Blog Post

Vượt qua giới hạn thiết bị - Phần 1: Phương pháp Brenizer

May 31, 2017
Trong loạt bài viết "Vượt qua giới hạn thiết bị" Vsion xin giới thiệu với bạn đọc các phương pháp chụp và xử lý ảnh để có thể đạt hiệu ứng tốt hơn khả năng thông thường của thiết bị.

Khi đắn đo chuyện mua ống kính, các bạn có thể để ý rằng thông thường các ống kính cùng tiêu cự của một hãng mà khẩu độ tăng 1 stop là giá tiền có thể gấp 2 - 3 lần và khác biệt này đôi khi khiến chúng ta lưỡng lự là liệu có đáng hay không. Nếu bạn có trong tay một ống kính 50mm f/1.8 nhưng muốn có trường nét (DOF) mỏng như một ống kính 50mm f/1.2 hay bạn dùng một chiếc máy crop (APS-C) nhưng muốn ống kính chụp hình ra giống trên máy full frame, bạn có thể làm gì ngoài việc mua ống kính hoặc máy ảnh mới? Tất nhiên mua thiết bị mới có thể giải quyết được nhiều vấn đề một cách đơn giản nếu bạn có khả năng chi trả, nhưng trong nhiếp ảnh chúng ta vẫn có những lối đi tắt để đạt được hiệu quả thiết bị cao hơn mà không cần phải dùng thiết bị khác tốt hơn. Điều các bạn cần là thêm chút công sức, cái này chắc chắn nhanh và đơn giản hơn chuyện cân nhắc đầu tư mà bạn có thể làm bất cứ lúc nào khi bạn có đủ điều kiện. Trong bài viết đầu tiên của loạt bài "Vượt qua giới hạn thiết bị", Vsion muốn giới thiệu với các bạn phương pháp Brenizer hay còn gọi là Bokeh Panorama để chụp ảnh với DOF mỏng hơn bình thường và tăng độ phân giải ảnh.

Phương pháp này được đặt theo tên của nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới Ryan Brenizer do anh là người tích cực quảng bá phương pháp này trong những năm gần đây, tuy nhiên Brenizer không phải người phát minh ra phương pháp này. Từ những năm 1843 phương pháp này đã được công bố sáng chế bởiJoseph Puchberger, tuy nhiên nó không thực sự phổ biến cho đến khi nhiếp ảnh kỹ thuật số ra đời với các công cụ chỉnh sửa như Photoshop giúp việc ghép ảnh trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Tác giả: Erik de Klerck (Nikon D800, 135mm f/2, hiệu ứng tương đương 48mm f/0.7). Click vào hình để xem ảnh gốc.

GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP BRENIZER

Brenizer hay Bokeh panorama thực chất là một phương pháp ghép chồng ảnh ( panoramic stitching ) giống như chụp panorama để có khung hình rộng hơn, nhưng thay vì dùng cho chụp cảnh, phương pháp này chủ yếu được dùng để chụp chân dung, tĩnh vật để đạt cùng một độ dày DOF trên một khung hình rộng hơn. Về nguyên tắc cơ bản, Brenizer hay panorama đều mở rộng giới hạn ảnh một ống kính có thể chiếu lên cảm biến và kết quả là ảnh sẽ giữ nguyên DOF nhưng rộng hơn và dung lượng ảnh tăng cao do kết hợp nhiều ảnh thành phần. Như ảnh minh họa ở trên do Erik de Klerck chụp, hiệu ứng đem lại khi ghép nhiều tấm ảnh chụp bằng ống kính 135mm f/2 có thể ra hiệu ứng giống như chụp bằng ống kính 48mm f/0.7 với DOF rất mỏng nhưng khung hình vẫn rộng.

Mặc dù về nguyên tắc Brenizer giống panorama: cố định các thông số máy ảnh, ống kính và chụp liên tiếp nhiều tấm ảnh khi đưa máy theo chiều ngang, chiều dọc với những khu vực chồng lên nhau để ghép lại ảnh trong quá trình hậu kỳ, tuy nhiên có thể bạn sẽ rất ngại nếu nghĩ đến chuyện chụp chân dung mà phải bố trí thiết bị như đi chụp cảnh. Trong bài viết này mình muốn phân tích và hướng dẫn các bạn cách chụp Brenizer nhanh và phù hợp với điều kiện chụp thông thường.

Đầu tiên, mình muốn giới thiệu cách chụp để ống kính của bạn trên máy ảnh crop (APS-C) vẫn ra hiệu ứng giống như chụp trên máy ảnh full frame mà gần như không có crop factor, thậm chí bạn còn chụp được ảnh dung lượng cao hơn chụp bằng máy full frame.

Như các bạn đã biết, với kích thước cảm biến nhỏ hơn cảm biến full frame, các máy crop chỉ có thể ghi nhận phần giữa hình ảnh đi qua ống kính full frame và chúng ta phải nhân hệ số crop để tính ra tiêu cự quy đổi tương đương của ống kính. Ví dụ như ống kính 50mm f/1.2 trên máy có hệ số crop 1.5x sẽ có góc nhìn tương đương ống kính 75mm f/1.2 trên máy ảnh full frame và có độ dày trường nét DOF tương đương ống kính 75mm f/1.8 nếu hai máy chụp ra cùng một khung hình. Bây giờ chúng ta có thể dùng Brenizer để dù bạn chụp bằng máy APS-C, hiệu ứng ảnh vẫn giống ống 50mm f/1.2 trên máy full frame, và thậm chí còn hơn thế nữa.

Với kích thước cảm biến full frame (36 x 24 mm) và crop APS-C 1.5x (22.2 x 14.8 mm) các bạn có thể thấy trong hình A, theo tính toán của mình thì nếu bạn quay dọc máy APS-C và chụp 3 tấm liên tiếp với khoảng 30% diện tích ảnh trước chồng lên ảnh sau thì tổng diện tích ảnh sẽ gần tương đương 1 tấm ảnh full frame chụp ngang (hình B). Như vậy, nếu bạn dùng ống kính 50mm f/1.2 trên máy APS-C và chụp 3 tấm chồng nhau khi xoay dọc máy, bạn sẽ có 1 tấm hình gần giống như chụp bằng ống kính này trên máy full frame. Mình chứng minh điều này ở loạt ảnh bên dưới:

1. Ảnh đầu tiên chụp bằng Canon FD 50mm f/1.2L trên Sony A7ii (full frame) ở khẩu f/1.2.

2. Ảnh thứ hai là cùng ống kính trên Sony A6300 (APS-C) chụp ở cùng khẩu f/1.2 (bạn sẽ chỉ chụp được phần trung tâm của hình đầu).

3. Mình chụp 3 tấm hình khi quay dọc máy A6300, sao cho khoảng 30% ảnh chồng lên nhau, sau đó ghép bằng Photoshop (rất nhanh, chỉ mất vài phút).

4. Ảnh sau khi ghép so với ảnh gốc có kích cỡ lớn hơn hẳn mà nhìn hiệu ứng khá giống nhau.

5. Chồng khung hình ảnh Brenizer lên ảnh gốc để so sánh hiệu ứng. Do lúc chụp bằng A6300 ống kính tiến tới sát vật thể hơn nên thực ra ảnh ghép còn có DOF mỏng hơn ảnh trên máy full frame một chút.

Sony A7II + Canon FD 50mm f/1.2L (chụp tại f/1.2)

Sony A6300 + Canon FD 50mm f/1.2L (chụp tại f/1.2)

Cách ghép 3 ảnh chụp bằng A6300 để tạo hiệu ứng giống như chụp bằng máy full frame

So sánh kích thước ảnh chụp trên full frame và ảnh chồng Brenizer

So sánh hiệu ứng DOF sau khi chồng Brenizer với ảnh chụp trên máy full frame

Tương tự, nếu đang dùng máy ảnh full frame, bạn có thể tạo ra hiệu ứng như chụp trên máy ảnh medium format với cách chụp tối thiểu 3 hình xoay dọc máy. Với cách này, bạn có thể cheat khẩu độ với các ống kính đang có bằng cách chồng ảnh Brenizer nhưng khi chụp tiến gần tới chủ thể. Ở hai hình bên dưới, các bạn có thể thấy mình dùng ống kính SLR Magic 25mm f/1.4 trên A7ii nhưng có thể tạo ra ảnh tương đương khoảng 25mm f/0.8 bằng cách rút ngắn khoảng cách chụp và chồng 8 ảnh. Lưu ý là ở ảnh chồng Brenizer phía hậu cảnh thể hiện độ cong do khoảng cách chụp gần hơn và do Photoshop làm méo hình để ghép ảnh lại với nhau. Cũng vì thế, phương pháp này thường phổ biến hơn với ống tele do khi thay đổi hướng chụp thì khác biệt giữa các khung hình về độ méo là không đáng kể.

Sony A7ii + SLR Magic 25mm f/1.4 (chụp tại f/1.4)

Ảnh ghép Brenizer từ 8 ảnh chồng chụp bằng A7ii và SLR Magic 25mm f/1.4 để đạt hiệu ứng tương đương 25mm f/0.8. Lưu ý là ảnh sau khi ghép có góc nhìn hẹp hơn ảnh trên một chút nhưng DOF mỏng hơn rất rõ.

CÁCH CHỒNG ẢNH BRENIZER TRÊN PHOTOSHOP

Sau khi chụp các ảnh thành phần để ghép, các bạn mở Photoshop (hoặc các phần mềm ghép ảnh Panorama) để thực hiện ghép ảnh. Trong Photoshop, các bạn vào File --> Automate --> Photomerger... , sau đó chọn Layout là Auto rồi chọn file để ghép. Nếu các bạn đang mở các file trong Photoshop thì dùng chức năng Add Open Files (Photoshop sẽ chọn tất cả file đang mở), sau đó chọn bỏ những ảnh không dùng tới bằng chức năng Remove.

Nếu ảnh của bạn bị tối góc nặng thì nên chọn thêm tùy chọn Vignette removal và chọn Geometric Distortion Correction nếu thấy ảnh bị méo nặng. Sau khi nhấn OK thì máy sẽ tự động ghép ảnh lại và chia thành các layer chồng lên nhau. Các bạn có thể merge các layer ảnh với nhau rồi xử lý hậu kỳ hoặc dùng layer style để áp hiệu ứng lên tất cả các layer bên dưới.

LƯU Ý KHI CHỤP ẢNH THÀNH PHẦN TRƯỚC KHI GHÉP

Giống như chụp panorama, có một số điểm các bạn cần làm theo khi chụp ảnh thành phần để quá trình ghép được chuẩn:

1. Khi chụp cần để máy ở chế độ M với khẩu độ, tiêu cự (nếu dùng ống zoom), tốc độ, ISO, cân bằng trắng cố định. Trong trường hợp bạn không chắc chắn về cân bằng trắng, bạn có thể chụp AWB (cân bằng trắng tự động) và chụp RAW, vì khi xuất ảnh RAW bạn có thể gán cùng 1 giá trị cân bằng trắng cho tất cả ảnh.

2. Ưu tiên chủ thể có khả năng chuyển động và bị rung trước. Khi chụp chân dung, mình sẽ chụp 1 ảnh người trước, sau đó đưa máy sang các khu vực xung quanh để chụp thêm các ảnh chồng. Sau khi lấy nét vào chủ thể, bạn cần khóa nét và xoay máy giống như lúc chụp panorama (máy chỉ quay sang trái phải mà vị trí chụp không thay đổi). Cũng vì vậy, ngoài việc chụp ảnh RAW thì phương pháp này sẽ dễ hơn khi bạn chụp bằng ống kính lấy nét tay.

3. Nếu máy ảnh của bạn có chức năng chụp Panorama thì đây là cách dễ nhất để chụp Brenizer, tuy nhiên cần lưu ý là một số máy không cho phép chụp RAW ở chế độ này.

4. Hướng dẫn trên là cách nhanh nhất để bạn tạo hiệu ứng với thay đổi hệ số crop khoảng 1.5x, còn nếu muốn tăng hiệu ứng hơn nữa thì bạn cần chụp nhiều ảnh chồng lên nhau. Trong thực tế, bạn có thể chụp theo đường zigzag từ trên xuống dưới như trong hình sau:

Minh họa chụp Brenizer với 24 ảnh thành phần trên trang lifedotstyle.com. Click vào hình để xem bài gốc.

CÁC ỨNG DỤNG KHÁC CỦA PHƯƠNG PHÁP BRENIZER

 Mục đích chính của bài viết này là mình muốn giới thiệu với các bạn một phương pháp nhanh để tấm ảnh thêm ấn tượng, nhất là với các bạn đang dùng máy ảnh crop, ống kính crop hoặc ống kính full frame nhưng muốn có hiệu ứng ảnh như máy full frame. Tuy nhiên đây không chỉ đơn thuần chỉ là phương pháp để "nghịch chơi" mà vẫn được ứng dụng trong thực tế, phổ biến nhất là chụp ảnh cưới và chụp chân dung toàn thân. Ngoài ra, các bạn có thể dùng nó cho các mục đích như sau:

1. Cải thiện độ nét mà không phải hy sinh DOF : nếu ống kính của bạn chụp quá soft ở khẩu lớn nhất, bạn có thể hạ khẩu xuống khoảng 1 stop để tăng độ nét rồi chụp gần lại với 2/3 khoảng cách ban đầu , ghép 3 tấm chụp dọc sẽ ra một tấm chụp ngang gần y như chụp ở khẩu lớn nhất.

2. Giảm tiêu cự: nếu muốn góc nhìn rộng hơn, ví dụ như bạn chụp trong quán cafe mà ống kính góc quá hẹp thì bạn có thể nới rộng khung hình bằng Brenizer. Để làm rộng khung hình ngang, bạn cần tối thiểu 3 hình dọc chồng nhau, còn để làm rộng khung hình dọc, bạn cần tối thiểu 3 hình ngang chồng nhau.

3. Chụp ảnh kích cỡ lớn để in : thay vì chụp 1 shot toàn khung hình, bạn có thể chia nhỏ khung hình, chụp gần lại và chụp nhiều ảnh thành phần đề ra một tấm ảnh có độ phân giải rất tốt. Tuy nhiên cần lưu ý là khoảng cách lấy nét gần nhất và tiêu cự ống kính là hai yếu tố giới hạn bạn khó có thể vượt qua. Ống kính tele sẽ phù hợp nhất cho mục đích này.

4. Chụp ảnh clone: bạn hoàn toàn có thể tạo nhiều clone của mẫu bằng cách di chuyển mẫu vào các khung hình khác nhau trước khi ghép.

5. Đạt hiệu ứng không ống kính nào trong thực tế có thể đem lại
: 48mm f/0.7? 200mm f/1.2? Brenizer là cách đơn giản và duy nhất để bạn có thể khám phá những hiệu ứng của khẩu độ siêu lớn như vậy.

ẢNH MẪU

Nếu sử dụng phương pháp này thành thạo, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những tấm ảnh vừa rộng vừa có hiệu ứng không gian và bokeh lung linh như những ảnh dưới đây.

Tác giả: Ryan Brenizer. Ảnh ghép từ 10 tấm ảnh nhỏ.

Tác giả: Erik de Klerk.

Tác giả: Photo-Lovestory (Flickr)

Nguồn: Fstoppers.com. Click vào hình để xem thêm ảnh mẫu.

Nguồn: Hushushphotography

Dr. Fox
Bài viết được thực hiện bởi Dr. Fox
Nghiêm cấm sử dụng lại trên các trang web và ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: