Blog Post

"Nhiếp ảnh đường phố" đang thoái trào...?

Jul 10, 2017

Liệu chủ đề phổ biến và mang tính "bình đẳng" nhất trong nhiếp ảnh, "nhiếp ảnh đường phố" , đang dần thoái trào do chính sự phổ biến của nó? Điều này có thực sự đang xảy ra? Đây là một câu hỏi và một quan điểm rất đáng lưu tâm của Nhiếp ảnh gia Thomas Stanworth, người sáng lập của trang web The Photo Fundamentalist về nhiếp ảnh đường phố. Vsion xin lược dịch một số quan điểm của anh để những người quan tâm có thể đọc, tham khảo và tự suy ngẫm về nhiếp ảnh đường phố, một chủ đề quá phổ biến, kể cả với cộng đồng nhiếp ảnh tại Việt Nam hiện nay. Có lẽ bất cứ ai trong cuộc đời cầm máy cũng đều trải qua một giai đoạn, hoặc ít nhất chụp những bức ảnh liên quan đến chủ đề này.

Bình đẳng là Tốt?

Câu hỏi này đánh ngay vào cốt lõi của nhiếp ảnh, cụ thể hơn, là nhiếp ảnh số. Nếu có điều gì dễ dàng, sẽ có nhiều người có thể làm được. Và càng nhiều người thực hiện, sẽ ngày càng có "nhiều tài năng được nảy sinh" (rõ ràng, điều này là tốt). Tuy nhiên, có một cái giá phải trả: số lượng "sản phẩm thất bại" sẽ rất lớn. Nhiếp ảnh đường phố quá dễ dàng để cho mọi người thực hành. Nếu bạn có một chiếc máy ảnh và bạn có thể đi lại dễ dàng ở những khu vực công cộng, là bạn có thể chụp ảnh đường phố rồi. Nghe thì có vẻ hay, nhưng tôi không thể không cảm thấy có sự "không ổn" ở đây. Máy ảnh giờ đây như những khẩu súng máy, chĩa vào bất cứ ai và bất cứ thứ gì một cách vô tư và không cần suy nghĩ. Vấn đề ở đây, trên quan điểm của tôi, là có vẻ rất nhiều người cầm máy đang đi tìm kiếm một thứ gì đó khác không phải là nhiếp ảnh: họ tìm kiếm sự tô điểm cho cái tôi bản thân, một "cá tính", hay chữ "ngầu", vì đa phần những ai chụp nhiếp ảnh đường phố đều được coi là "có cá tính" trong thời đại ngày nay thì phải. Như vậy, tất cả những bức ảnh chụp được, mục tiêu của đại đa số giờ đây là để phục vụ cho cái tôi bản thân hơn là mục đích phục vụ cho nhiếp ảnh.

Điều này ảnh hưởng như thế nào đối với nhiếp ảnh đường phố?

Không có nhiều điểm tích cực, chắc chắn là vậy. 20 năm trước, để có được một bức ảnh, bạn phải trải qua một quá trình nhiều công đoạn, cầm máy film đi chụp, thay lắp film, tráng film, vật lộn với ánh sáng hay in ấn. Nếu như một người đã sẵn sàng trải qua hết các công đoạn phức tạp và dài lê thê đó, chắc chắn họ là những người nghiêm túc và có đam mê. Còn trong thời đại số ngày nay, bạn có thể dễ dàng nhét tràn ngập vào trong Instagram hay Flickr của mình chỉ trong vài giờ. Bạn sẽ không bao giờ thấy trân trọng giá trị của một bức ảnh được chụp, vì nó quá dễ dàng. Ít nhất, một nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh sẽ phải đối mặt với thời tiết xấu, hay điều kiện môi trường, hay điều kiện ánh sáng không lý tưởng, hoặc là việc sử dụng filter như thế nào cho chuẩn xác. Còn với các tay máy đường phố, nếu trời mưa, anh ta chỉ việc chui vào trong Starbucks và chụp liên tiếp 482 bức ảnh của cốc cafe, những chiếc bàn, những đôi chân, cửa sổ, người đi ngang cửa sổ, người đang buộc giày, vân vân và vân vân... và tất cả đều hết sức nhàm chán. Đáng buồn thay, đây lại là thực trạng của nhiếp ảnh đường phố ngày nay. Nhiều, tràn ngập và nó đang trở thành một đối thủ cạnh tranh với ảnh đồ ăn hay thức uống đầy trên các trang mạng xã hội.

Tại sao nó lại tệ đến thế?

... vì nó làm cho các tác phẩm ảnh đường phố tốt thực sự ít được biết đến. Ngày càng khó để tìm ra những bức ảnh đường phố xuất sắc mà được chụp bởi những cái tên không nổi tiếng. Họ có tồn tại, nhưng để tìm ra những nhân tài ấy giống như đãi cát tìm vàng, thật sự rất mệt mỏi và tốn thời gian. Một vấn đề nữa là cái tôi của người chụp ảnh cũng đang tăng cao. Rất nhiều các tay máy đường phố (trẻ) không có nhu cầu học hỏi. Họ biết là mình "giỏi", và họ liên tục tự tán dương bản thân và tán dương lẫn nhau trên các trang mạng xã hội. Họ thường có "rất nhiều likes", và chỉ thế là đủ. Rất hiếm khi bạn nhìn thấy những bức ảnh thật sự xuất sắc trên Instagram/Facebook mà lại nhận được nhiều sự chú ý. Đơn giản vì không có ai quan tâm. Đó không phải là xu hướng của mạng xã hội ngày nay. Và đáng buồn thay là nhiếp ảnh đường phố lại tuân theo quy chuẩn của mạng xã hội hiện đại: tầm thường, nông cạn và không phản ánh bất kỳ điều gì. Nói dối cái gì nhiều lần thì nó sẽ trở thành sự thật. Cũng theo cách như vậy, những bức ảnh đó đã trở thành chuẩn mực mới cho "ảnh đường phố đẹp" ngày nay.

Các chủ đề nhàm chán được lặp đi lặp lại tưởng chừng như vô tận...

Một chiếc giày trên một poster treo trên tường "vô tình" đặt đúng vào đầu của một người qua đường; hay một người đàn ông đang đứng chờ xe bus "vô tình" trông như đang bị hét vào mặt bởi một người phụ nữ trên tấm billboard đằng sau lưng. Vậy đó, bạn không cần phải nhìn trực tiếp vào một bức ảnh để thấy được những nội dung ở trong đó: đơn giản, nhàm chán và lặp đi lặp lại. Nếu muốn đặt tựa đề hay mô tả những bức ảnh như thế này, liệu bạn có viết được dài hơn một dòng hay không, vì thực sự nó không mang bất kỳ một ý nghĩa gì ngoài sự hời hợt. Bạn có thể thấy nhiều nhiếp ảnh gia có nguyên cả một series (hay đôi khi là cả trang web) với đầy những bức ảnh như vậy. Dưới đây là một số ví dụ điển hình tôi có thể đưa ra:

Một loạt những bức ảnh ngẫu nhiên không về một cái gì, không lý do, không nội dung, không suy nghĩ, không một quan điểm sâu sắc về bất kỳ điều gì. Không "ngầu" , cũng chẳng "cá tính" , chỉ đơn giản là nhàm chán.

Sự cáu kỉnh giả tạo. Nhiều người được chụp trông như họ đang khó chịu, nhưng thực tế là không phải như vậy. Bạn chụp thẳng mặt người đi đường một cách bất ngờ, liệu có mấy người là không khó chịu. Hay bạn thêm vào sự kịch tính thông qua photoshop, hay tăng thêm Clarity để cho khuôn mặt trông khắc khổ hơn. Đó là sự lặp đi lặp lại một cách giả tạo.

Mũi tên và biển báo trên phố. Giống như bức ảnh dưới đây, tôi ước gì tôi ít phải nhìn thấy những bức ảnh như thế này.

Vậy bạn nghĩ sao về những tấm hình này?

Những tác phẩm tạo cảm hứng không bao giờ là sản phẩm từ sự lười biếng, hay sự lặp đi lặp lại của công thức, nhưng cũng không có nghĩa nó phải là sản phẩm từ sự "chăm chỉ". ‘Nỗ lực’ có lẽ là cụm từ chính xác nhất. Nếu bạn thực sự nỗ lực (và cả suy nghĩ), chắc chắn bạn có thể mang lại những bức ảnh tuyệt vời có giá trị hơn nhiều so với những khoảnh khắc chỉ là cái nhìn thoáng qua. Không có nghĩa là bạn phải đứng cả 2' đồng hồ để chờ một người đàn ông có một chiều qua "phù hợp" bước ngang qua một tấm poster với nội dung "tương đồng". Những bức ảnh như vậy quá dễ dàng, không cần nỗ lực, không cần suy nghĩ hay sự đầu tư cá nhân nào cả. Cố gắng chú tâm vào chủ thể, tìm hiểu về môi trường, về con người xung quanh bạn, tìm hiểu về chính bản thân và những suy nghĩ của chính bạn. Tất cả sẽ đều có ích. Điều đáng buồn là kể cả khi bạn đã thực sự nỗ lực nhưng kết quả nhiều khi mang lại chỉ là những bức ảnh vô vị và thất vọng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn sẽ phải ngừng cố gắng.

Nhiếp ảnh đường phố rất tuyệt vời và thú vị, nhưng cũng rất khó để thực sự đạt được kết quả như ý. Nó khó, có lẽ một phần vì chúng ta đã nhìn thấy quá nhiều những tác phẩm tuyệt vời từ những con người đi trước. Đã có quá nhiều những nghệ sỹ thực thụ, cho ra đời những bức ảnh bất hủ trong hơn 70 năm qua. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, họ không phải là bạn, họ không sống trong thời đại của chúng ta, họ không nhìn cuộc đời bằng đôi mắt của bạn và bạn có một quan điểm riêng. Mỗi người cầm máy đều có tiềm năng để cho ra đời những tác phẩm truyền cảm hứng, những tác phẩm thực sự thú vị và có ý nghĩa với người xem. Trên tất cả, nó phụ thuộc vào mối quan hệ và suy nghĩ của người chụp, với những gì đang ở phía trước ống kính mà thôi. Đó là những con phố, hay những con người, sự vật, sự việc...

Khi một nhiếp ảnh gia học được "mánh" nào đó, họ có 2 lựa chọn: một là tiếp tục áp dụng "mánh" đó để cho ra mắt thêm những sản phẩm tương tự, và 2 là nghiên cứu kỹ hơn và tìm thêm những phương thức khác. Lạc lối cũng không sao, không biết bạn đang chụp cái gì cũng không sao, không thấy ổn về các kết quả của mình cũng không sao hết... Tất cả những điều đó sẽ nói lên rằng bạn đang thực sự cố gắng, khám phá, tìm hiểu và đi tìm "chất cá tính" cho riêng mình. Chính bản sắc cá nhân đó mới làm cho nhiếp ảnh thực sự thú vị, đặc biệt với những người chụp ảnh phố, phải không nào?

Lưu ý của tác giả: ***nếu như bạn cảm thấy khó chịu vì bài viết này, xin đừng. Tôi biết có lẽ nó hơi cay nghiệt, nhưng tôi không hề có ý xúc phạm bất kỳ ai, hay xúc phạm tình yêu của mọi người dành cho nhiếp ảnh đường phố . Nếu bạn có ý kiến gì xin hãy chia sẽ, có thể nó sẽ mở mang tư tưởng cho những người đọc và cho cả chính tôi nữa. Tôi thường bắt đầu viết mà không nghĩ rằng bài viết hay ý tưởng nó sẽ dẫn đến đâu. Tôi yêu thích những sự ngạc nhiên ***

Về tác giả:

Thomas Stanworth là một nhiếp ảnh gia đã đạt được nhiều giải thưởng, người sáng lập trang web The Photo Fundamentalist , cựu chiến binh và là người cha của 2 đứa con. Anh đã dành hơn một thập kỷ làm việc và tác nghiệp ở những điểm nóng nhất từ Sierra Leone cho đến Afghanistan. Các tác phẩm của anh đã được trưng bày tại US, UK, Châu Âu và Châu Á.

Để biết thêm về công việc của anh, bạn có thể tham khảo qua website , Facebook , Twitter , và Instagram.

N.Đ.Phan (P.N)
Bài viết được biên dịch bởi P.N
Các bạn có thể liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: