Blog Post

Voigtlander, Loxia, Zeiss ZM & Leica: ống kính 35mm nào cho chiếc máy Sony của bạn?

Apr 24, 2017

Leica Summilux-M 35mm 1.4 Asph FLE | Zeiss Distagon ZM 35mm 1.4 T* | Voigtlander Ultron 35mm 1.7 Asph | Zeiss Loxia 35mm 2.0

Nếu bạn đang tìm kiếm một ống kính góc 35mm chất lượng cao dành cho chiếc máy Sony E mount của mình thì đây là một bài so sánh khá hay để bạn có thể tham khảo. Trong bài viết này, 4 ống kính 35mm có thể nói là tốt nhất hiện nay sẽ được sử dụng trên cảm biến 42mp của A7rII để cân đo đong đếm. Tuy nhiên, đây sẽ là một bài so sánh hơi thiên về mặt kỹ thuật và thiếu những bức ảnh chụp trên thực tế.

THÔNG SỐ CHI TIẾT

MỨC GIÁ


  • Leica Summilux 35mm 1.4 FLE Asph : giá hàng cũ vào khoảng 80-85 triệu, mới là khoảng 95 triệu
  • Zeiss ZM 35mm 1.4 T* Distagon : giá hàng cũ vào khoảng 30 triệu, mới là khoảng 40 triệu
  • Voigtlander 35mm 1.7 Ultron : mới vào khoảng 17-19 triệu
  • Zeiss Loxia 35mm 2.0 : giá hàng cũ vào khoảng 16-18 triệu, mới là khoảng 22-24 triệu

CẢM GIÁC CẦM NẮM / CHẤT LƯỢNG CHẾ TẠO

Leica Summilux 35mm 1.4 FLE Asph (FLE):
Leica tuy có thể coi là ống ngắn nhất trong bài so sánh này nhưng được thiết kế vô cùng chắc chắn và cứng cáp. Toàn thân được làm bằng kim loại, vòng khẩu chia theo 1/2 stop và vòng lấy nét rất chắc chắn cho cảm giác có thể sử dụng được hoàn hảo qua nhiều năm. Bên cạnh đó, ống kính cũng được trang bị focus tab để hỗ trợ cho việc lấy nét.

Leica Summilux-M 35mm 1.4 Asph FLE

Zeiss ZM 35mm 1.4 Distagon (ZM):

Chất lượng thiết kế của Zeisss cũng rất tốt, dù sao mức giá của ống kính này cũng khá cao. Cũng được thiết kế chủ yếu bằng kim loại và cảm giác khi cầm khá nặng. Vòng khẩu chia theo 1/3 stop và từ f/1.4 đến f/16.

Khác với các ống kính rangefinder khác, chiếc Zeiss ZM này có cơ chế lấy nét bên trong. Nó cũng là ống kính duy nhất trong bài so sánh này không đi kèm hood khi mua, một điều khá quen thuộc với các sản phẩm Zeiss Zm, dù cho giá của ống kính không rẻ tí nào.

Zeiss ZM 35mm 1.4 Distagon

Voigtlander VM 35mm 1.7 Ultron (VM):

Cũng tương tự như 2 ống kính trên, chất lượng thiết kế ổn và hầu hết bằng kim loại. Tuy là ống kính rangefinder nhưng khoảng cách lấy nét là tương đối gần, từ 0.5m. Tương tự Leica, vòng khẩu được chia theo 1/2 stop. Hood đi kèm ống kính khá ngắn và gọn.

Voigtlander VM 35mm 1.7 Ultron

Zeiss Loxia 35mm 2.0 Biogon (Loxia):

Loxia không cho cảm giác được thiết kế hoàn toàn bằng kim loại như những ống còn lại, nhưng cũng rất vừa vặn và chắc chắn. Do được thiết kế nguyên thuỷ cho Sony E mount nên khoảng cách lấy nét của Loxia là gần nhất, 0.3. Vòng khẩu chia theo 1/2 stop. Hood đi kèm làm bằng kim loại, nhưng không được chắc cho lắm. Do đây là ống kính E mount, khi bạn xoay vòng lấy nét, máy sẽ tự động zoom vào khu vực lấy nét để hỗ trợ, có người sẽ thích tính năng này, có người thì không.

Zeiss Loxia 35mm 2.0 Biogon (Loxia)

SO SÁNH VỀ THIẾT KẾ

Phải nói rằng tất cả các ống kính này đều được thiết kế với chất lượng rất cao. Là ống kính chuyên dụng cho E mount, Loxia có lợi thế khi các thông tin EXIF sẽ được lưu lại khi chụp. Thiết kế, kích cỡ, cơ chế tự động zoom khi lấy nét đều khá thuận tiện và phù hợp với Sony A7 series.

Mặc dù lớn hơn nửa stop so với Loxia, Voigtlander Ultron nhỏ hơn và nhẹ hơn Loxia. Leica 35mm 1.4 FLE rất ngạc nhiên lại là ống kính ngắn nhất trong số này, nhỏ và nhẹ hơn ống kính ZM 35mm 1.4 Distagon tương đối. Do khoảng cách lấy nét gần nhất của các ống kính này đều tương đối dài, sử dụng những ngàm chuyên dụng như VM-E close focus adapter hay Techart Pro sẽ rất thích hợp để giảm khoảng cách lấy nét. Ống kính Zeiss ZM mặc dù khá to và nặng, tuy nhiên khi so sánh với Sony/Zeiss FE 35mm 1.4 ZA Distagon thì vẫn nhỏ hơn khá nhiều.


TỐI GÓC

Leica FLE 35mm 1.4 xuất hiện hiện tượng tối góc nhiều nhất khi chụp tại khẩu lớn, khoảng 3.4 EV , sau đó là ZM 35 1.4 khoảng 3.1 EV, VM 35mm 1.7 khoảng 2.8 EV và ngay cả Loxia 35mm 2.0 cũng vào khoảng 2.3 stop EV tối góc.

Khi khép xuống f/8.0, hiện tượng tối góc tương đối giống nhau với khoảng ~1.2 EV ở các góc, riêng Leica vẫn bị hiện tượng này nặng nhất, khoảng 1.6 EV.

ĐỘ NÉT

Ảnh dùng để so sánh độ nét

Nếu như bạn theo dõi trang web phillipreeve, bạn sẽ từng đọc được một bài viết hướng dẫn cách khắc phục độ nét ở góc ảnh đối với các ống kính rangefinder góc rộng, bằng cách sử dụng những filter đặc biệt phía trước ống kính. Trong bài so sánh này, các ống kính rangefinder cũng được áp dụng thủ thuật tương tự. Hãy cùng xem độ nét của các ống kính ra sao:

Tại vô cực

Chụp tại khẩu lớn nhất, ống kính Leica khi không sử dụng thủ thuật filter cho độ nét kém nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả đều ở mức chấp nhận và sử dụng được. Tại f/2.8, tất cả đều cho độ nét tốt, Loxia có vẻ kém về độ tương phản hơn một chút. Tại f/8.0, hiện tượng tán xạ bắt đầu xuất hiện và làm ảnh hưởng đến chất lượng ảnh.

Rất đáng tiếc, thủ thuật filter ở đây lại gây ảnh hưởng đến độ nét ở giữa khung hình của ZM, nhưng lại hỗ trợ tốt cho Leica. VM không sử dụng filter có vẻ tốt hơn, ngay sau là ZM không sử dụng filter và Leica có filter.

Độ nét của Loxia hơi tệ do ảnh hưởng của thấy kính spherical aberrations trong thiết kế của ống.

Tại f/2.8, độ nét là khá đồng đều, trừ Loxia vẫn có một chút vấn đề về quang sai.

Tại f/8.0, độ nét là khá tốt ở tất cả các ống.

Các ống kính rangefinder khi chụp tại khẩu lớn nhất có độ nét rất tệ ở góc. Khi áp dụng thủ thuật filter, độ nét được cải thiện rõ rệt và ZM & VM có vẻ như có độ nét tốt nhất ở góc, nhưng lại hơi bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tối góc một chút. Không ngạc nhiên khi Loxia thể hiện tốt ở đây.

Tại f/2.8, ZM +5m filter có chi tiết tốt hơn ở góc so với các ống kính khác, theo sau là VM +5m filter và Loxia.

Tại f/8.0, ZM +5m filter vẫn có chi tiết tốt nhất, độ tương phản cũng cao nhất, tuy nhiên tất cả các ống kính khác đều không thua quá xa.

Lấy nét ở gần 0.5m

Chỉ có ống kính VM và Loxia có thể chụp được tại 0.5m, ZM và Leica phải sử dụng thêm ngàm VM-E close focus để giảm khoảng cách lấy nét.

Có 2 điều dễ nhận thấy ở đây: tại 0.5m, ZM thực sự nổi trội hơn tất cả, mặc dù phải sử dụng ngàm đặc biệt để chụp. ZM cũng là ống kính duy nhất không có hiện tượng focus shift tại khoảng cách này. Leica và VM có hiện tượng focus shift tương đối rõ.

So sánh bokeh góc 35mm tại 0.5 m

Bạn có thể xem ảnh fullsize theo link flickr sau. Khác biệt là không đáng kể, không có ống kính nào thực sự nổi bật.

So sánh bokeh góc 35mm tại 0.6 m

Bạn có thể xem ảnh fullsize theo link flickr sau.

Tại khoảng cách này, ảnh hưởng của các filter là không đáng kể nên chỉ có 4 bức hình.

Bokeh của Loxia có lẽ là kém nhất ở đây, không cho thấy sự đồng đều. ZM cho bokeh tốt nhất, các vòng sáng bokeh được tái tạo đồng đều và không bị rối mắt. Nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy càng về góc, bokeh của Leica càng biến dạng thành hình "củ hành".

Có thể kết luận về kết quả so sánh bokeh như sau: ZM > VM > FLE > Loxia .

So sánh bokeh góc 35mm tại 1.2 m

Bạn có thể xem ảnh fullsize theo link flickr sau.

Bức ảnh về hàng rào có thể cho bạn cảm giác rõ ràng về vùng chuyển giữa khoảng nét và khoảng không nét. Và khóm cây ở phía góc trên bên trái cũng là một ví dụ tốt cho thấy không gian phía sau trong ví dụ này khó "tái tạo" ra sao.

Có thể nói về mặt tái hiện lại vùng không gian nền ở sau khoảng nét trong ví dụ này như sau: ZM > VM > Loxia > Leica. ZM cho thấy ít viền highlight nhất so với VM và Loxia. Leica lại tái hiện vùng highlight khá rõ, đi kèm với một chút viền tím.

Còn về phần tái tạo vùng chuyển trên hàng rào: VM > ZM > Leica > Loxia . Nếu như khép khẩu ống kính ZM xuống f/1.8, vùng chuyển của ZM sẽ khá giống VM, tuy nhiên vùng chuyển của VM vẫn có phần mịn màng hơn. Leica tái tạo có phần hơi gắt trong ví dụ này và Loxia thì rõ ràng là yếu thế ở đây do khẩu bé hơn.

So sánh bokeh góc 35mm tại 2.5 m

Bạn có thể xem ảnh fullsize theo link flickr sau.

Đây sẽ là khoảng cách hay được sử dụng nhiều nhất cho chụp chân dung. Điểm lấy nét là vào mũi con sư tử. Trong ví dụ này, thật khó mà phân biệt và nhận xét được ống kính nào xuất sắc hơn.

So sánh bokeh góc 35mm chụp tại 6.0 m

Bạn có thể xem ảnh fullsize theo link flickr sau.

Tại khoảng cách này, việc xoá phông là rất hạn chế. Trong ví dụ này, trên quan điểm của người viết, ZM và VM có một chút vượt trội hơn Loxia và Leica, tuy nhiên bạn có thể có những kết luận khác nhau.

Một số ý kiến khác về so sánh bokeh:

Nếu bạn soi thật kỹ các ảnh chụp trên flickr, bạn sẽ thấy VM thực sự thể hiện rất tốt về độ nét từ tâm cho đến rìa khung hình tại khẩu lớn nhất, với khoảng cách từ ~0.9 cho đến 3.0 m. Theo sau đó là ZM.

Trong tất cả các trường hợp, ZM đều có độ tương phản cao nhất. Nhìn vào ảnh crop 100%, bạn sẽ thấy chi tiết từ VM tốt hơn khi chụp tại khẩu lớn nhất, nhưng nhìn chung thì ZM sẽ cho cảm giác "nét hơn" do độ tương phản cao.

Ngay cả trên cảm biến BSI của A7rII, được cho là tương thích tốt hơn với các ống kính góc rộng ngàm M, Leica vẫn có một chút ám xanh của hiện tượng colorshift.

CHỐNG LÓA

Đối với những bức hình này, người viết cố gắng chụp tại những điều kiện mà các ống kính thể hiện tệ nhất, đó là lý do các khung hình không thật sự đồng nhất lắm ở đây.

Sony A7rII | Leica Summilux 35mm 1.4 Asph FLE | f/11

Sony A7rII | Zeiss ZM 35mm 1.4 | f/11

Sony A7rII | Voigtlander 35mm 1.7 Ultron | f/11

Sony A7rII | Zeiss Loxia 35mm 2.0 | f/11

Leica 35mm 1.4 FLE thể hiện tệ nhất ở đây: quầng sáng cầu vồng và một chút vầng tím.

Voigtlander VM 35mm 1.7 thể hiện tốt nhất, ít bị ảnh hưởng nhất.

2 ống kính Zeiss thì ngang ngửa nhau, nhưng độ tương phản của ZM cao hơn một chút.

Kết luận: VM > ZM > Loxia > FLE.

COMA

Gần như tất cả các ống kính rangefinder đều hạn chế trong khâu coma correction.

Chụp tại khẩu lớn đa phần đều thể hiện khá tệ, ống kính ít tệ nhất ở đây có lẽ là ZM +5m, do các quầng sáng từ coma là bé nhất. Ngay sau đó là Leica.

Ngay cả khi khép khẩu xuống f/4.0, ZM và FLE vẫn thể hiện tốt nhất, VM và Loxia khá ngang ngửa.

Kết luận: ZM > FLE > Loxia = VM.

SUNSTAR

Sony A7rII | Leica Summilux 35mm 1.4 Asph FLE | f/4.0

Sony A7rII | Zeiss ZM 35mm 1.4 | f/4.0

Sony A7rII | Zeiss Loxia 35mm 2.0 | f/4.0

Sony A7rII | Voigtlander 35mm 1.7 Ultron | f/4.0

Ống kính Leica sử dụng 9 lá khẩu cong, trong khi 3 ống kính còn lại là 10 lá khẩu thẳng và cho ra tia khá giống nhau.

SẮC SAI DỌC TRỤC (LONGITUDINAL CA)

Chụp tại khẩu lớn nhất hầu như không có nhiều khác biệt. Tại f/2.8, sự khác biệt lại càng khó nhận ra hơn nhưng bạn có thể thấy ảnh hưởng của focus shift trên Loxia và VM.

Ống kính Leica không được đưa vào đây nhưng nó thể hiện tương đối giống ZM.

KẾT LUẬN

Zeiss Loxia 35mm 2.0 Biogon (Loxia) :
Trừ khi khép xuống f/4.0, độ nét tại góc và sát rìa ảnh không thật sự tốt do quang sai. Như vậy nếu như bạn muốn có một ống kính chụp thiên văn, chụp khung cảnh thành phố lúc bình minh hay hoàng hôn không sử dụng tripod, hoặc chụp kiến trúc, ống kính này sẽ không phù hợp.

Nhưng nếu như bạn muốn có một ống kính gọn gàng, độ tương phản và độ nét cao khi khép khẩu, thì đây là ống kính native 35mm tốt nhất. Thông tin về EXIF và tự động zoom khi lấy nét cũng là một lợi thế.

Voigtlander VM 35mm 1.7 Ultron (VM) :

Đây là ống kính thể hiện tốt nhất về tổng thể trong bài so sánh này, nhỏ gọn, giá cả hợp lý và chất lượng hình ảnh rất tốt. Trên một số mặt, kết quả của nó còn tốt hơn những ống kính f/1.4 khác (chống loá, độ nét tại rìa và sát rìa...).

Câu hỏi lớn có lẽ nhiều người sẽ đặt ra: nếu bỏ ZM và chọn VM, bạn sẽ mất điều gì? 1/2 stop, độ nét ở rìa ảnh khi chụp vô cực không tốt lắm, chụp cận tại khẩu lớn cũng không xuất sắc và đặc biệt là hiện tương focus shift. Coma correction cũng là yếu tốt cần quan tâm.

Nhưng điểm khác biệt rõ ràng nhất chính là độ tương phản, nhưng điều này tuỳ thuộc vào gu chụp của bạn: ZM có độ tương phản rất cao, đôi khi là hơi gắt, VM thì mềm mại hơn một chút. Để chụp phong cảnh hay kiến trúc, có lẽ ZM sẽ hợp lý hơn, nhưng nếu để chụp chân dung thì có lẽ đa phần sẽ chọn VM.

Zeiss ZM 35mm 1.4 Distagon (ZM) :

Đây là ống kính phức tạp và nặng nhất trong bài so sánh này. Có lẽ rất nhiều tinh hoa của Zeiss đã được dồn vào ống kính này, chất lượng ảnh vượt trội và vẫn tương đối nhỏ gọn. Nếu so sánh với các ống 35mm 1.4 khác (Canon EF 35mm 1.4 L II, Sigma 35mm 1.4 HSM Art, Sony SEL35F14Z, Samyang 35mm 1.4), Zeiss vẫn còn bé chán.

Độ nét tại sát rìa ảnh không thực sự tốt, khả năng chống loá cũng vậy. Nhưng ngoài 2 vấn đề đó ra thì ZM khá là vượt trội ở nhiều khía cạnh: độ tương phản, độ nét toàn khung tại vô cực, độ nét khi chụp cận, bokeh và coma correction.

Đây sẽ là một ống kính 35mm tuyệt vời cho ảnh phong cảnh và kiến trúc, chụp chân dung tại f/1.4 cũng sẽ rất tuyệt.

Leica Summilux 35mm 1.4 FLE Asph (FLE) :

Điều mà chúng ta vẫn luôn biết trong thế giới công nghệ, với các thiết bị “high end”, dù tính năng chỉ vượt trội khoảng 10%, thiết bị đó có thể đắt gấp 2-3 lần là chuyện hết sức bình thường. Bạn hoàn toàn có thể có hiệu quả của 90% với rất nhiều thiết bị rẻ tiền hơn. Leica là một trong những ví dụ như vậy. Tuy nhiên với bài so sánh này, có lẽ hơi khó để tìm ra 10% còn lại đó ở đâu.

Ngoại trừ kích cỡ và trọng lượng, hơi khó để tìm ra điểm vượt trội của Leica so với ZM.

Đương nhiên là ống kính này được thiết kế không phải để sử dụng trên Sony E mount, nhưng với 2 ống kính rangefinder còn lại trong bài so sánh này cũng vậy (VM, ZM).

Không phải là kết qủa từ Leica không tốt, nó rất tốt nhưng so với mức giá, và các ống kính khác trong bài so sánh này thì không.

Nguồn: phillipreeve.net

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được dịch bởi P.N.
Các bạn có thể liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: