Blog Post

Canon EOS R – Lý do tôi bán chiếc Leica của mình

Feb 28, 2019

Bắt đầu với một tiêu đề như vậy có lẽ là “hơi quá” và mang tính chất câu view, tuy nhiên, hãy để tôi chia sẻ với bạn lý do tôi sở hữu chiếc EOS R, chiếc máy nhận được khá nhiều “review không tích cực” cho đến thời điểm hiện tại.

Với một chuỗi nghỉ dài những ngày tết vừa qua, tôi chỉ sử dụng chiếc Leica M6 và một số chiếc máy film khác để chụp ảnh. Điều đó khiến cho kết thúc đợt nghỉ, tôi chợt nhận ra chiếc máy thân yêu Leica MP-240 của mình đã nằm trong tủ từ khá lâu rồi. Có lẽ đã gần nửa năm, tôi không chụp được những bức ảnh ưng ý với nó. Lý do có thể do tôi đã chuyển sang chơi film một cách nghiêm túc hơn, bị dấn sâu vào thế giới của những chiếc máy “không ngắm được ảnh sau khi chụp” , với những bức hình “không cần phải hậu kỳ nhưng đầy cảm xúc” . Vấn đề duy nhất khi chụp film là bạn sẽ phải đợi file scan tráng, và ảnh của bạn phụ thuộc khá nhiều vào máy scan và trình độ tráng của lab mà bạn chọn. Lý do thứ hai, có lẽ là do tôi bắt đầu cảm thấy khó chấp nhận những điều hạn chế từ Digital Leica hơn. Bao gồm Auto White Balance kém, đặc biệt trong điều kiện thiếu sáng, Dynamic Range thì không cao so với những sản phẩm xuất hiện gần đây, và quan trọng là, một khi bạn đã dấn sâu vào chơi film, lúc bạn sờ đến chiếc máy số, bạn sẽ đòi hỏi nó nhiều hơn đối với một công cụ backup nhằm chụp được những bức ảnh có ngay lập tức. Tôi bắt đầu nhớ việc sử dụng EVF, và đặc biệt là autofocus, để có thể chụp được cô con gái đáng yêu của mình một cách dễ dàng mà không phải rình rập.

Và như thế, tôi bắt đầu có suy nghĩ thử tìm kiếm một chiếc máy Mirrorless khác, để thay thế, để làm một người bạn đồng hành khác trong quãng thời gian tới.


Có quá nhiều lựa chọn ở thời điểm hiện tại, với Nikon Z6-Z7, Sony A7 mark III, A7 R Mark III, Canon EOS R, hay sắp tới có Panasonic S1 và S1R nữa. Lựa chọn logic nhất có lẽ là Sony A7 mark III, với giá cả và tính năng tuyệt vời. Nhưng tôi đọc được ở đâu đó, rằng hiện nay, EVF của Canon EOS R có lẽ chỉ thua mỗi Leica SL mà thôi. Tôi thực sự tò mò, vì với trải nghiệm bản thân, Leica SL vẫn là chiếc máy có EVF tuyệt vời nhất cho đến nay, nhưng giá bán và giá ống kính của nó vẫn thực sự là một rào cản để sở hữu. Vậy 2nd best EVF camera sẽ như thế nào? Hãy để tôi chia sẻ những đánh giá của mình với các bạn.

Đây sẽ không phải là một đánh giá đi sâu vào các thông số, cấu hình, khả năng của máy qua những bài test chuyên sâu về mặt kỹ thuật. Đây là một bài chia sẻ trải nghiệm và đánh giá về chiếc máy qua một tuần sử dụng. Như mọi khi, tôi luôn đánh giá một sản phẩm thiên về hướng cảm xúc và ứng dụng trên thực tế. Những bài đánh giá cụ thể về kỹ thuật và thông số cho đến nay của EOS R có rất nhiều trên mạng, từ những trang đánh giá hàng đầu uy tín mà bạn có thể tham khảo. Tôi hy vọng có thể đem đến cho bạn những góc nhìn khác, tích cực hơn về chiếc máy này. Cho đến thời điểm này, đây không phải là một chiếc máy được đánh giá cao.

Tôi sẽ nói ngay về ấn tượng ban đầu của mình với Canon EOS R, đó chính là cảm giác cầm nắm và thiết kế. Tôi quyết định đi “sờ thử” chiếc máy tại Techspot. Và may mắn được anh chủ bóc hộp một chiếc máy để ngắm nghía. Sau khi mở hộp và chính thức được đặt nó vào lòng bàn tay, đó là một cảm giác cực kỳ khó tả, một cảm giác mà đã lâu tôi mới cảm nhận khi cầm một chiếc máy. EOS R cho bạn một cảm giác cầm nắm tuyệt vời, thực sự tuyệt vời. Nó rất vừa vặn với bàn tay ( bàn tay của tôi thuộc dạng khá to, với ngón tay dài nên đa phần cầm các body mirrorless sẽ có cảm giác cấn và hụt ngón tay ). “It just feels f***ing right” , đó là suy nghĩ chính xác của tôi khi cầm máy lên. Là một người sử dụng Sony A7 series trong vòng 4 năm trời, tôi đã thực sự cảm thấy thiết kế của Sony bắt đầu trở nên “quá nhàm chán” , không có gì thay đổi, không đem lại cảm giác mới mẻ mặc dù chất lượng và tính năng của máy thì có cải thiện khá nhiều. Canon EOS R cho một cảm giác hoàn toàn mới trong lòng bàn tay và tôi thấy nó “vừa tay”“thân thương đến lạ kỳ” . Rất ít khi tôi có một cảm giác như vậy. Tin tôi đi, EOS R đẹp hơn khi bạn nhìn trên ảnh rất nhiều, và bạn phải thực sự cầm nó trên tay để cảm nhận thay vì chỉ đọc review trên mạng và xem những bức ảnh so sánh.

Không cần suy nghĩ nhiều, không cần phải bật máy lên. Tôi đã quyết định mua luôn chiếc EOS R về để sử dụng. Một phút quyết định có lẽ là quá vội vàng, và cảm tính. Nhưng một khi bạn đã yêu, đôi khi bạn phải có một chút liều và máu để thực sự tận hưởng được tình yêu đó, phải không nào? Với lại chúng ta hay có câu “cưới vợ phải cưới liền tay” cơ mà!

Đây là một chiếc máy có thiết kế hiện đại thực sự. Màu sắc của máy hơi ngả màu titan sang trọng, các nút bấm nảy, có vị trí đặt khá logic và đầy đủ. Phía trên của máy có LCD giống Fuji XH1 và Leica SL, rất bắt mắt và trông rất hiện đại. Tôi không thích phần LCD trên XH1 vì nó khá to, cũng như thiết kế của XH1, quá to đối với một chiếc máy có cảm biến APS-C. Nhưng LCD của EOS R thì lại vừa phải và các thông số cũng hiển thị khá hấp dẫn. Phần grip của máy, một từ thôi, tuyệt vời. Grip không quá to, nhưng đủ sâu để đặt các ngón tay cho cảm giác cầm nắm chắc chắn, sẽ khá phù hợp khi sử dụng những ống kính với kích cỡ lớn.

Vậy điểm trừ trong thiết kế là gì? Đối với cá nhân tôi, sẽ là những điểm sau:

1.Thiếu đi vòng chỉnh ISO/hoặc vòng bù trừ EV. Có 1 trong 2 vòng điều khiển này là khá quan trọng mà tôi nghĩ sẽ có nhiều bạn tán đồng.

2.Màn hình lật ngang. Tôi thích màn hình lật dọc hơn, vì tôi không có nhu cầu selfie và quay video. Tuy nhiên những ai hay sử dụng máy để quay video hay vlog sẽ thích điều này.

3.Không có Joystick. Điều này chắc chắn là một điểm trừ khi so sánh với các đối thủ hiện tại. Máy đắt tiền nào bây giờ cũng có joystick cả. EOS R phụ thuộc vào màn hình cảm ứng để bạn chọn điểm lấy nét khi ngắm chụp. Khi ngắm qua EVF, bạn có thể di chuyển điểm lấy nét ở trên màn hình, một cơ chế khá phổ biến đối với các máy có màn hình cảm ứng hiện nay. Nó khá tiện lợi và không phải là không chính xác, nhưng nếu như bạn muốn chuyển vị trí điểm lấy nét từ đầu này sang đầu kia bức ảnh, chắc chắn việc di chuyển nó trên màn cảm ứng không dễ và nhanh bằng có Joystick.

Những điểm nêu trên, gọi là điểm trừ, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm quen với việc không có nó, cũng không phải là điều gì quá to tát cho lắm, so với những điểm tốt khác về thiết kế mà EOS R mang lại. Đối với tôi, quan trọng nhất chính là cảm giác cầm nắm.

Điểm tuyệt vời thứ hai, chính là chiếc EVF của máy. Rất sáng, và rõ ràng. Và tôi đồng ý ngay khi nhìn vào chiếc EVF này, rằng nó là chiếc máy có EVF chỉ thua Leica SL mà thôi. Độ phân giải EVF của EOS R là 3.69 triệu điểm ảnh so với 4.4 triệu điểm ảnh của SL. Tuy nhiên bù lại, LCD của EOS R có độ phân giải cao hơn (2.1 so với 1.1 triệu điểm ảnh của SL). EVF của EOS R sáng, đầy đủ chi tiết. Đối với những người thường sử dụng ống kính manual focus, EVF ngon là một điểm cộng rất mạnh. Và tôi tự tin khi nói rằng EVF của máy ngon đến mức bạn có thể chỉ sử dụng chức năng peaking để lấy nét, bố cục và chụp mà không cần phải Zoom vào để chụp được độ nét chính xác nhất. Tin tôi đi, EVF của EOS R ngon đến vậy đấy, và nó ngon hơn cả EVF của Sony A7R mark III, có thể cạnh tranh cả với Sony A9 luôn.

Tuy nhiên, nhân tiện cũng xin nói luôn về trải nghiệm chụp lens manual focus với EOS R khi so sánh với Sony. Mặc dù EVF của EOS R ngon hơn, tuy nhiên có những điểm sau máy lại chưa thuận tiện bằng khi chụp trên Sony:

1.Khi zoom lên để lấy nét, bạn giữ nửa cò (half-press) nút chụp, trên Sony chế độ zoom sẽ tự động hủy và bạn có thể bố cục lại bức ảnh rồi chụp theo ý muốn. Trên EOS R thì chế độ zoom vẫn sẽ giữ nguyên, bạn phải ấn một nút khác để thoát ra khỏi chế độ zoom rồi chụp sau nếu muốn bố cục lại bức hình. Thao tác này mất thêm một lần bấm nút, nhưng có thể sẽ được cải thiện ở trong các bản firmware sau này nếu như hãng lắng nghe người dùng.

2.Trên Sony, đặc biệt với dòng màn hình cảm ứng, bạn sẽ dễ dàng chọn điểm lấy nét để zoom lên và soi, còn với EOS R, bạn không chọn được. Điểm lấy nét không hiện ra khi chụp với các ống kính manual focus không có tiếp xúc điện, chế độ zoom đa phần sẽ phụ thuộc vào điểm lấy nét trước đó bạn sử dụng khi chụp với các ống kính AF (và đa phần là sẽ ở giữa màn hình). Như vậy bạn sẽ phải tự di chuyển điểm lấy nét đến chỗ mình muốn bằng màn hình cảm ứng, sẽ tốn thêm một chút thời gian nữa để thao tác. Tôi cũng hy vọng việc này sẽ được cải thiện bằng firmware.

Nếu để chụp với ống kính manual focus (không có chấu điện tiếp xúc) bạn sẽ gặp “một chút” vấn đề như vậy với EOS R khi so với Sony. Còn với những ống kính có chấu điện thì sao (đơn cử như hệ lens Carl Zeiss ZE cho Canon, hay một số ống kính của Samyang như Samyang XP 85mm f/1.2 hay 14mm f/2.8), mọi chuyện lại rất tuyệt vời. Canon EOS R có một chức năng gọi là Focus Guide để hỗ trợ lấy nét manual focus, và bạn có thể theo dõi video sau để biết nó tiện như thế nào.

Ngoài một chút vấn đề nhỏ ở trên ra, trải nghiệm chụp qua EVF của máy thực sự rất tuyệt và sảng khoái. Một điểm nữa tôi khá thích ở EOS R trong thiết kế và có thể cho điểm cộng, là việc xuất hiện thanh Touch Bar, hay Canon gọi là Multi-Function Bar (M-Fn Bar). Đối với đa số review ở trên mạng, thanh cảm ứng này của Canon không nhận được sự hưởng ứng và coi là gimmick. Mọi người đều cho rằng nên thay nó bằng Joystick hoặc vòng điều chỉnh ISO/EV sẽ hợp lý hơn. Một số nói rằng với những người có bàn tay và ngón tay to, họ rất dễ vô tình chạm vào Touch Bar này và làm ảnh hưởng đến thông số khi chụp.

Tôi lại thấy nó rất thú vị. Canon cho phép bạn tùy chỉnh thanh Touch Bar này để có những option điều khiển máy tùy ý muốn. Nó có thể biến thành công cụ điều chỉnh ISO, White Balance, bù trừ EV, chuyển đổi chức năng AF… Bạn có thể vuốt dọc thanh, hoặc chạm vào bên trái, hay bên phải để tạo ra những lệnh điều khiển riêng. Nếu bạn không thích thì có thể vô hiệu hóa nó, còn nếu sợ vô tình chạm nhiều quá thì có thể đặt lệnh kích hoạt bằng cách giữ một vài giây thì Touch Bar mới bắt đầu có tác dụng. Sự tùy chỉnh các nút tắt trên EOS R là vô cùng đa dạng, có lẽ là “đa dạng” mà “đơn giản” nhất trong những chiếc máy tôi từng sử dụng.

Đa phần người dùng trên thế giới đều cho rằng Menu của Sony rất phức tạp, Olympus thì quá nhiều chức năng nhưng quá kinh khủng và rối rắm. Hệ thống menu của Canon vẫn luôn được yêu thích vì tính đơn giản nhưng hiệu quả, và ở trên EOS R thì Canon vẫn duy trì hệ thống Menu đó, nhưng mang lại sự tùy biến ở mức độ cao hơn và thú vị hơn.

Hiện nay tôi đang đặt chế độ sử dụng thanh Touch Bar làm công cụ zoom khi chụp, bạn vuốt dọc để zoom trên màn hình (5x hoặc 10x). Chạm phía trái để thoát zoom, chạm bên phải để zoom to hơn. Thực sự rất tiện lợi để sử dụng các ống kính cổ, loại không có chấu điện.

Điểm thứ ba thực sự thu hút tôi đến với EOS R, chính là màu sắc của Canon, một điểm mạnh điểm khiến thương hiệu Canon trở nên nổi tiếng và có một lượng fan hùng hậu nhất thế giới. Trên thế giới, có lẽ có 2 hãng máy ảnh mà khiến người sử dụng trở nên “cuồng tín”, đó là Leica, và thứ hai chắc chắn là Canon. Leica có số lượng người sử dụng ít, nhưng đã là fan thì đam mê màu sắc của Leica, đam mê Leica magic đến độ mờ mắt, không gì có thể vượt qua Leica được. Và với Canon có lẽ cũng như vậy, skin tone của Canon luôn là the best, không một hãng nào có thể vượt qua. Màu sắc của Canon thì đúng là thực sự rất tuyệt, màu da hồng hào mượt mà đáng yêu vô cùng thích hợp để làm nghề. Và ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chắc số lượng dân ảnh làm nghề lựa chọn Canon vẫn là đông đảo nhất.

Tôi thực sự chưa từng sử dụng body Canon nào trước đây, vì tôi không thích DSLR với những body nặng đến cả kg và thao tác sử dụng thì buồn tẻ. Nhưng màu sắc đẹp của Canon là thứ không thể chối bỏ. Và giờ đây khi có chiếc Canon mirrorless fullframe đầu tiên xuất hiện, mua và trải nghiệm, tôi bắt đầu hiểu vì sao Canon nổi tiếng với màu sắc của mình như thế.

Mỗi hãng máy ảnh đều có chất riêng của mình, từ Leica, Sony, Olympus, Nikon hay Canon. Màu sắc của các hãng là điều không thể bắt chước, chắc chắn là như vậy, dù bạn có giỏi hậu kỳ đến đâu đi nữa. Chính vì như thế nên mỗi hãng mới có cộng đồng sử dụng riêng của mình.

Màu sắc của Canon thực sự bắt mắt, tươi tắn và nhẹ nhàng.

Là một người sử dụng Sony đã 4 năm, tôi bắt đầu cảm thấy nhàm chán với hệ màu sắc của A7 series. File ảnh của Sony luôn nhìn khá nổi (pop) nhưng cho một cảm giác rất “số”, thì file của Canon cho cảm giác thật hơn, không nổi khối bằng nhưng pha một chút cinematic ở trong đó. Nhiều người thích màu sắc kiểu như vậy, nó cũng dễ xử lý hơn khi hậu kỳ rất nhiều. Đây là một điểm nổi bật so với các hãng máy khác, kể cả Leica. Với quan điểm của mình, nếu để chọn từ mô tả cho màu sắc của Canon tôi sẽ chọn 2 từ cinematic và life-like. Ảnh của Canon cũng rất “tình”, điểm mà có lẽ vẫn là xuất sắc nhất của Leica, nhưng chắc Canon cũng không hẳn là thua kém lắm.

Màu sắc thu hút, thiết kế tuyệt và dễ chịu, EVF thì siêu đẹp. Còn điều gì nữa quan trọng hơn ở một chiếc máy ảnh đây? Bạn cần gì hơn thế? Cho đến nay quá nhiều review chỉ trích EOS R rằng nó phải xuất sắc hơn nữa. Tuy nhiên với tôi, những điều tôi cần nhất với một chiếc máy ảnh, EOS R đều có cả. Những yếu tố khác là không quá quan trọng, bạn có thể sống với khuyết điểm của nó một cách dễ dàng, không có gì phải khó chịu hết.

Một điểm cộng nữa tôi phải nhắc đến, mặc dù nó chưa bao giờ là chức năng khiến tôi quan tâm nhiều lắm, là khả năng Autofocus của máy. Nếu đọc Vsion, bạn biết là chúng tôi quan tâm và sử dụng rất nhiều các ống kính MF, do vậy nên chức năng Autofocus không phải là điểm mạnh đầu tiên của một chiếc máy để được ưu tiên quan tâm. Tuy nhiên với EOS R, Canon thực sự đã hoàn thiện rất tốt sản phẩm của mình. Hãy nhìn vào thông số kỹ thuật của máy: EOS R được trang bị chế độ lấy nét Dual Pixel của Canon, giống Canon 5D Mark IV. Nhưng với EOS R, bạn có tận 5.655 điểm lấy nét, bao phủ gần hết bề mặt cảm biến, so với 61 điểm của 5D IV. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là, gần như bạn chạm vào vùng nào trên LCD nó cũng đều biến thành điểm lấy nét.

Canon cũng rất tự tin tuyên bố máy có thể lấy nét được cả ở mức độ ánh sáng là -3EV, và đo sáng được ở mức -6EV. Và tôi có thể chứng thực rằng Canon không nói suông. Khả năng lấy nét của EOS R rất nhanh, rất chính xác, kể cả trong điều kiện ánh sáng rất yếu. Tôi đã kiểm nghiệm thử với ống kính Canon RF 35mm f/1.8, Canon 50mm f/1.8 STM, Canon L 50mm f/1.2 và Sigma 85mm f/1.4 EX HSM. Tất cả các ống kính đều lấy nét nhanh với EOS R trong điều kiện ánh sáng phòng cực yếu, còn Canon 6D và Sony A7ii đều hunting khá rõ rệt. Tôi chưa thể kiểm nghiệm trực tiếp so sánh với A7 Mark III hay Canon 5D Mark IV, nhưng với kinh nghiệm sử dụng qua khá nhiều dòng máy, thực sự khả năng autofocus của EOS R rất ấn tượng.

Trong video dưới đây, tôi sử dụng ống kính Canon RF35mm f/1.8 macro, một ống kính không được đánh giá cao về tốc độ lấy nét. Tôi cũng thử nghiệm cả việc set EV xuống còn -3 để xem khả năng lấy nét trong ánh sáng cực yếu của EOS R là như thế nào, và chiếc máy cho kết quả rất ấn tượng. Canon 6D hay A7 mark II đều rất hunting trong điều kiện ánh sáng này.

Điểm trừ của hệ thống AF hiện tại, là chế độ Eye AF chưa có khi lựa chọn Servo AF (lấy nét liên tục), nhưng tôi tin điểm này có thể dễ dàng cải thiện bằng firmware.

Bên cạnh đó, EOS R còn có một chức năng cực hay, khác so với những dòng mirrorless khác trên thị trường. Đó là khi bạn tắt máy, màn trập sẽ tự đóng lại và bảo vệ cảm biến, tránh để bụi bay vào. Điểm này đặc biệt hữu dụng với những ai có thói quen hay thay đổi ống kính. Về chức năng này thì chắc mới chỉ có dòng Leica M digital là có, khi chụp với ống ngắm quang không sử dụng chế độ Liveview, màn trập luôn đóng để bảo vệ cảm biến.

Có thể bạn sẽ quan tâm thêm một chút đến những yếu tố khác của máy như khả năng chụp thiếu sáng (ISO), chức năng chống rung..., bla bla. Cho phép tôi đưa ra ý kiến của mình như sau. Ở thời điểm hiện tại, có lẽ không có chiếc máy nào có khả năng chụp ảnh tệ cả, tất cả phụ thuộc vào khả năng của người cầm máy mà thôi. Thừa hưởng cảm biến của Canon 5D Mark IV, như vậy bạn biết EOS R có mức ISO tốt như thế nào. Đối với tôi, từ khi chiếc A7 mark II ra đời, ISO 6400 đã hoàn toàn “có thể chấp nhận được” rồi, nữa là những chiếc máy về sau. EOS R cũng như vậy, với một số đánh giá trên mạng, nó hoàn toàn có thể chấp nhận được kể cả ở mức ISO 25.600 khi bạn chỉ up ảnh lên Facebook. Còn nếu in ấn to, hay làm nghề, nếu bạn khó tính, bất cứ chiếc máy Fullframe nào trên thị trường có lẽ không nên vượt quá mức ISO 800, chắc chắn là như vậy.

Còn những điểm trừ khác của máy thì sao:

1. Một khe cắm thẻ nhớ: là một người chỉ chụp file JPEG là chính, và không làm nghề, một khe thẻ nhớ là thừa đủ đối với cá nhân tôi.

2. Không có chống rung: cái này mới là điểm trừ chí mạng này. So với những đối thủ như Sony hay Nikon, cái này đúng là sự thua thiệt của Canon, đặc biệt khi sử dụng các ống kính Tele. Nhưng triết lý của Canon xưa nay vẫn vậy, sử dụng chống rung trên lens, chứ không phụ thuộc vào body. Nếu bạn rất quan tâm đến chống rung, bạn sẽ phải cân nhắc.

3. Chỉ quay được 4K ở chế độ Crop : với những ai thích quay video là chính, có lẽ bạn không nên mua chiếc máy này. EOS R chỉ quay được 4K ở chế độ crop, khá thất vọng. Cá nhân tôi không quay video bao giờ nên đây không phải là yếu tố cần quan tâm.

Vậy bạn thấy thế nào với phiên bản Mirrorless thử nghiệm của Canon? Nói là thử nghiệm, hay thế hệ đầu tiên, đối với tôi, Canon đã cho thấy quá nhiều điều tích cực trong chiếc EOS R này.

Vẫn như mọi khi, mọi thứ nằm trong triết lý sản xuất máy của Canon hướng đến người chụp, và “thông số kỹ thuật” chưa bao giờ là điểm mà họ luôn muốn tỏ ra vượt trội hay cạnh tranh. Trên thế giới có nhiều quan điểm cho rằng, Canon lười phát triển và không chịu áp dụng những công nghệ mới. Điều đó cũng chính xác và có lẽ có phần đúng. Tuy nhiên Canon đã sản xuất máy ảnh trong vòng hơn 80 năm qua, họ đã nằm trong ngành công nghiệp này rất lâu, rất nổi tiếng để có những định kiến và bảo thủ của chính mình. Thiết kế, chức năng, chất lượng ảnh và chất lượng ống kính, Canon thực sự biết cách để có những sản phẩm tuyệt vời.

Nhưng dù gì đi nữa, đây vẫn được coi là sản phẩm thế hệ đầu tiên, và đã là sản phẩm công nghệ đầu tiên, bạn sẽ phải mất thời gian làm quen để làm chủ được nó. Với mức giá trên 40 triệu đồng, sẽ có nhiều đánh giá khắt khe với Canon (và thực tế là đúng như vậy, có rất ít đánh giá mang tính chất tích cực với EOS R cho đến hiện tại) vì sự kiên nhẫn đối với công nghệ trong thời điểm hiện tại là xa xỉ.

Đối với tôi, việc chia tay chiếc Leica M là một điều không dễ dàng. Mặc dù vậy, sở hữu EOS R giúp tôi tìm thấy những điều mình thực sự cần trong giai đoạn hiện tại. Cảm giác cầm nắm, thiết kế, màu sắc, khả năng lấy nét, hệ ống kính thì phong phú. Chỉ mới cầm máy được 1 tuần, chưa có nhiều thời gian để chụp và trải nghiệm, nhưng cho đến khi kết thúc bài viết này tôi vẫn giữ quan điểm là mình đã lựa chọn chính xác. Một trải nghiệm mới, một cảm giác mới, và với nhiếp ảnh, cảm giác và cảm xúc là có lẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tôi tin rằng, với những ai thực sự cầm chiếc máy này trên tay và chụp thử, sẽ đều cảm thấy những điều tích cực và sự hứa hẹn đến từ nó. Bạn nên thử cầm và trải nghiệm, nếu bạn vẫn luôn là một fan của Canon, nó rất xứng đáng để bạn mất thời gian đầu tư và làm quen. Canon cũng cần bạn giúp đỡ để cho ra những sản phẩm ngàm RF trong tương lai nữa chứ, hãng nào cũng như vậy thôi, phải không nào?

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được biên tập bởi P.N.
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: