Blog Post

Sự khác biệt giữa các dòng ống kính Global Vision của Sigma

Oct 30, 2017

Phân biệt các dòng ống kính Art, Contemporary và Sport của Sigma

Sigma là tập đoàn sản xuất thiết bị ngành ảnh lâu đời của Nhật được ra đời vào năm 1961 bởi Michihiro Yamaki và ông cũng là CEO của công ty cho tới khi qua đời vào năm 2012. Vẫn được biết đến như một công ty sản xuất ống kính cho các hệ máy ảnh của các hãng lớn và phục vụ hệ máy ảnh của chính công ty mình, các ống kính của Sigma có thể hoạt động trên các máy ảnh DSLR của Canon, Nikon, Pentax thông qua quá trình thiết kế bắt chước phương thức lấy nét tự động (AF) của các loại máy ảnh này. Các ống kính của Sigma có chất lượng thường được xếp sau các ống kính "chính hãng" và có mức giá dễ chịu hơn.

Vào năm 2013, sau khi Michihiro Yamaki mất, Sigma cũng bắt đầu một cuộc cách mạng mới được đánh dấu với sự ra đời của dòng ống kính Global Vision với các ống kính được nâng cấp từ các ống kính hãng đã từng chế tạo theo tiêu chuẩn cao và nghiên cứu phát triển những ống kính mới chưa từng xuất hiện trên thị trường. Một điểm đặc biệt nữa của các ống kính Global Vision là Sigma lần đầu tiên nhận thay ngàm cho các ống kính này nếu người sử dụng có nhu cầu đổi hệ máy mà không muốn đổi ống kính. Ngoài ra, các ống kính Global Vision đều tương thích với Sigma USB Dock là một thiết bị kết nối trực tiếp với ống kính thông qua ngàm tương thích và điều khiển thông qua máy vi tính để cân chỉnh khả năng focus của ống kính, giúp người dùng có thể tự điều chỉnh ống kính khi độ chính xác chưa được như mong muốn.

Các ống kính Global Vision của Sigma được chia thành 3 nhóm: Art (ký hiệu A), Contemporary (ký hiệu C) và Sports (ký hiệu S). Chỉ sau một thời gian ngắn, các ống kính Global Vision của Sigma đã khẳng định được chất lượng hoàn toàn có thể so sánh được với các ống kính "chính hãng" với mức giá phải chăng và thậm chí Sigma đã giữ đúng lời hứa với người dùng khi liên tục phát triển thành công những ống kính mới chưa từng xuất hiện trước đó như Art 18-35mm f/1.8, 24-35mm f/2, 50-100mm f/1.8, 14mm f/1.8, hay mới đây nhất là C 16mm f/1.4. Đặc biệt các ống kính Art của Sigma liên tục xuất hiện trên các vị trí dẫn đầu các bảng đánh giá ống kính và đạt nhiều danh hiệu của các tổ chức khác nhau và trở thành một cái tên đáng gờm sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, việc phân biệt ba dòng ống kính này đôi khi vẫn làm cho người dùng thấy khó hiểu và nhầm lẫn nên chúng tôi xin cung cấp ở đây đặc điểm phân biệt giúp các bạn hiểu rõ hơn:

Sigma Art (A) : các ống kính Art (nghệ thuật) được thiết kế để đạt hiệu quả về quang học cao nhất mà không cần giới hạn về kích thước vật lý. Các đặc tính quang học của ống kính thể hiện trên hình ảnh không cần sự trợ giúp của quá trình xử lý tín hiệu điện tử. Thông thường các ống kính Art là sự kết hợp của khẩu độ ống kính lớn như f/1.4 - f/1.8 (trừ trường hợp của 24-105mm f/4).

Sigma Contemporary (C) : các ống kính Contemporary (đương đại) được thiết kế kết hợp các công nghệ mới nhất để đạt chất lượng hình ảnh cao mà vẫn có kích thước nhỏ gọn. Hiệu quả quang học của ống kính C là sự kết hợp của đặc tính quang học và khả năng chữa lỗi quang học thông qua quá trình xử lý thông tin trên máy ảnh (Profile correction). Do đặc tính gọn nhẹ được đặt lên hàng đầu, các ống kính Sigma thiết kế riêng cho máy mirrorless (Sony E, Micro Four Thirds) thuộc dòng C vẫn có thể đạt khẩu độ lớn tới f/1.4 (30mm f/1.4 hay 16mm f/1.4).

Sigma Sport (S) : đây là các ống kính chuyên dụng cho chụp thể thao và động vật hoang dã nên có tiêu cự tele và thường là ống kính zoom. Đây là nhóm ống kính có phần trùng lặp với ống kính Art và C do mục đích sử dụng chứ không phải cách thiết kế ống kính được dùng để phân loại. Các ống kính Sport của Sigma được thiết kế để có khả năng chống chịu với các điều kiện khắc nghiệt, phục vụ các chuyên gia, nhà báo... tác nghiệp trong nhiều môi trường khác nhau.

Thông thường khái niệm ống kính Art và Contemporary dễ bị hiểu nhầm với nhau và nhiều người vẫn nghĩ rằng ống kính Contemporary không tốt bằng ống kính Art hoặc ống kính Art gắn liền với khẩu độ lớn. Điều này không hoàn toàn đúng khi chúng ta đối chiếu với đặc điểm của hai dòng ống kính này (thông tin được lấy từ định nghĩa của Sigma). Các ống kính Art như tên gọi của nó được thiết kế để đạt hiệu quả quang học cao nhất, và khẩu độ lớn cũng là một trong những tiêu chí đó, nhưng không nhất thiết là tiêu chí duy nhất. Trong dòng Art có 3 ống kính thiết kế cho máy ảnh không gương lật APS-C và micro four thirds là 19mm f/2.8, 30mm f/2.8 và 60mm f/2.8 có khẩu độ chỉ đạt mức f/2.8 nhưng đều là các ống kính kiểm soát quang sai rất tốt (độ nét cao, ít viền tím, ít tối góc, méo hình thấp...).

Về mặt chất lượng quang học khi so sánh ống kính Art với ống kính Contemporary thì ở ví dụ dưới đây so sánh Sigma 30mm f/1.4 Art (dành cho máy APS-C DSLR) và ống kính 30mm f/1.4 Contemporary (dành cho máy mirrorless APS-C và micro four thirds), chúng ta có thể thấy thiết kế của ống kính C không hề đơn giản hơn ống kính A, thậm chí ống kính A còn không được "trợ giúp" bằng profile correction ngay từ trong máy như ống kính C và hệ quả là đánh giá xếp hạng trên DxO Mark ống kính A còn có phần kém ống kính C. Vậy tại sao ống kính C rẻ hơn ống kính A? Đó là vì thiết kế tập trung vào kích thước và khối lượng gọn nhẹ, Sigma đã tăng cường sử dụng các chất liệu nhẹ và ưu tiên phát triển ống kính cho mirrorless để tiết kiệm nguyên vật liệu (do kích thước lý thuyết của ống kính cho hệ máy có flange distance ngắn sẽ nhỏ hơn hệ máy có flange distance dài như DSLR). Mặc dù về mặt quang học, ống kính C có thể không đạt mức độ bằng ống kính A, nhưng sự kết hợp của quang học và điện tử vẫn có thể đảm bảo cho chất lượng cao của ống kính C trong giới hạn kích thước nhỏ gọn.

Nếu bạn đã từng thấy khó hiểu khi Sigma sản xuất ống kính 30mm f/1.4 cho Sony APS-C và Micro Four Thirds là loại C chứ không phải loại A thì có lẽ bây giờ các bạn đã hiểu được thêm phần nào phải không? Nếu chúng ta có ống kính 30mm f/1.4 loại A thì chắc hẳn ống kính sẽ lớn hơn đáng kể trong khi không nhất thiết phải tốt hơn nhiều về chất lượng hình ảnh và giá thành cũng đắt hơn. Có thể Sigma sẽ vẫn phát triển ống kính Art cho máy mirrorless nhưng với tiêu chí nhỏ gọn của hệ máy này, chắc chắn trong tương lai gần các ống kính C sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Sigma.

Dưới đây Vsion xin cung cấp danh sách các ống kính Global Vision cho các bạn nắm được thông tin đầy đủ. Danh sách này được cập nhật cho tới thời điểm hiện tại (tháng 10/2017) và sẽ được cập nhật trong tương lai khi các ống kính mới được Sigma công bố.

Danh sách ống kính thế hệ mới của Sigma
Ống kính Art (A)
Sigma 14mm f/1.8 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 19mm f/2.8 DN Art APS-C - Sony E | Micro Four Thirds
Sigma 20mm f/1.4 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 24mm f/1.4 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 24-70mm f/2.8 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 30mm f/1.4 DC HSM Art APS-C - Canon EF-S, Nikon F, Sigma SA, Pentax K, Sony A
Sigma 30mm f/2.8 DN Art APS-C - Sony E | Micro Four Thirds
Sigma 35mm f/1.4 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA, Pentax K, Sony A
Sigma 50mm f/1.4 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA, Sony A
Sigma 60mm f/2.8 DN Art APS-C - Sony E | Micro Four Thirds
Sigma 85mm f/1.4 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 135mm f/1.8 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 12-24mm f/4 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 18-35mm f/1.8 DC HSM Art APS-C - Canon EF-S, Nikon F, Sigma SA, Pentax K, Sony A
Sigma 24-35mm f/2 DG HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 24-105mm f/4 DG OS HSM Art Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA, Sony A
Sigma 50-100mm f/1.8 DC HSM Art APS-C - Canon EF-S, Nikon F, Sigma SA
Ống kính Contemporary (C)
Sigma 16mm f/1.4 DC DN Contemporary APS-C - Sony E | Micro Four Thirds
Sigma 30mm f/1.4 DC DN Contemporary APS-C - Sony E | Micro Four Thirds
Sigma 17-70mm f/2.8-4 DC Macro OS HSM Contemporary APS-C - Canon EF-S, Nikon F, Sigma SA, Pentax K, Sony A
Sigma 18-200mm f/3.5-6.3 DC Macro OS HSM Contemporary APS-C - Canon EF-S, Nikon F, Sigma SA, Pentax K, Sony A
Sigma 18-300mm f/3.5-6.3 DC Macro OS HSM Contemporary APS-C - Canon EF-S, Nikon F, Sigma SA, Pentax K, Sony A
Sigma 100-400mm f/5-6.3 DG OS HSM Contemporary Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 150-600mm f/5-6.3 DG OS HSM Contemporary Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Ống kính Sport (S)
Sigma 120-300mm f/2.8 DG OS HSM Sport Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 150-600mm f/5-6.3 DG OS HSM Sport Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Sigma 500mm f/4 DG OS HSM Sport Full frame - Canon EF, Nikon F, Sigma SA
Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: