Blog Post

Vsion review - Konica Hexanon AR 40mm f/1.8

Jan 03, 2017

Để mở đầu cho chuỗi bài đánh giá ống kính chất lượng tốt giá rẻ, hôm nay Vsion sẽ xin giới thiệu đến các bạn ống kính Konica Hexanon AR 40mm f/1.8. Đây là ống kính pancake có giá chỉ dao động trong khoảng trên dưới 1 triệu đồng tùy hình thức và độ mới của ống kính.

Thời điểm sản xuất và thông số kỹ thuật

Ống kính Hexanon AR 40mm f/1.8 được sản xuất trong giai đoạn những năm 1976 - 1983 bởi công ty Konica. Đây là ống kit cho máy phim Autoreflex TC và FS-1 của Konica và ngừng sản xuất sau khi hãng ngừng chế tạo FS-1 vào năm 1983. Hexanon là tên các ống kính máy SLR của Konica và từng được đánh giá rất cao khi chất lượng gần như tất cả ống kính trong series này đều đạt mức độ cao và đồng đều. Trước dòng ống kính ngàm AR, Konica cũng sản xuất một dòng ống kính khác tên là F (mặc dù cùng tên nhưng khác với ngàm F của Nikon). Ngàm F và AR của Konica mặc dù có cùng khoảng cách buồng tối (Flange focal distance - FFD) nhưng hoàn toàn không sử dụng thay nhau được.

(Credit: Dan James - Flickr)

Ống kính AR 40mm f/1.8 cũng giống nhiều ống kính Hexanon khác là series ống kính đầu tiên trên thế giới có chế độ AE (Auto exposure hay bù sáng tự động) do Konica đi đầu trong kỹ thuật này. AR 40mm f/1.8 cũng là ống kính Hexanon đầu tiên sử dụng nút khóa AE hình chữ nhật thay vì hình cạnh tròn như các ống kính trước của Konica.

Kích thước pancake của ống kính này giúp bạn có thể bỏ ống kính gọn trong túi quần (chỉ dài 27 mm và nặng 140 g). Ngàm AR có thể khóa rất chắc chắn, đây là một trong những loại ngàm khóa vào thân máy chắc chắn nhất mình từng được dùng. Ống kính được thiết kế gọn nhẹ, với vòng cao su nhỏ ở phía sát filter và vòng khẩu ở phía sau phát ra tiếng click nghe khá đanh mỗi khi chuyển khẩu. Nếu bạn xoay vòng khẩu quá khẩu nhỏ nhất (f/22) thì ống kính sẽ khóa lại ở chế độ AE để máy có thể tự động chỉnh khẩu độ (chỉ hoạt động với máy phim Konica). Nếu muốn bỏ khóa AE thì bạn chỉ cần ấn vào nút khóa nhỏ ở cạnh ống kính và xoay ngược lại.

Nhờ kích thước nhỏ gọn và thiết kế đẹp với chữ 40/1.8 khắc chìm sơn đỏ rất nổi bật, ống kính này khi gắn lên máy A7ii rất hợp để mang đi chụp loanh quanh và chụp street. Tuy nhiên vì ống kính nhỏ, vòng lấy nét chiều ngang hẹp nên đôi khi mình thấy hơi khó phân biệt vòng khẩu và vòng lấy nét nên có thể xoay nhầm.

Ống kính tăng chiều dài khi lấy nét ở xa. Sau 7 m ống kính sẽ sang lấy nét ở vô cực và nhô ra khoảng 7 mm so với kích thước ban đầu. Khoảng cách lấy nét gần nhất của ống kính là 45 cm, ở mức trung bình so với các ống kính cùng dải tiêu cự, có thể dùng để chụp close up nhưng không thực sự gần để đạt mức phóng đại lớn. Nếu bạn dùng ống kính này với ngàm Techart Pro thì có thể giảm khoảng cách này xuống khoảng một nửa, có thể chụp gần chi tiết tốt. Thiết kế lá khẩu của ống kính này khá đặc biệt nên khi xoay về f/2.8, lỗ khẩu tạo hình phi tiêu 6 cạnh rất đều, khi hạ xuống f/4 thì gần như mất hẳn và từ f/5.6 lỗ khẩu luôn giữ dạng hình lục giác đều.

Dưới đây là bảng tóm tắt các thông số kỹ thuật:

Konica Hexanon AR 40mm f/1.8
Hãng sản xuất Konica
Loại ống kính Ống kính máy film 35mm, lấy nét bằng tay
Ngàm ống kính Konica AR
Tiêu cự ống kính 40mm (tương đương 60mm full frame nếu sử dụng trên máy APS-C 1.5x)
Khẩu độ lớn nhất f/1.8
Khẩu độ nhỏ nhất f/22
Khoảng cách lấy nét gần nhất 45cm
Thiết kế quang học 6 thấu kính trong 5 nhóm
Số lá khẩu 6 lá khẩu
Thiết kế thấu kính 14 thấu kính / 10 nhóm
Khối lượng 140 g
Chiều dài 27 mm
Đường kính filter 55 mm

Độ nét trung tâm, quang sai màu (chromatic aberration) và khả năng chống lóa (flare, ghost)

Để thực hiện đánh giá cùng lúc độ nét trung tâm, quang sai màu và khả năng chống lóa, mình sử dụng máy A7ii, chụp cầm tay (có bật chống rung) và ngàm chuyển AR-NEX thông thường để dùng ống kính AR 40mm f/1.8. Mình không dùng filter hay bật các chức năng tăng độ nét, tương phản, tươi màu hay khử noise. Ảnh được xuất thẳng từ file RAW với mức độ sharpen (tăng nét) giảm xuống 0. Mình chụp ngược sáng xiên chéo ống kính để các đặc tính như quang sai màu và lóa, bóng sáng (ghost) có thể thể hiện rõ. Ảnh so sánh vùng trung tâm từ khẩu f/1.8 xuống f/22 được thể hiện qua 8 ảnh zoom lớn ở dưới.

Độ nét tâm hình : độ nét vùng trung tâm hình ở mức trung bình khá, hơi soft, nhưng cải thiện rất nhanh khi hạ khẩu xuống f/2.8 và đạt mức rất nét ở f/8. Từ f/11, hiện tượng nhiễu xạ (diffraction) làm độ nét bắt đầu giảm cho tới f/22. Do chụp ngược sáng nên độ nét vẫn có thể tốt hơn khi chụp trong điều kiện ánh sáng bình thường.

Quang sai màu hay sắc sai (chromatic abberation): mức độ quang sai màu của ống kính này rất thấp, chỉ xuất hiện màu xanh nhạt ở viền các chi tiết sáng màu ở mức nhẹ và mất hẳn từ sau f/4.

Khả năng chống lóa và ghost : khi chụp ngược sáng, mức độ giữ độ nét chi tiết và độ tương phản của ống kính này ở mức độ trên trung bình. Tia flare (ghost) có dạng đặc trưng rất giống các ống có khẩu lớn và nói khách quan thì dạng ghost này đẹp để có thể thêm yếu tố nghệ thuật vào bức ảnh chân dung của bạn. Mức độ bị lóa nặng nhất là như ở hình dưới, khi ánh nắng mặt trời gần như vuông góc với mặt ống kính.

Độ nét vùng biên và mức độ tối góc (vignette)

Mình thực hiện chụp tương tự như trên nhưng lần này lấy nét vào khu vực góc hình cũng như không hướng về phía ánh nắng để mức độ tối góc có thể nhìn thấy rõ. Độ nét ở vùng biên khá kém ở f/1.8 nhưng giống như trung tâm hình, mức độ nét được cải thiện nhanh khi hạ khẩu và đạt mức cao nhất ở f/8. Từ f/11, chất lượng ảnh cũng có phần giảm do hiện tượng nhiễu xạ nhưng tới f/22 vẫn ở mức chấp nhận được. Mức độ tối góc ở f/1.8 khá rõ nhưng mất hẳn từ f/5.6 trở đi (như hình dưới).

Độ méo hình (distortion) và độ cong trường nét (field curvature)

Tiêu cự 40 mm có thể thay đổi linh hoạt giữa chụp chân dung, đường phố và chụp cảnh nên mức độ méo hình cũng là một yếu tố đáng quan tâm. Bằng cách chụp bức tường gạch theo hướng vuông góc với các đường ngang, dọc song song, chúng ta cũng có thể thấy ống kính này bị méo ở mức khá dạng méo thùng (barrel distortion) hay méo phình ở giữa hình. Ở dưới mình có lồng hình các đường song song để các bạn dễ nhận ra mức độ méo. Mức độ méo này có thể sửa dễ dàng trong Lightroom hoặc Photoshop.

Độ cong trường nét (field curvature) : là hiện tượng xảy ra ở tất cả các ống kính, chỉ khác nhau ở mức độ. Do cấu tạo thấu kính dạng cầu nên mặt phẳng nét thông thưởng không phải dạng phẳng mà hơi cong, thậm chí rất cong như các ống kính Petzval (các bạn có thể đọc thêm trong bài viết về MTF Chart của mình). Quan sát ảnh chụp tại f/1.8 ở dưới đây các bạn có thể thấy là mặt lấy nét không phải là một mặt phẳng mà cong hướng về phía máy ảnh. Do hiện tượng này nên ở khẩu độ lớn, sẽ không bao giờ bạn lấy nét được trung tâm ảnh và vùng biên nếu các chi tiết này trên cùng một mặt phẳng. Hiện tượng này được bù lại khi bạn hạ khẩu độ xuống làm tăng DOF.

Đặc trưng bokeh

Ống kính AR 40mm f/1.8 có thể chụp ra bokeh mịn màng hoặc hơi gắt phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng và khoảng cách từ điểm bạn chụp tới hậu cảnh. Như trong hình kiểm tra ở dưới, hậu cảnh ở cách điểm lấy nét trên 5 m, nguồn sáng ở xa hơn 10 m và không có ánh sáng chiếu trực diện vào ống kính nên bokeh nhìn khá mượt mà. Tuy nhiên nếu bạn chụp trong điều kiện ánh sáng phức tạp hơn và hậu cảnh, nguồn sáng ở gần hơn thì bokeh có thể hơi gắt với dạng bokeh có lên phần viền gần giống bokeh bong bóng. Bokeh ở gần vùng biên của ống kính này có đặc điểm là hơi xoáy ở sát góc và giống hiệu ứng zoom hướng tâm ở gần trung tâm. Các bạn có thể thấy rõ hơn trong các hình sample ở dưới.

Như mình đã nhắc tới ở trên. ống kính này có 6 lá khẩu và từ f/2.8 tới f/4, các cạnh lá khẩu tạo thành hình phi tiêu. Khẩu f/1.8 bokeh ra dạng tròn, có thể hơi giống vảy cá vì phần nửa dưới có thể không sáng bằng nửa trên. Từ f/4 trở đi, bokeh tạo dạng lục giác đều.

Đặc trưng tia khi phơi sáng

Do thiết kế 6 lá khẩu, khi phơi sáng bằng ống kính này (chụp đêm hoặc chụp mặt trời qua kính ND) thì các nguồn sáng sẽ tạo ra tia 6 cạnh từ f/5.6 và các tia sẽ kéo dài, nét hơn khi bạn tiếp tục hạ khẩu xuống. Từ f/11 dạng tia không khác biệt đáng kể với f/16 hay f/22. Tia có độ dài đồng đều và sắc gọn, rất phù hợp để chụp phơi sáng.

Ảnh thực tế

Dưới đây là một số ảnh thực tế chụp tại các khẩu độ khác nhau do mình và P.N. cùng thực hiện. Phần lớn ảnh chụp tại khẩu f/1.8 và không xử lý hậu kỳ. Một số ảnh ở cuối có xử lý ánh sáng và màu như ghi chú. Các bạn có thể download ảnh chất lượng cao bằng link ở ngay dưới ảnh.

Ảnh thực tế tại f/1.8 (chụp bằng A7ii) - ảnh xuất từ file RAW không xử lý hậu kỳ.

Ảnh thực tế tại f/2.8 (chụp bằng A7ii) - ảnh xuất từ file RAW không xử lý hậu kỳ.

Ảnh thực tế tại f/4 (chụp bằng A7ii) - ảnh xuất từ file RAW không xử lý hậu kỳ.

Ảnh thực tế tại f/5.6 (chụp bằng A7ii) - ảnh xuất từ file RAW không xử lý hậu kỳ.

Ảnh thực tế tại f/8 (chụp bằng A7ii) - ảnh xuất từ file RAW không xử lý hậu kỳ.

Ảnh thực tế tại f/11 (chụp bằng A7ii) - ảnh xuất từ file RAW không xử lý hậu kỳ (lưu ý hiện tượng ghost dạng 2 hình tam giác màu xanh tím do ánh đèn chiếu thẳng vào ống kính)

Ảnh thực tế chụp tại f/1.8 (chụp bằng A7ii) - ảnh đã qua hậu kỳ màu và ánh sáng.

Ảnh thực tế chụp tại f/5.6 (chụp bằng A7ii) - ảnh đã qua hậu kỳ màu và ánh sáng.

Tóm tắt đánh giá

Ống kính Konica Hexanon 40mm f/1.8 là một ống kính khá thú vị để bạn trải nghiệm và theo Vsion đánh giá, đây là một trong số những ống kính có giá thành thấp mà hiệu năng sử dụng cao so với đồng tiền bỏ ra. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng ống kính này cũng có những giới hạn nhất định như mình đã phân tích tích ở trên và nhóm mình thực hiện bài đánh giá này để mọi người có thể hiểu hơn thế mạnh và điểm yếu của ống kính. Lựa chọn khác cho các bạn đang dùng Sony là ống pancake EF 40mm f/2.8 STM của Canon, ống kính này có thể dùng AF nếu bạn đang dùng ngàm MC-11 hoặc các ngàm AF thường nếu bạn dùng máy từ A7ii trở về sau. Đây cũng là ống kính rất nhỏ gọn như AR 40mm f/1.8, tuy nhiên giá cao gấp đôi và bạn sẽ phải dùng khẩu nhỏ hơn là f/2.8.

Hexanon AR 40mm f/1.8 phù hợp nhất với chụp đường phố, chân dung gần, chân dung trẻ em, chụp cảnh không yêu cầu góc thật rộng. Tốt nhất bạn nên tránh các nguồn sáng chiếu trực tiếp vào ống kính trừ khi đấy là chủ đích của bạn và khi chụp cần sắc nét, khoảng f/5.6 tới f/8 là khoảng đẹp nhất để có thể đạt độ nét cao từ tâm tới rìa. Bokeh ống kính này sẽ đẹp nhất khi bạn chụp gần đối tượng khoảng 1 m trở lại và hậu cảnh ở xa, cũng như nguồn sáng không phức tạp. Ở f/2.8 bạn có thể tạo bokeh phi tiêu khá thú vị. Khi chụp nhóm nhiều người nên hạ khẩu xuống f/5.6 và tốt nhất là mọi người đứng theo hình cung hơi cong theo trường nét của ống kính để lấy rõ mặt tất cả mọi người. Trên hết đó là ống kính này rất dễ mang theo người nên hy vọng mọi người sẽ chụp được nhiều ảnh đẹp. Hãy chia sẻ với bọn mình nếu bạn tìm được một ống kính ưng ý và chụp được những tấm ảnh đẹp nhé.

  • Chất lượng quang học: 75 / 100
  • Thiết kế và thuận tiện khi sử dụng: 90 / 100
  • Giá thành / hiệu năng sử dụng: 90 / 100
  • Khả năng chuyển ngàm cho máy mirrorless: 70 / 100 (ngàm chuyển AR không bán nhiều)
  • Độ hiếm: 60 / 100 (không phổ biến)
  • Điểm đánh giá chung: 70 / 100 (đáng có)

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên bất kỳ website khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: