Blog Post

Đánh giá Meike 35mm f/1.7 (APS-C)

Mar 12, 2018

Không phải là cái tên quá mới mẻ trên thị trường thiết bị nhiếp ảnh nhưng các ống kính của Meike gần đây mới bắt đầu được quan tâm nhiều hơn do công ty vốn chỉ được biết tới là công ty sản xuất các thiết bị phụ trợ như battery grip, ngàm chuyển, remote... và mảng ống kính nhiếp ảnh do công ty sản xuất nhắm tới thị trường máy ảnh không gương lật vẫn còn đang phát triển. Được thành lập tại Hong Kong vào năm 2005 , Meike đã có 13 năm kinh nghiệm và các sản phẩm của Meike đang ngày càng mở rộng, thể hiện công ty đang trên đà phát triển đúng hướng.

Trong bài viết hôm nay, Vsion xin giới thiệu một ống kính dành cho máy ảnh không gương lật APS-C hay crop của Meike là ống kính 35mm f/1.7 . Gần đây ống kính này được quan tâm vì mức giá rất rẻ (chưa tới 2 triệu đồng) và thiết kế nhỏ gọn rất phù hợp với máy ảnh không gương lật, mặc dù điểm quan trọng nhất chúng ta cần cân nhắc tới là Meike 35mm f/1.7 hoàn toàn sử dụng cơ chế lấy nét tay chứ không có khả năng lấy nét tự động. Ống kính này khi dùng với máy ảnh APS-C sẽ có góc nhìn xấp xỉ ống kính 50mm khi dùng với máy full frame và đây là góc nhìn rất gần với mắt người. Để dễ hình dung hơn về chất lượng ống kính, Vsion cũng so sánh Meike với một ống kính "chính hãng" gần tương đương về tiêu cự và khẩu độ là Fujifilm XF 35mm f/1.4 R (đắt hơn 7-8 lần). Meike 35mm f/1.7 có nhiều phiên bản ngàm khác nhau dành cho máy Sony ngàm E, Fujifilm ngàm X, Canon EOS M ngàm M, Micro four thirds. Các ống kính này y hệt nhau về thiết kế quang học, chỉ khác nhau phần ngàm.

Do bài viết khá dài nên các bạn có thể click vào phần mình quan tâm để tới nội dung đó từ trong phần Mục lục bên dưới.


Click vào mục bạn muốn xem để tới phần nội dung bài viết. Các bạn có thể quay trở lại mục lục sau mỗi phần bằng cách click vào dòng chữ "Quay trở lại Mục lục" ở cuối


Đầu tiên các bạn có thể tham khảo so sánh các đặc tính kỹ thuật của hai ống kính trong bảng dưới đây

Meike 35mm f/1.7 Fujifilm XF 35mm f/1.4 R
Nhà sản xuất Meike (Hong Kong) Fujifilm (Nhật Bản)
Tiêu cự 35mm
Góc nhìn ống kính 44,2°
Ngàm ống kính Sony E, Fujifilm X, Canon EOS M, Nikon 1, MFT (không kết nối điện tử với máy ảnh) Fujifilm X (ống kính native có kết nối điện tử với máy ảnh)
Loại máy ảnh APS-C/MFT APS-C
AF/MF MF AF
Khẩu độ lớn nhất f/1.7 f/1.4
Khẩu độ nhỏ nhất f/22 f/16
Vòng khẩu độ Vòng kim loại, không có điểm dừng khi chuyển khẩu và không tạo tiếng Vòng nhựa, có tiếng click khi chuyển khẩu
Vòng lấy nét Vòng nhựa, lấy nét vật lý Vòng nhựa, lấy nét điện tử
Công thức thấu kính 5 nhóm /6 thấu kính 6 nhóm / 8 thấu kính
Thấu kính đặc biệt Không có 1 thấu kính phi cầu (đúc thủy tinh)
Lớp tráng phủ (coating) Multi-coated Multi-coated
Số lá khẩu 8 lá khẩu (hơi cong) 7 lá khẩu (hơi cong)
Khoảng cách lấy nét gần nhất 30 cm 28 cm
Tỷ lệ phóng đại lớn nhất 0,113 X 0,17 X
Chiều dài ống kính 33 mm 54,9 mm
Đường kính lớn nhất 61.8 mm 65 mm
Khối lượng ống kính 172 g 187 g
Đường kính filter 49 mm 52 mm
Giá (3/2018) $90 (VN: 1.600.000 đồng) $600 (VN: 12.600.000 đồng)

Cảm nhận đầu tiên khi cầm ống kính Meike 35mm f/1.7 là nó rất nhỏ gọn, chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Thiết kế bên ngoài của ống kính này hoàn toàn sử dụng kim loại và mang dáng dấp của các ống kính máy film thập niên 80 của thế kỷ trước như Super Takumar. Bên ngoài lớp vỏ kim loại được sơn đen không bóng và chất lượng lớp sơn có vẻ khả tốt khi dùng một thời gian không hề thấy dễ bị xước xát chút nào. Vòng lấy nét có độ lỳ vừa phải và bám tay tốt với các chi tiết cắt vát và khấc nhỏ. Ngoài ra, vòng lấy nét có khoảng chuyển động khá lớn (tầm 190 độ) nên cảm giác lấy nét tay dễ và có thể di chuyển những khoảng lấy nét rất nhỏ. Tuy nhiên vòng khẩu độ là một điểm trừ với ống kính này do được thiết kế không có điểm dừng cứng giữa các mốc khẩu độ và không tạo tiếng khi xoay (giống vòng khẩu độ các ống cine) nhưng lại không có bánh răng như ống cine và do ống kính khá ngắn nên dễ đụng nhẹ và làm xoay vòng khẩu độ khi đang lấy nét. Vòng khẩu kiểu này cũng làm bạn thi thoảng phải kiểm tra lại khẩu độ để đảm bảo mình không chọn nhầm. Bên cạnh đó, phần ngàm làm bằng kim loại sáng giúp bạn dễ nhận ra điểm gắn ống kính để thao tác tháo lắp nhanh và độ dày của ngàm được gia công chuẩn xác nên ống kính gắn rất chắc vào body mà không bị lung lay. Ngay cả phần nắp ống kính cũng làm bằng lá kim loại mỏng chứ không dùng nắp nhựa nhưng rất khít với vành trước ống kính nên khá là khó rơi (tuy nhiên bạn cũng cần để ý vì nắp nhẹ và nhỏ nên có thể đánh mất). Nhìn chung, chất lượng build của ống kính có thể khiến bạn rất an tâm.

So sánh Meike 35mm f/1.7 và Fujifilm XF 35mm f/1.4 R

XF 35mm f/1.4 R là ống kính được người dùng Fujifilm khá ưa chuộng do thiết kế nhỏ gọn và khẩu độ f/1.4 đủ lớn để chụp chân dung hay chụp trong nhiều điều kiện thiếu ánh sáng. Khi đặt cạnh Meike 35mm f/1.7 các bạn sẽ dễ nhận thấy ống kính XF lớn hơn một chút cả về chiều cao ống kính và đường kính thân ống kính và đường kính thấu kính trước. Mặc dù có cấu tạo thân ống kính bằng nhựa nhưng XF 35mm f/1.4 vẫn nặng hơn Meike và mặc dù vòng khẩu độ của XF không phải vòng tương tác vật lý (khẩu độ thực chất được điều khiển điện tử thông qua thao tác vặn vòng khẩu độ) nhưng cảm giác khi xoay vòng khẩu độ này dễ cảm nhận hơn nhiều ống kính Meike. Tuy vậy, vòng lấy nét của XF 35mm f/1.4(cũng điều khiển thông qua điện tử chứ không phải tương tác vật lý trực tiếp)không có cảm giác chính xác và độ lỳ của vòng lấy nét vật lý như Meike. Do không có liên kết điện tử với body nên khi xoay vòng lấy nét bạn sẽ không tự động thấy hình ảnh được zoom lên ở vị trí tùy chọn để chỉnh độ nét như ống kính XF 35mm ở chế độ lấy nét tay. Ngoài ra cả hai ống kính đều "thò thụt" khi thay đổi điểm lấy nét (phần trước ống kính thay đổi độ dài) nhưng kính trước không xoay nên không có ảnh hưởng nếu bạn dùng filter GND (gradient neutral density).

Để so sánh chất lượng quang học của Meike và XF 35mm f/1.4, mình tiến hành so sánh bằng cách chụp hình thay phiên 2 ống kính trên cùng máy ảnh Fujifilm X-T1 để chụp cùng một đối tượng. Phần lớn các ảnh so sánh đều được chụp khi sử dụng tripod để giảm thiểu sai khác giữa 2 tấm hình và trừ khi so sánh màu tái tạo trực tiếp trên file JPEG thì tất cả ảnh đều được chụp dưới dạng RAW, tắt toàn bộ các chức năng tác động tới hình ảnh trong máy và không sử dụng filter hay hood che ống kính khi tiến hành chụp.

Nếu bạn là người cần dùng ảnh trực tiếp sau khi chụp mà ngại hoặc không biết hậu kỳ thì đây là phần có thể các bạn sẽ rất quan tâm. Khi chụp ở chế độ Standard (filter Provia) thì ảnh chụp bằng Meike 35mm f/1.7 khá lạnh, có tông màu xanh hơn so với ảnh chụp bằng XF 35mm f/1.4.

Do đặc điểm lớp tráng phủ khác nhau nên khả năng tái tạo màu của hai ống kính này hơi khác nhau và điều này cũng tác động rõ tới cân bằng trắng (white balance) của máy ảnh. Trong hai ảnh trên mình chụp bằng cân bằng trắng tự động và chụp đồng thời ảnh JPEG cùng ảnh RAW. Khi sử dụng ảnh RAW và chuyển giá trị nhiệt độ màu, ám màu giống nhau giữa hai ống kính thì kết quả thu được như ở hình dưới, ống kính XF 35mm f/1.4 vẫn tái tạo màu ấm hơn Meike một chút nhưng sai khác không nhiều so với khi chụp thẳng ra file JPEG. Điều này cũng có nghĩa là nếu bạn hay xử lý hậu kỳ thì ảnh chụp bằng hai ống kính này không tạo sai khác đáng kể về mặt màu sắc, nhưng nếu bạn chụp ảnh lấy trực tiếp thì sai khác có thể nhận rõ.

Liệu một ống kính lấy nét tay rẻ tiền của Hong Kong có thể so sánh độ nét với một ống kính chính hãng đắt hơn tới 7-8 lần hay không? Để so sánh khả năng phân giải chi tiết hay độ nét của hai ống kính này, mình so sánh vùng nét của ảnh khi lấy nét gần (khoảng 1,5 m) và lấy nét xa (hơn 50 m). Ở khoảng cách lấy nét gần thì mình chỉ so sánh độ nét ở vùng trung tâm ảnh, còn khi lấy nét xa (vô cực) thì mình so sánh độ nét tâm hình và vùng sát biên hình ở các khẩu độ khác nhau. Khi tiến hành so sánh, máy ảnh được gắn trên tripod và có độ trễ khi chụp là 2 giây để giảm thiểu tác động làm rung máy. Ảnh dùng để so sánh là ảnh RAW được xuất ra JPEG không qua chỉnh sửa.

So sánh độ nét tâm hình ở khoảng cách lấy nét gần

Điểm nét dùng để so sánh được đánh dấu bằng ô vuông màu xanh lá cây ở giữa hình.

Có thể nhận thấy khá rõ là Meike có độ nét tốt hơn Fuji ở khẩu độ lớn nhất, và ngay cả khi ống kính Fuji được hạ khẩu độ xuống f/1.8. Chi tiết chụp bằng Fuji 35mm f/1.4 có phần mờ hơn và có vùng hào quang (halo) màu xanh nhẹ ở xung quanh chi tiết. Hình được chụp bằng cách zoom lớn chi tiết và lấy nét ở chế độ lấy nét tay nên đây không phải vấn đề AF bị sai mà là đặc điểm của ống kính. Meike duy trì lợi thế nét hơn một chút từ khẩu f/2 tới f/2.8 và từ f/4 hai ống kính tương đương nhau về độ nét. Có một điều thú vị là trong khi ống kính Fuji bắt đầu bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nhiễu xạ ở f/16 làm ảnh mờ hơn thì Meike dù có giảm chất lượng một chút nhưng ảnh vẫn sắc nét hơn ở khẩu độ này và ngay cả khi hạ khẩu độ xuống f/22 thì phần tâm hình Meike cũng vẫn đạt độ nét tương đương ống kính Fuji ở f/2. Đây là một bất ngờ lớn vì trước khi sử dụng ống kính này mình chỉ hy vọng Meike đạt được độ nét tương đương XF 35mm f/1.4 đã là tốt rồi.

So sánh độ nét tâm hình và rìa hình ở khoảng cách lấy nét xa

Để tránh hiện tượng hai điểm nét ở tâm hình và rìa hình không nằm trên cùng một mặt phẳng gây ra khác biệt về độ nét, khi kiểm tra độ nét ở khoảng cách lấy nét này mình lấy nét vào hai điểm khác nhau (khi so sánh tâm hình thì lấy nét vào tâm hình, khi so sánh rìa hình thì lấy nét vào rìa hình). Hai vị trí dùng để so sánh được đánh dấu bằng hai ô vuông màu xanh lá cây như trong hình dưới.

Ở tâm hình thì tương quan về độ nét giữa hai ảnh chụp bằng hai ống kính cũng tương tự như khi chụp ở khoảng cách lấy nét gần: Meike chụp ra ảnh có độ nét tốt hơn Fujifilm XF ở khẩu độ lớn từ f/1.7 (so với f/1.4) cho tới f/4 và từ f/5.6 hai ống kính có độ nét tương đương nhau. Tới f/16 thì chất lượng ảnh chụp bằng ống kính Fuji bị giảm đáng kể so với Meike và tới f/22 ống kính Meike vẫn tạo độ nét ở mức chấp nhận được. Đây là tin vui với các bạn dùng ống 35mm để chụp phong cảnh với yêu cầu DOF sâu.

Tuy nhiên khi so độ nét ở rìa hình thì ống kính Fuji có độ nét tốt hơn Meike một chút từ f/1.4 tới tận f/11. Ở khẩu độ lớn f/1.4 tới f/2 thì ảnh chụp bằng Fuji có ám màu tím một chút ở chi tiết rìa ảnh, nhưng tới f/2.8 thì không còn, trong khi đó hiện tượng này không gặp ở Meike. Từ f/2.8 - f/8 không những độ nét ảnh chụp bằng Fuji XF nhỉnh hơn mà độ tương phản ở khu vực này cũng cao hơn ảnh chụp bằng Meike một chút.

Như vậy, kết quả đánh giá độ nét cho thấy ống kính Meike 35mm f/1.7 có độ nét tâm hình khá sắc nét ngay từ f/1.7, trong khi từ f/1.4 tới f/2 thì ống kính XF 35mm f/1.4 R tạo chi tiết hơi mờ (soft) và trừ vùng rìa hình ra thì ống kính Meike nhìn chung có khả năng phân giải tốt hơn Fujifilm. Nếu bạn quan tâm tới độ nét đồng đều từ tâm ra rìa hình ở khẩu độ nhỏ để chụp cảnh, kiến trúc thì Fujifilm XF có chút lợi thế hơn Meike, còn trong các điều kiện chụp thông thường thì Meike là ống kính có độ nét tốt hơn.

Về khả năng kiểm soát độ méo (distortion) thì Meike 35mm có mức méo thùng (barrel) rõ hơn Fujifilm XF 35mm f/1.4 một chút, còn trong điều kiện chụp thông thường thì hai ống kính này có thể coi là không méo đáng kể.

Để so sánh độ tối góc (vignette) của hai ống kính, mình lấy nét về vô cực khi chụp một mặt phẳng có màu xám đồng đều ở khoảng cách rất gần (nên khác biệt giữa các khu vực trên ảnh chỉ đơn thuần là độ sáng sau khi ánh sáng đi qua lens). Đây là đặc điểm khác biệt rõ ràng giữa hai ống kính: chúng ta có thể thấy rất rõ trong hình so sánh là Meike có độ tối góc kém hơn XF 35mm f/1.4, đặc biệt là ở khẩu độ lớn f/1.7 - f/2. Từ f/2.8, hai ống kính có mức tối góc tương đương nhau và khó nhận thấy trong điều kiện chụp thông thường. Nếu chụp ở f/1.7 - f/2 các bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các chi tiết sát góc hình chụp bằng Meike bị tối hơn đáng kể (khoảng 2 stop) so với chi tiết ở tâm hình. Tuy nhiên đặc điểm này có thể còn có ích nếu bạn thích chụp chân dung hoặc close up mà cần chi tiết ở góc tối hơn để người xem tập trung hơn vào chi tiết chính.

Một phần nguyên nhân của sự sai khác về khả năng phân giải của ống kính đối với chi tiết nằm ở trung tâm và ở góc hình là do độ cong trường nét (field curvature). Do thấu kính có dạng mặt cầu nên mặt phẳng nét nếu không được chữa sẽ có dạng cong, cũng có nghĩa là hai điểm mặc dù trên cùng một mặt phẳng song song với mặt phẳng cảm biến vẫn không thể đạt độ nét tương đương mà chỉ khi trường ảnh đủ sâu thì sai khác này mới được bù trừ.

Để kiểm tra mức độ méo trường nét của hai ống kính này, mình mở khẩu lớn nhất và đặt máy ảnh sát mặt đất, lấy nét vào một đường kẻ ở gần, nằm song song với cạnh ngang của khung hình để khoảng nét có thể được phân biệt với các chi tiết xung quanh. Như kết quả kiểm tra, các bạn có thể thấy rằng hai ống kính này đều có vùng DOF rất thẳng và đều từ trung tâm ra tới rìa hình. Tuy nhiên XF 35mm f/1.4 dường như bị lệch thấu kính nhẹ (decenter) khi vùng DOF bị nghiêng lên bên phải một chút. Hiện tượng decenter này khá phổ biến và thường xuất hiện ở mức độ nhẹ nên có thể không nhận thấy trong điều kiện chụp bình thường. Với trường DOF phẳng như thế này thì hai ống kính đều phù hợp để chụp một nhóm người có vị trí đứng dàn ngang mà mức độ nét vẫn đều từ giữa ra hai bên hình.

Đây cũng là một tiêu chí mà mình dự kiến Meike sẽ không tốt bằng Fujifilm. Khả năng chống lóa (flare) và ghost của ống kính được trang bị chủ yếu bằng lớp tráng phủ chống phản xạ trên bề mặt kính trước và tất cả các thấu kính bên trong ống kính. Với kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường nhiếp ảnh thì ống kính Fujifilm được thừa hưởng lớp coating đã được phát triển qua nhiều năm, trong khi Meike chỉ là một hãng non trẻ với kinh nghiệm và quy mô sản xuất giới hạn nên khả năng cao ống kính Meike không chống flare và ghost tốt bằng ống "chính hãng". Thực tế thể hiện đúng điều đó khi nguồn sáng mạnh (ánh sáng mặt trời) xuất hiện trong khung hình tạo hào quang màu vàng đỏ xung quanh hướng nguồn sáng, trong khi hiện tượng này không xuất hiện khi chụp với ống kính Fuji. Tuy vậy, cả hai ống kính đều không có ống nào thực sự chống flare tốt khi mức độ sắc nét và tương phản của chi tiết khi bị flare đều rất giống nhau.

Hiện tượng vầng hào quang gần nguồn sáng của ống kính Meike thậm chí còn quan sát được khi chụp đêm. Từ tâm nguồn sáng có tối thiểu 2-3 vầng hào quang với đường kính khác nhau và có dạng răm. Hiện tượng này biến mất khi hạ khẩu độ xuống f/2.8 hoặc nhỏ hơn. Sự xuất hiện của flare không hẳn là đặc điểm không tốt do flare khi biết dùng đúng cách có thể tạo các điểm nhấn mang tính nghệ thuật cho tấm hình.

Sắc sai hay thường được gọi là " viền tím " là hiện tượng các chi tiết trong hình bị ám màu tím, xanh hoặc nâu, vàng ở viền chi tiết hoặc cả vùng chi tiết lớn do các tia nhìn thấy có bước sóng khác nhau (tương ứng với màu khác nhau) khi đi qua hệ thấu kính không hội tụ đồng thời tại một điểm. Khi các chùm tia này hội tụ trên cùng một mặt phẳng nhưng lệch sang trái, phải thì ta có hiện tượng sắc sai trục ngang (lateral chromatic aberration), còn khi nhóm tia này hội tụ tại các mặt phẳng khác nhau thì ta có hiện tượng sắc sai trục dọc (longitudinal chromatic aberration) hay gọi chung là hiện tượng sắc sai theo trục (axial chromatic aberration).

Mức độ sắc sai trục ngang của hai ống kính này đều rất thấp và chủ yếu chúng ta quan sát được hiện tượng viền chi tiết bị ám màu tím / xanh rất nhẹ chỉ ở khẩu độ lớn. Hình dưới là trường hợp nặng nhất mình quan sát được, đó là ở khu vực có độ tương phản cao và chụp dưới nắng gắt thì viền tím và xanh nhẹ có thể quan sát được với ảnh chụp bằng XF 35mm f/1.4. Ở mặt này thì Meike cũng có khả năng kiểm soát tốt hơn ống kính Fuji, ngay từ f/1.7 mức độ sắc sai đã gần như không thể quan sát được. Khi hạ khẩu độ xuống f/2.8 thì hiện tượng này biến mất hoàn toàn với ảnh chụp bằng cả hai ống kính.

Hiện tượng sắc sai trục dọc có thể quan sát được khi bạn chụp nghiêng mặt phẳng ở góc nhỏ (như trang giấy trắng có chữ trong hình dưới) và hiện tượng này làm các chi tiết tối màu bị ám màu khác nhau ở vị trí trước và sau mặt phẳng nét. Do đặc điểm lớp tráng phủ khác nhau nên hai ống kính này có biển hiện sắc sai trục dọc khác nhau: ống kính Meike có chi tiết bị ám tím / xanh độ bão hòa cao, trong khi ống kính XF có màu ám độ bão hòa không cao bằng nên khó nhận ra hơn. Dấu hiện này cho thấy ống kính XF được chữa cầu sai (spherical aberration) tốt hơn nên mức độ tập trung của các tia sáng nhìn thấy tốt hơn so với Meike. Mức độ ám màu do sắc sai trục dọc này chỉ quan sát được khi zoom lớn hình và không rõ với kích cỡ ảnh chụp bình thường, đặc biệt là ở điều kiện ánh sáng phức tạp hơn nên với cả hai ống kính các bạn không phải lo lắng về mức độ "viền tím".

Để so sánh đặc điểm bokeh, mình so sánh ảnh chụp bóng bokeh (bokeh ball) ở cùng một khoảng cách. Do khẩu độ nhỏ hơn nên ống kính Meike tạo ra bóng bokeh có đường kính nhỏ hơn Fujifilm ở cùng một khoảng cách, tuy nhiên do đường kính lỗ khẩu lớn nên bóng bokeh của Fujifilm XF 35mm f/1.4 cũng tạo dạng mắt mèo (cat eye) rõ hơn ở phía ngoài tâm hình cho tới rìa hình. Về độ mịn của bokeh thì ống kính XF có độ mịn bokeh tốt hơn Meike một chút (bóng bokeh có viền mịn hơn). Khi hạ khẩu độ thì bóng bokeh khi chụp bằng ống kính Fuji duy trì được dạng tròn lâu hơn Meike. Mặc dù có nhiều lá khẩu hơn (8 so với 7) nhưng từ f/2 thì Meike đã bắt đầu xuất hiện cạnh đa giác trong khi bóng bokeh chụp bằng ống Fuji vẫn khá tròn.

Một điều thú vị là mặc dù ở cùng khẩu độ nhưng từ khẩu độ f/4, nếu có nguồn sáng mạnh trong hình thì bóng bokeh của ảnh chụp bằng ống kính Meike sẽ đồng thời xuất hiện biểu hiện của tia (dấu hiệu của nhiễu xạ). Nhìn chung, ống kính f/1.4 của Fuji sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu bạn quan trọng đặc điểm mịn và dạng tròn của bóng bokeh.

Hai ống kính này đều không phải hai ống kính tốt để tạo tia khi hạ khẩu độ . Đặc điểm này khá quan trọng khi xét tới ứng chụp chụp cảnh hoặc với nhu cầu tạo hiệu ứng đặc biệt với ảnh chụp ngược sáng. Cả hai ống kính này bắt đầu có dấu hiệu tạo tia từ f/8 và số cánh của "sao" là 8 cánh (Meike) hoặc 14 cánh (Fujifilm), tuy nhiên rất khó để xác định số cánh này do tia tạo không rõ ràng. Một phần do đặc điểm lớp tráng phủ chống flare không tốt của Meike nên 8 cánh tia bị hiệu ứng flare che mất, còn ống kính Fuji tạo tia rõ hơn ở khẩu độ nhỏ như f/11 hay từ f/16 tới f/22. Mặc dù tia xuất hiện rõ ràng hơn nhưng các tia xuất hiện khi chụp bằng ống kính Fuji phân bổ không đều nhau.

Dưới đây là một số ảnh mình chụp với Meike 35mm f/1.7 (Fujifilm X-T1) với các thông số đi kèm ở dưới. Ảnh có ghi chú tên filter giả lập film là anh chụp trực tiếp từ máy, các ảnh khác được chụp raw và xử lý màu trên Photoshop. Những ảnh có nút "RAW download" ở dưới thì các bạn có thể click vào để download file raw (*.RAF) về tham khảo. Để xem ảnh chất lượng cao thì các bạn click vào ảnh để tới link ảnh trên Flickr.

Với mức giá khá thấp và rẻ hơn nhiều so với ống kính chính hãng có khả năng AF và khẩu độ lớn hơn (Fujifilm XF 35mm f/1.4 R), Meike 35mm f/1.7 là một ống kính có hiệu quả sử dụng tốt ở phân khúc này. Mặc dù ống kính còn những giới hạn về mặt quang học như lớp tráng phủ không thật hiệu quả (kéo theo khả năng chống flare không tốt lắm và ảnh hưởng tới khả năng tạo tia kém khi khép khẩu độ), mức độ tối góc khá cao ở khẩu độ lớn nhưng ống kính này cũng gây bất ngờ khi có độ nét hoàn toàn dùng tốt từ khẩu f/1.7 và tốt hơn cả ống kính "chính hãng", khả năng kiểm soát sắc sai nhỉnh hơn và thiết kế hoàn toàn kim loại có cảm giác không "rẻ tiền". Nếu bạn cần ảnh tạo ra có bokeh mịn màng và mức độ "xóa phông" tốt hơn, cũng như khả năng AF thì ống kính XF 35mm f/1.4 R là một lựa chọn khó có thể bỏ qua với người dùng Fujifilm (các bạn có thể xem thêm so sánh Fujifilm XF 35mm f/1.7 với bản f/2 ở đây ), nhưng nếu bạn ưu tiên độ nét, độ nhỏ gọn, tính kinh tế và không ngại lấy nét tay thì Meike 35mm f/1.7 là một ống kính hoàn toàn xứng đáng để có trong bộ kit du lịch hay đi chơi của bạn.

Người dùng đã có kinh nghiệm sử dụng ống kính lấy nét tay lâu năm có thể có câu hỏi là Meike 35mm f/1.7 có phải là lựa chọn tốt không khi so với các ống kính sử dụng cho máy ảnh film trước đây hiện giờ rất sẵn trên thị trường thì câu trả lời vẫn là " ". Meike đã rất khôn khéo khi lựa chọn một ống kính 35mm f/1.7 được thiết kế riêng cho máy ảnh không gương lật APS-C để tung ra thị trường. Các bạn sẽ thấy là phần lớn các ống kính lấy nét tay dành cho máy film hoặc là có giá khá rẻ (35mm f/2.8, 35mm f/3.5) hoặc là có giá khá cao (35mm f/2 hay 35mm f/1.4) nhưng phần lớn đều trên mức giá của Meike 35mm f/1.7 và đặc biệt là các ống kính 35mm f/1.4 đều đắt hơn khá nhiều. Đây đều là ống kính dành cho máy ảnh full frame (tương đương máy ảnh film cỡ 35mm) và được thiết kế cho máy ảnh SLR nên cần phải có ngàm chuyển khi dùng với máy ảnh mirrorless làm kích thước phần ống kính cùng ngàm chuyển khá lớn so với ống kính được thiết kế riêng cho máy ảnh mirrorless. Ngoài ra, độ sắc nét và khả năng kiểm soát quang sai của Meike 35mm f/1.7 có thể hơn khá nhiều ống kính lấy nét tay cũ, làm cho hiệu năng sử dụng trên giá tiền bỏ ra của ống kính này là cao.

Một điều lưu ý cuối cùng là bài đánh giá này được thực hiện với máy ảnh Fujifilm X-T1 có độ phân giải cảm biến là 16,3 MP , nên nếu các bạn đang dùng các máy ảnh có khả năng phân giải tốt hơn (như A6000 hay EOS M3 với 24 MP ) thì khi zoom lớn chi tiết, ảnh sẽ có phần soft hơn trong đánh giá này, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được (theo đánh giá của Christopher Frost trong video dưới đây).

Dr. Fox
Bài đánh giá do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm sử dụng trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: