Blog Post

Màu ảnh của hãng nào đẹp nhất?

Mar 22, 2019

Trong khi giai đoạn "đọ pixel", "đọ nét" vẫn chưa qua thì hiện nay một tiêu chí dường như rất quan trọng đối với người dùng máy ảnh để chọn chiếc máy ảnh phù hợp với mình là "đọ màu ảnh". Màu ảnh được hiểu là màu bạn nhìn thấy trực tiếp trên máy ảnh ngay sau khi chụp mà không có can thiệp hậu kỳ. Vsion đã từng có một bài viết so sánh vui giữa màu ảnh SOOC (straight out of camera - ảnh lấy trực tiếp từ máy) của Canon, Sony, Leica và nhiều bạn đọc đã không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy định kiến của mình về màu ảnh của từng dòng máy lại không đúng với thực tế.

Đẹp là một giá trị tương đối, hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người xem. Vì thế nên chúng ta cũng không có quy chuẩn nào để xác định màu nào là đẹp nhất ngoại trừ xác định tỷ lệ người dùng thích màu được tái tạo của một dòng máy ảnh nhất định.

Vlogger nhiếp ảnh khá có tiếng trên Youtube là Tony Northrup và vợ (Chelsea Northrup) đã thực hiện một khảo sát rất thú vị về đánh giá màu ảnh qua thăm dò ý kiến của hơn 1500 người. Đây là một số lượng lớn người tham gia khảo sát nên những kết quả thu được cũng có giá trị khoa học nhất định để đánh giá quan điểm về màu ảnh của người dùng. Chúng tôi sẽ tóm tắt những kết quả chính mà hai vợ chồng nhà Northup đã nhận được.

1. Hãng máy ảnh nào có màu ảnh đẹp nhất?

Câu hỏi đầu tiên nhà Northup đưa ra là theo quan điểm của người tham gia khảo sát thì hãng máy ảnh nào có màu ảnh đẹp nhất.

Có khoảng 1/3 số người tham gia (29,2%) trả lời rằng họ không biết hoặc không quan trọng vấn đề màu ảnh. Nếu bạn hỏi 3 người thì đã có 2 người coi màu ảnh là vấn đề quan trọng.

Cũng gần 1/3 số người dùng trả lời màu ảnh của Canon tốt nhất (28,6%). Sau đó là Fujifilm (15,4%) và Nikon (11,6%). Với thực tế Canon vẫn đang là hãng có số người dùng lớn nhất thì kết quả này không có điều gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, cũng khá ngạc nhiên là những hãng máy ảnh luôn tập trung vào vấn đề màu sắc của ảnh như Leica, Hasselblad lại gần như thấy xuất hiện trong các câu trả lời.

2. Trình độ chụp ảnh của người tham gia khảo sát

Khi phải tự đánh giá về khả năng chụp thì gần một nửa số người tham gia tự cho mình là ở mức khá thành thạo (intermediate), khoảng 1/4 cho rằng mình ở mức thành thạo (advanced), 18,5% cho rằng mình mới bắt đầu tìm hiểu nhiếp ảnh. Trong đó có rất ít người tự nhận mình là chuyên gia, hoặc không tự coi mình là người sử dụng máy thường xuyên. (Các bạn cũng lưu ý là trong tiếng Anh, nghĩa của photographer rộng hơn nghĩa nhiếp ảnh gia trong tiếng Việt, chỉ đơn thuần chỉ người sử dụng máy ảnh thường xuyên, còn nghĩa nhiếp ảnh gia tương đương với professional hoặc expert).

Như vậy là 2/3 số người tham gia khảo sát có mức kiến thức và kỹ năng nhiếp ảnh từ khá tới tốt.

3. Ảnh nào có màu đẹp nhất?

Đây là phần thú vị của khảo sát này không giống với các khảo sát khác, đó là việc kiểm tra mức độ trung thành với hãng máy ảnh của người dùng. Với câu hỏi đầu tiên nhà Northrup đưa ra, 4 ảnh chụp bằng 4 máy ảnh khác nhau được đánh số ngẫu nhiên từ 1 tới 4. Chỉ sau đó vài câu hỏi (test thứ hai), chính xác 4 bức ảnh đầu tiên được đưa ra hỏi lại nhưng thay đổi thứ tự và gắn mác ngẫu nhiên với tên máy ảnh (không liên quan đến loại máy ảnh thực sự dùng để chụp).

Ý tưởng của khảo sát này là để trả lời cho câu hỏi: người dùng có thực sự khách quan khi đánh giá màu ảnh không, hay yếu tố ảnh chụp bằng hãng nào sẽ ảnh hưởng tới đánh giá?

4. Người dùng hãng nào trung thành nhất?

Khi so sánh tỷ lệ người dùng chọn hãng mình đang dùng tạo màu ảnh đẹp nhất (test thứ hai) thì kết quả cho thấy người dùng Canon và Sony trung thành với hãng của mình nhất, tương ứng với 3,1 lần và 2,2 lần khả năng người dùng Canon và Sony chọn ảnh có gắn mác Canon hay Sony là ảnh đẹp nhất. Với mức độ trung thành cao như thế này thì một yếu tố để mọi người khen ảnh của bạn là hãy giả vờ như nó được chụp bằng Canon hoặc Sony.

Người dùng Nikon và Fuji dường như không quan trọng hãng máy ảnh lắm khi câu trả lời của họ chỉ khoảng 1,5 lần và 1,4 lần có yếu tố máy ảnh họ đang dùng ảnh hưởng tới kết quả.

5. Tất cả mọi người đều không thích Fujifilm

Đây là kết quả rất ngạc nhiên khi Fujifilm luôn nhấn mạnh việc làm màu ảnh đẹp ngay từ trong máy, nhưng khi gắn mác một tấm ảnh là chụp bằng Fujifilm thì tức khắc phần lớn mọi người đều chọn đó là ảnh có màu xấu nhất, mặc dù trong test đầu tiên không có mác máy ảnh, nhiều người vẫn chọn tấm ảnh đó là ảnh được ưa thích nhất.

Dường như mọi người không thích tên hãng Fujifilm chứ bản thân màu ảnh của Fujifilm không phải là vấn đề.

6. Người dùng Fujifilm ghét Sony

Rất thú vị là trong test thứ hai, người dùng Fujifilm chỉ hạ thấp đánh giá ảnh khi thấy có mác Sony, trong khi họ không làm điều này với các hãng khác. Có vẻ như Sony và Fujifilm là cặp đối thủ mới trong thế giới mirrorless tương tự như Canon và Nikon trong thế giới DSLR.

7. Không có vấn đề gì với màu giả

Có thể bạn sẽ nghe thấy nhiều người nhấn mạnh vấn đề "màu trung thực" giống thực tế nhất, nhưng qua khảo sát thì phần lớn mọi người đều thích ảnh đã chỉnh màu nhiều, thậm chí khác hoàn toàn màu thực tế. Đây là lý do màu trên màn ảnh rộng luôn được xử lý nhưng người xem vẫn thấy thích. "Fake is OK", không quan trọng màu ảnh phải trung thực, người ta vẫn thích ảnh của bạn như thường.

8. Nhiều người có xu hướng thích màu ấm hơn

Trong số những ảnh Tony Northrup sử dụng thì anh nhận thấy trường hợp này rất thú vị. Tấm ảnh bên dưới chụp Nikon Z7 có màu hoàn toàn sai so với màu thực tế (quá ấm) nhưng lại được nhiều người đánh giá cao. Đây cũng là ảnh ấm nhất trong số các ảnh khảo sát, nên dường như nhiều người vẫn có xu hướng thích tông màu ấm khi chụp chân dung.

9. Màu ảnh cũng giống như rượu

Giống như người thưởng thức rượu, mỗi người đều có một quan điểm riêng thế nào là rượu ngon và có một "định kiến" nhất định về những loại rượu họ cho là ngon, nhưng rất nhiều người thưởng thức rượu khi trải qua blind test (không được biết mình thử rượu nào) thì thậm chí không phân biệt được rượu đắt và rẻ tiền. Đây là một hiện tượng tương tự như với màu ảnh có thể nhận thấy qua khảo sát này.

10. Màu đẹp chỉ là khái niệm tương đối

Một tấm ảnh Tony Northrup chụp con gái khi được hỏi thì mọi người đánh giá là tốt (good) nhưng ở câu hỏi sau khi đặt cạnh ảnh chụp bằng các máy ảnh khác thì nó lại trở thành xấu (bad). Như vậy quan niệm thế nào là đẹp nhiều khi bị ảnh hưởng bằng các so sánh trực tiếp với giá trị khác. Trong thực tế chúng ta chẳng bao giờ có thể cầm nhiều máy ảnh để chụp cùng một tấm ảnh và hỏi người khác chọn ảnh đẹp nhất cả.

11. Cân bằng trắng quan trọng hơn màu sắc

Cũng với cùng một tấm ảnh chụp con gái, nhà Northrup so sánh lựa chọn của người tham gia khảo sát giữa 2 nhóm ảnh, một là sử dụng cân bằng trắng tự động (bên trái), một là cân bằng trắng được điều chỉnh về cùng một giá trị trên cả 4 máy (bên phải). Kết quả nhận được là người xem có thể dễ dàng chọn được ảnh có màu đẹp hơn nếu dùng cân bằng trắng tự động, nhưng rất khó chọn ảnh nào là đẹp nhất khi cân bằng trắng được áp cùng một giá trị (không có ảnh nào có tỷ lệ người chọn cao hơn rõ ràng).

Nếu bạn tự ti là máy ảnh của bạn chụp ra màu không đẹp bằng các hãng khác thì hãy nhớ là cân bằng trắng trước khi chụp.

12. Chỉ 8% số người tham gia khảo sát không bị ảnh hưởng bởi tên hãng

Chỉ có khoảng 120 người tham gia khảo sát có lựa chọn trùng giữa 2 test, nghĩa là họ không bị yếu tố tên hãng ảnh hưởng tới quyết định của mình, và đây là một tỷ lệ rất thấp.

13. Sony có màu ảnh đẹp nhất

Đây là kết quả đáng ngạc nhiên nhất của khảo sát và Tony đã để dành nó đến phút cuối. Theo kết quả blind test của hơn 1500 người tham gia khảo sát thì ảnh chụp bằng Sony (A7Riii) có màu đẹp nhất (1.336 điểm), sau đó là Fujifilm (227 điểm), còn Nikon và Canon thậm chí còn bị chê là màu xấu (-518 điểm và -605 điểm). Đây là kết quả nhận được khi các ảnh trong câu hỏi được đánh số ngẫu nhiên và so sánh với nhãn hiệu thực sự của nó.

Trong cộng đồng người sử dụng máy ảnh, chắc hẳn bạn sẽ nghe không ít lời chê về màu của Sony như ám vàng, không trung thực, màu của Canon chụp người đẹp, màu Nikon trung thực, màu Fuji hoài cổ... nhưng khi không biết được ảnh chụp bằng hãng nào thì người dùng có xu hướng đánh giá màu của Sony là đẹp nhất. Mặc dù Fujifilm đứng ở vị trí thứ hai nhưng khoảng cách cũng khá lớn so với Sony.

Mặc dù đây là một khảo sát với số lượng lớn người dùng, nhưng phạm vi của khảo sát cũng chủ yếu là trong thị trường Mỹ, nên có thể kết quả này sẽ có phần không giống như ở Việt Nam hay các nước khác. Tuy vậy, những kết quả đánh giá mang tính khoa học này cho thấy vấn đề màu ảnh rất khó có câu trả lời chính xác và tâm lý người dùng là một yếu tố rất quan trọng: nhiều người có xu hướng thích một hãng nào đó, và khi họ đã thích thì ảnh chụp bằng máy đó sẽ thấy đẹp. Có lẽ đến lúc chúng ta nên để chuyện "màu ảnh" sang một bên và đặt lên bàn cân các yếu tố như khả năng tài chính, độ tiện dụng và hiệu năng sử dụng so với kỹ năng của người dùng trước khi quyết định một bộ thiết bị phù hợp với bản thân.

Các bạn có thể theo dõi toàn bộ nội dung video của nhà Northrup ở đây:

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox tổng hợp dựa trên công bố của Tony và Chelsea Northrup

Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: