Blog Post

Có thể tái hiện màu Canon trên máy Sony bằng dịch chuyển cân bằng trắng không?

Sep 25, 2018

Nhu cầu chụp ảnh JPEG "đẹp" ngay từ trên máy ảnh là một nhu cầu rất lớn từ người dùng, do không phải ai cũng có khả năng xử lý hậu kỳ để kiểm soát màu đúng như mong muốn, hoặc một số người dùng khó tính yêu cầu máy phải tái tạo được màu chuẩn xác như nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu bạn đã biết qua một số dòng máy ảnh DSLR phổ biến, chắc hẳn bạn sẽ biết các máy ảnh Canon nổi tiếng với khả năng tái tạo màu da trắng hồng rất được ưa thích, nên đây là một yếu tố quan trọng để nhiều người cân nhắc máy ảnh Canon cho chụp chân dung. Gần đây, sự phổ biến của máy ảnh không gương lật (mirrorless) đã làm nhiều người sử dụng Canon "lung lay" và cân nhắc các giải pháp thay thế với nhiều công nghệ mới hơn như máy ảnh mirrorless của Sony. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ưu điểm về sự tiện dụng, nhiều người dùng phàn nàn là máy ảnh Sony (cho tới các thế hệ máy trước A9) có màu ảnh JPEG quá ấm và dễ ám vàng, nhất là khi chụp chân dung thì màu "ám" này làm da xấu hơn chụp bằng máy Canon rất nhiều.

Người dùng Sony vẫn "truyền tai" nhau một phương pháp làm màu ảnh đỡ "ám vàng" và màu da đẹp hơn bằng cách làm dịch chuyển cân bằng trắng của máy (WB shift). Trong bài viết này, mình sẽ làm rõ liệu phương pháp này có thực sự giúp chúng ta tái tạo lại màu của Canon trên máy Sony hay không.

Thế nào là cân bằng trắng?

Cân bằng trắng (white balance) là thuật ngữ để chỉ khả năng điều chỉnh màu sắc giống với mắt chúng ta nhìn. Nói một cách đơn giản thì trong môi trường có nhiều nguồn màu sắc khác nhau "ám" lên các chủ thể, nhưng những hiện tượng "ám màu" này thường được thị giác con người tự điều chỉnh lại, trừ những trường hợp ám màu nặng, và vì thế nên cách chúng ta nhìn nhiều khi khác cách máy ảnh "nhìn". Cân bằng trắng chuẩn là việc thay đổi cùng một giá trị sắc độ cho tất cả các màu, làm sao cho màu trắng đúng với chuẩn của mắt nhìn.

Dưới đây là một ví dụ về cân bằng trắng đúng và sai. Trong trường hợp này, hình bên phải bị ám vàng, cân bằng trắng bị quá "ấm" so với mức cân bằng trắng chuẩn. Ngược lại, nếu cân bằng trắng quá "lạnh" thì hình sẽ ám xanh, tím.

Cân bằng trắng tự động (Auto white balance hay AWB)

Theo phương pháp chuẩn thì trước khi chụp, chúng ta phải cho máy ảnh biết đâu là màu trắng chuẩn bằng một tấm bảng trắng (white card) hoặc màu xám trung tính (grey card) đặt trong môi trường ánh sáng tương tự như chủ thể của tấm hình. Tuy nhiên, để làm đơn giản hóa quy trình thì các nhà sản xuất đã thiết lập chế độ cân bằng trắng tự động (auto white balance hay viết tắt là AWB) trong các máy ảnh để máy sẽ tự điều chỉnh cân bằng trắng cho gần nhất với mắt người nhìn. Đây là một giải pháp hay và nhiều người có thể dùng được mà không cần biết sâu về cân bằng trắng, nhưng giới hạn của nó là nhiều khi máy ảnh không đủ "thông minh" để điều chỉnh ra màu chúng ta mong muốn.

Ngoài ra, trong các máy ảnh đều có các chế độ cân bằng trắng có sẵn tùy thuộc điều kiện môi trường, giúp chúng ta bỏ qua bước cân bằng trắng trước khi chụp mà màu được tái hiện vẫn tự nhiên. Các chế độ này được thiết lập theo " nhiệt độ màu " (temperature) của môi trường mà chúng ta sẽ không đi sâu trong bài viết này.

Dịch chuyển cân bằng trắng tự động (AWB shift) có làm màu ảnh giống nhau?

Phương pháp dịch chuyển cân bằng trắng tự động hay còn gọi là AWB shift là cách người dùng điều chỉnh khả năng cân bằng trắng tự động của máy ảnh bằng cách cộng thêm một giá trị màu nhất định cho tất cả các màu sau khi được cân bằng trắng. Cách này rất phổ biến khi bạn chủ động làm tấm ảnh bị "ám" một màu nào đó để phục vụ mục đích tạo hiệu ứng nghệ thuật hay chỉ đơn giản là một ấn tượng riêng với từng tấm ảnh.

Để điều chỉnh AWB shift, các bạn chọn tùy chỉnh AWB, sau đó ấn tùy chọn thêm một lần nữa hoặc phím sang phải sẽ thấy một bảng màu như hình dưới. Bảng màu này được dựng theo 2 trục A-B và G-M, mỗi trục có 14 giá trị, nên tổng cộng có 196 giá trị màu bạn có thể "cộng" thêm vào giá trị màu cân bằng tự động.

Để trả lời cho câu hỏi chính của bài viết này, mình sẽ chụp 1 tấm ảnh bằng máy Canon 6D, sau đó chụp nhiều ảnh khác nhau với Sony A7II với các tùy chọn AWB shift (sử dụng cùng ống kính và các điều kiện chụp), sao cho màu ảnh JPEG từ máy ra gần nhất với 6D.

Đầu tiên là 2 ảnh JPEG gốc từ hai máy chụp với chế độ AWB mặc định của máy, sử dụng ống kính EF 200mm f/2.8L (với máy A7II, ống kính được dùng qua ngàm Sigma MC-11). Các bạn có thể thấy là ảnh JPEG từ máy Sony ra có màu vàng ấm hơn ảnh chụp bằng Canon, tuy nhiên màu trắng có vẻ hơi ám tím hơn.

Để thử nghiệm phương pháp AWB shift, mình chụp 4 tấm ảnh tương tự nhưng mỗi tấm ảnh dịch AWB 1 giá trị sang 4 phía của 2 trục bảng màu.

Khi thay đổi 1 giá trị AWB thì dường như G1 có màu gần nhất so với màu ảnh chụp bằng 6D.

Tiếp theo, do màu G1 hơi thiếu tông vàng nên mình kết hợp thêm giá trị A theo 2 cặp thông số A1-G1 và A1-G2 thì được màu A1-G2 rất gần với màu ảnh chụp bằng 6D.

Các bạn có thể nhận ra khác biệt rất rõ bằng hình động so sánh dưới đây:

Như vậy, coi như việc dịch cân bằng trắng theo thông số A1-G2 có thể "kéo" màu Sony gần với Canon, mình sử dụng thông số này để chụp các ảnh khác bằng 2 máy và tiếp tục so sánh màu.

Trường hợp 1 : đây là màu ảnh gốc AWB của hai máy. Trong trường hợp này ảnh chụp bằng A7ii có màu ấm hơn rất rõ.

Tuy nhiên khác với ảnh ban đầu, khi áp dụng thông số A1-G2 thì ảnh chụp bằng Sony thậm chí còn ấm hơn nữa, khác biệt rất rõ so với ảnh 6D.

Trường hợp 2 : như trường hợp trên, khi dùng A1-G2 shift trong ảnh này thì Sony chụp ra ấm hơn hẳn so với Canon.

Tại sao lại như vậy? Nếu các bạn để ý kỹ sẽ thấy là 2 trường hợp bên dưới, ảnh chụp trong điều kiện ít ánh sáng hơn ảnh thử nghiệm và tông màu chủ đạo trong ảnh cũng có phần khác biệt. Đây là hệ quả của quá trình máy tự cân bằng trắng, trong các điều kiện ánh sáng khác nhau và tông màu chủ thể khác nhau, kết quả cân bằng trắng sẽ khác nhau. Cách xác định các yếu tố này của bộ xử lý hình ảnh trong các máy ảnh là khác nhau, chính vì thế việc bù giá trị màu đồng loạt cho kết quả cân bằng trắng chỉ có tác dụng trong trường hợp cụ thể mà không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp.

Color profile

Ngoài việc công thức dịch chuyển cân bằng trắng không áp dụng được trong tất cả các trường hợp, phương pháp này còn có một lỗ hổng lớn là không cân nhắc tới color profile của các máy ảnh là khác nhau. Color profile của mỗi máy sẽ quy ước cách thể hiện ra các màu sắc nhất định từ nguồn thông tin máy thu nhận được, ví dụ như cùng là màu xanh lá cây nhưng màu xanh của Canon sẽ không hoàn toàn giống màu xanh của Sony, hay Nikon, Pentax... Bên cạnh việc cân bằng trắng chuẩn, đây là yếu tố quan trọng để tạo ra màu sắc đặc trưng của các hãng, như màu da của Canon là do color profile kênh vàng và đỏ có thiên hướng ra màu giống hồng hơn.

Như vậy, cả cách cân bằng trắng tự động và color profile của Sony - Canon đều khác nhau. Nếu muốn ảnh JPEG chụp ra có màu gần nhau nhất thì chúng ta phải làm thế nào? Giải pháp hoàn hảo nhất là bạn xử lý ảnh hậu kỳ để kiểm soát màu đúng như mong muốn. Nếu bạn không muốn xử lý hậu kỳ thì cách duy nhất là bạn giúp máy cân bằng trắng để sai khác chủ yếu chỉ nằm ở phần color profile.

Cân bằng trắng bằng bảng trắng hoặc bảng xám

Back to basic, đây là kỹ thuật cơ bản mà người sử dụng máy ảnh đã phải dùng tới từ rất lâu để đảm bảo màu chụp ra trông tự nhiên. Nguyên lý của nó là bạn sử dụng một bảng màu trắng hoặc màu xám trung tính đặt trong môi trường ánh sáng giống như chủ thể bạn muốn chụp để giúp máy ảnh nhận ra màu trung tính và tự điều chỉnh cân bằng trắng. Bạn có thể dùng một tấm bìa màu trắng hoặc màu xám để cân bằng trắng, nhưng thông thường thì màu xám trung tính (18% xám được coi là con số lý tưởng) đem lại hiệu quả cao nhất do không phản xạ lại ánh sáng nhiều như màu trắng (gần hơn với bề mặt của chủ thể bạn sẽ chụp).

Trong máy ảnh Sony, bạn sẽ thấy phần Custom white balance ở cuối cùng của mục White balance, với chữ SET. Để xác định màu trắng / xám chuẩn, bạn đặt tấm màu trắng / xám vào cùng vị trí bạn muốn chụp, sau đó để vùng hình tròn ở giữa hình vào vị trí màu trung tính bạn muốn đặt chuẩn và ấn nút tròn trên máy để xác định chuẩn. Thay vì dùng tấm bìa màu xám, nhiếp ảnh gia Gary Fong còn chế tạo ra bộ kit có mặt cầu đối chiếu màu có 18% xám và có bề mặt cầu để phản ánh chính xác cách ánh sáng tương tác với da của mẫu (hình dưới). Để theo dõi chi tiết video, mời các bạn click vào đây.

Lưu ý là khác với Sony, máy Canon cân bằng trắng sử dụng ảnh, tức là bạn cần chụp lại một tấm ảnh với màu đối chiếu trước, sau đó chọn khu vực màu trên ảnh để làm chuẩn, thay vì chọn trực tiếp trên hình live view như máy Sony.

Đây là một ví dụ về cân bằng trắng sử dụng white card cho hai máy Canon 6D và Sony A7II (ống kính Sigma Art 35mm f/1.4). Sau khi đã cân bằng trắng chuẩn thì màu ảnh của hai máy đã rất gần nhau, chỉ khác biệt đôi chút về độ tươi và sắc độ của màu.

Cần lưu ý thêm là trước khi đánh giá màu của ảnh, các bạn nên cân màu màn hình về một chuẩn nhất định, vì còn một yếu tố nữa khiến ảnh của bạn bị ám màu là do màn hình bị sai màu.

Như vậy qua bài viết này, mình có thể khẳng định rằng phương pháp dịch chuyển cân bằng trắng tự động chỉ là giải pháp "chữa cháy" có tác dụng trong những trường hợp cụ thể mà không ứng dụng được trong mọi hoàn cảnh. Phương pháp đơn giản nhất để tránh bị ám màu là các bạn mang theo mình bảng màu đối chiếu (white card, grey card) để điều chỉnh cân bằng trắng chuẩn cho máy, còn muốn tông màu như màu da giống nhất với màu ảnh của một hãng nào đó thì việc xử lý hậu kỳ là không tránh khỏi.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: