Blog Post

Thuật ngữ và tên viết tắt của ống kính máy ảnh

Apr 04, 2017

Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy rất bối rối khi phải đọc những thuật ngữ và ký hiệu viết tắt trên ống kính và máy ảnh, nhất là với người mới làm quen với máy hoặc cả một hệ máy mới. Để giúp các bạn hiểu hơn về thiết bị mình đang dùng, Vsion tổng hợp và giới thiệu với các bạn danh sách các thuật ngữ và tên viết tắt đang được các hãng máy ảnh sử dụng. Danh sách này tập trung chủ yếu vào các hệ máy kỹ thuật số hiện nay, chúng tôi sẽ giới thiệu về các ống kính cổ điển vào một dịp khác. Nếu có tên viết tắt hay thuật ngữ nào các bạn muốn bổ sung, hãy liên hệ với chúng tôi trực tiếp trên trang Facebook của Vsion hoặc comment ngay dưới bài viết.

Nikon

AF (Auto-Focus)
Ký hiệu cho thế hệ ống kính lấy nét tự động đầu tiên của Nikon.

AF-S (AF-Silent Wave Motor)
AF-S là ký hiệu cho dòng ống kính AF siêu nhanh của Nikon với motor sóng rung không tiếng động (silent wave motor hay SWM).

AF-P (AF-Stepping Motor)
AF-P được dùng để chỉ một ống kính sử dụng công nghệ motor lấy nét “Stepping”. Nikon công bố là ống kính loại này nhanh hơn và êm hơn AF hay AF-S nên phù hợp hơn với quay phim bằng máy DSLR.

DX
DX là ống kính được thiết kế cho máy DSLR trang bị cảm biến crop APS-C.

FX
FX là ống kính được thiết kế cho máy DSLR trang bị cảm biến full frame.

G
Ống kính G không có vòng chỉnh khẩu trên thân ống mà phải điều chỉnh qua vòng xoay điều khiển trên thân máy.

D
Ống kính D cung cấp thông tin về khoảng cách cho quá trình tính toán mức độ phơi sáng và điều khiển flash. Ống kính loại này cũng có vòng chỉnh khẩu trên thân ống kính.

SIC (Super Integrated Coating)
Để tăng cường hiệu quả quang học của các thấu kính, Nikon sử dụng công nghệ tráng phủ nhiều lớp để giảm hiện tượng ghost, flare xuống mức tối thiểu. SIC còn làm giảm tỷ lệ ánh sáng phản xạ trên bề mặt mỗi thấu kính, có tác dụng với dải ánh sáng rộng và có khả năng cân bằng, tái tạo màu rất tốt. SIC được dùng riêng cho các ống kính có sử dụng nhiều thấu kính như các ống Zoom-NIKKOR.

Nano Crystal Coat (lớp tráng phủ tinh thể nano)
Lớp tráng phủ tinh thể nano là loại tráng phủ chống phản xạ (anti-reflective coating). Nó gần như loại bỏ hết phản xạ của ánh sáng trên bề mặt các thấu kính bên trong ống kính và có tác dụng với dải bước sóng rộng, đặc biệt là có thể giảm thiểu ghost và flare ở các ống siêu rộng (ultra wide angle lenses). Các ống kính có lớp tráng phủ Nano được thể hiện bằng một chữ N lớn trên thân ống kính.

AS (Aspherical – thấu kính phi cầu)
Ống kính Aspherical gần như loại bỏ hoàn toàn các lỗi coma và các dạng quang sai khác, ngay cả khi được dùng ở khẩu lớn nhất. Ống kính Aspherical rất có ích trong việc chỉnh méo hình với các ống góc rộng. Thêm nữa, sử dụng thấu kính phi cầu cũng giúp thiết kế các loại ống nhỏ và nhẹ hơn bình thường.

CRC (Close-Range Correction – chỉnh sai ở khoảng lấy nét gần)
Hệ thống này giúp tạo ra chất lượng ảnh cao ở khoảng cách lấy nét gần và tăng khoảng lấy nét. Với CRC, các thấu kính được thiết kế ở dạng “nổi” (floating element) mà các nhóm thấu kính di chuyển độc lập với nhau để lấy nét. Thiết kế này có thể đảm bảo chất lượng hình ảnh cao ngay cả ở khoảng cách lấy nét ngắn. Hệ thống CRC được dùng cho các ống fisheye, góc rộng, macro (Nikon gọi là Micro) và một số ống tele tiêu cự trung bình của Nikon.

IF (Internal Focusing – lấy nét trong)
Chuyển động của tất cả các yếu tố trong hệ quang học của ống kính được giới hạn bên trong thân ống kính với chiều dài cố định. Thiết kế dạng này giúp ống kính được thu gọn, nhẹ và lấy nét được gần hơn. Thêm nữa, nhóm thấu kính lấy nét nhỏ, nhẹ cũng giúp khả năng lấy nét được nhanh hơn. Hệ thống IF có mặt trong hầu hết các ống tele và một số ống zoom của Nikon.

VR (Vibration Reduction – giảm rung động)
Hệ thống VR có thể làm giảm hiện tượng mờ hình do rung máy ảnh xuống mức tối thiểu và giúp người dùng có thể chụp với tốc độ chậm hơn bình thường 3 stop khi cầm tay. Với VR, bạn có thể chụp ảnh lúc hoàng hôn, trong đêm hoặc điều kiện ánh sáng yếu trong nhà mà không cần tripod.

ED (Extra-low Dispersion – Tán xạ siêu thấp)
Thấu kính ED có khả năng làm ống kính tăng độ nét và cân màu để giảm tối đa quang sai màu. Đây là loại thấu kính quan trọng trong các ống tele.

RF (Rear Focusing – lấy nét bằng nhóm thấu kính sau)
Tất cả thấu kính cấu thành ống kính được chia thành các nhóm thấu kính riêng biệt mà chỉ có nhóm sau cùng di chuyển để lấy nét. Thiết kế này giúp quá trình lấy nét nhanh và êm hơn.

ML (Meniscus Protective Lens)
Thấu kính mặt khum cong ML được thiết kế phía trước ống kính để giảm tối đa hiện tương ghost bằng cách khuếch tán ánh sáng phản xạ ngược lại từ bề mặt cảm biến (hoặc film) và lớp kính bảo vệ.

SWM (Silent Wave Motor)
Các ống kính NIKKOR AF-S được trang bị hệ thống mô tơ lấy nét SWM có thể chuyển đổi sóng chuyển động (travelling waves) thành năng lượng quay để lấy nét. Hệ thống này cho phép ống kính lấy nét rất nhanh nhưng cũng rất yên lặng.

AF-DC
Ống kính NIKKOR AF-DC sử dụng công nghệ kiểm soát hình ảnh ngoài vùng nét (Defocus-image Control technology) của Nikon. Công nghệ này cho phép người dùng kiểm soát mức độ cầu sai ở vùng tiền cảnh hoặc hậu cảnh bằng cách xoay vòng DC trên thân ống kính. Thao tác này sẽ tạo tiền cảnh hoặc hậu cảnh mịn phù hợp với chụp chân dung.

Micro
Là tên Nikon dùng cho ống Nikkor có chức năng macro.

HRI (High Refractive Index – chỉ số khúc xạ cao)
Các ống kính HRI có hiệu ứng tương đương với việc sử dụng kết hợp vài loại thấu kính bình thường để chỉnh độ cong trường nét và cầu sai. Nhờ thế, ống kính HRI có thể đạt được chất lượng hình ảnh cao nhưng vẫn có thể gọn nhẹ.

Canon

APS-C (Advanced Photo System type-C – Hệ thống ảnh tiên tiến dạng C)
APS-C là dạng cảm biến hình ảnh tương đương với kích thước film âm bản APS “classic”.

EF
EF nghĩa là ống kính được điều khiển điện tử. Ống kính EF được sử dụng cho các máy ảnh có gương lật SLR dòng EOS của Canon.

EF-S
Ống kính EF-S được thiết kế để sử dụng trên máy ảnh có cảm biến APS-C.

EF-M
Ống kính EF-M được thiết kế riêng cho hệ thống máy ảnh không gương lật EOS M của Canon. Các ống kính này được thiết kế nhỏ gọn hơn loại dành cho máy SLR/DSLR.

S.S.C. (SuperSpectra coating)
S.S.C. là tên công nghệ tráng phủ kính của Canon để làm giảm tỷ lệ phản xạ ánh sáng, tăng độ tương phản và độ no màu của hình ảnh. S.S.C. được dùng cho nhiều ống kính cổ điển của hãng, được ghi trên ống kính dưới dạng chữ S.S.C. màu đỏ ở thế hệ đầu tiên và sau đó mặc định, không còn ghi trên ống kính ở các thế hệ tiếp theo.

SWC (SubWavelength Coating)
Đây là công nghệ tráng phủ sử dụng vật liệu nano của Canon, được thay thế cho SSC trong một số ống kính AF mới.

USM (Ultra Sonic Motor – mô tơ lấy nét siêu thanh)
Đây là công nghệ sử dụng sóng âm để đưa thấu kính tới vị trí xác định để lấy nét, giúp quá trình lấy nét rất nhanh và êm ái.

STM (Smooth Transitions for Motion)
Công nghệ STM sử dụng mô tơ lấy nét STM (stepping motor) để có thể lấy nét êm, không gây tiếng ồn khi quay phim.

IS (Image Stabilizer – chống rung)
Công nghệ chống rung cho phép ống kính cảm nhận được chuyển động lắc hoặc rung và phản ứng lại ngay lập tức bằng điều chỉnh các thấu kính để duy trì khả năng lấy nét. Hệ thống IS ngày nay cho phép người dùng chụp với tốc độ chậm hơn 5 stop mà vẫn không bị mờ ảnh. Do hệ thống IS được dùng trên ống kính nên nó có thể được tối ưu tùy thuộc từng ống kính.

L (Luxury)
Đây là ký hiệu của Canon dành cho dòng ống kính cao cấp, chuyên nghiệp nhất của hãng với thấu kính được chế tạo bằng nguyên liệu đặc biệt như fluorite, kính tán xạ siêu thấp (UD) hay kính siêu UD. Ống kính L được thể hiện bằng một vòng tròn màu đỏ quanh thân ống kính. Mặc dù không có thông tin chính thức từ Canon, L vẫn được hiểu là viết tắt cho Luxury nghĩa là cao cấp và đắt tiền.

DO (Diffractive Optics)
Canon là công ty đầu tiên và duy nhất trên thế giới sử dụng thấu kính nhiễu xạ (diffractive optical – DO) trong hệ thống ống kính SLR của mình. Với các thấu kính DO, ống kính tele có thể ngắn và nhẹ hơn nhiều so với các thiết kế trước đó, trong khi chất lượng quang học cũng được cải thiện thông qua việc giảm sắc sai hay quang sai màu (chromatic aberration).

TS-E
Ống kính TS-E là các ống kính tilt/shift (nghiêng/trượt) có thể dùng để chỉnh méo hình do góc nhìn và kiểm soát khoảng nét. Với chức năng tilt, ống kính có thể nghiêng đi một góc nhất định so với mặt phẳng cảm biến / film làm mặt phẳng nét cũng nghiêng theo và tạo hiệu ứng chiều sâu giả cho ảnh. Chức năng Shift có thể đẩy ống kính trượt theo trục ngang hoặc trục dọc, giúp chỉnh méo hình do góc nhìn cao hay thấp, hoặc có thể dùng để chồng ảnh liên tiếp trong chụp panorama.

MP-E
Ống kính MP-E cũng là một dạng ống kính chuyên dụng của Canon nhưng dùng cho chụp macro. Canon chỉ có duy nhất một ống kính MP-E là ống 65mm f/2.8 1-5x Macro, cho phép đạt tới độ phóng đại 5 lần kích thước thật.

Macro
Macro là tên dùng cho ống macro của Canon, hay còn gọi là ống kính chụp gần (close-up).

Sony

SAL
Là ký hiệu tên của ống kính Sony ngàm A, dùng trên máy DSLT ngàm A của hãng.

SEL
Là ký hiệu của ống kính Sony ngàm E, dùng trên máy ảnh không gương lật của hãng.

FE
Là ký hiệu riêng cho ống kính SEL thiết kế cho máy full frame không gương lật, tuy nhiên có thể dùng chung với cả máy APS-C ngàm E.

G (Gold)
Dòng ống kính G (Gold – vàng) của Sony được thiết kế để đạt chất lượng quang học và cấu trúc tốt nhất với các đặc tính phụ trợ để kiểm soát ống kính một cách sáng tạo.

G-Master (hay GM)
Là dòng ống kính cao cấp dùng cho máy ảnh không gương lật ngàm E của hãng.

NEX (New E-mount eXperience)
NEX là tên Sony dùng cho thế hệ máy ảnh không gương lật đầu của hãng. Máy ảnh NEX cuối cùng là NEX-5T, sau đó được thay thế bằng dòng máy Alpha AXXX.

PZ (Power Zoom)
Đây là ký hiệu dùng để chỉ ống kính có chức năng power zoom có thể thay đổi tiêu cự bằng nút zoom trên thân ống kính để đảm bảo cho khả năng zoom mượt và tốc độ zoom đều khi quay phim. Hiện nay chức năng này chỉ có trên ống kính ngàm E (Sony E PZ 18-110mm f/4 G OSS).

AR (Anti-reflective coating)
Đây là tên công nghệ tráng phủ sử dụng vật liệu nano của Sony nhằm giảm tỷ lệ phản xạ ánh sáng và tăng hiệu quả quang học của ống kính. Mặc dù không được ghi trên ống kính nhưng công nghệ AR được dùng trong tất cả ống kính G và GM.

ZA (Zeiss Alpha)
Những ống kính này sử dụng công thức quang học và tráng phủ của Carl Zeiss và được sản xuất bởi Sony theo các thiết kế của Carl Zeiss. Những ống kính này giống như ống kính G có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Đây cũng là hệ thống ống kính duy nhất mang tên Carl Zeiss có khả năng lấy nét tự động.

SSM (Super Sonic Motor – mô tơ siêu thanh)
Ống kính sử dụng công nghệ SSM có khả năng lấy nét êm, nhanh và chuẩn xác. Tất cả ống kính SSM của Sony đều có khả năng kết hợp lấy nét tay (manual focus override), cho phép người chụp có thể điều chỉnh lại vị trí lấy nét bằng cách xoay vòng lấy nét trong quá trình lấy nét tự động mà không cần gạt nút chuyển AF/MF.

DGSSM (Direct Drive SuperSonic Motor)
Công nghệ lấy nét này có thể đạt hiệu quả cao hơn SSM và được dùng trong các ống kính cao cấp GM của Sony, tuy nhiên không bao giờ được ghi rõ trên ống kính là SSM hay DGSSM.

SAM (Smooth Autofocus Motor – mô tơ lấy nét tự động êm)
Ống kính SAM có khả năng lấy nét êm và chính xác. SAM không tương đương với SSM và không có khả năng kết hợp lấy nét tay khi đang AF.

DT (Digital Technology)
Ống kính DT được thiết kế cho máy Sony với cảm biến APS-C. Tuy nhiên các ống kính này vẫn dùng được trên các máy full frame như A900 và A850 nhưng máy sẽ tự động crop ảnh lại thành kích thước tương đương APS-C.

OSS (Optical SteadyShot)
OSS là tên Sony dùng cho hệ thống chống rung trong ống kính ngàm E. Ngàm A không sử dụng OSS do body ngàm A đã có chức năng này. OSS hoặc Optical SteadyShot được ghi ngay trên thân ống kính.

ED (Extra Low Dispersion – Tán xạ siêu thấp)
Ống kính sử dụng thấu kính ED được sửa lỗi sắc sai tốt hơn các ống kính thường. Ký hiệu ED không được in trên thân ống kính như các ống kính NIKKOR.

Super ED (Aspherical)
Ống kính siêu ED cũng giống ED nhưng có khả năng chữa sắc sai ở mức độ cao hơn. Ký hiệu này cũng không bao giờ được sử dụng để đánh dấu trên thân ống kính.

XA (Extreme Aspherical – siêu phi cầu)
Thấu kính XA mới được Sony chế tạo với độ chính xác rất cao để đạt độ phân giải cao và bokeh đẹp. Thấu kính XA hiện được sử dụng trong dòng ống kính GM cao cấp nhất của hãng.

D (Distance Encoder – bộ mã hóa khoảng cách)
Ống kính với bộ mã hóa khoảng cách tương thích với flash có sử dụng ADI (Advanced Distance Integration)

T* (Lớp tráng phủ T sao)
Được dùng trên các ống kính Carl Zeiss, lớp tráng phủ T* được Carl Zeiss phát triển theo công thức đặc biệt để giúp tránh hiện tượng ghost và flare, cũng như tăng độ tương phản của hình ảnh.

STF (Smooth Transition Focus – vùng chuyển nét êm)
Các ống kính STF có bộ lọc apodization để tạo bokeh rất mịn. Bộ lọc này làm giảm ánh sáng đi qua nên cũng làm giảm T-stop của ống kính.

IF (Internal Focus)
Ống kính IF Sony cũng giống các hãng khác khi không thay đổi chiều dài ống kính khi lấy nét.

LA-EA (Lens Adapter to E mount for A mount lenses)
Là tên của các loại ngàm chuyển tự động giúp các ống kính ngàm A có thể sử dụng được trên máy không gương lật ngàm E của hãng. Hiện nay Sony có 4 ngàm LA-EA: LA-EA1 và LA-EA2 dùng cho máy APS-C và LA-EA3, LA-EA4 dùng cho máy full frame.

Pentax

SMC (Super Multi Coating)
Đây là tên công nghệ tráng phủ của Pentax, được phát triển từ những năm 1960. Công ty đã khẳng định lớp tráng phủ 7 lớp này có khả năng giảm tỷ lệ ánh sáng bị phản xạ ngược lại khi tiếp xúc với bề mặt kính chỉ còn 0.2%, làm ảnh trong, màu trung thực hơn và loại bỏ hiện tượng flare, ghost. Dòng ống kính Takumar của hãng về sau cũng được sử dụng lớp tráng phủ này (Super Takumar, Super-Multi-Coated Takumar và SMC Takumar có mức độ tráng phủ tăng dần).

FA
Lenses designed for cameras with full frame sensors (35mm). Will also work on DSLRs with smaller sensors, but a crop factor will be applied which changes the apparent focal length of the lens. Ống kính FA được thiết kế cho máy ảnh full frame nhưng vẫn hoạt động được với máy DSLR với cảm biến nhỏ hơn.

FAJ
FAJ là ống kính FA không có vòng chỉnh khẩu riêng nên chỉ có thể chỉnh được khẩu qua máy ảnh.

Dấu ★ (như trong FA*, DA*...)
Ký hiệu dấu sao (★) sau tên ống dòng ống kính có nghĩa là chất lượng ống kính đó cao và có sử dụng thấu kính đặc biệt.

DA
Là tên dùng cho các ống kính DSLR của Pentax thiết kế cho máy APS-C.

DA L
Cũng giống như DA nhưng có thiết kế rất nhẹ nên có thể kết hợp với các loại máy gọn nhẹ như K-m.

D-FA
Là dòng ống kính hiện nay đã được tối ưu cho máy full frame.

SDM (Super Direct-drive Motor hoặc Silent Drive motor)
SDM là hệ thống lấy nét nhanh và không gây tiếng ồn của Pentax. SDM thường được sử dụng cho các ống kính đắt tiền của Pentax.

DC (Direct current)
DC cũng là hệ thống lấy nét nhanh và không gây tiếng ồn, được phát triển sau SDM và có tỷ lệ hỏng thấp hơn. Tuy nhiên DC hay được dùng cho các ống kính bình dân.

PLM (hay Pulse motor)
PLM là hệ thống lấy nét được phát triển gần đây nhất của Pentax, cho phép phản ứng rất nhanh và giảm ồn so với DC, tuy nhiên công suất giới hạn nên chỉ hoạt động tốt với các ống kính nhỏ.

ED (Extra low dispersion)
Thấu kính ED (tán xạ siêu thấp) dùng để giảm quang sai màu trong các ống tele của Pentax.

IF (Internal focus)
Ống kính IF dùng thiết kế lấy nét trong, không thay đổi chiều dài khi lấy nét.

SP (Super protect coating)
Công nghệ tráng phủ đặc biệt của Pentax cho mặt kính: không bám bụi, nước, dầu và có thể lau rất dễ dàng khi bị dính vân tay.

Aero Bright Coating
Công nghệ tráng phủ nano mới nhất của Pentax, rất hiệu quả để chống lóa (flare). Thế hệ mới nhất của lớp tráng phủ này được gọi là Aero Bright Coating II. Công nghệ tráng phủ này được dùng cho các ống * chất lượng cao nhất của hãng.

HD Coating
Công nghệ tráng phủ HD Coating sử dụng phương pháp đơn giản hơn Aero Bright Coating để tạo lớp tráng phủ mật độ cao, có khả năng giảm tỷ lệ ánh sáng phản xạ chỉ bằng 50% phương pháp tráng phủ đa lớp multi-layer coating truyền thống.

AL
Là ống kính có sử dụng một hoặc nhiều hơn thấu kính phi cầu (aspherical) để giảm độ cong trường nét và tăng độ nét viền với các ống kính góc rộng.

FREE (Fixed Rear Element Extension)
Ống kính FREE được thiết kế với một số nhóm thấu kính ở phía sau không di chuyển khi lấy nét, có thể giảm cầu sai, giảm độ cong trường nét, đạt độ nét cao và đồng đều ngay cả ở khoảng cách lấy nét gần (giống với thiết kế Floating của Canon, Nikon…). Pentax chỉ giới thiệu thiết kế FREE với các ống fix, tuy nhiên một số ống zoom của hãng cũng có thiết kế này.

K
K là tên gọi truyền thống của ngàm máy film Pentax 35mm và vẫn được dùng cho tới nay để chỉ chung cho ngàm của ống kính, máy ảnh Pentax APS-C và full frame.

P645 hay Pentax 645
Là tên của ngàm máy ảnh medium format của Pentax với kích cỡ phim / cảm biến 6 x 4,5 cm.

P67 hay Pentax 67
Là tên của ngàm máy ảnh medium format của Pentax với kích cỡ phim 6 x 7 cm.

KA
KA là ngàm K với hỗ trợ chỉnh khẩu tự động. Các ống kính tương thích với ngàm này được gọi là SMC-A.

KAF
KAF là ngàm K với hỗ trợ chỉnh khẩu tự động, lấy nét tự động và cảm biến khẩu cơ học (mechanical aperture sensing). Ngàm này có mấu xoay kim loại kết nối được với cơ chế điều chỉnh thấu kính trong lens nên có thể kiểm soát khả năng lấy nét của ống kính.

KA2
KA2 giống KAF nhưng không có mấu điều khiển AF mà có thêm chân tiếp xúc thứ bảy ở ngàm ống kính.

KAF2
KAF2 giống như KAF nhưng có thêm tiếp xúc điện tử cho chức năng power zoom và truyền thông tin MFT của ống kính sang bộ xử lý hình ảnh trên body.

KAF3
Ngàm KAF3 giống KAF2 nhưng không có mấu điều khiển AF và chỉ dùng motor lấy nét SDM hoặc DC.

KAF4
Ngàm KAF4 ra đời cùng với ống kính HD Pentax-DA 55-300mm F4.5-6.3 ED PLM WR RE với cấu tạo giống KAF3 nhưng không có lẫy chỉnh khẩu.

Limited
Đây là tên gọi của dòng ống kính tương tự như ống kính * từ thời máy film 35mm, dùng để chỉ ống kính có chất lượng rất cao nhưng không có nghĩa là loại ống kính này chỉ được sản xuất với số lượng giới hạn.

WR (weather resistant – chống chịu thời tiết)
Ống kính WR có khả năng chống chịu thời tiết đặc biệt và khi dùng với body thích hợp (cũng có khả năng chịu thời tiết) sẽ có khả năng chống bụi và mưa nhỏ.

RE (Retractable)
Một số ống zoom của Pentax có chức năng này: ống kính ở trạng thái thu gọn khi không chụp và phải ấn nút trên ống kính để ống kính kéo dài và hoạt động bình thường.

Sigma

APO (apochromatic lens hay apochromat)
Ống kính APO sử dụng kính đặc biệt có độ tán xạ siêu thấp (SLD) để làm giảm tối đa quang sai màu và tăng độ nét, độ tương phản.

ASP (Aspherical Lens)
Đây là tên gọi của ống kính có thấu kính phi cầu (aspherical) của Sigma giúp giảm cầu sai và cho phép thiết kế ống kính nhỏ gọn hơn thông thường.

Conv
Ống kính Sigma Conv có thể tương thích với bộ teleconverter APO EX giúp tăng tiêu cự và tương tác với hệ thống phơi sáng tự động AE (automatic exposure) của máy ảnh.

DG
Ống kính DG là các ống kính Sigma thiết kế cho máy full frame.

DC (Digital compact)
Ống kính DC là các ống kính Sigma thiết kế cho máy có cảm biến nhỏ (APS-C, micro four thirds)

DN (Digital Neo)
Ống kính DN là các ống kính Sigma thiết kế cho các hệ máy compact mới (mirrorless).

EX (Excellent)
Ký hiệu EX ở trên thân ống kính thể hiện đây là ống kính chất lượng cao của Sigma (thế hệ cũ, hiện nay không còn dùng).

Foveon
Đây là tên của loại cảm biến máy ảnh do công ty Foveon sản xuất, sau này sáp nhập vào Sigma nên được dùng cho máy ảnh của Sigma chế tạo. Khác với các cảm biến Bayer có các điểm nhận sáng xếp xen kẽ trên bộ lọc 3 màu đỏ, xanh lục, xanh da trời thì cảm biến Foveon xếp 3 lớp bộ lọc màu chồng lên nhau nên mỗi điểm nhận sáng có thể nhận được cả 3 màu cùng một lúc.

A (Art)
Với ký hiệu chữ cái A trên thân ống kính, đây là các ống kính thế hệ mới với chất lượng cao nhất của Sigma, thường có khẩu lớn, độ nét cao và khả năng chữa các lỗi quang học rất tốt.

S (Sport)
Với ký hiệu chữ cái S trên thân ống kính, đây là các ống kính tele chuyên phục vụ chụp thể thao và chụp động vật hoang dã. Đây cũng là dòng ống kính đắt nhất hiện nay của Sigma.

C (Contemporary)
Với ký hiệu chữ cái C trên thân ống kính, đây là các ống kính thế hệ mới với mức giá bình dân và chất lượng kém hơn ống kính Art.

SA
SA là tên ngàm riêng của ống kính và máy ảnh SLR do Sigma chế tạo.

Tamron

AD (Anomalous Dispersion)
AD là tên loại kính đặc biệt của Tamron để giảm quang sai màu.

ASL (Aspherical)
ASL là tên gọi của Tamron dành cho ống kính có thấu kính phi cầu (aspherical).

Di (Digitally Integrated Lenses for Top Imaging Performance)
Đây là thuật ngữ Tamron dùng để chỉ các ống kính của hãng được thiết kế tối ưu cho các máy ảnh số để đạt được chất lượng tương đương chụp trên phim.

Di-II (Digitally Integrated Lenses Optimized for APS-C Format Digital SLR Cameras)
Di-II là các ống kính được thiết kế để dùng cho máy ảnh APS-C.

Di-III
Di-III là ống kính Tamron thiết kế riêng cho máy ảnh không gương lật.

IF (Internal Focusing)
Ống kính IF của Tamron cũng có nghĩa là lấy nét trong: độ dài ống kính không thay đổi khi lấy nét.

MR (Moisture Resistance)
Ống kính MR có thể chống chịu tốt với độ ẩm cao.

LD (Low Dispersion)
Ống kính LD có độ tán xạ thấp, dùng để giảm quang sai màu.

XLD (Extra Low Dispersion)
Ống kính XLD có độ tán xạ thấp hơn ống LD, ở mức độ tương đương fluorite.

HID (High Index and Dispersion)
Thấu kính HID có thể giảm quang sai màu dọc trục và tại góc hình.

BBAR (Broad Band Anti-Reflex)
Đây là tên công nghệ tráng phủ Tamron dùng trên tất cả các ống kính hiện nay để giảm tối đa quang sai màu.

eBAND
Đây là tên lớp tráng phủ nano do Tamron mới phát triển, có thể kết hợp với các lớp tráng phủ truyền thống để đạt mức độ hạn chế phản xạ cao, giảm flare, ghosting và tăng độ nét hình ảnh.

FTM (Full Time Manual focus)
Đây là hệ thống lấy nét tay toàn thời gian của Tamron, giúp người chụp có thể điều chỉnh vòng lấy nét bất cứ lúc nào để đạt độ chính xác cao nhất.

SP (Super Performance)
Các ống kính SP của Tamron là các ống kính chất lương cao nhất của hãng.

XR (Extra Refractive Index Glass)
Thấu kính XR có chỉ số khúc xạ cao và cho phép hãng chế tạo các ống kính có đường kính và chiều dài nhỏ hơn thông thường.

RD (Rounded Diaphragm)
Ống kính RD có lỗ khẩu tròn ngay cả khi hạ khẩu.

VC (Vibration Compensation)
VC là tên của hệ thống chống rung trong ống kính của Tamron.

USD (Ultrasonic Silent Drive)
Đây là hệ thống lấy nét nhanh và không gây tiếng động mới nhất của Tamron, tương đương với USM của Canon hay SWM của Nikon.

PZD (Piezo Drive)
PZD là tên hệ thống lấy nét của Tamron không sử dụng sóng âm mà dùng bánh răng nên giá thành sản xuất rẻ hơn, mức độ chính xác cao nhưng tốc độ lấy nét không nhanh như USD.

ZL (Zoom Lock)
Là tên của chức năng khóa zoom trên ống kính của Tamron nhằm chống việc ống kính zoom bị kéo dài do nặng khi đeo trên dây.

Fujifilm

APD (Apodization filter)
Đây là tên loại ống kính của Fuji có trang bị một kính lọc gradient hướng tâm nhằm làm mịn bokeh.

ALG (All Group focusing)
Ống kính ALG di chuyển tất cả các thấu kính khi lấy nét để đạt hiệu quả quang học cao nhất. Những ống kính sử dụng ALG như XF 35mm f/1.4 R có tốc độ lấy nét khá chậm do mô tơ phải di chuyển tất cả thấu kính đồng thời, tuy nhiên hiệu quả lấy nét đạt mức chính xác và độ nét cao.

XC (X mount Compact)
Đây là tên dòng ống kính nhỏ gọn được thiết kế cho các máy không gương lật nghiệp dư của hãng. Chất lượng các ống kính này cao hơn tiêu chuẩn thông thường của các ống kính Kit nhưng có nhiều thành phần plastic và khẩu độ thường nhỏ nên giá thành ở mức thấp.

XF
Đây là tên dòng ống kính không gương lật chất lượng cao của Fujifilm, thường có khẩu độ lớn, sử dụng vỏ bằng kim loại và thường có vòng chỉnh khẩu.

X-Trans
X-Trans là loại cảm biến máy ảnh CMOS được Fujifilm phát triển riêng cho hệ máy không gương lật Fujifilm X. Khác với các loại cảm biến CMOS khác dùng bộ lọc Bayer có chuỗi photosite (điểm nhận sáng) xếp theo công thức 2 x 2, cảm biến X-Trans dùng công thức xếp photosite 6 x 6 để loại bỏ hiện tượng moiré, tăng khả năng phân giải và không cần bộ lọc low-pass.

LM (Linear Motor – mô tơ tuyến tính)
Công nghệ mô tơ tuyến tính của Fujifilm có thể di chuyển thấu kính không qua tiếp xúc trực tiếp nên có thể phản ứng nhanh mà ít phát ra tiếng động. LM rất phù hợp cho quay video và các điều kiện chụp cần di chuyển ống kính liên tục.

OIS (Optical Image Stabilisation)
OIS là tên Fujifilm sử dụng cho hệ thống chống rung trên ống kính.

ED (Extra-Low Dispersion)
Thấu kính ED có độ tán xạ thấp, dùng để giảm quang sai màu, đặc biệt là cho bước sóng ánh sáng ngắn và hay được sử dụng trong ống kính XF.

EBC (Electron Beam Coating)
EBC là tên công nghệ tráng phủ kính của Fujifilm để làm giảm độ phản xạ ánh sáng và tăng độ tương phản, khả năng chống flare, ghost cho ống kính. EBC hoặc Super EBC (công nghệ EBC cải tiến) thường được ghi trên tên ống kính.

HT-EBC (High Transmission Electron Beam Coating)
Là tên công nghệ tráng phủ Fujifilm dùng cho các ống kính cine chuyên quay phim.

R (Aperture Ring)
Ống kính Fujifilm X có ký hiệu R nghĩa là có vòng chỉnh khẩu. Mặc dù khẩu độ của ống kính có thể thay đổi khi dùng tay quay vòng khẩu, vòng này liên hệ điện tử chứ không liên hệ về cơ học với thân ống kính, khác với các ống kính cổ điển dùng cho máy film.

Olympus & Panasonic

MFT (Micro Four Thirds hay M4/3)
Đây là tên dòng máy kỹ thuật số không gương lật mà Olymous và Panasonic cùng hợp tác phát triển. MFT phát triển từ dòng máy DSLR Four Thirds với kích thước cảm biến 18 mm × 13.5 mm và đường chéo 22.5 mm (tương đương 4/3 inch).

Zuiko
Tên Zuiko được Olympus sử dụng cho các ống kính SLR của hãng, bắt nguồn từ tên viết tắt của nhà máy sản xuất thiết bị quang học Mizuho Kogaku-kenkyujo (cũng có nghĩa ngắn gọn là "golden light" - ánh sáng vàng).

Zuiko DIGITAL
Đây là tên của dòng ống kính Olympus thiết kế cho máy Four Thirds.

M. Zuiko Digital
Đây là tên dòng ống kính Olmpus thiết kế cho dòng máy Micro Four Thirds.

ED (Extra Low Dispersion)
Ống kính có ký hiệu ED sử dụng thấu kính ED có độ tán xạ thấp nhằm làm giảm quang sai màu.

SWD (Supersonic Wave Drive)
Đây là hệ thống lấy nét được Olympus trang bị cho ống kính Four Thirds từ thế hệ thứ hai, có khả năng lấy nét nhanh và không gây tiếng ồn.

MSC (Movie and Still Compatible)
Công nghệ lấy nét trong MSC của Olympus có tốc độ và mức chính xác cao hơn công nghệ cũ SWD để hỗ trợ quá trình quay phim đòi hỏi độ chính xác cao, tốc độ nhanh và không gây ồn khi lấy nét.

EZ (Electronic Zoom)
Đây là thuật ngữ Tamron dùng để chỉ các ống kính của hãng được thiết kế tối ưu cho các máy ảnh số để đạt được chất lượng tương đương chụp trên phim.

R (Revised hay Restyled)
Ống kính có ký hiệu R là bản mới của ống kính tương tự do Olympus sản xuất, thường có chung thiết kế quang học và khác nhau chủ yếu ở thiết kế bên ngoài. Không có tài liệu chính thức về ý nghĩa của ký hiệu này nhưng dựa trên so sánh bản non-R và R, phần lớn người dùng đều đồng ý với ý nghĩa "bản làm lại".

PRO
Là ký hiệu cho dòng ống kính MFT chất lượng cao của Olympus

MMF
Để sử dụng ống kính Four Thirds trên máy Micro Four Thirds, Olymous có cung cấp ngàm chuyển MMF-1, MMF-2 và MMF-3 cho người dùng.

O.I.S. (Optical Image Stabilisation - chống rung quang học)
Panasonic dùng tên O.I.S. cho hệ thống chống rung quang học trên ống kính MFT, trong đó loại Mega I.O.S. cho phép người dùng chụp chậm hơn 3 stop và Power I.O.S. trong các ống kính mới cho phép người dùng chụp chậm hơn 4-5 stop mà không bị rung hình.

Asph. hay ASPH.
Ống kính ASPH (Panasonic) có một hoặc nhiều hơn thấu kính phi cầu đễ chữa cầu sai cũng như tăng độ nét ở rìa hình.

EDA (Extra-low Dispersion Aspherical lens)
Olympus có khả năng kết hợp thấu kính ED và thấu kính phi cầu Aspherical bằng công nghệ làm nguội kính đặc biệt để có thể tạo bề mặt cong phi cầu cho kính ED. Thấu kính EDA có hiệu quả chữa quang sai và tăng độ phân giải rất tốt.

DSA (Dual Super Aspherical lens)
Thấu kính siêu phi cầu kép của Olympus có thể mỏng hơn ở tâm thấu kính và dày hơn ở cạnh để chữa các loại quang sai. Thấu kính DSA có thể đạt được hiệu quả chữa lỗi quang học tương đương việc kết hợp một vài thấu kính thông thường nên có thể cho phép ống kính M. Zuiko có kích thước nhỏ gọn mà chất lượng vẫn cao.

SHR (Super High Refractive index)
Thấu kính SHR rất mỏng và có chỉ số khúc xạ rất cao để đảm bảo cho khả năng chữa cầu sai và độ truyền sáng đồng đều trên toàn bộ bề mặt kính.

ZERO (Zuiko Extra-low Reflection Optical)
ZERO là công nghệ tráng phủ tiên tiến của Olympus có thể giảm phản xạ ánh sáng bước sóng 450-650mm xuống một nửa và hạn chế tối thiểu hiện tượng flare hay ghosting khi chụp ngược sáng.

Lumix G
Lumix G là tên hệ máy Micro Four Thirds của Panasonic.

X
Đây là dòng ống kính MFT của Panasonic có chất lượng cao nhưng không hợp tác cùng Leica.

Leica D Summilux và DG Summilux
Ống kính Leica Summilux là sản phẩm hợp tác của Panasonic và Leica, với thiết kế quang học của Leica và được lắp ráp ở Nhật Bản. Thuật ngữ Summilux có nghĩa là "khẩu cực đại" để chỉ f/1.4. Dòng D Summilux là ống kính Four Thirds còn DG Summilux là ống kính Micro Four Thirds.

Leica Noticron
Cũng giống như Panasonic Leica Summilux, ống kính Leica Noticron cũng do Leica thiết kế quang học và tên Noticron được Leica Camera AG đăng ký sáng chế, có ý nghĩa là "ánh sáng đêm".

Leica Vario-Elmar
Elmar dùng để chỉ ống Leica f/4 trở xuống và Vario-Elmarit là ống zoom có khẩu độ từ f/4 trở xuống.

Samyang

MC (Multi Coated)
Đây là tên công nghệ tráng phủ đa lớp của Samyang để giảm phản xạ ánh sáng và chống flare, ghosting.

UMC (Ultra Multi Coated)
UMC là tên công nghệ tráng phủ phát triển từ MC và sau này thay thế MC trên tất cả ống kính của Samyang để đạt hiệu quả cao hơn.

NCS (Nano Crystal anti-reflex coating)
Đây là tên công nghệ tráng phủ sử dụng vật liệu nano mới nhất của Samyang, đạt hiệu quả giảm phản xạ cao hơn UMC.

IF (Internal Focusing)
Giống như các hãng khác, IF nghĩa là ống kính lấy nét trong, độ dài không thay đổi khi lấy nét. Tất cả ống kính của Samyang hiện nay đều là IF.

ED (Extra low Dispersion)
Giống như thấu kính ED của các hãng khác, Samyang sử dụng thấu kính này trong các ống kính cần hạn chế tối đa quang sai màu.

ASPHERICAL, AS, Asph
Ống kính ASPHERICAL có sử dụng thấu kính phi cầu dùng để chữa cầu sai, tăng độ nét ở rìa và giảm quang sai màu dọc trục cũng như ở góc hình.

AE (Auto Exposure)
Ống kính Samyang thiết kế cho Nikon có chức năng AE để hoạt động với chức năng chỉnh khẩu tự động và TTL của flash.

CS (Crop Sensor)
Ống kính có ký hiệu CS chỉ dùng được cho máy ảnh crop.

MFT (Micro Four Thirds)
Ống kính Samyang có ký hiệu MFT được thiết kế cho máy Micro Four Thirds.

T (T-Stop, Transmission Stop)
Samyang phát triển hệ ống kính cine song song với ống kính nhiếp ảnh thông thường. Phiên bản cine của ống kính nhiếp ảnh được ghi chú với giá trị T-stop thay vì f-stop và thường giá trị này lớn hơn f-stop.

VDSLR (Video DSLR)
Đây là tên của dòng ống kính cine, chuyên dành cho quay phim, với vòng răng để follow focus, declick vòng khẩu để giảm ồn và tăng độ mượt của ống khi chuyển vị trí lấy nét trong quá trình quay phim.

VG10
Đây là ký hiệu cho ống kính cine của Samyang thiết kế cho máy quay Sony NEX-VG10.

XP (Excellent in Performance)
Đây là tên dòng ống kính chất lượng cao nhất của Samyang hướng vào thị trường chuyên nghiệp.

XEEN
Đây là tên dòng ống kính chất lượng cao của Samyang chuyên cho quay phim.

Dr. Fox
Bài viết được thực hiện bởi Dr. Fox
Nghiêm cấm sử dụng lại nếu không được sự đồng ý của tác giả
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: