Blog Post

Đánh giá Sigma Art 70mm f/2.8 Macro - tương quan với các lens macro 90mm

Feb 12, 2019

Được giới thiệu vào cuối năm 2018 cùng lúc với Sigma Art 105mm f/1.4, ống kính Art 70mm f/2.8 Macro DG là ống kính macro đầu tiên trong hệ thống ống kính chất lượng cao của Sigma và là bản nâng cấp của ống kính Sigma 70mm f/2.8 EX DG Macro vốn đã có 12 năm tuổi. Ống kính phiên bản cũ khi ra đời đã được đánh giá cao, nhưng liệu phiên bản mới này có thể so sánh được với các ống kính macro hiện đại cũng được sản xuất trong thời gian gần đây hay không? Trong bài viết đánh giá chất lượng Sigma Art 70mm f/2.8 hôm nay, một số nội dung quan trọng Vsion sẽ tiến hành so sánh chất lượng với Sony FE 90mm f/2.8 G OSS và Tamron SP 90mm f/2.8 Di VC USD, là hai ống kính macro full frame có tiêu cự gần nhất và cũng mới được giới thiệu trong vài năm trở lại đây. Trong hình các bạn có thể thấy theo thứ tự từ trái sang phải là ống kính Tamron, Sony, Sigma và ngoài cùng bên phải là phiên bản đầu tiên của Tamron SP 90mm Macro (khẩu f/2.5) đã ra đời từ cách đây gần ... 50 năm. Tuy nhiên, ống kính Tamron SP 90mm f/2.5 Macro sẽ được nhắc tới trong một bài đánh giá khác.

Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Các bạn có thể tham khảo các thông số so sánh giữa 3 ống kính này trong bảng tổng hợp sau.

Tên ống kính Art 70mm f/2.8 Macro DG FE 90mm f/2.8 G OSS SP 90mm f/2.8 Di VC USD (F017)
Hãng sản xuất Sigma Sony Tamron
Năm sản xuất 2018 2015 2016
Hệ máy Full frame (DSLR & mirrorless) Full frame mirrorless Full frame DSLR
Ngàm Sony FE (ngàm E full frame) Sony FE Canon EF
AF/MF AF
AF motor Motor DC không lõi (coreless DC), full time manual Dual DDSSM, full time manual USD AF motor, full time manual
Cách lấy nét Two-group focus (thò thụt) Internal focus (focus trong) Internal focus
Khẩu độ max-min f/2.8 - f/22 f/2.8 - f/22 f/2.8-f/32
Chống rung trên lens Không có Có (OSS) Có (VC)
Vòng lấy nét Điện tử (fly-by-wire) Điện tử (fly-by-wire) Cơ điện tử
Vòng khẩu độ Không có Không có Không có
Thiết kế thấu kính 13 thấu kính / 10 nhóm 15 thấu kính / 11 nhóm 14 thấu kính / 11 nhóm
Thấu kính đặc biệt 2 FLD, 1 SLD, 1 ASPH, 1 ASPH-SLD 1 ED, 1 Super ED, 1 ASPH 1 LD, 2 XLD
Tỷ lệ phóng đại tối đa 1:1
Tráng phủ Super Multi-Layer Nano AR eBAND, BBAR, Fluorite
Số lá khẩu 9 lá khẩu (cong) 9 lá khẩu (cong) 9 lá khẩu (cong)
Lấy nét gần nhất 25,8 cm (6 cm từ kính trước) 28 cm (10 cm từ kính trước) 30 cm (12 cm từ kính trước)
Chiều dài 133 mm - 138,5 mm 130,5 mm 125,5 mm
Cân nặng 515 g 602 g 610 g (không kể adapter)
Đường kính filter 49 mm 62 mm 62 mm
Nút focus hold Không có Không có
Nút chuyển AF/MF Điều chỉnh bằng gạt vòng trước lens
Nút giới hạn khoảng lấy nét
Khả năng chống chịu Chống bụi và ẩm (vành cao su trên ngàm) Có chống chịu thời tiết (không có thiết kế nổi bật) Chống ẩm (vành cao su trên ngàm)
Giá bán (2/2019) $569 (11,9 triệu ở Việt Nam) $998 (21 triệu ở Việt Nam) $649

Phiên bản được đánh giá lần này là phiên bản ngàm Sony full frame mirrorless của ống kính Sigma Art 70mm f/2.8 Macro DG. Ống kính này được thiết kế chính cho các máy ảnh DSLR, nên phiên bản ngàm FE này chỉ là bản nối dài của phiên bản DSLR, với phần nối dài gắn liền với ống kính, thay cho việc sử dụng ngàm chuyển. Ngoài ra, khác với các ống kính Art khác, ống kính này không được trang bị motor siêu thanh HSM (Hypersonic motor) mà sử dụng motor DC không lõi. Mặc dù phiên bản DSLR có trọng lượng nhỏ hơn đáng kể các ống kính còn lại trong bài viết này (515 g), nhưng do phần nối dài này mà trọng lượng Art 70mm cũng chỉ còn nhẹ hơn một chút. Khác với các ống kính phiên bản DSLR, ống kính Art ngàm FE thay vì sử dụng vòng lấy nét cơ điện tử (vẫn có thể thay đổi vị trí thấu kính khi không có nguồn điện hay không sử dụng ống kính trên máy), thì vòng lấy nét được chuyển hoàn toàn sang vòng điện tử fly-by-wire giống như các ống kính Sony.

Giống như nhiều ống kính macro, thiết kế của Art 70mm macro có phần thấu kính trước thụt vào bên trong khá sâu. Trong điều kiện không hoạt động, thân ống kính sẽ luôn giữ chiều dài cố định với phần nhóm thấu kính trước kéo lùi vào trong. Vòng lấy nét có bọc một lớp cao su khá bám tay.

Ngay dưới vòng lấy nét ống kính được trang bị 2 nút tùy chỉnh AF/MF và nút giới hạn khoảng lấy nét (focus limiter) với 3 lựa chọn: 0,5 m tới vô cực, 0,285 - 0,5 m, và 0,5 m tới vô cực. Việc điều chỉnh các lựa chọn giới hạn này sẽ giúp ống kính lấy nét nhanh hơn khi bạn xác định được khoảng cách hoạt động của ống kính.

Ống kính được thiết kế lỗ khẩu với 9 lá khẩu cong, tuy nhiên khi khép khẩu sâu thì phần cạnh lá khẩu vẫn khá thẳng. Thiết kế này giúp ống kính có thể giữ được dạng bóng bokeh khá tròn khi hạ khẩu, nhưng vẫn có thể tạo hiệu ứng tia khi khẩu độ ở mức nhỏ.

Có hai dạng ống kính macro là ống kính thay đổi độ dài khi lấy nét, đặc biệt là nét gần (vẫn được mọi người gọi là ống kính "thò thụt") và ống kính lấy nét trong (internal focus) không thay đổi chiều dài khi lấy nét. Trong số 3 ống kính thì Sigma Art thuộc dạng "thò thụt" còn hai ống kính còn lại là dạng lấy nét trong. Vòng lấy nét của Art 70mm cần phải xoay đủ 2 vòng (720 độ) để chuyển vị trí nét từ xa vô cùng tới gần nhất. Trong khi quãng đường di chuyển của vòng lấy nét là rất ngắn từ khoảng cách lấy nét gần (dưới 1 m) tới vô cực thì phần lớn quãng đường di chuyển là khi phần cụm thấu kính trước bắt đầu nhô ra (từ khoảng cách lấy nét 0,82 m) cho tới khi đạt khoảng cách lấy nét gần nhất (0,285 m) tương đương với mức độ phóng đại cực đại là 1:1 (ảnh bằng kích thước thực tế).

Đây là mức độ nhô ra của cụm kính trước khi xoay vòng lấy nét. Ở khoảng cách lấy nét tối thiểu, cụm này chỉ cách vật tầm 6 cm.

Giống như các ống kính Art mới, Sigma Art 70mm cũng có vòng cao su ở ngàm để chống sự xâm nhập của bụi và không khí ẩm vào bên trong ống kính.

Nhìn chung, Sigma Art 70mm là một ống kính khá gọn nhẹ và thuận tiện khi sử dụng, mặc dù mình không thích lắm thiết kế vòng lấy nét fly-by-wire làm cảm giác khi lấy nét bằng tay chưa được thật lắm và khó lấy nét chính xác với bước di chuyển nhỏ khi so với các ống kính có vòng lấy nét cơ. Đây cũng là ống kính Macro duy nhất trong số 3 ống kính không được trang bị hệ thống chống rung trên ống kính. Tuy vậy, với tiêu cự 70mm thì việc thiếu chống rung cũng không phải vấn đề lớn với nhiều người.

Là ống kính ra đời sớm nhất trong số 3 ống kính macro (2015), nhưng FE 90mm G có một vị trí quan trọng trong hệ sinh thái full frame mirrorless ban đầu mà Sony tạo dựng. Đây là ống kính macro đầu tiên và cũng là ống kính fix tiêu cự tele dài nhất của series Sony FE vào thời điểm được công bố. Chính vì thế nên FE 90mm nhanh chóng trở nên phổ biến như một ống kính đa dụng cho chụp chân dung và chụp chi tiết, được nhiều người sử dụng Sony mirrorless đánh giá cao. Đây cũng là ống kính chất lượng cao (G) nên được Sony trang bị cho những chức năng phụ trợ khác như nút Focus hold trên thân ống kính (có thể dùng cho một số chức năng, đặc biệt là Eye-AF), nút giới hạn khoảng cách lấy nét và nút tắt bật chức năng chống rung trên thân ống kính (OSS). Sony FE 90mm macro cũng sử dụng cơ chế thay đổi chế độ AF/MF đặc biệt bằng cách đẩy lên / kéo xuống vòng điều chỉnh nằm ngay phía trước lens (giống các lens Olympus micro four third). Thiết kế này làm giảm số nút trên thân ống kính mà vẫn đảm bảo có đủ các chức năng phụ trợ cho ống kính. Ống kính này cũng là ống kính sử dụng nhiều thấu kính nhất (15 thấu kính trong 11 nhóm) và có giá thành cao nhất trong số 3 ống kính.

Mặc dù là ống kính cũ nhất nhưng FE 90mm macro là ống kính được thiết kế chắc chắn nhất trong số 3 ống kính được so sánh trong bài viết này, cũng là ống kính có nhiều chức năng phụ trợ nhất.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã biết tới các ống kính macro 90mm của Tamron vốn là dòng ống kính đã tạo nên tên tuổi hãng, với khởi điểm là ống kính SP 90mm f/2.5 Macro giá rẻ nhưng chất lượng rất cạnh tranh. Sau gần 50 năm, Tamron đã liên tục xuất xưởng những dòng ống kính nâng cấp của series 90mm macro, và trong bài test hôm nay, chúng ta sẽ nhắc tới phiên bản mới nhất Tamron SP 90mm f/2.5 Di VC USD (mã F017) dành cho các máy ảnh DSLR. Ống kính này được trang bị hệ thống chống rung, motor tốt hơn, lớp coating chất lượng cao hơn và lớp vỏ nhiều kim loại có khả năng chống chịu tốt hơn so với phiên bản ra đời chỉ khoảng 4 năm trước đó (phiên bản F004). Đây cũng là ống kính duy nhất trong số 3 ống kính có thể đạt khẩu độ tối thiểu là f/32 (trong khi 2 ống kính còn lại chỉ khép lại được đến f/22). Có kích thước khá lớn, Tamron SP 90mm có cảm giác sử dụng khá giống Sony FE 90mm f/2.8 trên máy ảnh Sony, nhưng có một điểm mình thích hơn là vòng lấy nét cơ điện tử của Tamron giúp việc lấy nét tay (đặc biệt là ở khoảng cách gần) trở nên dễ kiểm soát hơn. Trong bài viết này, Tamron SP 90mm sẽ được so sánh với 2 ống kính còn lại trên các máy ảnh Sony A7 mark III và A7R3 bằng ngàm chuyển AF MC-11 của Sigma.

Ba ống kính sẽ được chụp thử trên máy ảnh Sony A7 mark III (A7m3) và A7R mark III (A7R3). Ảnh được chụp RAW và xuất ra file jpeg thông qua Photoshop. Các chức năng cải thiện chất lượng hình ảnh trong máy đều được tắt để đảm bảo độ khách quan. Trong quá trình test, filter và hood che cũng không được sử dụng để tránh những sai khác do thiết bị phụ trợ gây ra. Các ảnh so sánh đều được chụp từ vị trí máy cố định trên tripod và lấy nét bằng tay để đảm bảo độ chính xác cao nhất.

Trong phần này mình so sánh ảnh JPEG chụp từ 3 máy trong cùng điều kiện (cân bằng trắng tự động) để so sánh đặc điểm tái tạo màu sắc của 3 ống kính. Để đảm bảo có khung hình gần nhau nhất, máy gắn Sigma Art 70mm được đặt gần mẫu hơn 2 trường hợp còn lại.

Chúng ta có thể thấy là trong điều kiện chụp này, Sony FE 90mm tạo ra màu sắc trung tính nhất trong số 3 tấm ảnh (chụp bằng A7R3), Sigma 70mm ảnh hơi ngả tông vàng-đỏ ấm hơn, còn ảnh chụp bằng Tamron hơi ngả xanh lá cây. Nếu xét tới khả năng sử dụng thực tế thì ống kính Tamron sẽ tái tạo màu da xanh xao hơn 2 ống kính còn lại. Về tổng thể thì Sony FE 90mm tạo ảnh có độ bão hòa màu và tương phản nhỉnh hơn 2 đối thủ còn lại. Tuy nhiên, ảnh so sánh này chỉ để tham khảo trong một tình huống nhất định, còn khi sử dụng cân bằng trắng tự động, màu ảnh sẽ bị thay đổi tùy thuộc vào màu sắc của khung cảnh mà có thể ra những kết quả khác nhau.

Cả 3 ống kính này đều là ống kính Macro 1:1, nghĩa là ở khoảng cách lấy nét gần nhất thì ảnh tạo được trên cảm biến sẽ có kích thước đúng bằng vật thật. Trong ví dụ này chúng ta có thể thấy kích thước ảnh của chiếc microSD bằng đúng vật thật khi so với kích thước cảm biến full frame (24 x 35mm). Điểm khác biệt giữa 3 ống kính này là tiêu cự 70mm của ống kính Sigma làm ống kính này phải chụp gần hơn 2 ống kính còn lại với khoảng cách tới vật bằng xấp xỉ 1/2 (6 cm so với 10-12 cm, tính từ mặt trước ống kính tới vật). Mặc dù cùng có tiêu cự nhưng do hiện tượng focus breathing (sẽ được nhắc tới ở cuối bài viết này) và có thể là việc làm tròn tiêu cự mà thực tế góc nhìn của ống kính Sony FE 90mm rộng hơn Tamron SP 90mm một chút ở khoảng cách lấy nét gần. Điều này kéo theo khoảng cách tối thiểu tính từ mặt trước ống kính cũng phải ngắn hơn 1-2 cm so với Tamron.

Việc tiếp cận quá gần mẫu là một bất lợi khi làm việc với các mẫu côn trùng sống, nên khoảng cách lấy nét tối thiểu của Sigma Art 70mm có thể sẽ là điểm trừ với một số người dùng khi so với các ống kính macro tiêu cự dài hơn như 90mm, 105mm, 180mm.

Trong phần đánh giá độ nét, ảnh chụp bằng 3 ống kính này sẽ được so với nhau khi chụp bằng 2 máy ảnh A7m3 và A7R3 ở các khoảng cách lấy nét khác nhau.

Đầu tiên, khả năng phân giải chi tiết của 3 ống kính sẽ được so ở khoảng cách lấy nét gần nhất (tỷ lệ phóng đại 1:1), sử dụng máy ảnh A7m3. Mặc dù đạt tới độ lớn chủ thể tương đương nhau nhưng do góc của ống kính khác nhau nên các bạn có thể thấy phần hậu cảnh chụp bằng ống kính 70mm trong hình dưới bao phủ một diện rộng hơn (lẫn phần hậu cảnh tối và sáng ở giữa), trong khi ảnh chụp bằng ống kính 90mm cho phần hậu cảnh hẹp hơn (chỉ có phần sáng ở giữa). Phần ảnh ở tâm hình được sử dụng để so sánh chất lượng 3 ống kính.

Có một lưu ý là chủ thể của ảnh là mặt đồng hồ có một lớp kính trong suốt phía trước nên có đặc tính phản xạ ánh sáng. Chính vì thế khi so sánh chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ảnh chụp bằng Tamron có một lớp mờ bao phủ làm giảm độ tương phản của hình do kết quả của góc chụp hơi khác làm lượng ánh sáng phản xạ cao hơn. Phần đốm trắng xuất hiện trên hình từ f/8 là chi tiết màu trắng nằm trên lớp kính thủy tinh, chỉ trở nên rõ ràng khi trường nét DOF đủ dày.

Hơi ngoài dự đoán của Vsion, ống kính Art 70mm lại là ống kính có khả năng phân giải ở tâm hình tốt nhất trong số 3 ống kính. Mặc dù chỉ nhỉnh hơn FE 90mm một chút, nhưng lợi thế này được duy trì trong toàn dải khẩu độ, kể cả ở f/8 khi FE 90mm đạt độ nét cao nhất. Ngay cả khi chất lượng ảnh bị giảm một chút do nhiễu xạ ở f/16, độ nét ảnh chụp bằng Art 70mm vẫn nhỉnh hơn FE 90mm. Lưu ý là ở f/22, ảnh chụp có rung nhẹ (do thời gian phơi sáng dài) nên không thể kết luận chính xác ảnh chụp bằng ống kính nào nét hơn. Tamron SP 90mm là ống kính kém hơn trong test này, chủ yếu là do hình ảnh gốc có độ tương phản yếu hơn, nhưng cũng có một điều rõ ràng là khẩu độ f/32 của Tamron không có giá trị mấy vì ảnh trở nên quá nhòe so với ảnh thông thường.

Độ nét tâm hình tiếp tục được so sánh ở khoảng cách lấy nét gần (khoảng 1 m) nhưng lần này 3 ống kính được dùng với máy ảnh A7R3 với khả năng phân giải của cảm biến cao hơn (42 MP so với 24 MP của A7m3). Độ phân giải cảm biến cao này sẽ giúp chúng ta nhận ra được bước chuyển về độ phân giải hình khi khép khẩu độ được rõ hơn.

Trong điều kiện chụp này không có ánh sáng phản xạ ở bề mặt gần ống kính nên chất lượng ảnh chụp bằng ống kính Tamron đã trở nên gần hơn 2 ống kính còn lại, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách nhỏ. Khác biệt ở chất lượng ảnh chụp bằng Sigma Art và Sony FE macro cũng không còn đáng kể, nên gần như không thể phân biệt được ảnh chụp bằng ống kính nào, kể cả khi đặt ảnh ở cạnh nhau và zoom lớn. Tuy nhiên, khả năng giữ chi tiết ở khẩu độ nhỏ của Sigma Art lại khá rõ ràng là tốt hơn 2 ống kính còn lại, nên đây sẽ là ống kính phù hợp hơn nếu bạn cần DOF thật dày mà không muốn chụp stacking. Một lần nữa chúng ta có thể thấy là khẩu độ f/32 của Tamron rất là ... vô dụng do ảnh chụp được rất nhòe.

Riêng với Sigma Art 70mm, mình làm thêm một test chụp ở khoảng cách xa. Ảnh chụp bằng máy ảnh A7m3 và 5 điểm đại diện khác nhau được chọn để so sánh thay đổi khi chuyển khẩu độ. Các vùng được đánh giá là tâm hình (center), vùng trung gian bên trái (mid-left), vùng rìa trái (left), vùng trung gian bên phải (mid-right), và rìa phải (right).

Ở khoảng cách lấy nét này, Sigma Art 70mm tiếp tục thể hiện là ống kính có độ nét cao ngay từ khẩu độ lớn nhất. Việc hạ khẩu độ không làm ảnh nét hơn nhiều. Mặc dù vậy, nếu bạn muốn đạt chất lượng ảnh cao nhất, khẩu độ f/5.6-f/8 sẽ đạt được độ nét cao và đều từ tâm tới rìa hình. Khẩu độ nhỏ nhất nên dùng là f/16, còn hạ khẩu hơn thì chất lượng ảnh giảm khá rõ. Độ nét giữa hai nửa hình không có khác biệt đáng kể nên ống kính này không có dấu hiệu của độ cong trường nét cao hay bị lệch thấu kính.

Các ống macro tiêu cự dài thường không gặp vấn đề về méo hình, và Sigma Art 70mm cũng không phải ngoại lệ. Mức méo hình của ống kính này là gần bằng 0.

Trong 3 ống kính macro thì Sony 90mm là ống kính bị hiện tượng tối góc nặng nhất. Ở khẩu f/2.8, chênh lệch giữa độ sáng ở tâm hình và vùng tối nhất ở góc là khoảng 2.1 EV. Tamron SP macro chỉ bị tối góc nhẹ (khoảng 0.6 EV), còn Sigma Art 70mm hầu như không có tối góc ngay từ khẩu f/2.8. Mức độ tối góc của 2 ống kính Sony và Tamron giảm khi hạ khẩu, tới f/5.6 (Sony) và f/4 (Tamron) thì gần như không còn tối góc.

Tương tự như mức độ méo hình thì độ cong trường nét của Sigma 70mm Art cũng gần như bằng 0. Nếu các bạn đã quen thuộc với cách kiểm tra độ cong trường nét của Vsion thì các bạn có thể hiểu ý nghĩa của hình minh họa bên dưới: khoảng DOF của ống kính này được thể hiện ở khoảng cách lấy nét gần nhất và nó rất thẳng, đều từ tâm ra rìa hình. Kiểm nghiệm này còn xác định được là ngay từ khẩu f/2.8, khả năng phân giải ở tâm hình và rìa hình cũng không có khác biệt đáng kể.

Flare là hiện tượng các chi tiết bị mờ và độ tương phản giảm ở những vùng gần nguồn sáng mạnh, còn ghost là hiện tượng các bóng màu xuất hiện khi chụp ngược sáng. Cả 3 ống kính này đều không phải ống kính chịu flare và ghost rất tốt, trong đó Sigma Art có nhỉnh hơn 2 ống kính còn lại ở mức độ ghost thấp hơn và dễ chịu hơn, còn Tamron có khả năng giữ độ tương phản ở gần khu vực nguồn sáng mạnh tốt hơn 2 ống kính còn lại một chút. Ảnh chụp bằng Tamron có nhiều dấu hiệu ghost hơn, mặc dù không phải là đặc điểm nhiều người thích có trong ảnh của mình nhưng khi quay phim thì hiệu ứng này có thể khá thú vị. Việc chống flare có phần tốt hơn nhưng bị ghost nặng hơn cho thấy Tamron tập trung cải thiện lớp tráng phủ ở thấu kính / nhóm thấu kính trước nhiều hơn, nhưng lớp tráng phủ của các thấu kính bên trong thì lại không phải tốt lắm.

Sắc sai (hay còn hay được gọi chung là viền tím) là hiện tượng các bước sóng khác nhau không hội tụ trên cùng một mặt phẳng, tạo ra các chi tiết hay mảng màu khác với mắt thường nhìn thấy, trong đó màu tím là màu rất phổ biến nên nó gắn liền với hiện tượng này. Có hai loại sắc sai chính là sắc sai trục ngang (lateral chromatic aberration - LaCA) và sắc sai trục dọc (longitudinal chromatic aberration - LoCA), trong đó LaCA xuất hiện trong mặt phẳng nét và tạo các chi tiết màu "lạ" ở viền của chi tiết nét, còn LoCA xuất hiện thành mảng màu ở trước và sau mặt phẳng nét (với hai màu khác nhau).

Sắc sai trục ngang của Art 70mm ở mức thấp nhất so với 2 ống kính còn lại (có thể nói là gần như không xuất hiện trong hình). LaCA của Sony FE 90mm cũng khá ít, nhưng có thể nhận thấy ở hình chụp cận hay phóng đại, còn mức sắc sai này của Tamron có thể phát hiện ra ngay ở trong hình chụp kích cỡ bình thường. "Viền tím" màu xanh này của Sony và Tamron sẽ gần như biến mất hết khi hạ khẩu độ xuống f/5.6.

Sắc sai trục dọc có thể kiểm tra được bằng cách nghiêng ống kính nằm gần ngang bề mặt có chi tiết màu đen để nhận ra sự tách màu trong các chi tiết này. Có thể thấy là 3 ống kính này kiểm soát tốt LoCA và nếu xem xét kỹ thì Sigma đã làm tốt hơn 2 hãng còn lại. LoCA duy trì ở mức độ thấp ngay cả khi hạ khẩu độ xuống f/5.6.

Sigma Art 70mm f/2.8 là một trong số hiếm hoi các ống kính non-APO mà có khả năng kiểm soát sắc sai tốt đến mức gần tuyệt đối. Dù trong các tình huống rất khó như chụp ngược sáng với cường độ sáng cao như trong hình dưới, cũng gần như không có dấu vết gì của "viền tím" có thể phát hiện thấy trong ảnh chụp bằng ống kính này. Đây cũng là một đặc điểm hiếm hoi trong ngay dòng ống kính Art, vì các ống kính được đánh giá cao như Art 35mm hay 50mm, 85mm cũng vẫn có một chút sắc sai trong những tình huống khó như thế này.

Mặc dù khá nhiều ống kính macro đã chấp nhận đạt độ nét cao bằng việc điều chỉnh cầu sai quá mức, kéo theo bokeh không được mượt mà và khá xấu ở khoảng cách chụp thông thường, Sigma Art 70mm lại là một ống kính có bokeh khá mềm và hoàn toàn có thể dùng thay thế các ống kính "xóa phông" ở mức trung bình.

Về dạng bóng bokeh thì trong hình dưới chúng ta có thể thấy là ở khoảng cách chụp gần (không phải macro), bokeh có dạng mắt mèo từ ngoài 1/3 giữa hình và có thể quan sát thấy "vân hành" ở những bóng bokeh không thật sáng. Để tìm hiểu thêm về bokeh "vân hành", các bạn có thể đọc bài viết sau của Vsion. Bokeh cũng có dạng xoáy nhẹ, đặc biệt là ở vùng sát rìa ảnh.

Ở khoảng cách chụp macro, bóng bokeh trở nên rất lớn và có dạng mắt mèo dù ở ngay sát tâm hình, và chúng ta có thể quan sát dạng "vân hành" rất rõ ở các bóng bokeh không quá sáng. Tuy nhiên, phần còn lại của bokeh lại khá mịn chứ không có viền rõ.

Ở điều kiện sáng thông thường với bóng bokeh sáng thì hiện tượng vân hành không còn rõ ràng nữa.

Mặc dù không phải bokeh mịn xuất sắc như các ống tele thông thường khẩu lớn, so với các ống bokeh khác thì mức độ mịn này của bokeh là chấp nhận được và hoàn toàn sử dụng được cho chụp chân dung.

Để tìm hiểu về hiệu ứng tia của ống kính, mời các bạn đọc trong bài hướng dẫn của Vsion .

Chúng ta hãy cũng quan sát dạng hiệu ứng tia của 3 ống kính này ở khẩu độ nhỏ nhất (f/22 và f/32). Có thể thấy là Tamron có thể tạo tia sắc, gọn hơn 2 ống kính còn lại nhờ thiết kế lá khẩu thẳng hơn. Sony FE tạo tia không đều, còn Sigma tạo tia đều hơn nhưng không gọn nên có thể nói chất lượng tia của 2 ống kính này kém hơn Tamron. Lưu ý là trong điều kiện chụp này, do nguồn sáng ở quá gần ống kính nên chúng ta có thể thấy rõ khả năng chống flare và ghost của 3 ống kính. Tamron có khả năng chống flare tốt nhất nhưng chống ghost tệ nhất (vùng sáng ở hình chụp bằng Tamron là do phản xạ bên trong ngàm chuyển MC-11 chứ không phải do ống kính). Sigma Art có khả năng chống flare kém hơn Tamron một chút, nhưng xuất hiện rất ít ghost.

Một điểm thú vị trong hình so sánh này là chúng ta có thể nhận thấy những đốm màu ở quanh nguồn sáng. Đây chính là hiện tượng phản xạ bề mặt cảm biến, vốn thể hiện ở mức độ nặng hơn nhiều ở những máy Sony chưa được trang bị cảm biến BSI như A7, A7ii. Mặc dù trong phần lớn các trường hợp, hiện tượng này không xuất hiện ở A7Rii, A7m3, A7R3, A9 nhưng do nguồn sáng quá mạnh nằm ở gần cảm biến nên hiện tượng này vẫn có thể quan sát được. Như vậy, cảm biến BSI không phải làm triệt tiêu phản xạ bề mặt mà chỉ làm giảm hiệu ứng xuống mức tối thiểu.

Các ống kính macro thường có mức độ "thở" tệ hơn các ống kính thường, và cả 3 ống kính này cũng không phải ngoại lệ. Khi thay đổi khoảng cách lấy nét từ xa nhất tới gần nhất, chúng ta có thể thấy sự thay đổi độ rộng của khung hình (góc nhìn) rất lớn. Trong 3 ảnh động minh họa dưới đây, các bạn có thể thấy sự thay đổi "khủng khiếp" này, đặc biệt ở 2 ống kính macro lấy nét trong là Sony FE và Tamron SP. Mặc dù "may mắn" hơn do thiết kế "thò thụt", Sigma Art 70mm vẫn có mức thay đổi góc nhìn lên tới 51%, tức là kém hơn nhiều các ống kính không phải macro. Vì thế nên các ống kính này không phù hợp cho quay phim khi cần thay đổi vị trí lấy nét liên tục. Ở khoảng cách lấy nét gần, Sigma Art là ống kính có mức độ "co giãn" hình ít nhất nên vẫn có thể chấp nhận được để quay hình sản phẩm.

So với Sony FE 90mm thì tốc độ lấy nét của Sigma Art 70mm ngàm FE đạt mức 80-90% tùy điều kiện sáng. Trong video kiểm tra khả năng lấy nét ở chế độ AF-C (Sony A7m3), các bạn có thể thấy là ống kính này lấy nét khá nhanh và không gặp vấn đề lớn khi thay đổi vị trí lấy nét từ gần tới xa. Tuy nhiên, thời gian lấy nét sẽ khá lâu (vài giây) nếu bạn cố gắng sử dụng chế độ lấy nét tự động để chuyển vị trí lấy nét từ xa tới rất gần, đặc biệt là ở các khoảng cách macro. Trong hai phần cuối của video, mình thay đổi tùy chọn giới hạn khoảng lấy nét FULL và 0,285 - 0,5m thì khả năng lấy nét ở khoảng cách gần nhất cũng không được cải thiện đáng kể (nhưng nếu giới hạn 0,285 - 0,5 m thì vật ở xa hơn 0,5 m không thể lấy nét được). Mặc dù vậy, đối với mình thì đây không phải là điểm trừ lớn vì các lens macro khác cũng gặp vấn đề khi AF ở khoảng cách gần, và hơn nữa ở khoảng cách này, sử dụng lấy nét tay sẽ giúp các bạn lựa chọn điểm nét chính xác hơn phụ thuộc vào máy do DOF rất mỏng. Riêng Tamron SP 90mm, việc dùng qua ngàm MC-11 làm tốc độ lấy nét của ống kính này rất chậm khi thay đổi vị trí lấy nét xa - gần, nhưng khá nhanh nếu vị trí vị trí lấy nét đã gần đúng. Khi sử dụng Tamron SP 90mm trên máy ảnh Canon, tốc độ lấy nét lại khá tốt, nên có thể vấn đề chính là do ngàm chuyển.

Trong điều kiện ánh sáng đủ, Sigma Art 70mm hoàn toàn có thể bắt kịp chuyển động nhanh và chụp đúng nét chuẩn xác.

Ngay cả trong điều kiện ánh sáng không tốt như chụp đêm, AF vẫn đủ để track chuyển động với chức năng nhận diện khuôn mặt như trong ảnh ví dụ ở bên dưới (chụp bằng A7m3).

Những ảnh chụp sample dưới đây sử dụng máy ảnh A7m3 và ống kính Sigma Art 70mm Macro (phần lớn chụp tại khẩu độ lớn nhất). Các bạn có thể nhấn vào từng hình để xem ảnh chất lượng cao trên Flickr cùng thông số ảnh hiện trong phần EXIF. Một số ảnh đã được điều chỉnh màu trên Photoshop, còn phần lớn ảnh là ảnh gốc được xuất thẳng từ file RAW ra JPEG.

Với mức giá xấp xỉ FE 50mm f/2.8 Macro và chỉ bằng 1/2 ống kính FE 90mm f/2.8, Sigma Art 70mm f/2.8 Macro DG là một lựa chọn thay thế rất tốt nếu như bạn cần một ống kính native full frame cho máy ảnh không gương lật của Sony. Lợi thế của Sigma 70mm là (1) kích thước gọn nhẹ hơn, khoảng cách làm việc gần hơn FE 90mm nhưng xa hơn FE 50mm macro, (2) độ nét cao có phần nhỉnh hơn FE 90mm ở mọi khoảng cách lấy nét, (3) hầu như không bao giờ xuất hiện "viền tím", ngay cả ở trong những điều kiện khó như chụp ngược sáng với cường độ ánh sáng mạnh, (4) hầu như không có tối góc, (5) độ mịn vùng không nét hay bokeh vẫn khá tốt trong số các ống macro nên hoàn toàn có thể sử dụng đa dụng để chụp chân dung. Sigma 70mm có độ linh hoạt cao hơn FE 50mm Macro do bạn vẫn giữ được mức độ "xóa phông" tương đối nếu cần chụp người. Nếu bạn đang sử dụng máy Sony crop như A6000, A6300, A6500 thì đây cũng là lựa chọn tốt với mức độ phóng đại còn cao hơn khi dùng với máy full frame, nhưng tiêu cự này sẽ có góc nhìn tương đương ống kính 105mm nên các bạn cần tốc độ khá cao để tránh rung hình nếu máy không có chống rung (lưu ý là ống kính macro khi chụp gần cần tốc độ cao hơn thông thường để tránh bị nhòe hình do rung tay). Điểm yếu của ống kính này là (1) bokeh vân hành, (2) hiện tượng thở nặng (nhưng vẫn tốt hơn 2 ống macro còn lại) và chất lượng build không chắc chắn bằng FE 90mm.

FE 90mm f/2.8 G OSS vẫn là ống kính đáng tiền hơn về mặt tổng thể, mặc dù có kém hơn một chút về khả năng phân giải ở khẩu độ lớn và mức tối góc cao. Ống kính này vẫn đa dụng nhất do giữ được mức độ xóa phông khá cao, bokeh không quá gắt mà vẫn đạt được độ nét cao ở khoảng cách macro 1:1. Chất lượng build nhiều kim loại, khả năng AF nhanh hơn và sự có mặt của nút focus hold làm việc sử dụng ống kính này sẽ an tâm hơn và có hiệu quả cao nếu bạn muốn đầu tư cho các công việc nghiêm túc.

Tamron SP 90mm f/2.8 Macro Di VC USD mặc dù là một ống kính với tên tuổi không lớn bằng hai hãng còn lại, nhưng vẫn giữ được những ưu thế của dòng ống kính có uy tín của Tamron. Mặc dù hiện giờ ống kính này chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng mức giá chắc chắn sẽ rẻ hơn Sigma Art 1-2 triệu đồng. Nếu bạn đang dùng máy DSLR thì Tamron SP sẽ có lợi thế hơn so với người dùng mirrorless do khả năng AF sẽ được cải thiện rõ hơn và chức năng chống rung sẽ là điểm khác biệt lớn với Sigma Art. Điểm yếu của ống kính này là khả năng chữa sắc sai có phần kém hơn, nhưng bù lại Tamron có thể tạo tia đẹp hơn, ảnh ít tối góc hơn và khả năng chống flare có phần nhỉnh hơn. Nếu bạn đầu tư ống kính này để quay phim thì nên tránh những shot hình xa - gần do mức độ breathing nặng của ống kính này, nhưng bạn sẽ được hiệu ứng ghost khá hay ho.

Vsion rất cám ơn sự hỗ trợ về thiết bị từ DOF.zone để thực hiện bài đánh giá này.

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: