Blog Post

Ai giết chết điểm lấy nét vô cực?

Jul 07, 2017

Điểm nét vô cực là điểm nét mà ống kính lấy nét tại một điểm ở vị trí xa vô cùng, khi đó các tia sáng song song (parallel rays) hội tụ tại một điểm và khoảng cách từ vị trí các tia sáng song song bắt đầu đổi hướng tới vị trí chúng hội tụ lại trên mặt phẳng nhận hình ảnh (cảm biến hay film) chính bằng tiêu cự của ống kính đó. Nếu ống kính lấy nét vượt quá điểm vô cực ( ) này thì vị trí các tia sáng hội tụ sẽ nằm sau mặt phẳng nhận hình ảnh và làm cho toàn bộ khung hình mờ, không điểm nào nét cả.

Vị trí vô cực thường được đánh dấu trên thân ống kính và có vai trò quan trọng trong chụp cảnh. Các ống kính có " hard stop " nghĩa là vòng lấy nét sẽ dừng chính xác ở điểm vô cực và đồng nghĩa với việc ống kính cũng lấy nét và đạt độ nét cao nhất ở điểm vô cực, còn các ống kính không có hard stop có thể vặn vòng nét quá cả điểm vô cực. Hard stop là một đặc điểm rất tiện cho việc chụp cảnh vì người chụp chỉ việc vặn vòng nét tới khi không vặn được nữa là đảm bảo đã lấy nét chính xác ở vô cực. Tuy vậy ngày nay rất nhiều ống kính hoặc còn dấu vô cực nhưng ống kính có thể lấy nét quá vô cực hoặc thậm chí nhà sản xuất không còn ghi ký hiệu này trên ống kính nữa.

Tại sao một đặc điểm thuận tiện như vậy lại đồng loạt biến mất ở nhiều hãng sản xuất ống kính? Lý do đằng sau vấn đề này đã được Todd Vorenkamp ở BHphotovideo.com làm rõ bằng cách liên lạc trực tiếp các chuyên viên của các hãng sản xuất ống kính để nhận được lời giải thích. Mời các bạn đọc nội dung bài viết "Who killed infinity focus?" được đăng trên BHphotovideo do Vsion biên dịch.

Từ cách đây không lâu, nếu bạn muốn làm cho tất cả mọi thứ xa hơn một khoảng cách nhất định được nét thì bạn sẽ xoay vòng lấy nét về vị trí "vô cực" (infinity). Vòng lấy nét trên thân ống kính được khắc hoặc sơn các vạch đánh dấu khoảng cách đo bằng feet hoặc mét, hoặc cả hai, và ở vị trí xa nhất vượt qua các con số là ký hiệu này: ∞.

Một trong những chỉ thị chất lượng cho các ống kính lấy nét tay (MF) chất lượng cao là vòng lấy nét sẽ dừng lại chính xác tại vị trí ∞ (hard stop). Đặc điểm này cho phép các người dùng máy ảnh có thể chỉnh ống kính nhanh để tất cả chi tiết sau một khoảng cách nhất định đều được nét. Người sử dụng có thể thao tác khi đang vội mà không cần phải nhìn lên thân ống kính, không phải tính hyperfocus hay điều chỉnh nét. Đây cũng là một đặc điểm rất hữu ích cho chụp cảnh đêm và chụp thiên văn khi điều kiện thiếu sáng làm người chụp không thể quan sát hình ảnh trên ống ngắm được.

Ngay cả với một số ống kính zoom cũ dạng parfocal (có thể duy trì điểm nét trong toàn bộ dải zoom mà không cần lấy nét lại khi thay đổi tiêu cự) cũng có hard stop tại vị trí ∞, cùng với các vạch đánh dấu vị trí điểm hyperfocus đầy màu sắc.

Để thêm cảm giác về độ chính xác, các vòng lấy nét và vòng zoom của các ống kính chất lượng cao được thiết kế để có thể xoay rất mượt và có độ ma sát vừa phải. Cảm giác khi sử dụng những chiếc máy cơ học này rất thoải mái và thuận tiện.

Và ... lấy nét tự động (AF) ra đời.

Đột nhiên, các ống kính được thiết kế sao cho vòng lấy nét xoay được như câu nói trứ danh của nhân vật anh hùng Buzz Lightyear trong bộ phim hoạt hìnhToy Story: "To infinity ... and beyond!" (Tới vô cùng ... và hơn cả thế nữa!). Một số ống kính mới được làm với vòng lấy nét thậm chí quay liên tục mà không có điểm dừng. Thậm chí, như trêu ngươi các nhiếp ảnh gia truyền thống, các ống kính còn được tung ra thị trường rất nhanh mà còn không có cả vạch đánh dấu điểm lấy nét (* thở dài *). Bây giờ thì mặc dù bạn có thể làm đủ thứ với các ống kính mới này nhưng bạn không thể tính nhanh hyperfocus hay nhắm mắt mà xoay vòng nét về vô cực được nữa. Thêm vào đó, chúng ta phải chào tạm biệt với cảm giác mượt của vòng lấy nét cơ học do motor của các ống kính AF cần vòng lấy nét gần như không tạo ma sát với thân ống kính.

Tại sao phải thay đổi?

Nhiều nhiếp ảnh gia, nhà văn và blogger đã có những ý kiến khác nhau về lý do điểm vô cực bị bức tử. Các giả thuyết có thể liệt kê tới việc bảo vệ motor AF, giảm giá thành sản xuất, và bù trừ cho giãn nở nhiệt của các thành phần kim loại và nhựa hay bản thân các thấu kính, cho phép chụp được ảnh hồng ngoại, hay là cho phép tăng độ phân giải của cảm biến điện tử vốn đang ở mức khó chấp nhận hơn film. Tuy nhiên, không có giả thuyết nào tôi đọc được có thông tin do chính các nhà sản xuất ống kính cung cấp. Tôi muốn biết các nhà sản xuất ống kính khác nhau xử lý vấn đề lấy nét vô cực như thế nào và lý do riêng mỗi nhà sản xuất làm một cách, thế nên tôi đã liên hệ với các công ty sản xuất ống kính mà B&H (BHphotovideo) đang bán.

CANON



Từ sách hướng dẫn sử dụng ống kính Canon : Để bù trừ cho việc điểm vô cực bị đẩy ra xa khi nhiệt độ thay đổi. Vị trí của điểm vô cực ở nhiệt độ bình thường là vị trí mà vạch dọc của biểu tượng L xếp thành đường thẳng với vạch chỉ thị khoảng cách lấy nét trên thang khoảng cách.

LƯU Ý: Để lấy nét bằng tay chính xác các vật thể ở xa vô cùng, nhìn qua ống ngắm hay nhìn hình ảnh phóng đại trên màn hình LCD trong khi xoay vòng lấy nét.

Hệ thống ống kính mở rộng của Canon có bao gồm một số ống kính lấy nét tay lẫn với các ống lấy nét tự động phổ biến trong series EF và EF-S. Những ống kính MF này có sử dụng cơ chế vòng lấy nét helicoid và điểm hard stop truyền thống ở cả vị trí vô cực và vị trí lấy nét gần nhất. Ống kính thuộc nhóm này bao gồm MP-E 65mm Macro và các ống kính tilt-shift TS-E của hãng.

Khi nói tới các ống kính AF của Canon, ống EF và EF-S sử dụng motor lấy nét nằm trong thân ống kính và không được điều khiển bởi body máy ảnh. Các motor trong này được thiết kế sao cho thật gọn nhẹ, tiêu tốn ít điện năng và không đủ lực mô men để điều khiển vòng lấy nét helicoid truyền thống.

Canon sử dụng hai hệ thống khác nhau để lấy nét tay các ống kính AF: hệ thống cơ học và hệ thống điện. Trong cả hai trường hợp, hệ thống điều khiển AF được tách ra khỏi hệ thống lấy nét chung. Canon nói rằng, về cơ bản thì có thể thiết kế hard stop cho hệ thống nhưng việc này sẽ làm tăng chi phí sản xuất ống kính cho một đặc tính không có nhiều lợi ích.

Trong vài thập kỷ, các ống kính FD và EF đã có điểm vô cực linh hoạt (variable infinity). Canon có hai lý do giải thích cho việc này:

1. Giãn nở nhiệt

2. Cho phép chụp ảnh hồng ngoại

Canon bù trừ cho giãn nở nhiệt trong hệ thấu kính mà không phải cho thân ống kính. Thủy tinh và vật liệu tinh thể quang học như fluorite có thể giãn ra và co lại khi nhiệt độ xung quanh thay đổi. Những biến đổi này khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể gây ra khúc xạ (refraction) trên bề mặt ống kính và làm thay đổi khoảng cách vô cực. Mặc dù vấn đề này nghiêm trọng hơn với các ống kính tiêu cự dài, tuy nhiên Canon đã chỉ ra rằng nhiều ống kính góc rộng hiện nay thực chất thiết kế ngược của ống tele (inverted telephoto design) và cũng có thể bị ảnh hưởng tương tự bởi nhiệt độ.

Bạn có bao giờ tự hỏi là tại sao các ống tele của Canon màu trắng không ? Câu trả lời là khi công ty giới thiệu ống FD 600mm f/4.5 S.S.C. vào năm 1976, các nhà thiết kế ống kính sơn vòng lấy nét màu trắng để giảm thiểu giãn nở nhiệt của thấu kính fluorite. Ngày nay, ống kính màu trắng mang tính hình tượng quảng cáo nhiều hơn nhưng chính vì mục đích bù trừ cho giãn nở nhiệt để lấy nét ở vô cực đã khởi đầu cho nhận dạng thương hiệu ống kính trắng của Canon!

Khi nói tới nhiếp ảnh hồng ngoại (infrared photography), các sóng hồng ngoại (IR) bước sóng dài hơn hội tụ tại điểm xa hơn ánh sáng nhìn thấy. Để phục vụ nhu cầu chụp ảnh hồng ngoại cá nhân và cho các thiết bị chuyên dụng trong quân đội, khoảng vô cực linh động cho phép người dùng lấy nét được ở vô cực với cả ánh sáng nhìn thấy và ánh sáng hồng ngoại trên cùng một ống kính.

FUJIFILM

Chỉ có hai ống kính Fujifilm trong hệ thống ống kính ngàm X hiện nay của hãng (vào thời điểm của bài báo này là năm 2015) có đánh dấu khoảng cách lấy nét là Fujifilm XF 14mm f/2.8 R và XF 23mm f/1.4 R. Vòng lấy nét của cả hai ống kính đều có ký hiệu vô cực, nhưng người dùng có thể vặn qua điểm này. Có một điều thú vị là trên cả hai ống kính này, khi bạn xoay vòng lấy nét thì bạn không xoay nó bằng tác động vật lý mà bạn điều chỉnh tín hiệu điện cho hệ thống motor AF trong ống kính để chuyển vị trí lấy nét và không có hệ thống nào tách riêng chức năng AF. Thế nên, trên các ống kính này không nhất thiết cần phải có điểm hard stop ở vị trí vô cực do hệ thống lấy nét tự động chịu trách nhiệm lấy nét toàn bộ thời gian.

Fujifilm nói rằng vì ngay cả khi “lấy nét bằng tay”, bạn thực chất đang sử dụng hệ thống AF và máy ảnh có thể phân biệt được lúc nào ống kính lấy nét tại vô cực bằng cách dùng cảm biến lai CDAF (lấy nét tương phản) và PDAF (lấy nét theo pha). Vì vậy, với ống kính AF của Fujifilm không cần thiết phải thực hiện cân chỉnh ống kính hay cần phải có điểm hard stop. Khoảng vô cực linh động trên các ống kính Fujifilm cũng cho phép bù trừ với giãn nở nhiệt.

HASSELBLAD

Một số ống kính Hasselblad có điểm “over-focus” trên ống kính cho phép người dùng vượt qua vị trí vô cực được đánh dấu trên ống kính. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch này trong thực tế quá nhỏ để bạn có thể nhận ra trên vạch đánh dấu ở thân ống kính. Hasselblad làm như vậy cũng để đảm bảo cho ống kính lấy nét được tới vô cực khi bị giãn nở nhiệt.

Có một điều thú vị là Hasselblad hiện nay có làm một ống kính chuyên dụng chụp ảnh trên không được cố định lấy nét tại vô cực và công ty đang làm máy ảnh chuyên dụng cho NASA, bao gồm các máy ảnh và ống kính Zeiss dùng trên Mặt trăng. Các thiết bị này phải chịu mức thay đổi nhiệt độ 300 độ C giữa vùng nhận ánh sáng mặt trời và trong bóng tối. Đây là mức thay đổi nhiệt lớn nhất các thiết bị phải chịu khi duy trì điểm nét vô cực.

LEICA

Các ống kính Leica vốn nổi tiếng vì độ chính xác cơ học trong chế tác và cảm giác tuyệt vời khi lấy nét, zoom, hay khi thay đổi khẩu độ. Ngày này, các ống kính Leica M vẫn có điểm hard stop tại vị trí vô cực. Tuy nhiên, một số ống kính hệ R của hãng và tất cả ống kính hệ S cho phép người dùng vặn quá điểm vô cực. Leica nói rằng đặc điểm này cho phép ống kính chịu được biến đổi nhiệt, đặc biệt là khi hệ thống tăng về kích thước. Tính chất này cho phép ống kính bù trừ cho giãn nở về tiêu cự khi người dùng thêm teleconverter hay ngàm vào hệ thống. Mặc dù vậy, các ống kính ngàm M với kích thước nhỏ gọn và giới hạn về khoảng tiêu cự thì không cần phải có đặc tính này.

MAMIYA

Trên các ống kính Mamiya, người dùng sẽ thấy điểm hard stop ở bên cạnh phải với ký hiệu ∞. Điểm hard stop này nằm ở “phía xa” của vị trí vô cực được cân chỉnh thực tế và để đánh dấu giới hạn xa của điểm vô cực linh động (nghĩa là vị trí vô cực của các ống kính này có thể thay đổi và vị trí đánh dấu thực ra là mức xa nhất điểm vô cực này có thể "giãn nở" tới). Các ống kính Mamiya với khoảng vô cực linh động này để đáp ứng cho tiêu chí “hệ thống mở” (Open platform) do hãng chế tạo body và ống kính để sử dụng với các loại lưng kỹ thuật số (digital back) của các hãng khác, và một số thì đã có tuổi tính bằng thập kỷ. Mamiya chế tạo hệ thống với độ chính xác tiêu chuẩn nhưng muốn hệ thống có thể dùng được với nhiều loại lưng máy khác nhau, ngay cả khi các loại lưng này không được chế tạo trong giới hạn tương thích của Mamiya. Cho hệ máy lấy nét tự động, hệ máy 645DF+ có thể cân chỉnh lấy nét AF của một ống kính xác định và thiết lập trùng khớp mặt phẳng nét mà module AF “nhìn thấy” và cảm biến “nhìn thấy” để cho phép lấy nét chính xác với các loại lưng máy khác nhau.

Mamiya nói rằng trong khoảng nhiệt độ hoạt động nhất định của hệ thống máy ảnh Mamiya thì không có khác biệt về lấy nét do giãn nở nhiệt, miễn sao máy ảnh hoạt động trong khoảng nhiệt độ đó.

Các ống kính góc rộng của Mamiya yêu cầu phải tạo được vòng hình ảnh (image circle) đủ lớn cho các máy ảnh medium format. Công ty nói thêm rằng hầu hết các ống kính góc rộng sẽ có độ cong trường ảnh nhất định và khả năng lấy nét quá vô cực có thể bù trừ phần nào cho đặc điểm này. Vấn đề này càng rõ ràng hơn với nhiếp ảnh large format khi cơ chế lấy nét xoắn (helical focusing mechanism) có thang khoảng cách do người dùng xác lập.

NIKON

Nhiều ống kính hiện nay của Nikon có vòng nét có thể vượt qua cả điểm vô cực và điểm nét gần nhất vì hệ thống lấy nét tự động của ống kính Nikkor AF-S có một bánh răng cam cho phép cả AF bình thường và AF với lấy nét tay kết hợp (manual override). Chế độ M/A cho phép người sử dụng xoay vòng nét bằng tay khi ống kính đang ở chế độ lấy nét tự động, cho phép ống kính có khả năng lấy nét tay mà không cần phải chuyển về chế độ MF.

Các ống kính Nikkor AF cũ và một số ống kính trong dòng AF-S như AF-S DX 18-55mm không có chức năng M/A và người dùng các ống kính này sẽ thấy các điểm hard stop tại vị trí vô cực và điểm lấy nét gần nhất (nếu vòng lấy nét có đánh dấu) rất giống với các ống kính MF cổ hơn nhưng còn đang được sản xuất.

OLYMPUS

Dòng ống kính hiện nay của Olympus có 3 ống kính M.Zuiko với vòng lấy nét tay và có đánh dấu khoảng cách lấy nét trên thân ống kính: M.Zuiko 12-40mm f/2.8 PRO, M.Zuiko 12mm f/2 PREMIUM, M.Zuiko 17mm f/1.8 PREMIUM (và sau này là các ống 25mm f/1.2, 7-14mm f/4 PRO, 40-150mm f/2.8 PRO). Các ống kính này cho phép người dùng vặn quá vị trí vô cực với 3 lý do sau:

1. Để phục vụ nhiếp ảnh lấy nét bằng tay

2. Để phục vụ hệ thống lấy nét tự động

3. Để phục vụ hệ thống chống rung

Khi lấy nét tay, hệ thống này cho phép người dùng xác định vị trí lấy nét chính xác khi lấy nét ở khoảng cách xa sử dụng “Magnified Assist” hay “Focus Peaking” (bằng cách vặn quá điểm vô cực và lùi lại). Khi lấy nét tự động, khả năng cho phép người dùng vặn quá điểm vô cực để hệ thống lấy nét tương phản của Olympus có thể hoạt động. Hệ thống lấy nét được thiết kế để có thể di chuyển quá điểm focus và quay trở lại để đảm bảo điểm nét chính xác. Hãy tưởng tượng việc này giống như lúc bạn lấy nét ống kính MF, ống nhòm hay ống viễn vọng thì bạn cần xoay điểm lấy nét quá điểm cần thiết rồi lùi lại liên tục cho đến khi đạt được điểm nét tốt nhất. Hệ thống AF của Olympus cũng làm tương tự như vậy. Cuối cùng, Olympus công bố rằng với sự ra đời của hệ thống chống rung trên máy ảnh và trên ống kính thì khả năng lấy nét vượt qua điểm vô cực là cần thiết và hệ thống chống rung IS khi di chuyển cảm biến hay các nhóm thấu kính cũng sẽ làm vị trí vô cực bị thay đổi.

Nhiều ống kính Olympus cổ điển không có hard stop ở vị trí vô cực. Những người dùng ống kính Olympus cổ có thể xác định độ chính xác của lấy nét tại vô cực bằng cách sử dụng focus peaking của EM-1.

PANASONIC

Các ống kính Panasonic không có điểm dừng cơ học tại vị trí xác định bằng điểm vô cực. Công ty “thú nhận” rằng đặc điểm này có thể làm nhiều người dùng thất vọng, nhưng họ đã thiết kế các phương thức công nghệ cao để thiết lập cho các ống kính trong dòng G có thể lấy nét ở vô cực:

1. Lựa chọn chế độ MF trên máy ảnh và tắt máy. Bật máy trở lại và máy sẽ tự điều khiển ống kính đến vị trí vô cực.

2. Sử dụng màn hình LCD khi máy đang ở chế độ MF, xoay vòng lấy nét trên ống kính cho tới khi thang trắng và đỏ gặp nhau (nhìn ở hình dưới) và bạn sẽ có điểm vô cực chính xác.

PENTAX

Lấy một ống kính Pentax bất kỳ khỏi giá ở B&H bạn sẽ thấy các ống kính zoom đều có điểm hard stop chính xác ở vị trí đánh dấu vô cực. Tuy vậy, đáng tiếc là tôi không thể lấy được thông tin từ các kỹ sư Pentax, nhưng trong tài liệu hướng dẫn người dùng của hãng, câu chuyện lại hơi khác các hãng máy ảnh khác.

Trong tài liệu hướng dẫn sử dụng ống kính DA : “Khi lấy nét bằng tay hoặc sử dụng hệ thống Quick-Shift Focus, cơ chế cho phép xoay vòng lấy nét sẽ xoay tự do sau khi nó đạt được vị trí vô cực (infinity) hay vượt qua vị trí lấy nét gần nhất. Tuy nhiên, không nên cố xoay thêm vòng lấy nét quá hai điểm này do nó có thể làm giảm khả năng hoạt động của ống kính.”

Trong hướng dẫn sử dụng ống kính Pentax-D FA : “Lưu ý: Khi sử dụng ống kính ở chế độ lấy nét tay, đừng xoay vòng lấy nét hết cỡ tới vô cực hoặc tới điểm lấy nét gần nhất.”

Trong hướng dẫn sử dụng ống kính SMC Pentax-FA : “Vòng lấy nhét của ống kính tele sẽ ngừng xoay khi nhích quá điểm vô cực ∞. Điều này là bởi điểm lấy nét thay đổi phụ thuộc nhiệt độ và đôi lúc điểm nét chỉ có thể đạt được ở quá vị trí ∞. Ngay cả khi lấy nét ở vô cực, luôn nhìn qua ống ngắm để đảm bảo điểm nét chính xác. Khi ống kính được chuyển sang chế độ lấy nét tay, vòng lấy nét có thể xoay qua cả điểm lấy nét gần nhất hay điểm vô cực.”

Trong hướng dẫn sử dụng ống kính FA : “Khi ống kính được chuyển sang chế độ lấy nét tay và vòng lấy nét quay hết cỡ sang bên phải hoặc trái thì nó sẽ tiếp tục quay do không có điểm chặn nào được thiết kế ở vị trí vô cực hay vị trí lấy nét ngắn nhất.”

“Vòng lấy nét của ống kính tele dừng lại khi nhích quá điểm vô cực một chút. Điều này là bởi nhiệt độ thay đổi có thể đẩy vị trí vô cực đi xa hơn, làm ống kính lấy nét quá điểm vô cực được đánh dấu trên thân ống kính. Ngay cả khi chụp ở vô cực, cần phải chắc chắn là ống kính đạt được điểm nét bằng cách sử dụng chỉ thị lấy nét trước khi ấn nút chụp.”

SAMSUNG

Là một đối thủ mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường máy ảnh có khả năng thay ống kính, các ống kính của Samsung có vòng lấy nét vượt qua điểm vô cực và chỉ có duy nhất một ống kính trong dòng ống hiện nay là Samsung 85m f/1.4 ED SSA là có đánh dấu vị trí lấy nét trên thân ống kính. Trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, các ống kính zoom của hãng không phải parfocal và cần phải lấy nét lại khi thay đổi tiêu cự (phóng to hoặc thu nhỏ).

SAMYANG

Các tên tuổi nổi tiếng đang bán ống kính MF dưới tên Rokinon/Samyang. Các ống kính này có điểm hard stop ở sau vị trí vô cực linh động được xác định bằng ký hiệu “L” trên thân ống kính hoặc ký hiệu ∞. Những ống kính MF này có cảm giác khi lấy nét rất êm và rất cổ điển. Là một hãng sản xuất ống kính thứ ba, họ chế tạo ống kính để có thể dùng được trên 10 hệ máy ảnh khác nhau và vì độ dày của các ngàm này thay đổi, họ cần phải để người dùng sử dụng điểm vô cực linh động để xác định chính xác điểm lấy nét. Việc cân chỉnh chính xác vô cực của tất cả ống kính sẽ gặp trở ngại về chi phí sản xuất.

SCHNEIDER

Schneider Optics có sản xuất một dòng nhỏ các ống MF cho máy DSLR. Ống kính kinh điển PC-Super-Angulon của hãng có điểm hard stop tại vị trí vô cực, cũng giống như các ống PC-Tilt Shift mới hơn ở nhiều tiêu cự và ngàm khác nhau. Schneider trả lời tôi rằng dòng PC-Tilt Shift có điểm vô cực được thiết kế để chịu được sai khác ± 0.02 mm nên điểm vô cực sẽ nét ngay cả khi khẩu độ được mở rộng nhất. Độ chính xác này được mở rộng sang cả cơ chế lấy nét. Schneider phát hiện ra giãn nở nhiệt của ống kính có thể được cân bằng thông qua độ sâu trường ảnh DOF ở từng khẩu độ, ngay cả khi mở khẩu hết cỡ, và đây không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lấy nét chính xác của ống kính.

Công ty làm rất nhiều ống kính quay phim có khoảng vô cực linh động để đáp ứng giãn nở nhiệt trong ống kính và dùng cho filter stacking. Theo Schneider, không phải là lạ khi các máy ảnh quay phim có từ 2 cho tới 5 filter chồng nhau trong ống kính. Các filter này có thể thay đổi mức độ phóng đại của ống kính và cũng có thể làm điểm lấy nét thay đổi nên khoảng vô cực linh động là cần thiết.

Schneider cũng nhắc tới là ống kính mới không sử dụng tinh thể trong hệ quang học có tính ổn định nhiệt và độ ẩm cao hơn các loại thủy tinh tinh thể cũ và thủy tinh loại mới (đôi lúc được gọi là thấu kính tán xạ thấp hay ED) cho phép ống kính chịu được giới hạn cao hơn.

SIGMA

Một số ống kính Sigma có hard stop ở vị trí vô cực, nhưng các ống kính AF của hãng với motor lấy nét siêu thanh (HSM) dạng vòng lại dùng một điểm dừng mềm (soft stop). Các vòng lấy nét trên các ống kính này có khả năng vượt qua cả điểm vô cực và điểm lấy nét gần nhất để bảo vệ motor và làm nó bền hơn. Theo các kỹ sư của Sigma ở Nhật, đặc điểm này cho phép motor có thể giảm tốc dần khi tới điểm dừng thay vì đạt tới điểm này một cách đột ngột.

SONY

Hệ thống ống kính phát triển nhanh của Sony có một số cách tiếp cận khác nhau với vấn đề lấy nét ở vô cực. Nhiều ống kính Sony tránh việc sử dụng đánh dấu vị trí lấy nét trên thân ống kính và vòng lấy nét tay có thể xoay tự do mà không có điểm dừng nào. Một số ống kính của hãng có điểm dừng mềm và ký hiệu “L” thể hiện khoảng vô cực linh động. Các hướng dẫn sử dụng của hãng có thể khẳng định rằng “điểm vô cực cho phép tùy chỉnh để bù trừ cho thay đổi vị trí lấy nét do thay đổi nhiệt độ”, trước khi khuyên người dùng kiểm tra điểm nét qua ống ngắm hoặc ở chế độ live view.

Một ống kính trong số ít của hãng có điểm hard stop tại vị trí đánh dấu ∞ là Sony 135mm f/2.8 STF , đây cũng là ống kính rất đặc biệt của Sony chỉ cho phép lấy nét bằng tay. Ống kính này có hệ thống lấy nét cố điển và đạt độ chính xác cao khi vòng lấy nét dừng lại đúng điểm ∞.

Trong hướng dẫn sử dụng Sony DT 50m f/1.8 SAM : “Để chụp đối tượng ở xa vô cùng với chế độ MF: điểm vô cực cho phép tùy chỉnh để bù trừ cho thay đổi vị trí nét do thay đổi nhiệt độ. Để chụp đối tượng ở xa vô cùng với chế độ MF, dùng ống ngắm để điều chỉnh điểm lấy nét.”

Trong hướng dẫn sử dùng Sony DT 16-50mm f/2.8 SSM : “Chụp tại vô cực ở chế độ MF: cơ chế lấy nét vượt qua điểm vô cực một chút để đảm bảo đạt độ nét chính xác trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau. Luôn luôn xác nhận độ nét của hình qua ống ngắm, đặc biệt là khi ống kính lấy nét gần vô cực.”

Từ hướng dẫn sử dụng Sony DT 11-18mm f/4.5-5.618-250mm f/3.5-6.3 : “Vòng lấy nét có thể xoay nhẹ quá điểm vô cực để đảm bảo độ nét chính xác trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau. Không xoay vòng nét hết cỡ tới tận cùng khi lấy nét bằng tay, ngay cả khi chụp tại vô cực. Nhìn qua ống ngắm để chọn điểm nét chính xác.”


TAMRON

Tất cả ống kính zoom và 90mm macro của Tamron hiện nay đều có một đặc tính mà họ gọi là “ over infinity ” (vượt vô cực). Đặc điểm thiết kế này là để giúp ống kính đạt điểm focus nét tại vị trí vô cực linh động, bất kể mức độ giãn nở nhiệt của ống kính.

Từ hướng dẫn sử dụng ống kính Tamron: “Vòng lấy nét xoay quá điểm vô cực để có thể lấy nét chính xác tới vô cực ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Khi lấy nét bằng tay, cần đảm bảo đối tượng ở vô cực được nét qua ống ngắm.”

TOKINA

Tokina nói với tôi rằng, về mặt lý thuyết các ống zoom parfocal có thể có hard stop tại điểm đánh dấu vô cực, tuy vậy công ty cho phép ống kính lấy nét quá điểm vô cực để đáp ứng thay đổi nhiệt độ. Nhà sản xuất nói rằng ngay cả với mức thay đổi nhiệt rất nhỏ cũng có thể làm điểm vô cực bị di chuyển và trong một số trường hợp khi hard stop được thiết kế trong ống kính thì ống kính sẽ không thể lấy nét tại vô cực được nữa.

Trong hướng dẫn sử dụng ống kính Tokina 300mm f/6.3 Macro (là ống kính gương – mirror lens): “Thông thường, một ống kính siêu tele với khoảng tiêu cự bằng hoặc lớn hơn 300mm sẽ cho phép điểm vô cực thay đổi vị trí trong một khoảng nhất định. Điều này là bởi hệ số khúc xạ (chiết suất) của ánh sáng trong không khí thay đổi khi nhiệt độ trong ống gương thay đổi và điểm lấy nét có thể thay đổi một chút. Theo đó, cần đảm bảo thay đổi điểm lấy nét cẩn thận bằng cách kiểm tra hình ảnh trên ống ngắm, ngay cả khi chụp cảnh ở khoảng cách xa, bầu trời sao hay các vật thể ở rất xa.”

VOIGTLANDER

Nhà sản xuất ống kính Đức Voigtlander chế tạo điểm dừng vô cực rất chính xác và dành rất nhiều thời gian để phát triển các loại kim loại và hợp kim có thể khử được giãn nở nhiệt.

Một số ống kính Voigtlander có một điểm hard stop ở vị trí đánh dấu vô cực và các ống kính MFT Nokton (cho máy micro four third) có đặc tính “over infinity position” (vượt quá điểm vô cực).

ZEISS

Các ống kính Zeiss cũ dùng cho nhiếp ảnh có điểm hard stop ở vị trí đánh dấu vô cực. Các ống kính cine mới của hãng như Master Prime, Ultra Prime và Compact Zoom có khả năng vặn quá điểm vô cực để tạo “thêm một khoảng nhỏ để kiểm soát lấy nét”. Đặc điểm này cũng được thiết kế cho dòng ống kính Zeiss Otus. Zeiss nói rằng các ống kính của hãng được thiết kế để chịu được giãn nở nhiệt và khoảng vô cực linh động không cần thiết để bù trừ thay đổi về nhiệt độ.


Vậy là bạn đã có được nguồn thông tin chính thức từ các công ty. Sự kết hợp của giãn nở nhiệtcho phép khả năng AF của motor có vẻ như là hai yếu tố quan trọng nhất để các nhà sản xuất làm “mềm hóa” vị trí lấy nét vô cực. Giãn nở nhiệt đã có ngay từ thuở ban đầu nhưng có vẻ như gần đây các hãng sản xuất mới thực sự chú ý tới nó hơn ngày trước. Tuy vậy, một số nhà sản xuất lại lựa chọn cách xử lý vấn đề giãn nở nhiệt ngay trong ống kính.

Tôi muốn cám ơn đại diện và kỹ sư của các hãng đến từ tất cả các công ty nói trên đã dành thời gian quý báu của mình để nói với tôi về sản phẩm của công ty. Tôi hy vọng rằng các bạn đọc cũng thấy các thông tin này rất hữu ích như cảm nhận của tôi.

Todd Vorenkamp

Phần trên là nội dung bài viết của Todd Vorenkamp trên BHphotovideo, các bạn có thể đọc bài viết gốc ở đây , còn dưới đây là phần bổ sung của Vsion về trường hợp thay đổi vị trí điểm vô cực khi dùng ống kính qua ngàm.

DỊCH CHUYỂN ĐIỂM VÔ CỰC KHI DÙNG ỐNG KÍNH QUA NGÀM

Đây là phần bổ sung của Vsion về hiện tượng nhiều ống kính khi sử dụng qua ngàm chuyển bị thay đổi vị trí vô cực. Một số ống kính không thể lấy nét tới vô cực khi dùng qua ngàm chuyển, còn một số ống kính tại điểm đánh dấu vô cực thực chất ống kính đã lấy nét quá điểm này, mặc dù nó rất chính xác khi dùng với máy ảnh với ngàm gốc.

Trong trường hợp ống kính không thể đạt tới vô cực mặc dù khi sử dụng trên máy ảnh với ngàm gốc ống kính vẫn lấy nét được tới vô cực bình thường, có hai lý do chính: ( 1 ) do chất lượng chế tạo ngàm không đồng đều nên thực chất khoảng cách flange của ngàm dày hơn tiêu chuẩn (khá phổ biến với các ngàm rẻ tiền của Trung Quốc); ( 2 ) do ống kính sử dụng hard stop được cân chuẩn đúng vô cực nên khi dùng với ngàm chuyển dày hơn tiêu chuẩn chỉ một khoảng rất nhỏ là ống kính sẽ không thể chạm tới điểm vô cực. Ngoài ra, nếu cả ngàm và ống kính được chế tạo với kính thước tiêu chuẩn, giãn nở nhiệt độ cũng đôi khi làm bạn mất vị trí vô cực, nhưng trường hợp này có thể được xác định khi kiểm tra ống kính ở nhiệt độ thường.

Trong trường hợp thứ hai, ví dụ như nhiều ống Sony ngàm A khi sử dụng trên máy không gương lật ngàm E qua ngàm chuyển LA-EA3 thì vị trí vô cực thực chất đã quá vô cực và phải quay vòng lấy nét lùi lại một chút để đạt độ nét cao nhất, tuy nhiên các ống kính này có hard stop chuẩn trên máy ảnh ngàm A. Lý do cho vấn đề này là ngay trong thiết kế của các hãng sản xuất ngàm (hãng thứ ba hay chính hãng như Sony), độ dày của ngàm không bằng đúng khoảng chênh lệch về khoảng cách buồng tối (flange) giữa hai loại ngàm (các bạn có thể đọc thêm về vấn đề này trong Cẩm nang chuyển ngàm ống kính của Vsion). Trong trường hợp của LA-EA3, nếu độ dày ngàm đúng bằng 26.5mm thì sẽ bằng chênh lệch flange giữa ngàm A và ngàm E, tuy nhiên độ dày thực tế của ngàm này ngắn hơn 0.2mm (các bạn có thể đọc trong một tranh luận trên Dpreview ở đây ). Các ngàm chuyển khác như Metabones cũng có độ dày ngắn hơn tiêu chuẩn 0.2mm, trong khi đó với Commlite là 1mm.

Mặc dù chúng ta không có câu trả lời chính thức từ nhà sản xuất nhưng dựa theo những gì chúng ta biết về phương án kỹ thuật của các hãng sản xuất ống kính ở trên, có thể dễ hiểu là các ngàm chuyển có độ dày ngắn hơn tiêu chuẩn một chút để bù trừ cho giãn nở nhiệt. Việc sử dụng ngàm chuyển thực chất hình thành hai vị trí khớp chuyển kim loại giữa ống kính - ngàm và ngàm - thân máy nên khả năng giãn nở nhiệt làm độ dày này tăng lên là hoàn toàn có thể. Nếu ngàm được thiết kế đúng với chênh lệch khoảng cách buồng tối thì ống kính được cân chỉnh vô cực chuẩn sẽ mất vô cực khi dùng qua ngàm. Mặc dù vậy, các ngàm đắt tiền do các hãng lớn sản xuất thì mức giảm độ dày này chỉ rất nhỏ để không ảnh hưởng tới chất lượng ảnh và sai khác này được ghi nhớ để điều chỉnh lấy nét AF theo pha. Giống như trường hợp của Olympus, ngàm chuyển như LA-EA3 sẽ cho phép máy ảnh focus quá điểm nét một chút, ngay cả ở vị trí vô cực, để sau đó lùi lại vị trí có độ tương phản cao nhất khi máy dùng lấy nét theo tương phản CDAF. Chúng ta cần lưu ý rằng khi LA-EA3 ra đời, phần lớn máy ảnh không gương lật của Sony chủ yếu dựa vào lấy nét theo tương phản nên có thể khoảng cách chênh lệch này rất có giá trị để máy ảnh đảm bảo lấy nét chuẩn ở mọi vị trí, dù đang dùng ống kính ngàm A.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox dịch và biên tập
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: