Blog Post

Giới thiệu và so sánh Sony A7R mark III

Oct 27, 2017

Sau 2 năm rưỡi kể từ ngày Sony công bố A7R mark II (tháng 6 năm 2015), ngày hôm qua Sony đã chính thức công bố thế hệ thứ ba của chiếc máy ảnh full frame không gương lật cao cấp này. Trái với thứ tự ưu tiên công bố, thay vì công bố máy A7 dòng R (High Resolution - độ phân giải cao) sau A7 thì lần này Sony công bố A7R mark III (hay A7RIII ) đầu tiên trong series mới. Động thái này có thể là lời đáp trả của Sony với sự kiện Nikon công bố máy ảnh full frame DSLR thế hệ mới D850 hồi tháng 4. Đây là một bất ngờ lớn với cộng đồng nhiếp ảnh vì những thông tin gần đây nhất có được đều hướng về A7 mark III. So với A7RII thì A7RIII có nhiều nâng cấp nhỏ thay vì cải tiến đột phá về công nghệ, thế nên chúng ta hãy nhìn vào chi tiết các tính năng và đặc điểm mới của chiếc máy này xem nó có phải một phiên bản tốt hơn hẳn thế hệ trước hay không.

Bài viết này của Vsion chỉ tập trung phân tích các đặc tính được công bố của hãng cùng thông tin bổ sung từ các reviewer nên chúng ta vẫn cẩn xác nhận lại khi chiếc máy ảnh này đến tay người dùng. Cuối bài viết, chúng tôi cũng cung cấp bảng so sánh chi tiết A7RIII so với A7RII và Nikon D850 để bạn đọc có thể có cái nhìn đầy đủ về mối tương quan của chiếc máy ảnh này với hai lựa chọn gần với nó trên thị trường.


Để tiện cho việc theo dõi nội dung bài viết và tìm nhanh nội dung quan tâm, các bạn có thể click vào một trong các mục trong Mục lục để xem phần nội dung đó trước, sau đó có thể quay trở lại Mục lục bằng cách click vào dòng chữ [QUAY TRỞ LẠI MỤC LỤC] ở cuối hai mục lớn.


Video giới thiệu các đặc tính mới quan trọng của Sony A7Riii

A7RIII vẫn giữ dáng vẻ bên ngoài của A7RII và nếu không nhìn kỹ chi tiết có lẽ các bạn sẽ không phân biệt được hai chiếc máy này. Như "truyền thống" từ A7R lên A7RII, các bạn sẽ chỉ thấy logo Alpha và số 7R ở góc trên phía trước máy ảnh. Mặc dù chiều ngang và chiều dọc thân máy có kích thước gần như y hệt phiên bản trước, A7RIII dày hơn A7RII 13,7 mm để có thêm không gian cho các linh kiện mới. Bên cạnh đó, trọng lượng bản III cũng nặng hơn bản II không đáng kể (17 g).

Giống như A9, phần ngàm kim loại của A7RIII cũng được gia cố với 6 ốc vít thay vì chỉ 4 ốc vít như ở A7RII. Ở mặt bên trái của thân máy, các bạn sẽ thấy có thêm cổng PC sync port để điều khiển flash manual và có thêm một cổng USB 3.1 bên cạnh cổng miniUSB truyền thống. Ở vòng xoay menu, chế độ SCN đã bị loại bỏ (mặc dù vẫn còn chức năng Auto), mà thay vào đó là chức năng S&Q để phục vụ quay phim slow motion / fast motion. Buồng chứa pin cũng lớn hơn A7RIII để dùng cho pin NP-FZ100 mới làm cho thân máy dày hơn so với A7RII.

Riêng ở mặt sau của máy ảnh, A7RIII mang dáng dấp của A9 nên các bạn sẽ thấy một số thay đổi đáng kể như nút C3 được chuyển sang góc trên bên trái, nút quay phim được chuyển lên phía cạnh dưới của EVF và có thêm 1 nút AF-ON để tách việc giữ nửa cò lấy nét và nút chụp. Thay đổi quan trọng nhất là màn hình LCD đã có chức năng cảm ứng và máy ảnh đã có thêm joystick điều hướng ở vị trí cũ của nút AF/MF-AEL (Multi-selector). Với khả năng cảm ứng, bạn có thể thay đổi điểm lấy nét dễ dàng bằng cách chạm màn hình hoặc dùng joystick. Bạn cũng có thể zoom lớn điểm chọn bằng cách chạm hai lần liên tục (magnification) và chức năng này có thể làm thay đổi thói quen của cả người dùng ống kính lấy nét bằng tay (tuy nhiên bạn không dùng được cảm ứng để điều chỉnh tùy chọn trong menu). Nếu để ý kỹ hơn các bạn sẽ thấy bên trên nút C3 có biểu tượng khóa. Theo Patrick Murphey-Racey thì khả năng cao đây là nút lock ảnh để bạn có thể chọn nhanh các ảnh cần giữ lại, sau đó xóa tất cả các ảnh còn lại (phù hợp để giảm thời gian workflow cho phóng viên tác nghiệp hiện trường). Các đặc tính này rất quan trọng khi bạn cần thao tác chuyển vị trí lấy nét nhanh và đạt hiệu quả sử dụng cao hơn trong môi trường thay đổi liên tục.

Một đặc điểm "chuyên nghiệp" nữa mà A7RIII thừa hưởng từ A9 là hai khe cắm thẻ nhớ, cho phép bạn sử dụng thẻ SD tốc độ cao UHS-II và UHS-I cùng lúc, trong đó khe cắm thẻ UHS-I có thể dùng để sao chép dữ liệu từ thẻ nhớ chính tốc độ cao sang thẻ back-up. Bạn sẽ để ở cạnh bên phải của máy ảnh có một nút gạt mở khóa đậy khe cắm thẻ nhớ để đảm bảo khả năng chống chịu bụi và ẩm của thân máy. Rất nhiều người dùng đã yêu cầu thiết kế này để giảm thiểu nguy cơ bị mất ảnh và video khi thẻ nhớ hỏng trong quá trình sử dụng. Tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh cùng bộ lưu đệm được nâng cấp cho phép A7RIII chụp liên tục được 75 tấm ảnh RAW nén hoặc JPEG, hoặc 28 tấm RAW không nén 14-bit. Đây là lượng cache tăng đáng kể so với A7RII (chụp liên tục chỉ được 23 tấm RAW nén hoặc 9 tấm RAW 14-bit), nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn so với đối thủ D850 (170 tấm RAW nén hoặc 51 tấm RAW không nén). Người dùng A7RII vẫn phàn nàn về một nhược điểm là tốc độ xóa cache của máy ảnh rất chậm nên sau khi chụp liên tục phải đợi máy một thời gian trước khi có thể xem được ảnh. Mặc dù chúng ta không biết được chính xác hiện tượng này có thể cải thiện ở A7RIII không nhưng việc tăng khả năng xử lý tín hiệu hơn 2 lần cùng việc hỗ trợ khe đọc thẻ tốc độ cao UHS-II có thể giúp Sony giải quyết được vấn đề này. Những kiểm nghiệm đầu tiên của các reviewer cho thấy khả năng bộ nhớ đệm của A7RIII là đúng như quảng cáo và thời gian xóa cache được cải thiện so với A7RII, tuy nhiên vẫn không nhanh như A9.

Đây là chiếc máy ảnh thứ hai của Sony được trang bị cảm biến BSI (Back-illuminated sensor) Exmor R sau A7RII với độ phân giải 42,4 megapixels (giống A7RII). Loại cảm biến này cho phép ánh sáng được các pixel thu nhận hiệu quả hơn, giúp tăng tỷ lệ tín hiệu và cải thiện khả năng chụp thiếu sáng mà không cần phải hy sinh số lượng pixel. Đến thế hệ thứ hai này, cảm biến BSI đã được nâng cấp để đạt Dynamic Range lên tới 15 EV (tức là còn cao hơn cả D810 là 14,8 EV). Nâng cấp này đạt được do máy ảnh đã được trang bị bộ xử lý tín hiệu Bionz X đã được cải tiến để đạt tốc độ xử lý nhanh gấp 2 lần A7RII. Tuy nhiên theo Dpreview, con số này cần được kiểm nghiệm lại bằng đo đạc trong phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, công nghệ tái tạo hình ảnh của Sony còn cho phép khử noise thêm 1 stop để tái tạo được hình ảnh chất lượng cao.

Nhờ khả năng xử lý tín hiệu nhanh hơn thế hệ trước nên A7RIII đã có thể chụp liên tục lên tới 10 khung hình / giây (nhanh gấp 2 lần A7RII) với đầy đủ chức năng AF/AE và không có hiện tượng nháy hình (blackout) giữa các shot (theo công bố của Sony, tuy nhiên điểm này cần được kiểm nghiệm thực tế do nó là ưu thế của stack sensor trên A9 chứ không phải BSI). Nếu bạn sử dụng chế độ live view (chụp khi bật LCD) thì bạn có thể chụp liên tục 8 khung hình / giây với độ nháy thấp giữa các khung hình để giảm thiểu việc không bắt kịp khoảnh khắc. Đặc biệt hơn nữa, A7RIII có thể cho phép chụp RAW không nén 14-bit trong khi vẫn đảm bảo tốc độ 10 khung hình / giây hoặc trong điều kiện chụp hoàn toàn yên lặng (silent mode). Thông tin RAW 14-bit này được xử lý từ nguồn 16-bit qua front-end LSI và Bionz X processor nên có thể đạt hiệu quả cao hơn thế hệ trước. Tuy vậy, nếu bạn chọn chụp ảnh RAW nén (compressed), chụp BULB hoặc bật chế độ khử noise phơi sáng (Long Exposure NR) thì bạn sẽ chỉ thu được ảnh RAW 12-bit. Silent mode với đầy đủ tốc độ, khả năng lấy nét và khả năng chụp file RAW 14-bit cho phép người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận động vật hoang dã hay giảm thiểu sự chú ý của đối tượng chụp.

Cũng cần phải nói thêm là bộ màn trập cơ học của A7RIII đã được Sony nâng cấp để giảm tiếng ồn, có thể đảm bảo 10 fps ở tốc độ 1/8000 giây và có tuổi thọ tăng lên tới 500.000 lần hoạt động. Đây là một con số rất lớn khiến bạn sẽ không phải lo lắng nhiều về thời gian mình phải thay màn trập nếu có mua máy cũ.

Khả năng chụp liên tục 10 fps đang là kỷ lục về tốc độ màn trập cơ học của Sony. Các bạn hãy xem trong video dưới đây để hình dung màn trập này hoạt động nhanh ra sao.

Với 399 điểm AF lấy nét theo pha (PDAF) và 455 điểm AF lấy nét theo tương phản (CDAF) có độ bao phủ 68% diện tích khung hình, A7RIII tăng được diện tích bao phủ AF hơn 50% so với A7RII (45%). Mật độ điểm lấy nét tương phản dày đặc và thuật toán lấy nét lai (Hybrid AF) kết hợp hiệu quả các điểm lấy nét PDAF và CDAF cho phép hiệu quả tracking và khả năng nhận mặt, cũng như Eye AF nhanh hơn phiên bản cũ khoảng 2 lần. A7RIII còn lần đầu tiên cho phép ống kính ngàm A khi sử dụng qua ngàm chuyển LA-EA3 có chức năng Eye-AF hoạt động rất hiệu quả khi chụp chân dung, cùng với khả năng lấy nét theo pha cải thiện. Thuật toán AF nâng cấp còn cho phép A7RIII bắt AF chính xác ở mức -3EV với ống kính f/2, tức là tốt hơn 1 stop so với A7RII (-2EV), hay nói cách khác là khả năng AF trong điều kiện thiếu sáng đã được cải thiện hơn. Mặc dù đây là những cải tiến rất đáng kể, nhưng cũng cần nói thêm là đối thủ D850 có thể đạt hiệu quả AF tới -4EV và có tận 15 điểm PDAF cho khẩu độ f/8. Do đó, mức độ chính xác và tốc độ lấy nét của A7RIII ngay cả trên thông số cũng không so được với D850, nhưng bù lại mật độ điểm AF dày đặc và khả năng bao phủ diện rộng trên khung hình giúp A7RIII có độ linh hoạt cao và hiệu quả ngang ngửa trong điều kiện chụp đầy đủ ánh sáng. Người dùng Sony đã quen với chức năng Eye AF sẽ thấy nó hiệu quả hơn chức năng Face Recognition của các máy DSLR và đây là một điểm cộng lớn cho hệ thống Hybrid AF của Sony. Những trải nghiệm đầu tiên của reviewer trong họp báo công bố sản phẩm của Sony cho thấy chức năng Eye AF và khả năng tracking, chụp nhanh của A7RIII có thể đảm bảo tỷ lệ chụp chính xác cao, ngay cả khi khuôn mặt không xuất hiện trên khung hình sau đó quay trở lại. Trong hai video dưới các bạn có thể thấy khả năng của Eye AF trong điều kiện chụp nhanh 8 fps hoặc khi máy ảnh di chuyển liên tục.

Hệ thống chống rung 5 trục trên body của A7RIII đã được nâng cấp hơn so với A7RII (và tất cả các máy ảnh Sony khác) lên mức chống rung 5,5 stop, nghĩa là nếu bình thường bạn chụp được tối thiểu ở tốc độ 1/100 giây thì với hệ thống chống rung này bạn có thể chụp ở mức xấp xỉ 0,5 giây mà ảnh vẫn không bị nhòe do rung tay! Ở A7RII mức giới hạn này là 4,5 stop, nhưng vô địch về chống rung hiện nay vẫn là hệ máy Micro Four Third (6,5 stop ở OM-D EM-1 mark II khi kết hợp chống rung trên body và lens OIS) và Olympus đã khẳng định đây là giới hạn của chống rung do tốc độ quay của Trái Đất. Khả năng này rất hiệu quả khi bạn muốn chụp tĩnh vật ở điều kiện thiếu sáng hoặc dùng để chụp cảnh khi không mang tripod hay chụp chân dung với ống kính tiêu cự dài.

Khi Nikon công bố D850, chúng ta đã ngạc nhiên khi thấy Nikon ứng dụng chức năng chụp stacking tự động giống như máy ảnh Micro Four Third của Olympus thì đến lượt Sony lần này cũng đã thêm chức năng chụp ảnh tăng chất lượng thông qua dịch chuyển sensor giống như chức năng trên máy Hasselblad, Olympus và Pentax. Về cơ chế, A7RIII sẽ chụp liên tục 4 tấm ảnh và sensor sẽ dịch chuyển 1 pixel giữa các tấm hình để có thể lấy được thông tin đầy đủ từ hệ quang học của ống kính, sau đó người dùng sẽ dùng app có tên " Image Edge " của Sony để ghép 4 tấm lại thành hình chất lượng cao (xấp xỉ 170 triệu pixel). Nguyên tắc này giống chế độ Pixel Shift Resolution của Pentax K-1, trong khi đó Olympus EM-5 mark II sử dụng 8 tấm ảnh với khoảng dịch chuyển nửa pixel của sensor. Sở dĩ chúng ta có thể đạt mức độ chi tiết hình ảnh cao do cảm biến CMOS truyền thống vẫn sử dụng bộ lọc màu CFA (color filter array) mà mỗi photosite có 4 pixel màu (1 đỏ : 2 xanh lá : 1 xanh da trời) nên ảnh thu được phải trải qua quá trình nội suy demosaicing để bù lại tín hiệu bị thiếu sót ở các kênh màu còn lại cho mỗi pixel. Với Sensor shift, 4 tấm ảnh với khoảng cách dịch chuyển 1 pixel sẽ cung cấp đầy đủ thông tin 3 kênh màu cho mỗi pixel nên khả năng tái tạo hình ảnh sẽ dựa trên lượng thông tin cao gấp 4 lần thông thường và đạt được độ chi tiết cao. Như đã chứng minh với các ứng dụng tương tự trên máy Olympus và Pentax, ảnh độ phân giải cao có thể so chất lượng với ảnh chụp bằng máy Medium Format. Tuy nhiên, theo ephotozine , có lẽ chúng ta không nên kỳ vọng quá vào chức năng này vì theo thông tin từ Sony, ảnh thu được sẽ tương đương 42,4 MP sau khi ghép 4 ảnh lại, tức là giống Pentax K-1 chỉ tăng chi tiết, độ tương phản của ảnh thay vì tạo ra file ảnh có độ phân giải cao gấp 4 lần.

Video giới thiệu chức năng Pixel Shift Multi Shooting

Đây là một chức năng rất thú vị và có thể đem lại hiệu quả hình ảnh cao. Tuy vậy, một nhược điểm lớn của phương pháp này là máy cần phải đặt trên tripod và ở trạng thái tĩnh tuyệt đối để sensor có thể thực hiện chính xác các bước dịch chuyển và hình ảnh cũng phải tĩnh trong suốt thời gian chụp. A7RIII mặc dù cũng sử dụng cơ chế giống Pentax K-1 nhưng do máy không chụp liên tục và ghép hình tự động, giữa các shot hình có một khoảng lag để sensor quay trở lại vị trí cũ nên thời gian cần thiết để chụp cả 4 tấm hình sẽ tốn hàng giây làm vấn đề này càng trầm trọng hơn.

Sony cũng bổ sung một vài thay đổi nhỏ khác để tăng mức độ thuận tiện khi sử dụng A7RIII. Đầu tiên là việc bổ sung thêm một cổng USB 3.1 (type C) bên cạnh cổng mini USB, giúp người dùng có thể sạc điện trực tiếp máy ảnh khi đang sử dụng trong khi vẫn kết nối được với các thiết bị khác. Ở phiên bản này Sony cũng đã có thêm cổng PC sync port để điều khiển flash manual (không có ở A7RII).

Chức năng thứ hai là anti-flickering giúp máy ảnh có thể nhận ra tần số ánh sáng nhân tạo hoặc ánh sáng huỳnh quang và điều chỉnh tốc độ chụp để tránh hiện tượng banding khi chụp dưới bóng đèn tuýp. Khác với máy A9, do tốc độ xử lý tín hiệu rất nhanh của stack sensor, chúng ta sẽ không nhận thấy các vệt ngang màu nâu giữa hình khi chụp dưới bóng đèn (flickering) nhưng với A7RIII, cách duy nhất để tránh hiện tượng này là điều chỉnh tốc độ chụp sao cho không bằng bội số của tần số ánh sáng phát ra từ đèn. Thông thường người dùng phải tự điều chỉnh, nhưng với chức năng này máy sẽ tự động giảm thời gian phiền hà cho người dùng. Chức năng này dù nhỏ nhưng cũng bắt đầu được ứng dụng trong các máy ảnh mới đây như D850.

Pin của máy ảnh không gương lật nói chung và Sony nói riêng vẫn có "tiếng xấu" là dung lượng không cao và sụt pin rất nhanh so với các máy DSLR/DSLT. Với sự ra đời của A9, Sony đã giới thiệu pin Lithium thế hệ mới NP-FZ100 có dung lượng lớn hơn pin cũ khoảng 2 lần, giúp bạn chụp được trung bình 650 tấm với 1 pin hoặc gấp đôi nếu dùng battery grip chứa 2 pin. Trong thực tế, pin NP-FZ100 của A9 có thể đủ cho chụp hàng nghìn tấm ảnh trước khi cạn pin nên loại pin mới này chắc chắn là đủ cho nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, nếu so với D850, dung lượng pin này vẫn chỉ bằng tầm 1/3.

A7RIII cũng có cải tiến ở chất lượng quay phim so với A7RII nhưng không nhiều. Máy ảnh vẫn quay được video 4K bằng cách oversample thông tin từ ảnh 5K (15 Mp) xuống để đạt chất lượng hình ảnh cao ở chế độ quay Super 35 (full width sensor, no pixel binning). Tuy nhiên A7RIII vẫn sử dụng 8-bit 4:2:0 codec và vẫn giới hạn ở mức 4K 24/25/30p chứ không được 60p. Điểm nổi bật ở phiên bản này là ngoài SLog-3, Sony còn cung cấp thêm ứng dụng Hybrid Log-Gamma (HLG) để giữ chi tiết ở vùng tối và vùng highlight cho quay phim HDR (nhưng bạn cần có màn hình hỗ trợ HDR để thấy thay đổi này). Ngoài ra, A7RIII còn có thể chụp slow motion 120 khung hình/giây ở chế độ quay 1080p.

Video 4K HDR với chức năng Hybrid Log Gamma (HLG)

Video 4K chất lượng cao được quay bởi A7Riii

Ngoài ra các bạn có thể xem thêm các thông số chi tiết và một số cải biến nhỏ nữa ở A7RIII từ bản pdf giới thiệu máy ảnh của Sony (Click vào nút Download dưới đây để lấy file pdf về).

Các bạn có thể tham khảo một số ảnh chất lượng cao chụp từ A7RIII trên trang của PhotographyBLOG với ống kính FE 24-105mm f/4 OSS và FE 24-70mm f/2.8.

Như vậy, sau hơn 2 năm Sony đã kịp tung ra thị trường thế hệ thứ ba của dòng máy ảnh full frame không gương lật (trong khi người dùng Canon phải đợi 4 năm để hãng làm ra bản nâng cấp thứ hai). A7RIII mặc dù không có tiến bộ vượt bậc về công nghệ nhưng qua những điểm chính chúng ta vừa nhắc tới thì cải tiến của A7RIII là toàn diện trên mọi mặt để tăng cao hiệu quả sử dụng chiếc máy ảnh này. Một điều quan trọng nữa là A7RIII được công bố ở mức giá giống hệt A7RII vào 2 năm trước, khiến việc nâng cấp từ phiên bản cũ lên với người sử dụng không phải vấn đề lớn, nhất là khi máy ảnh này rất được ưa chuộng để làm việc. Những nhận định ban đầu từ các reviewer mà chúng tôi có tổng hợp ở đây đều rất khả quan và rất có thể đây là chiếc máy ảnh quan trọng nhất để đưa Sony tiến tới gần vị trí thống trị thị trường của Canikon.

Mặc dù D850 mới chỉ đến tay người dùng và A7RIII còn chưa được chính thức bán ra nhưng dựa theo những thông tin đã có, Vsion đã tổng hợp bảng so sánh chi tiết A7RIII với bản tiền nhiệm A7RII và D850. Chúng ta có thể thấy là D850 vẫn duy trì những điểm mạnh của DSLR như hệ thống lấy nét PDAF tách riêng để đạt hiệu quả lấy nét nhanh và chính xác hơn mirrorless, buffer lớn có thể chụp được liên tục nhiều ảnh hơn, sử dụng khe cắm thẻ nhớ tốc độ cao XQD cũng như thiết kế body chắc chắn, thời lượng dùng pin lâu, thời gian khởi động nhanh, gần như không có độ trễ khi chụp ảnh qua ống ngắm quang học... Thêm nữa Nikon cũng đã nỗ lực đưa thêm những đặc tính của máy mirrorless để tăng tính cạnh tranh như focus peaking, chức năng stacking tự động. Nếu đặt D850 bên cạnh A7RII chúng ta sẽ thấy khoảng cách giữa hai máy khá rõ ở hiệu năng chụp, nên có thể hiểu được tại sao Sony lại tung ra A7RIII đầu tiên khi chuẩn bị vào mùa Giáng Sinh năm nay. Khả năng chụp nhanh 10 fps ảnh RAW 14-bit cùng hệ thống lấy nét lai có số điểm AF phủ phần lớn khung hình và chức năng Eye AF, Face recognition rất hiệu quả cho phép Sony có thể cạnh tranh được về tốc độ với D850, trong khi khoảng cách về độ bền máy và thời lượng dùng pin đã được rút gọn. Những đặc điểm rất riêng của hệ máy mirrorless như chức năng chống rung 5 trục trên body, ống ngắm điện tử có tần số làm tươi 120fps và giảm thiểu tối đa chớp hình khi chụp liên tục, cùng nhiều hỗ trợ người dùng thông qua các loại app và giao thức truyền thông tin (Wi-Fi, FPT file transfer, Bluetooth) vẫn đang làm hài lòng người dùng chuyên nghiệp đã trở nên quen thuộc với hệ máy ảnh này. Ngoài ra, khả năng quay video đều đã được Sony và Nikon chú ý hơn và hai máy ảnh này đều có thể quay phim 4K (mặc dù đều chỉ giới hạn ở 30p 8-bit 4:2:0) nhưng A7RIII có phần lợi thế hơn do sử dụng Picture Profile SLog-2, Slog-3 và Hybrid Log Gamma để đạt được dải màu và chi tiết tốt hơn Flat profile của Nikon. Có thể thấy hai chiếc máy này đều có những thế mạnh riêng và đều rất hấp dẫn với người dùng có nhu cầu sử dụng cao và chuyên nghiệp. Các bạn có thể xem thêm các thông tin chi tiết ở bảng so sánh bên dưới và rút ra nhận xét của riêng mình.

Sony A7R mark II Sony A7R mark III
Nikon D850
Hệ máy Mirrorless ngàm Sony FE DSLR ngàm Nikon F
Kích cỡ cảm biến Full frame 35,9 mm x 24 mm Full frame 35,9 mm x 23,9 mm
Khả năng phân giải 42,4 MP 45,7 MP
Pixel pitch 4,51 micron 4,35 micron
Loại cảm biến Back-illuminated CMOS sensor (BSI)
Chống bụi cảm biến Sử dụng lớp filter quang học trên cảm biến có chống bụi bám Không có
Bộ xử lý tín hiệu hình ảnh Bionz X Bionz X (xử lý tín hiệu nhanh gấp 1,8 lần A7Rii) Expeed 5
Kích thước thân máy 127 x 96 x 60 mm 126,9 x 95,6 x 73,7 mm 146 x 124 x 78,5 mm
Chất liệu thân máy Hợp kim Magie Hợp kim Magie và sợi carbon
Trọng lượng thân máy 640 g (kể cả pin) 657 g (kể cả pin) 1015 g (kể cả pin)
Filter AA (anti-aliasing) Không có
Chống rung trên thân máy Chống rung 5 trục (giảm tối đa 4,5 stop) Chống rung 5 trục (giảm tối đa 5,5 stop) Không có
Hệ thống lấy nét Hybrid AF Multi-CAM 20k (lấy nét theo pha)
Số điểm lấy nét 399 điểm lấy nét pha trên cảm biến, 25 điểm lấy nét theo tương phản 399 điểm lấy nét pha trên cảm biến,
425 điểm lấy nét theo tương phản
153 điểm lấy nét theo pha (99 điểm lấy nét lai cross-type)
Eye AF Có (nhanh gấp 2 lần A7Rii và hỗ trợ với ống kính ngàm A dùng qua ngàm) Không có
Độ bao phủ của điểm AF 45% khung hình 68% khung hình 18% khung hình
Mức nhạy sáng thấp nhất của AF -2 EV (với f/2 lens) -3 EV (với f/2 lens) -4 EV (15 điểm giữa)
Điểm AF ở f/8 Không có 15 điểm
Tốc độ  chụp liên tục 5 fps 10 fps (với chức năng AF và AE cùng flash) 7 fps (9 fps nếu dùng grip)
Focus peaking Có (trong mọi chế độ chụp và quay phim) Có (chỉ khi chụp hoặc quay video 1080p, không có khi quay 4K)
Chớp hình khi chụp liên tục Không có khi chụp 10 fps Không (khi dùng OVF)
Chụp không tiếng động (silent mode) Chỉ hỗ trợ khi chụp Single shot Hỗ trợ chụp liên tục 10 fps Hỗ trợ chụp liên tục 6 fps nhưng chỉ ở chế độ Live view
Khả năng chụp AF ống kính qua ngàm Chụp AF được với ống kính Canon EF, Nikon F, Sony A và các ống kính MF Không có
Bộ lưu đệm (buffer) 22 RAW+JPEG, 23 tấm RAW nén hoặc 9 tấm RAW không nén 75 tấm RAW nén hoặc 28 tấm RAW không nén 170 tấm RAW nén hoặc 51 tấm RAW không nén
Dynamic range 13,9 EV 15 EV (ở ISO thấp) 14 EV
Joystick Không có
Ống ngắm (viewfinder) Ống ngắm điện tử 2,36 triệu điểm ảnh XGA OLED Tru-Finder (60 fps) Ống ngắm điện tử 3,69 triệu điểm ảnh Quad-VGA OLED Tru-Finder (120 fps) Ống ngắm quang
Mức trễ ống ngắm điện tử 0,23 giây - >1 giây (live view)
Độ phóng đại ống ngắm 0,78 X 0,75 X
Màn hình LCD Màn hình lật 3 inch (7,6 cm), 1,2 triệu điểm ảnh Màn hình lật 3 inch (7,6 cm), 1,4 triệu điểm ảnh Màn hình lật 3,2 inch (8,1 cm), 2,4 triệu điểm ảnh
Màn hình cảm ứng Không có cảm ứng Có cảm ứng chạm
Mức ISO lớn nhất 25600 (mở rộng lên 102400) 32000 (mở rộng lên 102400) 25600 (mở rộng lên 102400)
Mức ISO thấp nhất (native) 100 (mở rộng xuống 50) 64 (mở rộng xuống 32)
Tốc độ chụp 1/8000 tới 30 giây
Mức bù sáng (exposure compensation) +/- 5 EV
Flash liền máy Không có
Tốc độ sync flash tối đa 1/250 giây
Khe cắm thẻ nhớ 1 khe cắm thẻ nhớ SD (UHS-I) 2 khe cắm thẻ nhớ SD (1 khe UHS-I và 1 khe UHS-II) 2 khe cắm thẻ nhớ (1 khe UHS-II và 1 khe XQD)
Hỗ trợ chụp RAW không nén 14-bit (12-bit khi chụp liên tục) 14-bit (cả khi chụp liên tục) 14-bit (cả khi chụp liên tục)
Chụp ảnh độ phân giải cao bằng Sensor shift Không có Có (chụp 4 tấm, dịch chuyển 1 pixel sau từng tấm) Không có
Chụp HDR trong máy 3, 5, 9 tấm chụp bracket
Focus bracketing (để chụp stacking) Không có
Hỗ trợ chụp time lapse Không có Không có 4K Time lapse (phải tự ghép nếu chụp 8K Time lapse)
Anti-flickering (chống banding với ánh sáng nhân tạo) Không có
Độ trễ (shutter lag) khi chụp AF 0,21 giây - 0,1 giây
Độ trễ khi chụp MF 0,107 giây - 0,08 giây
Thời gian khởi động 1,5 giây - 0,2 giây
Định dạng video cao nhất 4K (3840 x 2160) 8-bit 4:2:0 25p internal (100 Mbps XAVC S H.264) full pixel readout, no binning 4K (3840 x 2160), 8-bit 4:2:0 30p internal (100 Mbps XAVC S H.264), full pixel readout, no binning 4K (3840 x 2160), 8-bit 4:2:0 30p internal (144 Mbps MPEG-4 H.264)
Hybrid Log Gamma Không có Không có
Picture Profile SLog-2 SLog-3 Flat profile
Quay slow motion 60 fps (1080p) hoặc 120 fps (720p) 120 fps (1080p) 120 fps (1080p)
Khe cắm headphone Có (lỗ cắm 3,5 mm)
Khe cắm microphone Có (lỗ cắm 3,5 mm)
Cổng flash sync Không có
Cổng HDMI
Hỗ trợ Wi-Fi Có (802.11b/g/n với NFC)
Hỗ trợ Bluetooth Không có Có, Bluetooth Standard Ver. 4.1 (2.4GHz band) Có, Bluetooth Standard Ver. 4.1 (2.4GHz band)
Khe cắm USB USB 2.0 (x1) USB 2.0 + USB 3.1 thế hệ 1 (USB-C) USB 3.0 Micro-B (x1)
Dung lượng pin NP-FW50 (1020 mAh): chụp 320 tấm (bật LCD) hoặc 280 tấm (bật EVF) NP-FZ100 (2280 mAh): chụp 650 tấm (bật LCD) hoặc 530 tấm (bật EVF) EN-EL15a/EN-EL15 (1900 mAh): chụp 1840 tấm (không dùng live view)
Khả năng sạc pin khi đang sử dụng Không, nhưng máy có thể sạc qua cổng USB khi không bật Có, thông qua 1 trong 2 cổng USB Không, máy cũng không sạc pin qua cổng USB được
Khả năng chống chịu thời tiết Chống bụi và chống ẩm
Tuổi thọ màn trập 500.000 shot 200.000 shot
Mức giá (vào thời điểm công bố) $3199 $3199 $3300
Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện dựa theo thông tin từ website của Sony và Dpreview
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: