Blog Post

A7S vs Fuji X-T1 vs OM-D E-M1! Cuộc chiến của các cảm biến

Jan 08, 2017

Đây là một bài so sánh đã cũ của Steve Huff nhưng rất hay và đáng để tham khảo, tóm lược những điểm mạnh, điểm yếu của 3 hệ cảm biến, 3 nhãn hiệu máy ảnh không gương lật đình đám trên thị trường hiện tại. Đây là cuộc đấu giữa Olympus OM-D E-M1, Fujifilm X-T1 và Sony A7s, cuộc đấu của cảm biến Micro 4/3, APS-C và Full Frame. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng kết quả từ mỗi khía cạnh so sánh đều là ý kiến chủ quan của Steve Huff, hãy dùng chính những bức ảnh bạn thấy trong bài viết này để tham khảo và đưa ra cảm nhận từ chính bản thân mình.

Độ nét, chống rung, màu sắc, chi tiết, ảnh B&W, ISO sẽ là những tiêu chí đánh giá trong bài viết này.

  • Steve để cho camera tự đo sáng, sử dụng AWB.
  • Steve tự chọn khẩu độ trên mỗi camera để có được độ sâu trường ảnh tương đồng khi so sánh một số tiêu chí.
  • Tripod được sử dụng để đem lại sự tương đồng về vị trí, góc nhìn và loại bỏ ảnh hưởng từ việc chụp tay.
  • Các bức ảnh được convert trực tiếp từ file RAW, sử dụng Adobe Camera RAW.
  • E-M1 sử dụng ống kính Panasonic Leica 25mm f/1.4, Fuji X-T1 sử dụng 35mm f/1.4 và Sony A7S sử dụng CZ 55mm f/1.8.
  • Sony A7S được sử dụng chứ không phải A7ii hay A7. A7S có cảm biến 12mp, gần với cảm biến của Fuji và Olympus hơn, tuy nhiên nó cũng sẽ giới hạn khả năng của A7S trong một số trường hợp.

Chụp cầm tay với tốc 1/60, đánh giá chất lượng ảnh tổng quát.

Steve lựa chọn camera có chất lượng ảnh tổng thể tốt nhất ở 1/60 là Olympus E-M1, lấy độ nét và màu sắc làm tiêu chí.

Lý do E-M1 thắng trong bài test này do Steve đưa ra là nhờ hệ thống chống rung 5 trục, Steve có thể chụp tốt trong điều kiện ánh sáng yếu hơn với mức ISO thấp. 2 hệ máy còn lại phải đẩy ISO lên một chút.

Chụp bằng Tripod, so sánh chi tiết trong ảnh – Chụp tại cùng khẩu độ

Một lần nữa Steve lại chọn Olympus là kẻ chiến thắng.

3 camera được chụp tại F4. Đây là một bài test so sánh chi tiết chứ không so sánh về DOF nên tất cả được đặt tại cùng khẩu độ, chụp với một mặt phẳng. Giá trị ISO là 200. Tất cả được chụp trên tripod tại cùng một vị trí.

Chụp tại khẩu độ lớn nhất – So sánh DOF

Đương nhiên Fullframe sẽ dễ dàng chiến thắng ở hạng mục này. Tuy nhiên, một số người sẽ thích DOF dày hơn một chút như với cảm biến Micro 4/3 và APS-C mà vẫn giữ được tốc độ chụp cần thiết. Hơn nữa, với Fullframe bạn sẽ khó lấy nét chuẩn hơn khi DOF quá mỏng. Tuy nhiên, nếu chụp chính xác, vẻ đẹp từ Fullframe là không thể bàn cãi.

Xin các bạn lưu ý ở đây. Trên quan điểm của Steve chia sẻ, việc có DOF mỏng không phải do ảnh hưởng từ cảm biến lớn hay nhỏ mà là do tiêu cự ống kính. Ống kính có tiêu cự càng dài thì DOF càng mỏng. Olympus có tiêu cự 25mm, Fuji là 35mm và Sony là 55mm. Tất cả đều cho cùng một góc nhìn, nhưng mỗi ống kính có một hiệu ứng tiêu cự về DOF khác nhau, đó là lý do bạn thấy Sony có DOF mỏng hơn. Còn sự khác biệt về DOF giữa Fuji và Olympus là không đáng kể.

Ảnh B&W

Với bài test này, Steve chụp ảnh màu trước rồi mới chuyển sang B&W sử dụng preset Alien Skin B&W.

Đối với Steve, Olympus lại một lần nữa chiếm được thiện cảm lớn nhất. Trên quan điểm của ông, ảnh B&W từ Olympus gần với ảnh từ Leica Monochrom nhiều nhất. Nhiều tông xám, và có các chi tiết tại vùng đen nhiều hơn. Fuji đứng thứ 2 trong bài test này và Sony thứ 3. Olympus cho nhiều tông xám nhất ở đây.

Thêm một trường hợp so sánh nữa. Olympus vẫn chiến thắng theo quan điểm của Steve nhưng 2 camera còn lại cũng không kém. Olympus cho ra nhiều chi tiết nhất trong bức ảnh này.

Màu sắc

Tất cả các bức ảnh đều được convert từ RAW và không bị ảnh hưởng bởi cài đặt trên camera. Các bức ảnh được chụp ngoài trời với ánh nắng trực tiếp.

Ví dụ đầu tiên là về sự chính xác của màu sắc. Steve cho biết, khi nhìn trên thực tế hộp bút chì màu và nhìn vào trong các bức ảnh, Sony cho ra màu thật nhất, Olympus xếp thứ 2 và Fuji thứ 3.

Một ví dụ khác, lần này phần thắng thuộc về Fuji, Olympus xếp ngay sau. Ảnh từ Sony hơi bị ám vàng trong trường hợp này.

Ví dụ cuối, chụp trên bãi cỏ vào buổi sáng. Lần này thì màu sắc, ánh sáng và highlight của Olympus được Steve lựa chọn. Fuji xếp thứ 2.

Chụp chân dung

Trong bài test này Steve lại lựa chọn Olympus. Theo Steve, AWB của Sony khá tệ ở đây khi cho ra tông màu hơi lạnh. Fuji cho ra màu sắc có phần "hơi quá" và "hoàn toàn sai màu".

Các bức ảnh được chuyển sang B&W sử dụng preset VSCO T-Max. Fuji có độ tương phản tốt nhất, đẹp hơn ảnh màu rất nhiều. Olympus vẫn khá ổn và có phần trung tính, ảnh từ Sony cũng rất đẹp. 3 hệ cảm biến khác nhau nhưng kết quả ra thì không khác nhau là mấy.

Dynamic Range

Độ nhạy sáng (Dynamic Range) từ cả 3 camera là tốt. Olympus E-M1 có độ nhạy sáng tương đối ngang ngửa với Fuji X-T1, khoảng 12.7 stop DR. File RAW của Fuji có thể hậu kỳ trong khoảng từ 9 đến 13 stop DR, Sony có 13.2 stop. Olympus thể hiện rất ấn tượng nếu so với kích cỡ cảm biến của mình. Nhưng trên thực tế, Fullframe chắc chắn vẫn sẽ có ưu thế hơn hẳn. Phía dưới là một ví dụ về vùng highlight bị cháy sáng, Steve đã cứu lại vùng highlight trên từng camera. Sony thể hiện tốt nhất ở đây.

Chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, ISO cao

Chắc chắn Sony sẽ dành phần thắng, không có nghi ngờ gì cả. Một điều thú vị Steve cho biết là Olympus cho ra nhiều chi tiết nhất ở ISO cao. Fuji thì lại cho ảnh kém chi tiết nhất, có lẽ là do chế độ NR tự động của Fuji, bạn không thể tắt đi hay can thiệp được, kể cả trên file RAW. Lưu ý là chế độ NR được tắt trên tất cả các máy.

Trong trường hợp này, Fuji có vẻ cho ra kết quả tốt hơn cả A7S, nhưng nên nhớ A7S có thể đặt ISO lên đến 102,000. Kể cả chụp tại ISO 32,000 Sony A7S cũng cho ra kết quả rất tốt. Fuji và Olympus chắc chắn không làm được.

KẾT LUẬN

Mọi người vẫn luôn nghi ngờ khả năng của cảm biến Micro 4/3 nhưng rõ ràng kết quả của những bài test là rất thú vị. Xin lưu ý là Olympus E-M1 có thiết kế và độ hoàn thiện rất tốt, tốt hơn Fuji X-T1 rất nhiều, từ độ bền, chất lượng vòng xoay hay nút bấm. Chất lượng thiết kế của Fuji là tệ nhất trong 3 camera.

Steve chia sẻ, đối với ông E-M1 cho cảm giác vận hành như một chiếc "máy chuyên nghiệp", Fuji thì như "đồ chơi". Sony cũng rất chắc chắn và không có cảm giác "rẻ tiền" nhưng không thể so lại với Olympus. Tuy nhiên, Sony A7II là một bản nâng cấp từ A7 và có thiết kế "ngang ngửa" với E-M1.

Tất cả những hạn chế về chất lượng ảnh với hệ cảm biến Micro 4/3 có thể dễ dàng bỏ qua với những công nghệ tuyệt vời mà Olympus có. E-M1 không chỉ là một chiếc máy ảnh tuyệt vời, mà sử dụng nó cũng rất "sướng", hay như Steve gói gọn trong một từ - FUN - thú vị. Fuji thì không có được thiện cảm như vậy (vòng xoay rất dễ bị điều chỉnh, thay đổi chế độ chụp khá khó chịu S-CL-CH, cần gạt và vòng xoay có cảm giác rẻ tiền...). Sony không có gì để chê trách trừ chế độ AWB không thực sự tốt.

Tóm lại, cả 3 camera đều rất tuyệt vời và sự lựa chọn nằm ở sở thích của mỗi cá nhân. Nhất là khi hậu kỳ, đôi khi điểm yếu và điểm mạnh lại không còn quá quan trọng.

Kết quả bài so sánh: Olmypus có 6 chiến thắng, Sony có 4 và Fuji chỉ có 1. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm quan của Steve còn mỗi người đọc có thể có kết luận của riêng mình. Đây không phải là "SỰ THẮNG THUA", cái quan trọng là "BẠN THÍCH CÁI NÀO HƠN" mà thôi.



Bài viết gốc: stevehuffphoto

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được dịch bởi P.N.
Các bạn có thể liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: