Blog Post

Leica Q2 - Liệu có phải là một nâng cấp xứng đáng?

Mar 11, 2019

Vậy là sau gần 4 năm, kể từ tháng 6/2015, cho đến thời điểm hiện tại, bản nâng cấp của Leica Q mới được ra mắt. Chiếc Q2, cũng như các dòng máy khác của Leica, luôn có một khoảng thời gian nâng cấp từ 2-3 năm trở lên. Nhưng so với sự nâng cấp của Leica M, từ M9 lên M240 hay M10, với một chiếc máy "compact" như Leica Q, sự nâng cấp này có xứng đáng hay không?

Với người viết, sự ra đời của Q cực kỳ có ý nghĩa. Đặc biệt trên phương diện nếu như bạn mua Leica Q và coi nó là chiếc máy backup cho hệ thống Leica M tuyệt vời của mình. Nó bù đắp hoàn toàn tất cả các vấn đề mà Leica M còn thiếu. Một chiếc máy compact với ống kính 28mm f/1.7. Hệ thống autofocus, cơ chế lấy nét gần, gần hơn mức 0,7m hạn chế của Leica M. Và đặc biệt, là cái giá "quá rẻ" của nó. Bạn có một ống kính được gọi là Summilux, nhưng chỉ mua với cái giá của ống kính Summicron, lại còn được "tặng" thêm một body Leica có hệ thống lấy nét tự động. Một món hời thực sự!

Và có thể nói, chiếc Leica Q thực sự là một thành công của Leica. Vậy chiếc Q2, được cải tiến thêm ở những điểm nào? Người viết xin tóm tắt qua một chút những sự thay đổi:


  1. Cảm biến nâng cấp độ phân giải từ 24,2mp lên 47,3mp, và sử dụng chip xử lýMaestro II
  2. Nâng cấp EVF, vẫn giữ nguyên độ phân giải 3,68MP nhưng với tấm nền OLED thay vì LCOS, độ trễ giật được cải thiện và tỷ lệ phóng to cũng cao hơn 0,76x
  3. Sử dụng pin giống Leica SL, cho thời lượng tốt hơn
  4. Digital zoom thêm lựa chọn góc 75mm
  5. Nâng cấp hệ thống autofocus, nhanh hơn và nhiều điểm lấy nét hơn
  6. Tốc độ màn trập điện tử từ 1/16000 lên 1/40000
  7. Quay video 4K
  8. Thiết kế: nặng hơn và dày hơn một chút, điều này không đáng kể
  9. Chống chịu thời tiết
  10. Kết nối Bluetooth

Về mặt logic và sử dụng trên thực tế, bạn có thể thấy đó đều là những thay đổi đáng giá. Rất nhiều nâng cấp, tuy nhiên với người viết, trên quan điểm cá nhân, đây đều là những thay đổi đã được dự đoán từ trước, và nó thực sự là chưa đủ thuyết phục . Tóm gọn, Q2 vẫn là chiếc Q thời đầu tiên, chỉ đơn giản là độ phân giải cao hơn và lấy nét nhanh hơn thôi, chấm hết.

Xin nhắc lại, đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân, bạn có thể đồng tình hoặc không đồng tình với luận điểm này. Người viết xin giải thích lý do vì sao chiếc Q2 sẽ không phải là một nâng cấp đáng giá trong mắt bản thân và có thể là nhiều người khác nữa.

Có thể nói, trong thời đại ngày nay, những chiếc máy ảnh đã dần trở nên bão hòa về việc nâng cấp. Chiếc máy nào cũng có khả năng cho ra những bức ảnh đẹp và tuyệt hảo. Bạn cho rằng những nâng cấp như thế nào là đáng giá? Đã là nâng cấp, cải thiện thì đều là những thứ phải cân đong đo đếm được. Điều đó là chính xác. Độ phân giải cao hơn, tốc độ lấy nét nhanh hơn, đều là những cải tiến về mặt chức năng có thể cân đong đo đếm cả, và đem lại sự thoải mái và lựa chọn nhiều hơn. Nhưng hãy nhìn vào thực tế, những nâng cấp này có giúp bạn chụp ảnh đẹp hơn không, khi đa phần nhu cầu của đại đa số người chơi ngày nay là in ảnh khổ nhỏ và sử dụng để post lên những trang mạng xã hội?

Hãy cùng nhìn vào con số về độ phân giải của Q2 ở đây. Cảm biến 47,3MP, cho bạn crop về góc nhìn 35mm, 50mm và 75mm tương ứng với các file JPEG 30mp, 15mp và 6,6mp (xin nhắc lại là bạn chỉ có được file JPEG khi sử dụng chế độ crop 35-50-75, còn file RAW đương nhiên vẫn là của 28mm). Về cơ bản, bạn có một chiếc máy với ống kính 28mm và chụp ở độ phân giải cao 47,3MP và cho ra file RAW rất nặng ở 47,3MP. Đặc biệt khi sử dụng chế độ RAW không nén, file ảnh mà bạn phải xử lý trên máy tính có khi phải đến gần 100MB. Rất nhiều người mới chơi Leica và biết đến Leica Q dễ bị nhầm lẫn, là Q có khả năng chụp ở các góc như 35-50 và 75mm. Họ hiểu sai hoàn toàn về chiếc máy, một phần những người mua Leica "nhiều khi" cũng không phải là những người có thời gian tìm hiểu, và "đôi khi" là do chiến lược marketing của hãng không giải thích rõ ràng.

Digital zoom ở các tiêu cự khác nhau không giống như khi bạn chụp một chiếc máy ở các góc tiêu cự khác nhau. Khi bạn zoom vào và chụp 35mm hay 50mm trên Q2, bạn không có được một bức hình ở các góc 35mm và 50mm giống y hệt trên những chiếc máy fullframe thông thường khác, chỉ đơn giản là bạn vẫn đang chụp ở góc 28mm và bạn cắt crop hình ảnh lại cho nó vừa khuôn các tiêu cự 35-50-75mm mà thôi.

Điểm quan trọng hơn, khi bạn chụp ở crop 50mm, bạn không có được bức ảnh ở góc 50mm và khẩu độ f/1.7, nó vẫn là hiệu ứng của 28mm ở f/1.7 mà thôi. Đó là bản chất của Digital Zoom, bản chất của việc crop lại góc nhìn. Cũng như bản chất khi quy đổi từ cảm biến fullframe ra cảm biến crop APS-C vậy. Có lẽ gọi vui chiếc Q2 như thế này thì chuẩn hơn: "Q2 là một chiếc máy fullframe 28mm f/1.7, một chiếc máy crop 1,3x phân giải 30mp ống kính 35mm f/2.2, crop 1,8x phân giải 15mp ống kính 50mm f/3.1 và crop 2,7x phân giải 6,6mp ống kính 75mm f/4.5."

Thực lòng mà nói, người viết không đồng tình lắm với cách marketing và đánh mạnh vào chế độ Digital Zoom của máy. Đây là một chế độ có thì tiện nhưng bị thổi phồng quá đà, đặc biệt với những người không có khả năng hay thời gian để tìm hiểu về nhiếp ảnh. Với người viết, có lẽ nâng cấp cảm biến lên 47MP có tác dụng phần nhiều là để cho Digital Zoom, còn về chất lượng hình ảnh "trên thực tế sử dụng" sẽ không có nhiều. Với ai trân trọng góc 28mm, và coi Leica Q2 như đúng bản chất của nó, một chiếc máy fullframe góc 28mm, việc xử lý file RAW 47.3MP sẽ trở thành một gánh nặng, khi nhu cầu phần lớn là post lên Instagram hay Facebook.

Đa phần các bạn sẽ thấy các trang web nổi tiếng đều khen chiếc Q2. Không thể phủ nhận, mới hơn là mới hơn, có nâng cấp là có nâng cấp. Nhưng đối với người viết, về nhu cầu thực tế, nó không đủ hấp dẫn, nhất là khi so với chiếc Q ban đầu.

Chiếc Q version 1 với cảm biến 24MP thật sự có ý nghĩa hơn. Với thời đại ngày nay, 24MP là quá đủ với 90% người sử dụng. Và bạn cũng thấy, chiếc Leica M10 cũng không vượt quá con số 24. Leica Q với ống kính 28mm, một chiếc máy với thông số vừa đủ, đủ hấp dẫn, đủ nhanh, đủ công nghệ, không thừa không thiếu, nó khiến cho người chụp có thể tập trung vào nhiếp ảnh hơn là một chiếc máy với công nghệ quá cao đến mức thừa thãi. Chiếc Q ra đời dành cho những ai thực sự yêu thích, đam mê và hiểu được tiêu cự 28mm nó tuyệt vời đến như thế nào. Không chỉ là một tiêu cự đa dụng, mà còn là tiêu cự có thể cho ra những bức ảnh đầy kịch tính và ấn tượng nếu như biết sử dụng đúng cách, khi chụp chân dung, hay nhiếp ảnh đường phố. 28mm không dành cho việc Zoom thành 35-50 hay 75. 28mm là 28mm, không gì khác.

Một tiêu cự kinh điển dành cho nhiếp ảnh đường phố, một tiêu cự tuyệt vời cho documentary, streetlife, hay chân dung đặc tả. Quá nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới hiện nay sử dụng 28mm làm ống kính chính của mình.

28mm cũng là một tiêu cự đa dụng, để chụp phong cảnh, du lịch hay chân dung gia đình bạn bè người thân. Có lẽ nó là một lý do chính, một lý do không nhỏ để cho nhiều người yêu thích Leica Q. Tuy nhiên, khi bạn sử dụng vì những mục đích kể trên, 47MP liệu có cần thiết? Một chiếc máy compact, mục đích là mang đến sự tiện dụng, thuận tiện, vậy 47MP có thuận tiện để sử dụng hay không? Với cá nhân người viết, nó không "hợp lý".

Dù sao đi nữa, Leica cũng là một hãng máy ảnh nổi tiếng, và chưa có bất kỳ một sản phẩm nào mà họ cho ra mắt 10 năm gần đây nhận phải quá nhiều chỉ trích hay chê bai, hay đúng hơn, chỉ có khen, khen nữa và khen mãi. Việc ra đời và nâng cấp Q gần như là một việc bắt buộc phải thực hiện, và có thể thấy, họ đón nhận những đánh giá vô cùng tích cực, cho rằng chiếc Q2 là xứng đáng. Chỉ là trên quan điểm người viết, quan điểm cá nhân, một trong vô vàn những người dùng Q, nó không đủ thuyết phục mà thôi.

Có lẽ nên nhấn mạnh lại, người viết cực kỳ thích Leica Q, và cho rằng nó là một sản phẩm "không thể hoàn hảo hơn" từ Leica, cả trên phương diện nhiếp ảnh và cả chiến lược sản phẩm marketing của họ. Leica nổi tiếng vì ống kính nào, 35mm và 50mm, chắc chắn là như vậy. Một ống kính 28mm f/1.7, mức giá hợp lý, autofocus, macro, không động chạm vào 2 đứa con cưng của hãng, cũng như không ảnh hưởng đến dòng 28mm. Summicron 28mm thì rất gọn nhẹ, Summilux 28mm f/1.4 thì ở một phân khúc khác hoàn toàn. Phải nói Leica quá xuất sắc khi lựa chọn một chiếc compact góc 28mm như Q.

Nếu bạn thích Leica, và đặc biệt bạn thích 28mm; nếu như bạn muốn sử dụng Q làm một chiếc máy đa dụng, hay backup cho hệ Leica M, không gì tuyệt vời hơn bằng xách thêm trong túi một chiếc Q.

Q2 đã ra mắt, chắc chắn giá của Leica Q đời đầu sẽ giảm, và là thời điểm không thể thích hợp hơn với những ai đã và sắp có ý định sắm cho mình một chiếc Q để ôm ấp.

Nếu bạn có kinh phí, mua ngay Q2, còn nếu không, chiếc Q version 1 cũng sẽ là một người đồng hành cực kỳ lý tưởng với mức giá sẽ vô cùng hợp lý. Bản thân dòng Leica Q đã quá rẻ so với chất lượng nó mang lại. Nếu tính toán kỹ hơn với giá mua mới, nó chỉ bằng một nửa khi bạn mua một chiếc Leica M kèm ống Summicron 28mm ASPH. Quá hấp dẫn, phải không nào?

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được biên tập bởi P.N.
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: