Blog Post

So sánh Sony FE 28mm f/2 và Voigtlander 28mm f/2 Ultron

Nov 21, 2018

Đầu năm 2015, khi hệ mirrorless full frame của Sony cũng chỉ mới được trình làng hơn 1 năm thì việc giới thiệu các ống kính mirrorless full frame để làm phong phú hệ sinh thái ngàm FE trở nên rất quan trọng. Trong khi các ống kính khác Sony giới thiệu đều có mức giá khá cao (FE 35mm f/1.4, FE 90mm f/2.8 macro, FE 55mm f/1.8) thì sự xuất hiện của một ống kính tiêu cự ngắn, nhỏ gọn, giá cả vừa phải là một điểm nhấn quan trọng giúp người dùng dễ tiếp cận hơn với hệ máy này. Chính vì thế, sự ra đời của Sony FE 28mm f/2 là một mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển của hệ ngàm FE. Mình cũng đã có đánh giá ống kính này từ rất sớm, tuy nhiên chưa đánh giá được đầy đủ do không sử dụng máy ảnh full frame vào thời điểm đó, nhưng sau một thời gian dài sử dụng, mình quyết định thực hiện lại đánh giá với những nhận xét sau hơn 3 năm sử dụng. Đây là một ống kính nhận được nhiều nhận xét tốt và có mức giá hợp lý nên khá phổ biến, nhưng nhiều người cũng thắc mắc rằng ống kính có thực sự tốt, hay chất lượng ảnh đạt được chủ yếu do tích hợp khả năng xử lý của máy ảnh (profile correction). Chính vì thế nên trong bài viết này, chất lượng quang học của Sony FE 28mm sẽ được so sánh với Voigtlander 28mm f/2 - là một ống kính có tiêu cự, khẩu độ tương tự và vốn được đánh giá khá cao.

Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Các bạn có thể tham khảo các thông số so sánh giữa 2 ống kính này trong bảng tổng hợp sau.

Tên ống kính Sony FE 28mm f/2 Voigtlander 28mm f/2 Ultron
Hãng sản xuất Sony (Nhật Bản) Cosina Voigtlander (Nhật Bản)
Năm sản xuất 2015 2008
Hệ máy Full frame mirrorless Full frame range finder
Ngàm Sony FE (ngàm E full frame) Leica/Voigtlander M
AF/MF AF MF
Khẩu độ max-min f/2-f/22 f/2-f/22
Vòng lấy nét Điện tử (fly-by-wire) Cơ học
Vòng khẩu độ Không có (điều chỉnh qua body) Vòng cơ học (phía trước vòng lấy nét)
Thiết kế thấu kính 9 thấu kính / 8 nhóm 10 thấu kính / 8 nhóm
Thấu kính đặc biệt 3 Aspherical, 2 ED Không có
Tráng phủ Multi-coated Multi-coated
Số lá khẩu 9 lá khẩu cong 10 lá khẩu thẳng
Lấy nét gần nhất 29 cm 70 cm
Chiều dài 60 mm 51,2 mm
Cân nặng 200 g 243 g
Đường kính filter 49 mm 46 mm
Khả năng dùng filter tròn
Khả năng dùng filter sau Không
Giá bán (10/2017) $450 $600
Độ hiếm Phổ biến (đang sản xuất) Không phổ biến ở Việt Nam

Ống kính FE 28mm f/2 nằm trong phân khúc ống kính "bình dân" của hệ máy ảnh Sony mirrorless full frame (dưới phân khúc ống kính G và G Master) nên ngay từ thiết kế bên ngoài, các bạn cũng thấy ống kính được tối giản rất nhiều và sử dụng nguyên liệu plastic kết hợp với kim loại để giảm chi phí sản xuất. FE 28mm f/2 chỉ có duy nhất một phiên bản màu đen, sơn trên thân lens không bóng và không có bất cứ nút tùy chỉnh nào trên ống kính. Mặc dù phần lớn thân lens được làm bằng plastic nhưng vòng lấy nét và ngàm sử dụng kim loại. Vòng lấy nét có vân song song nhỏ để tăng độ bám tay khi xoay vòng. Đây là vòng lấy nét điều khiển điện tử (fly-by-wire), tức là thao tác xoay vòng lấy nét của bạn thực chất là ra lệnh cho thân máy điều khiển việc di chuyển thấu kính chứ không phải tác động vật lý trực tiếp từ vòng lấy nét lên các thấu kính. Điều này cũng có nghĩa là nếu không có nguồn điện (không cắm vào thân máy) hoặc ống kính hỏng hệ thống AF thì chức năng lấy nét tay đều không sử dụng được. Để chuyển vị trí lấy nét từ gần nhất tới xa vô cực, bạn cần xoay vòng lấy nét khoảng 270-280 độ (quãng đường khá lớn) và khi bạn xoay vòng nét ở chế độ MF trên thân máy, vị trí bạn đang để lấy nét sẽ được tự động phóng to giúp bạn lấy nét chuẩn hơn. Vì là vòng fly-by-wire nên khi không có nguồn điện, bạn có thể xoay không giới hạn, hoặc khi đang dùng trên máy ảnh thì bạn sẽ vẫn tiếp tục xoay vòng được tiếp mặc dù điểm lấy nét bị dừng lại ở giới hạn gần nhất và xa nhất. Lưu ý là khi bạn lấy nét xa, vị trí lấy nét sẽ dừng lại ở quá điểm vô cực một chút chứ không có "hard stop" dừng đúng tại điểm vô cực nên bạn cần kiểm tra kỹ trên màn hình hoặc ống ngắm trong trường hợp này. FE 28mm có thể sử dụng một trong hai bộ chuyển (converter) gắn trước để chuyển thành ống kính góc rộng hơn là 21mm, hoặc thành ống kính fisheye 16mm.

FE 28mm f/2 sử dụng chung đường kính filter 49mm như nhiều ống kính Sony mirrorless khác nên rất tiện dụng nếu bạn muốn dùng chung 1 filter cho nhiều lens. Ngoài ra, kích thước và trọng lượng ống kính này đều nhỏ nhẹ nên rất tiện lợi cho việc mang theo người khi đi xa. Hai điểm trừ lớn nhất mình không thích ở ống kính này là lớp sơn trên vòng lấy nét khá "mong manh" nên dễ bị trầy khi cọ xát trong lúc mang đi mang lại, còn ngoài ra phần nắp trước ống kính không thực sự chắc nên chỉ cần va chạm nhẹ là có thể rơi ra.

Voigtlander 28mm f/2 Ultron là một ống kính phục vụ cho thị trường rất khác so với FE 28mm f/2 vì nó là ống kính thuần lấy nét tay (MF) và sử dụng ngàm Leica/Voigtlander M (gọi là ngàm VM với ống Voigtlander). Được ra đời từ khá lâu so với ống kính Sony (trước 7 năm), Ultron định hướng cho người sử dụng máy ảnh rangefinder ngàm M có khoảng cách buồng tối khá ngắn (flange focal distance = 27,8 mm, so với Canon EF là 44 mm và Nikon F là 46,5 mm). Thêm nữa, là một ống kính góc rộng rangefinder, lại không sử dụng thiết kế phức tạp (hoàn toàn không có thấu kính đặc biệt) và không có motor lấy nét nên Ultron có lợi thế về kích thước so với FE 28mm. Do sử dụng kim loại hoàn toàn để làm ống kính nên Ultron mặc dù nhỏ hơn FE 28mm đáng kể, trọng lượng ống cũng chỉ nhẹ hơn FE 28mm là 43 g. Khi đối chiếu khả năng quang học với FE 28mm, mình sử dụng 2 ống kính trên cùng máy ảnh Sony A7 mark II nên Ultron 28mm cần ngàm chuyển (Metabones VM-E) và tổng trọng lượng ống kính và ngàm còn nặng hơn FE 28mm. Voigtlander 28mm được thiết kế với kiểu dáng rất đặc trưng của Cosina Voigtlander với vòng khẩu nằm ở phía trước và giữa thân ống kính có đường kính hơi nhỏ hơn hai đầu nên rất dễ nhận ra 2 vòng khẩu và vòng lấy nét mặc dù kích thước vòng khá nhỏ.

Ngoài khác biệt về thiết kế và vật liệu, nếu bạn quen với việc lấy nét tay, bạn sẽ thích vòng lấy nét của Voigtlander hơn hẳn FE 28mm, do đây là vòng lấy nét cơ hoàn toàn nên cảm giác của bạn sẽ rất khớp với chuyển động của thấu kính và việc lấy nét tay trở nên dễ dàng hơn. Để chuyển điểm lấy nét từ điểm gần nhất tới điểm vô cực, bạn cần xoay khoảng 100 độ, là quãng đường ngắn hơn khá nhiều FE 28mm nhưng bạn lại dễ lấy nét hơn do vòng lấy nét cơ. Bạn sẽ thấy vòng nét nặng tay hơn FE 28mm một chút nhưng cảm giác sẽ thật hơn. Ngoài ra, ống kính Voigtlander được thiết kế chính xác hơn nên vị trí điểm vô cực sẽ có hard stop, bạn sẽ dừng lại ở đúng vị trí vô cực và không thể vặn quá hai giới hạn gần nhất, xa nhất trên ống kính. Voigtlander 28mm có thể sử dụng filter tròn 46mm ở phía trước và có đi kèm một loa chắn sáng (hood) bằng kim loại. Các ghi chú trên thân ống kính được khắc và sơn, cũng như lớp sơn đen bên ngoài khó trầy xước hơn nên cảm nhận chung về chất lượng build của ống kính này hơn hẳng FE 28mm.

Để so sánh chất lượng quang học của 2 ống kính này, mình sử dụng tripod chắc để gá máy Sony A7ii lên, chụp cảnh so sánh từ cùng một vị trí, sử dụng ảnh RAW xuất ra JPEG qua CameraRAW của Photoshop để so sánh và không sử dụng filter, hood hay các chức năng can thiệp vào chất lượng ảnh như khử noise.

Hai ống kính này có đặc trưng tái tạo màu khá giống nhau. Voigtlander có xu hướng màu hơi ấm và ám màu xanh lục - vàng nhiều hơn ống kính Sony. Nhìn chung ảnh chụp bằng Sony FE 28mm thường có độ tương phản toàn ảnh tốt hơn với các mảng màu rõ ràng hơn Voigtlander một chút.

Mặc dù cùng là hai ống kính 28mm f/2 nhưng khoảng cách lấy nét gần nhất rất khác biệt giữa hai ống kính này. Trong khi FE 28mm có thể lấy nét gần tới mức 29 mm trước ống kính thì Voigtlander 28mm f/2 chỉ lấy nét được gần nhất là 70 mm. Chính điều này làm ảnh hưởng tới khả năng phóng đại chủ thể của hai ống kính này. Điều đặc biệt với FE 28mm f/2 là bạn sẽ lấy nét được gần thêm một chút (tỷ lệ phóng đại 0,16 x) nếu bạn lấy nét bằng tay (chế độ MF), còn nếu dùng AF thì bạn đạt được tỷ lệ phóng đại tối đa 0,13 x (phải lùi xa hơn một chút). Còn với Voigtlander, bạn chỉ có thể phóng đại khoảng 0,05 x. Ống kính Sony sẽ thích hợp hơn nếu bạn muốn chụp góc rộng kết hợp với chụp cận close-up.

So sánh độ nét của hai ống kính được thực hiện từ khoảng cách lấy nét gần (sát mức chụp gần nhất của Voigtlander) và khoảng cách lấy nét xa (tại vô cực).

Ở khoảng cách lấy nét gần , do độ sâu trường ảnh mỏng và khả năng cong trường ảnh cao nên việc so sánh độ nét trung tâm và rìa ảnh được thực hiện ở hai lần chụp riêng biệt, khi so sánh giữa ảnh thì lấy nét vào giữa ảnh, khi so sánh rìa ảnh thì lấy nét vào rìa ảnh. Nếu sử dụng 1 ảnh lấy nét vào giữa thì phần rìa ảnh có thể chi tiết không cùng một mặt phẳng nét nên việc so sánh có thể sẽ dẫn tới đánh giá sai.

Trong hai hình bên dưới, các bạn có thể thấy vị trí dùng để so sánh độ nét tâm hình và rìa hình trong ô vuông màu xanh.

Các bạn có thể thấy là cả hai ống kính có độ chênh lệch khá lớn về độ nét giữa vùng tâm hình và rìa hình. Nếu các bạn sử dụng khẩu độ lớn thì phần rìa hình kém nét hơn tâm hình khá nhiều, phải hạ khẩu xuống khoảng f/8 - f/11 chúng ta mới có chất lượng rìa hình gần bằng giữa hình.

Ở tất cả các khẩu độ dùng để so sánh, độ nét tâm hình của ảnh chụp bằng FE 28mm đều nhỉnh hơn Voigtlander một chút (nếu không zoom lớn bạn sẽ không nhận ra sự khác biệt), tuy nhiên khi hiện tượng nhiễu xạ bắt đầu ảnh hưởng từ khẩu độ nhỏ (f/16 trở đi) thì chất lượng ảnh chụp bằng FE 28mm bị giảm nhanh hơn Voigtlander. Vì thế nên nếu phải hạ khẩu sâu nhất có thể thì Voigtlander vẫn giữa được độ nét khá tốt.

Độ nét tâm hình của hai ống kính đều đạt mức tốt nhất trong khoảng f/5.6 - f/8.

So sánh độ nét ở khoảng cách lấy nét xa (vô cực): trong trường hợp này điểm nét giữa hình và rìa hình được dùng để so sánh đồng thời từ cùng 1 ảnh chụp do ảnh hưởng của độ cong trường nét không lớn như chụp ở khoảng cách gần.

Ở khoảng cách lấy nét xa, ống kính Sony có ưu thế về độ nét (từ tâm tới rìa) khá rõ ở ngay khẩu f/2. Cả hai ống kính đạt độ nét tâm hình tốt nhất ở khoảng f/8 - f/11, nhưng để đạt mức đồng đều nhất giữa tâm và rìa hình thì ống kính Sony cần hạ khẩu ít hơn khoảng 1 stop (khoảng tối ưu f/8 - f/11, còn Voigtlander có khoảng tối ưu f/11 - f/16). Từ f/16, ống Sony bị giảm chất lượng ảnh đáng kể do nhiễu xạ, nhưng ống Voigtlander bị ảnh hưởng ít hơn.

Do có lợi thế có thể sử dụng profile correction nên để xác định khả năng quang học của FE 28mm f/2, mình tắt chức năng sửa quang sai trên thân máy khi so sánh hai ống kính ở độ méo hình (distortion) và tối góc (vignette).

Khi không được sửa, ống kính FE 28mm thể hiện là một ống kính kém hơn ở khả năng kiểm soát méo hình. Mức độ méo thùng (barrel) của FE 28mm khá cao, có thể dễ dàng nhận thấy, trong khi ống Voigtlander có thể giữ được các đường ngang, dọc ở mức thẳng rất cao. Về độ tối góc thì Voiglander có mức tối góc nặng hơn (chênh khoảng 2-2,5 stop giữa vùng tâm hình và góc hình) so với FE 28mm chưa được sửa (chênh khoảng 1-1,5 stop).

Khi bật chức năng profile corrections (áp profile tự động) trong CameraRAW thì các bạn có thể thấy là ảnh chụp bằng FE 28mm gần như không méo và không bị tối góc (dù chụp ở f/2).

Điều tương tự các bạn cũng có thể làm với Voigtlander 28mm bằng cách chọn profile trong danh sách Profile corrections của CameraRAW (Voigtlander VM 28mm f/2 Ultron). Sau khi chọn profile này, các bạn cần kéo giảm thêm Vignetting (tối góc) ở bên dưới để đạt mức độ tối góc gần như bằng 0.

Và đây là kết quả sau khi chữa ảnh bằng profile corrections, giữa 2 hình không có sự khác biệt đáng kể nữa.

Bằng hai hình động dưới đây các bạn có thể hình dung mức tối góc thay đổi khi khẩu độ hạ dần. Với Voigtlander 28mm thì từ f/4 bạn sẽ không nhận thấy tối góc nữa, trong khi đó ống kính Sony hết tối góc từ f/2.8. Như vậy là FE 28mm khi không được sửa quang sai thì có khả năng kiểm soát méo hình kém hơn Voigtlander nhưng mức tối góc lại ít hơn.

Khả năng tự động sửa quang sai trên máy của FE 28mm làm thay đổi tính chất quang học của ống kính khá nhiều. Như trong ảnh bên dưới các bạn có thể nhận ra thay đổi trước và sau khi sử dụng profile corrections. Không những việc sửa quang sai làm bớt tối góc và ảnh thẳng hơn, nó còn "ép" ảnh xuống làm góc nhìn sau khi sửa hẹp hơn ban đầu một chút.

Trường nét của ống kính thường tạo ra một mặt phẳng cong chứ không phẳng hoàn toàn. Mức độ cong trường nét thay đổi tùy thuộc thiết kế của ống kính và nó ảnh hưởng rất nhiều tới sự đồng đều giữa độ nét ở các vùng của khung hình, nhất là giữa vùng tâm hình và góc / rìa hình. Để tái hiện hình ảnh của trường nét, phương pháp của mình là đặt máy ảnh sát với một mặt phẳng có nhiều chi tiết, sau đó cân bằng máy sao cho mặt dưới của máy gần như song song với mặt phẳng này, rồi lấy nét ở mức gần nhất có thể, mở khẩu lớn nhất. Với cách này thì vùng chuyển giữa điểm nét và điểm ngoài vùng nét có thể được quan sát. Bằng phương pháp xử lý tăng độ tương phản và chi tiết của hình, mình có thể nhận ra hình dáng của trường nét với từng ống kính.

Như kết quả ở dưới (khu vực trường nét được đánh dấu highlight), các bạn có thể thấy là ống kính Voigtlander có độ cong trường nét cao hơn Sony khá rõ. Không những thế, khả năng phân giải ở vùng rìa của Voigtlander bị giảm nhanh nên về hai phía của trường nét, càng ngày càng khó phân biệt điểm nào nét, điểm nào không. FE 28mm không hoàn hảo nhưng độ cong trường nét đỡ hơn và khả năng phân giải ở rìa ảnh tốt hơn Voigtlander khá rõ, như kết quả so sánh chúng ta đã có ở trên.

Đây là điều các bạn cần lưu ý khi sử dụng một trong hai ống kính này để chụp cảnh.

Flare là hiện tượng các chi tiết bị mờ và độ tương phản giảm ở những vùng gần nguồn sáng mạnh, còn ghost là hiện tượng các bóng màu xuất hiện khi chụp ngược sáng. Hai ống kính này đều có khả năng chịu flare khá tốt và rất hiếm khi mình quan sát thấy ghost xuất hiện. Nếu so sánh kỹ thì ống kính Voigtlander có khả năng chịu flare kém hơn Sony một chút như trong hình so sánh bên dưới. Khả năng chịu flare kém hơn của Voigtlander làm các chi tiết gần nguồn sáng mạnh bị ám màu vàng và giảm độ tương phản hơn so với ảnh chụp bằng ống kính Sony. Đây là khả năng quang học mà việc chỉnh profile trong máy không thể xử lý được.

Cho tới trước khi Sony giới thiệu cảm biến Back-illuminated sensor (BSI) ở máy ảnh A7Rii thì tất cả các máy ảnh mirrorless trước đó của Sony đều bị hiện tượng phản xạ bề mặt cảm biến (sensor reflection) ở các mức độ khác nhau. Trước cảm biến máy ảnh là một lớp kính, và do khoảng cách buồng tối ngắn nên các chùm sáng vẫn có thể phản xạ trên bề mặt lớp kính này, quay trở lại thấu kính sau và quay ngược trở lại cảm biến, tạo nên các hiệu ứng không mong muốn (artifact) như trong hình minh họa bên dưới các bạn có thể thấy các đốm màu ở sát nguồn sáng. Hiện tượng này thường chỉ xuất hiện khi các bạn khép khẩu độ để chụp ảnh lấy hiệu ứng tia, do góc tới lớn của nguồn sáng làm hiện tượng này trở nên dễ nhận ra. Các bạn lưu ý là hiện tượng phản xạ bề mặt cảm biến không phục thuộc ống kính mà phụ thuộc khẩu độ và vị trí của nguồn sáng. Như trong hai hình minh họa, cả hai ống kính đều hạn chế tối đa hiện tượng phản xạ khi nguồn sáng nằm ở giữa hình, nghĩa là ánh sáng đi tới cảm biến theo góc gần với 90 độ, còn khi nguồn sáng di chuyển sang hai phía thì càng di chuyển xa, các đốm màu càng dễ nhận thấy.

Sắc sai (hay còn hay được gọi chung là viền tím) là hiện tượng các bước sóng khác nhau không hội tụ trên cùng một mặt phẳng, tạo ra các chi tiết hay mảng màu khác với mắt thường nhìn thấy, trong đó màu tím là màu rất phổ biến nên nó gắn liền với hiện tượng này. Có hai loại sắc sai chính là sắc sai trục ngang (lateral chromatic aberration - LaCA) và sắc sai trục dọc (longitudinal chromatic aberration - LoCA), trong đó LaCA xuất hiện trong mặt phẳng nét và tạo các chi tiết màu "lạ" ở viền của chi tiết nét, còn LoCA xuất hiện thành mảng màu ở trước và sau mặt phẳng nét (với hai màu khác nhau). Cả hai ống kính này đều kiểm soát LaCA tốt nhưng LoCA thì các bạn vẫn có thể nhận ra ở phía trước và sau vị trí lấy nét, nhất là khi mở khẩu độ lớn.

Mức độ của sắc sai không cao nên trong trường hợp này mình phải zoom lớn vị trí vùng chuyển tiếp có độ tương phản cao (chụp ngược sáng bóng đèn) và so sánh ở các khẩu độ khác nhau. Bằng cách thay đổi vị trí điểm lấy nét vào đúng viền giữa 2 màu, sau đó thay đổi vị trí lấy nét đi quá hoặc lùi lại vị trí nét ban đầu, chúng ta có thể quan sát được sự hình thành của sắc sai ở phía trước và phía sau mặt phẳng nét (LoCA).

Chúng ta có thể thấy là hai ống kính này có đặc trưng màu của sắc sai khác nhau, trong khi Voigtlander tạo ra cặp màu vàng lục - xanh tím thì ống kính Sony có cặp màu sắc sai là nâu đỏ - xanh dương. Để tìm ra mức khẩu độ có thể triệt tiêu LoCA, mình hạ khẩu dần và so sánh mức độ màu ở vùng sau điểm nét. Voigtlander có mức sắc sai ít hơn ống kính Sony một chút, tuy nhiên cả hai ống kính cần hạ khẩu xuống f/5.6 để triệt tiêu hiện tượng này. Mặc dù xuất hiện ở khẩu độ lớn nhưng mức độ sắc sai không cao như hai ống kính trên thì bình thường các bạn cũng khó có thể nhận ra hoặc hoàn toàn có thể khắc phục bằng xử lý hậu kỳ.

Do có ưu thế về khả năng lấy nét gần nên Sony FE 28mm có thể chụp ra ảnh có bokeh mịn hơn Voigtlander khi lấy nét gần. Ở khoảng cách lấy nét gần nhất bạn có thể nhận thấy sự khác biệt rõ ràng của hai ống kính. Xét về bản chất bokeh thì bóng bokeh của FE 28mm khá tròn ở tâm hình (nhưng có thể không tròn hoàn hảo) và có dạng hình thoi (cat-eye) khi nằm ở sát rìa hình. Bóng bokeh của FE 28mm có hiện tượng vân hành khá rõ do sử dụng tới 3 thấu kính phi cầu thế hệ cũ trong thiết kế. Độ mịn bokeh của ống kính Sony cũng cao hơn Voigtlander một chút (bóng bokeh của Voigtlander có thể nhìn thấy viền rất rõ).

Để tìm hiểu về hiệu ứng tia của ống kính, mời các bạn đọc trong bài hướng dẫn của Vsion . Dựa theo cấu trúc lỗ khẩu thì Voigtlander là ống kính có ưu thế hơn về hiệu ứng tia do có lỗ khẩu nhỏ, lá khẩu thẳng, còn ống kính Sony sử dụng lá khẩu cong.

Thiết kế của ống kính Voigtlander có lá khẩu các bạn có thể nhìn thấy ngay cả khi chưa khép khẩu nên đây là ống kính đặc biệt có thể tạo hiệu ứng tia ngay từ khẩu lớn nhất (như hình dưới). Các ống kính Voigtlander rất đặc trưng ở đặc điểm này nên đây là lựa chọn rất tốt nếu bạn muốn tạo hiệu ứng sao đẹp. Từ f/2.8 bạn có thể thấy hiệu ứng tia 10 cánh đặc trưng của Voigtlander hiện ra rất rõ, còn ống kính của Sony phải tới f/8-f/11 mới rõ. Khi hạ khẩu xuống thì chất lượng tia được cải thiện, nhưng cả hai ống kính này đều không nên hạ khẩu xuống f/22 do chất lượng tia giảm rõ rệt khi hiện tượng nhiễu xạ đã ngoài tầm kiểm soát.

LƯU Ý! : Thực tế Sony có hai phiên bản của ống kính FE 28mm f/2. Phiên bản được review trong bài viết này là phiên bản cũ. Phiên bản mới hơn có thiết kế lá khẩu khác nên hiệu ứng tia được cải thiện hơn rất rõ rệt. Mời các bạn đọc chi tiết hơn trong bài viết sau .

Cả hai ống kính đều có hiện tượng "thở" (breathing) khá tệ khi thay đổi vị trí lấy nét, trong đó FE 28mm bị nặng hơn. Hiện tượng này làm góc nhìn thực tế của ống kính bị thay đổi giống như hiệu ứng zoom, không phải là đặc tính mong muốn nếu các bạn định sử dụng hai ống kính này cho quay phim. Nếu sử dụng cho quay phim thì tốt nhất các bạn nên hạn chế việc thay đổi vị trí focus xa gần đột ngột.

Trong bài so sánh này thì chỉ có ống kính Sony có khả năng lấy nét tự động. Trong trường hợp của ống kính Voigtlander, các bạn cũng có thể lấy nét tự động trên máy ảnh Sony mirrorless sử dụng ngàm chuyển TechartPro và tốc độ lấy nét với ống kính này cũng rất nhanh và chuẩn xác. Tuy nhiên việc sử dụng TechartPro không được khuyến khích để sử dụng cho các công việc quan trọng hoặc sử dụng liên tục trong thời gian dài do tính ổn định của ngàm này không cao.

Về khả năng lấy nét của Sony FE 28mm f/2 thì đây là một trong những ống kính lấy nét nhanh của hệ Sony FE, đặc biệt là với các máy ảnh mới như A7III thì bạn sẽ hoàn toàn hài lòng với tốc độ và sự chính xác của ống kính này. Trong suốt thời gian sử dụng FE 28mm với A7II, rất hiếm khi mình gặp 1 tấm ảnh chụp out nét.

Các bạn muốn sử dụng khả năng AF của FE 28mm f/2 có thể tham khảo video dưới đây.

Sony FE 28mm là một trong những ống kính mình thường sử dụng nhất khi đi du lịch hoặc cả khi chụp pre-wedding vì sự gọn nhẹ, chất lượng hình ảnh tốt và tính đa dụng của ống kính này. Dưới đây là một số ảnh được chụp từ những chuyến đi xa và chụp cho công việc của mình. Các bạn có thể xem các ảnh gốc chưa qua xử lý ở trong phần đánh giá ở trên, còn đây là những ảnh đều đã qua xử lý Photoshop để thể hiện khả năng mà ống kính này cùng máy ảnh có thể tận dụng được. Ảnh đều được chụp với máy Sony A7II. Các bạn có thể click vào từng ảnh để xem ảnh chất lượng cao trên Flickr.

Dưới đây là một số ảnh do admin Phan Nguyen chụp bằng máy ảnh Leica M-P Typ 240 và ống kính Voigtlander 28mm f/2 Ultron

Từ các nội dung so sánh, chúng ta có thể thấy là FE 28mm f/2 là một ống kính rất đáng "đồng tiền bát gạo" vì cân bằng được giữa khả năng quang học và khả năng chữa quang sai ngay trên thân máy, cũng như giữa các tính năng và thiết kế để giảm giá thành. Các ưu điểm chính của Sony FE 28mm là sự gọn nhẹ, độ sắc nét tốt, lấy nét nhanh, quang sai ít (sau khi chữa lỗi), giá thành phải chăng, nhưng nhược điểm là chất lượng build không cao, dễ trầy xước. Ngay cả khi không sử dụng chức năng sửa quang sai thì Sony FE 28mm vẫn có nhiều đặc tính hoàn toàn so sánh được với Voigtlander 28mm f/2 Ultron. Mặc dù không phải là một ống kính zoom nhưng FE 28mm vẫn là một ống kính đa dụng bạn có thể đầu tư với số tiền không nhiều. Sự gọn nhẹ và khả năng chụp gần, khẩu độ lớn, hỗ trợ được bằng 2 loại converter nên FE 28mm có thể dùng để chụp cảnh, chụp chân dung trong cảnh (environmental portrait), chụp chân dung cận, chụp sự kiện, chụp close up.

Còn về ống kính của Voigtlander thì nếu các bạn đang sử dụng máy ảnh ngàm M như Leica thì đây là một lựa chọn rất tốt, cực kỳ gọn nhẹ và chất lượng quang học ổn, đặc biệt là khả năng tạo tia đẹp và rất dễ dàng. Ultron 28mm rất phù hợp để chụp street hay chụp sự kiện, chụp cảnh. Nhược điểm của Voigtlander là không có khả năng lấy nét tự động, mức tối góc khá cao nếu không được sửa bằng hậu kỳ, và giá còn khá cao nên chỉ phù hợp nếu bạn sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn cho việc chụp, xử lý ảnh và có khả năng chi trả nhiều tiền cho thiết bị.

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: