng và quang sai màu ở quanh chi tiết nét làm cảm nhận chung là ảnh tại f/1.2 mờ hơn. Ở khẩu lớn nhất, FD 50L bị tối góc nặng hơn hẳn ở f/1.8.

2. ĐỘ NÉT GẦN BIÊN

SEL 50 vs FE 55 trên A6300

Có một bất ngờ ở khu vực này khi ảnh chụp bằng SEL 50 có phần nhỉnh hơn, nhất là khi hạ khẩu xuống f/2.8. Độ nét ở khu vực này ở ảnh chụp bằng FE 55 không những hơi kém hơn mà quang sai màu cũng có thể thấy rõ hơn ảnh chụp bằng SEL 50. Có thể lý do vì SEL 50 được thiết kế để chụp trên máy APS-C nên phần rìa cũng được tối ưu hóa.

FE 55 vs FD 50L trên A7ii

Trong trường hợp này, mặc dù FE 55 có phần nhỉnh hơn FD 50L nhưng nhìn chung độ nét của 2 ống kính này ở sát biên không cao và chênh lệch không nhiều với 2 kiểu quang sai màu khác nhau. Với 3 kính phi cầu, FE đáng lẽ sẽ có chất lượng được cải thiện hơn so với FD 50L (chỉ có 1 kính phi cầu) nhưng thực tế không phải vậy.

3. SẮC SAI VÀ CHỐNG LÓA (FLARE) KHI CHỤP NGƯỢC SÁNG

Để ý ở các ảnh trên, chúng ta có thể thấy là mức độ quang sai màu của cả 3 ống kính ở f/1.8 đều khá thấp, phải zoom lớn hình mới quan sát được. Lỗi này của ống kính thường thể hiện rõ khi chụp ngược sáng, phần viền tương phản cao của chi tiết có thể có màu xanh, tím và khả năng chống lóa thấp sẽ làm giảm độ tương phản của ảnh. Mặc dù sai khác không nhiều nhưng FE 55 là ống kính bị quang sai màu nặng nhất trong khi 2 ống kính còn lại có mức độ khá giống nhau. Đặc biệt với FD 50L, nếu tăng khẩu lênh f/1.2 thì quang sai màu (viền tím) sẽ bị khá nặng. Nhìn chung, khi chụp ngược sáng thì cả 3 ống kính đều chịu flare khá tốt (trong đó FE 55 có phần nhỉnh hơn ở độ tương phản) và màu đặc trưng của 3 ống kính ở điều kiện này khác nhau khá rõ: FE 55 có màu xanh-vàng rõ hơn trong khi FD 50L có xu hướng hồng và màu của SEL 50 nằm ở giữa.

4. CHẤT LƯỢNG BOKEH

Nếu so ở f/1.8 thì FD 50L có phần thiệt vì bokeh không còn tròn như khi mở khẩu hết cỡ nên chúng ta sẽ so bokeh của 3 ống kính ở f/1.8 với 2 ống kính Sony và f/1.2 với ống kính Canon. Có thể nhận thấy bokeh của cả SEL 50 và FE 55 không hoàn toàn tròn mặc dù đang ở khẩu lớn nhất (hoặc cũng có thể đây là lỗi của ống kính mình đang dùng) và bokeh của ống FD dạng hình thoi và mắt mèo (bokeh điển hình của ống kính khẩu lớn). Để ý kỹ bạn sẽ thấy ống FE 55 bị hiện tượng vân hành (onion) khá rõ. Hiện tượng vân hành này là hệ quả của công nghệ chế tạo thấu kính phi cầu ASPH và cũng dễ hiểu khi FE 55 là ống kính dùng tới tận 3 thấu kính phi cầu nên chúng ta có thể thấy hiện tượng này rõ nhất. Trong một số trường hợp, FD 50L cũng bị hiện tượng này nhưng rất khó nhận ra.

KẾT LUẬN TỔNG QUÁT

3 ống kính Vsion so sánh hôm nay thuộc 3 phân khúc giá khá nhau và dùng cho nhu cầu sử dụng khác nhau: SEL 50 dùng cho máy APS-C, FE 55 dùng cho máy full frame, FD 50L dùng cho máy full frame để đạt độ sâu trường ảnh DOF mỏng nhất do có khẩu lớn nhất là f/1.2.

Với máy APS-C, trong khi SEL 50 có giá chỉ bằng 1/3 FE 55, chất lượng hình ảnh của ống kính này gần như là tương đương, thậm chí nhỉnh hơn ở khả năng khử quang sai màu, độ nét ở vùng biên và chất lượng bokeh, ngoài ra là khả năng chống rung có thể bù được 2-3 stop ánh sáng cũng là một lọi thế lớn bị mất nếu bạn dùng FE 55 trên các máy này.

Nếu bạn thích tông màu hơi ngả xanh của lớp tráng T* và không ngại bokeh hành hay chỉ sử dụng máy APS-C một thời gian trước khi chuyển lên máy full frame, có thể bạn sẽ cân nhắc FE 55 để sau này không cần phải đổi cả ống kính, còn khi bạn đã có máy full frame thì FE 55 vẫn đang là lựa chọn tốt nhất cho ống 50mm AF bạn có thể dùng.

Nếu bạn đang dùng máy full frame và có khả năng lấy nét bằng tay tốt, FD L vẫn là một lựa chọn thay thế cho FE 55 tốt (nếu bạn may mắn tìm được), không những chỉ vì lợi thế giá cả mà còn là 1 stop ánh sáng, bokeh đẹp hơn, DOF mỏng hơn, với vòng khẩu, vòng lấy nét cơ học rất có cảm giác khi chụp. Các bạn cần lưu ý rằng, khác với các ống kính hiện đại đang sản xuất, các ống kính cũ có giá trị như FD L sẽ có giá trị hơn về lâu dài vì chúng không sử dụng điện (cũng có nghĩa là rất khó hỏng so với các ống AF hiện đại) và không mất giá, thậm chí ngày càng đắt đỏ. Nếu bạn thích quay phim thì đây cũng là một lựa chọn tốt và phù hợp hơn với nhu cầu của bạn. Mặc dù có vài lựa chọn ống kính AF 50mm f/1.2 nhưng phần lớn các ống kính sau này đều thiên về chạy đua khả năng phân giải và giảm thiểu lỗi ống kính nên thiết kế ống kính rất to, sẽ bất lợi khi bạn cầng mang theo người đi xa.

Có một điều lưu ý là nếu bạn đang dùng ngàm Techart Pro để biến ống kính MF thành AF trên máy Sony E thì ống kính FD 50L lại không phải lựa chọn tốt do khả năng cao bị mất độ phân giải nếu phải di chuyển ống kính một khoảng lớn so với cảm biến như mình đã đề cập tới trong bài hướng dẫn sử dụng Techart Pro. Ngoài ra có vài lựa chọn ống kính MF 50mm f/1.2 nữa cũng tốt mình sẽ đề cập tới sau khi có điều kiện so sánh trực tiếp.

Sau khi đã xem xong bài so sánh này, bạn có thể nhận được ảnh bên trái và ảnh bên phải được chụp bằng ống kính nào không (FE 55 hay FD 50L)? Sau khi xem xong ảnh sample, bạn có thể tìm thấy câu trả lời ở cuối bài.

Dưới đây là một số ảnh mình chụp bằng 3 ống kính này:

Ảnh chụp bằng SEL 50mm f/1.8 OSS trên NEX-6

Ảnh chụp bằng FE Sonnar T* 55mm f/1.8 trên A7ii

Ảnh chụp bằng FD 50mm f/1.2L trên A7ii

Đáp án cho câu hỏi ở trên: hình số 1 là ảnh chụp bằng FE 55 còn hình số 2 là ảnh chụp bằng FD 50L. Hai ảnh chụp ở cùng khẩu độ nhưng ở vùng trung tâm ảnh khi có nhiều chi tiết tương phản cao, ảnh chụp bằng ống FD bị viền tím còn ảnh chụp bằng FE 55 có viền mầu nâu và giữ được chi tiết tốt hơn.

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng lại trên các trang web và ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: