Blog Post

[Film Friday] Leicaflex SL - Chiếc máy suýt làm Leica tan cửa nát nhà!

Oct 04, 2018

Khi chúng ta đề cập đến “Leica”, chắc hẳn các bạn sẽ tưởng tượng ra một chiếc máy rangefinder đẹp đẽ, hào nhoáng, chắc chắn và cực kỳ danh tiếng đã trải qua bao nhiêu khoảnh khắc huy hoàng trong lịch sử nhiếp ảnh. Tuy nhiên hôm nay tôi muốn giới thiệu với các bạn một chiếc Leica khác, ko phải là chiếc máy Rangefinder, ko phải là dòng Leica R cộng tác với Minolta những năm 70-80, mà là chiếc LEICAFLEX , một cái tên có lẽ hơi lạ lẫm với nhiều người ko để ý đến Leica, nhưng có lẽ nó sẽ trở thành một trong những chiếc máy tôi yêu thích nhất trong quá trình chơi ảnh film của mình.


Trước hết xin ngược dòng lịch sử một chút, trước khi sản xuất Leica R, R3 đến R9, Leica đã cho ra đời 3 chiếc máy “ Leicaflex ”, sử dụng ngàm R từ năm 1964 đến năm 1976. Chiếc Leicaflex đầu tiên được giới thiệu vào năm 1964, có thể được mô tả là chiếc “ Leica M3 ” của hệ máy ảnh gương lật (SLR) của Leica, với một hệ thống đo sáng khá kỳ cục. Hệ thống đo sáng sẽ thay đổi từ đo sáng toàn khung, center hay spot phụ thuộc vào tiêu cự của ống kính gắn trên máy, từ 28mm sang 90mm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó khi các đối thủ cạnh tranh từ Nhật Bản liên tục tung ra những chiếc máy đo sáng TTL (through-the-lens), như chiếc Nikon Photomic T và Canon Pellix), Leica bắt đầu cảm thấy hệ thống đo sáng của mình cần phải được cải thiện và chiếc Leicaflex SL, đời thứ 2, được ra đời năm 1968 có hệ thống đo sáng TTL tích hợp (từ SL ở đây là viết tắt của Selective Light, mô tả chức năng đo sáng của máy). Máy lấy nét bằng cơ chế chúng ta hay gọi là “ hoa dâu ” (microprism) ngày nay, chiếc máy ngay lập tức gây tiếng vang, một chiếc máy hiện đại, thân thiện, màn lấy nét thì to và rất sáng. Phiên bản cuối, chiếc Leicaflex SL2 ra đời năm 1974 tích hợp một cơ chế đo sáng phức tạp và chính xác hơn. Tuy nhiên chiếc SL2 lại gặp vấn đề về màn trập ở tốc 1/2000, và một số ống kính mới được sản xuất lại ko tương thích trên chiếc Leicaflex đời đầu và chiếc SL. Và đây chính là thời điểm Leica gặp khó khăn với sản phẩm của mình, với SL2, Leica đã gần như suýt phá sản, nghe thật là kỳ lạ phải ko?

Tại sao một công ty chuyên sản xuất ra những chiếc máy ảnh xuất sắc như Leica, và một chiếc máy tuyệt vời như Leicaflex (tôi sẽ đánh giá chi tiết sau) lại gần như phá huỷ Leica? Có một số lý do như sau:


Thứ nhất, khi vào thị trường từ năm 1964, Leica đã thâm nhập vào thị trường SLR quá muộn màng . Canon, Nikon đã có những chiếc máy với hệ thống TTL sẵn sàng và chính xác. Một chiếc Leica M3 với máy đo sáng thực sự ko phải là lựa chọn dễ dàng của nhiều người. Mặc dù đã có cải thiện với SL và SL2, những cải tiến của Leica là ko đủ. Leicaflex được coi là một chiếc máy dành cho người chuyên nghiệp nhưng những sự lựa chọn nó đem lại chưa đủ thuyết phục.


Lý do thứ 2, là về giá cả . Chiếc Leicaflex được thiết kế tối giản, chắc chắn, với những chi tiết có chất lượng cao, tuy nhiên, mức giá để sản xuất nó gấp 1,5 hoặc gấp đôi so với các đối thủ, dẫn đến giá thành của chiếc máy tăng lên. Nhiều báo cáo cho biết, trên thực tế Leica đã chịu “ bán lỗ ” những chiếc Leicaflex của mình, với hy vọng những người dùng sẽ mua các ống kính ngàm R nhiều hơn để bù lại cho phần lỗ của máy. Chiến lược này đơn giản là đã ko thành công. Những chiếc máy Nikon hay Canon mặc dù ko được chắc chắn, bền bỉ và “chinh chiến” như Leica, nhưng nó vẫn có chất lượng tuyệt vời, đủ bền, đủ tốt để có thể thậm chí sử dụng trong chiến tranh. Lý do quan trọng, đơn giản là nó rẻ hơn nhiều, cả máy và lens.

Một lý do nữa là số lượng ống kính hạn chế. Ban đầu Leicaflex chỉ có một số lựa chọn sau: 35mm f/2.8 Elmarit, 50mm f/2 Summicron, 90mm f/2.8 Elmarit, và 135mm f/2.8mm Elmarit. Ko bàn đến chất lượng ống kính (chất lượng build, chất lượng ảnh) vì chúng ta biết Leica chưa bao giờ khiến người dùng phải thất vọng, nhưng số lượng ống kính, khẩu độ và giá thành như vậy là ko đủ hấp dẫn.


Bên cạnh đó, còn một số yếu điểm nữa của Leica so với đối thủ là sự đa dạng. Nikon cho người dùng lựa chọn thay back, thay view ngắm, thay gù ngắm, hay là có cả bộ tua film, Leicaflex ko có gì ngoài ống kính. Leica cho rằng sự đơn giản sẽ tăng hiệu quả sử dụng, sự đa dạng sẽ làm giảm chất lượng thiết kế và sự bền bỉ của máy. Nhưng thị trường thì phản ánh ngược lại, người dùng thích có nhiều lựa chọn hơn. Họ thích những chiếc máy thân thiện hơn là “ tối giản ”. Về sau Leicaflex cũng có một bản SL2 MOT (Motor Drive Capable) để tăng thêm tính năng cho máy, nhưng vẫn ko thể ngăn được sự thất bại của công ty. Điều này dẫn đến sự liên minh giữa Leica và Minolta từ 1971 cho đến tận những năm 1990.

Vậy đấy, một thất bại tồi tệ của Leica, tuy nhiên lại đem lại cho chúng ta một món hời trong những năm 2018 này. Một chiếc máy xuất sắc, của Leica, và giá thành thì cực kỳ hợp lý, hay phải nói là rẻ!!!

Bạn nghĩ sao, khi một chiếc máy đã suýt làm Leica sụp đổ vì giá thành sản xuất quá cao, liệu chất lượng thiết kế của chiếc máy có thuộc hàng cao cấp hay ko? Chắc chắn rồi phải ko nào, bạn sẽ cảm nhận được ngay khi cầm chiếc máy trên tay mình. Cực kỳ chắc chắn, nồi đồng cối đá, mang đến cho bạn cảm giác về một sản phẩm chất lượng cực kỳ cao, và quan trọng hơn, nó...đúng chất Leica.


Vì sao vậy, thứ nhất gần như toàn bộ thân máy được làm bằng đồng. Bạn cầm là sẽ hiểu ngay. Đấy là thời kỳ mà đa phần các máy do Leica sản xuất được làm bằng đồng và aluminum, cả máy và ống kính để đem lại sự chắc chắn, bền bỉ và sự cân bằng trong thao tác. Chiếc Leicaflex này thực sự nặng, cả combo máy và lens chắc chắn phải gần 1,5kg. Đặt chiếc máy trên tay và bạn sẽ cảm thấy có những sự tương đồng nhất định trong chiếc Leicaflex với những chiếc Leica M khác. Độ đầm tay, sự tối giản, sự chắc chắn và quan trọng là mang lại một cảm giác rất bền bỉ.


Vòng xoay tốc độ màn trập và cần lên film thì được tích hợp, thiết kế giống hệt chiếc Leica M5 (cũng là một sản phẩm ko thành công khác của Leica nhưng là tiền thân của huyền thoại Leica M6 như chúng ta đã biết). Nhìn cái cần lên film chúng ta đã thấy nó quen thuộc rồi phải ko nào? Tốc độ của máy là từ 1s cho đến 1/2000, và có lẽ xin nhắc lại một điều có thể bạn chưa biết, dòng Leicaflex là dòng máy FULL CƠ HOÀN TOÀN, pin chỉ để đo sáng. Vậy có khác gì chiếc Leica R6 hay 6.2 về sau, mới đạt được đến tốc độ của chiếc Leicaflex này. Hay nói chính xác hơn Leicaflex là tiền thân của chiếc R6.2 huyền thoại dòng R của Leica. Full cơ, bền bỉ nó nằm ở chính chỗ này đây!

Một số đặc điểm nữa mà tôi cũng cực thích từ chiếc Leicaflex này, là cái nắp mở buồng film thiết kế độc đáo, view ngắm rất to, sáng và tiếng màn trập thì chắc nịch. Để mở được buồng film, bạn ko dựa vào cần tua film ở phía trên, mà Leicaflex có một nắp mở buồng film ở phía hông bên trái, dạng khoá giống như một số chiếc máy folding cùng thời như Super Ikonta chả hạn. Một thiết kế thông minh và chắc chắn!

Cần tua film được tích hợp với vòng chỉnh ISO và chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là tua film mà thôi. Bên trong buồng film thì chốt giữ film cũng là loại trượt rất chắc chắn, giúp cho người dùng khó có thể làm tuột film được một khi đã lên đúng cách. Còn tiếng màn trập của máy thì...quá ấn tượng. Nó đi ngược lại hoàn toàn concept của Leica M. Tiếng màn trập của Leica SLR quá to, và như vậy về mục đích sử dụng của Leicaflex cho chụp phố xá hay candid portrait chắc chắn là đã ... thất bại hoàn toàn! Nó ồn, to và dễ gây sự chú ý. Nhưng ở thời đại ngày nay, tiếng màn trập như vậy đem lại sự hoài cổ và mang lại một cảm giác rất sướng khi chúng ta bấm cò. Về điểm này chắc sẽ nhiều bạn đồng ý với tôi, phải không nào?

Ống ngắm của máy thì rất to, với độ phóng đại 0.9x. Bên trong ống ngắm có thể nhìn thấy tốc độ màn trập chúng ta đang chọn. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho biết mặc dù màn trập của Leicaflex rất sáng nhưng nó dễ bị tối lại dần theo thời gian.

Một điểm làm cho chiếc Leicaflex, cụ thể là chiếc Leicaflex SL (đời thứ 2) dễ dàng trở thành chiếc máy yêu thích của tôi, là do hệ thống đo sáng điểm (spot metering) của nó. Tôi là người cực kỳ thích sử dụng đo sáng điểm, nó là hệ thống trợ giúp bạn đo sáng chính xác nhất, đặc biệt trong những trường hợp bạn chụp ngược sáng. Nếu như làm chủ được đo sáng điểm, bạn sẽ thấy tỷ lệ chụp và đo sáng thành công cho bức ảnh của mình cải thiện hơn rất nhiều. Với một người thích chụp "linh tinh", "tĩnh vật", phố xá và ngược nắng như tôi, đo sáng điểm là hệ thống hoàn hảo. Đây cũng là lý do chiếc Contax S2 là một trong những chiếc máy đã từng được tôi sử dụng nhiều nhất trong quãng thời gian sử dụng máy ảnh film.

Và nói đến Leica, chúng ta ko thể ko nhắc đến chất lượng ảnh. Leica R có lẽ là hệ ống kính được đánh giá quá thấp so với chất lượng của nó. Có lẽ vì Leica M đã trở nên quá nổi tiếng, dần dần khiến cho hệ lens ngàm R bị lùi sâu vào dĩ vãng. Số lượng người chơi và mua bán ống kính Leica R bây giờ ở Việt Nam quá ít, khiến cho việc giao dịch trở nên khá khó khăn. Nhưng đối với những người đã từng sử dụng, thẩm đủ lâu hệ ống kính này, đa phần đều nhận thấy ống kính R rất xuất sắc, và có nét đặc trưng và cá tính riêng của mình.

Ống kính Leica R ko quá nét, contrast ko cao như Leica M, mà có nét mềm mại rất riêng. Theo quan điểm của người viết, chính vì những yếu tố đó, Leica R hợp để chụp film hơn là Leica M. Bokeh của lens ngàm R cũng rất mơ màng, mịn, và vùng chuyển đúng chất Leica, cực mềm mại và thực sự khó để tả hết vẻ đẹp của nó. Nhưng chính xác, nó mang đúng ... chất Leica rất riêng của mình.

" Ống kit ", chiếc Leica R 50 Summicron, là một ống kính vô cùng đặc biệt, và xin nhắc có thể một số bạn chưa biết, nó được thiết kế bởi Walter Mandler, kỹ sư nổi tiếng nhất của Leica cho đến ngày nay. Ông là cha đẻ của rất nhiều ống kính Leica danh tiếng, và huyền thoại về " Leica Glow " chính xác là đến từ những ống kính do ông thiết kế. Leica R 50 Summicron cũng là một trong những thiết kế nổi tiếng của ông tồn tại lâu nhất cho đến ngày nay. Cả các ống kính 50 Summicron M cũng hầu như ko thay đổi gì so với thiết kế ban đầu, nên có thể nói, khi bạn mua phiên bản R 50 Summicron là bạn đang mua một ống kính thuần chất Leica nhất, và đó thực sự là "một món hời".

Tuy nhiên, ống kính này có một yếu điểm là vòng lấy nét (focus throw) rất dài, nên việc sử dụng nó cho chụp phố ko thực sự thuận tiện. Có lẽ đó cũng là một trong các lý do (ngoài tiếng màn trập) làm Leicaflex thất bại trong việc trở thành một công cụ đắc lực cho các nhiếp ảnh gia đường phố cùng thời. Mặc dù vậy, nếu sử dụng ống kính này cho chân dung, cảnh, kiến trúc hay tĩnh vật, vòng lấy nét dài là một lợi thế.

Để sở hữu một chiếc Leicaflex ngày nay, bạn chỉ phải bỏ ra 3 - 4 triệu đồng cho thân máy, khoảng 7 - 8 triệu đồng cho một ống kính "đậm chất Leica". Các ống kính ngàm R khác giá thành cũng cực kỳ hợp lý và rẻ so với chất lượng mà nó mang lại. Có thể nói, đây là con đường tốt nhất để bạn có thể bước chân vào làm quen với thế giới Leica.

Vậy tóm tắt lại, chiếc Leicaflex SL cho bạn những gì: một thiết kế chắc chắn tối giản mà vẫn vô cùng đẹp mắt của Leica, một chiếc máy full cơ với tốc 1/2000 mà chỉ những chiếc R6.2 (khoảng 15 triệu đồng, gấp 4 - 5 lần tiền) mới có, hệ thống đo sáng điểm, và đặc biệt là hệ ống kính rẻ mà chất lượng cực cao. Với tôi, đây là một khoản đầu tư quá hợp lý và thật may mắn để phát hiện ra.

Nếu như bạn muốn tham khảo hệ máy Leicaflex, có một số điểm bạn cần lưu ý:

• Nếu như bạn muốn có chiếc máy tương thích toàn bộ với tất cả các ống kính Leica R, 1-cam đến 3-cam và cả dòng lens ROM về sau, bạn cần mua chiếc Leicaflex SL2.

• Nếu như bạn muốn thiết kế chắc chắn nhất, bạn phải mua chiếc Leicaflex Mark 1, đời đầu tiên.

• Còn Leicaflex SL, chiếc máy tôi đang sở hữu, sẽ là chiếc máy hợp lý nhất. Giá thành vừa phải, hệ thống đo sáng tốt, thiết kế chắc chắn như Leicaflex đời đầu và tương thích với gần như tất cả các ống kính Leica R (1-cam đến 3-cam, trừ ROM). Đây cũng là phiên bản được sản xuất nhiều nhất trong dòng Leicaflex.

Mời bạn xem tiếp một số hình ảnh chụp với chiếc máy này và hệ ống kính Leica R sau đây:

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được biên tập bởi P.N.
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: