Blog Post

Bạn cần gì ở những ống kính cổ điển? (vintage lenses - manual focus/mf lenses)

Dec 18, 2016

Đối với mỗi người chơi ảnh, ai trong chúng ta dù mới bắt đầu với môn nghệ thuật này cũng đã biết và chứng kiến rất nhiều thay đổi trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Chúng ta đã chứng kiến nhiều tiến bộ vượt bậc trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh; từ sự phát triển của những chiếc camera, sự ra đời ngày của những ống kính mới xuất sắc, hay phương pháp hậu kỳ “ảo diệu” ngày càng xuất hiện nhiều.

Tuy nhiên, mặc cho những tiến bộ vượt bậc về mặt công nghệ trong những chiếc máy ảnh, rất nhiều nhiếp ảnh gia – đặc biệt là dân sưu tầm (hay gọi vui thời nay là máy ảnh gia) – vẫn rất quan tâm và đầu tư khá nhiều tiền cho những thân máy và ống kính cổ điển. Trên thực tế, có khá nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn sử dụng những ống kính này trong công việc của mình cho đến tận ngày nay. Và đặc biệt với sự phát triển của dòng máy ảnh không gương lật (mirrorless), việc sử dụng những ống kính cổ điển trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, cộng đồng sưu tầm ống kính "quay tay" (manual focus - hay gọi tắt là mf lens) cũng phát triển mạnh cùng với những tính năng hỗ trợ ngày càng tốt hơn trên những chiếc camera thế hệ mới.

Vậy bạn đã từng thử sử dụng qua những ống kính cổ điển, ống kính "quay tay" này chưa? (sau đây chúng tôi xin phép gọi tắt là ống kính MF). Xin chia sẻ một cách thành thực, BQT Vsion là những "con nghiện" của dòng ống kính này. Qua bài viết, chúng tôi muốn chia sẻ cho các bạn quan điểm của mình khi tiếp cận với dòng ống kính MF. Bạn cần gì ở những ống kính MF, sử dụng như thế nào, cách chụp hiệu quả nhất, và có thể tìm mua ở những đâu? Chúng tôi hy vọng có thể góp phần giúp đỡ mọi người tìm hiểu thêm về kho báu đang dần bị lãng quên này.

TẠI SAO BẠN NÊN TRẢI NGHIỆM VÀ SỬ DỤNG ỐNG KÍNH MF?

  • Đa phần có giá thành rẻ, hay phải nói là rất rẻ so với những gì mà những chiếc ống kính này có thể mang lại. Bạn có thể bỏ ra khoảng trên dưới 2 triệu VNĐ cho một ống kính 50mm f/1.4 (VD: Canon FD SSC 50mm f/1.4 khoảng 1.5 triệu, Zuiko hoặc Takumar khoảng 2.5 triệu...). Những ống kính này có thể cho ra kết quả bằng khoảng 80-90% so với ống kính Zeiss 55mm f/1.8 FE danh tiếng, với mức giá vào khoảng 15-16 triệu vào thời điểm hiện tại. Với số tiền như vậy, bạn hoàn toàn có thể mua được một bộ ống kính MF đầy đủ tiêu cự từ 24mm đến 300mm.
  • Có quá nhiều lựa chọn. Số ống kính MF có thể lên đến hàng nghìn ống kính, từ những ống rất "cổ" với nhiều đặc điểm độc đáo, đến những ống kính hiện đại có hiệu năng cao.
  • Nhiều ống kính cổ có đặc điểm quang học khá thú vị giúp người dùng có thể tạo những hiệu ứng hay như các dạng bokeh, flare khác nhau hay tận dụng trường nét cong để làm mờ những vùng không mong muốn.
  • Có những ống kính 30 năm tuổi nhưng chất lượng còn tốt hơn so với ống kính hiện đại. Đương nhiên cũng có rất nhiều ống kính hiện đại tốt hơn ống kính MF cũ, nhưng câu chuyện ở đây là có những ống MF một tiêu cự có độ nét còn tốt hơn những ống zoom hiện đại đắt tiền.
  • Ống kính MF được thiết kế đẹp và chắc chắn hơn hẳn so với ống kính hiện đại với nhiều chi tiết điện tử và thiết kế quang học không thực sự chắc chắn. Có một thực tế là khá nhiều hãng đã phải hy sinh bớt chất lượng quang học của ống kính khi chuyển từ hệ thống MF lên AF vì phải cân bằng giữa chức năng ống kính và phần điện tử điều khiển lấy nét.
  • Giữ giá tốt hơn ống kính hiện đại. Khi bạn bán một chiếc ống kính MF, bạn sẽ không bị lỗ quá nhiều. Giá của những ống kính MF hiện tại là không có quá nhiều thay đổi, đôi khi bán lại khi bạn còn có lãi.
  • Việc "quay tay" lấy nét có thể rất thú vị... Cái này tuỳ thuộc vào tuỳ trường hợp, và tuỳ từng sở thích cá nhân, nhưng thực sự là một số người thích cơ chế lấy nét bằng tay hơn là lấy nét tự động. Điều này cũng giống như việc sử dụng máy film so với máy kỹ thuật số, đôi khi người chụp cần nhiều thời gian hơn để chụp một tấm ảnh thì người ta cũng cẩn thận hơn khi chọn góc nhìn, điểm nét, thời điểm ấn nút chụp.

BẠN NÊN CÂN NHẮC NHỮNG GÌ KHI SỬ DỤNG ỐNG KÍNH MF?

  • Bạn sẽ phải tự chỉnh các thông số khi chụp, về khẩu độ, thiết lập tốc độ chụp và ISO để có được mức phơi sáng hợp lý. Bạn sẽ phải tự lấy nét bằng tay. Những công đoạn này sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn dành cho một bức hình, nhưng thực tế, nó sẽ giúp bạn cải thiện rất nhiều về mặt kỹ thuật.
  • "Quay tay" thì chậm hơn lấy nét tự động (MF vs AF). Sau khi trải nghiệm một thời gian, bạn sẽ thấy lấy nét bằng tay không khó như bạn tưởng, tuy nhiên nếu so với lấy nét tự động thì sẽ không tiện lợi bằng.
  • Không có kết nối điện tử giữa máy ảnh và ống kính. Như vậy bạn sẽ không có thông tin EXIF chính xác về khẩu độ, tiêu cự. Như vậy cũng sẽ dẫn đến máy ảnh không nhận dạng được ống kính và những tinh chỉnh về méo hình (distortion) hay quang sai (chromatic) sẽ không được tự động ứng dụng lên file JPEG xuất ra từ máy.
  • Không có chống rung trên ống kính. Điều này thì chắc chắn rồi. Công nghệ chống rung không xuất hiện trên các ống kính lấy nét bằng tay. Điều này có thể gây bất tiện đôi chút, nhất là với những ống kính to và nặng.
  • Lớp phủ chống phản quang (lens coating) trên ống kính đã cũ và ít còn tác dụng. Nhiều ống kính sẽ có độ tương phản thấp khi bạn có nguồn sáng mạnh chiếu thẳng vào khuôn hình của mình. Tuy nhiên điều này còn tuỳ thuộc vào từng hãng, và độ tuổi của ống kính.

VẬY NHỮNG CHIẾC ỐNG KÍNH 30 NĂM TUỔI NÀY CÓ TỐT HAY KHÔNG?

Có, chắc chắn là như vậy. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm, có những ống kính cổ điển có thể cho ra những bức hình có độ nét cực kì tốt. Dưới đây là một số ví dụ:

Đương nhiên không phải tất cả các ống kính MF đều tốt như vậy, tuy nhiên đây là một số kinh nghiệm Vsion muốn chia sẻ khi sử dụng những ống kính đời cũ này:

  • Có rất nhiều ống kính MF rẻ tiền đáp ứng được độ phân giải của cảm biến 24mp phổ biến hiện nay. Một số có thể hoạt động tốt kể cả trên những cảm biến 42 MP của Sony A7RII.
  • Độ nét trung tâm tại f/2 hay f/2.8 của nhiều ống kính là rất tốt, tuy nhiên độ nét ở rìa lại không được tốt lắm, và điều này thì hiệu quả kém hơn hẳn so với ống kính đời mới. Nếu bạn khép khẩu độ xuống f/5.6-f/8 thì độ nét của các ống kính cải thiện rất rõ rệt, nét toàn ảnh từ tâm đến rìa.
  • Độ nét ở rìa ảnh không tốt không thực sự là một vấn đề quan trọng. Khi bạn chụp ở f/2 chẳng hạn để lấy được độ sâu trường ảnh mỏng (dùng cho chụp chân dung hay tĩnh vật...), chắc chắn những chi tiết vùng rìa sẽ không phải là những chi tiết bạn thường quan tâm. Còn khi chụp ảnh phong cảnh, để có được độ nét trên toàn bức ảnh, chắc chắn bạn sẽ phải khép khẩu độ xuống f/8 mà thôi.
  • Ống kính zoom đã cải thiện rất nhiều trong những thập kỷ qua. Ống zoom MF đa phần đều không quá xuất sắc. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp ngoại lệ đặc biệt, ví dụ như ống kính Minolta 35-70mm f/3.5 có độ nét rất tốt, trong vài trường hợp còn tốt hơn cả Zeiss 24-70mm f/4. Zeiss vẫn có lợi thế hơn về độ tương phản.

Một yếu tố quan trọng bạn nên cân nhắc khi sử dụng ống kính MF, là những ống kính MF có thể cho ra những loại bokeh rất độc đáo mà ống kính đời mới không thể nào có được. Bạn có thể tham khảo Bài viết về các loại bokeh đã được chúng tôi tổng hợp tại đây.

Ống kính có "cá tính" và "chất riêng độc đáo" quan trọng hơn là độ nét. Và điều này thì các ống kính MF lại làm rất tốt. Tương phản thấp có thể được cải thiện bằng hậu kỳ rất dễ dàng, nhưng những hiệu ứng đặc biệt khi chụp tại khẩu lớn nhất với ống kính MF có thể đem lại những "cá tính" và "sự sáng tạo thú vị" với bức ảnh của bạn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẤY NÉT KHI SỬ DỤNG ỐNG KÍNH MF?

Hiện nay, 3 hệ máy không gương lật phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại là Sony, Fuji và Olympus/Panasonic (Micro four thirds hay MFT). Tất cả các dòng máy này đều có chức năng hỗ trợ lấy nét với ống kính MF rất tốt. Vsion xin được hướng dẫn các bạn cách lấy nét khi sử dụng ống kính MF trên Sony, là hệ thích hợp nhất có thể tận dụng hết được khả năng của những ống kính này, với những lý do sau:

  • Sony có A7 series với cảm biến Fullframe có thể tận dụng hệ ống kính MF chuẩn xác nhất, do tất cả các ống kính MF cũ đều được thiết kế sử dụng cho máy film 135, nên khi lắp trên thân máy Sony, độ dài tiêu cự được giữ nguyên không thay đổi.

  • Sony có hệ thống chống rung hỗ trợ với tất cả các ống kính lắp trên thân máy.

  • Các chức năng hỗ trợ lấy nét của Sony rất tốt, đi kèm với ống ngắm EVF với độ trễ cực thấp giúp cho việc lấy nét dễ dàng hơn nhiều.

Focus Magnifier

Khi bạn chụp phong cảnh hoặc các chủ thể không chuyển động, bạn có thể sử dụng chức năng Focus Magnifier của Sony. Sử dụng chức năng này sẽ giúp bạn đảm bảo gần như 100% bức ảnh của bạn sẽ đạt được độ nét chuẩn xác nhất, nhưng sẽ tương đối chậm nếu so với các kỹ thuật khác. Cơ chế hoạt động: khi bạn ấn một phím chức năng được cài đặt cho Focus Magnifier, một hình chữ nhật màu cam sẽ xuất hiện. Bạn có thể di chuyển hình chữ nhật này ra xung quanh để vào điểm mà bạn muốn lấy nét.

Khi bạn ấn nút lần 2, khu vực lựa chọn sẽ được phóng to, bạn có thể dễ dàng xoay vòng lấy nét và quan sát xem bức hình đã đạt được độ nét 100% hay chưa:

Bạn có thể thiết lập chế độ Focus Magnifier lên bất kỳ nút chức năng nào (Fn). Thiết lập gốc của chức năng này được đặt ở nút C1. Bạn có thể cài đặt lại chức năng này theo cách sau:

Vào Menu / Biểu tượng hình bánh xe / Trang 6 / Custom Key Settings /(Lựa chọn nút bạn mong muốn) / Lựa chọn Focus Magnifier.

Focus Peaking

Focus peaking là một chức năng khác của Sony để hỗ trợ cho việc lấy nét. Khi xoay vòng lấy nét, các vùng nét trên bức ảnh sẽ dần dần được đánh dấu bằng các màu như đỏ, trắng hoặc vàng.

Tuy nhiên chế độ Focus Peaking này không đạt được độ chính xác cao và chắc chắn như Focus Magnifier. Kinh nghiệm sử dụng Focus Peaking cho thấy, rất nhiều trường hợp mặc dù đã đánh dấu khu vực nét, nhưng thực ra bức ảnh chỉ “gần nét” và không được “chuẩn nét” tuyệt đối như sử dụng chức năng zoom và lấy nét.

Focus peaking có thể được sử dụng để chụp những chủ thể chuyện động với tốc độ cao, tiết kiệm thời gian để có được nhiều bức ảnh hơn. Tuy nhiên, trên quan điểm của người viết, nếu bạn muốn những bức hình có độ nét chính xác cao thì Focus Peaking không thực sự đáng tin cậy cho lắm.

Trên máy Fujifilm X và Olympus/Panasonic MFT chế độ Focus peaking và Focus Magnifier cũng được sử dụng với đôi chút khác biệt và riêng với máy MFT bạn còn có thể tắt bật Focus peaking bằng nút ngay trên thân máy để nhìn chi tiết được rõ khi lấy nét. Với máy Fujifilm, bạn còn có thể có thêm lựa chọn khác là lấy nét bằng màn hình Digital split screen trên các máy như X-T1, X-E2...

Digital split screen

Digital split screen là hình thức lấy nét mô phỏng điện tử các máy ảnh chụp film ngày trước. Với cách này, điểm lấy nét bạn chọn sẽ được phóng đại qua một khung hình chữ nhật ở giữa màn hình. Khung hình này được chia thành những mảng hình nằm cạnh nhau và chỉ khi bạn lấy nét chuẩn thì chúng mới ghép lại thành một hình liên tục và khung hình sẽ nháy lên với viền màu để báo là bạn đã lấy nét chính xác. Độ chính xác của phương pháp này có khi còn cao hơn Focus peaking nhưng cũng hoàn toàn phụ thuộc kinh nghiệm của người sử dụng.

KẾT LUẬN

Thực tế việc lấy nét bằng tay rất dễ để làm quen và luyện tập. Sau một thời gian, rất nhiều người thích và tin tưởng việc lấy nét bằng tay hơn vì nó đem lại cảm giác chắc chắn hơn với chất lượng và độ chính xác của bức ảnh. Nhìn lại chặng đường lịch sử của nhiếp ảnh, có lẽ cũng phải 3/4 quãng thời gian phát triển, công nghệ lấy nét tự động chưa được ra đời cơ mà.

Bạn sẽ cần ngàm chuyển cho mỗi loại ống kính. Hiện nay có một số loại ngàm phổ biến trên thị trường: Minota ngàm MD, Canon FDn/SSC ngàm FD, Nikon ngàm F/AI/G, Carl Zeiss, Takumar ngàm m42, ngàm Contax Yashica, Olympus Zuiko ngàm OM, Pentax ngàm K… Những ngàm chuyển này có thể mua rất dễ dàng tại các cửa hàng Phụ kiện với giá thành chỉ khoảng 200-300k cho một chiếc ngàm. Nếu bạn chưa quen với việc này thì bạn có thể tham khảo bài viết của chúng tôi ở đây.
Giá thành rẻ, chất ảnh riêng biệt mà không ống kính hiện đại nào có, có lý do gì ngăn cản bạn thử "quay tay" một lần cho biết hay không? Dễ nghiện lắm đấy!!!

Dr. Fox – P.N.
Bài viết do Dr. Fox hợp tác với P.N. thực hiện
Không sử dụng lại bài viết trên các trang web khác nếu không được sự đồng ý của các tác giả
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: