Blog Post

Hiệu ứng tiêu cự trong chụp chân dung

Feb 09, 2017

Hiệu ứng tiêu cự là thuật ngữ hay được nhắc tới để phân biệt hiệu ứng hình ảnh khác nhau bạn sẽ nhận được khi thay đổi tiêu cự ống kính do góc nhìn và khoảng cách lấy nét thay đổi . Trong bài viết này Vsion sẽ giúp các bạn hiểu rõ hiện tượng để kiểm soát tốt hơn khung hình mình cần chụp cũng như lựa chọn tiêu cự phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu chụp.

Trong phạm vi bài viết này mình sẽ nói tới những thay đổi về hậu cảnh, độ biến dạng chủ thể khi chụp chân dung và tiêu cự ống kính thay đổi để đảm bảo khung hình được giữ nguyên, nghĩa là tỷ lệ khoảng cách từ chủ thể tới các vùng biên của hình không đổi.

Tiêu cự ống kính , được thể hiện bằng đơn vị mm, được xác định bằng khoảng cách từ khi các tia sáng song song chuyển hướng khi đi qua hệ thấu kính lấy nét về vô cực cho tới khi chúng hội tụ về một điểm. Với hệ thấu kính trong ống kính các bạn thường dùng thì khoảng cách này được tính từ mặt phẳng cảm biến tới một điểm nằm trong hoặc nằm ngoài thân ống kính do đặc điểm quang học phức tạp kết hợp nhiều thấu kính. Tiêu cự càng ngắn thì góc nhìn của hệ ống kính - máy ảnh càng rộng. Nói một cách dễ hiểu thì người chụp cùng một khung hình mà dùng ống kính tiêu cự ngắn thì phải đứng gần hơn người dùng ống kính tiêu cự dài hơn (nếu 2 máy có cùng kích thước sensor). Hình bên cạnh (nguồn: http://clarapersis.com/ ) thể hiện góc nhìn (Field of view) tương ứng với các tiêu cự từ 8 tới 200mm trên máy ảnh full frame.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn dùng ống tiêu cự ngắn chụp gần và ống tiêu cự dài chụp xa (trên cùng một máy ảnh)để có được 2 khung hình giống nhau? Các bạn có thể hình dung qua sơ đồ mình làm ở dưới. Đây là hình minh họa sự thay đổi khoảng cách và góc nhìn của máy khi dùng các ống kính tiêu cự khác nhau để chụp chân dung, với 4 tiêu cự được xếp theo trình tự A < B < C < D. Để chụp cùng một khung hình nghĩa là bạn phải đảm bảo tỷ lệ chiều cao và chiều ngang của chủ thể được chụp so với toàn bộ khung hình nên vị trí máy ảnh sẽ phải càng xa dần tương ứng với tiêu cự A, B, C, D. Góc nhìn của từng ống kính được thể hiện bằng các đường thẳng màu và mình giả sử hậu cảnh trong trường hợp này là một bức tường sơn màu tương ứng với độ rộng khung hình mà mỗi ống kính có thể chụp được. Ống kính tiêu cự dài hơn sẽ có góc nhìn hẹp hơn và phải đứng xa hơn để chụp được cùng một khung hình.

Khi tiêu cự càng dài bạn càng phải đứng xa và do góc nhìn hẹp lại, phần hậu cảnh bạn chụp được cũng trở nên hẹp lại , như ở hình D bạn sẽ chỉ nhìn thấy phần bức tường màu tím ở chính giữa hình. Do chụp bằng cùng một máy ảnh nên lượng thông tin ống kính thu được sẽ được thể hiện trên cùng một số lượng pixel. Hệ quả là ở hình A máy ảnh lấy được nhiều chi tiết hậu cảnh nhất, ở hình D máy ảnh lấy được ít nhất nhưng cả hai cùng được thể hiện trên cùng một diện tích hình nên ở hình A các chi tiết bị dồn lại còn ở hình D các chi tiết được kéo giãn ra. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới mức độ "xóa phông" của ống kính: góc nhìn càng hẹp thì hậu cảnh càng bị kéo giãn hay phóng to lên và đơn giản, ít chi tiết hơn hay cảm giác "xóa phông" cũng tăng lên với tiêu cự ống kính dài. Ngoài ra do hậu cảnh được phóng to khi chụp bằng ống tiêu cự dài, bạn cũng có cảm giác các chi tiết ở xa được kéo tới gần hơn tới người xem ảnh và ngược lại với ống tiêu cự ngắn, chi tiết hậu cảnh bị đẩy ra xa.

Một hệ quả quan trọng của hiệu ứng tiêu cự khi chụp chân dung là hiện tượng biến dạng các đặc điểm khuôn mặt . Do khuôn mặt không phải là một mặt phẳng mà cũng có dạng 3D với vị trí không gian của các chi tiết là khác nhau nên tùy thuộc tiêu cự, sự khác nhau về vị trí không gian của các chi tiết này cũng được thể hiện khác nhau. Hai phần quan trọng là vị trí mắt và mũi có khoảng cách về không gian là cố định, nhưng do khoảng cách lấy nét là khác nhau giữa các tiêu cự nên tỷ lệ ( mắt - mũi ) / khoảng cách tới ống kính sẽ càng nhỏ khi tiêu cự càng dài. Các chi tiết khác trên khuôn mặt cũng vậy, nếu bạn hình dung các chi tiết được phân bổ theo các lớp có khoảng cách khác nhau tới vị trí máy ảnh thì tiêu cự ống kính càng dài thì các lớp này sẽ trở nên gần nhau hơn trên bức ảnh, hay người ta còn gọi là hiệu ứng "nén" (compression) khi chụp chân dung với ống kính tiêu cự dài. Những hình minh họa dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về hiện tượng này:

Đây là ảnh động được tạo bởi ảnh chân dung chụp tại các tiêu cự từ 20 tới 200 mm của nhiếp ảnh gia Dan Vojtěch ( http://www.danvojtech.cz/ ) và lý do mình chọn để minh họa cho lý thuyết ở trên là phần hậu cảnh đã được tối giản để chúng ta có thể tập trung vào thay đổi trên khuôn mặt. Các bạn có thể thấy ở tiêu cự ngắn thì khuôn mặt bị biến dạng theo chiều hướng nhấn mạnh các chi tiết xa - gần so với ống kính, đặc biệt là phần sống mũi. Khi chụp tại tiêu cự dài, các đặc điểm này được kéo lại gần nhau hơn và người được chụp cũng có vẻ béo hơn với sống mũi thấp hơn. Hiện tượng này giống như một quả bóng cao su, nếu bạn dùng tay ấn từ hai bên thì quả bóng sẽ sang dạng thuôn dài còn nếu ấn xuống thì quả bóng sẽ bị dẹt xuống và giống như nó lớn hơn bình thường.

Nếu so sánh ảnh chụp bằng các ống kính tiêu cự khác nhau xấp xỉ 2 lần (ví dụ như 24mm - 50mm - 105mm - 200mm) các bạn sẽ thấy độ biến dạng của mặt ở khoảng tiêu cự ngắn dễ nhận thấy hơn khoảng tiêu cự dài như 100-200mm vì chụp bằng ống tele thì tỷ lệ khoảng cách các chi tiết trên mặt tới ống kính là không khác nhau đáng kể nữa nên ảnh đều có độ nén hình rất gần nhau.

Hiệu ứng này có áp dụng được khi bạn dùng cùng một ống kính nhưng thay đổi khoảng cách lấy nét không? Câu trả lời là CÓ. Khi bạn đưa ống kính lại gần thì khuôn mặt cũng bị biến dạng giống như khi bạn dùng ống kính góc rộng hơn. Hình so sánh bên dưới được thực hiện bởi Nasim Mansurov trên trang photographylife.com sẽ giúp các bạn hình dung được rõ hơn. Tác giả đã chụp mẫu bằng cùng một máy ảnh và ống kính 35mm nhưng ở các khoảng cách khác nhau, sau đó crop hình để ra cùng một khung hình (video các bạn có thể xem ở dưới). Ở hình bên phải, khi chụp gần mẫu, hiệu ứng biến dạng cũng giống như hiệu ứng góc rộng.

Đây là một chi tiết quan trọng để mình nói tới phần tiếp theo: khi thay đổi kích thước sensor và bạn dùng tiêu cự quy đổi tương đương thì hiệu ứng tiêu cự có giống nhau không ? Câu trả lời tiếp tục là CÓ, có nghĩa là bạn dùng ống kính 200mm trên máy full frame (hệ số crop 1) và ống kính 100mm trên máy micro four third (hệ số crop 2) thì hiệu ứng tiêu cự đều giống nhau, hay độ biến dạng mặt hay tỷ lệ phóng đại hậu cảnh đều y như nhau. Mình cũng muốn nhắc lại một điểm là tiêu cự ghi trên ống kính là giá trị vật lý không thay đổi, tuy nhiên khi dùng ống kính trên các hệ máy có sensor khác kích thước thì số này được nhân với hệ số crop để tính ra tiêu cự quy đổi tương đương, nghĩa là góc nhìn sẽ giống tiêu cự này khi dùng trên máy full frame. Nói cách khác, ảnh chụp bằng ống kính 100mm trên máy micro four third sẽ bằng ảnh chụp bằng ống kính đó trên máy full frame mà cắt vào từ 4 cạnh để ra hình tương đương góc nhìn chỉ bằng một nửa giống ống kính 200mm trên máy full frame(do hệ số crop là 2).

Như hình minh họa ở dưới, khi dùng 2 ống kính tiêu cự khác nhau 2 lần (B = 1/2 A) thì góc nhìn ống kính B cũng lớn gấp 2 lần ống kính A. Để chụp 2 hình giống nhau thì (ống A + full frame) phải đứng cùng vị trí với (ống B + micro four third). Ảnh chụp trên máy micro four third dùng ống B chính bằng ảnh crop từ ảnh chụp bằng (ống B + máy full frame) từ cùng khoảng cách. Nếu các bạn lo ngại rằng hiệu ứng tiêu cự của ống A sẽ khác ống B thì có thể nhớ rằng với ống kính tiêu cự ngắn hơn (B) thì bạn cũng phải lùi xa hơn để chụp ra cùng một khung hình nên hiệu ứng tiêu cự cũng thay đổi theo hướng giống như bạn kéo dài tiêu cự ra như ngay ở phần trên mình đề cập tới. Mặc dù các yếu tố về DOF, ISO sẽ không hoàn toàn giống nhau nhưng về mặt hiệu ứng tiêu cự các bạn có thể an tâm rằng tiêu cự quy đổi tương đương sẽ tạo cùng một hiệu ứng với cùng độ biến dạng mặt và khoảng hậu cảnh ống kính có thể lấy được.

Chưa thuyết phục lắm? Các bạn có thể xem hình dưới do Tony Northrup thực hiện để thấy là hai hình chụp gần như là giống nhau hoàn toàn: hình bên phải được chụp ở tiêu cự 100mm trên máy micro four third (tiêu cự quy đổi tương đương 200mm) và hình bên phải được chụp ở tiêu cự 200mm trên máy full frame. Để đạt được hiệu ứng xóa phông và DOF cũng như độ noise, máy micro four third phải tăng khẩu lên gấp 2 và hạ ISO xuống bằng 1/4, tuy nhiên vấn đề này mình sẽ nói tới trong bài viết sau.

Nếu bạn nghĩ là khác biệt hệ số crop 2 lần chưa thể hiện rõ thì có lẽ so ảnh chụp bằng 2 máy có hệ số crop khác nhau 7 lần chắc sẽ thuyết phục hơn. Bạn có thể tìm thấy hai hình so sánh này cũng trên trang photographylife.com với ảnh chụp bằng máy ảnh mặt sau của iphone 6 ờ hình trên (tiêu cự 4.15mm, f/2.2 và hệ số crop 7.1) và Nikon D600 ở hình dưới (tiêu cự 31mm, khẩu f/16, hệ số crop 1). Tiêu cự và khẩu độ quy đổi hai ống kính này xấp xỉ nhau và chụp từ cùng một khoảng cách, các bạn có thể thấy về góc nhìn cũng như độ biến dạng chủ thể, độ xa gần hậu cảnh của 2 tấm ảnh là y như nhau.

Vậy ý nghĩa của việc hiểu được hiệu ứng tiêu cự có tác dụng như thế nào khi chụp ảnh thực tế ? Các bạn sẽ thấy là để khuôn mặt được chụp gần giống nhất với ấn tượng của mọi người thường nhớ sẽ tương đương với khoảng tiêu cự ống kính 85-100mm khi chụp bán thân. Mặc dù tiêu cự 40-50mm được gọi là tiêu cự thông thường (normal) sẽ cho góc nhìn gần giống nhất với góc nhìn của mắt người, tuy nhiên khuôn mặt người thường được ghi nhớ ở khoảng cách trung bình trong khoảng 1-2m (là khoảng cách thông thường mọi người giao tiếp với nhau) nên tiêu cự tele ngắn tới trung bình sẽ giống nhất với ngoài đời. Khi chụp bằng ống kính tele thì người được chụp sẽ có vẻ béo hơn và chụp bằng ống wide thì sẽ thấy gầy hơn ngoài đời. Mặc dù bạn có thể chụp chân dung với mọi tiêu cự nhưng những lý do trên làm tiêu cự 105mm từng được coi là tiêu cự chuẩn cho chụp chân dung.
Do hiệu ứng với ống kính tiêu cự dài và ngắn khác nhau, bạn có thể ứng dụng cho các trường hợp có nhu cầu khác nhau:

- Dùng ống kính wide sẽ lấy được hậu cảnh rộng và nhấn mạnh các chi tiết trên khuôn mặt, phù hợp để thể hiện mối tương quan giữa chủ thể và hậu cảnh cũng như tăng điểm nhấn cho các đặc điểm đặc trưng trên khuôn mặt. Tiêu cự 24-28mm hay được dùng cho các nhu cầu như vậy. Ngoài ra, ống kính tiêu cự ngắn hơn sẽ được ưa chuộng hơn với những khuôn mặt có đặc điểm tỷ lệ không rõ ràng hoặc hơi béo.

- Dùng ống kính tele bạn sẽ xóa phông được tốt hơn, nhất là chụp bán thân đến toàn thân, do góc nhìn hẹp. Ống kính tele có khoảng cách lấy nét xa nên sẽ phù hợp khi bạn cần mẫu có không gian thoải mái hay cần sự tương tác của các mẫu với nhau. Ống kính tele cũng phù hợp hơn để chụp chân dung người Châu Âu với sống mũi cao vì khả năng nén hình sẽ làm sống mũi đỡ bị nhấn mạnh và gây mất tập trung hơn. Người hơi gầy khi chụp bằng ống tele cũng sẽ có cảm giác béo hơn bình thường. Từ tiêu cự 100mm trở lên, độ biến dạng khuôn mặt là không nhiều nên chụp bằng các ống kính tele dài sẽ không có khác biệt đáng kể tới khuôn mặt, tuy nhiên khi lựa chọn các ống kính tiêu cự ngắn hơn 50mm, bạn nên lưu tâm để tránh những biến dạng không mong muốn.

Để kết bài, các bạn có thể xem hình động ở dưới để thấy những thay đổi khi kết hợp cả hai yếu tố hậu cảnh và biến dạng mặt mà mình đã phân tích ở trên. Hy vọng bài viết có thể cung cấp cho các bạn những kiến thức cần thiết để lựa chọn ống kính cho phù hợp với mục đích của mình.

Dr. Fox
Bài viết được biên tập bởi Dr. Fox
Nghiêm cấm sử dụng lại trên các trang web và ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: