Blog Post

Ảnh hưởng của gương mờ ngàm chuyển LA-EA4 tới chất lượng hình ảnh

Nov 01, 2017
GIỚI THIỆU CÁC NGÀM CHUYỂN A MOUNT - E MOUNT

Với người sử dụng máy ảnh Sony không gương lật ngàm E thì kho ống kính ngàm A của Sony / Minolta là một nguồn ống kính rất phong phú với giá cả phải chăng và chất lượng tốt. Vì thế khi phát triển hệ thống máy ảnh ngàm E thì Sony cũng thiết kế các ngàm chuyển để người dùng có thể sử dụng được ống kính ngàm A trên máy ảnh ngàm E. Hiện nay có 4 loại ngàm chuyển tên là LA-EA ( L ens A dapter for E -mount cameras to use A - mount lenses) được phân biệt như sau:

  • LA-EA1 : Dùng cho máy crop (APS-C) và ống kính autofocus ngàm A có motor trong (SSM và SAM); ống kính không có motor lấy nét (điều khiển qua ốc vít) của Minolta và một số ống kính của Sony chỉ có thể lấy nét tay chứ không AF được. Ngàm này không có kính mờ (translucent mirror) ở giữa.

  • LA-EA2 : Dùng cho máy crop (APS-C) và ống kính autofocus ngàm A không có motor trong (điều khiển qua ốc vít). Ngàm này có sử dụng kính mờ ở giữa ngàm nên làm giảm 30% lượng ánh sáng đi qua ống kính. Để điều khiển lấy nét, ngàm có hệ thống motor lấy nét nằm trong ngàm và hoạt động độc lập với camera nên tốc độ lấy nét, số điểm lấy nét không phụ thuộc máy ảnh. Ngàm sử dụng 15 điểm lấy nét theo pha (PDAF) trong đó có 3 điểm là cross-type .

  • LA-EA3 : giống LA-EA1 nhưng dùng cho máy ảnh full frame và ống kính full frame (ống kính crop sẽ không bao phủ được toàn bộ cảm biến).

  • LA-EA4 : giống LA-EA2 nhưng dùng cho máy ảnh full frame và ống kính full frame. LA-EA4 hoạt động được với tất cả ống kính ngàm A của Minolta, Sony, Tamron, Sigma, ngoại trừ các ống kính Minolta AF Xi.

Do sử dụng kính mờ ở giữa ống kính và máy ảnh nên ngàm LA-EA2 và LA-EA4 ngoài việc làm giảm 30% lượng ánh sáng ( thiệt khoảng 2/3 stop chứ không phải 1/3 stop như nhiều người hiểu nhầm) còn có khả năng làm thay đổi chất lượng hình ảnh. Tại sao Sony cần lớp kính mờ này thì các bạn có thể xem giải thích cách ngàm LA-EA4 hoạt động ở hình dưới.

Mặc dù Sony công bố rằng chỉ những ngàm chuyển thế hệ đầu tiên gặp vấn đề giảm chất lượng ảnh do kính mờ này và các ngàm chuyển hiện nay đã khắc phục được hiện tượng này, chúng ta hãy cùng xem thực tế ảnh hưởng của tấm kính mờ này như thế nào.

THÍ NGHIỆM SO SÁNH

Để so sánh thay đổi chất lượng hình ảnh khi có và không có lớp kính mờ, mình dùng ngàm LA-EA4 (có kính mờ) và ngàm chuyển thông thường (chỉ có thể lấy nét tay). Các bạn lưu ý là nếu các bạn cần tìm ngàm chuyển thường này (giá rẻ hơn LA-EA4 rất nhiều) thì các bạn cần tìm loại Minolta (AF) - NEX chứ không có loại Sony A - NEX trên thị trường, mặc dù hai ngàm này giống hệt nhau. Ngàm chuyển thường này có một ốc vít nằm bên trong để đẩy phần lẫy điều khiển khẩu độ, nếu không ống kính ngàm A AF của bạn sẽ luôn ở trạng thái đóng khi tháo ra khỏi body. Nếu bạn muốn mở lỗ khẩu mà không có ngàm thì cách đơn giản nhất là dùng 1 miếng giấy chặn phần lẫy điều khiển ở sau ngàm lại.

SO SÁNH Ở KHOẢNG CÁCH CHỤP GẦN, CHỤP TRONG NHÀ

Để thực hiện thí nghiệm này, mình cố định máy ảnh A7ii trên tripod và dùng cùng một chế độ chụp với ống kính Minolta AF 100mm f/2 (lấy nét tay, khẩu f/2, tốc độ 1/125 giây, ISO 160) và chỉ thay ngàm giữa 2 lần chụp. Kết quả được thực hiện 3 lần và chọn ra ảnh có mức độ nét gần nhau nhất để giảm tối đa sai số do thao tác lấy nét.

Đầu tiên hãy xem khác biệt về 2/3 stop thể hiện qua độ sáng trên hình như thế nào.

Để giúp các bạn dễ hình dung sự khác biệt được rõ hơn, mình đã chồng hai ảnh trong một file ảnh động gif. Rõ ràng ảnh chụp sử dụng LA-EA4 tối hơn gần 1 stop so với sử dụng ngàm chuyển MF thường.

Để ý kỹ các bạn sẽ thấy là hình chụp sử dụng LA-EA4 có phần lạnh hơn một chút. Mình đã tăng sáng ở hình chụp bằng LA-EA4 cho mức độ sáng hai hình tương đương nhau để các bạn thấy rõ hơn. Khi sử dụng CameraRAW để chỉnh sáng, 1 giá trị Exposure tương đương 1 EV nên để hai ảnh sáng ngang nhau mình dùng +0.5 EV đối với ảnh chụp bằng LA-EA4. Như vậy mặc dù trên lý thuyết ảnh bị tối đi 2/3 stop nhưng thực tế chênh lệch này là khoảng 1/2 stop.

Đây là giá trị nhiệt màu (temperature) và ám màu (tint) của hai ảnh thể hiện trên file RAW. Rõ ràng khi chụp với LA-EA4 cân bằng trắng đã bị giảm 100K.

Về chi tiết ảnh, mình so sánh phần giữa ảnh và phóng to ở đây để các bạn tiện theo dõi. Các bạn có thể thấy khi dùng LA-EA4 chất lượng ảnh khác biệt gần như không thể nhận ra được nếu chúng ta không phóng to hình ở mức cao. Mặc dù về độ nét có thể nói là tương đương, ảnh chụp với LA-EA4 có phần viền chi tiết xuất hiện viền tím rất nhẹ. Lưu ý là hình chụp với LA-EA4 có vẻ hơi noise hơn, đó là do mình tăng sáng hình ảnh so sánh sáng ngang nhau. Việc tăng sáng làm phục hồi một số chi tiết bị thiếu sáng nhưng cũng dẫn tới tăng noise một chút.

SO SÁNH Ở KHOẢNG CÁCH CHỤP XA, ỐNG GÓC RỘNG

Thí nghiệm so sánh tương tự được thực hiện với Samyang 35mm f/1.4 (MF) trong điều kiện ánh sáng tự nhiên và lấy nét xa. Ảnh so sánh được chụp ở f/11 theo cùng phương pháp.

Lần này mức độ chênh lệch độ sáng giữa hai ảnh vẫn là khoảng 1/2 stop giống như trường hợp trên, tuy nhiên mức độ lệch cân bằng trắng có rõ ràng hơn (300 K) và ảnh chụp với LA-EA4 vẫn lạnh hơn ảnh chụp bằng ngàm không dùng gương mờ.

Nhìn tổng quát thì ảnh chụp bằng LA-EA4 có phần giảm độ tương phản hơn so với việc sử dụng ngàm MF thường, tuy nhiên kết quả cho thấy LA-EA4 không làm tăng mức tối góc của hình. Về so sánh chi tiết độ nét, mình phóng lớn 3 vị trí ở chính giữa hình (trung tâm) và sát cạnh bên trái và bên phải hình để so sánh. Như hình dưới các bạn có thể thấy mức độ giảm độ nét trong trường hợp này rõ hơn ở khoảng cách lấy nét gần .

KẾT LUẬN

Như vậy khi dùng LA-EA4, lớp gương mờ sẽ có những ảnh hưởng sau tới chất lượng hình ảnh:

  • Làm lượng ánh sáng đi qua giảm 1/2 stop hay có nghĩa là bạn cần giảm tốc độ 1/2 stop để ánh có thể sáng như lúc không dùng gương mờ.
  • Làm ảnh lạnh hơn một chút, mức độ khác nhau tùy điều kiện chụp.
  • Không ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng hình ảnh ở khoảng cách chụp gần nhưng ở khoảng cách lấy nét xa, mức độ giảm này tương đương khi ống kính bắt đầu gặp nhiễu xạ (khép khẩu quá sâu) và có xu hướng làm sắc sai tăng lên một chút.
Mặc dù trong thí nghiệm này mình không sử dụng LA-EA2 nhưng chúng ta có thể trông đợi kết quả tương tự với ngàm chuyển này. Để đạt hiệu quả hình ảnh cao nhất với các ống kính ngàm A loại cũ này, tốt nhất các bạn nên sử dụng ngàm LA-EA3 (chỉ lấy nét tay được) hoặc sử dụng ngàm chuyển MF như mình sử dụng trong thí nghiệm này (khoảng 500 nghìn đồng) để tiết kiệm chi phí, còn nếu bạn cần lấy nét tự động thì LA-EA4 sẽ có ảnh hưởng không thực sự đáng kể tới chất lượng hình ảnh nếu bạn dùng để chụp chân dung hay chi tiết ở khoảng cách gần nhưng mức độ giảm có thể nhận thấy nếu bạn dùng ống kính góc rộng, lấy nét ở xa.

Cần lưu ý thêm là với LA-EA4, do hệ thống cảm biến AF nằm riêng nên ống kính của bạn sẽ có thể bị front focus hoặc back focus giống như khi dùng trên máy DSLT. Nếu phát hiện thấy vị trí điểm lấy nét đồng loạt bị dịch chuyển lên phía trước hoặc lùi lại phía sau thì các bạn có thể dùng chức năng AF Micro Adj. trong máy ảnh Sony ngàm E để chỉnh lại focus. Cân chỉnh focus này sẽ được máy lưu lại nên lần sau sử dụng cùng một ống kính thì máy sẽ tự động cân lại focus. Thêm nữa là lớp kính mờ này các bạn cần cẩn thận đừng để chạm tay vào vì khi bị bẩn không thể lau bằng cách thông thường (sẽ làm kính bị xước rất dễ) nên khi kính bị bụi các bạn hãy dùng bơm tay để thổi bụi chứ không được dùng khăn hay tăm bông. Gương bị bụi bám không làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng hình ảnh nhưng nếu gương mờ này bị hỏng hoặc lỗi, các bạn có thể thay gương mới.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: