Blog Post

Triển lãm công nghệ Photo & Imaging 2018 tại Seoul

Apr 20, 2018

Photo & Imaging (P&I) là triển lãm công nghệ thường niên của Hàn Quốc để giới thiệu các sản phẩm nhiếp ảnh mới và giúp người dùng có trải nghiệm thực tế thiết bị. Năm nay, P&I được diễn ra ở thủ đô Seoul như thường lệ và có nhiều công ty của Hàn Quốc như Samyang, SMDV và các công ty lớn trên thế giới như Canon, Sony, Sigma đều góp mặt với những sản phẩm mới ra mắt như Sony A7iii, Canon M50, các ống kính Sigma Art mới, hay thậm chí các công ty Trung Quốc như Laowa, K&FConcept cũng tham gia để mở rộng thị trường. Trong khi tiêu điểm của triển lãm lần này là sự kiện ra mắt A7 mark III của Sony và chương trình trải nghiệm thiết bị của Canon, khá nhiều các sản phẩm mới đã được mang đến triển lãm để người dùng có cơ hội trải nghiệm thực tế.

Dưới đây là một số hình ảnh được mình ghi nhận lại trong ngày đầu tiên của triển lãm cùng những nhận xét sơ bộ về một số sản phẩm mới xuất hiện trong triển lãm lần này. Điều đặc biệt là trong bài viết mình sẽ cung cấp khá nhiều ảnh lấy thẳng từ máy ảnh (có thể chỉnh độ sáng một chút cho phù hợp) cùng ảnh RAW chụp từ máy ảnh A7 mark II để các bạn có thể tự nghiên cứu và có đánh giá của riêng mình. Do điều kiện chụp thử nghiệm rất giới hạn nên chất lượng "nghệ thuật" của ảnh sample không được cao, mong các bạn thông cảm.

Một số hình ảnh từ triển lãm

Sony A7 mark III

Như trong bài viết giới thiệu về Sony A7 mark III, các bạn cũng đã ít nhiều biết về khả năng của chiếc máy ảnh đang gây sục sôi cho thị trường này, và Hàn Quốc cũng không phải ngoại lệ khi đây là sự kiện thu hút nhiều người tham dự nhất.

Qua thời gian ngắn trải nghiệm với A7iii tại triển lãm, mình nhận thấy điều ấn tượng nhất về khả năng của chiếc máy này là tốc độ bắt nét, nhất là khả năng EyeAF có thể theo mắt của mẫu từ khoảng cách vài chục mét và lia máy liên tục nhưng AF vẫn track được khuôn mặt chính xác. Bên cạnh đó màn hình LCD phản ứng khá nhạy với cảm ứng chạm giúp người dùng chuyển vị trí lấy nét được rất nhanh, kết hợp với nút điều hướng (joystick) nên ngay cả khi đang dùng ống ngắm thì việc điều chỉnh vị trí AF cũng rất dễ dàng. Dung lượng buffer lớn giúp ảnh chụp liên tục vẫn có thời gian ghi thẻ nhớ nhanh và mình có thể xem luôn ảnh chứ không mắc vấn đề như A7Rii. Chức năng silent mode cũng là một điểm quan trọng giúp chiếc máy bớt gây chú ý khi tác nghiệp và giảm độ rung do màn trập cơ. Tuy nhiên khi so sánh với các mẫu máy khác như A7Riii và A9 thì màn hình của A7iii có phần không tươi và sắc nét bằng. Ra mắt vào gần thời điểm, A7Riii vẫn thể hiện khả năng phản ứng nhanh hơn A7iii một chút trong điều kiện thử nghiệm tại triển lãm, mặc dù hai chiếc máy này đều là những lựa chọn rất tuyệt vời hiện nay.

Dưới đây là ảnh sample mình chụp bằng FE GM 24-70mm f/2.8. Đây là chiếc máy duy nhất mình có thể lấy file ra nên góc nhìn rất giới hạn, chỉ chụp được những gì có ở ngay xung quanh, tuy nhiên ảnh hoàn toàn có thể tham khảo được. Khả năng khử noise của A7iii rất tốt, hoàn toàn sử dụng được ở ISO10000 và thậm chí ở ISO51200 có thể bạn sẽ không nhận ra noise ở cỡ ảnh nhỏ.

Hiện tượng banding gây ra do chụp dưới ánh sáng nhân tạo (đèn huỳnh quang) hay các nguồn sáng không liên tục mặc dù không thể khử hoàn toàn ở A7iii nhưng khi sử dụng màn trập điện tử ở tốc độ màn trập cao 1/5000 giây, hiện tượng banding cũng chỉ xuất hiện ở mức độ nhẹ nhờ chức năng anti-flickering.

Một số ảnh sample khác từ GM 24-70mm f/2.8 chụp bằng A7iii

Các ống kính Samyang

Thời gian gần đây Samyang đã vượt khỏi thị trường ống kính lấy nét tay cho máy ảnh DSLR và bắt đầu sản xuất các ống kính AF cho Sony ngàm E, thậm chí Canon EF, cùng các ống kính lấy nét tay chất lượng cao (XP). Gần đây nhất, Samyang ra mắt FE 35mm f/1.4 cho máy ảnh không gương lật Sony ngàm E, cùng phiên bản 14mm f/2.8 có khả năng AF với máy ảnh Canon DSLR.

Samyang AF FE 35mm f/1.4 (Sony full frame)

Samyang AF FE 35mm f/1.4 cho chất lượng ảnh sắc nét và bokeh mịn từ f/1.4. Ống kính này đã được so sánh với phiên bản đắt tiền hơn là Zeiss FE 35mm f/1.4 với chất lượng quang học rất gần Zeiss và khả năng AF tốt hơn hẳn các phiên bản FE AF trước đó Samyang từng làm. Độ nét của ống kính đạt mức tốt từ f/1.4 và cao hơn phiên bản MF cho máy DSLR. Qua thực tế kiểm tra tại quầy của Samyang thì ống kính này có khả năng lấy nét nhanh ngay cả trong điều kiện ánh sáng hơi yếu, rất hiếm khi ống kính bị "hunting" không lấy được nét. Khi lấy nét motor ống kính có tạo tiếng ồn nhưng rất nhỏ, chỉ ghé sát hoặc khi quay video mới để ý thấy. Về chất lượng ảnh, các bạn có thể tự đánh giá bằng ảnh RAW download ở dưới mỗi ảnh. Các ảnh chụp đều là ảnh JPEG lấy thẳng từ máy A7ii.

Samyang AF FE 50mm f/1.4 (Sony full frame)

Phiên bản FE AF 50mm f/1.4 trước đó Samyang làm thì mặc dù có chất lượng quang học tốt (rất ít quang sai, độ nét tốt từ f/1.4) nhưng tốc độ lấy nét lại tệ nhất trong số các ống AF Samyang từng làm. Trong điều kiện triển lãm ống bị "hunting" nhiều và ngay cả khi tưởng chừng lấy nét đúng rồi thì ảnh vẫn không đạt đúng ví trị AF mong muốn. Vì vậy khi sử dụng ống kính này, mình khuyến cáo không nên sử dụng trong điều kiện ánh sáng yếu. Có thể các máy ảnh thế hệ sau A7ii có khả năng AF tốt hơn sẽ khắc phục nhược điểm này của Samyang AF FE 50mm f/1.4.

Samyang XP 50mm f/1.2 (ngàm Canon EF full frame)

Dòng ống kính XP (viết tắt của eXPpert) là dòng ống kính có chất lượng quang học cao nhất của Samyang. Sau phiên bản XP 85mm f/1.2 dành cho các máy DSLR thì Samyang tiếp tục giới thiệu XP 50mm f/1.2. Ống kính này có thể sử dụng với máy ảnh Sony qua ngàm chuyển AF từ Canon sang Sony như MC-11 (dùng để chỉnh khẩu độ). Qua kiểm nghiệm, quả thực ống kính có chất lượng rất tốt, đặc biệt là khi so với các ống kính 50mm f/1.2 vốn từng xuất hiện trên thị trường (chủ yếu là các ống kính máy film). Độ nét cao từ f/1.2 nhưng XP 50mm f/1.2 không có hiện tượng viền glow như các lens máy film cũ. Mặc dù chất lượng quang học rất tốt nhưng kích thước lớn và khối lượng cao của ống kính này sẽ gây trở ngại không ít cho các bạn khi cần lấy nét trong khoảng DOF cực mỏng.

Samyang AF FE 14mm f/2.8 (Sony full frame)

Phiên bản AF FE 14mm f/2.8 cho máy ảnh Sony full frame của Samyang có chất lượng quang học khá gần với phiên bản lấy nét tay dành cho các máy DSLR. Tuy nhiên chất lượng của ống kính này đã được cải thiện hơn như khả năng chống flare và độ méo hình được kiểm soát tốt hơn trông thấy. Samyang 14mm f/2.8 phiên bản lấy nét tay gặp vấn đề rất trầm trọng về độ méo hình (dạng phức hợp rất khó sửa), nhưng ở phiên bản AF này thì mức độ méo hình đã giảm nhiểu và dạng cong của ống kính này chỉ ở dạng barrel đơn thuần (méo thùng) có thể sửa dễ dàng trong quá trình hậu kỳ. Tuy nhiên đây là ống kính AF đầu tiên Samyang sản xuất nên khả năng AF còn chưa nhanh và chính xác (vẫn nhanh hơn AF FE 50mm f/1.4).

Samyang AF EF 14mm f/2.8 (Canon full frame)

Đây là phiên bản 14mm f/2.8 Samyang công bố gần đây nhất (để cạnh tranh với Canon 14mm f/2.8L) có khả năng AF với máy Canon DSLR. Ống kính này khi mình dùng MC-11 vẫn có thể lấy nét rất nhanh trên A7ii. Ngoài độ nét cao, tốc độ AF tốt hơn thì ống này cũng có độ méo được kiểm soát tốt nhất trong số các ống 14mm Samyang chế tạo, tương tự như phiên bản XP 14mm.

Samyang XP 14mm f/2.4 (Canon full frame)

Đây là phiên bản 14mm có chất lượng quang học cao nhất do Samyang chế tạo và đồng thời cũng có khẩu độ lớn nhất trong số các ống kính 14mm trên thị trường hiện nay (f/2.4). Độ nét và mức tương phản của ảnh chụp bằng XP 14mm f/2.4 cao hơn các phiên bản 14mm f/2.8 khác của Samyang, tuy nhiên mức độ cong hình và mức độ tối góc của ống kính này cũng khá giống bản AF EF 14mm f/2.8 mình vừa nhắc tới ở trên.

Ống kính FE 28-75mm f/2.8 Di III RXD của Tamron

Mới gần đây Tamron đột ngột giới thiệu ống kính FE 28-75mm f/2.8 dành cho Sony không gương lật ngàm E. Đây là ống kính full frame zoom ngàm E đầu tiên trên thị trường do một hãng thứ ba chế tạo. Mặc dù mức giá hiện nay chưa công bố nhưng Tamron rất tập trung quảng cáo cho ống kính này với chất lượng được cho là không thua kém GM 24-70mm f/2.8 của Sony. Tại P&I 2018, Tamron có khá nhiều máy Sony A9 gắn với ống kính 28-70mm này cho người dùng thử nghiệm, tuy nhiên hãng không cho phép lấy ảnh về thẻ nhớ nên mình chỉ có thể đánh giá được qua những gì quan sát trên máy ảnh.

Nhận xét sơ bộ là ống kính rất nhỏ nhẹ, dễ mang vác hơn hẳn GM 24-70mm f/2.8 của Sony. Tốc độ lấy nét của ống kính này tương tự Samyang AF FE 35mm f/1.4, khá nhanh nhưng chưa tới mức của các ống kính Sony ngàm FE. Qua đối chiếu với hình ảnh chụp bằng GM 24-70mm f/2.8 thì mình có thể thấy quả nhiên chất lượng ống kính này hoàn toàn có thể so sánh được. Khả năng ống kính sẽ được bán ra với mức giá thấp dưới $1000.

Các ống kính Batis do Zeiss hợp tác với Sony

Không được chú ý nhiều do các ống kính này đã có mặt trên thị trường khá lâu, nhưng quầy của Zeiss cũng cho phép người dùng thoải mái thử nghiệm các ống kính Batis và Milvus của hãng. Bốn ống kính Batis 18mm f/2.8, 25mm f/2, 85mm f/1.8 và 135mm f/2.8 đều đạt độ nét cao ngay từ khẩu độ lớn nhất và bokeh mịn, tuy nhiên sau khi test nhanh mình nhận thấy ống kính 25mm là ống kính bị sắc sai rõ nhất (mặc dù chỉ quan sát được với chi tiết có độ tương phản cao như ảnh chụp ngược sáng) và ống kính 135mm lấy nét khá chậm, tỷ lệ lấy nét sai không nhỏ (có lẽ do số lượng thấu kính lớn).

Batis 18mm f/2.8

Batis 25mm f/2

Batis 85mm f/1.8

Batis 135mm f/2.8

Các ống kính Milvus của Zeiss

Các ống kính Milvus là phiên bản hiện đại mà Zeiss làm lại các ống kính cổ điển của hãng nhưng không "cầu toàn" như dòng Otus nên kích thước và khối lượng của các ống kính Milvus vẫn có phần "khiêm tốn" hơn với hy sinh không nhiều về chất lượng quang học. Tại triển lãm mình được dùng thử Milvus 35mm f/1.4 và 25mm f/1.4. Cả hai ống kính này đều có chất lượng rất xuất sắc từ ngay khẩu độ f/1.4, tuy nhiên cả hai ống kính đều rất nặng nên ngoài việc phải cân nhắc chi phí đầu tư lớn, bạn cần có đôi tay chắc khỏe để dùng được các ống kính này.

Milvus 35mm f/1.4

Milvus 25mm f/1.4

Tokina FE Firin 20mm f/2

Mặc dù không phải là mới nhưng Tokina Firin FE 20mm f/2 có vẻ không được quan tâm nhiều do mức giá khá cao (hơn 15 triệu đồng) và là ống kính lấy nét tay. Phiên bản AF cho Sony full frame cũng được giới thiệu trong triển lãm lần này nhưng rất tiếc mình không được thử nghiệm. Tuy thế, với thời gian ngắn trải nghiệm với ống kính Firin 20mm f/2, mình nhận thấy chất lượng ống kính này rất xứng đáng với mức giá cao. Độ nét từ f/2 của Firin có thể nói là thuộc mức cao nhất, tương đương các ống kính Zeiss mà mình mới thử nghiệm. Ngoài ra, Firin cũng kiểm soát méo tốt nên bạn không phải lo về vấn đề này khi chụp cảnh.

Các ống kính của Laowa

Mang tới triển lãm lần này, Laowa của Trung Quốc giới thiệu dàn ống kính Zero-D góc rộng có độ méo hình xấp xỉ 0, bao gồm FE Zero-D 12mm f/2.8 (cùng Magic Shift converter để chuyển thành ống kính Shift), 15mm f/2 và 9mm f/2.8 (dành cho máy ảnh APS-C không gương lật). Rất tiếc là gian hàng của Laowa không có phiên bản 9mm f/2.8 cho Sony nên mình chỉ thử được 2 ống kính 12mm và 15mm.

Laowa FE Zero-D 15mm f/2

Quả thực độ méo của ống kính này rất thấp (rất giống Batis 18mm f/2.8 nhưng với góc nhìn rộng hơn) và độ nét cao từ f/2. So với ống kính IRIX 15mm f/2.4 mình đang dùng thì ống kính này có độ nét tương đương từ khẩu lớn nhất nhưng có độ méo hình được kiểm soát tốt hơn (tương đương với mức giá cao hơn).

Laowa FE Zero-D 12mm f/2.8 và Magic Shift converter

Phiên bản 12mm cũng có độ méo hình được kiểm soát tốt không hề kém phiên bản 15mm. Ngoài ra Zero-D 12mm f/2.8 còn được trang bị một adapter đặc biệt do Laowa thiết kế gọi là Magic Shift Converter (MSC) hay mới đây được đổi tên thành Magic Format Converter (MFC) cho phép ống kính 12mm f/2.8 chuyển thành ống kính 17mm f/4 Shift.

Laowa Magic Shift Converter

Với mức giá khá cao cho converter (hơn 6 triệu đồng) khiến người dùng có thể hoài nghi về thiết bị này, nhưng khi cầm thử nghiệm thì mình có thể hiểu được mức giá đề xuất. Shift converter được thiết kế rất chắc chắn và chính xác. Nếu các bạn đã từng dùng các ống kính Tilt Shift như của Canon và Samyang, chắc hẳn bạn sẽ hài lòng với thiết bị này do cơ chế xoay và đẩy thấu kính được làm để người dùng sử dụng rất thuận tiện. Chỉ cần xoay một núm vặn, bạn có thể quyết định độ lỏng của phần trên thấu kính và đẩy đi bằng lực của tay, hoặc chỉ cấn một nút bấm, bạn có thể xoay cả cụm thấu kính 180 độ dễ dàng để thay đổi chiều chỉnh góc nhìn. Với thiết bị này, ống kính 12mm trở nên rất phù hợp với chụp kiến trúc do góc nhìn được chỉnh thẳng lại mặc dù người chụp không đứng ở vị trí cao. Một yếu tố quan trọng của ống kính Shift là ở giới hạn shift ống kính cần giữ được độ phân giải cao và không bị tối góc. Do tích hợp teleconverter vào thiết bị này nên phần rìa ảnh không hề bị soft và cũng chỉ bị tối góc nhẹ như trong thử nghiệm bên dưới.

Các ống kính Sigma Art

Ở triển lãm lần này, Sigma cũng chiếm một khu vực lớn ngay sát Canon và cung cấp dịch vụ sửa, cân chỉnh ống kính ngay tại triển lãm. Lần này Sigma mang tới tất cả các ống kính Art, bao gồm cả các ống kính Art FE với ngàm cho Sony full frame mirrorless. Tuy nhiên, người dùng không được phép sử dụng máy ảnh của mình hay mang ảnh về. Sigma cũng giới thiệu hai ống kính mới nhất là Art 70mm f/2.8 Macro và 105mm f/1.4 Macro, nhưng không có phiên bản ngàm FE. Được thử nghiệm các phiên bản ngàm FE với A7ii và A7Riii, mình nhận thấy tốc độ các ống kính tiêu cự ngắn từ 50mm trở xuống rất tốt trên A7ii (mặc dù khó phân biệt được với ống kính ngàm Canon dùng qua ngàm MC-11 do mình không được thử nghiệm cùng lúc). Một điều quan trọng là với ống kính Art FE này thì người dùng A7ii có thể lấy nét cho tới sát rìa màn hình chứ không phải chỉ giới hạn trong vùng PDAF như khi dùng ngàm MC-11. Tốc độ di chuyển AF từ xa vô cùng tới lấy nét rất gần đều trong vòng nửa giây và rất hiếm khi có hiện tượng "hunt" do không lấy được nét. Nếu bạn sử dụng quen các ống kính Sony AF thì có thể nhận thấy là các ống kính này lấy nét với cách di chuyển "mượt" hơn mà không đột ngột chuyển sang mặt phẳng nét như các ống native. Mặc dù sử dụng A7Riii nhưng ống kính Art 135mm f/1.8 FE lại lấy nét khá chậm và khó bắt nét chính xác (chắc chỉ nhỉnh hơn Samyang AF FE 50mm f/1.4), có lẽ do có quá nhiều thấu kính trong ống kính này mà động cơ không đủ khả năng điều khiển nhanh. Do "vô tình" nên mình đã dùng ống kính 135mm này với A7ii và giữ lại được 1 hình sample các bạn có thể tham khảo ở dưới.

Lưu ý : để đọc được file RAW của A7iii, các bạn phải dùng phiên bản mới nhất của CameraRAW download từ đây.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: