Blog Post

Ngàm Techart Pro - giới thiệu và đánh giá

Dec 15, 2016

Nếu bạn là người sử dụng ống kính lấy nét bằng tay (hay ống kính MF) từ lâu và đang dùng máy ảnh kỹ thuật số, chắc hẳn ít nhiều bạn cũng đã nghe đến cái tên TechartPro. Đây là loại ngàm có điều khiển tự động được phát triển bởi công ty MX camera trading. của Trung Quốc để lấy nét tự động ống kính MF trên máy mirrorless ngàm E của Sony. Nhờ tận dụng hệ thống lấy nét theo pha trên cảm biến (on sensor phase detection autofocus - OSPDAF) rất hiệu quả của các máy ảnh Sony phát triển gần đây, bao gồm A7ii, A7Rii, A6300, A6500 và khả năng cho phép tín hiệu OSPDAF đọc bởi các ngàm chuyển AF, Techart đã kết hợp với motor gắn ngay trên ngàm để di chuyển vị trí ống kính so với bề mặt cảm biến, hay nói cách khác là có thể lấy nét được tự động bất kể ống kính nào. Hiện nay ngàm TechartPro cho phép bất cứ ống kính ngàm Leica M (hay LM, L/M) nào cũng có thể có chức năng AF trên các máy ảnh kể trên. Điều này có nghĩa là bạn có thể dùng Techart Pro với các ống kính ngàm LM hoặc các ống kính khác chuyển sang ngàm LM.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT

Tên ngàm LM-EA7
Khối lượng 133 gram
Giới hạn khối lượng của ống kính có thể dùng với ngàm (theo hãng sản xuất) 700 gram
Giới hạn mức di chuyển của ngàm 4.5 mm
Giá công bố $379 (khoảng 8 triệu 600 nghìn đồng)
Các chế độ chụp hỗ trợ AF-S và AF-C
Tương thích với chức năng chống rung 5 trục trên máy ảnh?
Hỗ trợ DMF, Eye-AF, Flexible spot, Zone? Không
Hỗ trợ AF quay video Không hỗ trợ AF-C khi quay phim
Nâng cấp firmware Có hỗ trợ qua Bluetooth.

CÁCH SỬ DỤNG NGÀM TECHART PRO

1. Lắp ống kính qua ngàm Techart Pro vào máy ảnh ngàm E : nếu bạn có 1 trong 4 máy ảnh kể trên (A7ii, A7Rii, A6300, A6500) và ống kính ngàm Leica M (hay thường gọi là ngàm M) thì bạn chỉ cần TechartPro là đủ, còn nếu không thì bạn cần ít nhất 1 ngàm chuyển trung gian để chuyển ống kính của bạn sang ngàm M. Ví dụ như bạn có ống kính 50mm f/1.4 AiS của Nikon thì bạn cần ngàm chuyển Nikon F - Leica M để có ngàm M trên ống kính của bạn trước, sau đó mới gắn lên Techart Pro. Có một vài vấn đề về sử dụng ống kính không phải ngàm M mình sẽ trình bày ở dưới. Ngoài ra, mặc dù hãng có lưu ý ngàm hỗ trợ các ống kính nặng từ 700 gram trở xuống nhưng điều này không hoàn toàn đúng, mình sẽ trình bày chi tiết ở bài kinh nghiệm sử dụng.

Ngàm M (ống kính Voigtlander Heliar 15mm f/4.5

2. Xoay vòng lấy nét của ống kính về vô cực

:

nếu bạn đã từng dùng ống nối dài để chụp macro bạn sẽ biết là khi tăng khoảng cách của ống kính tới bề mặt cảm biến thì ống sẽ lấy nét gần hơn. Đây cũng là nguyên tắc hoạt động chính của TechartPro. Khi ngàm ở trạng thái nguyên bản, nó giống như ngàm MF bình thường, nhưng khi có chức năng AF, ngàm sẽ đẩy toàn bộ ống kính lên phía trước để đạt tới các điểm lấy nét gần hơn. Thế nên, nếu ống kính đang lấy nét ở vô cực thì ngàm có thể AF từ vô cực tới điểm bạn mong muốn, tùy thuộc vào mức độ giới hạn của từng tiêu cự ống kính. Lưu ý là khu vực AF hoạt động chỉ nằm trong giới hạn các điểm lấy nét theo pha của máy (PDAF mode), nó sẽ chỉ là một khoảng nhỏ ở giữa máy ảnh trong trường hợp của A7ii hoặc trải một vùng rộng gần hết cảm biến nếu dùng A7Rii và rộng nhất là trên A6300, A6500.

Vị trí vô cực (biểu tượng ∞) được đánh dấu trên ống kính Nikkor

4. Kết hợp cách 2 và 3 để chụp chuyển động xa - gần nhanh : đây là cách hiệu quả nhất để dùng TechartPro và bạn nên dùng chế độ lấy nét AF-C cùng Wide hoặc Face detection thay vì chỉ dùng AF-S. Mình sẽ nói về cách lấy nét này ở phần kinh nghiệm.

5. Lưu ý : khi chụp bạn chỉ cần để ở khẩu lớn nhất (f/2) và đây chỉ là khẩu quy định của ngàm, không phải khẩu thực tế. Khẩu thực tế là con số thể hiện trên ống kính và bạn có thể thay đổi tùy thích. Khi giảm khẩu qua ngàm Techart Pro, màn hình sẽ bị tối đi nhưng thực tế không ảnh hưởng tới khẩu của ống kính. Khẩu độ chỉnh qua ngàm được dùng làm lệnh chỉ thị cho ngàm ghi thông số EXIF về tiêu cự và khẩu độ của ống kính.

Để cho dễ hình dung, các bạn có thể xem hoạt động của ngàm này trên máy A7ii với ống kính Minolta M-Rokkor-QF 40mm f/2.

CÁCH THAY ĐỔI GIÁ TRỊ TIÊU CỰ TRONG EXIF

Khi dùng ống kính với ngàm Techart Pro, không có cách nào ngàm hay máy có thể nhận ra tiêu cự bạn dùng là gì nên nhóm phát triển Techart Pro đã có giải pháp giúp các bạn ghi nhớ tiêu cự của ống kính mình dùng trong EXIF của file ảnh bằng hệ thống điều chỉnh giá trị khẩu. Như đã nói ở trên, giá trị khẩu bạn có thể chỉnh được không phải là khẩu thực tế của ống kính mà chỉ có giá trị với chức năng ghi EXIF, nó cũng không ảnh hưởng gì tới khả năng chống rung của máy. Mỗi giá trị khẩu bạn chỉnh được sẽ tương ứng với 1 giá trị tiêu cự và hiện nay Techart Pro có thể lưu 10 giá trị tiêu cự với giá trị khẩu tương ứng như sau:

  • F11: 15mm
  • F13: 18mm
  • F14: 21mm
  • F16: 24mm
  • F18: 25mm
  • F20: 28mm
  • F22: 35mm
  • F25: 50mm
  • F29: 90mm
  • F32: 135mm (máy sẽ chuyển sang chế độ MF)

Cách thay đổi giá trị tiêu cự:

1. Kiểm tra xem máy có đang để ở chế độ bù sáng 0.3EV không (vào MENU mục 1-4 (Camera settings): Exposure step), nếu đang là 0.5EV thì giảm về 0.3EV.
2. Đổi khẩu độ tới giá trị tương ứng ở danh sách trên rồi bấm nút chụp hình. Hiện nay giá trị F32 tương ứng với lệnh chuyển máy sang chế độ MF only, nghĩa là không AF được nên coi như giá trị này không có tác dụng.
3. Chuyển giá trị khẩu về f/2, lúc này EXIF sẽ lưu giá trị tiêu cự như bạn mong muốn và giá trị khẩu là f/2. Nếu muốn chỉnh giá trị tiêu cự không có trong bảng này thì các bạn có thể đọc phần tiếp theo.

CÁCH THAY ĐỔI GIÁ TRỊ TIÊU CỰ MẶC ĐỊNH VÀ CHỈNH KHẨU ĐỘ CHÍNH XÁC

Để chuyển các giá trị tiêu cự mặc định của Techart Pro, các bạn cần download app để sửa mặc định do chính Techart Pro cung cấp. Các bước làm như sau:

1. Đảm bảo máy ảnh và điện thoại đã sạc đầy.
2. Download file LM-EA7-Config.apk từ trang web của Techart Pro. Ấn vào ĐÂY để download về máy (các bạn nhớ thay đổi tùy chỉnh của điện thoại cho phép cài chương trình ngoài market).
3. Cài LM-EA7-Config vào điện thoại.
4. Chỉnh khẩu về F90 rồi chụp 1 tấm sau đó tắt máy.
5. Trên điện thoại, vào phần Settings chỉnh Display sao cho máy chuyển sang Sleep mode sau 10 hoặc 30 phút (để máy không tắt màn hình trong khi cài).
6. Trong Settings, mở phần Bluetooth và tìm LM-EA7 trong danh sách thiết bị Bluetooth (máy ảnh để gần điện thoại).
7. Mở app LM-EA7-Config. Trong app có một danh sách các tiêu cự để bạn có thể chọn theo ý thích. Sau khi chỉnh như ý xong bạn nhấn CONFIG để thiết lập lại.
8. Bật máy ảnh, thay đổi EXIF giống như hướng dẫn ở trên sau đó chụp thử và kiểm tra xem EXIF đã thay đổi như ý muốn chưa.

Chỉ còn một vấn đề nữa là khi bạn chỉnh giá trị khẩu lớn hơn 2 thì máy sẽ không đo sáng chuẩn nếu bạn đang ở chế độ ưu tiên khẩu A. Trong khi giá trị khẩu bạn chỉnh trên máy sẽ ghi lại trên EXIF thì máy sẽ bị đo thừa sáng nếu bạn thay đổi giá trị khẩu. Ví dụ như ống kính của bạn là f/2, bạn muốn chụp tại f/4 mà muốn ghi EXIF là f/4 thì bạn phải chỉnh máy về f/4, nhưng ở chế độ A thì máy sẽ chụp ra ảnh sáng lóa tương đương tăng 2 stop do màn hình bị tối đi 2 stop. Cách khắc phục là bạn dùng vòng bù sáng để bù lại, ví dụ như từ f/2 xuống f/4 bạn phải bù sáng -2EV thì ảnh sẽ không bị thừa sáng mà EXIF vẫn chuẩn.

Cách tính bù sáng như sau (nếu ống kính của bạn là f/2): f/2 = 0EV, f/2.8 = -1EV, f/4 = -2EV, f/5.6 = -3E/V, f/8 = -4EV. Riêng với -4EV bạn phải vào Menu, mục 1-4: Exposure Comp.

CÁCH NÂNG CẤP FIRMWARE CHO NGÀM TECHART PRO

Một điểm mạnh của ngàm Techart Pro là khả năng nâng cấp firmware qua Bluetooth, giúp hãng có thể liên tục sửa các lỗi phần mềm và tăng tốc độ, độ chính xác của lấy nét thông qua sửa firmware thay vì cho ra đời các thế hệ ngàm khiến người dùng phải mua ngàm mới.

1. Để nâng cấp firmware cho ngàm Techart Pro, đầu tiên bạn phải cài chương trình Techart Update trên Android market hoặc iOS app store và kích hoạt chế độ Bluetooth trên điện thoại. Chương trình Techart Update bao gồm các loại firmware updates cho tất cả ngàm của hãng nhưng chúng ta chỉ cần quan tâm tới firmware tên là LM-EA7 (phiên bản mới nhất là ver4.0.0, phát hành 5/9/2016).

2. Cắm ngàm Techart Pro vào máy ảnh, chuyển khẩu về f/90, ấn nút chụp 1 lần rồi tắt máy đi. Cần đảm bảo là chế độ Auto-lock đã tắt và pin còn nhiều hơn 50%.

3. Để máy có cắm ngàm Techart Pro ở gần điện thoại. Chạy chương trình Techart Update, chọn firmware LM-EA7 rồi ấn Update. Nếu chương trình nhận ra ngàm ở gần thì sẽ báo 1 adapter found sau đó tự động tiến hành các bước cài đặt. Nếu không, chương trình sẽ báo là không tìm thấy ngàm và bạn phải thử update lại trong khi đặt máy ảnh ở vị trí khác gần điện thoại hơn.

4. Chờ khoảng 10 phút cho tới khi màn hình báo Update Complete thì chờ khoảng 1 phút rồi khởi động lại máy.

ĐÁNH GIÁ VỀ CHẤT LƯỢNG NGÀM TECHART PRO

Nếu so sánh với tốc độ AF bằng 0 của ống kính MF thì khả năng lấy nét tự động bằng ngàm Techart Pro rất tuyệt vời, không những thế trong nhiều trường hợp tốc độ lấy nét còn nhanh và chính xác nên ngàm này rất đáng đồng tiền bát gạo với người sở hữu nhiều ống MF. Nếu bạn chỉ có vài ống MF chất lượng trung bình thì có thể ngàm này không hấp dẫn cho lắm do giá khá cao, nhưng chỉ cần bạn có 1, 2 ống kính Leica, Carl Zeiss đắt tiền hay có nhiều ống MF chất lượng cao thì đầu tư cho ngàm này lại rất hấp dẫn. Đây là những đánh giá của mình từ kinh nghiệm sử dụng của bản thân và đúc rút từ các nhiếp ảnh gia khác trên thế giới:

1. Điểm mạnh:

Tốc độ AF nhanh và chính xác : Tốc độ lấy nét ở trung tâm ảnh khi dùng với ống kính khẩu lớn như từ f/2.8 trở lên có thể so sánh với tốc độ lấy nét của ống kính ngàm E. Khi điều kiện ánh sáng đầy đủ, ngàm có thể AF rất nhanh, thua kém gần như không đáng kể so với các ống như FE 55mm f/1.8. Nhất là khi bạn đã nâng cấp lên firmware 4.0.0. Tốc độ AF đủ nhanh để có thể dùng AF-C để chụp chuyển động, tất nhiên bạn sẽ cần phải luyện tập một chút để được hiệu quả cao hơn. Hình dưới là kết quả mình chụp lấy nét chuyển động nhanh ở một cuộc thi chó ở Hàn Quốc. Tấm ảnh được chụp ở chế độ AF-C, wide, f/2.8 và mình canh vị trí này chụp khoảng 5 tấm thì được 1 tấm đúng nét như thế này. Cần lưu ý là ngay ở khẩu lớn nhất và điều kiện ánh sáng đầy đủ, khu vực lấy nét gần trung tâm ảnh vẫn có tốc độ lấy nét cao nhất, hiện tượng ống kính thò thụt không lấy nét được vẫn có thể thi thoảng xảy ra khi dùng các điểm nét ở gần vùng biên của khu vực PDAF.

Gần như có thể AF tất cả các loại ống kính : với điều kiệu ống kính đó có thể dùng được trên máy dùng ngàm Leica M. Mặc dù hãng ghi chú giới hạn khối lượng ống kính Techart Pro có thể kiểm soát được là 700 gram trở xuống, các ống kính lớn hơn vẫn có thể sử dụng tốt, miễn sao bạn có giá đỡ cho ống kính như monopod, tripod, vì trong trường hợp này thân máy sẽ di chuyển thay vì ống kính. Như minh họa ở trên, mình đã dùng thành công ngàm này để AF ống FD 300mm f/2.8 L nặng tầm 3kg. Thậm chí, có người còn dùng cho ống kính Nikon RF 2000mm f/11 nặng 17.5 kg (Dpreview).

Giảm khoảng cách lấy nét tối thiểu: ở khoảng cách lấy nét tối thiểu của ống kính, sử dụng ngàm Techart Pro tương đương với việc bạn có thể cắm ống kính lên một ống kéo dài 4.5mm nên MFD có thể đạt thấp hơn nữa. Với ống kính ngàm M có tiêu cự từ 50mm trở xuống, phần lớn bạn có thể giảm MFD xuống chỉ còn một nửa. Các ống kính lấy nét trong (internal focus hay IF) hay macro thì MFD chỉ giảm được vài cm do thiết kế quang học của ống kính. Dưới đây là khoảng có thể lấy nét được với từng tiêu cự ống kính do hãng cung cấp (lưu ý là MFD của các ống ngàm M thường lớn hơn nhiều các ống hiện đại các bạn đang dùng):

Tiêu cự Khoảng lấy nét
15mm 6.5cm - vô cực
21mm 12cm - vô cực
24mm 15cm - vô cực
28mm 20cm - vô cực
35mm 31cm - vô cực
50mm 60cm - vô cực
90mm 1.8m - vô cực
135mm 4.2m - vô cực

Thêm chống rung cho ống kính MF : điều này trước đây là không thể nhưng nay hoàn toàn có thể với Techart Pro. Thậm chí bạn có thể dùng các ống kính AF hiện đại với ngàm này và thêm chức năng chống rung 5 trục từ thân máy (5 axis IBIS trên A7ii, A7Rii, A6500) cho ống kính. Lưu ý là khi dùng IBIS, bạn nên dùng 1 nút tùy biến trên thân máy để chọn tiêu cự ống kính vì máy sẽ không biết được tiêu cự bạn dùng là gì để thay đổi thuật toán cho phù hợp. Mặc dù bạn có thể thay đổi thông số EXIF ngay trên máy qua TechartPro, thông số đó không được dùng để ra lệnh cho hệ thống IBIS nên bạn phải hoàn toàn làm bằng tay.

Có thể tự chụp, chụp selfie hay nhờ người khác chụp hộ khi dùng ống kính MF : từ nay bạn có thể an tâm khi mang theo ống kính MF đi chơi và muốn người khác chụp hộ cho mình mà không phải hướng dẫn hay sợ họ không dùng được máy, cũng như tự chụp bản thân, điều mà lúc trước chỉ có thể làm bằng Remote app và tự di chuyển trước ống kính. Ngoài ra bạn có thể chụp các góc sáng tạo như trên cao hoặc dưới thấp mà không cần phải đụng vào máy nếu kết hợp Remote app với Techart Pro.

2. Điểm hạn chế:

Tốc độ và độ chính xác của AF giảm ở điều kiện thiếu sáng hoặc khẩu độ nhỏ : do bản chất Techart Pro sử dụng tín hiệu PDAF từ máy ảnh, tốc độ và độ chính xác của AF cũng phụ thuộc vào lượng ánh sáng và chi tiết cảm biến có thể nhận được từ ống kính. Khi ánh sáng yếu, tốc độ AF giảm đáng kể và mình chỉ thấy ở điểm trung tâm tốc độ chấp nhận được, còn lấy nét ra ngoài thì ống kính dễ bị thò thụt và lấy nét chậm hoặc thậm chí không lấy nét được. Với ống kính khẩu độ nhỏ như f/3.5, f/4 hoặc khi bạn phải hạ khẩu ống kính xuống thì hiệu quả lấy nét cũng giảm do DOF dày hơn, ánh sáng yếu hơn nên khả năng phân biệt chi tiết ngay trên cảm biến bị giới hạn. Khi hạ khẩu xuống tầm f/5.6 thì bạn nên chụp dưới ánh sáng mạnh.

Không phù hợp với ống kính sử dụng thiết kế floating element (thấu kính dùng để chỉnh lỗi ống kính di chuyển biệt lập bên trong ống kính) có kính sau cố định như FD 50mm f/1.2 L hay FD 85mm f/1.2 L. Đây là những ống kính cần đạt vị trí xác định của thấu kính sau cùng tới mặt phẳng cảm biến để chữa các lỗi như nét mờ hay tăng quang sai màu khi chụp ở khoảng cách gần. Chính vì thế việc di chuyển cả cụm thấu kính về phía trước làm thay đổi khoảng cách này và giảm chất lượng ảnh. Nếu bạn dùng những ống kính thế này, cách tốt nhất là dùng ở chế độ MF hoặc khi chuyển sang AF phải lấy nét gần vị trí mình cần trước, sau đó ấn nút chụp để đạt độ chính xác cao. Hình dưới là hình minh họa mình chụp với ống FD 50mm f/1.2 L, so sánh nét trung tâm trong 3 trường hợp: 1. lấy nét gần điểm mong muốn, sau đó mới AF bằng Techart Pro (pre-coarse adjust), 2: chỉ vặn ống kính về vô cực rồi chụp AF bằng Techart Pro (No pre-coarse adjust), 3: hoàn toàn lấy nét bằng tay. Kết quả cho thấy chất lượng ảnh trường hợp 2 tệ nhất do ống kính phải di chuyển xa cảm biến.

Không phù hợp với ống kính internal focus (lấy nét trong, hay gọi là ống IF) như các ống kính của Samyang. Ống kính IF cũng có thấu kính sau cố định nên việc di chuyển thấu kính này cũng sẽ làm giảm chất lượng ảnh. Tuy nhiên, trong trường hợp của Samyang, do chất lượng quang học cao nên giảm sút này là không đáng kể và vẫn chấp nhận được.

Không có weather seal và thi thoảng không ổn định: do cấu tạo hở nên tốt nhất bạn không nên dùng Techart Pro trong các điều kiện khắc nghiệt như độ ẩm cao, gió bụi mạnh để tránh làm chập bộ adapter. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng mình nhận thấy ngàm đôi lúc không ổn định, khởi động rất chậm và lấy nét rất chậm nếu một thời gian không sử dụng hoặc chụp quá nhiều, thậm chí máy bị đơ không hiện lên gì cả. Lỗi này thường chỉ xảy ra nhanh, nếu bạn tắt bật máy vài lần thì có thể hết, còn nếu AF không còn hoạt động thì bạn có thể thử cài lại firmware mới nhất (dù đã cài rồi) và ngàm lại hoạt động như bình thường.

Thiết kế bên ngoài giới hạn sự tương thích của một số loại ngàm chuyển : do đặc điểm phía trước ngàm có phần hộp đen nhô lên nên nếu bạn sử dụng ống kính ngàm khác không phải M và dùng adapter thứ hai để chuyển về ngàm M trước khi gắn lên Techart Pro, nó có thể không vừa Techart Pro. Để cho chắc chắn, bạn có thể mua thẳng ngàm chuyển, ví dụ như Canon EOS - Leica M từ hãng hoặc của Leicaist thì này sẽ vừa Techart Pro, tuy nhiên giá cả khá đắt so với ngàm thường. Cho đến này, có một số loại ngàm thường chắc chắn sẽ không vừa Techart Pro: ngàm Canon FD sang L/M, ngàm Canon EOS sang L/M, một số ngàm Nikon F sang L/M.

Thiết kế giới hạn việc sử dụng báng đỡ L plate : hiện nay chỉ L plate do Techart Pro cung cấp có thể vừa máy khi dùng ngàm.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên bất kỳ website khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: