Blog Post

Đánh giá Sony A9 của Patrick Murphy-Racey

Apr 21, 2017

Ngay sau khi buổi lễ công bố chấm dứt, một bài đánh giá khá chi tiết về các tính năng mới của Sony A9 đã xuất hiện và được viết bởi Patrick Murphy-Racey - Sony Artisan of Imagery (hay có thể gọi là Nghệ nhân Nhiếp ảnh của Sony). Vsion xin được lược dịch bài viết "nóng hổi" của Patrick để các bạn cùng theo dõi.

Patrick Murphy-Racey đã làm một nhiếp ảnh gia chuyên về chụp thể thao trong khoảng 30 năm, ông đã sử dụng Canon trong khoảng 19 năm và Nikon trong khoảng 9 năm. Khi lần đầu tiên Patrick sử dụng Sony A6000, ông đã bị ấn tượng khi Sony có thể làm ra một chiếc máy chụp được 11 khung hình/giây và nhỏ như một bao thuốc lá xì gà.

Đây là những suy nghĩ của Patrick về sự phát triển của máy ảnh ngàm E:

Thừa hưởng khả năng chụp nhanh 11 fps của A6000, chiếc A6300 mang đến một cảm biến tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu cùng một số tinh chỉnh khác. Sự xuất hiện của A6500 mang đến một bộ nhớ đệm lớn hơn (front end LSI) và khả năng chống rung trên thân máy (IBIS), tuy nhiên Sony vẫn thiếu một chiếc A7 full-frame để chụp ở tốc độ cao.

Trong khi đó, A7S và A7Sii là những chiếc máy giúp chúng ta nhìn được trong bóng tối, với dải ISO tốt đến mức kỳ diệu khi hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu và trong những trường hợp ánh sáng vừa kém vừa phức tạp. Còn chiếc A7Rii lại cho chúng ta một thân máy full-frame nhỏ gọn với kích cỡ ảnh khổng lồ dành cho việc chụp chân dung khổ lớn hay những bức ảnh phong cảnh mỹ mãn.

Điều duy nhất còn thiếu cho tới nay trong sản phẩm của Sony là một chiếc máy full frame có khả năng chụp chuyển động tốc độ cao với file ảnh lớn, khả năng lấy nét tự động tuyệt vời và tốc độ chụp siêu nhanh.

24MP, 20 FPS, 2-buffer, độ trễ màn trập 30ms, hai khe cắm thẻ nhớ, pin mới, full-frame, khả năng chụp thiếu sáng cực tốt với công nghệ cảm biến hoàn toàn mới, EVF mới với 3.6M pixel với khả năng làm mới hình ảnh với tốc độ 120P.

Đã đủ để bạn chú ý chưa?

Khi Patrick bắt đầu viết bài đánh giá này, ông không hề biết chiếc máy này sẽ được gọi là gì. Ông đã chụp hàng nghìn bức ảnh trong điều kiện thực tế và Patrick cho rằng, ở khía cạnh chụp thể thao hành động, Sony đã đạt đến một tầm mới mà các đối thủ của Canikon đều chưa hề chạm tới. Dưới đây là các đặc điểm chính của chiếc máy:

Giảm thời gian trễ của màn trập (Shutter Lag) : Chiếc máy với thời gian trễ màn trập tốt nhất trong những năm qua là Canon 1DX và 1DXii với thời gian trễ là 35 milli-giây. Riêng chiếc Nikon D5 thì không được công bố con số cụ thể nhưng cũng rất nhanh. Điều này đơn giản chỉ là từ lúc bạn bấm nút chụp cho đến khi chiếc 1DXii chụp 1 bức ảnh là 35 milli-giây. Tuy đây là khi chụp ở chế độ lấy nét bằng tay, với ống kính ở khẩu lớn nhất, nhưng thực sự nó vẫn rất nhanh. Có một vấn đề phải chấp nhận để có thời gian chụp ngắn như thế là máy sẽ bị rung do rung động tạo ra khi bấm nút chụp chưa chấm dứt (đôi khi ảnh hưởng đến chất lượng bức ảnh). Thời gian trễ càng ngắn thì càng dễ chụp được một quả bóng tennis đang căng ra khi chạm vào lưới vợt, hay một quả bóng chày vừa mới bay ra khỏi chày, hay một quả bóng golf vừa bay ra khỏi đầu gậy trong khoảng thời gian từ 6 mili-giây cho đến 1 giây. Chiếc Sony A9 mới này đã phá kỉ lục 35 mili-giây đó của Canon với thời gian 30 mili-giây mà không hề bị rung hay gây ra tiếng động. Nghe cứ như là khoa học viễn tưởng vậy. Thật sự là nó rất nhanh, khi Patrick sử dụng chiếc máy này và chụp ở giải SonyOpen, ông đã chụp dính 4 trên 5 quả bóng khi vừa được đánh bởi gậy chỉ với chế độ chụp Single shot. Mọi người thường hay nhắc đến chế độ chụp tốc độ cao cho thể thao, và tuy rằng nó thực sự lý tưởng để chụp những chuyển động liên tiếp, vẫn có những khoảnh khắc đỉnh cao của thể thao mà bạn thực sự cần một tốc độ rất nhanh cho từng khung hình. 30 mili-giây là một con số phù hợp để làm được việc này.


Khả năng chụp 20 khung hình/giây (20 fps) với màn trập điện tử : Chẳng có gì để nói ngoài 2 chữ tuyệt vời. Bạn có thể chụp với 20 FPS với bất kỳ ống kính FE nào. Khi sử dụng ống kính như FE70-200mm f/2.8GM, bạn có thể chụp với 20 FPS và không gây ra một tiếng động nào. Hãy liên tưởng khả năng này khi chụp golf, ballet, nhảy hiện đại, chụp hành động tốc độ cao trong phim trường... thật khó mà tưởng tượng.

Nếu bạn chọn bất kỳ ống kính A-mount nào, ví dụ như Sony 300mm f/2.8 G hay chiếc 500mm f/4 G, tốc độ sẽ giảm chỉ còn 10 fps, vẫn khá tốt để đánh bại được các đối thủ khác như D500 hay 7Dii (là hai máy APS-C) khi bức ảnh được chụp với một thân máy full-frame, và lại còn không gây ra tiếng động nào.

Đừng nghi ngờ tốc độ màn trập tối đa 1/32000. A9 thực sự có thể chụp nhanh như thế. Sẽ có rất nhiều bức hình A9 có khả năng chụp được mà không cần phải sử dụng filter ND để hạ tốc. Dưới đây là một ví dụ được chụp ở tốc độ 1/32000 với ống kính FE 85mm f/1.4 G-Master tại f/1.4:

Sony A9 không có grip, FE 85mm f/1.4 GM, 1/32,000 giây tại f/1.4, ISO 400

Không bị blackout (nhấp nháy hình) màn hình / EVF khi chụp tốc độ cao: Một hiện tượng hay thường thấy khi chụp ở tốc độ cao là giữa các bức ảnh chụp luôn có một khoảng màn hình EVF hay ống ngắm quang của DSLR bị tối đen lại do màn trập đóng để chụp, ngay cả với những máy có tốc độ chụp cao (Dòng Pro của DSLR) hiện tượng nhấp nháy này vẫn luôn xuất hiện dù chỉ trong phần nghìn giây. Tuy nhiên với A9, ngay cả tại tốc độ 20 fps, bạn vẫn có thể nhìn được toàn cảnh 100% thời gian, không bị tối ảnh bất cứ lúc nào. Sẽ không còn những lúc mà bạn phải chờ đến khoảnh khắc hành động chuẩn xác và căn bấm máy ngay trước giây phút đó. Bạn có thể nhìn vào ống ngắm toàn thời gian chứ không cần chỉ nhìn vào khi đến lúc cần chụp nhiều bức hình một lúc. Với Patrick, ông cho rằng điều này thật sự "phi thực tế". Điểm yếu của chiếc máy này chính là đây, thật khó để có thể quay lại chụp một chiếc máy nào khác mà không có chức năng này. Đây sẽ là một "con bài tủ" của Sony, một phương thức có thể gây nghiện cho rất nhiều người trong thời gian tới.

Vậy làm sao để biết là bạn đã chụp được một bức hình? Với một chiếc máy có khả năng chụp 20 FPS và hoàn toàn im lặng, làm thế nào để biết là bạn đã chụp được hay chưa? Các kỹ sư của Sony chắc chắn phải tính đến điều này từ trước. Có rất nhiều lựa chọn về âm thanh phát ra, hoặc một loại tuỳ chỉnh mới là thông qua đèn LED nhấp nháy trong EVF.

Các lựa chọn về âm thanh. Có một Menu là “Motor drive sound” được chọn coi như là tuỳ chỉnh nguyên thuỷ của máy. Có chút hài hước là công nghệ màn trập điện tử đời mới nhưng lại đi sử dụng âm thanh của những chiếc màn trập cơ cũ của máy DSLR... Trong tuỳ chỉnh cũng cho phép bạn lựa chọn mức độ âm thanh của máy tuỳ vào công việc và nhu cầu bạn cần như thế nào. Tuy nhiên Patrick nghĩ rằng sẽ chẳng có ai trong chúng ta sử dụng option này và sẽ chỉ đơn giản là tắt hết tiếng đi thôi.

Lựa chọn bằng hình ảnh có vẻ phức tạp hơn một chút khi nó chưa từng xuất hiện trên bất cứ một chiếc máy nào trước đây. Để liên tưởng trực quan hơn, phần này dễ nhất là các bạn theo dõi Video ở ngay đầu bài.

Có 5 lựa chọn. Bạn có thể chọn tắt chức năng này với option 5, hoặc chọn từ 1-4. Lựa chọn mà Patrick thích nhất là lựa chọn thứ 4, “đèn nháy neon màu xanh dương ở các góc”. Bạn hãy tưởng tượng bạn đang ngắm vào trong ống ngắm, có 4 đèn LED hình vuông màu xanh dương ở 4 góc ống ngắm, mỗi khi bạn chụp, cả 4 đèn sẽ nháy lên. Khi bạn chụp với tốc độ cao 20 fps, chúng sẽ nháy liên tục và rất nhanh! Các lựa chọn khác mời xem kỹ hơn trên video.

Công nghệ màn trập mới : Trên A6000/A6300, khi bạn để chế độ chụp là Hi+, bạn thường thấy cực khó nếu như bạn chỉ muốn chụp một bức hình. Thường bạn sẽ ấn nhầm thành 2-3 bức (do nút chụp quá nhạy). A6500 đã cho thấy cải tiến lớn về mặt này khi Sony đã chịu khó lắng nghe người dùng nhiều hơn khi họ muốn có những trải nghiệm giống với DSLR và Sony đã cải tiến khá nhiều về sự chính xác trên nút chụp. Thường những người chụp thể thao hay để chế độ chụp ở tốc độ cao nhất, nhưng khi chụp những chủ đề khác như chân dung lại quên hoặc không muốn tắt chế độ đó đi. Do đó sự chính xác và nhạy thường được yêu cầu khá cao. Nút chụp trên A9 được Patrick đánh giá ngang ngửa với 1DX/D5. Bạn có thể chụp với chỉ 1, 2 hay 3 hình/giây ngay cả khi đã đặt chế độ chụp 20 fps. Giám đốc quản lý cấp cao mảng sản phẩm của Sony Machitani-San đã giải thích rằng, họ đã phải thử nghiệm với 7 loại nút chụp khác nhau để tìm ra cảm giác và áp lực chính xác, vừa đủ nhất để phù hợp với thao tác thông thường. Tương tự như thế, các chức năng khác đều được Sony cải tiến rất cẩn thận.

Màn trập cơ? Vẫn chỉ có tốc độ tối đa là 5 fps, nhưng màn trập cơ cũng được Sony cải tiến. Mặc dù màn trập cơ có vẻ giống như trên A7RII/A7SII, nó cũng được hỗ trợ bởi thời gian trễ ngắn hơn và nút chụp cảm giác chính xác hơn. Đây là tin tốt đối với những người hay chụp thể thao với flash, hockey hoặc ngay cả khi chụp đám cưới và trẻ con. Nó giúp bạn cải thiện độ chính xác rất nhiều khi chụp hành động với flash. Hạn chế là tốc độ sync với đèn flash các hãng khác chỉ tối đa là 1/160 giây. Tốc độ với flash của Sony là 1/250 giây và tất cả các đèn flash có chế độ TTL hay HSS cũng chỉ như vậy (nếu chế độ HSS không bật, hay chỉ đạt tốc độ cao hơn nếu bật HSS).

Công nghệ Bộ đệm mới : Sony sử dụng thuật ngữ “Front End LSI” để mô tả chính xác công nghệ mới của họ trong việcchuyển một loạt các file dữ liệu lớn từ chip điều khiển và lưu vào thẻ nhớ SD. Một phần bộ nhớ đệm ở ngay trên cảm biến chuyển các bức ảnh qua trung gian “front end LSI,” rồi sau đó mới chuyển vào trong thẻ nhớ. Bạn có thể chụp file JPEG bao nhiêu tuỳ thích, chỉ cần chọn tốc độ 20 FPS và giữ nút chụp bao lâu tuỳ thích. Bạn có thể chụp một lúc 50 bức, dừng lại, rồi tiếp tục chụp liên tục như thế mà chiếc A9 cũng sẽ không thấy có biểu hiện mệt mỏi. Ngay cả khi bạn chụp ở tốc độ 20 FPS với RAW+JPEG cũng không xi nhê gì cả. Cảm giác được chụp nhanh như thế thực sự rất sảng khoái, nhưng cũng phải đánh đổi một chút. Tại giải Sony Open vào tháng 1/2017, Patrick đã thử chụp rất nhiều nhưng ông cho biết để xem lại ảnh trên màn hình máy ảnh (preview) thì cũng phải mất khoảng một lúc. Sau đó khoảng một tháng khi Sony lặng lẽ cho ra mắt thẻ nhớ nhanh nhất từng được sản xuất với tốc độ ghi 300X, thì giờ đây, với chiếc A9 Patrick có thể chụp và xem ảnh gần với tốc độ của thẻ CF rồi. Các kỹ sư của Sony cũng đã tìm ra cách gắn thêm RAM vào trên cảm biến. Bộ RAM mới này có thể gọi như là bộ đệm đầu tiên trước khi các bức ảnh được chuyển vào bộ đệm lớn chính của máy, sau đó mới đi vào thẻ. Công nghệ bộ đệm ngay trên cảm biến này thực sự giúp bạn chụp những loạt ảnh cực nhanh mà chưa từng có trước đây trên máy full-frame. Nên nhớ Sony A9 có tốc độ là 20 fps, 1DXii có tốc độ 14 fps và trong trường hợp này Sony ghi vào thẻ nhớ SD chứ không phải SC!

Công nghệ Pin mới (NP-FZ100) : Rất nhiều nghệ nhân của Sony và các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khắp thế giới đã yêu cầu Sony cho ra đời một loại pin mới, phù hợp hơn cho những chủ đề như thể thao hay thời tran. Pin mới lần này của Sony, không quá cải thiện về kích cỡ nhưng về khả năng lưu trữ thì phải nói là khá "điên rồ". Trên bảng thông số chi tiết, pin mới được ghi là có khả năng chụp gấp 2.2 lần pin trên dòng máy Sony A7. Pin mới có hình dạng khác một chút, dài và rộng hơn một chút, có nặng hơn nhưng vẫn nhỏ. Kích cỡ chỉ ngang ngửa với pin của 5DM3/D750. Patrick chia sẻ, trong tháng 1, ông đã thử chụp mà không sạc pin này hàng ngày như thường lệ, để xem hiệu quả của pin mới đến đâu. Ông chụp vào buổi sáng thứ 2, thứ 3, thứ 4 và một chút vào buổi chiều mỗi ngày. Vào tối thứ 4, ông đến Trường ĐH Hawaii để chụp một số môn thể thao. Và vào cuối ngày hôm đó, ông đã chụp tổng cộng 3867 bức ảnh, trên máy vẫn đang gắn combo 500mm f/4 ngàm A + LEA3. Trên grip ghi rõ, Battery số 1 vẫn còn 59%, Battery 2 còn chưa được sử dụng. Ngay cả những kỹ sư của Sony cũng ngạc nhiên. Quá ấn tượng! Còn một chiếc A9 khác chụp được 2300 tấm với GM 70-200mm f/2.8 và teleconverter 1.4x thì pin mới đạt mức tiêu thụ 81%.

Các ống kính G-Master đạt hết công năng: Hai ống GM mà Patrick sử dụng, FE 70-200mm f/2.8 GM và FE 100-400mm GM đều hoạt động rất tốt với máy A9. Được tiếp thêm sức mạnh từ nguồn pin mới, và đây cũng là điểm cốt yếu mà nhiều người dùng đã mong mỏi Sony thay đổi từ lâu, những ống kính này có khả năng chụp các file ảnh kích cỡ lớn tới tốc độ 20 fps. Ngay cả khi dùng ống kính ngàm A trên A9, bạn cũng sẽ cảm thấy mình đang cầm một thiết bị rất mạnh ngay từ bấm nút AF lần đầu tiên. Bất cứ ống kính nào bạn gắn lên chiếc A9 này cũng sẽ đem lại cảm giác khác về tốc độ AF và độ chính xác khi bắt nét, nhất là với hệ thống motor lấy nét kép trên các ống GM tele.

Ống ngắm điện tử EVF được nâng cấp (3,6 triệu điểm ảnh) : Patrick đã dần quen với việc sử dụng ống ngắm tuyệt vời của A7Rii và A6500 trong vòng 1 năm. Từ A6300, người dùng Sony đã có thể ngắm qua ống kính với tốc độ làm mới 120 fps và đây là điều rất cần để theo dõi các chuyển động nhanh ngang qua khung hình trong các sự kiện thể thao. Patrick cũng thấy rằng trên A9 chúng ta còn có nhiều điểm ảnh hơn: 3,6 triệu. Ống ngắm sáng, màu sắc tốt và tạo cảm giác dễ chịu khi ngắm khung hình chụp. Sau 3 ngày trải nghiệm với A9, Patrick quay trở lại với A6500 và A99ii và chuyện đó không hề thoải mái với ông. EVF của A9 trông còn đẹp hơn ống ngắm quang OVF và nó còn không bị tối đi khi chụp thiếu sáng như trên máy DSLR. Đây là một lợi thế rất lớn khi chụp thể thao hay đám cưới và sự kiện ở điều kiện thiếu sáng.

Mức độ phơi sáng chính xác : Có một lợi thế nữa của việc sử dụng EVF độ chính xác cao là ảnh đạt mức độ phơi sáng chính xác, và đối với Patrick, ông có thể chụp với độ sáng ảnh hoàn hảo. Ông so sánh EVF của A9 giống như một màn hình 4K 28 inch có thể mang đi mọi nơi. Patrick đã kiểm tra lại 7.000 tấm ảnh ông từng chụp và không phải chỉnh exposure cho một tấm nào cả. Như vậy, A9 không chỉ đem lại trải nghiệm chụp mà cả trải nghiệm hậu kỳ nhanh và hiệu quả. Sony không chỉ có khả năng làm những chiếc TV lớn tuyệt vời mà ngay cả những màn hình nhỏ như EVF cũng không kém cạnh gì.

Tốc độ EVF : Mặc dù ống ngắm của A9 có cùng tốc độ làm mới 120 fps nhưng nó có vẻ còn nhanh hơn A6500/A6300. Đây có lẽ là lợi thế của cảm biến full frame có thể tạo ra khung hình nhìn chân thật hơn trên các máy APS-C.

Các lựa chọn lấy nét từ nút bấm trên thân máy (Back button focus) : Nếu bạn chụp thể thao hoặc làm phóng viên ảnh thì chắc hẳn bạn đã quen thuộc với việc này. Đây là một cải tiến lớn khi có thêm 1 nút AEL ở ngay vụ trí ngón cái tay phải. Hiện nay chúng ta có tận HAI nút (AF-ON và AEL) đễ chọn thay vì chỉ có một. Khi Patrick chụp thể thao, ông cài cho 2 nút cùng là AF-ON, còn khi chụp chân dung, ông để một nút là Eye-AF (AEL) và nó hoạt động rất tốt. Hai nút này không ở ngay cạnh nhau như trên 1DXii mà có một khoảng trống ở giữa, là nơi bạn có thể đặt ngón cái vào một cách rất tự nhiên khi cầm máy lên. Việc sử dụng 2 nút có chức năng AF khác nhau vốn là lợi thế lớn của 1DXii so với D5 (chỉ có một nút AF-ON) nên đặc điểm này của A9 sẽ rất thuận tiện cho người dùng Nikon chuyển sang.

Cổng Ethernet cho chụp thể thao giờ chót và đăng tin tức trực tiếp: Sony A9 thực sự đã sẵn sàng cho bất cứ yêu cầu nào như thế này. Đây là chiếc máy không gương lật đầu tiên có cổng Ethernet, cho phép nó hoạt động tốt với phương thức của các hãng truyền thông như AP, UPI, Reuters và Getty. Đặc điểm này cho phép máy ảnh kết nối trực tiếp vào mạng lưới IT/LAN để đăng hình trực tiếp lên server trong các sự kiện trực tiếp, giống như đang chụp trong thời gian thực. Trong Thế vận hội Tokyo 2020, lần đầu tiên Sony A9 có thể được các hãng NBA, NFL và NHL sử dụng để đọ sức cùng các dòng máy ảnh chuyên nghiệp khác.

Hai khe thẻ nhớ SD : Đây là yêu cầu mà nhiều năm qua người dùng vẫn đòi hỏi ở Sony. Khe cắm ở trên là loại thông thường với tốc độ như các máy khác của Sony. Khe cắm ở dưới được thiết kế đặc biệt cho các thẻ nhớ SD UHS-3 của Sony với tốc độ ghi/đọc cao (tốc độ ghi 300X!) A9 ra đời chỉ đúng 1 tháng sau khi Sony công bố họ làm được thẻ SD nhanh nhất thế giới. Mặc dù người dùng yêu cầu công nghệ XQD nhưng Sony nhận thấy nó không phù hợp với dòng máy A7 vì nó tốn rất nhiều chỗ. Một khi Sony còn ưu tiên thân máy nhỏ gọn thì chúng ta sẽ vẫn còn dùng thẻ SD để chụp. Với loại thẻ UHS-3 mới này, Patrick nhận thấy tốc độ ghi/đọc thẻ đã gần như thẻ CF dùng trên các máy Pro của Canon, Nikon.

Nút điều hướng (Joystick): Mặc dù nó hơi nhỏ so với mong muốn của nhiều người, ít ra bây giờ máy Sony đã có joystick. Đây cũng là cải tiến mà nhiều người đã mong Sony thực hiện. Nút điều hướng này không nhô ra ngoài xa như máy Canon/Nikon nên có thể nó cũng không dễ gãy bằng (đây là một trong những lỗi hay gặp nhất ở 1DXi và ii). Trên máy Sony, nó chỉ giống như một nút cao su hơi nhô ra. Dùng nút điều hướng này, người dùng có thể di chuyển điểm AF khi đang ngắm qua EVF. Có một điểm là sử dụng nút điều hướng đối với người dùng Sony đã quen với hệ thống lấy nét 4D sẽ trông khá cổ lỗ sĩ. Như Patrick thì ông sẽ thà chụp ở chế độ wide hoặc "lock on flexible spot" AF chứ không phải liên tục thay đổi điểm AF bằng tay như vậy. Tuy nhiên đặc điểm này sẽ phù hợp với người dùng Canon chuyển sang Sony vì họ đã quen với nó rồi. Joystick cũng tiện khi dùng để chọn menu.

Cảm biến 24MP mới: Không nói nhiều về mặt kỹ thuật vì Patrick cũng không được cung cấp mấy thông tin khi ông nhận máy. Tuy nhiên bằng so sánh trực quan, Patrick nhận ra là ảnh chụp bằng A9 gần với A7Sii hơn là A7Rii, và đây không phải là vấn đề kích thước ảnh mà liên quan đến dải dynamic cao của cảm biến mới. Tông màu ảnh của A9 rất giống A7Sii và trong những điều kiện ánh sáng phức tạp như chụp ngược sáng, Patrick vẫn có thể phơi sáng đúng khi ông đo sáng vào ven sáng, bầu trời không bị cháy. Không chỉ có thể mà cảm biến mới này còn cho phép chụp ảnh với độ tương phản cao. Patrick nhận thấy A9 giống như A7Sii với ảnh kích cỡ gấp đôi và đây là điều rất tuyệt vời. Với người dùng chuyên quay phim thì A7Sii rất phù hợp, tuy nhiên với người chuyên chụp mà cần file lớn thì có lẽ A9 là lựa chọn phù hợp hơn, và nó còn có thể quay 4K ở chế độ Super-35 (APS-C), không như A7Sii không có khả năng này.

Báng dọc mới (vertical grip VG-C3EM) : Lý do Sony phải có grip mới là để đảm bảo cho có 2 nút back focus dù máy ở chiều dọc hay chiều ngang, và quan trọng là phải chứa được pin loại mới với kích thước lớn hơn. Với Patrick thì 1 viên pin trong báng cầm là đủ để vừa giảm khối lượng nhưng vẫn đảm bảo chụp được 3-4 trận bóng bầu dục liên tiếp.

Khả năng sẽ ít phải sửa chữa : Khi sử dụng màn trập điện tử, máy ảnh gần như không có phần nào di chuyển. Thực tế là khi sử dụng silent shutter, phần duy nhất trong máy ảnh chuyển động là nút chụp (và cảm biến khi bật chức năng chống rung) nên khả năng hỏng linh kiện thấp hơn. Patrick dự đoán là nhờ thế máy ảnh này sẽ rất ít khi phải đem đi sửa, không như lỗi phải thay màn trập của các máy chuyên nghiệp Canikon.

Tốc độ đèn flash : Tốc độ sync được công bố là 1/160 giây. Tuy nhiên khi chụp thử, Patrick có thể chụp tới 1/200 giây và chỉ thấy rìa trên ảnh hơi tối lại một chút. Nếu bạn tăng tốc lên 1/250 giây thì bạn có thể thấy một vùng tối nặng ở phần trên của ảnh do màn trập đóng vào quá nhanh so với tốc độ flash. Patrick thấy flash GODOX (V860IIS) hoạt động tốt ở 1/250 giây ngay cả khi dùng transmitter. Như vậy là tất cả flash của Sony hoặc của hãng khác mà có chức năng TTL/HSS thì sẽ sync ở tốc 1/250 khi không bật HSS (khi bật HSS sẽ đánh flash được nhanh hơn).

Nút xoay mới ở mặt trên máy : Có một nút xoay mới trên phía trái của máy ảnh (trước đây chưa hề có). Với nút xoay này thì bạn có thể thay đổi cả AF mode, chế độ chụp và tốc độ chụp. Vòng xoay này trông như các máy chụp film SLR từ thập niên 70 của thế kỷ trước, tuy nhiên khi dùng trên thân máy A9 thì trông cũng không bị lạc lõng. Nhờ nút xoay này mà chúng ta có thể tiếp cận một số menu trực tiếp từ thân máy, rất tiện lợi.

Vị trí nút quay phim mới : Sony đã từng bị phàn nàn nhiều về vị trí nút quay phim rất dễ bị bấm nhầm. Sony đã lắng nghe và giờ nút quay phim đã được đặt ngay bên phải EVF. Hơn thế nữa, nút bấm này giờ đã lớn hơn và nằm ngang với bề mặt sau nên khó có thể bị bấm nhầm.

Quay phim 4K : Không có điểm khác biệt nào đáng kể giữa A9 và các máy khác có cùng chức năng quay 4K. Patrick đã hy vọng có thể quay không giới hạn, tuy nhiên các kỹ sư của Sony đã nói với ông là chuyện này hiện này chưa thể, tuy nhiên đây không phải vấn đề của thẻ nhớ mà có liên quan nhiều hơn tới cảm biến. Quay phim 6K hay 4K ở 120p sinh ra rất nhiều nhiệt từ cảm biến full frame. Tin tốt là không giống như A7Sii, máy A9 với 24 megapixel có thể quay phim 4K ở chế độ APS-C. Một điểm trừ là không có lựa chọn Picture Profile trên menu, đồng nghĩa với việc không có S-Log. Chưa rõ lý do tại sao Sony lại bỏ đi chức năng này ở A9.

Firmware update cho LA-EA3 có thể cho phép AF-C lên tới 10 fps : A9 có khả năng cho phép chụp liên tục 10 fps khi đang track chuyển động ở mode AF-C với ống kính ngàm A (Sony hoặc Minolta). Lúc trước, điều này có nghĩa là khi bạn cắm ống kính ngàm A lên body ngàm E, máy sẽ tự động chuyển sang chế độ AF-S, tức là hệ thống AF sẽ thực hiện track chuyển động cho tới khi bạn ấn nút chụp và máy sẽ giữ focus ở nguyên vị trí đó nếu bạn không thả nút chụp ra, sau đó máy mới thực hiện tracking lại. Đây là cải tiến rất có giá trị với chụp thể thao. Hai ống kính ngàm A mới nhất của Sony (SAL 300mm f/2.8 G và SAL 500mm f/4 G) hoạt động rất tốt với A9 với khả năng track chuyển động nhanh và chụp ảnh rất nét.

Firmware update sẽ được thực hiện bởi Sony Pro Service, cho phép bất cứ ống kính ngàm A nào chụp với tốc độ 10 fps và cho phép AF tracking hoàn toàn. Tất cả ống kính ngàm A, có nghĩa là bao gồm cả các ống Sigma và Tamron (trừ các ống Minolta ngày trước không có motor lấy nét trong buộc phải dùng LA-EA4). Với ngàm LA-EA3, những ống kính mới như Tamron G2 150-600mm USD, cũng như những ống kính ngàm A vẫn được người dùng Sony ưa chuộng trong nhiều năm nay sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Khả năng tương thích trong tương lai với ống Canon EF? Firmware mà các kỹ sư update cho ngàm LA-EA3 hoàn toàn có thể được làm cho ngàm chuyển Canon và cho phép ống Canon track chuyển động 10 fps ở mode AF-C. Đây cũng là một tin rất tốt. Điều này có nghĩa là khi Sigma hay Metabones nâng cấp firmware, các ống kính Canon cũng sẽ được dùng với tốc độ cao trên A9. Việc này có 2 ý nghĩa: một là chúng ta sẽ có thêm lựa chọn lens cho A9, và thứ hai là người dùng Canon sẽ chỉ cần mua A9 và Sigma MC-11 đã có thể chụp liên tục 24 Mp 10 fps mà không gây ra tiếng động!

Đây là những nội dung chính trong bài review của Patrick Murphy-Racey. Nếu các bạn muốn đọc nội dung đầy đủ, các bạn có thể tìm tới bài viết gốc trên blog của ông LINK

Để minh họa cho khả năng lấy nét, chụp rất nhanh của A9, mời các bạn xem video ngắn dưới đây của Gary Fong chụp thử trong một trận đấm bốc với chức năng tracking AF-C 20 fps.

Dr. Fox
Bài viết được dịch, biên tập bởi Dr. Fox
Nghiêm cấm sử dụng lại nếu không được sự đồng ý của tác giả
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: