Blog Post

Vượt qua giới hạn thiết bị - Phần 3: kỹ thuật Freelensing (Lens whacking)

Oct 18, 2017
Trong loạt bài viết "Vượt qua giới hạn thiết bị" Vsion xin giới thiệu với bạn đọc các phương pháp chụp và xử lý ảnh để có thể đạt hiệu ứng tốt hơn khả năng thông thường của thiết bị.

Chắc hẳn sẽ có lúc nào đó trong chuỗi ngày cầm máy ảnh, bạn sẽ thấy bí bách với những tấm ảnh mình thường chụp, với mức độ "xóa phông" của ống kính mình hay dùng, với những câu hỏi căn bản như ảnh của mình có lấy đúng nét hay không, bokeh có mịn màng không... Hoặc bạn sẽ thấy ống kính của mình rất giới hạn ở khả năng chụp gần, không tạo hiệu ứng 3D, khó tạo điểm nhấn đặc biệt... Nếu bạn gặp phải những chuyện này thì đó là chuyện hoàn toàn bình thường và rất dễ gặp khi chúng ta bị gò bò trong cách sử dụng các thiết bị các bạn đang có trong tay. Khi bắt đầu loạt bài viết Vượt qua giới hạn thiết bị , mình có suy nghĩ là muốn giới thiệu với các bạn những cách tiếp cận để tăng hiệu quả quang học của thiết bị và làm tấm ảnh tốt hơn về các tiêu chí quang học như đạt DOF mỏng hơn giới hạn, khử noise tốt hơn khả năng của máy, tuy nhiên một tấm ảnh đẹp không nhất thiết phải là một tấm ảnh tốt hơn về các tiêu chí chất lượng hình ảnh. Nếu như hai bài viết trước giúp các bạn phần nào cải thiện giới hạn trên của các thiết bị, trong bài viết thứ ba này mình muốn giới thiệu tới các bạn cách để vượt qua... giới hạn dưới của ống kính. Freelensing là tên của kỹ thuật nhiếp ảnh (hay lens whacking trong quay phim) giúp chúng ta gỡ bỏ những ràng buộc của ống kính và máy ảnh, làm tấm ảnh bộc lộ rõ những "điểm yếu về quang học" mà chúng ta thường tránh như hiện tượng lệch mặt phẳng nét, giảm độ nét hay bị light leak và flare khắp mọi nơi, nhưng đó mới là những thứ chúng ta cần khai thác để tạo ra những tấm ảnh có phong cách mới lạ và sáng tạo.

Đầu tiên, mời các bạn xem video dưới đây do tác giả James Miller thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp lens whacking để hiểu được hiệu ứng chúng ta sẽ đạt được bằng phương pháp này.

Về bản chất, freelensing hay lens whacking là phương pháp siêu đơn giản để chụp ảnh mà thậm chí không cần phải lắp ống kính lên máy ảnh: bạn chỉ cần một tay giữ ống kính phía trước máy ảnh, xoay và di chuyển đến khi đạt hiệu ứng mong muốn mà bạn quan sát được trên máy ảnh. Khi bạn không gắn ống kính lên máy ảnh, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được độ nghiêng của mặt phẳng nét (giống hiệu ứng tilt), khoảng cách của ống kính tới cảm biến và cho phép ánh sáng đi vào khoảng trống giữa ống kính và máy ảnh để tạo hiệu ứng light leak (hiệu ứng vệt sáng hay dò sáng) và flare để bức ảnh thêm phần thú vị.

Thông thường một ống kính gắn với máy ảnh sẽ tạo ra một trường nét nằm song song với bề mặt của cảm biến máy ảnh, nên các điểm nét ở trên hình đều nằm trên cùng một mặt phẳng (mặt phẳng này có thể hơi cong hoặc rất cong tùy thuộc thiết kế ống kính) và các điểm không nét phía trước hay phía sau mặt phẳng này sẽ tạo thành vùng bokeh. Tuy nhiên nếu ống kính di chuyển tự do phía trước máy ảnh mà không gắn qua ngàm thì mặt phẳng nét này có thể nghiêng tùy ý và các bạn có thể tạo những vùng nét nằm nghiêng và thậm chí tạo bokeh "xóa phông" với ngay cả những ống kính tiêu cự ngắn, khẩu độ nhỏ (giống hiệu ứng tilt). Để thực hiện chụp freelensing, các bạn có thể làm theo các bước đơn giản sau:

  1. Mở nắp body máy ảnh và nắp ống kính.
  2. Để máy ảnh ở chế độ cho phép chụp khi không có ống kính (Shoot without lens) và nếu bạn dùng DSLR thì tốt nhất là nâng gương lật lên (mirror lock-up) và chụp ở chế độ Live view để làm chủ được các hiệu ứng hình ảnh.
  3. Xoay vòng lấy nét của ống kính về vô cực (trừ khi bạn muốn lấy nét thật gần thì có thể xoay vòng lấy nét lại gần hơn)
  4. Để đạt hiệu ứng bokeh đẹp nhất thì bạn nên dùng khẩu độ lớn nhất , nhưng nếu bạn muốn DOF dày hơn và tăng độ nét thì bạn có thể hạ khẩu độ xuống.
  5. Tay phải giữ body và nút chụp, tay trái cầm lens đưa lên sát phần ngàm trên body và nghiêng ống kính hoặc đưa lên trước, lùi lại sau đến khi bạn thấy điểm cần lấy nét ở đúng focus và đạt được hiệu ứng như mong muốn.

Để kiểm soát một phần ánh sáng lọt vào khoảng giữa ống kính và body, các bạn có thể giữ máy với bàn tay phải che phía trên khoảng trống này (ấn nút chụp bằng lòng bàn tay). Hình minh họa ở dưới của Philip Bloom có thể giúp các bạn dễ hình dung hơn cách thực hiện này.

Một số lưu ý để freelensing đạt hiệu quả cao:

  • Do phương pháp này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn để quyết định lúc bấm máy, sự kết hợp của ống kính lấy nét tay (MF) và máy ảnh không gương lật là lựa chọn tốt nhất do kích thước nhỏ gọn của ống kính MF, khả năng điều chỉnh nét và khẩu độ không thông qua máy ảnh (đúng với phần lớn các ống kính MF cho máy film), và bạn có thể kiểm soát được hiệu ứng bokeh, flare dễ dàng qua màn hình LCD mà không cần phải bấm máy chụp mới biết.

  • Bất cứ ống kính nào có thể gắn lên máy bạn chụp được hoặc có khoảng cách buồng tối (flange distance) lớn hơn máy ảnh của bạn đang dùng thì bạn đều có thể dùng phương pháp này.

  • Những ống kính có vòng tròn hình ảnh rộng hơn diện tích cảm biến càng nhiều thì dùng phương pháp này càng dễ do lúc bạn nghiêng ống kính thì vùng ảnh sẽ bị xê dịch và có thể không nằm trọn trong khu vực của cảm biến và gây tối góc nặng. Các ống kính full frame sẽ dùng tốt cho máy cảm biến nhỏ hơn, hay ống kính medium format sẽ tốt cho freelensing với máy full frame.

  • Nếu bạn dùng ống kính chỉnh khẩu điện tử qua body và bạn muốn hạ khẩu xuống trước khi chụp (bạn không thể điều chỉnh được trong quá trình chụp) thì bạn có thể chỉnh khẩu độ trên máy ảnh, ấn nút DOF preview (vị trí khác nhau tùy máy) và khi ống kính đang hạ khẩu thì bạn gỡ ống kính ra khỏi máy khi vẫn đang giữ nút DOF preview.

  • Khi bạn đưa ống kính ra xa, ống kính sẽ chụp được gần hơn và ngược lại, còn khi bạn nghiêng ống kính theo hướng nào thì mặt phẳng nét sẽ bị nghiêng theo phương đối diện.

  • Mới đầu phương pháp này sẽ khó làm chủ khi bạn chưa quen với việc kết hợp hiệu ứng, song khi đã quen tay thì bạn hoàn toàn có thể biết được phải điều chỉnh ống kính như thế nào để đạt hiệu ứng mong muốn.

Phương pháp này về cơ bản có thể thực hiện với bất cứ ống kính nào nên thậm chí với ống kính kit trong tay bạn vẫn có thể tạo hiệu ứng bokeh và flare nghệ thuật, không cần thêm thiết bị đắt tiền nào cả. Hãy xem tác giả Tony Lin giới thiệu cách freelensing với các ống kính kit của Canon và Olympus trong video dưới đây:

Với phương pháp này các bạn có thể dùng trong một số ứng dụng như sau:

  • Chụp chân dung với vùng mờ bokeh nằm lẫn với mặt phẳng nét hay thêm hiệu ứng light leak ở cạnh của hình
  • Chụp sản phẩm, chụp close up với khoảng cách lấy nét gần hơn khả năng thông thường của ống kính
  • Chụp cảnh với hiệu ứng tilt để có cảm giác như chụp đồ chơi
  • Chụp lấy nét hai chủ thể không nằm trên cùng một mặt phẳng song song với cảm biến (giống hiệu ứng split diopter)

Freelensing hay lens whacking không phải phương pháp gì mới mà nó vốn đã có từ khi máy ảnh chụp film còn phổ biến và vẫn được sử dụng nhiều trong quay phim. Ngày nay với lợi thế của các máy ảnh không gương lật có flange distance ngắn, càng nhiều người sử dụng phương pháp này với những ống kính máy film để tạo hiệu ứng lạ mà không tốn kém. Trong trường hợp bạn không muốn tấm ảnh bị giảm độ tương phản và bị flare nặng, bạn hoàn toàn có thể dùng ống kính tilt hay tilt-shift để tạo hiệu ứng tương tự, chỉ có khác biệt là khoảng trống giữa ống kính và máy ảnh đã được che lại. Ngoài ra, Lensbaby cũng làm những ống kính dựa theo nguyên lý này để tạo các vùng nét theo ý muốn ( selective focus ). Còn rẻ hơn nữa thì các bạn có thể tự chế lấy hoặc mua các ống kính đã được mod như ống kính Helios 44-2 58mm f/2 ở dưới đã được tháo phần vỏ ngoài và thay bằng ống cao su để giúp bạn có thể di chuyển ống kính tự do trước máy ảnh.

Và đây là hiệu ứng bạn có thể đạy được bằng ống kính Helios đã mod như trên:

Rất đơn giản và ấn tượng phải không nào? Để kết thúc bài viết, mời các bạn xem một số tác phẩm được thực hiện bằng phương pháp freelensing do Vsion chọn ra từ Flickr. Các bạn có thể click vào hình để xem ảnh gốc trên Flickr.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: