Blog Post

Đánh giá Sony FE 85mm f/1.8 (ePHOTOzine)

Mar 10, 2017

Vsion xin giới thiệu với các bạn bản dịch bài đánh giá ống kính Sony FE 85mm f/1.8 của trang ePHOTOzine. Đây là trang web có uy tín trong đánh giá ống kính và máy ảnh và các bài đánh giá của ePHOTOzine dựa trên các chỉ số đo đạc và khả năng sử dụng thực tế của thiết bị. Trong bài này chúng tôi dịch lại phần nội dung chính của bài đánh giá cùng một số ảnh chọn ra từ ảnh do ePHOTOzine cung cấp. Bài viết gốc các bạn có thể đọc bằng cách click vào link này để xem nhiều ảnh tham khảo chất lượng cao hơn.

Sony giới thiệu ống kính FE 85mm f/1.8 là một lựa chọn giá rẻ trong dòng ống kính FE của hãng. Ống kính mới này phù hợp với dòng máy ảnh full frame không gương lật A7 và cũng có thể dùng trên các máy ảnh APS-C (crop) để có góc nhìn tương đương của ống kính 127.5mm trên máy ảnh full frame. Trên thị trường hiện nay có một số ống kính 85mm rất tốt nên hãy xem khả năng của ống kính Sony mới này ra sao. Bài đánh giá được thực hiện bằng máy ảnh Sony Alpha A7R II.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT

Bảng thông số kỹ thuật của ống kính:

Sony FE 85mm f/1.8
Hãng sản xuất Sony
Loại ống kính Full frame AF
Ngàm ống kính FE (ngàm E sử dụng chung cho máy APS-C và full frame)
Tiêu cự ống kính 85mm
Khẩu độ lớn nhất f/1.8
Góc nhìn (full frame) 29°
Khẩu độ nhỏ nhất f/22
Vòng chỉnh khẩu Không có
Motor lấy nét Double linear motor
Cách lấy nét Internal (di chuyển thấu kính trong)
Lấy nét tay full time Có (có thể xoay vòng lấy nét ngay cả khi đang AF)
Số lá khẩu 9 lá khẩu
Thiết kế thấu kính 9 thấu kính / 8 nhóm
Thấu kính đặc biệt Thấu kính tán xạ rất thấp ED
Chống rung trên ống kính Không có
Ghi chú khoảng cách, DOF trên ống kính Không có
Nút khóa AF trên ống kính Có (có thể dùng cho các chức năng khác như Eye AF)
Khoảng cách lấy nét gần nhất 0.80 m
Tỷ lệ phóng đại cao nhất 0.13 x
Khối lượng 371 g
Đường kính 78 mm
Chiều dài 82 mm
Đường kính filter 67 mm
Chống bụi, nước Có (nhưng không phải 100%)
Giá bán $ 598
Thời điểm bắt đầu bán Tháng 3 / 2017

THIẾT KẾ BÊN NGOÀI VÀ MỨC ĐỘ THUẬN TIỆN KHI SỬ DỤNG

Sony FE 85mm f/1.8 là một ống kính lớn nhưng khá nhẹ ở mức 371g. Hood che dạng tròn gắn vừa vặn chính xác vào thân ống kính ở vị trí vòng gắn filter 67mm. Vòng lấy nét điện tử nằm ngay phía sau với khả năng điều chỉnh mượt mà. Ống kính có thể lấy nét gần tới 0.8m (hoặc 2.63 feet). Ở khoảng cách này, khả năng phóng đại tối đa ống kính có thể đạt được là 0.13x tức là đủ gần với một ống kính chân dung chụp gần. Đây là yếu tố quan trọng do 85mm là tiêu cự ống kính truyền thống cho chụp chân dung. Do ống kính có hệ thống lấy nét DMF (Direct Manual Focus - lấy nét tay trực tiếp), chức năng AF có thể được can thiệp bất cứ lúc nào bằng vòng lấy nét tay.

Khả năng lấy nét của ống kính chính xác, nhanh và êm nhờ hệ thống lấy nét tuyến tính kép (double linear motor) là hệ thống điều khiển trực tiếp không tiếng động có thể loại bỏ việc sử dụng bánh răng điều khiển.

Gần với phía máy ảnh, ống kính được trang bị nút chuyển AF/MF và nút giữ nét khi sử dụng AF. Đây cũng là yếu tố điều khiển cuối cùng được thiết kế trên thân ống kính, cũng có nghĩa là không có thang khoảng cách lấy nét hay thang chỉ độ dày DOF.

Ống kính được thiết kế với 9 thấu kính nằm trong 8 nhóm, bao gồm một thấu kính ED (Extra Low Dispersion - thấu kính có độ tán xạ rất thấp). Thiết kế này có phần đơn giản hơn các ống kính hiện nay. Trong ống kính có vòng khẩu gồm 9 lá khẩu nhằm mục đích tạo dạng vòng khẩu tròn khi khép khẩu. Đặc điểm này có thể cải thiện chất lượng bokeh của ống kính và đây cũng là một điểm quan trọng trong chụp chân dung. Ống kính cũng được chế tạo để chống bụi và độ ẩm (đây cũng là một đặc điểm luôn luôn được chào đón với tất cả các loại ống kính).

Mặc dù chúng ta có thể đạt tới tiêu cự 85mm bằng nhiều ống kính zoom nhưng nhìn thế giới qua góc nhìn của ống kính 85mm với khẩu độ lớn luôn có một cái gì đó rất đặc biệt. Khoảng cách chụp với tiêu cự này đạt mức lý tưởng cho chụp chân dung và các thể loại chụp gần khác, trong đó phần hậu cảnh được làm mờ để tách biệt chủ thể. Xét tới đặc điểm khuôn mặt thì đây là khoảng cách có ít biến dạng mặt hay các đặc điểm trên khuôn mặt được nén xuống và khoảng cách này cũng đủ gần để tiếp cận với mẫu.

Đây là một ống kính 85mm tuyệt vời trong thao thác sử dụng.

* Vsion: Để dễ hình dung về ống kính ở bên ngoài, các bạn có thể xem video sau:

CHẤT LƯỢNG ỐNG KÍNH

Độ sắc nét rất tuyệt vời và đạt tới mức chúng ta có thể trông đợi ở một ống kính 85mm kiểu mẫu. Ở tâm hình, kết quả đánh giá của chúng tôi đạt được mức rất tốt ở f/1.8. Độ nét vẫn được cải thiện ở f/2.8 và đạt mức cao nhất từ f/4 tới f/8. Ngay cả khi hạ khẩu xuống f/11 và f/16, độ nét vẫn rất cao, mặc dù có phần giảm ở f/22 nhưng vẫn ở mức rất tốt.

Chi tiết ở vùng rìa hình cũng không hề kém cạnh khi duy trì độ nét cao từ f/1.8 tới f/11. Độ nét rìa vẫn rất tốt ở f/16 và chỉ giảm và có phần mờ đi ở f/22. Rõ ràng là độ nét có thể đạt được với thiết kế quang học đơn giản và chúng tôi không thấy có bất cứ thỏa thuận nào về chất lượng hình ảnh.

BẢNG MTF

* Vsion: Hình trên là biểu đồ MTF do ePHOTOzine cung cấp. Kết quả được đo trên phần mềm Imatest bằng ảnh chụp trên máy A7R II và được biểu diễn bằng đơn vị LW/PH (line widths/picture height - chiều rộng các đường thẳng chia cho chiều cao hình). Cột xanh da trời là độ nét tâm hình còn cột xanh lá cây là độ nét rìa hình. Các bạn có thể thấy hai cột nét có giá trị rất gần nhau và đây là chất lượng khá hiếm gặp. Nếu các bạn chưa biết cách đọc biểu đồ MTF thì có thể click vào đây để đọc bài hướng dẫn của Vsion.

QUANG SAI MÀU (SẮC SAI)

Quang sai màu (hay vẫn gọi đơn giản là hiện tượng "viền tím") được kiểm soát khá tốt ở tâm hình, tuy nhiên có thể nhận thấy ở vùng rìa hình. Với nhiều mẫu chụp khác nhau thì phần viền tím này không đáng chú ý, tuy nhiên nếu có cũng có thể khử dễ dàng bằng xử lý hậu kỳ.

* Vsion: Trong bảng đo quang sai màu của ePHOTOzine, cột màu đỏ biểu thị độ dày trung bình của phần viền tím ở tâm hình (tính bằng pixel) còn cột màu xanh lá cây là phần viền tím ở rìa hình. Thông thường khi hạ khẩu thì viền tím có phần giảm, tuy nhiên trong trường hợp này hiện tượng quang sai màu lại nặng hơn ở khẩu độ nhỏ.

Khả năng chống lóa (flare) có thể nói là "gót chân Achilles" của ống kính này. Chụp thẳng hướng nguồn sáng sẽ làm độ tương phản giảm mạnh khá dễ dàng. Không có biểu hiện rõ ràng của hiện tượng phản chiếu ánh sáng giữa các thấu kính hoặc bóng sáng (ghost / image artefacts) nhưng rõ ràng là chụp ngược sáng làm chất lượng ảnh giảm và đục.

Khả năng kiểm soát méo của ống kính rất tốt và gần như hoàn hảo (ở mức 0.01% méo lõm, nhưng có thể coi là xấp xỉ 0). Nếu bạn dùng ống kính này để chụp kiến trúc thì chắc sẽ rất hài lòng với nó.

Bokeh là đặc điểm của vùng ngoài mặt phẳng lấy nét. Chất lượng bokeh của ống kính này rất tốt và mịn màng.

Ống kính này không có chức năng chống rung Steady Shot do nó đã nằm trong các máy ảnh đời mới của Sony. Với ống kính này và máy ảnh Sony Alpha A7R II bạn có thể lợi một vài stop chống rung. 85mm là tiêu cự tele khá trung bình nên phần lớn ảnh chụp review không sử dụng chức năng Steady Shot mà dùng tripod khi cần.

ẢNH MẪU

* Vsion: để download ảnh chất lượng cao, các bạn cần click vào link [DOWNLOAD HI-RES] ở dưới mỗi hình. Chúng tôi chỉ chọn ra một số ảnh mẫu từ trang web ePHOTOzine nên các bạn có thể xem bài viết gốc với link chúng tôi cung cấp ở đầu bài để xem nhiều ảnh mẫu hơn).

Tại f/1.8

Chân dung tại f/2

Chân dung tại f/2.2

* Vsion: Ngoài vấn đề chụp ngược sáng yếu và viền tím nhẹ ở vùng biên hình, ống kính FE 85mm f/1.8 làm chúng ta nhớ tới ống kính SEL 50mm f/1.8 OSS Sony chế tạo cho máy APS-C với chất lượng hình ảnh cao và mức giá khá dễ chịu. Từ những đánh giá ban đầu, có vẻ như FE 85mm f/1.8 cũng sẽ là một lựa chọn giá rẻ tuyệt vời cho người sử dụng chưa có đủ điều kiện tài chính để mua Batis 85mm f/1.8 hay ống kính GM 85mm f/1.4. Dpreview cũng đã có một loạt ảnh mẫu với ống kính này, các bạn có thể tham khảo tại đây.

Dr. Fox
Bài viết được biên tập bởi Dr. Fox
Nghiêm cấm sử dụng lại trên các trang web và ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: