Blog Post

Đánh giá Samyang AF 35mm f/2.8 (Sony ngàm E full frame)

Jul 24, 2017

Mới đây công ty Samyang của Hàn Quốc đã công bố ống kính AF thứ ba của hãng dành cho máy ảnh full frame ngàm E của Sony sau hai ống AF 50mm f/1.4 và 14mm f/2.8: Samyang AF 35mm f/2.8 . Mặc dù có khá nhiều thành công với các ống kính lấy nét tay (MF) song hai ống kính đầu tiên có khả năng lấy nét tự động của hãng chưa được hưởng ứng nhiều từ người tiêu dùng. Điều này cũng giống như thế hệ đầu các ống kính MF Samyang từng chế tạo và sau đó hãng đã liên tục cải tiến để làm thỏa mãn người dùng để đạt tới bước phát triển như ngày nay. Ống kính AF 35mm f/2.8 có thể coi là bản cạnh tranh trực tiếp với Sony Sonnar T* 35mm f/2.8 ZA vì không những giống về tiêu cự, khẩu độ, thiết kế của Samyang cũng rất giống cách Sony-Zeiss làm. Ở mức giá $399 cho thị trường Mỹ, xấp xỉ $310 cho thị trường Hàn Quốc hay $330 cho thị trường một số nước như Việt Nam, ống kính mới này của Samyang thậm chí còn rẻ hơn giá ống kính Sonnar đã qua sử dụng (khoảng $500).

Một điều đáng tiếc là trong thời gian hơn 1 tuần kiểm nghiệm sản phẩm, Vsion không có trong tay ống kính Sonnar để so sánh, tuy nhiên Samyang AF sẽ được so sánh chất lượng với ống kính Samyang MF 35mm f/1.4 và Sigma Art 35mm f/1.4 DG HSM (ngàm Canon EF). Trong bài đánh giá này, chúng tôi cũng có thể so sánh gián tiếp Samyang AF và Sonnar, cũng như cung cấp các video so sánh do các reviewers khác cung cấp để các bạn có được đánh giá toàn diện về ống kính này.

LƯU Ý: về màu sắc hiện nay trang web của Vsion có màu kém tươi hơn hình gốc khá rõ nên để có đánh giá gần thực tế nhất, khi xem các ảnh cần lưu tâm màu, các bạn click vào ảnh để xem hình trên Flickr. Mong bạn đọc thông cảm vì đây là tiêu chuẩn của nhà cung cấp nên Vsion không thể can thiệp được.

1. CÁC THÔNG SỐ KỸ THUẬT VÀ MỨC ĐỘ THUẬN TIỆN KHI SỬ DỤNG

Dưới đây là bảng thông số kỹ thuật so sánh Samyang AF 35mm f/2.8 với Samyang MF 35mm f/1.4 ED AS UMC, Sigma Art 35mm f/1.4 DG HSM và Sony Sonnar T* FE 35mm f/2.8 ZA. Các bạn lưu ý là mức giá tính bằng tiền Việt Nam đồng là mức giá ước lượng trung bình trên thị trường, không phải mức giá chính xác và có thể thay đổi tùy cửa hàng hay đại lý với các điều kiện ưu đãi, bảo hành khác nhau. Hai ống kính ngàm Sony A (Samyang MF) và Canon EF (Sigma Art) được dùng với ngàm chuyển Minolta AF - Sony NEX và Viltrox II (cho Canon) để thực hiện đánh giá và cân nặng, chiều dài của ngàm không được tính vào bảng thông số.

Samyang AF 35mm f/2.8 FE Samyang 35mm f/1.4 ED AS UMC
Sigma Art 35mm f/1.4 DG HSM Sony Sonnar T* FE 35mm f/2.8 ZA
Nhà sản xuất Samyang Sigma Sony hợp tác với Zeiss
Tiêu cự 35mm
Góc nhìn ống kính 63,1° (full frame)
Ngàm ống kính Sony ngàm E Sony ngàm A Canon ngàm EF Sony ngàm E
Loại máy ảnh Full frame / APS-C
AF/MF AF (non-ultrasonic) MF AF (Hyper sonic) AF (Linear stepper motor)
Khẩu độ lớn nhất f/2.8 f/1.4 f/2.8
Khẩu độ nhỏ nhất f/22 f/22 f/16 f/22
Vòng khẩu độ Không có Vòng nhựa, có tiếng click khi chuyển khẩu Dạng bánh răng, không có tiếng Không có
Vòng lấy nét Vòng nhựa Vòng cao su Vòng cao su Vòng nhựa
Công thức thấu kính 6 nhóm / 7 thấu kính 10 nhóm / 12 thấu kính 11 nhóm / 13 thấu kính 5 nhóm / 7 thấu kính
Thấu kính đặc biệt 2 thấu kính phi cầu
1 thấu kính HR
1 thấu kính phi cầu 2 thấu kính phi cầu
1 thấu kính FLD
4 thấu kính SLD
3 thấu kính phi cầu
Lớp tráng phủ (coating) Multi-coated Samyang UMC Super multi-layer coating Zeiss T*
Số lá khẩu 7 lá khẩu 8 lá khẩu 9 lá khẩu 7 lá khẩu
Khoảng cách lấy nét gần nhất 35 cm 30 cm 30 cm 35 cm
Chiều dài ống kính (không tính ngàm chuyển) 33 mm 111 mm 94 mm 36,5 mm
Đường kính lớn nhất 61.8 mm 83 mm 77 mm 61,5 mm
Khối lượng ống kính 85 g 660 g 665 g 120 g
Đường kính filter 40,5/49 mm 77 mm 67 mm 40,5/49 mm
Giá $399 (VN: 7500000 đồng) $399 (VN: 10000000 đồng)
$899 (VN: 15000000 đồng) $798 (VN: 15500000 đồng)

Khi mua ống kính Samyang AF 35mm f/2.8, bạn sẽ nhận được một ống kính đi kèm hood, nắp trước, nắp sau và một hộp nhựa có khóa kéo để đựng ống kính. Giống như các ống kính khác được sản xuất gần đây (trừ dòng XP), ống kính này được thiết kế với phong cách tối giản, có viền đỏ để gây ấn tượng về khả năng của ống kính (giống như Canon L) và chỉ ghi tên đơn giản là AF 35/2.8 FE. Trước khi dòng ống kính AF FE này ra mắt chính thức, Samyang đã từng tổ chức cuộc thi để đặt tên cho dòng ống kính mới, nhưng cuối cùng đã chốt lại với giải pháp rất đơn giản này. Phần hood của ống kính giống như một vòng nhựa đường kính 49 mm và bạn có thể dùng phần đầu hood có đường kính 40,5 mm để lắp filter hoặc tháo hood ra để dùng filter 49 mm. Cách thiết kế này cũng rất giống Sonnar 35/2.8 mặc dù về chi tiết thiết kế không giống nhau hoàn toàn. Do hood và nắp trước rất nhỏ và không làm thay đổi mấy kích cỡ ống kính nên chúng tôi khuyên nên dùng hood toàn bộ thời gian và lưu ý tránh để đánh mất nắp trước (vì rất khó thay bằng nắp khác).

Thiết kế ống kính bằng nhựa cứng và nhôm hợp kim rất nhẹ (chỉ có 85 g, tức là nhẹ hơn ống Sonnar gần 40 g), và phần ngàm nhôm được sơn lì màu bạc nên hơi giống nhựa. Tuy thế, thiết kế chính xác của phần ngàm này làm ống kính lắp vào ngàm E trên máy ảnh rất chắc chắn và mặc dù rất nhẹ, ống kính vẫn cho cảm giác được sản xuất cẩn thận và tỉ mỉ. Khác với các ống kính MF, ống kính AF này có chân tiếp xúc điện tử để kết nối với máy ảnh.

Samyang AF 35mm f/2.8 thực sự là rất nhỏ gọn khi lắp lên máy ảnh như A7ii (hình dưới) và đây cũng là ống kính FE (ngàm E full frame) nhỏ, nhẹ nhất cho tới thời điểm hiện nay. Với kích cỡ pancake này, ống kính được thiết kế tối giản và không có vòng chỉnh khẩu độ (bạn phải điều chỉnh hoàn toàn qua máy ảnh).

Vừa vặn trong lòng bàn tay nên bạn có thể mang ống kính này theo mình đi khắp mọi nơi rất dễ dàng. Tuy nhiên, do rất nhỏ và nhẹ, bạn cũng phải cẩn thận khi tháo lắp và cất ống kính. Chính vì vậy, việc cung cấp một hộp nhựa đi kèm để đựng ống kính là một giải pháp hay của Samyang, tránh được việc va đập, cọ xát ống kính với các thiết bị khác.

Thành phần duy nhất trên ống kính bạn có thể tác động trực tiếp để thao tác là vòng lấy nét. Mặc dù vòng lấy nét này được điều chỉnh điện tử bằng máy ảnh, tức là không có truyền lực trực tiếp từ thao tác xoay ống kính tới các thấu kính bên trong (nếu không có nguồn điện thì bạn có thể xoay vòng này mãi mãi mà không dừng lại), nhưng khác với nhiều ống kính AF khác, vòng lấy nét này có độ bám hay độ lỳ nhất định khi chúng ta sử dụng nên tạo cảm giác gần giống với vòng lấy nét cơ học trên các ống kính lấy nét tay. Đặc điểm này sẽ được hoan nghênh với người sử dụng đã làm quen với các ống kính MF và sử dụng ống kính này trong quay phim để đạt được độ chính xác cao, nhưng cũng có thể gây cảm giác vòng lấy nét bị "rít" hơn thông thường với người sử dụng chưa quen với các loại ống kính này.

2. CHẤT LƯỢNG QUANG HỌC VÀ SO SÁNH
2.1. Đặc trưng tái tạo màu của ống kính

Như mình có nhắc tới trong các bài đánh giá trước, tông màu tái tạo bởi ống kính hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào tông màu gốc của cảnh chụp nếu chúng ta dùng chế độ cân bằng trắng tự động (AWB). Vì thế, để thấy rõ sự khác biệt trong khả năng tái tạo màu của các ống kính trong bài so sánh này, mình so sánh màu tái tạo bởi 3 ống kính (Samyang AF, Samyang MF và Sigma Art) khi sử dụng cân bằng trắng tự động (bên phải) và khi cố định giá trị nhiệt độ màu bằng CamerRaw cho giống giá trị AWB của ống kính Samyang MF. Mình cố định theo giá trị này vì rất nhiều người quan tâm tới mức độ "ấm" của ảnh chụp bằng Samyang AF, do thế hệ ống kính MF của hãng có độ ấm màu cao, đôi khi ám vàng gây khó cân bằng màu với người chụp.

Tin vui là ống kính AF này của Samyang màu đã lạnh hơn khá rõ ống kính MF, tuy nhiên vẫn chưa lạnh bằng Sigma Art hay Sonnar 35/2.8 (trong video cuối bài có video so sánh). Trong hình đầu tiên ở dưới, Samyang AF chụp bằng AWB sẽ cho màu trời xanh hơn Samyang MF nhưng vẫn chưa tươi bằng Sigma Art (một phần do hiện tượng tối góc ở khẩu lớn).

Trong điều kiện chụp trong phòng, nơi có nhiều ánh sáng đỏ/tím hơn, khi cố định cùng giá trị nhiệt độ màu và ám màu, các bạn có thể thấy khá rõ hai ống kính Samyang AF và Sigma Art tạo màu lạnh hơn Samyang MF. Để xem hình chất lượng cao và phản ánh màu chính xác hơn, các bạn có thể click vào hình để tới ảnh độ phân giải cao trên Flickr.

2.2. Khoảng cách lấy nét gần nhất và tỷ lệ phóng đại tối đa

Samyang AF 35mm f/2.8 có kích thước vật lý xấp xỉ Sonnar 35/2.8 và có cùng khoảng cách lấy nét tối thiểu là 35 mm nên hai ống kính này có cùng độ phóng đại lớn nhất. So với 2 ống kính còn lại trong bài đánh giá này, Samyang AF có độ phóng đại nhỏ nhất, sau đó tới Samyang MF và tốt nhất là Sigma Art (tuy nhiên mức độ phóng đại của Sigma Art chỉ hơn Samyang MF một chút). Samyang AF không phải ống kính lý tưởng để chụp close up, nhưng mức độ phóng đại này cũng đủ dùng để chụp chi tiết. Nếu bạn muốn chụp gần hay có độ phóng đại lớn hơn thì bản MF của Samyang hay một số ống kính MF cổ điển như Carl Zeiss Jena 35mm f/2.4 sẽ là lựa chọn tốt hơn.


2.3. Đánh giá độ nét

Trong mục này, mình chụp cùng một cảnh với lần lượt 3 ống kính, sử dụng Sony A7ii trên tripod và không dùng filter hay hood. Tất cả ảnh được chụp RAW và không sử dụng bất kỳ chức năng tăng độ nét hay thay đổi màu nào. Ảnh đọc bằng CameraRaw cũng được kéo tăng độ nét (sharpen) về 0 và không sử dụng chức năng chữa lỗi ống kính. Trong trường hợp SamyangMF 35/1.4, do góc nhìn thực tế hẹp hơn các ống kính 35mm còn lại nên khi chụp mình đưa tripod ra xa vật hơn (trừ khi chụp ở khoảng cách xa) cho đến khi khung hình gần giống nhất với 2 ống kính còn lại. Mình chụp 2 tấm ở gần khoảng cách lấy nét tối thiểu và 1 tấm ở rất xa (gần vô cực), sau đó sử dụng phần trung tâm và viền của 2 tấm ở khoảng cách gần, trung tâm và viền của tấm ở khoảng cách xa để so sánh độ nét khi hạ dần khẩu độ ống kính. Ảnh được chụp ở chế độ ưu tiên khẩu độ (Aperture priority) để đảm bảo cho độ sáng giống nhau giữa các tấm ảnh. Với khoảng cách lấy nét gần, lần này mình chỉ so sánh tới f/5.6 do mức khẩu độ này có giá trị thực tế hơn, còn với khoảng cách lấy nét xa mình so sánh cho tới khẩu độ nhỏ nhất do nhu cầu chụp cảnh sẽ yêu cầu khẩu độ nhỏ.

Trong phần này, mình có thêm ảnh so sánh của SLR Magic 35mm f/1.2 CINE từ lần trước mình làm đánh giá. So 4 ống kính với nhau thì độ nét trung tâm của Sigma Art luôn vượt trội, nhất là ở khẩu độ lớn từ f/1.4 tới f/2.8. Về độ nét ở f/2.8, Samyang AF rất giống Samyang MF và cả hai không nét bằng SLR Magic cũng như Sigma Art. Tuy nhiên khi hạ khẩu độ xuống f/4 hay f/5.6, Sigma Art chỉ nét hơn không đáng kể so với 3 ống kính còn lại.

Tuy nhiên khi so sánh độ nét ở rìa hình khi lấy nét ở khoảng cách gần, có vẻ như Sigma Art không duy trì được lợi thế như phần tâm hình. Sigma Art chỉ nhỉnh hơn Samyang MF từ f/1.4 tới f/2 và cả hai ống kính này đều không nét bằng Samyang AF từ f/2.8 tới f/5.6. Từ f/4 trở đi, nếu bạn lấy nét ở khoảng cách gần thì bạn sẽ đạt được độ nét cao từ tâm ra tới rìa với Samyang AF 35mm f/2.8 và phần rìa còn tốt hơn các đối thủ kích thước lớn!

Với so sánh độ nét ở khoảng cách lấy nét xa, Sigma Art vẫn dẫn đầu ở độ nét trung tâm ngay từ f/1.4 (độ nét hoàn toàn có thể sử dụng được từ khẩu độ này). Từ f/2.8 tới f/16, Samyang AF cũng thể hiện là một ống kính sắc nét và độ nét có thể nói là xấp xỉ hai ống kính còn lại. Ở độ phóng đại rất lớn này bạn khó có thể nhận ra sai khác giữa 3 ống kính nên bạn có thể an tâm là ở kích cỡ ảnh nhỏ, bạn sẽ không thể phân biệt được ống nào nét hơn. So với 2 ống kính còn lại, Samyang MF có vẻ là ống kính giữ được độ tương phản ở tâm hình cao nhất trong toàn dải khẩu độ. Cần lưu ý là từ f/16, hiện tượng nhiễu xạ làm ảnh chụp bằng Samyang AF 35/2.8 giảm chất lượng, tại f/22 chất lượng chỉ còn nhỉnh hơn chất lượng chụp tại f/2.8.

Còn về độ nét tại góc hình, Samyang AF có vẻ yếu hơn hai ống kính còn lại, nhất là trong khoảng f/2 tới f/4. Độ tương phản và độ nét của Samyang AF trong khoảng này không cao và kém hơn khá rõ bản MF. Tương tự như khi lấy nét ở khoảng cách gần, ống kính Sigma cũng không có độ nét và tương phản tốt bằng Samyang MF. Trong khoảng f/5.6 - f/8, cả ba ống kính rất đồng đều, cho tới khi chất lượng bắt đầu bị giảm nhanh với Samyang AF từ f/11. Khi hạ khẩu xuống f/22, độ nét ảnh chụp bằng Samyang AF tương đương khi chụp ở f/4.

Như vậy, các bạn có thể hoàn toàn an tâm là ống kính Samyang AF 35mm f/2.8 là một ống kính có độ nét cao, mặc dù ở khẩu độ lớn nó hơi kém hơn các đối thủ ở độ nét góc hình nhưng trong khoảng f/5.6 tới f/11 bạn có thể đạt độ nét cao và khá đồng đều từ tâm ra góc hình. Nếu bạn dùng ống kính này để chụp gần thì từ f/2.8 độ nét hoàn toàn có thể sử dụng được (cũng như trong phần lớn ảnh sample mình cung cấp ở dưới đều được chụp ở f/2.8).

2.4. Độ méo hình và mức độ tối góc

Bằng cách chụp các đường thẳng song song nằm ngang và dọc, chúng ta có thể thấy mức độ méo hình của ống kính. Samyang AF 35mm f/2.8 có độ méo thùng (barrel distortion) nhẹ và trục dọc bị nặng hơn trục ngang một chút. Khi so sánh, chúng ta thấy ống Samyang MF bị méo hình nặng nhất và Sigma Art chỉ đỡ méo hơn Samyang AF một chút. Về mức độ tối góc, chúng ta có thể thấy là với lợi thế khẩu độ lớn, hiện tượng tối góc của hai ống kính DSLR (Samyang MF và Sigma Art) biến mất từ f/4, trong khi Samyang AF phải hạ xuống f/5.6 thì mới đỡ tối góc. Khi hạ khẩu xuống dưới 2 mức này, các ống kính trong bài đánh giá này không thay đổi thêm mức độ tối góc và cách duy nhất để loại bỏ hoàn toàn là dùng lens correction trong Lightroom hoặc Photoshop. Mặc dù Samyang AF bị nặng hơn 2 ống kính còn lại nhưng mức độ tối góc từ f/5.6 trong thực tế dùng các ống kính này để chụp cảnh không đủ lớn để nhận thấy nên các bạn có thể không cần phải khử tối góc. Trong phần này mình dùng ảnh chụp cân bằng trắng tự động nên các bạn có thể thấy một lần nữa là ống kính Samyang MF có màu ấm hơn hai ống kính còn lại.

Hiện nay chúng ta chưa có dữ liệu của Samyang AF 35mm f/2.8 trong Lightroom hay CameraRaw để sửa méo nên mình dùng profile của Samyang MF 35mm f/1.4, sau đó tăng khử tối góc lên. Lưu ý là nếu dùng profile này thì các đường ngang sẽ chuyển sang méo lõm (pincushion) nên khi chỉnh méo các bạn nên để ở mức -2 (như hình dưới) thì sẽ cân bằng được mức độ méo của đường dọc và đường ngang. Chắc chắn sau một thời gian chúng ta sẽ có profile chỉnh méo cho ống kính này nên các bạn có thể đợi để chỉnh ảnh được thẳng hơn.

Có một điều thú vị là khi mình dùng profile của Sonnar 35/2.8 thì ảnh chỉ sáng lên (khử hoàn toàn tối góc) nhưng độ méo gần như không thay đổi. Điều này chứng tỏ ống kính Sonnar 35/2.8 có mức độ tối góc tương đương Samyang AF 35/2.8 nhưng có độ méo thấp hơn.

2.5. Độ cong trường ảnh

Giống như trong các bài viết trước, mình có một phương pháp để kiểm tra nhanh mức độ cong trường nét (field curvature) của ống kính ở khẩu độ lớn và khoảng cách lấy nét gần. Bằng cách chụp một đường thẳng nằm ngang trên mặt đất khi máy ở góc rất thấp so với mặt đất và có chiều ngang khung hình song song với đường thẳng, chúng ta có thể thấy hình dạng của khoảng DOF với ranh giới từ chi tiết nét sang chi tiết mờ. Mức độ méo trường có thể được xác định bằng độ cong của khoảng DOF này và thông thường nó sẽ cong đều về phía sau ở phần giữa. Như hình minh họa ở dưới, các bạn có thể thấy Samyang AF có độ méo trường rất thấp nên bạn có thể an tâm là nếu chụp chi tiết dàn hàng ngang thì ở giữa hình và rìa hình có thể nét tương đương nhau, nhất là khi bạn hạ khẩu độ xuống.


2.6. Khả năng chống lóa và bóng sáng (flare and ghost)

Các ống kính MF của Samyang vốn không được đánh giá cao ở khả năng chống lóa. Tuy nhiên với bản AF này, có vẻ như Samyang đã khắc phục được nhiều nhược điểm này. Như các bạn thấy, với nguồn sáng mạnh ở sau, Samyang AF có thể giữ được độ tương phản cao và chi tiết tốt ở vùng ảnh ngay sát nguồn sáng, trong khi phiên bản MF, mà thậm chí là Sigma Art không làm được như vậy. Ở khẩu độ f/2.8 này, mặc dù Sigma Art chống lóa tốt hơn Samyang MF một chút nhưng đã bắt đầu có ghost (đốm màu ở gần nguồn sáng), trong khi Samyang AF không xuất hiện ghost và Samyang MF khi hạ xuống f/4 mới bắt đầu có ghost.


Mời các bạn xem các hình động ở dưới để thấy rõ hơn đặc tính chống lóa và ghost của ba ống kính này ở các khẩu độ khác nhau. Do nguồn sáng bị che một phần nên ở khẩu độ nhỏ, hiện tượng tia bắt đầu xuất hiện và càng rõ hơn khi khẩu độ nhỏ đi. Trong mục này, Samyang AF có lợi thế hơn hẳn hai đối thủ còn lại!

Dưới đây là một số ảnh chụp ngược sáng để các bạn hình dung được mức độ chống lóa của Samyang AF 35mm f/2.8 trong điều kiện chụp thực tế.

2.7. Mức độ sắc sai (chromatic aberration)

Samyang AF 35mm f/2.8 là một ống kính có khả năng chữa sắc sai (hay viền tím) rất tốt. Trong các điều kiện chụp bình thường, rất hiếm khi mình nhận ra viền tím, chỉ đôi lúc ở f/2.8 mình có thể quan sát được viền màu rất mảnh ở quanh chi tiết có độ tương phản cao. Trong một số trường hợp khó như chụp ngược sáng, các bạn có thể quan sát được cả viền tím trục ngang (lateral chromatic aberration) hay viền tím trục dọc (longitudinal chromatic aberration) ở mức độ thấp. Tuy nhiên hiện tượng này chỉ xảy ra ở khẩu độ lớn hơn f/4.

2.8. Đặc điểm bokeh

Với khẩu độ không lớn (f/2.8) bokeh của Samyang AF 35mm f/2.8 có lẽ không phải lợi thế của ống kính này và chúng ta chỉ có thể quan sát được bóng tròn bokeh (bokeh ball) ở khoảng cách lấy nét gần, khẩu độ lớn và khi hậu cảnh ở rất xa. Tuy nhiên mình vẫn so sánh đặc tính bokeh của ống kính này với hai ống kính còn lại. Lưu ý là mình giữ khoảng lấy nét của hai ống kính còn lại giống như Samyang AF nên độ lớn của bóng tròn bokeh xấp xỉ nhau, nhưng trong thực tế hai ống DSLR có thể lấy nét gần hơn và tạo bóng tròn lớn hơn khá nhiều.

Lợi thế duy nhất của Samyang AF 35mm f/2.8 là bokeh vẫn còn dạng tròn ở f/2.8 trong khi hai ống kính còn lại tạo bokeh đa giác khi hạ xuống khẩu độ này. Khi hạ xuống f/4 hay thấp hơn thì tất cả ba ống kính đều tạo bokeh đa giác và sai khác không đáng kể. Độ mịn của vùng không nét với Samyang AF cũng gần bằng hai ống kính khẩu độ lớn và bóng bokeh của ống kính này có một chút highlight ở viền với bokeh ở sau mặt phẳng nét. Đây cũng là biểu hiện của việc chữa cầu sai quá mức (overcorrected) để nâng độ nét của ống kính. Tuy vậy, mức chỉnh sai này vẫn còn xa so với các ống kính bong bóng cổ điển nên bokeh không gây mất tập trung cho người xem.

So với phiên bản MF có hiện tượng vân hành (onion) rất rõ, ống kính Samyang AF đã cải thiện được phần nào (có lẽ do việc chế tạo thấu kính nhỏ có thể đạt độ chính xác cao hơn) nhưng các bạn vẫn có thể quan sát được vân ở trong bóng bokeh ở khu vực lệch tâm. Sigma Art cũng có một chút hiện tượng onion này nhưng khó nhận ra hơn.

2.9. Đặc điểm tia / hiệu ứng sao

Hiệu ứng tia là một yếu tố quan trọng mà phần lớn người dùng chụp cảnh sẽ quan tâm. Với vòng khẩu 7 lá, Samyang AF có thể tạo tia 14 cánh khi hạ khẩu. Do thiết kế lỗ khẩu dạng cong chứ không dùng lá khẩu thẳng như ở bản MF nên hiệu ứng tia với ống kính này cũng không đẹp bằng tia của Samyang MF 35/1.4. Từ f/8 ống kính bắt đầu tạo tia và tia gọn, rõ nhất ở f/22, nhưng các cánh không đều nhau.

Còn đây là hiệu ứng tia của Samyang MF 35mm f/1.4

2.10. Khả năng chữa coma

Với chụp ảnh sao, chụp ảnh thiên văn thì hiện tượng coma cũng rất đáng quan tâm. Hiện tượng này gây ra hiện tượng chi tiết ở góc và rìa hình bị kéo dịch đi tạo thành vệt dài nên không phù hợp với chụp thiên văn. Samyang AF 35mm f/2.8 mặc dù ít có khả năng được dùng để chụp sao do khẩu độ hơi nhỏ, nhưng mình cũng nhận ra rằng ống kính này kiểm soát coma tốt, bị hiệu ứng nhẹ ở f/2.8, gần như biến mất hoàn toàn tại f/4 và từ f/5.6 không có dấu hiệu gì của coma.

2.11. Khả năng lấy nét tự động (AF)

Đây là một phần quan trọng nên mình đã thực hiện đánh giá khả năng AF trong nhiều điều kiện khác nhau để các bạn có được cái nhìn chính xác về ống kính này.

Đầu tiên là khả năng AF với điểm spot AF ở chính giữa hình, trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Mình thay đổi góc của máy để di chuyển điểm lấy nét từ tiền cảnh gần tới hậu cảnh xa vô cùng để xem tốc độ máy lấy nét nhanh đến đâu. Với A7ii, khu vực trung tâm hình bạn sẽ được dùng cơ chế lấy nét theo pha (PDAF) để lấy nét. Các bạn lưu ý khi xem video là mặc dù khi mình lấy nét, có hiện tượng ống kính hơi đi quá điểm nét rồi lùi lại, sau đó mới lock vào điểm nét, nhưng đây không phải là biểu hiện của hunting (thò thụt ống kính hoặc không tìm được điểm nét) mà thực sự là ống kính lấy nét chính xác một khi mình nhấn nút chụp thay vì giữ nữa cò như trong video. Hiện tượng này cũng xuất hiện trong nhiều video khác đánh giá ống kính này, tuy nhiên vẫn có trường hợp video không thấy có hiện tượng này và mình chưa thể giải thích được đây là do khác nhau giữa các bản copy hay do tùy chỉnh máy.

Ở vị trí giữa hình, hệ thống AF hoạt động rất nhanh và chính xác với thời gian thay đổi vị trí lấy nét từ rất gần tới rất xa chỉ trong vòng dưới 1 giây, dù lấy nét ở f/2.8 hay f/8 (trong video mình thiếu mất ghi chú nửa đầu là lấy nét ở f/2.8). Tiếp theo mình thay đổi điểm Spot AF ra sát rìa để kiểm tra khả năng lấy nét với cơ chế lấy nét tương phản (contrast detection hay CDAF) do trên máy A7ii, chỉ có vùng giữa hình có PDAF còn phía ngoài là CDAF. Tương tự như PDAF, ở khu vực này AF cũng hoạt động nhanh, chuẩn xác dù ở khẩu độ nhỏ như f/8. Một điểm lưu ý là khi bạn dùng AF-C với điểm CDAF, bạn sẽ thấy hiện tượng giống như ống kính không tìm thấy điểm nét (hunting), nhưng khi ấn nút chụp thì ảnh lại lấy nét chuẩn. Do mới thử một bản nên mình không biết đây có phải vấn đề của bản copy hay không. Tuy nhiên, nếu dùng để chụp thì các bạn có thể bỏ qua hiện tượng này vì thực ra ảnh vẫn chính xác ngay cả khi thiếu sáng.

Mình lặp lại việc test AF trong điều kiện thiếu sáng (lúc chập tối) và thấy tốc độ lấy nét cũng tương đương khi đủ sáng. Bình thường ống kính này lấy nét êm, mặc dù có tạo ra tiếng "ro ro" nhưng bạn phải đưa sát tai vào máy hoặc dùng máy trong môi trường rất yên tĩnh mới có thể nhận thấy tiếng động này. Trong video thử AF trong điều kiện thiếu sáng ở dưới, có trường hợp bạn sẽ nghe thấy tiếng "rẹt" của motor khi lấy nét khó (chỉ 2 lần trong phần 3 của video dưới). Nhìn chung, với nhu cầu nhiếp ảnh thì tiếng động của ống kính này không đáng chú ý, tuy nhiên để phục vụ quay phim thì các bạn cần lưu ý. Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn review khác nhau có thể thấy là chất lượng khác nhau giữa các bản copy cũng làm ảnh hưởng tới mức ồn của motor, trong đó một số bản copy thì rất êm và một số bản lại có thể nghe được tiếng ồn khi lấy nét. Nếu bạn muốn dùng ống kính này cho mục đích quay phim, cách tốt nhất là chuyển sang chế độ MF để có hiệu quả tốt nhất.

Trong điều kiện rất khó, gần như không có ánh sáng, Samyang AF vẫn có thể lấy nét khá nhanh, chỉ thi thoảng bị đơ trong 1 giây khi phải chuyển điểm lấy nét xa nhau nhưng nhìn chung vẫn rất ấn tượng.

Một hiện tượng lạ mà mình gặp phải khi thử khả năng AF của ống kính này là với A7ii, AF-C không hoạt động khi quay video (mặc dù hoạt động tốt khi chụp). Trong chế độ video, nếu để AF-C và chọn wide focus, nếu ống kính hoạt động được thì không cần phải ấn nút chụp máy vẫn tự động lấy nét, nhưng với A7ii và Samyang AF, dường như ống kính lấy nét rất kém khi quay, chỉ thi thoảng có chỉnh lại điểm lấy nét chứ không giống như AF-C. Khi mình dùng ống kính này với A6300 với cùng tùy chỉnh thì ống kính lại lấy nét nhanh bình thường khi quay. Hiện tượng này có thể giải thích một phần do mật độ điểm focus PDAF của A6300 cao và nhiều điểm hơn A7ii. Ngoài ra, khi chụp ngược sáng với nguồn sáng mạnh, ống kính có thể bị "đơ" một lúc nên không thể lấy nét chính xác các điểm ở xa, sau một lúc mới hồi phục.

3. ẢNH CHỤP MẪU

Ảnh mẫu rất quan trọng để đánh giá khả năng của ống kính trong các điều kiện chụp khác nhau. Các bạn lưu ý là tất cả ảnh đều đã được xử lý màu hậu kỳ (tuy nhiên mình không tăng độ nét hình). Các bạn có thể xem các hình ở trên để biết đặc tính ống kính khi ảnh chưa được xử lý. Để xem hình chất lượng cao, các bạn có thể click vào hình hoặc xem trên album của Vsion . Có một điểm lưu ý là ảnh trên trang web của Vsion có màu nhạt hơn khá rõ trên các trang web khác hay Flickr nên các bạn nên xem ảnh lớn ở Flickr để có nhận xét chính xác hơn. Những ảnh có ghi chú SOOC (Straight Out Of Camera) nghĩa là ảnh lấy trực tiếp từ file jpeg của máy hoặc xuất từ file RAW không qua chỉnh sửa, còn các ảnh khác mình đều đã chỉnh màu trên Photoshop.

4. KẾT LUẬN

Mặc dù mới được sử dụng ống kính trong vòng một tuần, mình có nhiều thiện cảm với ống kính AF này của Samyang. Với mức giá rất dễ chịu và hiệu năng hoàn toàn có thể so sánh được với các ống kính DSLR đắt tiền khác, Samyang AF 35mm f/2.8 là một lựa chọn phù hợp với người dùng bình dân và đặc biệt là cho nhu cầu chụp ảnh cơ động như khi đi du lịch. Các đặc điểm nổi trội của ống kính này là khả năng chống flare tốt, màu tạo tông lạnh hơn màu ấm truyền thống của Samyang, khả năng AF nhanh, độ nét cao và đồng đều từ tâm tới góc khi hạ khẩu, và quan trọng nhất là mức giá chỉ hơn 7 triệu đồng. Mặc dù không có so sánh trực tiếp với Sonnar T* 35/2.8 trong bài đánh giá này, như đã nói ở đầu, Vsion cũng xin cung cấp cho bạn đọc một số video đánh giá có thông tin các bạn cần tìm hiểu ở dưới. Theo các đánh giá này thì Samyang AF 35/2.8 có độ nét tốt hơn Sonnar FE từ tâm tới rìa và độ tương phản thậm chí tốt hơn ở khoảng cách lấy nét xa. Khi so sánh màu, các bạn cũng có thể thấy là mặc dù Samyang AF có màu lạnh hơn Samyang MF song vẫn chưa đạt tới độ lạnh như màu của Zeiss. Có thể nói, với những gì chúng ta biết được, Samyang AF 35mm f/2.8 là một đối thủ đáng gờm với Sonnar T*.


Video tham khảo

So sánh Samyang AF 35mm f/2.8 và Sony Sonnar T* 35mm f/2.8 ZA từ phút 7:45. Trong các so sánh này thì ảnh ở trên là Samyang và ảnh dưới là FE Sonnar. So sánh được thự hiện với Sony A7Rii

So sánh hai ống kính Samyang và Sony bắt đầu từ phút 1:41. So sánh được thực hiện với Sony A9.

Đây là một đoạn video rất đẹp được quay bằng A6300 và Samyang AF 35mm f/2.8 do Christopher Frost thực hiện

Vsion team
Bài viết do Vsion thực hiện
Không sử dụng lại bài viết trên các trang web khác nếu không được sự đồng ý của các tác giả
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: