Blog Post

Đánh giá Minolta MC Rokkor-X 58mm f/1.2... trên film

Oct 22, 2018

Có 1 câu hỏi thú vị Vsion muốn đặt ra luôn đối với bạn đọc: "Bạn nghĩ sức mạnh của một ống kính mf cổ sẽ được thể hiện hết khi nào? Trên film hay trên máy ảnh số?"

Có lẽ sẽ có rất nhiều tranh luận xung quanh câu hỏi này. Máy số sẽ tăng khả năng sắc nét của ống kính và có lẽ có nhiều ưu thế khác, tuy nhiên cảm biến của máy số trong nhiều trường hợp sẽ khiến cho một ống kính chưa thể hiện "đúng" bản chất của nó. Cảm biến thì mỗi hãng mỗi khác, và có ảnh hưởng rất lớn đến file ảnh cuối cùng bất kể chụp với ống kính nào đi nữa, màu sắc của máy Canon không thể giống Nikon hay không thể giống Sony. Thứ hai, nhiều loại máy còn có cảm biến với độ phân giải rất cao, như dòng Sony A7R Mark II, Canon 5D3-5D4, Nikon D800-810... Nhiều bài viết trên thế giới đã cho thấy, các ống kính MF cổ không phù hợp khi lắp trên các body có cảm biến với độ phân giải cao. Nó vượt quá khả năng tái tạo và độ phân giải của các ống kính MF cổ. Ngay cả các ống kính Leica cũng gặp khó khăn khi lắp trên body có độ phân giải cao như Sony A7R. Ngoài ra, ở trên một số máy còn không có AA filter để hạn chế quang sai của ảnh, và như vậy các ống kính MF vốn tuổi đời đã lâu năm, có bao nhiêu yếu điểm (sắc sai, viền tím, flare...) đều dễ dàng bị lộ ra hết.

Vậy còn trên máy film thì sao? Ảnh số ra đời bằng: cảm biến + ống kính, và có thể thêm quá trình retouch bằng phần mềm để cho ra bức ảnh cuối cùng. Còn ảnh film, là film + ống kính, và thêm quá trình hậu kỳ trong phòng tối để cho ra bức ảnh được tráng rửa hoàn chỉnh. Nghe thì thấy cả 2 quy trình đều không có sự khác biệt là mấy, tuy nhiên với nhiều người, nhất là các bậc "cao nhân", "lão làng" đều cho rằng, sức mạnh của ống kính chỉ được thể hiện rõ nét nhất khi chụp film. Film "thật", không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hạn chế về kỹ thuật và công nghệ, không bị ảnh hưởng bởi cảm biến. Màu sắc, độ nét và "cá tính" của một ống kính sẽ luôn được thể hiện rõ ràng trên film.

Có một câu nói mà người viết rất thích khi xem bộ phim Kodakchrome (2017) gần đây, với diễn xuất chính của Ed Harris trong vai một nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp film, với chiếc Leica M4P và ống kính Leica Summicron 50mm f/2 thường trực trên tay, trong phim ông đã nói: "Chụp máy số giống như sờ ngực giả của đàn bà vậy, nó không thật. Với máy số ngày nay con người chụp được hàng triệu triệu bức ảnh, nhưng không có những cuộn film, không có slide, ảnh vẫn mãi không được in. Tất cả chỉ tồn tại là những dữ liệu điện tử. Không thể so sánh với film được, khi mà mọi thứ đều thật trong lòng bàn tay".

Vậy đấy, chúng ta sẽ luôn có 2 trường phái về mặt quan điểm rõ ràng trong thời đại ngày nay. Sẽ có những người thích chụp ảnh số, vì máy ảnh số và công nghệ hậu kỳ ngày nay có thể đem lại những sự sáng tao vô tận cho bức ảnh, và vẫn có những người thích chụp ảnh film và ai thì cũng đều có lý do hợp lý và chính đáng cả. Do vậy, nên Vsion cũng sẽ đi theo 2 hướng "review" ống kính, sẽ có những bài đánh giá chi tiết về mặt quang học trên máy số, và cũng sẽ có những bài chỉ đánh giá đơn thuần theo cảm tính sử dụng máy film và ảnh film mà thôi.

(....Thực ra chủ yếu là do... người viết lười, chụp film ra ảnh đôi khi nó cũng nhàn hơn là lúc bạn phải cẩn thận đến từng chi tiết và góc chụp để đánh giá trên máy số)

Trở lại với nhân vật chính của bài viết, ống kính Minolta 58mm f/1.2 MC Rokkor-X . Có thể nhiều bạn đã biết, đây có lẽ là ống kính được săn đón và được yêu thích nhất của Minolta. Với tiêu cự và khẩu độ lớn, chất lượng ảnh xuất sắc, chiếc 58mm f/1.2 này được rất nhiều nhiếp ảnh gia trên thế giới săn đón cho đến ngày hôm nay. Và điểm chính khiến ống kính này trở nên nổi tiếng, chính là bokeh của nó. Đôi khi Minolta 58mm f/1.2 còn được gọi là "King of bokeh" đối với nhiều người.

Ngược dòng lịch sử một chút với ống kính này: ống kính này có 3 phiên bản, với cùng một công thức thấu kính.

Phiên bản đầu tiên được sản xuất trong giai đoạn 1966-1969. Vòng lấy nét hoàn toàn bằng kim loại. Đây là bản hiếm và khó tìm nhất, ống kính này có xu hướng ngả vàng theo thời gian, có thể nguyên nhân là sử dụng thấu kính radioactive.

Phiên bản thứ hai được sản xuất trong giai đoạn 1969-1973 và vòng lấy nét cũng được làm bằng kim loại nhưng có một số cải tiến khác nữa.

Phiên bản thứ ba là phiên bản phổ biến nhất và được sản xuất từ năm 1973 trở đi. Ống kính có vòng lấy nét bằng cao su, khác với các đời trước.

Tất cả các phiên bản với cùng công thức thấu kính sẽ có chất lượng ảnh ngang nhau. Có lẽ đôi khi có những ống kính chúng ta thấy tốt hơn các ống khác, có thể là do kiểm soát chất lượng chưa đồng đều khi sản xuất (điều mà bất kỳ một hãng nào cũng gặp phải) hoặc là do việc bảo quản dẫn đến chất lượng ống kính bị ảnh hưởng theo thời gian. Còn nếu như tất cả các ống kính trong tình trạng như mới, thì chưa có một tài liệu cụ thể nào cho thấy đời 1-2 và 3 có chất lượng khác nhau cả.

Cũng xin phép được giải thích thêm về hệ thống kí tự chữ của Minolta: (Vsion cũng đã có một bài giải thích về hệ thống chữ viết tắt và kí tự của một số hãng, bạn có thể theo dõi lại qua link sau )

MC có nghĩa là Meter coupled , theo hệ thống đo sáng của chiếc máy mà ống kính đi kèm trong những năm 1966 - 1977, ám chỉ hệ thống đo sáng TTL của những chiếc máy do Minolta sản xuất.

MD có nghĩa là Minimum diaphragm , từ hệ thống đo sáng mới với cần gạt MD của những chiếc máy Minolta trong những năm 1977 - 2001, cho phép sử dụng chức năng S và P của máy.

Chúng ta hay nghĩ Minolta là ngàm MD , nhưng thực chất từ đầu tiên khi nói về ngàm của Minolta chính xác phải là SR

Bên cạnh đó, chắc các bạn cũng hay để ý còn một số chữ cái đi sau ký hiệu Rokkor nữa, ví dụ như HG, PG, SG... Những chữ cái này ám chỉ công thức cấu tạo thấu kính bên trong các ống kính tương ứng.

T Q P H S O N - - -
3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
C D E F G H I J K L

Nhìn vào bảng trên có thể đưa ra một số ví dụ sau: ví dụ một ống kính 28mm Rokkor SG sẽ có 7 thấu kính trong 7 nhóm, một ống kính 50mm Rokkor PG sẽ là 7 thấu kính trong 5 nhóm. Như vậy Minolta 58mm f/1.2 cũng tương tự, là 7 thấu kính trong 5 nhóm.

Và cuối cùng là chữ X , ví dụ như Rokkor-X HG, Rokkor-X PG. Chữ X này có nghĩa ống kính được sản xuất cho thị trường Mỹ. Không có gì đặc biệt hơn.

Ở một số ống kính 28mm hay 35mm, bạn sẽ thấy chữ W ở trước Rokkor. W.Rokkor đơn giản là wide-angle , ám chỉ ống kính góc rộng.

Về chất lượng thiết kế, ống kính được làm hoàn toàn bằng kim loại, nặng 478g, cực kỳ chắc chắn. Phiên bản của người viết sử dụng là version 3 với vòng lấy nét bằng cao su. Kim loại được làm bằng hợp kim cao cấp, có cảm giác rất khó xước, nhìn chung là đầm tay và rất chắc.

Vòng lấy nét thì mượt, khá dễ lấy nét. Vòng khẩu chia theo 1/2 stop, trừ từ f/1.2 đến f/2 thì không có stop nào ở giữa, điểm này cũng tương đối khó chịu. Bạn sẽ phải tự ước lượng nếu muốn chụp kiểu f/1.4 hay f/1.8 chả hạn. Ống 58mm f/1.2 này to và nặng hơn các phiên bản 50mm f/1.4 khá rõ, cũng không phải là một ống kính nhỏ gọn dễ dàng mang vác đi khắp nơi cho lắm.

Vậy điểm gì đã làm cho ống kính Minolta 58mm f/1.2 này trở nên nổi tiếng? Độ nét? Không, chắc chắn không. Bạn không thể đòi hỏi độ nét tuyệt vời, sắc nét như dao cạo với các ống kính khẩu độ f/1.2 được. Ngay cả các ống kính đời mới cũng rất rất ít ống kính có thể đạt được độ nét tốt tại khẩu độ lớn 1.2, kể cả Leica.

Tuy nhiên, độ nét của Minolta ngay tại f/1.2 cũng rất tốt, hoàn toàn có thể ở mức chấp nhận được. Với bức ảnh trên, bạn có nghĩ f/1.2 nó sẽ tốt như thế này không? Đối với người viết, như thế này là quá ổn so với nhiều ống kính f/1.2 khác. Qua các cuộc tranh luận và bài đánh giá trên mạng, nổi tiếng nhất về độ nét tại f/1.2 có lẽ là Canon FD L 50mm f/1.2. Vsion cũng sở hữu ống kính này và khi so sánh với một số ống kính f/1.2 đã từng chụp qua như Nikon AIS 55mm f/1.2, Konica Hexanon 57mm f/1.2 thì Canon FD L vẫn có độ nét tốt nhất. Còn Minolta 58mm ở đây, f/1.2 có thể cạnh tranh sòng phẳng với tất cả các ống kính Nikon hay Konica khác đề cập ở trên.

Khi khép vào f/2 hay f/2.8, độ nét và tương phản của ống kính được cải thiện rõ rệt.

Nhưng khi khép vào f/2 hay f/2.8, nhiều ống kính cũng có thể đạt được độ nét tương tự hoặc có khi là hơn so với Minolta. Điểm làm Minolta đặc biệt và trở nên nổi tiếng, chính là cái bokeh và vùng chuyển của nó. Vùng chuyển từ điểm nét tới điểm không nét rất nhẹ nhàng, êm dịu và vừa mắt. Đây mới chính là ưu điểm lớn nhất của Minolta!

Một ưu thế lớn của Minolta chính là ở tiêu cự 58mm. Không phải 50mm như thông thường, mà là 58mm. Như mọi người đều đã biết, xóa phông bằng tiêu cự, luôn đẹp và tự nhiên hơn xóa phông bằng khẩu độ. Chính vì vậy mà Minolta 58mm có một ưu thế lớn về bokeh và vùng chuyển so với các ống kính 50mm f/1.2 thông thường khác, Minolta cho một vùng chuyển tự nhiên, dễ chịu hơn, kết hợp với công thức và chất lượng thấu kính của Minolta tạo nên một chất ảnh rất tự nhiên nhưng rất "tình", không thua kém Leica là mấy về vùng chuyển. Điểm này dễ thấy nhất khi thực hiện chụp chân dung.

Hình dạng bokeh của Minolta 58mm f/1.2 trong nhiều trường hợp cũng rất đẹp mắt, đôi khi có thể gọi là busy với những hình dạng vùng highlight khá rõ ràng. Vùng chuyển thì mượt, còn bokeh thì bắt mắt. Đây là điểm khiến cho những người yêu thích ống kính mf cổ không thể hài lòng hơn.

Vùng bokeh của Minolta 58mm f/1.2, trong nhiều trường hợp cũng được mô tả là mịn màng "như tranh vẽ". Với những điểm độc đáo như vậy, Minolta 58mm gần như trở thành một biểu tượng thực sự trong cộng đồng chơi ống kính MF cổ.

Và màu sắc thì sao, rất đặc trưng Minolta, màu rất tươi sáng và tình cảm, không quá gắt, không quá rực rỡ nhưng đủ ấn tượng, và có thể hợp chụp với tất cả các loại film Fuji hay Kodak, mà không lo bị quá ấm hay quá lạnh.

Vậy còn những yếu tố khác, như khả năng chống Flare, chụp ngược sáng....thì sao? Người viết xin phép không bàn luận và đưa ra ví dụ ở đây, (sợ mọi người lại chán ống kính này mất!) nhưng có thể tóm lại, là không thể so sánh được với các ống kính chất lượng đời mới hiện nay. Do bản thân Minolta 58mm f/1.2 cũng có tuổi đời khá lâu nên việc chống flare và chụp ngược sáng không thể đòi hỏi cao, contrast và độ nét chắc chắn sẽ giảm kha khá, đặc biệt rõ ràng nhất khi bạn chụp trên máy ảnh số. Còn trên film sẽ ổn hơn nhưng cũng không thể bằng các ống kính đời mới, nó phụ thuộc nhiều vào lớp coating trên ống kính và độ bền của coating cùng với sự bảo quản.

Tổng thể, Minolta 58mm f/1.2 đem đến cho bạn những gì:

  • Độ nét tốt, hoàn toàn chấp nhận được tại f/1.2
  • Dof mỏng dính tại f/1.2, đặc biệt với tiêu cự 58mm, mỏng hơn các ống kính 50mm khác
  • CÁ TÍNH ĐẶC BIỆT, vùng chuyển mềm mại, êm dịu và cực kỳ xuất sắc
Thực sự phải có lý do chính đáng, Minolta 58mm f/1.2 mới gần như trở thành ống kính được săn đón và nổi tiếng nhất của Minolta cho đến tận thời điểm ngày hôm nay. Bạn cần phải cầm và trải nghiệm, và phải trải nghiệm đủ lâu, để thấy được ống kính này nó đặc biệt đến như thế nào.
Mức giá của Minolta 58mm hiện tại trên thị trường vào tầm 8 - 10 triệu đồng phụ thuộc vào hình thức. Và Vsion khuyên bạn nên tìm kiếm Version 3, mới hơn, như vậy khả năng độ bền của coating còn tốt cũng cao hơn, đem đến cho bức ảnh độ nét, contrast và khả năng chống lóa tốt hơn so với những phiên bản cũ.

Mời các bạn xem thêm một số hình ảnh chụp bằng ống kính trên film, và cả trên số dưới đây:

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được biên tập bởi P.N.
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: