Blog Post

Vsion Quick Review - Sony và Contax G, sự trải nghiệm tuyệt vời

Dec 11, 2017

Trải nghiệm với lens Contax G trên hệ máy Sony mirrorless tốt hay không? Chất lượng của lens Contax G như thế nào? Có xứng đáng để sử dụng và đầu tư các loại ngàm chuyển đắt tiền hay không? Câu hỏi đã được đặt ra khá nhiều trên các group ảnh và Vsion xin đưa ra một câu trả lời ngắn gọn sau trước khi đi vào bài viết - KHÓ CÓ ỐNG KÍNH MF CỔ NÀO CÓ THỂ VƯỢT QUA CHẤT LƯỢNG CỦA CONTAX G TRONG CÙNG TẦM GIÁ.

Tại sao lại là Sony?
Contax G chỉ có thể chơi trên máy số thông qua những chiếc máy mirrorless, và Sony là hệ thống duy nhất có Fullframe mirrorless để mang lại trải nghiệm chính xác và tuyệt vời nhất dành cho Contax G.

Vậy tại sao lại cần trải nghiệm Contax G? Contax G vẫn là lựa chọn hàng đầu của người viết cho một hệ ống kính với chất lượng quang học tuyệt vời, giá thành hợp lý, có khả năng AF với Sony A7 series, cực kỳ nhỏ gọn và một lý do rất quan trọng khác... hệ máy và ống kính Contax G rất đẹp và sang trọng.


Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Có lẽ sẽ cần giới thiệu một chút về hệ máy Contax G trước khi người viết giới thiệu về các ống kính phổ biến nhất của nó.

Contax G là chiếc máy film rangefinder 35mm hiện đại nhất trên thế giới, kể cả cho đến thời điểm hiện nay!

Lần đầu được giới thiệu vào năm 1994 với chiếc Contax G1 , chiếc Contax G2 được giới thiệu sau đó 2 năm vào năm 1996, và vòng đời ngắn ngủi của Contax G kết thúc vào năm 2005 khi Kyocera tuyên bố chấm hết mọi hoạt động sản xuất liên quan đến hệ máy và ống kính tuyệt vời này .

Hệ Contax G có 7 ống kính , có hệ thống AF phải nói là cực nhanh hệt như máy số trên thân máy Contax G2 (chiếc G1, theo chiều ngược lại, rất chậm, nhưng vẫn đủ dùng), có hệ thống đo sáng tự động, đo sáng TTL và Flash, tự động lên film và tua film, có hệ thống khoá sáng, lấy nét đơn AFS và lấy nét liên tục (AFC) với Contax G2. Chiếc Contax G2 còn cho tốc độ màn trập tối đa là 1/6000 ở chế độ đo sáng tự động, và 1/4000 ở chế độ Manual. Contax G thực sự là một siêu phẩm tại thời điểm nó được ra mắt, và kể cả cho đến ngày hôm nay, chưa có chiếc máy film nào vượt qua được những chức năng của nó.

Tuy nhiên, một hệ thống máy ngon mà không có ống kính xịn thì không thể hấp dẫn, và điều làm cho Contax G trở nên nổi tiếng và được săn đón chính là những ống kính đi kèm nó. 7 ống kính và đa phần đều đem lại chất lượng cực cao, mà nhiều nhiếp ảnh gia còn đánh giá chất lượng không kém Leica, chỉ thua mỗi cái tên thôi. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu về 4 ống kính phổ biến nhất của hệ Contax G, và cũng là 4 tiêu cự cơ bản trong nhiếp ảnh film 35mm. Ống kính Biogon 28mm f/2.8 , ống kính Planar 35mm f/2 , ống kính Planar 45mm f/2 và ống kính Sonnar 90mm f/2.8 . Dưới đây là bảng tóm tắt các thông số cơ bản của hệ ống kính Contax G.

Sử dụng
trên máy
Khoảng cách
lấy nét gần
Cấu tạo
thấu kính
Khẩu độ
nhỏ nhất
Số lá khẩu Hood Filter Độ dài Trọng lượng
16mm f/8 G1, G2 0,3m 5/3 f/8 0 0 0 11mm 125g
21mm f/2.8 G2
G1 tem xanh
0,5m 9/7 f/22 7 0 55mm 35.5mm 180g
28mm f/2.8 G1, G2 0,5m 7/5 f/16 6 GG1 46mm 30.5mm 150g
35mm f/2 G2
G1 tem xanh
0,5m 7/5 f/16 7 GG1 46mm 31.5mm 150g
35-70mm f/3.5-5.6 G2 1m 13/8 f/22-36 7 GG1 46mm 71.9-91.9mm 290g
45mm f/2 G1, G2 0,5 6/4 f/16 6 GG2 46mm 38.5mm 190g
90mm f//2.8 G1, G2 1m 5/4 f/22 8 GG3 46mm 63mm 190g

Nhìn vào bảng thông số ở trên, có thể thấy các ống kính Contax G đều rất nhẹ, và gọn đến không ngờ. Đây là đặc trưng của các ống kính rangefinder, với thiết kế không cần phải tương thích với hệ thống gương lật của SLR nên số lượng thấu kính trong các ống kính rangefinder ít hơn, tạo ra sự phản xạ ít hơn do đó độ tương phản và micro contrast luôn vượt trội so với ống kính SLR. Nhờ vào sự nhỏ gọn, các ống kính Contax G lắp lên Sony A7 series rất đẹp, đem lại sự sang trọng và một chút ít chất Vintage cho những chiếc máy Sony trông có vẻ hầm hố.

Thân ống kính Contax G được làm 90% bằng hợp kim có màu Champagne màu vàng, còn các ống kính gắn mác Limited của Contax G thì lại làm bằng kim loại đen bóng hoàn toàn. Mặc dù được gọi là hàng Limited, tuy nhiên màu đen bóng này cho cảm giác dễ xước sơn và dễ bám mồ hôi tay hơn, giống như iPhone 7 bản Jet Black hay iPhone 3G/3GS cũ. Đa phần người dùng vẫn chuộng màu vàng Champagne sang trọng hơn khiến cho hàng Limited đã đắt lại càng khó bán.

Một điểm đặc biệt của ống kính Contax G khiến cho nó ít được người dùng máy số ưa chuộng và e ngại, đó là trên ống kính không có vòng lấy nét. Hệ thống Contax G sử dụng motor lấy nét trên thân máy G1, G2. Ống kính được lấy nét thông qua một con ốc nằm ngang ở dưới đáy ống kính, thân máy sẽ sử dụng một đầu motor để xoay con ốc này, đẩy thân ống kính lên xuống nhằm xác định khoảng cách lấy nét cho phù hợp.

Do không có vòng lấy nét trên thân, các ngàm chuyển để sử dụng ống kính Contax G cho máy mirrorless phải thiết kế vòng lấy nét trên ngàm. Giá trên thị trường của các ngàm chuyển này khá đắt so với các ngàm chuyển thông thường, từ 600 nghìn đồng trở lên. Đối với các ngàm chất lượng tốt, được thiết kế với vòng lấy nét to như Metabones , Fotodiox hay Shogun thì giá còn cao hơn nữa, khoảng 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên đối với người đam mê Contax G thì bỏ ra các con số này không đáng là bao, và ngàm Shogun thì được ưa chuộng nhất do có màu vàng gần như đồng màu với ống kính Contax G. Các ngàm chuyển này có vòng lấy nét khá mượt mà, cầm xoay vòng nét rất đầm tay, có độ bám, thuận tiện cho việc lấy nét chính xác.

Còn nếu như muốn trải nghiệm ống kính Contax G với chức năng AF như trên máy G1, G2 film, người chơi sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn cho ngàm Techart TA-GA3 để có được khả năng lấy nét tốt trên các máy Sony Mirrorless hỗ trợ Phase AF. Ngàm này trên thị trường giá New là khoảng 6 triệu đồng, giá hàng 2nd hand vào khoảng 4 triệu đồng. Tuy nhiên nó cũng chỉ hỗ trợ tốt cho các đời máy từ Sony A7 Mark II trở lên (Sony A7R mark II, III, Sony A6300, A6500 hay A9).

Về khả năng lấy nét với Techart TA-GA3, khá tương đồng với đa phần các ngàm chuyển AF khác trên thị trường dành cho Sony, ngàm hoạt động tốt vào ban ngày, lấy nét tương đối chính xác và nhanh. Chức năng AF-S và chức năng AF-C đều hoạt động tốt. Tuy nhiên, khi chụp cảnh và lấy nét ở các điểm xa hay vô cực, tỷ lệ chính xác của ngàm giảm đi. Và để cẩn trọng hơn thì người dùng nên xem lại kết quả sau khi chụp, khá bất tiện. Người viết đã trải nghiệm ngàm Techart TA-GA3 với 4 ống kính, thì ống 45mm cho độ chính xác và thuận tiện cao nhất, sau đó là 35mm rồi đến 28mm. Ống kính 90mm cho trải nghiệm kém nhất, Techart TA-GA3 rất dễ bị khựng lại và gặp khó khăn cho việc lấy nét trên ống 90mm, nhất là khi chụp chủ thể ở gần rồi đột ngột chuyển ra chủ thể ở xa/vô cực. Khi gặp những tình huống như vậy, cần phải hỗ trợ ngàm bằng cách vê tay để đạt đến điểm gần nét, sau đó ngàm sẽ hoạt động tốt trở lại.

Ống kính đầu tiên người viết muốn nhắc đến, là ống kính được mệnh danh là " Best Standard Lens Ever Made for 35mm Film ", là ống kính góc phổ thông xuất sắc nhất trong hệ film Fullframe 35mm. Góc nhìn 50mm vẫn được coi là góc tiêu chuẩn, phổ thông do nó là góc nhìn thuận với mắt người nhất, và cũng là tiêu cự dễ chế tạo nhất trong tất cả các tiêu cự. Mặc dù vậy, theo rất nhiều tài liệu, góc 43mm mới là góc tiêu chuẩn với mắt của con người, do đó với góc 45mm, Contax G đã có một sự lựa chọn không thể phù hợp hơn với những người quen với tiêu cự phổ thông.

Độ nét của Planar 45mm là cực kỳ tuyệt vời, sắc nét và tương phản cao ngay tại f/2. Màu sắc thì rất tươi tắn, rực rỡ. Đây là đặc điểm chung của tất cả ống kính Contax G. Với những ai chụp lần đầu ống kính Contax G, chắc chắn sẽ bị thu hút bởi màu sắc cực kỳ bắt mắt của nó.

Khi khép lại 1-2 stop thì 45mm đạt độ nét tối ưu nhất, nhưng ngay tại f/2 thì ống kính cũng đã cho ra kết quả quá tuyệt vời và dư thừa để sử dụng. Tuy nhiên bokeh của Planar 45mm theo quan điểm người viết chỉ đạt mức trung bình, chưa thật sự mượt mà và xuất sắc.

Khi chụp landscape, khép vào f/8, độ nét của 45mm thực sự hoàn hảo khi nét từ tâm tới rìa ảnh.

Khả năng chụp ngược nắng và chống loá (flare) của Contax G 45mm cũng khá tốt, mặc dù chi tiết có bị mất đi nhưng vẫn giữ được độ tương phản khá ổn. Đặc biệt tình trạng sắc sai (CA) hay viền tím là khá ít xảy ra, so những những dòng Contax khác như Contax CY. Với những ai quen chụp RAW, chắc chắn các ống kính Contax G sẽ cho bọn trải nghiêm dải màu đẹp và rộng khi thao tác, và cực kỳ dễ xử lý các vấn đề liên quan đến ngược sáng hay flare, viền tím.

Planar 45mm có thể nói là 1 ống kính "buộc phải có" (must-have) với những ai đam mê Contax G và chơi cả máy film Contax G1-G2. Độ sắc nét, tương phản cao, tính cơ động, màu sắc đẹp và quang sai thấp. Giá thành của ống kính rơi vào khoảng 7-8 triệu đồng trên thị trường hiện nay. Đây cũng là ống kính chạy tốt nhất với Techart TAGA3.
Bạn có thể vào Flickr của Vsion để xem album của Contax G Planar 45mm f/2 để xem ảnh với độ phân giải cao nhất.

Một lưu ý đối với người sử dụng ngàm Techart TA-GA3 với 45mm, nên tắt chế độ Shading trong phần setting Lens Comp ở trên máy (từ Auto chuyển thành Off), nếu không sẽ thỉnh thoảng gặp trường hợp ngàm Techart nhận ống kính 45mm là tiêu cự góc rộng, và sẽ tạo ra các phần bù sáng trắng bao quanh ảnh khá rõ như trong ví dụ dưới đây:

Ống kính thứ 2 người viết muốn nhắc đến, là ống kính có độ nét cao nhất trong tất cả các ống kính Contax G, và có lẽ là ống kính thường bị "đánh giá quá thấp" so với giá trị của nó. Sonnar 90mm f/2.8 có độ nét và tương phản cực kỳ cao ngay tại f/2.8, nhiều khi thành nét gai. Đây là một ống kính chụp chân dung, chụp hoa lá hay kể cả là chụp phong cảnh vô cùng tuyệt vời với độ nét hoàn hảo từ tâm cho đến rìa.

Bokeh của 90mm cũng giống 45mm, theo người viết đánh giá ở mức vừa phải, không quá xuất sắc. Với chụp chân dung, người chụp có thể lựa chọn background sao cho phù hợp, cũng có thể tạo ra những bức ảnh với bokeh khá creamy và nổi bật.

Sonnar 90mm là một ống kính không có gì để chê, đặc biệt khi mức giá của nó trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 4-5 triệu đồng . Không một ống kính nào trong tầm giá này có thể có chất lượng quang học tốt như 90mm trên quan điểm của người viết, kể cả các ống kính hiện đại. Độ nét, tương phản, màu sắc, tất cả đều tuyệt vời. Trang web Admiringlight khá nổi tiếng trong giới Mirrorless cũng có một bài so sánh Contax G 90 với Fuji 56mm f/1.2 và Batis 85mm f/1.8, và có thể thấy Sonnar 90mm không quá tụt lại phía sau trừ cái khẩu của nó. Bạn có thể tham khảo bài viết này tại đây. Khi chụp ngược sáng, cũng giống với Planar 45mm, khả năng chống flare của 90 ở mức tương đối tốt, contrast không bị mất nhiều.

Điểm yếu duy nhất của 90mm, có lẽ là viền tím khá nhiều khi chụp ngược sáng, tuy nhiên có thể xử lý dễ dàng chỉ với 1 cú click trong Lightroom, và khá là khó dùng với Techart TA-GA3. Kinh nghiệm của người viết là 90mm có lẽ tốt nhất khi sử dụng với chế độ AF-C, và bật Face Detection khi chụp chân dung.
Bạn có thể vào Flickr của Vsion để xem album của Contax G Sonnar 90mm f/2.8 để xem ảnh với độ phân giải cao nhất.

Đây có lẽ là ống kính " có vấn đề nhất " trong dòng Contax G, khi sử dụng trên thân máy ảnh số, cụ thể ở đây chính là dòng Sony A7 series. Các vấn đề xảy ra với ống góc rộng (từ 35mm trở xuống) trên A7 series có thể cụ thể bằng 3 vấn đề sau:

  1. Ám màu ở rìa ảnh, cụ thể là 4 góc ảnh (color cast)
  2. Tối góc nặng (vignette)
  3. “Corner smearing” - Bệt chi tiết, hay góc ảnh bị out focus, không nét

Ám màu và tối góc là các hiện tượng gây ra do thiết kế cảm biến trên A7 series. A7r bị nặng nhất, còn A7s Mark II và A7r Mark II đã cải thiện tương đối, nhưng vẫn bị dính những lỗi này không thể biến mất hoàn toàn. Corner smearing thì lại có nguyên nhân là do tấm gương/filter "quá dày" ở ngay bên trên cảm biến (Leica M không có những tấm gương/filter này). Tấm filter này ảnh hưởng đến lượng ánh sáng đi vào cảm biến trên những ống kính góc rộng, và gây ra tình trạng là góc ảnh có cảm giác bị out focus, độ nét trở nên tệ hại khi so sánh với tâm ảnh.

Bạn có thể xem một số ví dụ sau đây. Tại trung tâm ảnh, cũng giống như các ống kính Contax G khác, độ nét của 28mm rất tốt:

Tuy nhiên, trong trường hợp này, mặc dù với khẩu f/2.8, có thể thấy phần chân mẫu, sát với rìa ảnh có cảm giác bị out-focus, độ nét tụt giảm đáng kể.

Khi chụp phong cảnh, khép vào f/8, độ nét cũng không có cải thiện đáng kể cho lắm. Mặc dù màu sắc, tương phản và mọi thứ ở tâm ảnh đều vô cùng xuất sắc.

Hiện tượng ám màu và tối góc có thể thấy rõ trong các ảnh sau:

Đây quả thực là một điều vô cùng đáng tiếc với Biogon 28mm đối với người dùng A7 series, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh chuyên nghiệp. Các lỗi này là không thể chấp nhận và hơn nữa là không có cách nào để xử lý triệt để. Tuy nhiên, nó chỉ xuất hiện trên máy số, còn với trên film, mọi thứ từ Biogon 28mm lại vô cùng hoàn hảo và không hề xuất hiện bất kỳ tình trạng nào nêu bên trên. Đây là ống kính được đánh giá ngang bằng với Leica Elmarit 28mm f/2.8 ASPH danh tiếng.

Với mức giá khoảng 6 triệu đồng trên thị trường hiện nay, thực sự Biogon 28mm là một sự lựa chọn khó khăn với nhiều người, nhất là khi FE 28mm f/2 cũng có mức giá tương tự và còn có khả năng AF hoàn hảo, độ nét cũng xuất sắc trên A7 series. Còn với những ai kết hợp cả chụp film và số, đặc biệt là dân chụp đường phố, không có lựa chọn nào xuất sắc hơn Biogon 28mm ở cùng tiêu cự và cùng tầm giá. Đẹp, nhỏ gọn, và autofocus trên G1-G2, 1 sự lựa chọn vô cùng lý tưởng.

Bạn có thể vào Flickr của Vsion để xem album của Contax G Biogon 28mm f/2.8 để xem ảnh với độ phân giải cao nhất.

Ống kính cuối người viết muốn giới thiệu, là tiêu cự 35mm nổi tiếng, với khẩu độ f/2 có thể so sánh với Leica Summicron 35mm f/2 danh tiếng, tuy nhiên khi tìm hiểu về ống kính này, số lượng người dùng Contax G lại cho rằng đây là ống kính fix "kém xuất sắc nhất" trong dòng Contax G. Cũng được đánh giá là ống kính góc rộng, tuy nhiên hiện tượng tiêu cực như ở Biogon 28mm lại ít xuất hiện hơn đối với Planar 35mm.

Được thiết kế với công thức Planar, và chỉ có 2 ống kính 35mm Planar trong lịch sử phát triển của Zeiss (Zeiss có một công thức khác dành cho ống kính góc rộng và được sử dụng cả trên những sản phẩm đời mới, là công thức Distagon), Planar 35mm f/2 cho độ nét cũng vô cùng xuất sắc tại trung tâm, tương phản cao và giảm dần khi ra tới vùng trung gian và rìa ảnh.

Với tiêu chuẩn hiện nay, bokeh của Planar 35mm có thể được coi là "busy bokeh" và không được ưa chuộng cho lắm với nhiếp ảnh hiện đại. Tuy nhiên trên quan điểm của người viết, và có lẽ rất nhiều người chơi ống kính mf cổ nói chung, bokeh của Planar 35mm lại rất thu hút và thú vị. Bokeh xếp chồng và xoáy dần vào trung tâm, tạo ra một nét riêng của ống kính.

Ở mức giá tầm 8 triệu đồng như hiện nay, bạn khó có thể kiếm được một ống kính 35mm có độ nét xuất sắc như Planar 35mm tại trung tâm, tương phản cao, màu sắc Zeiss đặc trưng và đặc biệt là có bokeh busy và thú vị như thế này. Khả năng chống loá của Planar 35mm tương đối ổn, viền tím thì xuất hiện nhiều hơn 45mm nhưng vẫn hoàn toàn chấp nhận được.

Một ưu điểm khác của Planar 35mm, là khi phơi sáng cho ra tia khá đẹp, khác với các ống kính Contax G khác khi chỉ cho ra tia 6 cánh đơn điệu. Khả năng AF của Planar 35mm với Techart TA-GA3 cũng là khá tốt, cho trải nghiệm sử dụng đặc biệt là khi chụp ảnh đường phố cũng rất tiện lợi.

Bạn có thể vào Flickr của Vsion để xem album của Contax G Planar 35mm f/2 để xem ảnh với độ phân giải cao nhất.

Các ống kính Contax G là một lựa chọn rất tốt cho người dùng yêu thích sự nhỏ gọn, chất lượng ảnh tốt ở các tiêu chí quan trọng như độ nét trung tâm, màu sắc tương phản tốt, có khả năng AF khá nhanh với máy ảnh Sony, và có mức giá khá dễ chịu so với các ống kính của Sony mà chất lượng không hề quá thua kém. Đây sẽ là một bộ ống kính tuyệt vời cho nhu cầu du lịch, chụp ảnh gia đình hay street với sự cơ động và chất lượng hình ảnh tốt. Do kích thước giới hạn nên các ống kính Contax G cũng không tránh khỏi những giới hạn vật lý mà các bạn có thể thấy rõ nhất ở Biogon 28mm f/2.8, ngoài ra các ống kính khác trong series cũng không phải là mạnh ở khu vực rìa, góc ảnh và bóng bokeh có thể có đường ranh giới khá rõ như nhiều ống kính MF cổ. Một đặc điểm quang học khá quan trọng mà trong giới hạn bài đánh giá nhanh này người viết chưa thể cung cấp đầy đủ thông tin là khả năng kiểm soát sắc sai (viền tím) của 4 ống kính, tuy nhiên theo quan điểm của người viết thì các ống kính góc rộng của Contax G kiểm soát viền tím rất tốt nhưng ống kính tele (90mm) vẫn xuất hiện viền tím khá nhiều ở khẩu độ lớn. So sánh với ống kính hiện đại của Sony như FE Sonnar 55mm f/1.8 T* thì Contax G Planar 45mm f/2 thậm chí có thể là một lựa chọn tốt hơn nếu bạn thích độ nét mềm và mức chuyển từ vùng nét sang vùng không nét mịn màng hơn và tạo cảm giác dễ chịu hơn về tổng thể với ảnh chân dung.

Một ưu thế của Contax G là bạn có thể không phải nghĩ nhiều khi đầu tư một bộ, giữ gìn cẩn thận và bán lại mà không phải ngại "lỗ" nhiều do các ống kính này không còn sản xuất và chỉ luân chuyển trên thị trường ở mức giá rất ổn định. Nếu bạn cần chất lượng ống kính thật cao thì các ống kính hiện đại đắt tiền hơn hoàn toàn có thể đáp ứng cho nhu cầu của bạn, nhưng nếu muốn tìm một giải pháp kinh tế, cơ động và mang lại nhiều cảm hứng khi sử dụng thì chắc chắn các ống kính Contax G sẽ nằm trong nhóm lựa chọn hàng đầu cho người sử dụng máy ảnh Sony hay thích chụp film.

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài đánh giá được thực hiện bởi P.N.
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: