Blog Post

Có thể bạn chưa biết: Sony, Zeiss và mối quan hệ bền vững trong suốt 20 năm qua

Mar 09, 2018

Sony và Zeiss đã có một mối quan hệ đối tác rất thành công trong vòng 20 năm qua. Đây là một bài viết được dịch từ nhóm Zeiss Lenspire Team, giải thích những câu hỏi thường gặp nhất về mối quan hệ cộng tác này, để các bạn có thể hiểu rõ hơn, có một cái nhìn và nắm bắt các thông tin chính xác hơn về 2 ông lớn này.

Sony và ZEISS: Mối quan hệ này có ý nghĩa như thế nào đối với các nhiếp ảnh gia?

Trên hết, nó mang đến những sự lựa chọn về ống kính tuyệt vời dành cho các máy ảnh thương hiệu Sony. Kết quả của mối quan hệ hợp tác này, là hiện nay đã có 25 ống kính gắn mác đặc trưng của Zeiss dành cho hệ máy Sony. Có riêng một hệ ống kính Sony/ZEISS ngàm A dành cho các máy SLR của Sony, và hệ ống kính dành cho dòng máy không gương lật ngàm E thì vẫn đang phát triển từng ngày, có thể kể đến một số cái tên đang phổ biến như ZEISS Batis , ZEISS Loxia và ZEISS Touit. Trong khi Sony tập trung phát triển công nghệ cho những chiếc máy ảnh của mình, thì ZEISS tập trung mang lại những ống kính tuyệt vời để phù hợp với công nghệ phát triển trên những chiếc máy đó.


Những nhiếp ảnh gia sử dụng ống kính ZEISS và Sony/ZEISS nghĩ gì?

Rất nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã phải thốt lên khi sử dụng những ống kính mà Sony/ZEISS mang lại, ví dụ như Paul James, nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh chuyên nghiệp, “Tôi sẽ mất phương hướng nếu như không có ống kính Vario-Sonnar T* 2,8/16-35 ZA của mình. Nó làm cho mọi thứ trở nên sắc nét như dao cạo, từ tiền cảnh đến hậu cảnh. Tôi không thể sống được mà không có chất lượng tuyệt vời từ ZEISS.” (bạn có thể xem thêm các bức ảnh của Paul trong Camera Lens Blog sau)

Tuy nhiên kể cả những người nghiệp dư cũng phải yêu ống kính Sony/ZEISS. “Nhiếp ảnh là nghề của tôi, nhưng chưa đến mức chuyên nghiệp”, Thierry Hennet cho biết (các bức ảnh của ông có thể xem tại Camera Lens Blog sau). Nhiếp ảnh gia 50 tuổi từ Thuỵ Sĩ là một giáo sư về sinh học tại trường Đại học Zürich, nơi ông nghiên cứu và giảng dạy. 10 năm trước, Hennet bắt đầu chụp ảnh một cách nghiêm túc. Hiện tại, ông đi du lịch khắp nơi trên thế giới ở những địa điểm khắc nghiệt nhất để phục vụ cho đam mê nghệ thuật của mình. Ví dụ, ông đã đến Dallol, một ngọn núi lửa nằm trong sa mạc Danakil ở phía bắc Ethiopia, nơi nhiệt độ nền luôn luôn ở mức 60°C và không khí thì toàn là axit. Hoặc, ông đã du lịch tại Lapland nơi nhiệt độ có thể dễ dàng xuống âm 30°C, và trên thực tế là nó quá khắc nghiệt để có thể chụp được một tấm ảnh, do mắt bạn sẽ ngay lập tức bị dán vào viewfinder và chắc chắn là pin sẽ không thể hoạt động.

Nhiếp ảnh gia người Berlin Christian Dandyk là một người chuyên về kiến trúc, sản phẩm, đường phố và phong cảnh. Ông đã chụp với máy Sony từ năm 1999 và là một trong những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đầu tiên chuyển sang hệ Sony E-mount. Christian luôn luôn thử những sản phẩm mới từ Sony và ZEISS trong suốt những năm qua, và đăng những bức ảnh của mình lên flickr và Facebook. Ông là một trong những người đầu tiên trên thế giới được trải nghiệm độc quyền ống kính ZEISS Touit, ZEISS Loxia và ZEISS Batis.

ZEISS và Sony: một mối quan hệ hợp tác 20 năm bắt nguồn từ chiếc máy quay

Giữa những năm 1990, Sony đang ở trong một giai đoạn bước ngoặt. Mặc dù là một cái tên lớn về điện tử tiêu dùng, Sony ít được biết đến về quang học và nhiếp ảnh, và những người đứng đầu Sony muốn thay đổi tình trạng này. Công ty đã bắt đầu tìm kiếm một đối tác lớn và có uy tín trên thị trường cao cấp và một đối tác chuyên gia về quang học để có thể giúp Sony phát triển mạnh hơn về mảng máy quay phim. Còn đối với ZEISS – một công ty có bề dày lịch sử 165 năm về quang học và sản xuất ống kính – tình trạng lại là đối lập. Mặc dù rất có tiếng tăm trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp, ZEISS lại gần như không được biết đến trên thị trường tiêu dùng phổ thông.

Do đó, 2 công ty đã có một sự kết hợp hoàn hảo về thế mạnh của nhau - công nghệ điện tử từ Sony và quang học từ ZEISS. Vào năm 1995 , Sony và ZEISS đã bắt đầu sự hợp tác tuyệt vời của mình cho đến ngày hôm nay. Bằng việc đưa những chuyên gia quang học hàng đầu vào trong lĩnh vực của mình, Sony đã củng cố danh tiếng của công ty trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Và nhờ những chuyên gia điện tử của Sony, ZEISS đã có sự tiếp cận với một thị trường rộng lớn hơn rất nhiều, gồm cả những nhiếp ảnh gia và những nhà quay phim nghiệp dư đầy tiềm năng.

Sản phẩm kết hợp đầu tiên xuất hiện vào năm 1996 , là chiếc máy quay cầm tay Handycam® CCD-TR555 . Norio Ohga, Chủ tịch Sony vào thời điểm đó, đã tin rằng chất lượng ống kính xuất sắc hơn sẽ là chìa khoá để tăng độ hấp dẫn cho sản phẩm máy quay cầm tay. Tiến sỹ Winfried Scherle – Trưởng bộ phận Ống kính máy ảnh và ngày nay là Trưởng nhóm Kinh doanh ống kính tiêu dùng tại ZEISS – đã ca ngợi những lợi ích mà sự cộng tác này mang lại cho cả đôi bên.

Các sản phẩm kết hợp khác lần lượt xuất hiện: ống kính Distagon cho máy DSC-F55K Cyber-Shot® (1999), ống kính đầu tiên dành cho máy ngàm A của dòng α DSLR (2006) và ống kính ngàm E đầu tiên cho dòng máy ảnh không gương lật (2011) chỉ là một trong số những cột mốc đáng lưu ý.

Tổng cộng, có hơn 185 triệu sản phẩm mang mác Sony/ZEISS đã được bán từ khi xuất hiện sự cộng tác này 20 năm trước đây. Việc có chữ “ZEISS” ở trong thương hiệu chính là một trong năm lý do hàng đầu để khách hàng lựa chọn các sản phẩm Sony/ZEISS, tạo nên một lợi thế quan trọng so với những đối thủ cạnh tranh. Theo ông Shigeki Ishizuka, Phó Chủ tịch điều hành và Trưởng Bộ phận Hình ảnh và Giải pháp tại Sony, sẽ chẳng có gì lạ khi Sony tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ này.

Tóm lại, mối quan hệ này rõ ràng là một thành công rất lớn. Tuy nhiên, các nhiếp ảnh gia thường xuyên đặt câu hỏi về sự khác biệt và sự tương đồng giữa các ống kính ZEISS và Sony/ZEISS. Dưới đây sẽ là một số câu hỏi và câu trả lời thường gặp nhất.

FAQs


  • 1. Ống kính ZEISS và Sony/ZEISS có giống nhau hay không?
  • 2. Ai phát triển những ống kính này?
  • 3. Những ống kính này được sản xuất tại đâu?
  • 4. Ai phụ trách việc chăm sóc khách hàng?
  • 5. Chất lượng của 2 dòng sản phẩm có giống nhau hay không?
  • 6. Ai bán những ống kính này?
  • 7. Điểm khác nhau giữa các dòng ống kính là gì?
  • 8. ZEISS có mối quan hệ hợp tác với các công ty khách hay không?

1. Ống kính ZEISS và Sony/ZEISS có giống nhau hay không ?

Ống kính của hai dòng là khác nhau, nhưng được tối ưu hoá cho những hệ thống tương ứng. ZEISS biết rõ từng ống kính, và cả 2 dòng sản phẩm đều được sản xuất rất tinh vi và tối ưu trên góc độ kỹ thuật. Sự khác nhau có thể được nhận thấy rõ nhất trên hệ thống lấy nét: ví dụ, trong khi Sony/ZEISS luôn có hệ thống lấy nét tự động, ZEISS thường có sự pha trộn nhiều hệ thống, ví dụ như lấy nét tự động với dòng ZEISS Batis và lấy nét bằng tay với dòng ZEISS Loxia. Dùng cho những dòng máy khác, ZEISS phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống lấy nét bằng tay (ZE, ZF.2). Các ống kính có cùng tiêu cự sẽ khác nhau về cấu trúc và thiết kế bên trong.


2. Ai phát triển những ống kính này ?

Ống kính ZEISS được phát triển độc quyền bởi ZEISS. ZEISS cũng xác định rõ các tính năng của ống kính, như tiêu cự và cấu tạo thiết kế bên trong, sao cho phù hợp với chiến lược sản phẩm của công ty.

Ống kính Sony/ZEISS được đồng phát triển bởi ZEISS và Sony. ZEISS hỗ trợ Sony về mặt thiết kế quang học, quá trình sản xuất, thử nghiệm và phê duyệt cho các nguyên mẫu. Cuối cùng, ZEISS xác định các tiêu chuẩn kiểm tra để sản xuất hàng loạt.

3. Những ống kính này được sản xuất tại đâu ?

Các ống kính nhiếp ảnh của ZEISS được sản xuất tại Nhật Bản và các ống kính quay phim (cine) được sản xuất tại nhà máy của ZEISS ở Oberkochen, Đức. Việc ZEISS sản xuất các ống kính quay phim của mình tại Đức vẫn có lợi ích lớn về mặt kinh tế do những yêu cầu và kỹ năng phức tạp về mặt sản xuất và công nghệ. Để đáp ứng nhu cầu lớn trên toàn thế giới dành cho các ống kính chụp ảnh, ZEISS đã thành lập một mạng lưới lớn các đối tác trong ngành công nghiệp quang học ống kính. Trong suốt quá trình phát triển và sản xuất, các chuyên gia của ZEISS luôn đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất đã làm thương hiệu ZEISS nổi tiếng toàn cầu trong vòng 165 năm qua.

Ống kính Sony/ZEISS được sản xuất bởi Sony trong các nhà máy ở khắp Châu Á. Trong những nhà máy này, Sony sử dụng các trang thiết bị để thử nghiệm và kiểm tra được phát triển và sản xuất bởi ZEISS. Một ví dụ là MTF-tester K8 , một công cụ rất linh hoạt và nhỏ gọn đượcsử dụng để đo MTF của các ống kính nhiếp ảnh hoặc các hệ thống tương tự khi chụp một vật đặt ở xa vô cực.
(Để hiểu hơn về cách đọc và sử dụng, kèm với thuật ngữ MTF, bạn có thể tham khảo bài viết của Vsion tại đây )

4. Ai phụ trách việc chăm sóc khách hàng?

Những người sở hữu ống kính ZEISS có thể yên tâm khi có một mạng lưới dịch vụ trên khắp thế giới để họ có thể gửi ống kính để kiểm tra và sửa chữa. ZEISS cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ online hoặc qua điện thoại. ZEISS rất chú trọng đến việc cung cấp cho các khách hàng một dịch vụ đặc biệt, được tổ chức bởi những chuyên gia hàng đầu trong công ty. Việc kiểm tra và sửa chữa các ống kính Sony/ZEISS được Sony Service Centers quản lý trực tiếp.


5. Chất lượng của 2 dòng sản phẩm có giống nhau hay không ?

Trong tất cả các mối quan hệ hợp tác, ZEISS đều đưa những tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng cho các đối tác và yêu cầu họ phải tuân theo, đương nhiên bao gồm cả Sony. ZEISS cũng tổ chức kiểm định thường xuyên quy trình sản xuất ống kính Sony/ZEISS trong các nhà máy của Sony. Các chuyên gia của ZEISS kiểm tra quy trình sản xuất, hệ thống quản lý và kiểm định chất lượng. ZEISS cấp chứng nhận cho các nhà cung cấp và cung cấp tất cả những trang thiết bị cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm, bao gồm cả các trang thiết bị được sử dụng bởi nhà cung cấp thứ ba.

6. Ai bán những ống kính này?

Các ống kính Sony/ZEISS được bán độc quyền qua kênh phân phối của Sony. Các ống kính ZEISS thì được bán độc quyền qua các kênh riêng của ZEISS tại tất cả các khu vực nói tiếng Đức và khắp thế giới. ZEISS cũng đảm bảo rằng các đại lý địa phương có đủ các tiêu chuẩn cần thiết. Các đại lý thì đều được chuyên gia của ZEISS đào tạo bài bản.

Các đại lý của ZEISS có thể được tìm thông qua trang web sau: www.zeiss.com/photo/dealer


7. Điểm khác nhau giữa các dòng ống kính là gì ?

Sony và ZEISS đều tuân theo chiến lược sản phẩm của riêng mình, tuỳ thuộc và thị trường và yêu cầu chất lượng. Với chất lượng hình ảnh tuyệt vời của mình, hệ thống lấy nét nhanh và các tính năng sáng tạo, dòng ống kính ZEISS Batis mới đang có một vị thế của riêng nó. ZEISS Batis 2/25 và ZEISS Batis 1.8/85 là những ống kính full-frame lấy nét tự động đầu tiên dành cho các máy ngàm E của Sony. Hai ống kính này đều có màn hình hiển thị OLED để xem những thông tin về khoảng cách và độ sâu trường ảnh DOF – một phát kiến thực sự. Nó cũng cho phép các nhiếp ảnh gia có thể sáng tạo ngay trong bóng tối.

Tự do sáng tạo và bố cục trong nhiếp ảnh là tôn chỉ để ZEISS sản xuất dòng ống kính Loxia – dòng ống kính lấy nét bằng tay dành riêng cho Sony ngàm E. Các ống kính này được tối ưu cho cảm biến và ống ngắm của các máy Sony α7, có hệ thống khẩu độ cơ học và cả chế độ de-click nếu như sử dụng để quay phim.

Nhiều ống kính ZEISS khác, ví dụ như dòng ZEISS Touit thì lại dành cho các máy cảm biến nhỏ hơn APS-C, và cũng cạnh tranh trực tiếp với Sony/ZEISS. Cả 2 công ty đều sẽ tiếp tục tự phát triển các dòng sản phẩm của mình, và sẽ đưa thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng hơn nữa.

Điều này đặt các nhiếp ảnh gia chúng ta vào một vị trí khá dễ chịu: chúng ta có thể lựa chọn ống kính yêu thích của mình từ một trong hai dòng sản phẩm quá tuyệt vời này để sao cho phù hợp với nhu cầu bản thân nhất.


8. ZEISS có mối quan hệ hợp tác với các công ty khách hay không ?

Ngoài mối quan hệ với Sony, ZEISS cũng có quan hệ đối tác với nhiều công ty khác. Ví dụ, vào năm 2005, khi Nokia cho ra đời chiếc điện thoại di động đầu tiên có máy ảnh 2-megapixel, và có ống kính ZEISS ở trên đó. Mối quan hệ này tiếp tục tồn tại với Microsoft. Cho đến thời điểm hiện tại, Nokia/Microsoft đã bán 130 triệu chiếc điện thoại có ống kính ZEISS ở trên đó. Microsoft cung cấp cấu hình của các sản phẩm điện thoại dự kiến. Và các kỹ sư của ZEISS và Microsoft sẽ cùng phối hợp để sản xuất ra các ống kính và các camera phù hợp, sau đó sẽ được sản xuất theo hướng đi chiến lược của Microsoft. Một mối quan hệ tương tự cũng tồn tại với Logitech, với hơn 7 triệu webcam đã được bán từ năm 2007. Mối quan hệ gần đây nhất liên quan đến phụ kiện cho ống kính máy ảnh của điện thoại. ExoLens® và ZEISS đã công bố sự hợp tác vào tháng 1 năm 2016 bằng việc cho ra mắt một ống kính góc rộng, ống kính tele và ống kính macro có thể gắn lên các chiếc smartphone thông thường.

*** Lưu ý: bài viết trên Lenspire được đăng ngày 29/7/2015 nên các số liệu thống kê trong bài viết chỉ có giá trị cho tới khoảng thời gian này.

N.Đ.Phan (P.N.)
Bài viết được biên dịch bởi P.N.
Các bạn có thể liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: