Blog Post

Vsion Quick Review - Du lịch với RX100 Mark III - Bé mà chất

Jan 05, 2018

Máy ảnh Compact, máy ảnh PnS (Point and Shoot) hay máy ảnh phổ thông là những cụm từ có lẽ rất quen thuộc đối với đại đa số cộng đồng trong những năm 1990 hay 2000. Đó là thời điểm mà sự phổ biến của DSLR hay Mirrorless vẫn là những thứ xa xỉ ít có ai biết đến. Trên thực tế, cụm từ hay thao tác "ngắm và chụp" (Point and Shoot) thật ra vẫn rất phổ biến hiện nay, đó là sự "đơn giản" cần thiết để chụp một bức ảnh đẹp với số đông, những người "không quá quan tâm" đến nhiếp ảnh. Những chiếc Compact vẫn có chỗ đứng nhất định, những chiếc Smartphone vẫn là những "máy ảnh" thuận tiện nhất, và kể cả những siêu phẩm đắt đỏ ngày nay cũng dần tối giản hóa, cố gắng đem lại trải nghiệm đơn giả nhưng cho ra những bức hình xuất sắc nhất, và những thiết bị đạt được cái yêu cầu tưởng chừng như dễ dàng đó lại có những mức giá cao ngất ngưởng (ví dụ như Leica Q hay RX1R mark II).

Nói lan man như vậy với mục đích chính là hôm nay, người viết muốn chia sẻ một chút trải nghiệm của bản thân với một sản phẩm không hề mới, nhưng vẫn rất tốt và thực sự thú vị, chiếc máy ảnh Compact Sony RX100 Mark III.

RX100 mark III không hề lạ, không hề mới. Chiếc máy đã được ra mắt từ năm 2014. Cho đến thời điểm hiện tại, RX100 series đã tiến đến đời thứ V, với một số cải tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, RX100 mark III vẫn được đánh giá là chiếc máy đáng giá nhất trong RX100 series. Lý do vì sao thì mời các bạn cùng theo dõi lại bảng so sánh các thông số chính nổi bật giữa các thế hệ RX100 dưới đây:


Thông số kỹ thuật

Sony RX100 I

Sony RX100 II

Sony RX100 III

Sony RX100 IV

Sony RX100 V

Ngày ra mắt

06/06/2012

27/06/2013

28/05/2014

10/06/2015

06/10/2016

Loại cảm biến

CMOS

BSI CMOS

BSI CMOS

Stacked CMOS

Stacked CMOS

Chip xử lý hình ảnh

Bionz

Bionz

Bionz X

Bionz X

Bionz X

Lấy nét theo pha

Không

Không

Không

Không



Số điểm lấy nét theo
pha

N/A

N/A

N/A

N/A

315 điểm

Tiêu cự ống kính

28-100mm

28-100mm

24-70mm

24-70mm

24-70mm

Khẩu độ ống kính

f/1.8-f/4.9

f/1.8-f/4.9

f/1.8-f/2.8

f/1.8-f/2.8

f/1.8-f/2.8

Filter ND tích hợp

Không

Không







Tốc độ màn trập tối đa

1/2000 sec

1/2000 sec

1/2000 sec

1/32000 sec

1/32000 sec

EVF

N/A

Có thể lắp thêm

1.44 Million Dot EVF

2.36 Million Dot EVF

2.36 Million Dot EVF

Trọng lượng

240g

281g

290g

298g

299g

Kích thước

102×58×36mm

102×58×38mm

102×58×41mm

102x58x41mm

102x58x41mm

Nhìn vào bảng thông số, có thể thấy RX100 mark III chính là sự cải tiến đột phá so với thế hệ I, II, và những thế hệ đàn anh cũng không có quá nhiều tiến bộ vượt bậc so với thế hệ III này. RX100 mark III đã bắt đầu có EVF tích hợp, với ống kính dải tiêu cự vàng 24-70mm f/1.8 - f/2.8. Chip xử lý hình ảnh nâng cấp lên Bionz X và ND filter tích hợp.

Có lẽ nên làm rõ một quan điểm thế này, và người viết tin rằng sẽ có nhiều bạn nhất trí với ý kiến này. RX100 series là dòng máy ảnh có cảm biến 1 inch, tức là trong thế giới nhiếp ảnh hiện tại, ở trong những dòng máy phổ biến, cảm biến này chỉ to hơn điện thoại của bạn một chút, và bé hơn cảm biến Micro Four Thirds (M43) của Olympus và Panasonic danh tiếng. Bản thân người viết qua trải nghiệm dòng cảm biến M43 cũng cảm giác sự cải tiến giữa các thế hệ về chất lượng hình ảnh là không thực sự rõ ràng và dễ nhận ra với người dùng phổ thông, vậy thì với loại cảm biến nhỏ hơn, có lẽ chất ảnh giữa RX100 mark I và mark III hay mark V có lẽ cũng không thực sự nổi bật... Đây cũng là ý kiến của rất nhiều người dùng là fan trung thành của RX100 series này. Họ là người dùng phổ thông, và cũng có cả những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhiều người vẫn giữ RX100 mark I như là một phương án backup và cảm thấy không thực sự cần thiết phải nâng cấp lên Mark V để làm gì cả.

RX100 có đủ những thông số bạn cần ở 1 chiếc PnS và không kém cạnh gì so với Mark V, trừ tốc độ AF, cảm biến "mới" hơn một chút và EVF đẹp hơn. Vì vậy, RX100 mark III là sản phẩm "đáng tiền" nhất ở thời điểm này, trên quan điểm của người viết, nếu như bạn muốn trải nghiệm RX100 series.

Cũng phải nói thêm rằng, tuy là một chiếc máy Compact, nhưng RX100 series có mức giá không hề rẻ. Với mức giá luôn khá cao, ở mức khoảng 20 triệu đồng cho một sản phẩm mới mỗi khi ra mắt, RX100 dường như đang hướng đến những người dùng "cao cấp" và "chuyên nghiệp" một chút. Tuy nhiên, một khi đã sờ vào một chiếc máy PnS, công việc của bạn là cực kỳ đơn giản, dù bạn có amateur đến đâu hay chuyên nghiệp đến thế nào đi nữa, người viết tin là RX100 có thể đem đến trải nghiệm xứng đáng. "You get what you paid for" !. Với dân pro, họ sẽ quý trọng những gì mà một chiếc máy nhỏ như RX100 có thể làm được, với dân amateur, giơ lên chụp thì thấy "đẹp hơn iPhone nhiều" mà màu mè thì chả kém máy to là mấy!

Một điểm cộng cực lớn, RX100 có lẽ là chiếc máy duy nhất bạn có thể đút túi quần và đem đến sự tiện lợi không ngờ. Không một chiếc máy nào với ống kính rời có thể đút vừa túi quần bò của bạn mà không cảm thấy khó chịu, chắc chắn là như vậy. Kể cả những chiếc máy M43 nhỏ gọn cùng với những ống kính Pancake, đút vào túi quần chắc chắn sẽ cộm, và không thoải mái. Chắc chắn bạn sẽ không gặp vấn đề gì với RX100, chỉ như đút thêm một chiếc điện thoại mà thôi. Ngoài RX100, chiếc máy khác có thể đút vừa túi quần của bạn là chiếc Ricoh GR danh tiếng, với cảm biến APSC to hơn 1 inch rất nhiều, tuy nhiên lại là ống kính fix 28mm, không phải là zoom tiện lợi như RX100.

Sự nhỏ gọn của RX100 là một tiện lợi, nhưng cũng là một sự đánh đổi, là kích cỡ đổi lấy chất lượng hình ảnh, chắc chắn rồi. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu du lịch, upload Facebook, bạn sẽ không cần gì hơn ngoài chất lượng ảnh rất OK của RX100.

Trong chuyến công tác qua Mexico vừa rồi, người bạn đồng hành chính của người viết chính là chiếc RX100 mark III này, cùng với chiếc máy Olympus E-M10 mark II . Tuy nhiên, số thời gian rút E-M10 ra chụp rất ít, chính vì cái dải tiêu cự quá đa dụng của RX100, dải tiêu cự không thể tuyệt vời hơn cho du lịch/sự kiện.

Màu sắc từ RX100 mark III rất đặc trưng với chất Carl Zeiss và Sony, trung thực, sắc nét, màu sắc tươi tắn rất phù hợp với chụp phong cảnh và du lịch.

*Hầu hết các bức ảnh đều được xử lý lại ánh sáng với các thông số cơ bản qua Lightroom Mobile CC, không can thiệp sâu vào màu sắc. Bạn có thể vào đường link sau để xem ảnh với độ phân giải cao nhất*

Phải nói một lợi thế của máy Compact và PnS, chính là không ai quá quan tâm đến việc bạn đang chụp họ, không có sự e ngại như khi sử dụng DSLR hay các dòng Mirrorless khác to hơn một chút.

RX100 thật sự nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay, thao tác một tay khá dễ dàng. Hệ thống Menu của RX100 thì y hệt như những chiếc máy Sony khác, kể cả dòng cao cấp là Sony A7 series. Tuy nhiên, người viết nhận thấy một điểm trừ của RX100 chính là khi thao tác bằng một tay, chúng ta rất dễ vô tình tác động đến vòng xoay điều hướng ở đằng sau máy. Nếu bạn thiết lập chế độ nào đó cho vòng xoay này (mặc định là chỉnh ISO) thì khi chụp rất dễ vô tình thay đổi các giá trị thiết lập trên máy, khá là khó chịu. Người viết đã phải tắt không cài đặt bất kỳ chế độ nào cho vòng xoay này.

RX100 cho hình ảnh với độ chi tiết rất tốt với cảm biến 1 inch. Các bức ảnh Black & White qua Creative Style trên máy cũng ấn tượng, không kém các dòng máy Sony cao cấp hơn. Phải nói ống kính Carl Zeiss đã đóng vai trò lớn ở đây.

Dải màu của RX100 đối với người viết là rất ấn tượng với cảm biến 1 inch, các màu sắc được thể hiện tốt, tái tạo tốt và trở nên rất đẹp chỉ qua vài bước xử lý cơ bản qua Lightroom. Người viết có tham khảo một số ý kiến của bạn bè chuyên chơi Landscape, RX100 trong một số trường hợp còn có khả năng tái tạo màu và ánh sáng tốt hơn cả cảm biến M43.

Đáng nói ở đây, trong toàn bộ chuyến đi, RX100 được người viết sử dụng ở chế độ Intelligent Auto (tự động hoàn toàn). Khả năng đo sáng tốt, ít khi thừa hay thiếu sáng, và đặc biệt là máy hoạt động hết sức thông minh, khi gặp các trường hợp chênh sáng mạnh, chế độ HDR chụp Bracketing 3 tấm sẽ tự động bật để cho ra một bức ảnh JPEG đầy đủ vùng sáng tối, có Dynamic Range cao nhất có thể. Máy cũng luôn bắt nét chính xác bất kể là vật tĩnh hay chủ thể chuyển động nhanh. Một lợi thế của cảm biến nhỏ là khoảng DOF rất dày, nên nhiều khi không cần chú ý đến khẩu độ ống kính. Với cảm biến 1 inch thì lo lắng về dof với RX100 là rất thừa thãi. Một chiếc máy tiện lợi dành cho du lịch và ảnh đường phố.

Một ưu điểm nữa của RX100 Mark III, là thời lượng pin thật sự rất ổn, đối với một chiếc máy PnS. Di chuyển hết toàn bộ một ngày trời người viết chỉ tốn khoảng 1.5 cục pin, chụp khoảng 500-600 shot. Pin của RX100 mark III rất bé, các bạn có thể mua Pin Wasabi để backup, sử dụng rất tốt và thời lượng gần tương đương với Pin zin.

Thử nghiệm khả năng quay video của RX100 cho ra kết quả khá tốt. RX100 Mark III có khả năng quay video 1080p, chất lượng phải nói là tuyệt so với một chiếc máy nhỏ gọn như thế này.

Vậy, tóm lại, bạn cần gì ở một chiếc máy PnS? Đối với người viết, có lẽ không có chiếc máy PnS nào xuất sắc hơn RX100 series, và có lẽ không có chiếc máy nào hợp lý hơn RX100 Mark III. Với mức giá 8-10 triệu đồng tùy tình trạng, bạn có thể sở hữu chiếc máy có đầy đủ tất cả các tính năng cần thiết nhất cho nhu cầu du lịch và chụp ảnh thông thường. Hoạt động xuất sắc, chất lượng ảnh tốt, đủ nhu cầu cơ bản và quan trọng là cực kỳ đơn giản dễ sử dụng. Một chiếc máy vô cùng phù hợp cho ảnh đường phố, ảnh du lịch, và hoàn toàn có thể nhét vừa vào trong túi quần, túi áo, những chiếc túi nhỏ xinh của chị em phụ nữ đi Cafe chụp ảnh selfie, hay cặp xách sang trọng của những quý ông công sở mang theo bên mình khi cần thỏa mãn đam mê ngoài công việc mà không cần vác nặng cồng kềnh.

Xu hướng sử dụng máy ảnh tí hon không hề chết, vẫn có những sự cạnh tranh, vẫn có thị phần rộng lớn chỉ là marketing kém hơn và ít tập trung hơn mà thôi. "To" đương nhiên là tốt, nhưng "bé" không có nghĩa là "không đủ" .

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được biên tập bởi P.N.
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: