Blog Post

Giới thiệu ống kính MF Nikon 105mm f/2.5

Apr 17, 2017

Hình: Máy ảnh Nikon FM2 và ống kính Nikkor 105mm f/2.5 AIS (Jasper - Flickr)

Với người dùng Nikon và người yêu thích hệ thống máy ảnh, ống kính của Nikon nói chung, có lẽ không ai không biết tới các ống kính 105mm của hãng. Mới đây nhất, Nikon đã tung ra thị trường ống kính 105mm f/1.4, được coi là một trong những ống kính chân dung chủ lực của Nikon để cạnh tranh với các hãng khác. Quay ngược lại lịch sử phát triển của Nikon, tiêu cự 105mm đã mang về nhiều uy tín cho Nikon với người chơi ảnh và từng trở thành tiêu cự chuẩn cho chụp chân dung trong một giai đoạn phát triển dài của máy film SLR 35mm. Chắc hẳn nhiều người cũng biết tới tấm ảnh nổi tiếng "cô gái Afgan" dưới đây của nhiếp ảnh gia Steve McCurry được chụp vào năm 1984 và in trên bìa tạp chí National Geographic danh tiếng, vốn được ví như nàng Mona Lisa của thế giới thứ ba. Tấm ảnh được nhiếp ảnh gia chụp tại trại tị nạn Nasir Bagh (Afghanistan) bằng máy ảnh Nikon FM2 và ống kính Nikkor 105mm f/2.5 AIS đã làm nên tên tuổi của ông và là một câu chuyện rất nổi tiếng về ống kính 105mm này của Nikon.

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ ỐNG KÍNH

Là một ống kính chuyên chân dung ở tiêu cự ưa thích của nhiều nhiếp ảnh gia và khẩu độ vừa phải f/2.5, ống kính Nikkor 105mm f/2.5 không những có chất lượng hình ảnh sắc nét, bokeh dễ chịu mà còn rất nhỏ nhắn để mang đi khắp nơi. Do từng được sản xuất với số lượng lớn, hiện nay bạn có thể dễ dàng mua được ống kính này để sử dụng trên nhiều hệ máy (với mức giá khoàng 2 - 5 triệu đồng), nhất là hệ máy không gương lật với hỗ trợ lấy nét tay tốt và kích thước nhỏ gọn.

Vì chất lượng nổi bật và vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của Nikon, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn về các phiên bản và đặc điểm ống kính này. Bài viết có sử dụng nguồn tài liệu và hình ảnh từ các trang web sau và chúng tôi khuyến khích các bạn đọc thêm thông tin chi tiết ở các nguồn này:

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ CÁC PHIÊN BẢN CỦA NIKON 105MM F/2.5

1. Phiên bản rangefinder (giai đoạn 1951 - 1958)

Đây là phiên bản đầu tiên của Nikon 105mm f/2.5 từ 1951 với ngàm S, ngàm Leica L39 và ngàm Contax RF (1957). Trong giai đoạn này, các ống kính vẫn được sản xuất dưới cái tên Nippon Kogaku Japan (viết tắt là NKJ) và sử dụng thiết kế Gauss với nguyên lý Sonnar của Carl Zeiss với 5 thấu kính trong 3 nhóm. Trong giai đoạn này, ống kính mang tên Nikkor-P 10.5cm 1:2.5 hoặc Nikkor-P.C. (với chữ cái C. màu đỏ biểu thị ống được tráng phủ). Chỉ trong một thời gian ngắn, sự ra đời của ống kính này đã mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho Nikon và tiêu cự 10.5cm với khẩu f/2.5 trở thành con số đặc trưng gắn liền với ống kính Nikon.

Hình : Ống kính Nikkor.P.C 10.5cm f/2.5 với ngàm Leica LTM hay M39/L39 (1957)

2. Phiên bản pre-AI hay non-AI (ống kính SLR, giai đoạn 1959 - 1975)

Thế hệ ống kính rangefinder đầu tiên được thiết kế lại để chuyển sang ngàm F dùng cho máy SLR của Nikon. Đây gọi là giai đoạn tiền AI (pre-AI) và là giai đoạn ống kính 105mm f/2.5 có nhiều biến đổi trước khi trở thành dạng AI hay AIS mà nhiều người biết tới hiện nay. Một số phiên bản pre-AI còn sử dụng thiết kế Sonnar (hình trái), tuy nhiên đến khoảng 1971-1973 ống kính này được chuyển thành thiết kế Schneider Xenotar với 5 thấu kính trong 4 nhóm (hình phải) để tăng độ nét khi chụp gần. Thiết kế này được dùng cho tất cả các phiên bản AI cho tới AIS về sau. Mặc dù không có ống kính AI nào dùng thiết kế Sonnar, một số ống kính pre-AI vẫn được chuyển ngàm sang AI nên để phân biệt chúng ta phải dựa vào thấu kính sau: thiết kế Sonnar có kính sau nhỏ còn Xenotar có kính sau lớn.

Dưới đây là một số phiên bản pre-AI quan trọng, một số dạng khác các bạn có thể tham khảo trong gallery của Richard de Stout z
Phiên bản pre-AI cho máy SLR, ngàm Nikon F, có viền trước màu bạc, thiết kế Sonnar với 9 lá khẩu (1959)

Phiên bản pre-AI đầu tiên có viền trước đen, thiết kế Xenotar với 7 lá khẩu và có thể khép khẩu xuống f/32 (1971). Đây là giai đoạn cuối cùng của ống kính NKJ và từ 1972, các ống kính 105mm có series từ khoảng 408501 bắt đầu sử dụng tên Nikon.

Phiên bản đen pre-AI P.C. đầu tiên (có lớp tráng phủ), thiết kế Xenotar, 7 lá khẩu, f/32 (1973). Số series bắt đầu của phiên bản này là 500001.

Phiên bản pre-AI vòng cao su đầu tiên (1975). Phiên bản này đã rất giống ống AI về sau, tuy nhiên có thể phân biệt dựa vào khẩu độ nhỏ nhất f/32, còn ở ống kính AI thì nó là f/22.

3. Phiên bản AI (ống kính SLR, giai đoạn 1977 - 1980)

Cho tới những năm 70 của thế kỷ 20, rất nhiều người đã biết tới tên tuổi ống kính 105 mm f/2.5 của Nikon và nó vẫn là ống fix tele duy nhất Nikon đưa ra thị trường cho tới năm 1975, bản macro 105mm f/4 được giới thiệu, mang tới nhiều lựa chọn hơn cho người dùng Nikon. Tới năm 1977, Nikon thiết kế ống kính để phối hợp với khả năng đo sáng tự động của máy ảnh SLR bằng hệ thống gọi là "Automatic maximum aperture indexing" hay gọi tắt là AI. Các ống kính AI có số series từ 740001 và có thể đi kèm hood kim loại tách rời (HS-8) có thể lật ngược lại để gắn vào ống kính khi không dùng. Những ống kính AI trong thập niên 70 - 80 của thể kỷ 20 được tráng phủ với công nghệ NIC cho ra màu kính xanh lục đặc trưng của Nikon trong giai đoạn này. Mặc dù có cùng thiết kết quang học với phiên bản cuối cùng AIS, kính trước của ống kính AI có phần lớn hơn.

Hình: Ống kính Nikkor AI 105mm f/2.5 với ngàm Nikon F (ảnh chụp bởi Russell Gough® rpg@daytonadvd.com)

4. Phiên bản AIS hay AI-S (ống kính SLR, giai đoạn sau 1981)

Với sự phát triển của máy chụp film SLR, Nikon đã tích hợp khả năng điều chỉnh khẩu tự động và ống kính AI được nâng cấp lên AIS (với S có thể là viết tắt cho Shutter priority hay chế độ chụp ưu tiên tốc độ và chỉnh khẩu tự động). Phiên bản AIS không có khác biệt đáng kể so với AI ngoài một số đặc điểm sau có thể dùng để nhận biết:

  • Ống kính AIS có hood gắn liền, có thể kéo ra thu vào được.
  • Ống kính AIS có số chỉ khẩu nhỏ nhất tô màu cam để đánh dấu chức năng phơi sáng tự động AE của máy ảnh.
  • Trên ngàm của ống kính AiS có một rãnh nhỏ nằm ngay trên vị trí khóa ngàm, giúp các máy ảnh Nikon nhận ra ống kính AIS (hình dưới).
  • Một số ống kính AIS lớn có 5 ốc vít ở ngàm thay vì 3.
Một số ống kính AIS về sau được Nikon phủ lớp SIC (Super Integrated Coating) để cải thiện độ tượng phản và khả năng chụp ngược sáng. Một số ít ống kính có lớp SIC này, có số series từ 1043xxx, luôn được người sưu tầm ống kính Nikon săn lùng với mức giá cao vì độ hiếm và chất lượng. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của người dùng cho thấy lớp phủ SIC này (chỉ dùng cho 1 thấu kính) cải thiện chất lượng hình ảnh không rõ rệt so với lớp phủ NIC truyền thống.

Hình: Ống kính Nikkor AIS 105mm f/2.5 với phần hood thu gọn (trái) và kéo dài (phải). Hình chụp bởi Sergei Borodin (http://allphotolenses.com)

Hình: Khác biệt ở ngàm AI và AIS (www.nikonimgsupport.com)

Dưới đây là thông số kỹ thuật ống kính AIS và 10 tấm ảnh đẹp nhất do Vsion chọn ra từ các gallery ảnh trên Flickr. Các bạn sẽ được chuyển tới trang ảnh gốc để xem ảnh chất lượng cao hơn nếu click vào đường link trong tên tác giả và thiết bị ở dưới mỗi ảnh.

Thông số kỹ thuật ống kính Nikon 105mm f/2.5 (AiS)
Hãng sản xuất Nikon (Nippon Kogaku Japan - NKJ)
Tiêu cự 105mm
Khẩu độ lớn nhất f/2.5
Khẩu độ nhỏ nhất f/22
Góc nhìn (sensor full frame) 23°20′
Khoảng cách lấy nét gần nhất 1 m
Tỷ lệ phóng đại tối đa 1:7.7
Số lá khẩu 7 lá khẩu
Thiết kế ống kính 5 thấu kính trong 4 nhóm
Đường kính filter 52mm
Ngàm Nikon F mount (MF) - dạng AiS
Kích thước 64mm x 78mm
Khối lượng 435g
Thời điểm công bố 1981
Giá vào thời điểm công bố -
Giá tham khảo ống kính cũ (2017) $50 - $200 (tùy tình trạng)

ẢNH ĐẸP CHỌN LỌC CHỤP BẰNG ỐNG KÍNH NIKON 105MM F/2.5

CÁC LỰA CHỌN MF KHÁC

Các ống kính 105mm có thể nói là tiêu cự tiêu biểu của Nikon nên chất lượng đều rất tốt. Nếu bạn cần chụp macro thì ống kính Micro-NIKKOR 105mm f/4 (1970 - 1983) hoặc bản nâng cấp Micro-NIKKOR 105mm f/2.8 (từ 1983) là hai lựa chọn tốt, trong đó bản sau có lợi thế chính về kích thước và khẩu độ lớn hơn (độ nét nhỉnh hơn một chút).

Hình: Micro-Nikkor 105mm f/4 và f/2.8. Hình chụp bởi Ken Rockwell (www.kenrockwell.com)

Còn nếu khẩu độ f/2.5 còn hơn nhỏ với bạn thì bản Nikkor 105mm f/1.8 có thể phù hợp với nhu cầu chụp chân dung của bạn. Hai ống kính này có độ nét rất giống nhau nhưng ống kính f/1.8 có thể chụp được DOF rất mỏng, phù hợp với chụp chân dung toàn thân. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc kỹ vì giá ống f/1.8 có thể gấp đôi và to, nặng hơn đáng kể f/2.5.

Hình: các ống kính MF của Nikon (từ trái sang) 85mm f/2 AIS, 85mm f/1.4 AIS, 105mm f/2.5 AIS, 105mm f/1.8 AIS, 135mm f/2.8 AI, 135 f/2 AIS. Hình được chụp bởi thành viên CGrindahl trên diễn đàn Fredmiranda.

Dr. Fox
Bài viết được biên tập bởi Dr. Fox
Nghiêm cấm sử dụng lại nếu không được sự đồng ý của tác giả
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: