Blog Post

Kỹ thuật chụp ảnh wet plate làm hình xăm biến mất

Jul 11, 2018

Kỹ thuật bảng ướt hay collodion (Collodion wet plate process) được phát minh đồng thời vào năm 1851 bởi Frederick Scott Archer (người Anh) và Gustave Le Gray (người Pháp). Để thực hiện kỹ thuật này, người tráng ảnh phải thêm I-ốt vào dung dịch gọi là collodion (Cellulose Nitrate) và dùng dung dịch này để tráng phủ một tấm kính. Trong phòng tối, tấm kính này được nhúng vào dung dịch Silver Nitrate (Bạc nitrat) để tạo ra Silver Iodide (Bạc I-ốt) rất nhạy với ánh sáng. Tấm kính này phơi sáng trong máy ảnh gỗ khi vẫn còn đang ướt (nên được gọi là kỹ thuật bảng ướt) và sử dụng như film trong máy ảnh. Ngay sau khi phơi sáng, hình ảnh được tạo nên bởi sự kết hợp của Silver Iodide với Pyrogallic acid và cố định bằng Sodium thiosulfate. Đến cuối những năm 1860 kỹ thuật này đã gần như bị thay thế bởi kỹ thuật daguerreotype. Tuy nhiên, sau hơn 100 năm, luôn có một nhóm những nhiếp ảnh gia vẫn sử dụng kỹ thuật này để tạo những tấm ảnh "không hoàn hảo" nhưng gây ấn tượng mạnh về khía cạnh mỹ thuật. Trong số đó có nhiếp ảnh gia New Zealand Michael Bradley .

Là một nhiếp ảnh gia thể thao có kinh nghiệm 20 năm và đã từng được tôn vinh là Nhiếp ảnh gia của năm, nhưng Michael lại trở nên hứng thú với kỹ thuật bảng ướt và muốn đưa kỹ thuật này trở lại như một công cụ để thể hiện ý tưởng của mình. Qua tìm hiểu, anh đọc được là kỹ thuật bảng ướt có thể làm mờ hoặc biến mất các hình xăm trên da nên anh muốn sử dụng kỹ thuật này để chụp chân dung những người thổ dân Maori với hình xăm tā moko . Tā moko là một loại hình xăm vĩnh viễn trong văn hóa Maori, với diện tích và mức độ chi tiết của hình xăm thể hiện địa vị xã hội của người mang hình xăm và hấp dẫn với người khác giới, cũng như là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Dưới thời kỳ thực dân Anh tới New Zealand, văn hóa của người Maori gần như biến mất, trong đó có tập tục xăm mình tā moko, nhưng nó đang dần quay trở lại trong cộng đồng người Maori.

Trong văn hóa Maori, người ta tin rằng mỗi người đều có tā moko nằm dưới da, chỉ chờ được thể hiện ra.

Ý tưởng của Michael là sử dụng kỹ thuật bảng ướt và ảnh kỹ thuật số để chụp những cặp chân dung người Maori. Anh hy vọng kỹ thuật này có thể làm biến mất hình xăm trên da người Maori, trong khi ảnh kỹ thuật số vẫn tái hiện những hình xăm như chúng ta thấy bằng mắt thường. Những cặp chân dung này thể hiện sự bất diệt của văn hóa truyền thống Maori, dù đã bị cố gắng xóa bỏ dưới thời kỳ thực dân (ảnh đơn sắc) nhưng vẫn tồn tại và chờ được sống lại. Trước khi thực hiện đề tài này, Michael không chắc chắn kỹ thuật này có thể làm điều tương tự như với hình xăm bởi tā moko khác với kỹ thuật xăm thông thường (chích mực vào da) là sử dụng một dụng cụ tên làuhi để khắc lên da. Anh đã rất vui sướng khi những hình ảnh đầu tiên hiện ra không hề có dấu hiệu của tāmoko mặc dù trên da vẫn còn những vết hằn do quá trình xăm tạo ra.

Mực tā moko có màu đen nhưng sau khi xăm bị oxy hóa nên chuyển sang màu xanh đậm và không được thể hiện trên hình tái tạo bởi kỹ thuật "bảng ướt" (wet plate)

Rất hứng thú với hiệu ứng này nên Michael đã mời được 23 người Maori tham gia dự án Puaki và công bố những cặp ảnh chân dung trong triển lãm Kōngahu Museum of Waitangi (Bay of Islands, New Zealand).

"Tôi nhìn những tấm chân dung cổ trong bảo tàng Aukland và đã thấy người ta cố gắng để thể hiện tā moko trên các tấm ảnh, nhưng gần hết các trường hợp nó là họa tiết được thêm vào bằng màu sáp hoặc mực trên bản in. Tôi đã nghĩ là rất thú vị khi công nghệ của những năm 1800 đã xóa đi một dấu ấn văn hóa và ngày nay chúng ta sống ở thời điểm mà tā moko bắt đầu quay trở lại."

Mỗi lần chụp kéo dài khoảng 4 tiếng, với 20 phút để chụp bảng ướt, sau đó là chụp ảnh kỹ thuật số và thực hiện video phỏng vấn từng người tham gia về tā mokovà những câu chuyện riêng của họ. Phương pháp sáng tạo của Michael đã giúp anh thể hiện rất thành công ý đồ nghệ thuật của mình và đằng sau những tấm ảnh người xem có thể thấy được cả vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Maori và sự đam mê với một bộ môn nhiếp ảnh gần như đã tuyệt chũng.

Dưới đây là một số ảnh chân dung từ triển lãm, mời các bạn cùng chiêm ngưỡng.

Triển lãm Puaki được mở trong thời gian 26/5 tới 2/9/2018. Dưới đây là video về ngày đầu tiên của triển lãm.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox dịch và tổng hợp
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: