Blog Post

Vsion review - Đánh giá SLR Magic 25mm f/1.4 ngàm E

Jun 11, 2017

Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển rất nhanh của máy ảnh không gương lật đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hãng sản xuất ống kính mới có thể cung cấp các sản phẩm giá rẻ, đánh vào nhu cầu sử dụng ống kính nhỏ gọn, phù hợp với kích cỡ máy ảnh và phát huy tối đa ưu thế của khoảng cách gần giữa ống kính và cảm biến ở máy ảnh không gương lật. SLR Magic của Hong Kong cũng đi theo con đường này, tuy nhiên phần lớn sản phẩm ống kính của hãng là dành cho mục đích quay phim với thị trường hẹp và khó tính hơn so với ống kính nhiếp ảnh, cùng với việc chưa đầu tư mạnh vào quảng cáo nên không nhiều người biết tới SLR Magic. Lứa sản phẩm ban đầu của SLR Magic hoàn toàn là ống kính quay tay dành cho máy Sony ngàm E, máy Fujifilm X và Micro Four Thirds, trong đó chủ yếu là ống kính cho máy cảm biến nhỏ. Từ hơn 1 năm trước, SLR Magic bắt đầu tung ra thị trường nhóm sản phẩm tiếp theo là ống kính dành cho máy ảnh full frame, bao gồm các ống kính: 50mm f/1.1 cine, 35mm f/1.2 cine, 25mm f/1.4 cine và 75mm f/1.4 cine (chưa kể ống kính Hyper Prime 50mm f/0.95 cho máy full frame đã ra trước đó, tuy nhiên không được thành công cho lắm).

Ống kính 25mm f/1.4 cine và 75mm f/1.4 cine là hai ống kính mới nhất trong nhóm này và trên giấy tờ, ống kính 25mm có những thông số và mức giá rất hấp dẫn là $399 (hơn 8 triệu đồng). Nếu so với Batis 25mm f/2 (trên 25 triệu đồng) vàSAL 24mm f/2 (hơn 22 triệu đồng) hay Samyang 24mm f/1.4 (trên 11 triệu đồng), SLR Magic 25mm không những rẻ hơn đáng kể mà còn rất nhỏ gọn (dài 78 mm, so với Batis là 92 mm, Samyang là hơn 130 mm kể cả ngàm, SAL 24mm là hơn 90 mm kể cả ngàm). Chính vì thế mình đã quyết định liên hệ xin tham gia chương trình thử ống kính của SLR Magic để tận tay đánh giá chất lượng ống kính này. Cũng cần nói thêm là hiện nay mình có hai ống kính gần tiêu cự là Sony FE 28mm f/2 và Canon FD 24mm f/2, trong đó FE 28mm rất gần phân khúc giá với SLR Magic và Canon FD 24mm f/2 vốn được đánh giá là một trong những ống kính 24mm tốt nhất cho máy film. Vì thế nên trong bài đánh giá này, mặc dù mình sẽ phân tích các đặc điểm của SLR Magic 25mm là chính nhưng cũng sẽ có thêm các phần so sánh với 2 ống kính còn lại để chúng ta thấy tương quan và có đánh giá chính xác hơn.

1. CÁC THÔNG SỐ KỸ THUẬT

Đầu tiên, chúng ta hãy xem các ống kính này được làm như thế nào. Trong hình trên các bạn có thể thấy là FE 28mm f/2 có kích thước nhỏ gọn nhất, sau đó tới 2 ống còn lại. FD 24mm f/2 cũng là một ống kính rất nhỏ, tuy nhiên do phải sử dụng ngàm chuyển FD - NEX nên độ dài bị nâng lên. Mặc dù kích thước nhỏ gọn nhưng SLR Magic 25mm nặng hơn đáng kể cả 2 ống kính còn lại (520 g, tức là nặng gấp đôi 2 ống còn lại). Do kích thước nhỏ mà khối lượng không phải nhẹ, khi cầm ống kính này trong tay mình có cảm giác rất chắc chắn (có lẽ giống cầm lựu đạn) và có thể cảm nhận độ lạnh của kim loại rất dễ dàng. Nhìn vào thiết kế ống kính thì chúng ta có thể hoàn toàn hiểu tại sao SLR Magic lại nặng đến thế, do (1) thiết kế hoàn toàn bằng kim loại và (2) bao gồm 11 thấu kính trong 9 nhóm, trong khi FE 28mm chỉ có 9 thấu kính trong 8 nhóm. Ngay cả ống kính FD 24mm dù đã hơn 30 năm tuổi đời vẫn mang trong mình 11 thấu kính và có thấu kính floating để tăng chất lượng ảnh khi chụp gần khiến cho FE 28mm trở thành ống kính có thiết kế đơn giản nhất trong bài so sánh lần này. Tuy vậy, trong các thông số được công bố của SLR Magic 25mm thì không có thấu kính đặc biệt nào được dùng để chữa các lỗi quang học. Một số điểm đáng chú ý khác là ống SLR Magic có khả năng lấy nét gần nhất (gần hơn 2 ống còn lại 5 cm) và có số lá khẩu nhiều nhất (13 lá khẩu) để đảm bảo cho bokeh tròn ở mọi khẩu độ. Thiết kế nhiều lá khẩu như vậy không phải là xu hướng phổ biến ngày nay do phần lớn các hãng đã chuyển sang sản xuất ống kính tự động và tập trung cải thiện chất lượng ảnh ở khẩu lớn. Với ống kính manual như SLR Magic, không có điều gì giới hạn họ để sử dụng nhiều lá khẩu và chúng ta có thể thấy lợi thế của nó ở phần bokeh.

Thông tin chi tiết về ba ống kính này các bạn có thể xem thêm ở bảng dưới:

FD 24mm f/2 SLR Magic 25mm f/1.4 Cine
FE 28mm f/2
Nhà sản xuất Canon SLR Magic Sony
Tiêu cự 24mm 25mm 28mm
Góc nhìn trên máy full frame 84° 82° 75°
Ngàm ống kính Canon FD Sony E Sony E
Loại máy ảnh Full frame / APS-C
AF/MF MF AF (Mô tơ tuyến tính) - lấy nét điện tử
Chống rung trên ống kính Không có
Khẩu độ lớn nhất f/2 f/1.4 f/2
Khẩu độ nhỏ nhất f/22 f/16 f/22
Vòng khẩu độ Dạng thường Dạng bánh răng, không có tiếng Không có
Vòng lấy nét Vòng nhựa Vòng bánh răng kim loại Vòng nhựa (điều khiển điện tử)
Công thức thấu kính 9 nhóm / 11 thấu kính 9 nhóm / 11 thấu kính 8 nhóm / 9 thấu kính
Thấu kính đặc biệt Không có - 1 AA, 2 ASPH, 2 ED
Lớp tráng phủ (coating) Canon Super Spectra Coating (S.S.C.) - Multi-coated
Số lá khẩu 6 lá khẩu 13 lá khẩu 9 lá khẩu
Khoảng cách lấy nét gần nhất 30cm 25cm 29cm
Chiều dài ống kính 62mm 78.4mm 64.01mm
Đường kính lớn nhất 50.06mm 64.64mm 59.94mm
Khối lượng ống kính 200g 520g 280g
Đường kính filter 49mm 52mm 52mm
Giá $448 $399 $300-500
2. MỨC ĐỘ THUẬN TIỆN KHI SỬ DỤNG SLR MAGIC 25MM F/1.4 CINE

Như mình đã giới thiệu, SLR Magic tập trung sản xuất các ống kính cine cho máy ảnh không gương lật. Chính vì thế, thiết kế các ống kính này khá nhất quán với cấu tạo hoàn toàn bằng kim loại và 2 vòng bánh răng (vòng chỉnh khẩu và vòng lấy nét) để dùng cho quay phim (follow focus). Nếu chưa quen với vòng bánh răng kiểu này, có thể các bạn sẽ thấy khá bất tiện khi dùng. Nếu bạn đã được làm quen với các ống Samyang hoặc các ống cine thì SLR Magic cũng không có gì khác biệt (mình cũng dùng quen rồi nên không có gì để phàn nàn). Một điểm cộng của loại vòng quay bánh răng này là khá khó để bạn quay nhầm sang khẩu độ hay điểm lấy nét không mong muốn trong quá trình dùng.

Cả hai vòng bánh răng đều có thể di chuyển trơn tru và có độ lỳ nhất định nên bạn sẽ cần nhiều lực hơn các ống kính thông thường để điều chỉnh, nhất là vòng khẩu. Vòng khẩu là loại click-less, tức là không có các khấc dừng tại các vị trí khẩu độ chuẩn như f/2. f/2.8, f/4... và khi quay vòng không phát ra tiếng tách tách như các ống nhiếp ảnh. Đây cũng là một đặc tính quen thuộc với các ống kính cine, làm hạn chế tối thiểu âm thanh phát ra trong quá trình quay, làm vòng khẩu đóng mở đều và êm. Với mình thì có chút bất tiện trong quá trình đánh giá ống kính là luôn phải nhìn phía thân ống để chắc chắn về khẩu độ đang dùng. Vòng lấy nét có phạm vi di chuyển hơi ngắn, nếu bạn quay khoảng 120 độ là có thể di chuyển điểm lấy nét từ gần nhất tới vô cực.

Ống kính SLR Magic có điểm hard stop, tức là dừng vòng lấy nét ở đúng điểm vô cực (một số hãng khác không có đặc điểm này và điểm vô cực có thể nằm trước điểm giới hạn vòng lấy nét một chút nên khá là bất tiện khi bạn muốn lấy nét vô cực nhanh). Ngoài ra, một điểm nữa mình thích ở thiết kế ống kính này việc sử dụng nắp snap-on gắn rất chắc vào vòng ren trước ống kính nên chưa bao giờ mình phải lo là nắp sẽ rơi ra cả (khác với FE 28mm mình đã làm mất nắp một lần khi chụp do chỉ cần đụng phải là đã có thể rơi ra rồi).

Khi cắm lên A7ii, ống kính SLR Magic mặc dù nhỏ nhưng nặng làm máy dễ chúc về phía trước và khi sử dụng, tốt hơn hết là các bạn dùng tay đỡ phần ống kính (như dùng một ống tele chứ không phải ống kính wide). Tuy nhiên do kích thước nhỏ nên sử dụng SLR Magic vẫn thấy đỡ cồng kềnh và mất cân đối như dùng Samyang 24mm f/1.4. Các bạn cần lưu ý việc máy dễ đổ về phía trước khi đặt trên mặt đất vì máy mình đã bị đụng mặt bê tông một lần và để lại một vết xước rất nhỏ ở vành trước ống kính.

3. CHẤT LƯỢNG QUANG HỌC VÀ SO SÁNH
3.1. Đặc trưng tái tạo màu của ống kính

Bình thường thực sự là mình không quan trọng lắm về màu sắc do ống kính tái tạo vì mình chụp RAW và cân bằng trắng chỉnh rất dễ, tuy nhiên trong bài đánh giá này mình cũng muốn có chút nhận xét và đặc trưng màu của SLR Magic so với 2 ống kính còn lại để các bạn tham khảo.

Trong các điều kiện hình ảnh trung tính, không có quá nhiều màu nóng hay màu lạnh thì SLR Magic tạo màu ấm nhất, sau đó tới FD và FE 28mm tạo màu lạnh nhất (hơi xanh). Nhiều khi các bạn sẽ nghe tới ống kính tạo màu ấm hay lạnh và có những nhận xét trái ngược về cùng một ống kính, đó là khi dùng cân bằng trắng tự động (auto white balance hay AWB) thì màu ảnh cuối cùng phụ thuộc vào tông màu của cảnh. Trong hình thứ hai ở dưới, các bạn sẽ thấy là nếu mình dùng cân bằng trắng tự động thì có vẻ như FE 28mm tạo màu ấm nhất rồi mới tới FD và lạnh nhất là SLR Magic. Tuy nhiên để ý giá trị nhiệt màu K thì ba ống kính cân bằng ra giá trị khác nhau. Mình chỉnh lại cả 3 ảnh về cùng giá trị cân bằng nhiệt màu là 4000K thì lúc này chiều hướng tạo màu của 3 ống vẫn đúng như nhận xét ban đầu của mình: SLR Magic tạo màu ấm nhất và FE 28mm tạo màu lạnh nhất. Điều này căn bản là do trong ảnh có rất nhiều màu đỏ (là màu nhiệt độ thấp) nên ống kính màu ấm hơn sẽ "được" cân bằng lại với màu lạnh hơn (SLR Magic), còm khi gán cho cả 3 ống cùng một giá trị nhiệt độ màu thì bản chất tái tạo màu của các ống kính mới được thể hiện rõ.

3.2. Khả năng truyền sáng (T-stop)

Nếu bạn đã dùng hoặc hay dùng các ống kính cine, chắc hẳn bạn sẽ thấy bất thường khi ống cine của SLR Magic không thể hiện T-stop (transmission) mà lại thể hiện khẩu độ f-stop (f/1.4). Công ty cũng dùng cách ký hiệu này với phần lớn các ống cine khác do hãng chế tạo. Mình chưa hiểu được lý do nào mà họ không dùng T-stop nên muốn ước lượng giá trị T stop của ống kính 25mm này xem nó có thấp đến mức phải giấu không.

Do không có dụng cụ đo chính xác, mình ước lượng T stop theo một ống kính tiêu chuẩn là FE 28mm f/2 (được đánh giá trên DxO Mark là có T stop bằng 2). Nếu bạn chưa hiểu khác biệt của T stop và f stop, mời các bạn đọc bài viết giải thích sau của Vsion ( T-stop hay F-stop? ) Bằng cách sử dụng chế độ chụp ưu tiên khẩu độ, mình chụp hình đơn giản (như hình một bức tường) và giữ nguyên mức bù sáng để xem các ống kính cần tốc độ bao nhiêu để cho ra hình cùng độ sáng.

Ở f/2, cả 3 ống kính đều cần 1/1600 giây để chụp được ảnh cùng độ sáng, vậy là T stop của 3 ống này ở f/2 là xấp xỉ bằng nhau và đều là T2. Vì không có ống f/1.4 nên mình so tốc độ chụp ở f/2 của SLR Magic với tốc độ chụp ở f/1.4. Nếu tại f/1.4 hiệu suất truyền sáng 100% (T1.4) thì ống kính sẽ cần thời gian bằng một nửa tại f/2 để chụp ra ảnh cùng độ sáng (1/3200 giây) do từ f/1.4 xuống f/2 là chúng ta giảm 1 stop (lượng ánh sáng đi vào ống kính chỉ còn bằng một nửa). Tuy vậy, tại f/1.4 ống kính SLR Magic cần 1/2500 giây, tức là chỉ có 78% ánh sáng truyền qua. Theo công thức tính T-stop = f-stop / √ (hiệu suất truyền sáng) = 1.4 / √0.78 = 1.4 / 0.88 = 1.59, tức là SLR Magic 25mm f/1.4 có T stop là xấp xỉ T1.6 (kết quả này chính xác hơn kết quả bài viết của mình trên SonyAlphaRumors).

Có hai điểm khiến mình ngạc nhiên, đó là khi hạ khẩu ống kính FE 28mm f/2 thì hiệu suất truyền sáng có vẻ kém hơn 2 ống còn lại và ống kính FD, dù rất cổ nhưng có T stop rất giống SLR Magic là một ống kính rất mới. Từ f/2 xuống f/2.8 là hạ 1 stop, có nghĩa là tốc độ cần phải giảm bằng một nửa, và điều này khớp với các giá trị của FE 28mm. Như vậy các giá trị tốc độ đo tại f/1.4 và f/2 của SLR Magic và FD có thể thực tế là chậm hơn tiêu chuẩn (FE 28mm) một chút nên giá trị T stop của SLR Magic 25mm có lẽ trong khoảng T1.6-1.8 .

3.3. Đánh giá độ nét

Để đánh giá độ nét, mình đã thực hiện đi thực hiện lại hơn 4 lần để đảm bảo không có sai sót trong quá trình chụp. Tuy nhiên sau khoảng 2 lần chụp đầu tiên, mình nhận thấy một điểm lạ là ống SLR Magic dường như không đạt tới điểm nét ở viền ảnh được khi chụp ở xa vô cực, trong khi chính giữa ảnh thì nét. Đây có thể là biểu hiện của một trong hai trường hợp: méo trường ảnh (field curvature) hoặc lệch thấu kính (lens de-center). Cả hai trường hợp này làm mặt phẳng nét DOF không thẳng mà cong hoặc xiên. Vì thế mình đã liên hệ với công ty SLR Magic ở Hong Kong và được xác nhận là có thể ống kính của mình bị lệch thấu kính trong quá trình vận chuyển và công ty đề nghị mình gửi lại ống kính để họ kiểm tra và sửa. Vì thế nên mình gửi lại ngay và nhận được ống kính đã chỉnh thấu kính sau 1 tuần đề thực hiện lại đánh giá (mình sẽ nói về chuyện méo trường ảnh ở bên dưới).

Phương pháp mình đánh giá độ nét là cố định vị trí máy bằng tripod và thay 3 ống kính (không có filter hay hood) và chụp ở một điểm lấy nét cố định ở các khẩu độ khác nhau bằng chế độ ưu tiên khẩu độ Av (để tất cả ảnh đều sáng như nhau). Ảnh chụp RAW, lấy nét bằng tay (dùng chức năng magnification để lấy điểm nét cho chính xác nhất) và ngoại trừ cân bằng trắng, tốc độ màn trập mình để tự động thì ISO được giữ nguyên giá trị trong tất cả ảnh đánh giá. Tất cả các chức năng tác động tới chất lượng ảnh như khử noise, tăng độ nét... mình đều tắt hoặc chuyển về giá trị bằng 0 và riêng FE 28mm sau khi mở ảnh RAW bằng CameraRaw, mình bỏ phần chữa lỗi tự động (auto correction) được đặt mặc định, vì thế nên ảnh sẽ giống hệt như những gì ống kính nhìn thấy.

Độ nét ở khoảng cách lấy nét gần (0.5m)

Đầu tiên hãy xem 3 ống kính này có khả năng phân giải đến đâu với hình ảnh ở khoảng cách lấy nét gần (0.5m). Điểm lấy nét giữa hình được mình đánh dấu bằng hình vuông màu đỏ và ở dưới là hình crop được phóng lớn cho các bạn tiện so sánh.

Như các bạn thấy, ở khẩu độ lớn nhất f/1.4, tâm hình chụp bằng SLR Magic 25mm hơi mờ và quanh chi tiết có hào quang (glow). Tuy nhiên khi hạ khẩu xuống f/2, độ nét được cải thiện đáng kể và từ f/4 trở xuống độ nét đều đạt ở mức tốt (cao nhất ở f/8-f/11) mặc dù tại f/16 chi tiết có phần soft hơn do hiện tượng nhiễu xạ (diffraction). So với FE 28, dù ở f/2-f/2.8 SLR Magic 25mm có thua một chút về độ nét thì đến f/4 hai ống kính đã gần nhau hơn và từ f/5.6 độ nét của hai ống kính tương đương nhau. Hiện tượng nhiễu xạ làm chất lượng ảnh của FE 28mm giảm nhanh hơn từ f/16 nên từ khoảng này trở đi ống kính SLR Magic có lợi thế hơn FE 28mm. Có một điều thú vị là ống kính cổ FD 24mm lại là ống kính nét nhất từ f/2.8 tới f/8 và từ f/16 nó rất giống FE 28mm. Như mình giới thiệu ở trên là FD 24mm với thiết kế thấu kính floating có thể tăng hiệu quả chụp gần và đây là một bằng chứng cho thấy thành công về thiết kế của Canon từ 30 năm trước vẫn có giá trị tới ngày nay.

Với so sánh đầu tiên này, mình khá bất ngờ với chất lượng ống SLR Magic 25mm vì độ nét trong khoảng quan trọng nhất với ống kính góc rộng (khoảng f/5.6-f/11) nó không thua kém gì, thậm chí có phần nhỉnh hơn FE 28mm. Tại f/1.4-f/2 mặc dù khu vực nét chi tiết hơi soft nhưng mình thấy hoàn toàn có thể dùng được (nhớ là trong bài đánh giá mình không hề can thiệp vào độ nét ảnh, tuy nhiên phần lớn mọi người khi xử lý ảnh đều có thể tăng thêm độ nét dễ dàng). Ống kính SLR Magic không phải một ống kính đắt tiền nhưng rõ ràng đây cũng không phải một ống kính rẻ tiền chất lượng kém.

Tiếp theo, mình muốn xem độ nét ở rìa hình từ khoảng cách gần như thế nào. Lần này mình thay đổi vị trí điểm cần lấy nét về sát lề trái của ảnh và thực hiện lại việc chụp như trong phần đầu tiên để so sánh ba ống kính.

Cũng giống như trường hợp tâm hình, ở góc hình SLR Magic cũng có phần mờ hơn FE 28mm cho tới f/2 nhưng từ f/2.8 chúng ta có thể thấy ống kính 25mm này thực tế nét hơn FE 28mm một chút cho tới khẩu nhỏ nhất (f/16). Tuy nhiên, ống kính có độ nét cao nhất trong phần này lại là FD 24mm f/2, với chút thiệt thòi về độ tương phản kém và tối góc ở f/2 làm ảnh có phần tệ hơn hai ống còn lại.

Như vậy, xét về độ nét tâm hình thì FE 28mm là ống kính tốt nhất ở khẩu mở lớn nhất, nhưng khi hạ khẩu thì FD 24mm là ống kính nét nhất, với SLR Magic chỉ thua một chút. Trong khoảng f/8 - f/16 thì ba ống kính này sai khác không đáng kể về độ nét.

Độ nét ở khoảng cách lấy nét xa (vô cùng)

Khi lấy nét ở vô cùng, một so sánh cùng lúc độ nét ở tâm hình và rìa hình từ một ảnh thay vì chia làm 2 do DOF ở khoảng cách này khá lớn nên mình có thể lấy nhiều điểm nét cùng một lúc. So sánh độ nét ở khoảng cách này mình nhận thấy khác biệt độ nét có phần thay đổi so với ở khoảng cách lấy nét gần.

Ở tâm hình, SLR Magic có thua kém FE 28mm một chút ở khẩu lớn nhất nhưng từ f/4 tới f/16 ống kính này có độ nét cao nhất trong cả 3 ống kính được đánh giá. Độ nét của SLR Magic 25mm có giảm nhẹ ở f/16 nhưng vẫn đạt chất lượng tốt hơn rõ so với FE 28mm và FD 24mm. Chỉ FE 28mm và FD 24mm hạ được xuống khẩu độ f/22, tuy nhiên không nên dùng FE 28mm ở khẩu độ này do nhiễu xạ làm giảm chất lượng ảnh đáng kể. Ở khoảng cách lấy nét xa này, FD 24mm có khả năng phân giải kém nhất, tuy nhiên trong khoảng f/5.6 - f/11 độ nét ngang ngửa FE 28mm và hoàn toàn đủ tốt để chụp cảnh. Đặc biệt với FD 24mm, hạ khẩu sâu làm ảnh ám tím hơn và khẩu f/22 vẫn dùng được chứ không kém đến như FE 28mm.

Ở vùng rìa ảnh, SLR Magic vẫn là ống kính đạt độ nét cao nhất ngay từ khẩu lớn nhất. Trong khoảng f/8-f/11, cả ba ống kính có mức độ nét rất gần nhau trong khi FE 28mm có phần kém hơn 2 ống kính còn lại. Giống như độ nét ở tâm hình, đến f/22 độ nét tại rìa hình của ảnh chụp bằng FE 28mm bị soft nặng. Như vậy khi chụp điểm nét ở xa, SLR Magic là ống kính hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với ống chính hãng của Sony, thậm chí có phần vượt trội hơn. Mặc dù có thua kém 2 ống kính hiện đại như chất lượng hình ở góc nhưng khi dùng đúng cách như chụp close up hay hạ khẩu để chụp cảnh, ống kính 30 tuổi FD 24mm f/2 vẫn chứng tỏ là một ống kính không tệ. Một ống kính ở tình trạng bảo quản tốt hơn FD 24mm của mình có thể đạt chất lượng quang học cao hơn và hoàn toàn có thể sử dụng tốt với máy ảnh full frame hiện đại.

3.4. Độ méo hình, tối góc, méo trường ảnh và vấn đề lệch thấu kính (decentering)

Mức độ tối góc của SLR Magic khá rõ ở f/1.4. Tuy nhiên đây không phải là chuyện là với các ống kính khẩu lớn, và nhất là với ống kính tiêu cự ngắn dưới 35mm. Khi hạ khẩu xuống f/2 hay thấp hơn, mức độ tối góc giảm khá rõ nhưng khi giảm sâu nữa bạn sẽ không thấy có thay đổi gì nên nếu muốn triệt tiêu hẳn tối góc thì bắt buộc các bạn phải xử lý hậu kỳ. Lưu ý là khi mình nhắc tới tối góc tức là hiện tượng ánh sáng ở về phía rìa ảnh bị giảm hiệu suất truyền sáng nên tối dần ra phía ngoài, phân biệt với "tối góc" do ống kính không đủ khả năng bao phủ toàn bộ cảm biến (như khi cắm ống kính crop lên máy full frame).

SLR Magic có biểu hiện méo thùng (barrel distortion) ở mức độ trung bình, khiến cho các đường thẳng (cả trục ngang và trục dọc) hơi cong ra ngoài ở giữa hình. Để sửa lỗi này, mình tìm ra trong CameraRaw các bạn chỉ cần chọn profile của Voigtlander VM 25mm f/4 Skopar là cả vấn đề tối góc cũng như méo hình sẽ được giải quyết tới 90% như minh họa ở dưới.

Khi so với 2 ống kính còn lại, các bạn sẽ thấy mức độ méo này còn là nhẹ so với FE 28mm. Có thể các bạn không thấy FE 28mm méo đến thế khi chụp, nhưng lưu ý rằng mình đã bỏ auto correction trong Camera Raw để hình ảnh thể hiện đúng chất lượng quang học của các ống kính mà không có sự can thiệp của máy ảnh và làm so sánh công bằng hơn. Nếu bạn chụp ảnh jpeg thì FE 28mm là ống kính "thẳng" nhất, nhưng nếu chụp RAW các bạn sẽ biết đấy không phải tính chất quang học thực sự của ống kính. Ống kính còn lại (FE 24mm) cũng đạt độ méo khá thấp nhưng lại là dạng hỗn hợp méo thùng phương ngang và hơi méo lõm phương dọc. Hiện nay mình chưa tìm ra profile phù hợp cho FD 24mm f/2 nhưng mức độ méo thấp thế này trong thực tế khá khó nhận ra, trừ khi có các đường thẳng nằm sát rìa ảnh.

Như mình nhắc tới ở trên, ống kính SLR Magic lúc mình mới nhận bị lệch thấu kính (decenter). Do không có thiết bị chuyên nghiệp như projector để kiểm tra, mình đã thực hiện một cách xác định lỗi đơn giản là tăng khẩu độ lên f/1.4 (để DOF mỏng nhất có thể) và chụp với góc máy gần song song mặt đất (để nhìn rõ vùng chuyển giữa các điểm nét và không nét), sau đó lấy nét vào một đường nằm ngang mặt đất, sao cho đường này song song với bề ngang của khung hình. Như các bạn thấy ở hình dưới, mình có thể quan sát trường nét của ảnh nghiêng sang bên phải. Điều này có nghĩa là khi tâm hình đạt độ nét thì điểm ngang với nó ở rìa ảnh không nét mà bạn sẽ thấy điểm nét nằm phía trước hình ở góc phải và phía sau hình ở góc trái. Đây là vấn đề quan trọng mà các nhiếp ảnh gia phong cảnh cần quan tâm.

Tuy nhiên sau khi liên lạc với SLR Magic và được phản hồi là các kỹ thuật viên của hãng cũng nghĩ ống kính của mình bị decenter (có thể là trong quá trình vận chuyển) nên đã đề nghị sửa ống kính trong vài ngày để mình kiểm tra lại. Sau khi nhận được ống kính đã sửa, mình thực hiện lại việc kiểm tra. Như ở hình dưới, các bạn có thể thấy trường nét bây giờ đã thẳng tắp. Mình khá ngạc nhiên khi thấy độ thẳng cao đến thế vì rất nhiều ống kính mình từng đánh giá, dù đắt tiền vẫn có độ cong trường ảnh nhất định, nhưng gần như không có hiện tượng đó với SLR Magic.

Mình cũng khuyên các bạn sắp mua ống kính này hay các ống kính góc rộng khác thử bằng phương pháp tương tự để phát hiện lỗi thấu kính bị lệch trục ngay sau khi nhận ống kính. Khác với hiện tượng thấu kính lệch trục, trường nét cong (field curvature) là một đặc tính của ống kính mà không phải do sai hỏng, nên nếu bạn thấy khoảng nét cong đều sang hai phía thì khả năng cao đó là trường nét cong (rất phổ biến), còn nếu khoảng nét nằm lệch như hình trên thì mới là bị lệch thấu kính.

3.5. Khả năng chống flare và ghost

Flare và ghost là hai hiện tượng xảy ra khi các bạn chụp ngược nguồn sáng. Flare (gọi chính xác hơn là veiling flare) hay lóa làm giảm độ tương phản của các khu vực liền kề nguồn sáng ở trên ảnh, còn ghost (hay gọi là ghost flare hay ghosting) làm xuất hiện các hình tròn, oval hay các vòng bán nguyệt phát ra từ nguồn sáng. Hai hiện tượng này có thể được hạn chế bằng việc cải tiến lớp tráng phủ và những lớp tráng phủ tốt như Nano, T* đều hạn chế được nhiều hai hiện tượng này. Flare và ghost hay được gộp làm một nhưng đôi lúc ống kính có đặc tính khác nhau với hai loại hiệu ứng này. Với SLR Magic, veiling flare được hạn chế rất tốt. Trong gần 1 tháng thử nghiệm mình chưa bao giờ có thể làm flare gây lóa một vùng lớn của ảnh mà chỉ có thể làm độ tương phản giảm rất nhẹ quanh nguồn sáng. Đây là một đặc điểm khó có thể dự đoán trước với một ống kính giá rẻ. Tuy nhiên khác với veiling flare, hiện tượng ghost với SLR Magic có thể quan sát thấy khá rõ ở tất cả mọi khẩu độ. Ghost gây ra do ánh sáng phản xạ ngược lại trên bề mặt các thấu kính bên trong ống kính nên càng nhiều thấu kính trong thì số lượng bóng ghost cũng thường cao hơn. Theo mình nghĩ thì hãng có thể hạn chế cả ghost nhưng quyết định không làm vì đây là đặc tính mà người quay phim nhiều lúc cần để tạo hiệu ứng điện ảnh trong các góc quay rộng.

Ở hình trên các bạn có thể quan sát thấy là ngoài veiling flare và ghost thì ảnh còn bị các đốm màu tròn sát nguồn sáng và tia sáng kéo dài có màu cầu vồng. Đây là hiện tượng sensor reflection (phản xạ trên bề mặt cảm biến) do khoảng cách gần giữa kính sau ống kính và bề mặt cảm biến cũng như giới hạn của cảm biến CMOS. Nếu dùng ống kính này với các máy ảnh dùng BSI (back-illuminated sensor) như A7Rii thì hiện tượng sensor reflection này cũng được hạn chế gần như tuyệt đối.

Khi so với hai ống kính còn lại, FE 28mm là ống kính vô địch về khả năng chống lóa nói chung, sau đó tới SLR Magic với lóa ít nhưng ghost khá rõ, còn FD thì ngược lại với mức chịu lóa kém và gần như không thấy xuất hiện ghost.

3.6. Khả năng chữa quang sai

Sắc sai hay "viền tím" chỉ là tên gọi chung của hiện tượng các dải ánh sáng màu không hội tụ về cùng một điểm sau khi đi qua hệ thấu kính. Nếu các tia màu hội tụ cùng một mặt phẳng ngang mà bị lệch thì gọi là viền tím trục ngang (lateral chromatic aberration) còn nếu chúng hội tụ vào các mặt phẳng nét khác nhau thì gọi là viền tím trục dọc (longitudinal chromatic aberration).

SLR Magic 25mm f/1.4 cine có khả năng chữa sắc sai nhìn chung là tốt, đặc biệt là khả năng khử viền tím trục ngang.Bạn sẽ không nhận ra chút viền tím trục ngang nào trong điều kiện ánh sáng bình thường, ngay từ f/1.4 hình đã rất sạch (hình dưới). Tuy vậy, khi chụp với nguồn sáng mạnh ở phía sau chi tiết (backlit) thì sẽ dễ dàng nhận viền tím ở quanh chi tiết hình được chiếu sáng ngược (hình thứ hai). Muốn giảm viền tím trong điều kiện chụp như vậy, bạn có thể hạ khẩu độ xuống f/4 hoặc nhỏ hơn hoặc chữa lỗi viền tím bằng xử lý hậu kỳ với ảnh RAW.

Đôi lúc bạn có thể quan sát thấy nguyên một vùng ảnh có màu hơi ám tím còn một nửa còn lại thì ám xanh lá, đây là hiện tượng viền tím trục dọc khi ống kính của bạn nhìn theo hướng gần như song song với một mặt phẳng làm sai khác về vị trí hội tụ của các tia màu được khuếch đại và bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khác với viền tím trục ngang chủ yếu làm thay đổi màu sắc ở vùng viền của chi tiết, viền tím trục dọc ám màu cả vào chi tiết bên trong. Hiện tượng sắc sai này thể hiện ở mức độ nhẹ và thường khó nhận ra với SLR Magic, nhưng nếu bạn muốn loại bỏ hoàn toàn nó thì cần khép khẩu xuống dưới f/2.8 như ở hình dưới.

3.7. Đặc điểm bokeh

Đã lâu rồi mình không thấy một ống kính hiện đại có nhiều lá khẩu như vậy (13 lá khẩu). Đây vốn là lợi thế của ống kính manual khi chúng ta chỉnh khẩu độ bằng tay. Các ống kính hiện đại giảm số lá khẩu, dùng vật liệu nhẹ để có thể dễ dàng điều chỉnh bằng điện tử nên làm bokeh có cạnh ở các khẩu độ thấp. Với SLR Magic 25mm f/1.4 hay các ống còn lại trong series này, các bạn sẽ nhận được bokeh tròn ở tất cả các khẩu độ và bokeh ở sát góc ảnh cũng chỉ hơi méo mà không thành dạng mắt mèo như nhiều ống kính khẩu lớn khác. Đây là một trong những điểm mạnh đáng chú ý của ống kính SLR Magic và rất phù hợp với quay phim. Nhờ khoảng cách lấy nét khá gần (25mm) nên các bạn có thể tận dụng bokeh tròn này để quay sản phẩm hay chụp chân dung close up khá "ảo".

3.8. Đặc điểm tia / hiệu ứng sao

Đặc điểm tia khi phơi sáng hay chụp ngược sáng của ống kính góc rộng luôn được quan tâm vì nó ảnh hưởng nhiều đến giá trị tấm ảnh chụp cảnh cũng như tạo hiệu ứng đặc biệt. Với 13 lá khẩu, SLR Magic có thể tạo ra hình sao 26 cạnh khi phơi sáng hoặc chụp nguồn sáng mạnh qua khe nhỏ. Ở ảnh dưới mình chọn 2 vị trí đánh giá tính chất tia của SLR Magic như được đánh dấu trong khung hình vuông viền đỏ. Khi giảm khẩu xuống f/4 các bạn đã có thể thấy ống kính này tạo ra chùm tia rất nhiều cánh và tia trở nên gọn hơn khi hạ khẩu dần, cho tới f/16 tia đạt độ gọn cao nhất (lưu ý là độ dài tia phụ thuộc vào thời gian phơi và ở khẩu nhỏ hơn mình phơi sáng dài hơn để đạt cùng độ sáng ảnh nên tia có vẻ dài hơn). Các tia nhánh có độ dài khá đều nhưng không hoàn toàn bằng và sắc y hệt nhau như các ống kính nổi tiếng về tia đẹp. Về độ đẹp xấu thì mình không bình luận vì cái này mang tính chủ quan, có người thích ít tia, có người thích nhiều.

3.9. Mức độ "thở" (breathing) của ống kính

Hiện tượng "thở" hay lens breathing được quan tâm khi quay phim vì nó làm tiêu cự hay góc nhìn của ống kính thay đổi khi vị trí điểm lấy nét thay đổi. Đây là một điểm yếu của ống SLR Magic này khi mình nhận thấy góc nhìn ống kính tính theo trục ngang bị giảm còn 88.6% khi lấy nét ở khoảng cách gần nhất so với góc nhìn ở vị trí nét vô cực.

3.10. Khả năng chữa coma

Coma hay comatic aberration là đặc điểm các điểm sáng ở sát rìa và góc ảnh thay vì chỉ xuất hiện như một điểm tròn thì chúng bị kéo di đi do các tia sáng ở góc không hội tụ chính xác về cùng một điểm. Hiện tượng này được người chụp thiên văn rất quan tâm do nó làm các ngôi sao ở góc hình bị kéo dài chứ không thành một điểm gọn và nét. Coma là hiện tượng rất phổ biến với nhiều ống kính khẩu độ lớn, thậm chí là đắt tiền.

Với SLR Magic, do mình không thể chụp trời sao trong điều kiện thành phố hiện nay nên mình đánh giá bằng các đốm sáng ở góc hình như ở dưới các bạn có thể thấy. Ở khẩu f/1.4 hiện tượng coma khá rõ với khu vực góc hình. Khi giảm khẩu xuống f/2 mức độ coma giảm nhanh và ở f/2.8 điểm sáng gọn, hoàn toàn phù hợp để các bạn có thể chụp sao. Ở khu vực góc hình này, các bạn có thể thấy viền tím trục ngang ở các chi tiết có độ tương phản cao giống như việc chụp ngược sáng ban ngày.

3.11. Khả năng dùng với máy CROP (APS-C)

Mặc dù thiết kế cho máy ảnh full frame, SLR Magic 25mm hoàn toàn có thể dùng cho máy ảnh crop APS-C. Lúc này góc nhìn của ống kính sẽ tương đương ống kính 37mm trên máy ảnh full frame. Việc dùng SLR Magic 25mm trên máy crop hoàn toàn không phải phí phạm khi máy ảnh tận dụng được khu vực có chất lượng ảnh cao nhất (giữa hình), loại bỏ các yếu tố tối góc và chất lượng ảnh thấp hơn ở viền, góc. Với số lượng các máy ảnh cảm biến nhỏ dùng để quay phim nhiều như hiện nay thì đây cũng là một lựa chọn rất đáng chú ý. Tuy nhiên có một điểm mình không thích khi dùng ống kính này với máy A6300 là ống kính nặng làm cả bộ còn mất cân bằng hơn cả khi dùng với A7ii. Chắc chắn máy của bạn sẽ không thể đứng thẳng khi gắn ống kính này lên, nên cần cẩn thận khi đặt nó xuống mặt phẳng dễ gây trầy xước.

Mình có làm một so sánh nhanh combo A6300, SLR Magic 25mm f/1.4 với A7ii, Konica Hexanon 40mm f/1.8 (các bạn có thể đọc bài đánh giá Konica 40mm f/1.8 của mình ở đây . Góc nhìn của hai ống kính trên hai máy này rất gần nhau và khẩu độ f/1.4 của SLR Magic trên A6300 có DOF gần như Konica ở khẩu f/2 trên A7ii (tức là chụp cùng một khung hình các bạn phải nhân cả hệ số crop cho khẩu độ để ước lượng ra DOF tương tự nhau).

4. ẢNH CHỤP MẪU

Ảnh mẫu rất quan trọng để đánh giá khả năng của ống kính trong các điều kiện chụp khác nhau. Trừ ảnh đầu tiên là ảnh gốc mình xuất thẳng từ máy ra, tất cả ảnh đều đã được xử lý màu hậu kỳ (tuy nhiên mình không tăng độ nét hình). Các bạn có thể xem các hình ở trên để biết đặc tính ống kính khi ảnh chưa được xử lý. Các bạn click vào từng hình để xem được hình chất lượng cao nhất trên Flickr. Có một điểm lưu ý là ảnh trên trang web của Vsion có màu nhạt hơn khá rõ trên các trang web khác hay Flickr nên các bạn nên xem ảnh lớn ở Flickr để có nhận xét chính xác hơn. Ngoài ra, bài viết này đã có bản tiếng Anh mình đăng trên Sony Alpha Rumors nên các bạn có thể xem ảnh trên bản tiếng Anh sẽ gần hơn với ảnh mình xử lý.

5. KẾT LUẬN

Ở mức giá $399, SLR Magic 25mm f/1.4 cine không phải là một ống kính rất rẻ nhưng được định giá hợp lý và khá hấp dẫn so với các lựa chọn khác ở cùng khoảng tiêu cự này. Khi xác định sử dụng ống kính này, các bạn cần biết những hạn chế của nó để đầu tư và khai thác ống kính đạt hiệu quả cao nhất. Mặc dù đây là ống kính cine nhưng vì phạm vi bài đánh giá của mình không thể bao trùm cả mảng quay phim nên các bạn có thể tham khảo chất lượng khi quay phim của ống kính này ở các video mình cung cấp ở dưới do các tác giả khác thực hiện. Khi mình liên lạc với kỹ thuật viên của SLR Magic, họ cũng công nhận là ống kính được thiết kế với ưu tiên về kích thước để sử dụng được với gimbal nên có một số tính chất quang học không thể bằng các đối thủ cạnh tranh. Mặc dù vậy, theo mình SLR Magic cũng đã rất thành công khi giữ được mức độ lỗi quang học ở mức độ thấp trong một ống kính nhỏ gọn như thế này.

Mình so sánh với FE 28mm là do yếu tố tương đương mức giá, nhưng để biết được chính xác hơn chúng ta cần có kết quả so sánh với các ống kính cùng tiêu cự hoặc khác rất nhỏ như Batis 25mm f/2 hay Samyang 24mm f/1.4. Mặc dù chưa thấy có kết quả đánh giá được công bố, mình được biết từ một tác giả khác là ống kính này có thể so được với GM 24-70mm ở f/2.8! Tuy nhiên như mình giới thiệu ban đầu, định hướng của SLR Magic có vẻ đã chủ động tách ống kính này ra khỏi cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ trên.

SLR Magic 25mm f/1.4 cine là lựa chọn phù hợp nhất với các bạn muốn quay phim hoặc dùng ống kính này cho chụp street, chụp cảnh du lịch, chụp chân dung close up hay chụp chi tiết, sản phẩm. Khẩu độ mình hay dùng nhất là f/2.8-4 cho các nhu cầu không phải chụp cảnh, f/4-f/5.6 cho chụp close up để có DOF đủ lớn, và f/5.6-f/11 cho chụp cảnh (đôi lúc có thể dùng f/16 cho chụp cảnh nhưng cần xử lý tăng độ nét bằng hậu kỳ). Tuy nhiên các bạn hoàn toàn có thể dùng f/1.4-f/2 cho các hiệu ứng sáng tạo với DOF mỏng và chi tiết không cần quá nét. Với nhu cầu chụp sao, chụp thiên văn thì khoảng f/2-2.8 hoàn toàn đủ để tránh coma.

Điều cuối cùng mình muốn nói tới là mình rất ấn tượng với bộ phận marketing của công ty SLR Magic vì họ trả lời nhanh và lời lẽ rất chỉn chu, cũng như quy trình xử lý nhanh để sửa ống kính khi có gặp trục trặc. Đây có lẽ là một trong những điểm mạnh của các công ty mới đang cần giành giật thêm thị trường trong hoàn cảnh cạnh tranh khốc liệt như ngày nay.

Video tham khảo

Quay với A7Rii

Quay với Sony A7S

Quay với Sony A7Sii

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: