Blog Post

Lựa chọn thẻ nhớ phù hợp với máy ảnh của bạn

Aug 11, 2017

Thẻ nhớ cho máy ảnh là một phần rất quan trọng giúp máy ảnh của bạn hoạt động hiệu quả hơn và cũng là một trong những nhân tố chính giới hạn tốc độ làm việc của người chụp, tuy nhiên đôi lúc vấn đề này không được quan tâm đúng mức đã vô tình khiến bạn gặp phải những cản trở không đáng có khi tác nghiệp. Trong bài viết này, Vsion sẽ giúp các bạn hiểu hơn về các loại thẻ nhớ cho máy ảnh và làm sao bạn có thể tự xác định được loại thẻ nhớ nào phù hợp với máy ảnh của mình trước khi quyết định mua.

CÁC LOẠI THẺ NHỚ DÙNG CHO MÁY ẢNH
Thẻ SD, miniSD, microSD

Mặc dù không phải dạng thẻ nhớ đầu tiên được sáng chế (vị trí này thuộc về thẻ CompactFlash hay CF), tuy nhiên ngày nay các loại thẻ nhớ SD, miniSD, microSD đang thống lĩnh thị trường nhờ kích thước nhỏ, giá thành thấp hơn và chất lượng rất cạnh tranh. Do phần lớn người dùng máy ảnh hiện nay dùng thẻ SD và microSD nên bài viết này sẽ tập trung chủ yếu vào hai loại thẻ này. Tuy nhiên các loại thẻ khác cùng các lưu ý chúng tôi cũng sẽ đề cập tới.

Secure Digital (hay SD) là định dạng bộ nhớ điện tử được phát triển bởi Hiệp hội thẻ SD (SD Card Association - SDA) phát triển và được giới thiệu ra thị trường từ năm 1999 từ sự hợp tác của SanDisk, Toshiba và Panasonic để tìm giải pháp thay thế thẻ MMC. Ngày nay, thế hệ thẻ nhớ SD đầu tiên không còn tồn tại mà được thay thế bởi các thế hệ thẻ nhớ mới có dung lượng lưu trữ và tốc độ đọc/ghi cao hơn để đáp ứng với sự phát triển rất nhanh của các thiết bị điện tử. Ngoài ra, sự phổ biến của các thiết bị cầm tay nhỏ gọn như điện thoại smartphone cũng là động lực cho sự hình thành của các định dạng thu nhỏ của thẻ nhớ SD là miniSD và microSD (so sánh kích thước ở hình dưới). Các loại thẻ nhớ thu nhỏ này cũng được thiết kế để đạt khả năng lưu trữ và tốc độ xử lý dữ liệu tương đương phiên bản lớn. Nếu bạn đang dùng nhiều thiết bị điện tử có các khe cắm thẻ nhớ kích thước khác nhau thì lựa chọn các loại thẻ nhớ thu nhỏ này là một giải pháp tốt để trao đổi thông tin giữa các thiết bị được thuận lợi mà không tốn kém.

Thẻ CF, CFast

Thẻ nhớ CompactFlash (CF) được SanDisk thiết lập quy chuẩn và lần đầu tiên chế tạo ra vào năm 1994 và trở thành định dạng bộ nhớ thành công nhất trong nhóm các bộ nhớ ngoài được phát triển đầu tiên. Ngày nay thẻ CF vẫn được ưa chuộng trong các thiết bị chuyên dụng và chất lượng cao. Với máy ảnh, các dòng máy ảnh DSLR chuyên nghiệp của Canon, Nikon ngày nay vẫn dùng thẻ CF và một số dòng máy còn cho phép sử dụng đồng thời cả CF và SD cùng lúc.

CF thường có tốc độ đọc / ghi cao hơn thẻ SD và giá thành cũng cao hơn, tuy nhiên với sự phát triển nhanh của thẻ SD, hiện nay khoảng cách này đã được rút ngắn và các bạn hoàn toàn có thể dùng thẻ SD với khe thẻ cắm CF bằng adapter.

Thế hệ sau của thẻ CF là CFast được công bố vào năm 2009 với tốc độ ghi có thể đạt tới 167 MB/giây, tuy nhiên về thiết kế vật lý loại thẻ này không tương đồng với CF nên lúc đầu CFast không thể sử dụng được trong máy ảnh bình thường mà chỉ dùng được trong một số thiết bị công nghiệp và game. Tuy nhiên chỉ vài năm sau, một loạt các máy ảnh cao cấp đã được trang bị khe cắm thẻ CFast để tận dụng tối đa tốc độ của loại thẻ mới này (Canon 1DX II, C300 II, Blackmagic Design URSA...). Hiện nay, thế hệ thứ hai CFast 2.0 sử dụng giao thức điện tử SATA 3.0 có thể đạt tốc độ đọc/ghi lên tới 600 MB/giây.

Thẻ XQD

Vào năm 2010, thẻ XQD được giới thiệu ra thị trường để thay thế CF vốn đã có 16 năm tuổi đời. Loại thẻ nhớ mới này được Sandisk, Sony và Nikon thúc đẩy nghiên cứu, sau đó Lexar cũng tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên kể từ khi thương hiệu Lexar bị Micron khai tử thì Sony là hãng duy nhất hiện nay đang chế tạo thành công thẻ XQD. Thẻ XQD được dùng cho các thiết bị ghi hình chất lượng cao nhất và thế hệ 2.0 hiện nay có thể đạt tới tốc độ đọc/ghi lên tới 1000 MB/giây. Cũng giống như CFast, XQD không tương đồng với thẻ CF nên cần có đầu đọc riêng và hiện nay chỉ có một số máy quay và máy ảnh chuyên nghiệp có khe cắm thẻ XQD như máy quayPXW-Z100 của Sony hay series máy DSLR D4, D4s, D5 và D500 của Nikon. Sony đã tuyên bố tất cả các thiết bị ghi hình truyền thông của hãng sẽ được trang bị khe đọc XQD và đây sẽ là định dạng thay thế SD trong tương lai.

CÁC KÝ HIỆU PHÂN LOẠI THẺ NHỚ

Trên mặt trước thẻ nhớ luôn có một loạt các ký hiệu và thông số dùng để phân loại thẻ nhớ và chủ yếu là theo tốc độ đọc / ghi và dung lượng lưu trữ.

Với các thẻ nhớ SD và microSD, có 3 loại thẻ chia theo khả năng lưu trữ dữ liệu: SD (tối đa 2 GB), SDHC (tối đa 32 GB) và SDXC (tối đa 2 TB). Ngày nay thẻ nhớ SD gần như không còn tồn tại trên thị trường mà chỉ còn SDHC và SDXC. Các loại thẻ nhớ này cũng phân biệt nhau ở định dạng lưu trữ thông tin FAT12/FAT16/FAT32/exFAT như ở bảng thống kê bên dưới.

Yếu tố quan trọng thứ hai để xác định loại thẻ SD là phân loại UHS (Ultra High Speed) với tốc độ Bus (Bus interface) khác nhau: UHS-I, UHS-II và UHS-III (như ở bảng dưới). Tốc độ bus sẽ ảnh hưởng tới tốc độ đọc/ghi tối đa của thẻ, tuy nhiên tốc độ thực tế sẽ khác nhau tùy thẻ do có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng. Hiện nay phần lớn thiết bị ghi hình chỉ cần sử dụng thẻ UHS-I (được biểu diễn bằng số La Mã I trên thẻ), tuy nhiên một số máy ảnh và máy quay có tốc độ ghi nhận thông tin cao thì cần có thể UHS-II, hoặc thậm chí UHS-III để phát huy hết khả năng.

Tên loại thẻ nhớ Dung lượng lưu trữ tối đa Tốc độ Bus
SD 2 GB (FAT12/FAT16) 25 MB/giây
SDHC
SDXC
SDHC I 32 GB (FAT32) 104 MB/giây
SCXC I
SDHC II 312 MB/giây
SDXC II 2 TB (exFAT)
SDHC III 624 MB/giây
SDXC III

Trong phần ký hiệu, các bạn sẽ để ý thấy hình chữ U trong đó có số 1 hoặc 3. Đây gọi là UHS Class , dùng để phân loại thẻ với tốc độ ghi thấp nhất (cần tránh nhầm với UHS-I, II, III được biểu diễn bằng số La Mã). Thông số này có giá trị giống như thông số loại thẻ ( Class ) được đánh dấu bằng chữ C và số ở trong. Có 5 loại Class khác nhau (Class 2, Class 4... , Class 10) với tốc độ ghi thấp nhất thẻ đạt được bằng đúng số Class và UHS Class 1 sẽ tương ứng với Class 10. Đôi lúc bạn sẽ gặp những thẻ có ghi C10 (Class 10, tốc độ ghi thấp nhất 10 MB/giây) và U3 (UHS Class 3, tốc độ ghi thấp nhất 30 MB/giây) thì tốc độ ghi tối thiểu sẽ là giá trị cao hơn.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu quay phim, một thông số phân loại nữa được ra đời, được gọi là V Class (video): V6, V10, V30, V60, V90 với chữ số thể hiện tốc độ duy trì được thấp nhất khi quay phim.

Class Tốc độ ghi thấp nhất
2 2 MB/giây
4 4 MB/giây
6 6 MB/giây
8 8 MB/giây
10 10 MB/giây
UHS Class Tốc độ ghi thấp nhất
1 10 MB/giây
3 30 MB/giây
V Class Tốc độ duy trì thấp nhất
V6 6 MB/giây
V10 10 MB/giây
V30 30 MB/giây
V60 60 MB/giây
V90 90 MB/giây

Thông thường, nhiều loại thẻ nhớ có ghi tốc độ đọc / ghi cao nhất ở mặt ngoài (MB/giây), tuy nhiên một số hãng lại sử dụng tốc độ X (như Lexar). Đơn vị X này dùng để chỉ số lần tốc độ cao hơn tốc độ đọc nguyên bản của đầu đĩa CD-ROM: 150 KB/s, nên số trước X là bội số của 150 KB/s, như trong bản dưới đây. Tương ứng với các loại Class, chúng ta cũng có thể quy đổi về tốc độ X. Những thẻ nhớ chất lượng cao hiện nay đã đạt tới tốc độ hàng nghìn X.

Tốc độ X Tốc độ duy trì thấp nhất
13X 2 MB/giây (Class 2)
26X 4 MB/giây (Class 4)
40X 6 MB/giây (Class 6)
66X 10 MB/giây (Class 10)
100X 15 MB/giây
200X 30 MB/giây
300X 45 MB/giây
600X 90 MB/giây
1000X 150 MB/giây

Đối với thẻ nhớ CF, ngoài các thông số tương tự như SD, các bạn cần lưu ý tới thông số UDMA ( Ultra Direct Access Mode ) dùng để chỉ giao thức truyền tín hiệu của thẻ. UDMA 7 cho phép tốc độ truyền tín hiệu tối đa là 167 MB/giây, trong khi UDMA 6 là 133 MB/giây.

Ngoài ra, khi các bạn gặp ký hiệu VPG-20 hay VPG-65 thì nó có nghĩa là tốc độ ghi tối thiểu được đảm bảo ( Video Performance Guaranteed ) là 20 MB/giây hoặc 65 MB/giây. Hai mức tốc độ này cũng đồng nghĩa với việc thẻ CF có thể đảm bảo cho quay phim Full HD (VPG-20) hoặc 4K Ultra HD (VPG-65).

CÁC LƯU Ý KHI LỰA CHỌN THẺ NHỚ

  • Các hãng sản xuất thẻ nhớ thường ghi tốc độ đọc/ghi cao nhất trên thẻ, và thường là tốc độ đọc do tốc độ ghi thấp hơn tốc độ đọc. Tuy nhiên tốc độ ghi quan trọng hơn tốc độ đọc và ảnh hưởng lớn tới khả năng chụp nhanh, chụp liên tục của máy ảnh nên các bạn cần xác định qua tốc độ ghi thực tế của thẻ (ở dưới chúng tôi sẽ nói đến kỹ hơn).
  • Tốc độ đọc thực tế của thẻ không chỉ phụ thuộc khả năng ghi dữ liệu của thẻ mà còn bị giới hạn bởi máy ảnh. Mặc dù cùng loại UHS-I nhưng các cổng đọc thẻ khác nhau có tốc độ giới hạn khác nhau nên các máy ảnh hoàn toàn có thể có tốc độ ghi dữ liệu khác nhau.
  • Nếu tốc độ ghi của thẻ bị giới hạn bởi máy ảnh thì sử dụng thẻ nhanh hơn vẫn có ưu thế khi bạn cần chuyển dữ liệu sang các thiết bị khác.
  • Một số máy ảnh yêu cầu dung lượng thẻ tối thiểu để có thể quay video, như định dạng XAVC-S của A6000 yêu cầu bạn phải dùng thẻ nhớ 64GB nên bạn cần thẻ SDXC để có thể dùng chức năng này.
  • Nếu bạn dùng thẻ UHS thế hệ cao hơn loại khe thẻ nhớ trên máy có thể sử dụng thì tốc độ bus của thẻ sẽ giảm xuống mức tương ứng của thẻ thế hệ trước, nhưng bạn không thể dùng thẻ Class thấp với thẻ yêu cầu Class cao hoặc dùng thẻ có giới hạn dung lượng cao (như SDXC) cho khe cắm thẻ giới hạn dung lượng thấp (SD). Vấn đề này sẽ rất hiếm gặp với máy ảnh do tính đồng bộ cao trong các thế hệ gần nhau, nhưng khi đọc thẻ bạn có thể sẽ bị giới hạn bởi thiết bị đầu đọc, nên bạn cần kiểm tra máy tính của mình có khe cắm thẻ phù hợp không, hoặc phải dùng đầu đọc thẻ riêng.
  • Do trên thị trường có rất nhiều loại thẻ nhớ khác nhau, trong đó có cả thẻ nhớ giả, một trong những thao tác các bạn cần làm để kiểm tra chất lượng thẻ nhớ khi mua về là kiểm tra dung lượng và tốc độ thực tế của thẻ. Một cách để kiểm tra dung lượng thực tế là sử dụng phần mềm như H2testw (bản Windows) để ghi dữ liệu lên toàn bộ thẻ và xác định dung lượng thật.
  • Để xác định tốc độ đọc/ ghi thực tế của thẻ, các bạn có thể dùng phần mềm CrystalDiskMark (bản Windows) để kiểm tra.

  • Nếu máy ảnh của bạn không có chức năng Wi-Fi, có một lựa chọn cho các bạn là dùng loại thẻ đặc biệt EyeFi có chức năng Wi-Fi build in và bạn có thể truyền dữ liệu sang các thiết bị di động một cách dễ dàng. Tuy nhiên loại thẻ này có tốc độ đọc/ghi thấp hơn các loại thẻ thường nên đây là điểm yếu các bạn cần đánh đổi.

THẺ NHỚ NÀO TỐT NHẤT CHO MÁY ẢNH CỦA BẠN?

Tìm hiểu khả năng hoạt động thực tế của thẻ nhớ và đặc điểm của máy ảnh mình đang dùng có yêu cầu và khả năng kiểm soát thẻ nhớ đến mức độ nào sẽ giúp các bạn xác định được loại thẻ nhớ phù hợp mà không phải đầu tư lãng phí.

Bạn có thể xác định loại thẻ nào tốt nhất cho máy ảnh của mình bằng cách tra cứu trên trang cameramemoryspeed.com . Đây là một trang web chuyên đo tốc độ thực tế của rất nhiều loại thẻ với các loại máy ảnh khác nhau và có đánh giá riêng cho từng loại thẻ nên các bạn có thể sử dụng làm nguồn tra cứu tin cậy. Như đã nói ở trên, giới hạn tốc độ ghi của máy ảnh cũng là một yếu tố quan trọng, nên đôi khi bạn không cần phải dùng thẻ quá nhanh mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.

Dưới đây chúng tôi có tổng hợp lại một số kết quả đo tốc độ thẻ SD/CF với một số máy ảnh tốt / phổ biến hiện nay trên thị trường với loại thẻ có tốc độ ghi cao nhất tương ứng với từng loại máy ảnh. Tốc độ ghi này được đánh giá khi máy chụp liên tục đến khi hết buffer. Các bạn có thể thấy là một số máy ảnh chất lượng cao như Sony A7Rii cũng chỉ có tốc độ ghi khá thấp là xấp xỉ 37 MB/giây (tuy nhiên máy lại có buffer lớn để có thể chụp liên tục được lâu). Các máy ảnh có ghi chú tốc độ ghi tối đa của máy ảnh là khi tốc độ ghi thực tế thấp hơn khả năng của thẻ nhớ, do giới hạn về giao thức truyền tín hiệu của máy ảnh.

Bảng so sánh tốc độ ghi tối đa và các loại thẻ nhớ đạt tốc độ ghi cao nhất với một số máy ảnh trên cameramemoryspeed.com

Máy ảnh Tốc độ ghi tối đa của máy ảnh Thẻ nhớ có tốc độ ghi cao nhất Tốc độ ghi cao nhất
Canon 6D 36 MB/giây SanDisk Extreme Pro 95MB/s UHS-I (32 GB/64 GB) 36 MB/ giây
Canon 80D 81,5 MB/giây SanDisk Extreme Pro 95MB/s UHS-II (64 GB)
Lexar Professional 2000x UHS-II (32 GB)
81,5 MB/giây
Nikon D810 - Lexar Professional 1066x (CF/32 GB)
98,6 MB/giây
Nikon D7500 81,2 MB/giây Sony SF-G 300MB/s UHS-II 32GB 81,2 MB/giây
Sony A9 - Lexar Professional 2000x UHS-II 64 GB
Kington 90/80 U3 UHS-I 256 GB
Slot 1: 152 MB/giây
Slot 2: 78 MB/giây
Sony A6000 35,9 MB/giây SanDisk Extreme Pro 95MB/s 32GB 35,9 MB/giây
Sony A7Rii 36,6 MB/giây SanDisk Extreme Pro 95MB/s 32GB 36,6 MB/giây
Olympus Pen-F 91,6 MB/giây Lexar Professional 2000x UHS-II 64GB 91,6 MB/giây
Olympus EM1 mark II - Lexar Professional 2000x UHS-II 64GB
Lexar Professional 1000x UHS-II 128GB
Slot 1: 163,4 MB/giây
Slot 2: 41,7 MB/giây
Fujifilm X-Pro 2 - Lexar Professional 2000x UHS-II 32GB 112,1 MB/giây
Fujifilm X-T10 60 MB/giây Lexar Professional 2000x UHS-II 64GB 60 MB/giây
Panasonic GH5 - Sony SF-G 300MB/s UHS-II 64GB 91,9 MB/giây
Pentax K-3 II 37 MB/giây SanDisk Extreme Pro 95MB/s 64GB 37 MB/giây
Samsung NX1 60 MB/giây Toshiba Exceria Pro UHS-II 32GB 60 MB/giây

Để tham khảo, các bạn có thể theo dõi đánh giá mới nhất của Tom David Frey với 10 loại thẻ microSD có tốc độ được quảng cáo là tốt nhất thị trường để biết thực tế tốc độ đọc/ ghi của thẻ sai khác thế nào so với con số của hãng đưa ra. Bài viết chi tiết các bạn có thể đọc ở đây .

Dựa theo các kết quả đo tốc độ, các bạn có thể thấy là có 2 loại thẻ SD hiện nay thường có chất lượng xuất sắc khi dùng với tất cả các máy ảnh là SanDisk Extreme Pro UHS-ILexar Professional 1000X/2000X UHS-II (tuy nhiên đáng tiếc là cái tên Lexar đã không còn tồn tại nữa).

Với những thông tin này, hy vọng Vsion có thể giúp các bạn xác định được loại thẻ nhớ phù hợp với máy ảnh của mình.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: