Blog Post

Những ống kính có nickname nổi tiếng

Sep 18, 2017

Trên thị trường thiết bị nhiếp ảnh ngày nay, chúng ta có hàng chục nghìn lựa chọn ống kính cũ, mới để dùng cho máy ảnh DSLR, DSLT, rangefinder, hay các máy ảnh mirrorless. Trong số đó, có những ống kính đã có hàng vài chục năm tuổi và những ống kính mới chỉ được phát triển gần đây để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của thị trường. Cũng như bất cứ ngành công nghiệp nào, qua quá trình phát triển lâu dài sẽ luôn có những cái tên được người tiêu dùng nhắc đến mãi như những biểu tượng của thành tựu công nghệ hay mức độ phổ biến trên thị trường.

Với đặc trưng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, ống kính máy ảnh được phân biệt với nhau bởi nhiều loại thông số kỹ thuật như tên hãng, tiêu cự, khẩu độ, lớp tráng phủ... và đôi khi những cái tên trở nên rất dài và máy móc. Là một cách để phân biệt và trân trọng những ống kính có vị trí đặc biệt với người sử dụng, một số ống kính đã được đặc những nickname dễ nhớ và đôi khi khá hài hước. Trong bài viết này, Vsion đã tập hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để giới thiệu tới các bạn khoảng 20 ống kính với tên gọi đặc biệt luôn được nhắc tới trong lịch sử các hãng sản xuất ống kính và máy ảnh. Những ống kính này "nổi tiếng" có thể vì chất lượng quang học cao, vì độ hiếm, giá thành siêu cao, hay đơn giản vì nó rất phù hợp với túi tiền hay nó mang tính biểu tượng cho các công ty. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhắc tới các ống kính lần lượt theo chiều dài lịch sử phát triển của ngành công nghiệp này, với những chi tiết lịch sử liên quan tới động lực và xu thế phát triển công nghệ chế tạo ống kính của các công ty có ảnh hưởng lớn tới bộ mặt của thị trường. Với mỗi ống kính, Vsion đã lựa ra những tấm ảnh đẹp trên Flickr để giới thiệu cùng bạn đọc (các bạn có thể click vào từng tấm ảnh để theo đường link xem ảnh gốc trên Flickr).

1. Japanese Summilux - Canon LTM 50mm f/1.4

Japanese Summilux - Summilux của Nhật Bản là cái tên rất nổi tiếng của ống kính Canon 50mm f/1.4 dành cho dòng máy film rangefinder, với ngàm xoay vặn có đường kính 39mm (ngàm LTM hay ngàm Leica, giống ngàm M39 của Nga) với ý nghĩa là ống kính có chất lượng như Leica Summilux 50mm f/1.4 nhưng là phiên bản Nhật Bản. Tuy vậy, có thể phần lớn mọi người sẽ nhầm tưởng đây là bản copy ống kính Summilux. Thực ra, phiên bản đầu tiên của Leica Summilux ra đời 1 năm sau ống kính Canon này (1959) nên hoặc là Leica sao chép lại ống kính này của Canon hoặc cả hai công ty không có liên quan tới nhau trong quá trình thiết kế ống kính. Có một thực tế là vào năm 1959, Leica bắt đầu cải thiện hệ thống sản xuất để nâng cao chất lượng và giảm giá thành, trong khi ngay trước đó Canon tung ra ống kính 50mm f/1.4 và Nikon cũng đã có ống kính cho máy film 35mm khẩu độ f/1.4 đầu tiên trên thế giới (Nippon Kogaku Nikkor-S-C 1:1.4 f=5cm). Rõ ràng đây là một động thái của Leica với sự lo ngại trước sự trỗi dậy của các công ty quang học Nhật Bản và Leica đã đúng khi ngày nay Canon và Nikon đã thành hai cây đại thụ trong ngành công nghiệp này. Tuy vậy, vào thời điểm Leica đang là cái tên quá lớn trên thị trường nên ống kính ra đời trước của Canon vẫn "bị so sánh" với Leica.

Có hai phiên bản của Canon LTM 50mm f/1.4:


  • Type I : được giới thiệu vào tháng 11 năm 1957 và ngừng sản xuất vào tháng 3 năm 1958, với mức giá tương đương khoảng 13 triệu đồng ngày nay. Type I có số series từ 10000 tới 29390.
  • Type II : được công bố vào tháng 8 năm 1959 và được sản xuất cho tới tháng 6 năm 1972. Phiên bản này có số series từ 29681 tới 120705 và có mức giá khoảng gần 10 triệu đồng.

Chất lượng của Canon LTM 50mm f/1.4 vẫn còn tốt ngay cả khi so với tiêu chuẩn ống kính ngày nay, từ độ nét cho tới độ mịn của bokeh hay khả năng kiểm soát quang sai tốt (trừ vấn đề chống flare khá kém). Vì thế nên ống kính này vẫn được ưa dùng với người dùng máy ảnh Leica (ngàm M) hay mirrorless. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý rằng ống kính này hoàn toàn khác các ống kính Canon thiết kế cho máy film SLR (ngàm FD, FL).

Các bài viết tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2]

2. Dream lens - Canon 50mm f/0.95 (Canon 7)

Phát triển các ống kính tiêu cự 50mm luôn là phân khúc quan trọng mà các nhà sản xuất ống kính hướng tới đầu tiên, nên không có gì ngạc nhiên khi Canon dồn lực làm ra một "siêu phẩm" của những năm 1960-1970: ống kính rangefinder 50mm f/0.95 hay Dream lens (ống kính trong mơ) như cách người ta vẫn gọi ống kính này, với khẩu độ lớn f/0.95 chưa từng xuất hiện trên thị trường. Phiên bản đầu tiên của Canon 50mm f/0.95 được thiết kế cho dòng máy rangefinder Canon 7 và đây cũng là ống kính duy nhất có phần ngàm khác với các ống kính tiền nhiệm f/1.8, f/1.4, f/1.2 (ngàm LTM) như các bạn có thể thấy trong hình dưới. Sự ra đời của ống kính f/0.95 này là một thành tựu lớn của Canon để khẳng định vị trí của mình trước ông lớn nước Đức Leica.

Ống kính này được thiết kế bởi nghệ nhân Mikai Jirou (1961), là người cũng thiết kế Canon 35mm f/1.5, 35mm f/1.8 và 35mm f/2 LTM (công thức Gauss, 7 thấu kính trong 5 nhóm, có 10 lá khẩu và khẩu độ nhỏ nhất là f/16). Trong thời kỳ sản xuất, có khoảng 19.000 bản ống kính này được sản xuất (cuối thập niên 60, đầu thập niên 70) và ống kính được bán với mức giá khoảng 30 triệu đồng ngày nay (là một số tiền rất lớn vào thời kỳ đó). Đây cũng là một lý do tại sao ống kính này được gọi là "Dream lens" và có được nó là cả một gia tài. Hiện nay, mức giá của ống kính này vẫn đang càng ngày càng đắt do sự phát triển của máy rangefinder kỹ thuật số (50 - 90 triệu đồng). Mặt khác, cái tên này cũng thể hiện đặc tính quang học đặc trưng của ống kính, đó là khẩu độ lớn hơn khẩu độ trung bình của mắt người 4 lần, hiệu ứng soft focus và hiệu ứng bokeh như "trong mơ". Như trong các ảnh ở dưới các bạn sẽ thấy, đây không phải là một ống kính nét và rõ ràng như các ống kính hiện đại ngày nay mà nó tạo ra hình ảnh soft rất đặc trưng. Đặc tính này cũng khiến ống kính rất khó kiểm soát và chỉ phù hợp cho chụp sáng tạo nghệ thuật.

Trong thập niên 70 của thế kỷ 20, Canon cũng phát triển một phiên bản cine của ống kính này với cùng công thức thấu kính, nhưng để phục vụ cho quay phim. Có khoảng 7000 bản copy của phiên bản cine này từng được sản xuất. Tuy vậy, khi nhắc tới Dream lens thì cái tên này là để chỉ phiên bản rangefinder.

Các bài viết tham khảo (bằng tiếng Anh) : [1] [2] [3]

3. King of the night - Leica Noctilux-M 50mm f/0.95 APSH

Mặc dù Canon 50mm f/0.95 đã có mặt trên thị trường từ 1961, cho tới 1966 Leica mới bắt đầu phát triển dòng ống kính có khẩu độ lớn và đặt tên là Noctilux (nghĩa là ánh sáng trong bóng đêm - light of the night , là kết hợp của hai từ Latin " nortunus " và " lux "). Ống kính đầu tiên của series này, Noctilux-M 50mm f/1.2 ASPH do Helmut MarxPaul Sindel thiết kế, và phiên bản thứ hai - ống kính f/1.0, do Walter Mandler thiết kế - được giới thiệu sau khi phiên bản f/1.2 đã có 1.700 bản copy. Vào giai đoạn này, công đoạn chế tạo thấu kính phi cầu aspherical cho ống kính f/1.2 chỉ dựa vào duy nhất một người có thể mài và đánh bóng loại thấu kính đặc biệt này. Mãi cho tới 2008, tức là hơn 45 năm sau khi Canon 50mm f/0.95 ra đời, Peter Karbe mới thiết kế thành công được Noctilux 50mm f/0.95 ASPH cho Leica. Phiên bản khẩu độ f/0.95 này sau đó nhanh chóng được mệnh danh là King of the night - ông vua bóng đêm (với mức giá cũng rất hoàng tộc: 50 tới 90 triệu đồng).

Do ra đời rất muộn sau Canon 50mm f/0.95, Noctilux có nhiều lợi thế về thiết kế và công nghệ chế tạo nên về mặt quang học, đây là ống kính tốt hơn nhiều ống kính của Canon, với hình ảnh sắc nét hơn, trong trẻo, cũng như bokeh rất mịn màng và khả năng kiểm soát quang sai rất tốt. Noctilux cũng đặc trưng với vùng nét có hào quang sáng (glow) có phần giống Canon 50mm f/0.95. Tuy vậy, Canon 50mm f/0.95 vẫn được các nhà sưu tầm lùng tìm và hình ảnh "có nhiều khiếm khuyết" do ống kính này tạo ra đôi khi lại là một lợi thế mà Leica không thể tái tạo lại được bằng ống kính quá hoàn hảo của mình.

Các bài viết tham khảo (bằng tiếng Anh): [1]

4. Nifty fifty / Plastic fantastic - Canon EF 50mm f/1.8 II

Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, với sự ra đời của cảm biến CCD (1969), các hãng công nghệ của Nhật Bản như Kodak, Sony, Nikon và Fujifilm đã bắt tay vào nghiên cứu phát triển máy ảnh kỹ thuật số và cho ra đời những chiếc máy ảnh DSLR đầu tiên. Canon sau đó cũng nhanh chóng nhập cuộc và đã dũng cảm từ bỏ hoàn toàn hệ ngàm FD của mình để chuyển sang ngàm EF (1987), là ngàm máy ảnh có đường kính lớn nhất trên thị trường máy ảnh có khả năng thay ống kính lúc bấy giờ. Canon cũng giới thiệu ống kính EF 50mm f/1.8 cùng lúc vào năm 1987 với hệ thống máy ảnh EOS và 3 năm sau, ống kính thế hệ thứ hai với thiết kế chủ yếu là nhựa đã thay thế chiếc 50mm f/1.8 nguyên thủy và trở thành một trong những ống kính gắn liền với cái tên Canon. EF 50mm f/1.8 II rất quen thuộc với người dùng máy ảnh Canon và cũng là ống kính đầu tiên được gọi với biệt danh " Nifty Fifty " (chiếc 50mm tuyệt vời) hay " Plastic Fantastic " (thứ đồ nhựa tuyệt vời). Sở dĩ nó được yêu thích vậy vì ống kính có tiêu cự khá dễ dùng cho nhiều mục đích, khẩu độ lớn, độ nét tốt, rất nhẹ và rẻ. Mặc dù chất lượng quang học của ống kính này không thể so sánh được với các ống kính 50mm chất lượng cao khác của Canon nhưng hiệu năng của nó so với giá thành siêu rẻ đã mang lại những cơ hội trải nghiệm tốt cho người dùng. Thực tế cho thấy ống kính này đã được dùng cho rất nhiều mục đích khác nhau như chụp chân dung, chụp đời thường, chụp cảnh, chụp macro (dùng tube hoặc đảo đầu), hay khi hạ khẩu độ nó vẫn hoàn toàn đủ sắc nét để dùng cho studio.

EF 50mm f/1.8 II cũng là một trong những ống kính cổ nhất mà Canon hiện nay vẫn còn sản xuất, tuy nhiên với sự ra đời của phiên bản mới hơn với motor STM, có khả năng Nifty Fifty của Canon sẽ được thay thế. Sau EF 50mm f/1.8 II, cái tên Nifty Fifty cũng được dùng để chỉ các ống kính fix có tiêu cự trong khoảng 50mm của các hãng khác nhau với khẩu độ bằng hoặc lớn hơn f/1.8.

Các bài viết tham khảo (bằng tiếng Anh): [ 1] [2]

5. Magic drainpipe - Canon EF 80-200mm f/2.8L

Ngày nay nhắc tới tiêu cự ống kính zoom tele phổ biến nhất, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ tới 70-200mm như một dải tiêu cự khó có thể thay thế, nhưng cho tới những năm cuối của thế kỷ 20, 80-200mm và 70-210mm mới là những dải tiêu cự tele quen thuộc với giới nhiếp ảnh, đặc biệt là với người chụp chân dung và sự kiện chuyên nghiệp. Như đã nhắc tới ở trên, Canon đã chậm chân hơn Nikon trong việc tiếp cận công nghệ máy ảnh kỹ thuật số, nhưng Canon cũng đã đánh một ván bài lớn khi từ bỏ hoàn toàn hệ ngàm FD của mình (trong khi Nikon vẫn cố gắng giữ ngàm F) và xây dựng lại từ đầu hệ thống máy ảnh và ống kính mới có khả năng lấy nét tự động. Nikon đã không nắm bắt đúng nhu cầu thị trường nên sau đó đã bị Canon vượt với nhóm ống kính chuyên nghiệp có khả năng AF tốt, trong khi các ống kính tương đương của Nikon vẫn dùng cơ chế lấy nét hoàn toàn cơ học rất chậm. EF 80-200mm f/2.8 L chính là một trong những ống kính quyết định chiến thắng của Canon để sản phẩm của hãng tràn ngập thị trường phân khúc chuyên nghiệp từ những năm 1990 (cùng với EF 20-35mm f/2.8L, EF 300mm f/2.8L, EF 50mm f/1.0L). Ống kính tương đương của Nikon ở thời kỳ này là Nikon 80-200mm f/2.8 ED vẫn đang sử dụng vòng zoom dạng push-pull (zoom đẩy thay vì dạng zoom xoay sau này) và lấy nét chậm hơn.

So với phiên bản thay thế sau này có dải zoom rộng hơn và dùng nhiều plastic hơn, lấy nét nhanh hơn là EF 70-200mm f/2.8L USM , EF 80-200mm f/2.8L được thiết kế rất chắc chắn với cấu tạo chủ yếu là kim loại. Với hệ quang học được thiết kế tốt (chất lượng của ống kính này vẫn có thể so sánh được với nhiều ống kính hiện đại ngày nay), cũng dễ hiểu khi đây là ống kính từng được giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp ưa dùng. Cái tên " Magic drainpipe " (Ống nước ma thuật) là tên gọi thân thuộc của EF 80-200mm f/2.8L để chỉ cấu tạo kim loại chắc chắn và chất lượng hình ảnh cao của ống kính này. Sau khi ngừng sản xuất vào năm 1995, Magic drainpipe vẫn là cái tên quen thuộc trên thị trường ống kính đã qua sử dụng và với mức giá đã giảm nhiều, người dùng không chuyên cũng đã có cơ hội được tiếp cận với chất lượng ống kính chất lượng cao và khiến ống kính này càng trở nên phổ biến hơn. Hiện nay, nếu bạn không phiền với tốc độ lấy nét hơi chậm và ồn, cũng như sự thiếu vắng của hệ thống chống rung trong thân ống kính, EF 80-200mm f/2.8L vẫn là một lựa chọn đa dụng tốt với người dùng Canon DSLR.

6. Dust pump - Canon EF 100-400mm f/4.5-5.6 L IS

Ống kính zoom tiêu cự super tele là một phân khúc quan trọng khác giúp Canon giành được vị trí dẫn đầu trên thị trường máy ảnh chuyên nghiệp thời kỳ những năm 90. EF 100-400mm f/4.5-5.6 L IS được Canon giới thiệu vào năm 1998 và nhanh chóng trở nên rất được ưa chuộng cho nhu cầu chụp động vật hoang dã và thể thao do kích thước và khối lượng chỉ tương đương ống kính EF 70-200mm f/2.8L và có chất lượng hình ảnh tốt hơn, lấy nét nhanh hơn ống kính 70-200mm khi dùng với teleconverter. Vào thời điểm này, ống kính zoom gần nhất mà Nikon có là Nikon 80-400mm f/4.5-5.6D VR . Mặc dù có dải tiêu cự rộng và chất lượng quang học không hề thua kém, ống kính của Nikon không được hỗ trợ bằng hệ thống AF tốt bằng Canon nên không đáp ứng tốt chụp chuyển động nhanh, và cũng vì thế nên không phổ biến như ống kính của Canon.

Phiên bản đầu tiên của EF 100-400mm f/4.5-5.6 L IS vẫn sử dụng cơ chế zoom push-pull để thay đổi nhanh tiêu cự ống kính bằng cách kéo trượt vòng lấy nét về phía trước. Cơ chế này mặc dù nhanh và tiện hơn cơ chế zoom sử dụng vòng xoay, nó có một tiếng xấu là có thể hút bụi nhiều vào trong ống kính và vào cả máy ảnh. Tiếng xấu này của ống kính push-pull và một số vấn đề với kiểm soát chất lượng ống kính EF 100-400mm f/4.5-5.6 L IS thời kỳ đầu nên người ta mới gọi ống kính này bằng cái tên " Dust pump " (máy bơm bụi) như một cách phóng đại đặc điểm này. Tuy nhiên, từ phản ánh của phần lớn người dùng, đây không phải vấn đề của ống kính này (mặc dù nó không có seal chống bụi). EF 100-400mm L hiện nay có giá chỉ đắt hơn một chút ống kính EF 70-200mm f/2.8L trên thị trường ống kính đã qua sử dụng nên nó vẫn là một lựa chọn rất tốt cho các bạn muốn tiếp cận với nhiếp ảnh tự nhiên hay chụp thể thao.

7. The Beast (Nikon 28-70mm f/2.8D) và The Brick (Canon 24-70mm f/2.8L USM)

Sau một thời gian thua kém Canon ở tốc độ AF, Nikon đã bắt đầu sử dụng motor SWM ( Silent Wave Motor ) tương tự như hệ thống USM ( Ultrasonic Motor ) của Canon từ năm 1996 và các ống kính chất lượng cao (vòng vàng) của Nikon là nhóm đầu tiên được trang bị hệ thống lấy nét mới rất nhanh và ít gây tiếng ồn này. Ra đời vào năm 1999, Nikon 28-70mm f/2.8 D IF-ED là một trong những ống kính quan trọng nhất trong dải zoom trung bình của Nikon để cân bằng với Canon ở thị trường ống kính chuyên nghiệp, và tương tự như các ống kính chất lượng cao khác, hệ thống AF mới cũng bắt đầu được sử dụng ở ống kính này. Sự phổ biến của ống kính này với người dùng Nikon và do thiết kế rất chắn chắn, kích thước, trọng lượng lớn của ống kính này (nặng gần 1 kg và dài hơn 12 cm chưa kể hood) nên nó gắn liền với nickname " The Beast " (quái vật). Còn đối với Canon, cái tên " The Brick " (cục gạch) lại được đặt cho EF 24-70mm f/2.8L USM do kích thước và khối lượng cũng chẳng kém cạnh gì The Beast của Nikon.

Cả hai ống kính này đều là một trong những ống kính phổ biến và được yêu thích nhất của hai hãng trong một giai đoạn dài và hiện nay The Beast đã có "hậu thế" là Nikon AF-S NIKKOR 24-70mm f/2.8E ED VR còn The Brick đã được thay thế bằng Canon EF 24-70mm f/2.8L II USM với hình dáng vẫn "to, béo" như truyền thống.

8. Wigma - Bigma - Sigzilla

Sáng lập từ những năm 60 của thế kỷ 20, Sigma nổi lên như một trong những hãng chuyên sản xuất ống kính cho máy ảnh DSLR của các hãng lớn như Canon, Nikon, Pentax. Bằng nghiên cứu reverse engineering (thiết kế ngược), Sigma phân tích các ống kính đã có sẵn trên thị trường và tự làm ống kính theo cách riêng để đạt tới gần mức chất lượng của các ống kính "chính hãng". Sau quá trình phát triển rất nỗ lực, Sigma đã có chỗ đứng trên thị trường và một số cái tên thân thuộc của Sigma vẫn khiến người dùng nhắc tới do hiệu năng cao mà mức giá vừa phải khi so với các hãng máy ảnh lớn. Người dùng ống kính Sigma có thói quen đặt tên ống kính bằng cách ghép tên đặc tính cùng đuôi "-igma" của Sigma, nên Bigma ( 50-500mm f/4-6.3 EX DG HSM APO ) tức là ống kính Sigma to, nặng (big), Wigma ( 10-20mm f/4-5.6 EX DC HSM ) tức là ống kính Sigma góc rộng (wide).

Bigma ( 50-500mm f/4-6.3 EX DG HSM APO ) là ống kính full frame zoom tele được Sigma công bố vào năm 2001 và phiên bản đầu tiên này còn chưa có chức năng chống rung trên ống kính. Vào thời điểm đó, đây là ống kính zoom tele có dải tiêu cự rộng nhất, nên dù với khối lượng nặng gần 2 kg, người dùng vẫn rất hào hứng với tính đa dụng mà ống kính này đem lại. Với mức giá "dễ thở" dưới $1000, Bigma đã từng là một lựa chọn rất phổ biến cho nhu cầu chụp tự nhiên và thể thao không chuyên. Do mức độ phổ biến của ống kính này mà Sigma đã vài lần cải tiến để tung ra phiên bản tốt hơn, đặc biệt là với chức năng chống rung trên ống kính. Hiện nay, phiên bản mới nhất của Bigma là Sigma 50-500mm f/4-6.3 APO DG OS HSM  ($1600) và nếu bạn không ngại kích cỡ lớn của ống kính này thì đây là một trong những lựa chọn zoom 10X tốt nhất trên thị trường.

Ở đầu wide của dải zoom, Sigma cũng có những ống kính khá nổi tiếng, trong đó phải kể tới "Wigma" 10-20mm f/4.5-5.6 EX DC HSM dành cho máy ảnh crop APS-C. So với ống kính đắt tiền hơn là Canon EF-S 10-22mm f/3.5-4.5 USM, Wigma có chất lượng gần như tương đương và chỉ chịu một chút thiệt thòi về khẩu độ (vốn không phải vấn đề lớn với nhiếp ảnh góc rộng). Nếu bạn muốn ống zoom một khẩu độ thì có thể Sigma 10-20mm f/3.5 EX DC HSM sẽ đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của bạn, nhưng ống kính này thường có độ nét không được đánh giá cao bằng Wigma.

Sigma cũng tạo ra những ống kính "khủng" như 200-500mm f/2.8 EX DG APO IF mà có thể các bạn đã thấy đâu đó trên mạng Internet, với hình một anh chàng đang nhìn qua một ống kính màu xanh to như khẩu Bazooka. Nickname của ống kính này là Sigzilla , là tên ghép của Sigma và quái vật Godzilla, như kích thước lớn khủng bố và dải zoom rất xa của ống kính này. Với mức giá khoảng 500 triệu đồng thì không mấy ai có dịp được sở hữu ống kính này, thế nên khi đọc trang đánh giá ống kính này trên Amazon bạn sẽ đọc được những comment rất hài hước:


"Đây là một ống kính tuyệt vời. Tôi đã dùng nó khoảng 2 tuần nay. Chủ yếu là dùng để chụp macro khi tôi phải đi tìm hạt Higgs (hạt của Chúa). Nhưng khi không dùng ống kính này cho công việc ở mức nhỏ hơn nguyên tử thì tôi dùng nó cho đám cưới. Một khách hàng của tôi chuẩn bị cưới ở cách xa vài trăm dặm. Tất nhiên tôi không cần phải bay tới đám cưới đó... tất cả là nhờ Sigma. Tuy vậy ống kính này vẫn có hạn chế mà chúng ta đều đã biết - bạn thực ra đang lấy nét vào những thứ có thể đã xảy ra từ lâu rồi - hãy chấp nhận điều đó đi. Với ít viền tím và trường ảnh phẳng tôi hoàn toàn có thể chấp nhận giới hạn này.

Một lưu ý: bản của tôi bị front focus một chút theo trục trái đất - mặt trăng và tôi không có chức năng cân chỉnh AF (micro adjust) với chiếc Rebel XT (350D). Tôi gửi ống kính cho Sigma để cân lại và đã nhận lại ống kính hoạt động bình thường. Thậm chí với tất cả những rắc rối như thế này thì đây vẫn là một nâng cấp có giá trị từ ống kính kit của tôi."

Thực tế, một số ít người như Terrance Lam khi được dùng ống kính này đều rất thỏa mãn với độ sắc nét của nó, như trong hình dưới các bạn có thể thấy các chi tiết lên rất tốt dù được chụp ở tiêu cự 500mm với teleconverter 2X (tương đương 1000mm).

Tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2]

9. Popeye - Sigma 12-24mm f/4.5-5.6 EX DG ASP HSM

Tương tự như Wigma với máy ảnh APS-C, Sigma cũng sản xuất được ống kính zoom ultrawide tốt cho máy ảnh full frame: Sigma 12-24mm f/4.5-5.6 EX DG ASPH , hay thường được gọi là Popeye (mắt lồi, giống tên nhân vật thủy thủ trong hoạt hình) do thấu kính trước nhô ra ngoài như hình con mắt. Vào thời điểm ra đời vào năm 2003, Popeye từng là ống kính rectilinear (không méo hay không phải fisheye) rộng nhất trên thị trường cho máy ảnh full frame (sau đó vị trí này do Canon EF 11-24mm f4L chiếm giữ). Đây vẫn là ống kính rectilinear rộng nhất cho máy Nikon DSLR cho tới năm 2017 (với sự hiện diện của IRIX 11mm f/4 ). Sigma 12-24mm rất được ưa thích không những vì góc nhìn siêu rộng mà còn vì tính chất quang học tốt như độ méo thấp hơn cả Canon EF 16-35mm L và độ nét, khả năng kiểm soát quang sai tốt. Mới đây, phiên bản mới Sigma Art 12-24mm f/4 DG HSM đã được công bố. Phiên bản mới này của Popeye chắc chắn sẽ hứa hẹn chất lượng quang học hàng đầu, có thể so sánh với những ống kính góc rộng tốt nhất trên thị trường hiện nay.

Tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2]

10. The cream machine - Nikon AF 85mm f/1.4D

Được công bố vào năm 1995, Nikkor 85mm f/1.4D IF AF là ống kính chuyên chân dung luôn được người dùng Nikon rất ưa thích. Được phát triển từ bản tiền nhiệm dành cho máy film Nikkor AiS 85mm f/1.4, ống kính 85mm này được thừa hưởng tất cả những đặc tính nổi bật như độ nét cao và bokeh rất mềm mịn. Cùng với sự phát triển phổ biến trên thị trường của máy ảnh Nikon nên nhiều người dùng được tiếp cận và gọi ống kính này bằng cái tên " The Cream machine " (máy làm kem) để chỉ loại bokeh "mịn như kem" mà ống kính này có thể tạo được khi chụp chân dung. Hiện nay Nikon AF 85mm f/1.4D đã có bản nâng cấp 85mm f/1.4G N nhưng với mức giá cao gấp đôi bản f/1.4D, ống kính cũ vẫn rất phổ biến trong cộng đồng Nikon.

Tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1]

11. The mole - Canon MP-E 65mm f/2.8 Macro

Canon có một "đặc sản" mà không hãng sản xuất ống kính nào có, đó là ống kính siêu macro MP-E 65mm f/2.8 1-5x Macro . Được đặt tên là " The mole " hay " Magic mole " (con chuột chũi). Được giới thiệu vào năm 1999, MP-E 65mm f/2.8 1-5x Macro là ống kính macro có độ phóng đại lớn nhất trên thị trường (tái tạo ảnh lớn gấp 5 lần kích thước thực tế, thậm chí 10 lần nếu sử dụng thêm 2X extender). Ở độ phóng đại lớn nhất, hình ảnh một con kiến dài 4 mm có thể chiếm gần hết diện tích cảm biến APS-C. MP-E 65mm chuyên dụng đến nỗi nó không thể lấy nét tới vô cực được như các ống Macro thông thường khác và rất khó sử dụng với người dùng không chuyên macro. Bản chất ống kính này ở mức độ phóng đại cao cũng giống như ống kính với phần tube nối dài để đưa hệ thấu kính ra xa bề mặt cảm biến. Khi khoảng cách này tăng, tiêu cự khả dụng (effective f stop) của ống kính cũng tăng lên, và ở mức độ phóng đại cao nhất, f stop của ống kính này tương đương f/96. Khẩu độ này tương đương với lượng ánh sáng cảm biến nhận được rất ít và bạn sẽ không nhìn thấy gì nếu không có sự trợ giúp của flash. Cũng vì khả năng "nhìn" rất kém như thế cái tên Chuột chũi gắn liền với ống kính này. Với mức giá cũng không hề rẻ (hơn $1000) và phạm vi hoạt động giới hạn, ống kính này chỉ tồn tại với số lượng không nhiều trên thị trường nhưng cũng đủ đặc biệt để mang lại danh tiếng cho nó.

Các bạn có thể hình dung khả năng phóng đại của MP-E 65mm f/2.8 Macro ở video dưới đây:

Các tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2]

12. Bokina - Tokina AT-X Pro 90mm f/2.5

Nếu bạn thực sự thích chụp Macro mà không có khả năng bỏ ra hàng nghìn USD để mua một ống kính như MP-E thì vẫn có nhiều lựa chọn macro giá cả phải chăng hoàn toàn trong tầm với của bạn. Trong số đó phải kể tới Tokina AT-X Pro 90mm f/2.5 Macro (được sản xuất từ năm 1986), hay còn gọi là Bokina . Sở dĩ cái tên Bokina ra đời là từ cộng đồng người dùng ống kính lấy nét tay đặt cho, để ca ngợi bokeh rất mịn màng của ống kính này (Bokeh + Tokina). Cùng với khả năng chụp Macro 1:2 và hình ảnh rất sắc nét, Bokina là một ống kính rất đa dụng để chụp cả chân dung, close up và macro. Được chế tạo bởi Tokina nhưng trong giai đoạn công ty Vivitar chưa bị phá sản, ống kính này từng mang cái tên Vivitar Series 1 90mm f/2.5 Macro (mặc dù Tokina từ chối công nhận). Các bạn có thể tìm thấy Bokina (dưới tên Tokina hay Vivitar Series 1) trên thị trường với mức giá khá dễ chịu (khoảng 6-8 triệu đồng) và có thể tăng mức độ phóng đại lên 1:1 bằng extender đi kèm, có thể nói là rất rẻ cho một trong những ống kính macro tốt nhất từng được chế tạo.

Các tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2]

13. Holy Grail - Nikon 13mm f/5.6

Nếu được hỏi ống kính "thánh vật" của Nikon là gì, chắc hẳn nhiều người sẽ nhắc tới cái tên Nikkor 13mm f/5.6 . Ống kính này được thiết kế bởi kỹ sưIkuo Mori của Nikon và được giới thiệu vào tháng 3 năm 1976 với ngàm pre-AI. Cho tới khi ngừng sản xuất vào năm 1998, chỉ có 302 ống kính từng được chế tạo. Ống kính đặc biệt này có khối lượng lên tới 1,2 kg và chỉ được bán cho các đơn đặt hàng đặc biệt. Nó là Holy Grail của Nikon vì mức độ hiếm, mức giá cao khủng khiếp (hơn 500 triệu đồng) và đây cũng là ống kính siêu rộng nhất mà không méo cho máy DSLR. Mọi người đều nghe tới nó nhưng ống kính này không hề xuất hiện trên một catalogue nào hay được bán chính thức ở một trang web hay cửa hàng nào. Rất ít người có cơ hội được sử dụng ống kính này, trong đó có Ken Rockwell từng được trải nghiệm và viết một bài đánh giá rất chi tiết mà các bạn có thể đọc ở link cung cấp bên dưới.

Nhiếp ảnh gia Felix Kunze đã sử dụng ống kính này với máy ảnh D800 để chụp ảnh quán quân 2 chương vàng Olympic Pete Reed vào năm 1993 và các bạn có thể xem quá trình Kunze sử dụng ống kính này cũng như các tấm ảnh được chụp bằng Holy Grail của Nikon trong video bên dưới.

Các tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2] [3]

14. Eye of Sauron - Canon EF 200mm f/1.8L

Trong lịch sử phát triển, có lẽ Canon là hãng có nhiều ống kính chất lượng cao khẩu độ lớn nhất trong dải tiêu cự tele. Với danh hiệu ống kính 200mm có khẩu độ lớn nhất trên thị trường, EF 200mm f/1.8 L , hay còn gọi là " Eye of Sauron " - con mắt của Sauron, có thể được gọi là Holy Grail của Canon. Với một quyết định nhiều phần mang tính chất quảng cáo, Canon đã công bố ống kính này vào năm 1989. Cho tới khi phải ngừng sản xuất vào năm 2004 do công đoạn mài thấu kính thải ra nhiều chì gây độc cho môi trường, Canon đã sản xuất 8000 ống kính này và các bạn vẫn có thể tìm thấy các ống kính đã qua sử dụng với mức giá $3000-4000. EF 200mm f/1.8L không những là ống kính 200mm có khẩu độ lớn nhất thế giới, nó còn đạt mức kiểm soát quang sai rất tốt và độ nét thuộc hàng cao nhất trong các ống kính Canon từng sản xuất.

Có một điều mà không mấy người biết là 200mm f/1.8L là ống kính duy nhất có phiên bản ngàm FD (ngàm dành cho máy film 35mm) được làm sau khi công bố bản lấy nét tự động EF và cũng đồng thời phiên bản FD này là ống kính FD cuối cùng Canon từng sản xuất. Sở dĩ Canon làm ra phiên bản này là để đáp ứng nhu cầu của một số lượng người dùng vẫn chưa chuyển sang hệ thống máy ảnh EOS mà vẫn còn dùng máy film của Canon. Cho tới khi ngừng sản xuất, chỉ có khoảng 100 bản ống kính ngàm FD này được sản xuất. Rất may mắn, Vsion đã có trong tay cả hai phiên bản này như các bạn thấy ở hình dưới. Do thiết kế lấy nét fly-by-wire điều khiển AF bằng điện tử hoàn toàn nên phiên bản ngàm EF có thể sẽ ngừng hoàn toàn hoạt động, thậm chí cả lấy nét bằng tay, nếu motor AF bị hỏng (như trường hợp đáng tiếc ở hình trên), nhưng các bạn sẽ không gặp phải vấn đề này nếu bạn sử dụng ống kính ngàm FD.

Hiệu ứng nén hình của tiêu cự tele kết hợp với khẩu độ lớn f/1.8 và độ sắc nét rất cao khiến những tấm hình chụp bằng Canon 200mm f/1.8 luôn vè đẹp đặc trưng của trường nét rất mỏng, chi tiết rất rõ nét và bokeh rất mịn. Có thể nói không ngoa đây là ông hoàng của các ống kính chân dung. Ngoài Canon, chỉ có Nikon có ống kính Nikkor 200mm f/2 và Olympus có ống kính Zuiko 180mm f/2 , nhưng nếu tính cả phiên bản nâng cấp EF 200mm f/2 L IS USM sau này Canon chế tạo thì chưa hãng nào làm được một ống kính f/1.8 ở tiêu cự này. Thậm chí, Canon còn có một ống kính chuyên dụng PE 300mm f/1.8 hiện đang được dùng để chụp ở một trường đua ngựa tại Mỹ. Nếu ống kính này phổ biến hơn thì có lẽ cái tên Eye of Sauron chắc chắn đã thuộc về nó.

Các tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2] [3] [4]

15. Bokeh monster - Meyer-Optik Görlitz / Pentacon 135mm f/2.8

Cái tên " bokeh monster " ( quái vật bokeh ) ngày nay trở thành cái tên thông dụng người ta hay gọi các ống kính chân dung có bokeh mịn màng, nhưng cái tên này vốn là tên gọi đặc biệt dành cho một ống kính tele do Meyer-Optik Görlitz (Đức) chế tạo: ống kính preset 135mm f/2.8 với 15 lá khẩu (ống kính preset có hai vòng chỉnh khẩu độ, một vòng giới hạn mức di chuyển của vòng còn lại, để xác định trước khẩu độ và xoay về khẩu độ lớn nhất để lấy nét sau đó quay lại nhanh chóng). Số lá khẩu lớn cùng tiêu cự dài và khẩu độ khá lớn, ống kính 135mm f/2.8 này có thể tạo bokeh mịn và bóng bokeh tròn ở tất cả mọi khẩu độ, rất thích hợp làm một ống kính chân dung chuyên dụng. Sau Thế chiến thứ hai,Meyer-Optik Görlitz bị hợp nhất với một số công ty khác thành công ty VG Pentacon và VG Carl Zeiss, cái tên Meyer-Optik không còn được sử dụng từ sau năm 1971 và lúc này ống kính 135mm f/2.8 được đổi tên thành Pentacon . Pentacon 135mm f/2.8 sau này được cải tiến thành phiên bản nhỏ gọn Electric chỉ có 5 lá khẩu nên không còn duy trì được bokeh đẹp như hai phiên bản đầu tiên. Để nhận biết Pentacon Preset hay Bokeh monster, các bạn có thể kiểm tra số lá khẩu hoặc nhận biết bằng dòng chữ Made in G.D.R. phía trước ống kính bản Preset. Ngay sau Pentacon 135mm f/2.8, một ống kính khác của Meyer-Optik cũng được gọi bằng cái tên Bokeh monster là ống kínhMeyer-Optik Görlitz 100mm f/2.8 (không phải phiên bản Trioplan V đỏ nổi tiếng với bokeh bong bóng). Còn về sau khá nhiều ống kính khác cũng được gắn cái tên này, đặc biệt là các ống kính Nga với vòng khẩu tròn như Jupiter-9 85mm f/2 hay Helios 40 85mm f/1.5 .

Các tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2]

16. Beercan - Minolta AF 70-210mm f/4

Trong lịch sử phát triển máy ảnh SLR thì Minolta cũng ghi danh với chiếc máy ảnh Minolta Maxxum/Dynax/Alpha 7000 là loại máy SLR phổ biến có khả năng AF đầu tiên. Vào năm 1985, Minolta giới thiệu Minolta AF 70-210mm f/4 cùng máy ảnh Maxxum 7000 và đây là phiên bản cải tiến từ ống kính ngàm MD có thiết kế tương tự. Tuy nhiên, sau một thời gian thì số lượng sản xuất ống kính này bắt đầu sụt giảm và được thay thế bằng Minolta AF 70-210mm f/3.5-4.5Minolta AF 70-210mm f/4.5-5.6 , nhưng những bản về sau này không giữ được chất lượng như ban đầu. Do cơ chế AF vẫn được duy trì trong các dòng máy ảnh về sau, thậm chí sau khi Sony mua lại bộ phận phát triển quang học của Minolta để phát triển ngàm Sony Alpha , ống kính này vẫn được ưa thích và rất đắt hàng trên thị trường ống kính cũ. Với khoảng zoom rộng, khẩu độ không đổi trong toàn dải zoom, độ sắc nét tốt, bokeh khá mịn màng, khả năng chụp gần ở mức phóng đại 1:4 và mức giá rẻ, Minolta AF 70-210mm f4 vẫn được fan của Sony - Minolta gọi với cái tên Beercan (lon bia) như hình dạng ống dài của ống kính này. Ngoài ra, người ta còn gọi các ống kính zoom khác của Minolta theo các kích cỡ lon bia khác nhau: Big beercan 75-300mm f/4.5-5.6 , Mini beercan 35-70mm f/4 , Little beercan 28-85mm f/3.5-4.5 .

Các tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2]

17. Holywood Distagon - Carl Zeiss Distagon 28mm f/2 T*

Mặc dù là tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp chế tạo thiết bị quang học nhưng có rất ít ống kính của Carl Zeiss có nickname riêng, có lẽ vì hãng đã đăng ký thương hiệu rất đặc trưng cho các ống kính của hãng. Trong số ít đó có một ống kính thường được gọi với cái tên ngắn gọn " Hollywood " vì nó được cải biến từ một ống kính cine của Carl Zeiss: Distagon 28mm f/2 T* ngàm Contax C/Y. Ống kính này được thiết kế bởi một trong những kỹ sư quang học nổi tiếng nhất thế kỷ 20 của Carl Zeiss: Tiến sỹ Erhard Glatzel. Glatzel là một nhà khoa học Tây Đức, và sau khi nước Đức bị chia cắt, ông đã làm việc cho Zeiss AG ở Oberkochen (phiên bản Zeiss ở Tây Đức). Glatzel nhanh chóng trở thành nhà thiết kế chủ lực của Carl Zeiss với sự đóng góp chính vào việc nghiên cứu phát triển các công thức thấu kính Hologon và Distagon và tự tay thiết kế một số ống kính quan trọng của Carl Zeiss như Makro-Planar T* 60mm f/2.8 hay Hologon 16mm f/8 T* . Distagon 28mm f/2 T* là một trong những ống kính đầu tiên được ứng dụng " floating element " để tăng khả năng phân giải ở khoảng cách lấy nét gần và cho tới các phiên bản hiện đại giá hơn $1000 hiện nay của Carl Zeiss, thiết kế thấu kính gần như không có thay đổi gì so với phiên bản của Glatzel. Distagon "Hollywood" nổi tiếng với độ sắc nét cao và mức độ méo rất thấp, cùng với độ hiếm của phiên bản ngàm Contax đầu tiên do Glatzel thiết kế nên mức giá của ống này liên tục bị đẩy cao. Tuy nhiên so với chất lượng thấu kính của các ống kính ngày nay, ống kính Hollywood không còn thực sự nổi bật (như đánh giá của Phillip Reeves các bạn có thể đọc ở link cung cấp bên dưới) và mức giá cao của nó mang nhiều giá trị sưu tầm hơn giá trị sử dụng thực tế.

Tuy nhiên câu chuyện về ống kính này có một chi tiết rất thú vị liên quan tới quá trình phát triển của Carl Zeiss, đó là cách đây vài năm, một số người dùng đã vô tình phát hiện ra Pentax có một ống kính thiết kế giống hệt Distagon T* 28mm f/2, đó là ống kính SMC Pentax 28mm f/2. Trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, Carl Zeiss bắt đầu vươn ra Châu Á để tiếp cận với nguồn cung cấp lao động giá rẻ và lực lượng chuyên gia quang học đang ngày càng đông đảo. Có thể các bạn đã biết là Carl Zeiss sau này đã bắt tay lâu dài với Yashica để chuyển giao công nghệ và nhà máy sản xuất sang Châu Á, nhưng trước đó ít người biết rằng Carl Zeiss có làm việc với Pentax trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ có 12 tháng với mục tiêu chủ yếu là cải tiến công nghệ lớp tráng phủ T* của Carl Zeiss và thiết kế ngàm K cho Pentax. Ống kính SMC Pentax 28mm f/2 ra đời vào khoảng thời gian này cũng vì thế mà được thừa hưởng thiết kế của Distagon Hollywood với thấu kính floating. Tuy nhiên, do thời gian hợp tác ngắn nên ống kính Pentax 28mm này chỉ được chế tạo với số lượng hạn chế và nó chưa bao giờ được nâng cấp lên dòng SMC-M hay SMC-A về sau (những bản 28mm f/2 về sau Pentax đã thay đổi sang thiết kế đơn giản hơn). Trong một thời gian dài, ống kính này vẫn được bán với giá rẻ, nhưng sau khi "bị" phát hiện ra là ống kính Carl Zeiss "đội lốt" Pentax, mức giá cũng tăng lên chóng mặt (gấp 5-6 lần) nên hiện nay nó chỉ rẻ hơn ống kính "nguyên bản" một chút.

Các tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2] [3]

18. Super-Q-Gigantar: Carl Zeiss 40mm f/0.33 và Kubrick's lens 50mm f/0.7

Trong phần đầu tiên của bài viết này, các bạn còn nhớ rằng vào giai đoạn thập niên 50-60 của thế kỷ 20, các hãng sản xuất ống kính bắt đầu vào cuộc đua về sản xuất ống kính khẩu độ lớn f/1.4, f/1.2, f/0.95... và dù rất chậm khi phải vài chục năm sau Carl Zeiss mới có một ống kính khẩu độ lớn nổi tiếng thì hãng sản xuất ống kính Đức này cũng đã đáp lại trào lưu ở triển lãm Photokina năm 1966 với ống kính Super-Q-Gigantar 40mm f/0.33 là ống kính có khẩu độ lớn nhất thế giới (cho tới tận ngày hôm nay). Tuy nhiên, đây chỉ là một tác phẩm "nghệ thuật" của Carl Zeiss khi lắp ráp các phụ kiện trong nhà máy (enlarger) để làm ra ống kính này và nó không có khả năng sử dụng, như ngay trong cái tên của ống kính này cũng có nghĩa là " Vô dụng ". Phải chăng đây là thông điệp của Carl Zeiss rằng công ty không cần phải chạy theo trào lưu?

Tuy vậy, không phải ống kính khẩu độ "siêu khủng" nào Carl Zeiss làm ra cũng vô dụng. Hiện nay danh hiệu ống kính khẩu độ lớn nhất và có khả năng hoạt động vẫn đang thuộc về Carl Zeiss, dành cho ống kính Planar 50mm f/0.7 ! Năm 1966, Carl Zeiss đã sản xuất 10 ống kính (cũng do Tiến sỹ Erhard Glatzel thiết kế) 50mm f/0.7 để phục vụ cho dự án Mặt trăng của NASA, sau đó giữ lại 1 chiếc và bán 4 chiếc cho đạo diễn Stanley Kubrick. Stanley Kubrick thậm chí đã đem ống kính này ra sử dụng trong bộ phim Barry Lyndon (1957) với nguồn sáng duy nhất là ánh sáng nến. Các bạn có thể xem phim tài liệu về quá trình dựng phim Barry Lyndon ở dưới và xem ống kính này được dùng trong quay phim như thế nào. Cũng vì không ai từng được sử dụng ống kính này cho mục đích cá nhân như Kubrick nên tên của ống kính này cũng gắn liền với tên vị đạo diễn nổi tiếng. Hiện nay các bạn có thể thuê Planar 50mm f/0.7 cùng máy quay phim đã được cải biến để sử dụng được do công tyP+S Technikcung cấp. Tuy nhiên mức giá thuê hàng ngày của combo này cũng không dưới $1000.

Các tài liệu đọc tham khảo (bằng tiếng Anh): [1] [2] [3]

Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu thêm một chút về lịch sử phát triển của các hãng sản xuất ống kính, máy ảnh, cũng như biết tới một số ống kính mà ngày nay các bạn hoàn toàn có thể dùng với các máy ảnh hiện đại mà vẫn không thua kém chất lượng ống kính mới. Nếu các bạn quan tâm tới các đặc tính quang học đặc biệt của ống kính, các bạn có thể đọc bài viết khác của Vsion về Những ống kính có bokeh đặc biệtDanh sách tra cứu đặc điểm tạo tia của các ống kính.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox tổng hợp và biên tập
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: