Blog Post

6 lý do bạn nên sử dụng tiêu cự 28mm

Jan 03, 2017

Nói đến tiêu cự thông dụng trong nhiếp ảnh, ai cũng sẽ nghĩ đến 35mm và 50mm. 2 tiêu cự này đã trở thành tiêu chuẩn và gắn liền với rất nhiều nhiếp ảnh gia huyền thoại trên thế giới, đặc biệt là những người chụp ảnh đường phố, hay phóng viên, tư liệu. Với sự phát triển của nhiếp ảnh thời đại mới, trong nhiều năm trở lại đây đang có sự nổi lên của nhiếp ảnh với tiêu cự 28mm. Ở Việt Nam cũng vậy, ngày càng có nhiều nhiếp ảnh gia có tiêu cự 28mm gắn chết trên máy, đặc biệt là các thể loại ảnh đường phố, vốn nổi tiếng trong cộng đồng sử dụng Fujifilm hay Leica.

Đôi khi bạn phải tận dụng tất cả khoảng không gian xung quanh mà bạn có. Đây là bức ảnh chụp trên một con thuyền du lịch, người chụp đứng khá sát với cặp đôi.

Vậy tiêu cự 28mm có gì đặc biệt? Bạn có nên thử sử dụng tiêu cự này hay không? Có 6 lý do như sau:

1. Nó không giống với tiêu cự 35mm

Một số người nói rằng sự khác biệt giữa 35mm và 28mm là không nhiều. Nhưng thực sự không phải như vậy. Rất nhiều nhiếp ảnh gia làm việc với combo 35-50 hoặc 28-50, nhưng kể cả khi bạn đã có 35mm, thêm vào tiêu cự 28mm sẽ khác biệt rất nhiều. Góc nhìn ngang của 28mm (65 độ) và 35mm (54 độ) không quá khác biệt khi cùng chụp phong cảnh, nhưng nếu như đi sâu xát hơn và chụp cuộc sống hàng ngày, sự khác biệt mới trở nên cực kỳ rõ ràng.

2. Thu hút sự chú ý của người xem vào bức ảnh

Tiêu cự 28mm có khả năng đặc biệt đem đến cho người xem ấn tượng rằng họ đang thực sự có mặt trong khung cảnh đó, nhưng lại không gặp hiện tượng mà ống kính góc rộng nào cũng gặp phải: méo hình (distortion). Mặc dù tiêu cự 50mm vẫn thường được gọi là tiêu cự "tiêu chuẩn", nó vẫn hơi dài so với cái gọi là "tiêu chuẩn" hay "thông thường" với mắt người chụp. Nhiều tài liệu đã chứng minh, tiêu cự của mắt người bình thường là 43mm, như vậy thì ống kính phải có tiêu cự 45mm hoặc 40mm mới có thể gọi là "tiêu chuẩn" và khớp với mắt người nhất. Ống kính tiêu cự 35mm có thể được coi là ống kính "góc rộng" đầu tiên. Như vậy, tiêu cự 28mm ở đây "thực sự" là một ống kính góc rộng, có khả năng phóng lớn sự khác biệt giữa các vật thể ở gần và ở xa.

Nếu biết cách sử dụng, với tiêu cự 28mm bạn có thể thu hút sự chú ý của người xem vào bức hình của mình. Đây là lý do tại sao tiêu cự này lại được các nhiếp ảnh gia đường phố, nhiếp ảnh phóng sự và tư liệu yêu thích đến vậy. Họ muốn cho bạn xem một chủ thể (một người, một vật, một nhóm) trong một bối cảnh (hậu cảnh, tiền cảnh hay sự vật xung quanh chủ thể) để đẩy độ kịch tính và nội dung lên cao nhất. 28mm sẽ là tiêu cự hoàn hảo cho việc này. Bạn có thể có nhiều nội dung trong bức ảnh của mình, bạn có thể tiến đến gần chủ thể hơn. Và nếu như bạn bỏ 28mm và sử dụng tiêu cự nào đó hẹp hơn, bạn sẽ nhận ra sự thay đổi đó ngay lập tức.

3. Tiêu cự 28mm là tiêu cự góc rộng thực sự nhưng độ méo hình là rất thấp

Bạn có lẽ đã quen với hiệu ứng của ống kính góc rộng khi chụp gần (close up). Nó có thể làm biến dạng các khuôn mặt và cho ra những biểu cảm rất buồn cười. Nó có thể rất thú vị trong một vài trường hợp, nhưng đối với người chuyên nghiệp thì khó có thể chấp nhận được. Ống kính góc rộng có một vài đặc điểm không phải ai cũng thích. Phụ thuộc vào cách bố cục, các đường thẳng có thể sẽ bị bẻ cong, hình ảnh sẽ bị méo so với khung cảnh bạn nhìn thấy trong đời thực. Đối với nhiếp ảnh gia kiến trúc đây là hạn chế khó chấp nhận, và họ thường phải bỏ rất nhiều tiền để mua những ống kính tilt-shift. Tiêu cự 28mm có lẽ là sự cân bằng hoàn hảo nhất giữa việc có được góc rộng đồng thời hạn chế được hiện tượng méo hình. Nếu bạn sử dụng một ống kính thực sự tốt, hiện tượng méo hình có thể bằng 0.

Kết nối giữa sự kiện và khugn cảnh: 28mm là một công cụ hoàn hảo

4. Garry Winogrand sử dụng 28mm

Garry Winogrand có lẽ là nhiếp ảnh gia sử dụng 28mm nổi tiếng nhất. Bạn có thể tìm hiểu thêm về ông qua Google, hoặc qua bài viết sau của Eric Kim. Ông sử dụng các tiêu cự 21, 28 và 35mm, nhưng ông thích dùng 28mm vì lý do sau:

"Nếu có thể, tôi ước mình có được một ống kính có thể đưa trọn góc nhìn của mình vào trong đó, mà không bị ảnh hưởng bởi sự méo hình trong quang học. Tiêu cự 28mm có lẽ hạn chế được yếu tố này nhiều nhất, ít bị ảnh hưởng hơn là 21mm. Nó là tiêu cự có thể gây được sự chú ý tối đa và rất gần với quan điểm của tôi trong nhiếp ảnh. Tiêu cự 21 có thể gây được sự chú ý tốt hơn, nhưng lại quá giới hạn về mặt quang học. Nếu dùng nó bạn sẽ phải rất cẩn thận."

Winogrand thường chup với chỉ một tay, ống kính của ông thường đặt ở khẩu f/11 đến f/16, tận dụng yếu tố về độ sâu trường ảnh để đưa càng nhiều vật thể vào trong khoảng nét một cách tối đa.

5. 28mm thực sự là một thử thách

Ống kính 28mm không dễ để sử dụng một tí nào. Việc đưa được nhiều nội dung vào trong bức ảnh của bạn có nghĩa rằng mỗi yếu tố mỗi nội dung phải kết nối được với nhau để có được một bố cục đẹp. Nói cách khác: 28mm có thể rất lộn xộn. Nhưng nếu như bạn bố cục đúng cách, hình ảnh và nội dung có thể được đẩy lên rất hiệu quả và kịch tính. Sử dụng 28mm thực sự là thử thách với bất cứ ai.

6. Rẻ, nhẹ

Một yếu tố quan trọng khác mà bạn nên có một ống kính 28mm. 28mm khá dễ để thiết kế và sản xuất, do vậy, giá thành thường khá rẻ. Những ống kính như Fuji XF 18mm f/2 R (APS-C), hay Panasonic Lumix 14mm f/2.5 (M43) có giá thành khá dễ chịu. Ngay cả ống kính Leica rẻ nhất, Leica 28 Elmarit cũng là một ống kính cực tốt. Elmarit cho ra ảnh rất nét, độ tương phản tốt, nhỏ và nhẹ. Bạn có thể mang theo nó cả ngày mà không cảm nhận thấy độ nặng của ống kính, một người đồng hành du lịch lý tưởng.

Nhỏ, nhẹ và cực nét. Leica Elmarit 28mm rất hoàn hảo cho những cuộc phiêu lưu.

Để biết thêm về tiêu cự 28mm trên thực tế, nhìn những bức ảnh du lịch, đường phố hay chân dung được chụp với 28mm, bạn hãy thử tham gia vào các group Fujifilm Vietnam hay Leica Vietnam để tham khảo. Cách đơn giản nhất, hãy đi mua ngay một ống kính 28mm đi, không tốn là bao nhưng thực sự sẽ là một khoản đầu tư cực kỳ xứng đáng!

Bài viết gốc: joerivanderkloet

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được biên tập bởi P.N.
Các bạn có thể liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: