Blog Post

Đánh giá Sony FE 24mm f/1.4 GM

Dec 17, 2018

FE 24mm f/1.4 GM (hay gọi tắt là GM24 ) là ống kính thứ 8 trong dòng ống kính full frame cao cấp nhất dành cho hệ máy ảnh không gương lật ngàm E của Sony. GM là viết tắt của G Master , là thế hệ ống kính cao cấp mới nhất của Sony được giới thiệu mới từ đầu năm 2016, nhưng tốc độ sản xuất các ống kính chất lượng cao này của Sony là rất nhanh để đảm bảo bao phủ được hết các nhóm tiêu cự ống kính cơ bản. Ống kính GM 24mm được trông đợi sẽ kế thừa những đặc tính quan trọng từ các ống kính tiền nhiệm ( FE 85mm f/1.4 GM , FE 24-70mm f/2.8 GM ...) như khả năng phân giải cao có thể sử dụng cho những máy ảnh có độ phân giải cao nhất hiện nay, bokeh mịn màng, kiểm soát quang sai tốt, cũng như cấu tạo chắc chắn và được thiết kế phù hợp cho thao tác của người dùng, khả năng chống chịu thời tiết tốt... Với mức giá cao xấp xỉ 38 triệu đồng , liệu GM24 có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cao của người dùng hay không? Hãy cùng Vsion xem xét các đặc tính của ống kính này để các bạn có thể lựa chọn ống kính cho chính xác.

Trong bài đánh giá này, GM24 sẽ được sử dụng cùng chiếc máy ảnh căn bản mới nhất của dòng máy ảnh A7 là A7 mark 3 (A7m3). Thiết bị dùng để thực hiện đánh giá này do DOF.zone cung cấp. Rất cám ơn công ty đã tạo điều kiện cho Vsion mượn thiết bị.

Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Các thông số chi tiết về thiết kế và chức năng của ống kính FE 24mm f/1.4 GM được thể hiện qua bảng sau (so sánh với ống kính Canon EF 24mm f/1.4 L mark II )

Tên ống kính FE 24mm f/1.4 GM EF 24mm f/1.4 L mark II
Hãng sản xuất Sony Canon
Năm sản xuất 2018 2008
Hệ máy Full frame mirrorless Full frame DSLR
Ngàm Sony FE (ngàm E full frame) Canon EF
AF/MF AF
AF motor Direct Drive Super Sonic Wave AF Motor Ring-Type Ultrasonic Motor AF System
Cách lấy nét Internal focus (lấy nét trong)
Khẩu độ max-min f/1.4 - f/16 f/1.4 - f/22
Vòng lấy nét Điện tử (fly-by-wire) Cơ điện tử (full time manual focus override
Vòng khẩu độ Có (điều khiển điện) Không có (điều khiển qua body)
Thiết kế thấu kính 13 thấu kính / 10 nhóm 13 thấu kính / 10 nhóm
Thấu kính đặc biệt 2 XA, 3 ED 2 ASPH, 2 UD
Tráng phủ Nano AR + Fluorine Sub Wavelength Coating (SWC)
Số lá khẩu 11 lá khẩu 8 lá khẩu
Lấy nét gần nhất 24 cm 25 cm
Chiều dài 92,4 mm 86,9 mm
Cân nặng 445 g 650 g
Đường kính filter 67 mm 77 mm
Khả năng dùng filter tròn
Khả năng dùng filter sau Không
Nút focus hold Không có
Nút chuyển AF/MF
Khả năng de-click Không có
Khả năng chống chịu Chống bụi và ẩm Chống chịu thời tiết
Giá bán (12/2018) $1400 $1550

Mặc dù không có điều kiện so sánh trực tiếp khả năng thực tế của hai ống kính trong bài viết này, Vsion muốn so sánh các thông số của GM24 với ống kính cao cấp có tiêu cự và khẩu độ tương đương ra đời gần đây nhất của Canon. Lưu ý là giá so sánh dựa trên giá niêm yết của BHphotovideo nên giá của GM24 có phần thấp hơn EF 24mm f/1.4 L mark II. Tuy nhiên giá ống kính GM24 ở Việt Nam hiện nay ( gần 38 triệu đồng ) là cao hơn EF24LII khoảng 8 triệu đồng.

Theo thông số chế tạo thì GM24 có thiết kế với số thấu kính tương đương EF24LII, nhưng trọng lượng nhẹ hơn đáng kể (chỉ bằng khoảng 70% trọng lượng ống kính Canon), đường kính nhỏ hơn khá nhiều (filter 67mm so với 77mm) nhưng lại dài hơn ống kính Canon một chút. Nếu cùng sử dụng trên máy ảnh Sony không gương lật thì ống kính Canon vẫn có kích thước lớn hơn đáng kể do phải sử dụng qua ngàm. GM24 có sử dụng 2 thấu kính XA và 3 thấu kính ED, trong khi đó EF24LII sử dụng 2 thấu kính ASPH (phi cầu) và 2 thấu kính UD. Về mặt chức năng thì 2 thấu kính XA của Sony chính là thấu kính phi cầu nhưng được chế tạo bằng công nghệ mài mới nên đạt độ chính xác bề mặt rất cao và hạn chế tối đa hiện tượng "vân hành" (như trong bài viết của Vsion có đề cập tới), nên hai thấu kính này hiệu quả cao hơn 2 thấu kính phi cầu truyền thống của Canon. Ngoài ra, 3 thấu kính ED (extra-low dispersion) cũng có tác dụng tương đương 2 thấu kính UD (ultra-low dispersion) của Canon là để giảm sắc sai (viền tím). Do sự xuất hiện của các thấu kính đặc biệt này nên khả năng cao GM24 sẽ có khả năng kiểm soát quang sai nhỉnh hơn EF24LII .

Hai ống kính cùng có khoảng cách lấy nét tối thiểu là 24-25 cm nên có tỷ lệ phóng đại tương đương nhau. Ống kính Sony được thiết kế với nhiều chi tiết điều khiển trên thân ống kính như nút Focus hold hay vòng chỉnh khẩu, trong khi ống kính Canon khá tối giản, chỉ có vòng lấy nét và nút chuyển AF/MF. Tuy vậy, ống kính Sony lại bỏ đi một thiết kế khá phổ biến mà ở ống kính Canon vẫn còn là cửa sổ thể hiện khoảng cách lấy nét và DOF. Trong thực tế sử dụng thì có một điểm mà mình thích hơn ở ống kính Canon là vòng lấy nét cơ điện tử có chức năng manual focus override chứ không phải vòng lấy nét hoàn toàn điện tử như của ống kính Sony. Vòng lấy nét cơ điện tử có độ trơ của vòng khẩu cơ nên cảm giác lấy nét bằng tay tốt hơn, chỉ không bằng vòng lấy nét điện tử ở khả năng zoom trực tiếp vùng lấy nét khi xoay vòng.

Chúng ta cùng đi sâu hơn vào thiết kế của GM24. Mặc dù là ống kính có khẩu độ lớn f/1.4 nhưng mình khá ngạc nhiên khi cầm trong tay ống kính này, vì nó nhỏ và nhẹ hơn mức trông đợi khá nhiều, thậm chí có một chút hẫng tay vì chưa thấy một ống kính GM nào nhẹ đến vậy. Kích thước và trọng lượng của ống kính này rất phù hợp với thiết kế của dòng máy A7. Combo này không thể đứng thẳng trên mặt đất được do ống kính không đủ ngắn, nhưng trong thực tế sử dụng thì bạn sẽ không hề thấy bị nặng đầu như nhiều ống kính khẩu lớn khác.

Thiết kế bên ngoài của GM24 được đồng nhất với phần lớn các ống kính GM khác, với vòng cao su ở vòng lấy nét và vòng khẩu độ, cùng biểu tượng chữ G nền đỏ của G Master. Vòng cao su của ống kính khá chắc nên không có cảm giác dễ bị dão sau một thời gian sử dụng, tuy nhiên khả năng bám bụi khá cao nên các bạn phải chú ý thường xuyên vệ sinh. Vòng lấy nét điện tử có giới hạn xoay khoảng 160 độ khi bạn xoay từ vị trí lấy nét tối thiểu tới vô cực hoặc ngược lại (bất kể tốc độ nào). Bạn sẽ vẫn xoay được vòng lấy nét khi xoay quá hai giới hạn này, nhưng vị trí lấy nét sẽ không thay đổi. Vòng lấy nét điện tử này có khả năng nhớ chính xác vị trí bạn lấy nét trước khi tắt máy nên khi khởi động lại nó sẽ nằm chính xác ở vị trí cũ. Tuy nhiên, khi không có nguồn điện thì việc xoay vòng lấy nét không làm thay đổi vị trí các thấu kính, hay vị trí lấy nét sẽ không thay đổi. Nếu bạn sử dụng chức năng lấy nét tay thì máy ảnh sẽ tự động zoom vào vị trí lấy nét khi bạn xoay vòng lấy nét (giống như các ống kính native khác của Sony). Như mình nhắc đến ở trên, vòng lấy nét điểu khiển bằng điện tử (fly-by-wire) nên bạn sẽ không có cảm giác lấy nét tay thật như vòng lấy nét cơ (quá trình lấy nét tay thực ra là bạn chỉ đạo cho máy ảnh điều khiển thấu kính chứ không tác động trực tiếp). Mặc dù vậy, cảm giác lấy nét tay của ống kính này khá tốt, cũng được 80% vòng lấy nét cơ học.

Nút Focus hold ở bên trái thân lens rất hữu ích nếu bạn gán cho nó chức năng như Eye AF, sẽ giúp thao tác máy nhanh hơn. Bên dưới nút Focus hold có nút chuyển chế độ lấy nét tự động và lấy nét tay (AF/MF). Nút AF/MF này làm khá phẳng nên bạn sẽ khó gạt nhầm phải nó khi đang thao tác chụp, nhưng lúc cần chuyển chế độ cũng hơi khó khăn hơn so với nhiều ống kính cùng có nút này như của Sigma hay Tamron.

Khác với GM 85mm f/1.4, ống kính này có vòng khẩu với thang chia khẩu độ nằm bên dưới vòng khẩu chứ không nằm ở bên trên. Bạn có thể chỉnh các bước 1/3 stop khẩu độ (thể hiện bằng các vạch nhỏ), hoặc khi vặn vòng khẩu sang vị trí A thì máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh khẩu độ để đảm bảo độ sáng cho ảnh. Vòng khẩu cũng được điều khiển điện tử nên nó không có tác dụng khi bạn không cung cấp điện cho ống kính thông qua máy ảnh.

Bên phải thân ống kính có nút Click giúp bạn bỏ chế độ khẩu cứng (nghĩa là vòng khẩu sẽ dừng tại các vị trí khẩu độ được quy định và có tiếng click mỗi khi thay đổi khẩu). Ở vị trí OFF, ống kính được declick, bạn sẽ thay đổi được khẩu độ với tốc độ đều và không tạo ra tiếng. Đây là một tiện ích rất cần cho chức năng quay phim.

Phần ngàm của GM24 có một vòng cao su mỏng để bảo vệ cho hơi ẩm và bụi lọt vào khoảng trống giữa lens và máy ảnh. Ngàm được thiết kế chắc chắn và gắn rất chặt vào thân máy. Ngoài ra, các bạn có thể nhận thấy ống kính này có thiết kế với thấu kính sau rất gần ngàm, nên các bạn cần cẩn thận khi thay lens, tránh chạm phải mặt kính này. Thiết kế thấu kính sát ngàm giúp Sony tận dụng được lợi thế khoảng cách buồng tối ngắn và làm giảm kích thước ống kính đáng kể so với các ống kính DSLR tương đương.

Để đánh giá chất lượng quang học của GM24, mình sử dụng tripod chắc để gắn máy Sony A7m3, chụp cảnh từ vị trí cố định, sử dụng ảnh RAW xuất ra JPEG qua CameraRAW của Photoshop để đánh giá độ nét và không sử dụng filter, hood hay các chức năng can thiệp vào chất lượng ảnh như khử noise.

Cũng giống như các ống kính khác, đặc trưng tái tạo màu của ống kính không hoàn toàn giống nhau trong các điều kiện chụp khác nhau, đặc biệt là khi bạn sử dụng chế độ cân bằng trắng tự động AWB (auto white balance). Trong điều kiện ánh sáng đủ, phần lớn ảnh chụp bằng GM24 sẽ có màu hơi ấm (tông vàng-đỏ), nhưng khi ánh sáng yếu thì ảnh có xu hướng hơi lạnh (tông xanh-tím). Màu sắc tái tạo bởi ống kính này (chụp ảnh JPEG) trên máy A7m3 có độ bão hòa màu cao, khá rực rỡ với độ tương phản tốt. Ở dưới là một số ảnh JPEG chụp lấy thẳng từ máy ở chế độ cân bằng trắng tự động. Các bạn có thể click vào ảnh để xem ảnh chất lượng cao trên Flickr với màu sắc trung thực hơn).

FE 24mm f/1.4 GM có khả năng lấy nét rất gần (24 cm) và ở khoảng cách lấy nét gần nhất, tỷ lệ phóng đại tối đa các bạn có thể đạt được là 0,17x (khoảng 1/5.8 kích thước thật). Mặc dù tỷ lệ phóng đại không cao nhưng khoảng cách lấy nét này giúp ống kính vẫn có thể dùng cho mục đích chụp cận cảnh chi tiết. Các tấm ảnh ở dưới có thể minh họa cho khả năng lấy nét gần của GM24 trong các điều kiện chụp thực tế.

Độ nét ở khoảng cách lấy nét gần

Ở khoảng cách lấy nét gần , do độ sâu trường ảnh mỏng và khả năng cong trường ảnh cao nên việc so sánh độ nét trung tâm và rìa ảnh được thực hiện ở hai lần chụp riêng biệt, khi so sánh giữa ảnh thì lấy nét vào giữa ảnh, khi so sánh rìa ảnh thì lấy nét vào rìa ảnh. Nếu sử dụng 1 ảnh lấy nét vào giữa thì phần rìa ảnh có thể chi tiết không cùng một mặt phẳng nét nên việc so sánh có thể sẽ dẫn tới đánh giá sai.

Trong hai hình bên dưới, các bạn có thể thấy vị trí dùng để so sánh độ nét tâm hình và rìa hình trong ô vuông màu cam. Ảnh được chụp từ khoảng cách lấy nét gần với khoảng cách lấy nét tối thiểu.

Ở vị trí tâm ảnh, các bạn có thể thấy GM24 đạt độ nét cao ngay từ f/1.4 và việc hạ khẩu độ chỉ làm độ nét ở tâm hình tăng lên một chút (gần như không đổi trong khoảng f/2.8 - f/11). Ở f/16 độ nét tâm hình có giảm một chút do ảnh hưởng của nhiễu xạ. Độ nét ở vùng rìa hình cũng khá tốt, tuy nhiên không bao giờ đạt tới cùng độ nét như ở tâm hình (khoảng 80%). Khoảng f/4-f/11 sẽ giúp bạn có được độ nét cao từ tâm tới rìa hình. Lưu ý là việc đánh giá này được thực hiện với một máy ảnh 24 MP nên nếu bạn đang sử dụng các máy ảnh có độ phân giải cao hơn như A7Rm3 thì khác biệt về độ nét có thể sẽ rõ ràng hơn và khoảng tối ưu cho độ nét từ tâm tới rìa hình có thể sẽ hẹp hơn.

Đánh giá độ nét ở khoảng cách lấy nét xa

Ở khoảng cách lấy nét xa (lấy nét ở vô cực), các vị trí đánh giá độ nét được đánh giá cùng một lúc trên cùng một ảnh, với 5 vị trí khác nhau được đánh dấu trên hình. Với trường hợp này, lens lấy nét ở chính giữa trong tất cả ảnh so sánh.

Tương tự như khi lấy nét gần, ở khoảng cách lấy nét xa, tâm hình đạt độ nét cao ngay từ f/1.4 và các khẩu độ nhỏ hơn chỉ cải thiện thêm một ít về độ nét. Tuy nhiên, ở f/11 độ nét đã bắt đầu giảm nhẹ do ảnh hưởng của tán xạ (sớm hơn so với lấy nét ở khoảng cách gần). Điều tương tự cũng xảy ra với các vùng còn lại, mặc dù độ nét tối đa của vùng trung gian và góc hình cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 80% độ nét ở tâm hình. Khoảng khẩu độ tối ưu để đạt độ nét cao nhất từ tâm tới góc ảnh là khoảng f/4-f/8, nhưng các khẩu độ khác cũng đạt độ nét hoàn toàn chấp nhận được.

So sánh độ nét ở vùng trung gian và góc hình thì dường như vùng trung gian bị ảnh hưởng nhẹ của loạn thị (astigmatism), có độ nét kém hơn một chút. Hai vùng ảnh bên trái và bên phải có độ nét khá đồng đều nhau cho thấy ống kính không bị lệch thấu kính hay bị cong trường nét đáng kể.

Một số đánh giá sớm về ống kính GM24 trên thế giới cho thấy ống kính chỉ bị méo thùng (barrel distortion) nhẹ, nhưng qua quan sát của Vsion, thấu kính này bị méo lõm (pincushion) nhẹ, tức là các đường thẳng song song với các cạnh của khung hình bị cong vào giữa. Mức độ méo rất nhẹ nên trong nhiều trường hợp có thể bạn sẽ không nhận ra, nhưng khi chụp kiến trúc với nhiều đường thẳng song song, các chi tiết ở phía cạnh của hình sẽ bị cong nhẹ. Hiện nay chưa có profile chỉnh méo cho ống kính này, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chỉnh trên Photoshop hoặc Lightroom với chức năng chỉnh méo (nếu bạn cần mức độ thẳng tuyệt đối). So với các ống kính góc rộng khác thì mức độ kiểm soát méo hình như thế này là rất tốt.

Những ảnh chụp chưa qua chỉnh sửa ở dưới sẽ giúp các bạn hình dung mức độ méo của ảnh khi chụp trong các điều kiện thực tế.

Về mức độ tối góc thì GM24 cũng như nhiều ống kính khẩu độ lớn khác bị tối góc ở khẩu f/1.4. Tuy nhiên theo đánh giá của Vsion, mức độ tối góc này không nặng, mức chênh sáng ở vùng góc và giữa hình trong khoảng 1 stop và hiện tượng này cũng biến mất từ f/2.8 (hình dưới).

Một số ảnh chụp JPEG ở f/1.4 cho thấy mức độ tối góc này trong thực tế không nặng. Khi có profile chỉnh lỗi ống kính, các bạn có thể khử hoàn toàn hiện tượng này ngay từ f/1.4 nếu các bạn không thích.

Trường nét của ống kính thường tạo ra một mặt phẳng cong chứ không phẳng hoàn toàn. Mức độ cong trường nét thay đổi tùy thuộc thiết kế của ống kính và nó ảnh hưởng rất nhiều tới sự đồng đều giữa độ nét ở các vùng của khung hình, nhất là giữa vùng tâm hình và góc / rìa hình. Để tái hiện hình ảnh của trường nét, phương pháp của mình là đặt máy ảnh sát với một mặt phẳng có nhiều chi tiết, sau đó cân bằng máy sao cho mặt dưới của máy gần như song song với mặt phẳng này, rồi lấy nét ở mức gần nhất có thể, mở khẩu lớn nhất. Với cách này thì vùng chuyển giữa điểm nét và điểm ngoài vùng nét có thể được quan sát. Bằng phương pháp xử lý tăng độ tương phản và chi tiết của hình, mình có thể nhận ra hình dáng của trường nét với từng ống kính.

Nếu các bạn đã quen thuộc với bài kiểm tra này trong các đánh giá của Vsion thì các bạn có thể dễ dàng nhận thấy GM24 là một trong những ống kính có độ cong trường nét ít nhất Vsion từng kiểm tra. Khả năng kiểm soát độ cong trường nét rất tốt và khả năng phân giải chi tiết cao trên toàn bộ khung hình giúp chúng ta nhìn thấy khoảng DOF cực kỳ rõ nét từ tâm cho tới rìa, theo dạng gần như một đường thẳng ngang hình. Với độ cong trường nét nhỏ thế này, bạn sẽ không phải lo khi chụp cảnh xa mà vùng rìa ảnh có độ nét kém hơn đáng kể so với tâm hình.

Flare là hiện tượng các chi tiết bị mờ và độ tương phản giảm ở những vùng gần nguồn sáng mạnh, còn ghost là hiện tượng các bóng màu xuất hiện khi chụp ngược sáng. Nhìn chung GM24 là một ống kính chịu flare tốt, nhưng vẫn có thể có ghost trong một số điều kiện, ví dụ như nguồn sáng mạnh và gần ống kính như trong các hình dưới. Góc chiếu xiên của nguồn sáng sẽ tạo các đốm màu nhẹ chéo khung hình, còn nguồn sáng ở khu vực giữa hình sẽ xuất hiện các đốm màu ở gần nguồn sáng. Nếu đang dùng A7m2, các bạn có thể thấy các đốm màu tròn xếp đều nhau gần nguồn sáng do hiện tượng phản xạ bề mặt cảm biến, nhưng với các máy sử dụng cảm biến BSI như A7m3 thì các bạn sẽ chỉ quan sát được ghost như hình. Trong các điều kiện chụp không quá khắc nghiệt (nguồn sáng ở xa và không quá mạnh), bạn sẽ không thấy hiện tượng ghost trên hình.

Khi có nguồn sáng mạnh ở phía sau chi tiết lấy nét thì khả năng chịu flare tốt của ống kính giữ cho chi tiết và độ tương phản ở gần nguồn sáng vẫn được bảo toàn ở mức độ cao, nhưng đôi lúc bạn sẽ vẫn thấy ghost như trong hình dưới.

Sắc sai (hay còn hay được gọi chung là viền tím) là hiện tượng các bước sóng khác nhau không hội tụ trên cùng một mặt phẳng, tạo ra các chi tiết hay mảng màu khác với mắt thường nhìn thấy, trong đó màu tím là màu rất phổ biến nên nó gắn liền với hiện tượng này. Có hai loại sắc sai chính là sắc sai trục ngang (lateral chromatic aberration - LaCA) và sắc sai trục dọc (longitudinal chromatic aberration - LoCA), trong đó LaCA xuất hiện trong mặt phẳng nét và tạo các chi tiết màu "lạ" ở viền của chi tiết nét, còn LoCA xuất hiện thành mảng màu ở trước và sau mặt phẳng nét (với hai màu khác nhau). Cả hai ống kính này đều kiểm soát LaCA tốt nhưng LoCA thì các bạn vẫn có thể nhận ra ở phía trước và sau vị trí lấy nét, nhất là khi mở khẩu độ lớn.

Mức độ sắc sai trục ngang LaCA của GM24 là khá thấp và chỉ có thể quan sát được ở những vùng chi tiết tương phản mạnh và ở ngoại biên hình. Như ở hình dưới các bạn có thể thấy chi tiết tương phản ở phía ngoài tâm hình có độ dày của viền tím cao hơn rõ chi tiết ở gần trung tâm hình hơn. Sắc sai ở mức độ này rất khó phát hiện trong điều kiện chụp thông thường và dễ xử lý bằng hậu kỳ để khử hoàn toàn.

Hình dưới thể hiện sắc sai trục dọc LoCA, với chi tiết ở phía trước điểm nét có viền tím, chi tiết ở phía sau lại có viền xanh lá cây. Mức độ LoCA này cũng không cao và chỉ thể hiện ở khẩu độ lớn nhất trong các hoàn cảnh có độ tương phản cao như thế này.

Sắc sai trục ngang biến mất dần từ f/1.4 tới f/2.8 như trong hình minh họa ở dưới.

Khi xét tới đặc điểm của bokeh, có hai yếu tố chúng ta cần quan tâm là mức độ mịn của vùng ngoài nét (out of focus area) và dạng bóng bokeh. Hình dạng bóng bokeh là hệ quả của hiện tượng "mechanical vignetting" (tối góc cơ học), do góc của ánh sáng tới lỗ khẩu của ống kính khác nhau từ những vị trí khác nhau trên hình, làm một phần của bóng bokeh có thể mất ở những vị trí sát góc/rìa hình, tạo dạng bóng bokeh không hoàn toàn tròn. Rất nhiều ống kính khẩu lớn f/1.4 có dạng bóng bokeh hình mắt mèo ở sát rìa hình, tuy nhiên GM24 (cũng giống như GM85) được thiết kế để giảm tối đa hiệu ứng này, nên bóng bokeh ở sát rìa hình cũng chỉ bị dạng hình thoi nhẹ (GM85 thậm chí giữ được bóng bokeh dạng tròn ờ sát rìa hình). Điều này cũng làm cho hậu cảnh không có cảm giác "xoáy".

Việc sử dụng thấu kính XA làm giảm tối đa hiện tượng vân hành trên bóng bokeh. Tuy nhiên trong một vài trường hợp khi bóng bokeh không thật sáng và phóng đại lên, bạn vẫn có thể nhận ra vân đồng tâm trên bóng bokeh, là dấu hiệu của mài kính (hình dưới).

Vùng ảnh ngoài khoảng nét có độ mịn cao, các chi tiết trong vùng này gần như không có ranh giới rõ. Các bóng bokeh ở khoảng cách xa hơn một chút vẫn có rõ hình dạng, nhưng không có viền rõ ràng.

Mặc dù không thể so sánh với các ống kính tiêu cự dài, khẩu lớn như GM85, ống kính GM24 vẫn có chất lượng bokeh thuộc hàng tốt nhất trong các ống kính 24mm hiện nay.

Và đặc biệt là thiết kế lá khẩu làm cho bóng bokeh vẫn giữ được dạng tròn ngay cả khi hạ khẩu. Hai hình dưới được chụp ở f/4 nhưng bóng bokeh đều không thể hiện rõ cạnh đa giác.

Để tìm hiểu về hiệu ứng tia của ống kính, mời các bạn đọc trong bài hướng dẫn của Vsion . Lá khẩu của GM 24mm được thiết kế cong nhiều hơn ở phần đỉnh nhưng khá thẳng ở phần dưới nên hiệu ứng bokeh và tia được cân bằng: bokeh vẫn tròn trịa ở khẩu độ lớn nhưng tia vẫn sắc nét ở khẩu độ nhỏ.

Trong hình dưới các bạn có thể thấy là tia của GM24 bắt đầu hình thành rõ từ f/8 và đạt độ sắc nét nhất ở f/16. Với thiết kế 11 lá khẩu, tia có dạng 22 cánh khá đều nhau. Việc đánh giá tia đẹp hay xấu hoàn toàn mang tính chủ quan. Theo Vsion thì tia của GM24 không xấu nhưng cũng không quá xuất sắc.

Mặc dù được thiết kế với nút declick để phục vụ quay phim nhưng GM24 lại có hiện tượng "thở" (breathing) khá rõ. Khi thay đổi vị trí lấy nét từ xa nhất tới gần nhất, góc nhìn của ống kính bị thu hẹp còn khoảng 88% theo chiều ngang.

Khi lồng ảnh chụp ở khoảng cách lấy nét gần vào ảnh chụp ở khoảng cách lấy nét xa, chúng ta có thể nhìn thấy rõ sai khác về góc nhìn ở hai vị trí lấy nét này. Mức độ thở này không phù hợp với việc quay phim cần thay đổi vị trí lấy nét gần - xa.

Khả năng kiểm soát coma rất quan trọng với các ống kính góc rộng khẩu lớn có tiềm năng sử dụng để chụp thiên văn, chụp sao. Tin tốt là GM 24mm chỉ bị coma mức độ trung bình ở khẩu độ lớn nhất, và lỗi này được khắc phục rất nhanh ở f/2 và f/2.8 (hình dưới). Nếu bạn không quá kỹ tính thì f/1.4 vẫn hoàn toàn có thể dùng để chụp thiên văn, còn nếu không thì f/2.8 - f/4 sẽ giúp bạn có sao dạng tròn dù ở góc hình.

Là một ống kính góc rộng thế hệ mới, khi dùng với A7m3 thì khả năng lấy nét của GM24 đạt mức độ rất tốt. Trong quá trình sử dụng, rất hiếm khi mình lấy nét trượt, thậm chí là khi chụp liên tục AF-C và thay đổi khoảng cách lấy nét nhanh như trong loạt hình bên dưới (vị trí lấy nét nằm ở núm có vòng cao sau bên trái đầu tripod). Ngay cả khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, rất hiếm khi GM24 bị hunting. Tuy nhiên nếu bạn cố gắng dùng AF ở sát khoảng cách lấy nét gần nhất thì ống kính có thể gặp khó khăn để xác định vị trí nét.

Các bạn có thể tham khảo video sau thể hiện khả năng lấy nét AF-C của GM24:

Ảnh chụp test được chia làm 2 nhóm, nhóm đầu tiên là ảnh JPEG chưa qua chỉnh sửa và nhóm thứ hai là ảnh chụp RAW và chỉnh màu bằng Photoshop. Các bạn có thể click vào hình để xem ảnh chất lượng cao trên Flickr. Ảnh trên Flickr có màu sắc gần với ảnh các bạn xem trên máy tính hơn và các bạn có thể kiểm tra thông số hình trực tiếp trong phần thông tin của ảnh. Các bạn có thể theo dõi album ảnh trên Flickr để tham khảo thêm nhiều ảnh chụp thực tế khác sẽ được upload lên.

Ảnh JPEG chụp trực tiếp trên máy, chưa qua chỉnh sửa

Ảnh chụp RAW đã qua chỉnh sửa trên Photoshop

Ống kính đắt tiền này có "đáng tiền" không? Theo đánh giá của Vsion thì FE 24mm f/1.4 GM là ống kính xứng đáng với giá tiền và là ống kính thuộc nhóm "hấp dẫn" nhất trong các ống kính GM của Sony cho tới nay. Thiết kế của ống kính là sự cân bằng giữa hiệu năng và sự thuận tiện khi sử dụng, giúp ống kính có thể thực hiện xuất sắc các tác vụ một ống kính 24mm có thể làm: chụp ảnh đời thường, đường phố, phong cảnh, chân dung phong cảnh (enviromental portrait), thậm chí là chụp close-up. Trọng lượng và kích thước ống kính này là điểm nhấn lớn nhất phân biệt nó với các ống kính chất lượng cao khẩu độ lớn khác, trong khi các tiêu chí về khả năng quang học và AF vẫn đạt ở mức độ cao. Sony đã thể hiện sự trau chuốt trong thiết kế của GM24 và chắc chắn các bạn sẽ có một trải nghiệm tốt khi sử dụng ống kính này. GM24 không phải là một ống kính hoàn hảo, mặc dù nó là ống kính tốt trên phần lớn các phương diện, nhưng một chút điểm yếu như sắc sai nhẹ hay ghosting có thể chấp nhận được để đánh đổi lại bằng kích thước, trọng lượng hợp lý và mức giá không đến mức "không tưởng".

Bạn có nên mua ống kính này không ? Câu trả lời lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính và nhu cầu của bạn. Với khả năng tài chính tốt và việc mua ống kính này phục vụ cho nhu cầu cao như tác nghiệp, làm dịch vụ thì nó là ống kính rất đáng giá, nhưng nếu bạn sử dụng chủ yếu để chụp du lịch, chụp gia đình, chụp như một sở thích thì bạn hoàn toàn có thể cân nhắc những ống kính rẻ tiền hơn như FE 28mm f/2 hoặc Tamron 28-75mm f/2.8 , đặc biệt là FE 28mm f/2 vẫn được Vsion đánh giá là ống kính Sony full frame ngàm E có hiệu năng sử dụng tốt nhất cho tới nay. Nếu bạn không ngại sử dụng ngàm chuyển hay ống kính có kích thước lớn thì SAL 24mm f/2 hay Sigma Art 24mm f/1.4, Canon EF 24mm f/1.4L (thế hệ 1), Samyang 24mm f/1.4 MF cũng là những lựa chọn thay thế không tệ.

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: